intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đề cương ôn tập Động vật không xương sống

Chia sẻ: Phan Hồng Anh | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:17

887
lượt xem
201
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đề cương ôn tập thi hết kỳ môn Động vật không xương sống.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đề cương ôn tập Động vật không xương sống

  1. ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP Môn: ĐỘNG VẬT KHÔNG CÓ XƯƠNG SỐNG Câu 1: Đặc điểm cơ bản của Động vật nguyên sinh (Protozoa)? Lấy dẫn chứng đại diện để mình họa sự đa dạng của các đặc điểm đó? Các đặc điểm cơ bản của phân giới Động vật nguyên sinh rất đa dạng. 1. Câu tạo cơ thể - Cơ thể chỉ có một tế bào (tế bào biệt hóa đa năng) nhưng là những cơ thể độc lập nên các phần của cơ thể được phân hóa thành các cơ quan tử để thực hiện các chức phận khác nhau. Một số cơ quan tử không có ở tế bào động vật đa bào: bao chích, không bào co bóp… - Tế bào của động vật nguyên sinh gồm có nhân và tế bào chất. Kích thước, lượng dịch nhân, hình dạng và cách sắp xếp của nhân thay đổi tùy từng nhóm ĐVNS khác nhau. - Các ĐVNS nhỏ nhất chỉ có kích thước từ 2 - 4µm (họ Pyroplasmidae), kích thước trung bình là 50 - 150µm. Tuy nhiên cũng có một số ĐVNS có kích thước lớn, từ vài mm đến vài cm (Trùng cỏ Bursalia dài 1,5mm; Trùng Hai đoạn Porospora gigantea dài khoảng 1cm; một số trùng có lỗ có đường kính vỏ đạt tới 5 – 6cm). - Mỗi nhóm ĐVNS có hình dạng và kiểu đối xứng khác nhau: + Không đối xứng: Trùng chân giả + Đối xứng tỏa tròn: Amip + Đối xứng hai bên: Trùng phóng xạ + Đối xứng qua một mặt phẳng duy nhất: Trùng roi 2. Hoạt động sinh lý - Đối với nhóm ĐVNS chưa có cơ quan tử vận chuyển thì vận chuyển bằng cách hình thành chân giả (Trùng Chân giả). Một số nhóm khác có cơ quan tử vận chuyển rõ ràng như roi (Trùng roi), lông hay tơ (Trùng lông) thì vận chuyển bằng bơi, lội trong nước. - Phần lớn ĐVNS là dị dưỡng (dị dưỡng tiêu hóa hoặc dị dưỡng hấp thụ), trừ Trùng roi có khả năng tự dưỡng. - Tiêu hóa của ĐVNS tiến hành trong tế bào nhờ các không bào tiêu hóa. - Cách bắt mồi của ĐVNS khác nhau:
  2. + Bắt mồi bằng chân giả: Trùng chân giả + Bắt mồi bằng sự di chuyển của roi để đưa thức ăn và dưỡng khí vào: Trùng roi + Dùng chất độc của tế bào chích làm tê liệt con mồi: Trùng cỏ + Bám vào ruột vật chủ để hút dinh dưỡng: Trùng hai đoạn - Bài tiết, điều hòa áp suất thẩm thấu của ĐVNS là các không bào co bóp. - ĐVNS có khả năng hình thành bào xác khi gặp điều kiện sống bất lợi. 3. Sinh sản ĐVNS có một số hình thức sinh sản khác nhau: - Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản phổ biến ở ĐVNS. Biểu hiện như sự phân đôi (chia đôi cơ thể theo chiều học hay chiều ngang), nảy chồi, liệt sinh… Kết quả dẫn tới sự hình thành tập đoàn ĐVNS (Trùng đế giày sinh sản vô tính bằng phân đôi cơ thể; sinh sản vô tính ở tập đoàn Vonvox…). - Sinh sản hữu tính: ở mức độ thấp là sự hình thành các giao tử giống nhau hay khác nhau (Trùng roi) hay có hiện tượng sinh sản hữu tính bằng cách tiếp hợp (Trùng cỏ). Hình thức xen kẽ giữa sinh sản vô tính và hữu tính trong vòng đời có thể thấy ở Trùng bào tử: Sinh sản vô tính tạo ra rất nhiều cá thể (ở một vật chủ) và sinh sản hữu tính tạo ra các mầm giao tử và các giao tử (ở một vật chủ khác). Câu 2: Các hình thức sinh sản của Động vật nguyên sinh? Nêu đại diện minh họa Ở ĐVNS có các hình thức sinh sản vô tính và hữu tính.  Sinh sản vô tính: - Sinh sản vô tính bằng phân đôi: Trùng biến hình, Trùng mắt (phân đôi theo chiều dọc), Trùng đế giày (phân đôi theo chiều ngang). - Sinh sản vô tính liệt sinh: Trùng sốt rét. Từ một các thể, một TB sau khi sinh sản cho nhiều TB. Trước hết nhân phân chia thành nhiều phần, sau đó chất nguyên sinh cũng phân chia thành số phần tương ứng. Cuối cùng, mỗi phần nhân cùng một phần chất nguyên sinh tách ra tạo thành một cá thể mới.  Sinh sản hữu tính: - Đồng giao tử (các giao tử đực và cái hoàn toàn giống nhau về hình dạng, kích thước và khả năng hoạt động):
