VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 54-57<br />
<br />
DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CÁC MÔN LÍ LUẬN CHÍNH TRỊ<br />
THEO HƯỚNG TIẾP CẬN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC<br />
Phạm Đức Minh - Trường Chính trị tỉnh Hải Dương<br />
Ngày nhận bài: 10/08/2018; ngày sửa chữa: 20/08/2018; ngày duyệt đăng: 26/08/2018.<br />
Absatrct: In universities, professional skill improvement is an important objective because there<br />
are many good graduates cannot meet the demand of the job and affirm their position in work and<br />
society. Therefore, it is not only the duty of professional subject but also political thesis to improve<br />
student’s professional skill. The article presents the teaching, testing and assessing political theory<br />
subjects according to professional skill in universities.<br />
Keywords: Testing, assessing, political thesis, approach capacity, occupation.<br />
1. Mở đầu<br />
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục toàn cầu, Việt Nam<br />
cũng đang thực hiện đổi mới GD-ĐT theo định hướng<br />
đánh giá năng lực. Vì vậy, dạy học theo hướng tiếp cận<br />
năng lực đã và đang trở thành một trong những vấn đề<br />
thời sự, một chủ trương lớn của ngành giáo dục và của<br />
xã hội. Bài viết tập trung nghiên cứu về vấn đề dạy học<br />
và kiểm tra, đánh giá các môn Lí luận chính trị (LLCT)<br />
theo hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp ở các trường<br />
đại học hiện nay.<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp<br />
Về cơ bản, các nhà nghiên cứu giáo dục phân chia<br />
chương trình dạy học thành 2 loại: dựa vào nội dung và<br />
năng lực. Chương trình dạy học dựa vào nội dung xuất<br />
phát từ quan niệm: dạy học là quá trình truyền thụ tri<br />
thức. Nhìn vào chương trình dạy học này, người dạy sẽ<br />
biết mình phải dạy những gì và học sinh sẽ biết mình phải<br />
học những gì. Chương trình dạy học dựa vào năng lực<br />
xuất phát từ quan niệm: dạy học là quá trình chuẩn bị cho<br />
người học những năng lực cần thiết bước vào cuộc sống.<br />
Do đó, chương trình môn học sẽ tập trung xác định đầu<br />
ra những năng lực (năng lực chung và năng lực chuyên<br />
biệt) cần đạt được ở người học. Qua đó, người dạy và<br />
người học sẽ xác định được những năng lực được hình<br />
thành ở người học. Như vậy, dạy học theo hướng tiếp cận<br />
năng lực là chương trình dạy học nhằm khắc phục những<br />
nhược điểm của dạy học định hướng nội dung “hàn lâm,<br />
kinh viện”.<br />
Theo Đại Từ điển Tiếng Việt: “Năng lực là khả<br />
năng đủ để thực hiện tốt một công việc” [1; tr 1087]. Các<br />
nhà nghiên cứu với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau nên<br />
chưa đưa ra định nghĩa thống nhất về năng lực. Tuy<br />
nhiên, các quan niệm đều đã chỉ ra những đặc trưng bản<br />
chất của năng lực, đó là: - Năng lực là sự tổng hợp các<br />
yếu tố kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, kinh nghiệm<br />
<br />
54<br />
<br />
và nhiều nguồn lực tinh thần khác; - Nói đến năng lực là<br />
nói đến khả năng thực hiện, khả năng hành động có thể<br />
đo đếm, xác định được chứ không chỉ dừng lại ở biết và<br />
hiểu; - Nói đến năng lực là nói đến hiệu quả của việc vận<br />
dụng những kiến thức, kĩ năng… để giải quyết các vấn<br />
đề đặt ra trong cuộc sống.<br />
Năng lực nghề nghiệp là tổng hợp những kiến thức, kĩ<br />
năng, thái độ của con người về nghề để đáp ứng những yêu<br />
cầu do nghề nghiệp đặt ra. Ví dụ, năng lực nghề nghiệp<br />
của người giáo viên là sự tổng hợp của 3 yếu tố: kiến thức<br />
chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và thái độ đối với nghề<br />
dạy học. Đào tạo giáo viên chính là quá trình làm thế nào<br />
để giúp người học đạt được 3 yếu tố này theo yêu cầu của<br />
nghề; từ đó, hình thành những năng lực đáp ứng yêu cầu<br />
của nghề, như: năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường<br />
giáo dục, năng lực dạy học, năng lực giáo dục, năng lực<br />
phát triển nghề... Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với các trường<br />
đại học là thiết kế và tổ chức thực hiện chương trình đào<br />
tạo cần căn cứ vào hệ thống năng lực nghề nghiệp mà nghề<br />
đòi hỏi; hay nói cách khác, các trường cần dạy học theo<br />
hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp.<br />
Cơ sở để xác định mục tiêu đào tạo theo hướng tiếp<br />
cận năng lực là những quy định cho một nghề. Ví dụ, đối<br />
với giáo viên trung học là Chuẩn nghề nghiệp của giáo<br />
viên trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ GDĐT ban hành kèm theo Thông tư số 30/2009/TTBGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT;<br />
đối với giáo viên tiểu học là Chuẩn nghề nghiệp giáo viên<br />
tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Quyết định<br />
số 14/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04/5/2007 của Bộ trưởng<br />
Bộ GD-ĐT…<br />
2.2. Vận dụng dạy học theo hướng tiếp cận năng lực<br />
nghề nghiệp vào các môn Lí luận chính trị ở trường<br />
đại học<br />
2.2.1. Xác định mục tiêu môn học theo hướng tiếp cận<br />
năng lực nghề nghiệp<br />
Email: dm.kinhte@gmail.com<br />
<br />
VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 54-57<br />
<br />
Trên cơ sở mục tiêu các môn LLCT được ban hành<br />
theo văn bản của Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh<br />
và Xã hội và chuẩn năng lực của nghề, giảng viên (GV)<br />
các môn LLCT xác định rõ môn học, tiết học sẽ góp phần<br />
hình thành những năng lực nghề gì cho sinh viên (SV).<br />
Đặc thù của các môn học là trang bị kiến thức cơ bản về<br />
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối<br />
cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam...; từ đó, sẽ góp<br />
phần hình thành cho SV những năng lực nghề: - Hình<br />
thành thái độ đúng đắn với nghề (đây là một thành tố quan<br />
trọng cấu thành toàn bộ các tiêu chuẩn, tiêu chí của năng<br />
lực nghề); - Hình thành những năng lực nghề chung cho<br />
mọi nghề (năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề<br />
của nghề theo tư duy biện chứng…); - Rèn luyện những<br />
năng lực nghề chuyên biệt (hát, đóng kịch, kể chuyện của<br />
giáo viên mầm non, thuyết trình của nghề hướng dẫn viên<br />
du lịch…).<br />
2.2.2. Tổ chức dạy học<br />
- Lựa chọn kiến thức giảng dạy: GV lựa chọn kiến thức<br />
theo hướng tích hợp kiến thức của môn học với khối kiến<br />
thức ngành, với thực tế ngành nghề đào tạo của SV, giúp<br />
SV vận dụng kiến thức của các môn LLCT vào nghề<br />
nghiệp của mình. Ví dụ, đối với ngành Sư phạm Mầm non,<br />
GV có thể gắn kiến thức các môn LLCT với những chủ đề<br />
ở trường mầm non (chủ đề gia đình, động vật, thực vật...);<br />
đối với ngành Quản trị kinh doanh có thể gắn với các quy<br />
luật xã hội, quy luật kinh tế, quy luật tâm lí trong tuyển<br />
dụng, quản trị nhân lực...; GV cũng có thể cho SV xem<br />
những hình ảnh, phim, video clip... về thực tế diễn ra trong<br />
ngành nghề đào tạo, từ đó hướng dẫn SV khái quát, rút ra<br />
kiến thức của các môn LLCT.<br />
- Lựa chọn phương pháp giảng dạy: khi bắt đầu vào<br />
học học phần các môn LLCT, GV giao cho SV nội dung<br />
tự học ở nhà của cả học phần. Nội dung này được thiết kế<br />
gắn chặt với việc hình thành năng lực nghề nghiệp của<br />
người học. Vì vậy, cùng một môn học nhưng GV sẽ phải<br />
xây dựng những nội dung tự học khác nhau cho những<br />
ngành đào tạo khác nhau. Ví dụ, yêu cầu SV ngành Sư<br />
phạm Mầm non xuống trường mầm non quan sát các hoạt<br />
động giáo dục để nhận xét về tính toàn diện trong giáo dục<br />
trẻ Mầm non; SV ngành Môi trường tìm hiểu, quan sát sự<br />
tác động của môi trường với con người để thuyết trình về<br />
mối liên hệ, tác động qua lại giữa các sự vật, hiện tượng;<br />
SV ngành Kế toán thảo luận nhóm để nhận xét về tính<br />
khách quan trong các báo cáo kế toán, tài chính... Những<br />
công việc này SV phải chuẩn bị ở nhà trước khi lên lớp.<br />
Ở trên lớp, trên cơ sở kết quả chuẩn bị bài ở nhà của<br />
SV, GV tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học<br />
tích cực như thảo luận, đối thoại… Chẳng hạn, khi dạy<br />
về Nguyên lí mối liên hệ phổ biến (môn Những nguyên lí<br />
cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chương II: Phép biện<br />
<br />
55<br />
<br />
chứng duy vật) trên cơ sở nội dung tự học đã giao cho<br />
SV chuẩn bị ở nhà từ trước, GV cho SV ngành Sư phạm<br />
tiểu học kể chuyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi’’; cho<br />
SV ngành Môi trường thuyết trình về sự tác động qua lại<br />
giữa môi trường và con người để thấy được cần có quan<br />
điểm toàn diện trong nhận thức và hành động; đồng thời<br />
phê phán quan điểm phiến diện…<br />
Bản chất và yêu cầu của tiếp cận năng lực là biết làm,<br />
biết vận dụng kiến thức và kĩ năng để giải quyết một vấn<br />
đề trong học tập, cuộc sống. Vì vậy, SV cần được luyện<br />
tập vận dụng kết hợp các thành phần kiến thức, kĩ năng,<br />
thái độ trong những tình huống ứng dụng nghề nghiệp. Để<br />
đáp ứng điều này, khi dạy học các môn LLCT, GV cần<br />
tăng cường nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng các tình huống,<br />
các trường hợp điển hình gắn với nghề nghiệp đang học.<br />
Những tình huống đó chứa đựng vấn đề cần giải quyết và<br />
để giải quyết được đòi hỏi phải có những quyết định dựa<br />
trên cơ sở lập luận. Kiến thức của chủ nghĩa Mác - Lênin,<br />
tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối của Đảng cộng sản<br />
Việt Nam lúc này là những định hướng, phương pháp luận<br />
chung nhất để giải quyết vấn đề.<br />
2.2.3. Việc học của sinh viên<br />
Dạy và học là 2 hoạt động thống nhất biện chứng với<br />
nhau, sự thay đổi vế phương pháp giảng dạy của GV kéo<br />
theo sự thay đổi của phương pháp học. Trong các môn<br />
LLCT, việc giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực nghề<br />
nghiệp dẫn đến việc học cũng gắn theo định hướng này.<br />
SV luôn phải tìm hiểu, nắm bắt thực tế, kĩ năng nghề<br />
nghiệp của ngành đào tạo để tích hợp trong việc học các<br />
môn LLCT. SV không thể học thuộc “máy móc” mà phải<br />
tư duy sáng tạo trong học tập; cũng không thể chỉ học<br />
trong giáo trình mà phải tích cực đi thực tế, lên thư viện,<br />
lên mạng tra cứu, tìm kiếm, cập nhật thông tin phục vụ<br />
cho việc học tập. Tất cả những điều này làm cho quá trình<br />
truyền thụ tri thức “một chiều” của GV trở thành quá<br />
trình tự học có hướng dẫn và quản lí của GV; từ đó góp<br />
phần tiếp cận các năng lực nghề nghiệp chung của người<br />
học như năng lực sáng tạo, tự cập nhật, tự nghiên cứu…<br />
2.2.4. Tổ chức kiểm tra, đánh giá<br />
Cùng với việc dạy học, kiểm tra, đánh giá cũng góp<br />
phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và<br />
học tập các môn LLCT. Theo định hướng tiếp cận năng lực,<br />
việc đánh giá kết quả học tập không lấy việc kiểm tra khả<br />
năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm của việc đánh<br />
giá mà cần chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức<br />
trong những tình huống ứng dụng khác nhau. Vấn đề đặt ra<br />
trong đánh giá ở các môn LLCT là cần phải xây dựng được<br />
hệ thống câu hỏi vừa kiểm tra, đánh giá được việc nắm tri<br />
thức của SV, lại vừa kiểm tra, đánh giá được sự vận dụng<br />
những tri thức đó vào thực tế xã hội, ngành nghề đào tạo.<br />
<br />
VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 54-57<br />
<br />
Để việc kiểm tra, đánh giá các môn LLCT theo hướng<br />
tiếp cận năng lực nghề nghiệp, GV cần: dựa vào chuẩn<br />
năng lực nghề để ra đề, phải cung cấp phản hồi kịp thời<br />
để người học tự hoàn thiện năng lực.<br />
Sau đây, chúng tôi đưa ra một số ví dụ về đề kiểm tra<br />
theo hướng tiếp cận năng nghề nghiệp của môn Những<br />
nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi giảng<br />
về cùng 1 nội dung Ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ<br />
mối quan hệ vật chất và ý thức (Chương I: Chủ nghĩa duy<br />
vật biện chứng), với những ngành khác nhau, GV có thể<br />
đưa ra những đề kiểm tra khác nhau như sau:<br />
- Đề kiểm tra dành cho SV khối ngành Sư phạm<br />
(ngành Tiểu học):<br />
Anh (chị) hãy đọc bài viết sau:<br />
Thiên vị con giáo viên - phỏng vấn người trong cuộc<br />
Nhiều bạn bức xúc với hiện tượng cô giáo thiên vị<br />
con giáo viên. Bạn Phạm Đức Duy, phóng viên nhỏ<br />
(PVN) CLB Nhà Thiếu nhi tỉnh Hưng Yên đã có cuộc<br />
phỏng vấn mẹ bạn - một giáo viên trường tiểu học Quảng<br />
Châu - thành phố Hưng Yên về chủ đề này. Sau đây là<br />
nội dung cuộc phỏng vấn:<br />
PVN Duy: - Thưa mẹ, có không ít bạn học sinh bức<br />
xúc về việc giáo viên thiên vị con thầy cô giáo. Mẹ nghĩ<br />
gì về việc này?<br />
Giáo viên (Mẹ Duy): - Hành động này là không tốt,<br />
vì muốn con giáo viên ngoan, học giỏi phải càng nghiêm<br />
khắc để không tạo nên thói ỷ lại cho con em, nhất là con<br />
giáo viên.<br />
PVN Duy: - Trong thời gian qua, mẹ có thiên vị con<br />
giáo viên không ạ?<br />
Giáo viên (Mẹ Duy): - Mẹ đã thực hiện nguyên tắc là<br />
không thiên vị bất cứ em học sinh nào, dù là con giáo<br />
viên hay không.<br />
PVN Duy: - Nếu thấy đồng nghiệp của mẹ làm như<br />
vậy, mẹ sẽ làm gì?<br />
Giáo viên (Mẹ Duy): - Mẹ sẽ gặp trực tiếp thầy giáo<br />
cô giáo ấy, giải thích cho đồng nghiệp hiểu cái sai và tác<br />
hại của hành vi này, khuyên họ phải công bằng trong đối<br />
xử với học sinh, tránh làm hại chính các em học sinh là<br />
con của giáo viên.<br />
PVN Duy: - Con cảm ơn mẹ ạ!.<br />
(Theo http://www.cmvn.org.vn/ ngày 15/3/2011)<br />
Câu hỏi:<br />
1. Anh (chị) có đồng tình với quan điểm của mẹ Duy<br />
không? Vì sao?<br />
2. Việc thiên vị con giáo viên vi phạm nguyên tắc gì<br />
của chủ nghĩa duy vật biện chứng? Nguyên tắc này có<br />
yêu cầu gì?<br />
<br />
56<br />
<br />
3. Trong nhà trường Tiểu học, còn có những biểu<br />
hiện nào vi phạm nguyên tắc trên? Hãy phê phán và đề<br />
xuất biện pháp khắc phục.<br />
- Đề kiểm tra dành cho SV khối ngành Kinh tế (ngành<br />
Kế toán):<br />
Anh (chị) hãy đọc thông tin sau:<br />
Hiện nay, bằng nhiều cách lách luật khác nhau, các<br />
doanh nghiệp mỗi năm đang trốn thuế nhà nước hàng<br />
trăm tỉ đồng, có doanh nghiệp còn kê khai lỗ nhiều năm<br />
liền, trong khi đó lại đầu tư mở rộng kinh doanh.<br />
Thủ đoạn mà các doanh nghiệp thường làm để trốn<br />
thuế là kê giá nguyên liệu đầu vào rất cao, đồng thời tìm<br />
mọi cách khai tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi nhằm<br />
triệt tiêu lợi nhuận. Ở một trình độ cao hơn, doanh nghiệp<br />
còn thành lập một nhóm nhiều doanh nghiệp, trong đó có<br />
doanh nghiệp đặt ở TP. Hồ Chí Minh, có doanh nghiệp<br />
đặt ở các tỉnh, thành khác được ưu đãi thuế. Những doanh<br />
nghiệp trong nhóm chuyển lãi qua doanh nghiệp được<br />
hưởng ưu đãi thuế để doanh nghiệp này không phải đóng<br />
thuế hoặc đóng rất ít, những doanh nghiệp còn lại thì<br />
không phải đóng thuế do không có lãi. Điều này đồng<br />
nghĩa với việc nhà nước không chỉ thất thu một khoản<br />
thuế lớn mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh<br />
giữa các doanh nghiệp.<br />
(Theo VOV.VN ngày 13/8/2011)<br />
Câu hỏi:<br />
1. Hãy dùng nguyên tắc khách quan của chủ nghĩa<br />
duy vật biện chứng để phân tích việc trốn thuế của các<br />
doanh nghiệp trong thông tin trên.<br />
2. Sau này trở thành nhân viên kế toán, anh (chị) sẽ<br />
vận dụng yêu cầu của nguyên tắc khách quan vào nghề<br />
nghiệp của mình như thế nào?<br />
- Đề kiểm tra dành cho SV khối ngành Khoa học xã<br />
hội và nhân văn (ngành Quản lí văn hoá):<br />
Anh (chị) hãy đọc bài viết sau:<br />
Hơn chục năm qua, TS. Bùi Quang Thắng được<br />
VICAS giao cho tổ chức, phục dựng nhiều lễ hội truyền<br />
thống. Trong quá trình tổ chức lễ hội, ông luôn tuân thủ<br />
nguyên tắc: không áp đặt ý chí chủ quan của mình vào<br />
cộng đồng. Từ việc xây dựng kịch bản tổng thể đến kịch<br />
bản chi tiết ở từng nghi thức của lễ hội, từ phân công thực<br />
hiện đến việc luyện tập, ông cùng êkíp của mình luôn<br />
thảo luận cùng với địa phương và những người đại diện<br />
cho các cộng đồng. Điều đó đã tạo được lòng tự hào của<br />
người dân về lễ hội mà họ đã góp công, góp sức xây dựng<br />
nên. Đó cũng chính là sức mạnh tinh thần để lễ hội sống<br />
trong lòng cộng đồng.<br />
(Theo http://vicas.org.vn/ ngày 18/2/2011)<br />
Câu hỏi:<br />
<br />
VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 54-57<br />
<br />
1. Dựa vào ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ mối<br />
quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức, anh (chị) hãy<br />
phân tích ưu điểm của kinh nghiệm trên.<br />
2. Từ vấn đề trên, anh (chị) rút ra bài học gì để vận<br />
dụng vào công tác quản lí văn hóa của anh (chị) sau này?<br />
- Đề kiểm tra dành cho SV khối ngành Khoa học kĩ<br />
thuật - Công nghệ (ngành Môi trường):<br />
Anh (chị) hãy đọc những thông tin sau:<br />
Môi trường là vấn đề thách thức lớn nhất đối với toàn<br />
cầu, mỗi quốc gia và khu vực trong thế kỉ XXI, đặc biệt<br />
ở những thành phố đông dân cư như Hà Nội. Chính vì<br />
vậy, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng, Nhà<br />
nước và Chính phủ cũng như Đảng và chính quyền Thủ<br />
đô đặc biệt quan tâm. Ngày 15/11/2004 Bộ Chính trị đã<br />
ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về Bảo vệ môi trường<br />
trong thời kì CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết đề ra<br />
nhiệm vụ: Đối với đô thị và ven đô thị cần chấm dứt nạn<br />
đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lí, khắc phục tình<br />
trạng mất vệ sinh nơi công cộng; trong quy hoạch bố trí<br />
diện tích đất hợp lí cho các nhu cầu về cảnh quan môi<br />
trường; tăng lượng cây xanh dọc các tuyến phố… Đối<br />
với vùng nông thôn: Hạn chế sử dụng hoá chất trong<br />
canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; thu gom và<br />
xử lí hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hoá<br />
chất sau khi sử dụng; bảo vệ chất lượng các nguồn nước,<br />
đặc biệt chú ý khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng<br />
bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm; Hình<br />
thành nếp sống hợp vệ sinh gắn với việc khôi phục phong<br />
trào xây dựng “ba công trình vệ sinh” của từng hộ gia<br />
đình phù hợp với tình hình thực tế…<br />
(Theo http://thuvienphapluat.vn/)<br />
Câu hỏi:<br />
1. Bằng nguyên tắc khách quan trong chủ nghĩa duy<br />
vật biện chứng, anh (chị) hãy lí giải việc Nghị quyết số<br />
41-NQ/TW đưa ra các giải pháp khác nhau trong bảo vệ<br />
môi trường của vùng đô thị, ven đô thị và vùng nông thôn.<br />
2. Rút ra ý nghĩa đối với người cán bộ môi trường.<br />
Với cách đánh giá như trên, đề kiểm tra, thi được ra<br />
rất đa dạng, phong phú, nội dung đề có tính hấp dẫn đối<br />
với cả GV và SV; vừa đánh giá được mức độ nắm kiến<br />
thức, vừa đánh giá được khả năng vận dụng kiến thức<br />
của các môn LLCT vào thực tế nghề nghiệp của người<br />
học. Về phía SV, thay vì đơn thuần là tái hiện kiến thức<br />
đã được học thì phải tổng hợp những kiến thức này để<br />
phân tích những vấn đề thực tiễn trong ngành mình, dùng<br />
kiến thức của các môn LLCT là những định hướng chung<br />
để tiếp cận ngành nghề đào tạo, góp phần hình thành<br />
năng lực nghề cho SV.<br />
Tuy nhiên, với cách ra đề kiểm tra, thi như trên, GV<br />
phải mất nhiều thời gian, phải đào sâu suy nghĩ, phải có<br />
<br />
57<br />
<br />
kiến thức hiểu biết liên ngành. Mặt khác, với những SV<br />
học khá, ham học hỏi thì rất hứng thú với kiểu ra đề kiểm<br />
tra, thi này, nhưng với SV học trung bình, kém, quen thụ<br />
động thì cho rằng những đề kiểm tra, thi như vậy là khó,<br />
không biết cách làm, thậm chí chán nản trong học tập, vì<br />
vậy nhà trường, GV cần có những biện pháp hỗ trợ<br />
những các em.<br />
3. Kết luận<br />
Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp<br />
trong dạy học các môn LLCT ở các trường đại học không<br />
chỉ trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác<br />
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của<br />
Đảng, góp phần hình thành, bồi dưỡng cho SV thế giới<br />
quan và phương pháp luận khoa học, định hướng suy nghĩ,<br />
hành động cho thế hệ trẻ mà còn giúp SV đạt được năng<br />
lực nghề nghiệp; trên cơ sở đó góp phần nâng cao chất<br />
lượng dạy học các môn LLCT hiện nay.<br />
Tài liệu tham khảo<br />
[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên, 2011). Đại Từ điển Tiếng<br />
Việt. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.<br />
[2] Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện<br />
giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp<br />
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường<br />
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.<br />
[3] Nguyễn Văn Cường - Bernd Meier (2012). Lí luận<br />
dạy học hiện đại. NXB Đại học Sư phạm.<br />
[4] Tạ Thị Thúy Ngân (2013). Đào tạo sinh viên ngành<br />
Giáo dục công dân theo hướng tăng cường kĩ năng<br />
nghề nghiệp ở Trường Cao đẳng Hải Dương. Kỉ yếu<br />
Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức - công dân<br />
trong giáo dục phổ thông Việt Nam, Trường Cao<br />
đẳng Hải Dương, tr 79-85.<br />
[5] Đỗ Ngọc Thống (2013). Xây dựng chương trình<br />
giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực.<br />
Tạp chí Khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục<br />
Việt Nam, số tháng 5/2013; tr 25-28.<br />
[6] Nguyễn Duy Bắc (2004). Một số vấn đề lí luận và<br />
thực tiễn về dạy và học môn học Mác - Lênin, tư<br />
tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học. NXB<br />
Chính trị Quốc gia - Sự thật.<br />
[7] Trần Văn Phòng (2016). Phương pháp giảng dạy<br />
tích cực với việc nâng cao chất lượng giảng dạy các<br />
môn Lí luận chính trị ở các trường đại học sư phạm<br />
hiện nay. Kỉ yếu Hội thảo quốc gia “Nghiên cứu và<br />
giảng dạy Lí lận chính trị trong xu thế toàn cầu hóa”.<br />
NXB Lí luận chính trị, tr 183-189.<br />
[8] Phạm Huy Kỳ (2010). Lí luận và phương pháp<br />
nghiên cứu, giáo dục lí luận chính trị. NXB Chính<br />
trị - Hành chính.<br />
<br />