  3. - Dị giao tử (các giao tử đực và cái có khác nhau về hình dạng và kích thước cũng như khả năng hoạt động; thường là giao tử đực nhỏ hơn và hoạt động tích cực hơn): - Noãn giao (giao tử đực là tinh trùng rất nhỏ, hoạt động tích cực; giao tử cái là trứng rất lớn và không hoạt động): - Hiện tượng tiếp hợp: Đây là kiểu sinh sản hữu tính rất đặc trưng của Trùng lông bơi. Chúng không tạo thành giao tử mà hiện tượng trao đổi bộ nhân xảy ra khi 2 cá thể ghép đôi (tiếp hợp), sinh sản bằng phân chia chỉ xảy ra sau khi rời bạn ghép đôi. Trong quá trình tiếp hợp, 2 cá thể Trùng lông bơi khác dòng ghép đôi. Màng TB phía bụng bị dung giải tạo cầu nối TBC giữa 2 cá thể. Nhân lớn tiêu biến dần, nhân bé giảm phân cho 4 tiền nhân đơn bội. Ba trong số 4 tiền nhân tiêu biến, chỉ còn lại 1 tiền nhân nguyên phân để cho 2 tiền nhân mới. Tùy theo chúng ở lại hay di chuyển sang cơ thể bạn ghép đôi mà có tên gọi là tiền nhân định cư hoặc tiền nhân di động. Tiền nhân di động của cá thể này sau khi gặp tiền nhân định cư của cá thể kia sẽ phối hợp thành nhân kết hợp mang vốn di truyền mới. Tiếp theo, 2 cá thể rời nhau. Nhân kết hợp trong mỗi cá thể nguyên phân để cho 4 nhân bé và 4 nhân lớn rồi phân chia vô tính để cho 4 cá thể mới.  Hiện tượng xen kẽ giữa sự sinh sản vô tính và sự sinh sản hữu tính qua các thế hệ của cùng một loài: Trùng sốt rét Plasmodium.  Ý nghĩa của sinh sản vô tính và hữu tính: Câu 3: Chu trình phát triển của Trùng sốt rét Plasmodium vivax và bệnh sốt rét ở Việt Nam?  Trùng sốt rét sống ký sinh trong hồng cầu. Chu trình phát triển phải qua 2 vật chủ với 2 hình thức sinh sản khác nhau: sinh sản vô tính trong máu của ĐVCXS và sinh sản hữu tính bằng sự hình thành tử bào tử trong các ĐVKXS (muỗi).  Chu trình phát triển không phải trải qua môi trường ngoài nên được gọi là bào tử trần, không có vỏ đặc biệt bảo vệ.  Chu kỳ sinh sản của Trùng sốt rét ở người và muỗi có 2 giai đoạn: giai đoạn sinh sản vô tính trong người và giai đoạn sinh sản hữu tính trong cơ thể muỗi truyền bệnh.
  4. A. Giai đoạn sinh sản vô tính trong cơ thể người Trùng sốt rét sau khi được muỗi Anopheles truyền vào máu người, bắt đầu sinh sản vô tính qua 2 thời kỳ: 1. Thời kỳ ngoài hồng cầu: Trước khi hút máu, khi đốt người, muỗi đã bơm nước bọt vào cơ thể người cùng với Trùng sốt rét dưới dạng tử bào tử. Tử bào tử theo máu xâm nhập vào gan. Chúng chỉ tồn tại trong máu từ nửa giờ đến 1h, vì máu không phải là môi trường thích hợp của chúng. Đến gan, tử bào tử xâm nhập vào tế bào gan, dồn nhân tế bào gan về một phía, chúng ăn (bằng cách thẩm thấu) chất nguyên sinh của tế bào và bắt đầu lớn lên thành liệt thể là một dạng tròn, chuẩn bị sinh sản. Khi đủ điều kiện, liệt thể sinh sản bằng hình thức liệt sinh cho ra nhiều liệt tử. Các liệt tử phá vỡ tế bào gan, chui vào tế bào gan khác và tiếp tục liệt sinh. Thời kỳ này kéo dài 14 ngày. Bệnh nhân chưa có triệu chứng gì. Số lượng liệt tử trong gan rất lớn. Đại bộ phận liệt tử xâm nhập vào máu, một số ít xâm nhập vào tế bào gan khác để tiếp tục liệt sinh như trên. 2. Thời kỳ trong hồng cầu: Liệt tử từ gan vào máu, xâm nhập vào hồng cầu, bắt đầu giai đoạn trong hồng cầu. Chúng hút hết huyết cầu tố và huyết cầu tố trong cầu trùng biến thành một sắc tố có hạt màu đen (melanin). Chúng lớn lên rất nhanh thành liệt thể. Liệt thể liệt sinh cho nhiểu liệt tử. Tới mức độ chín, liệt thể phá vỡ hồng câu và giải phóng liệt tử. Lúc này ứng với cơn sốt xảy ra trong lâm sàng. Liệt tử rời bỏ hồng cầu và chui vào hồng cầu mới để tái diễn quá trình trước trong đó. Cứ như vậy, liệt sinh có thể xảy ra một vài lần trước khi sinh sản hữu tính. Cuối cùng, không hình thành các liệt tử mà hình thành nên các mầm giao tử (gametocyte): mầm giao tử lớn và mầm giao tử bé. Các mầm giao tử này không tiếp tục phát triển thêm trong cơ thể người mà sẽ phát triển thành giao tử ở muỗi. Nếu không được muỗi hút vào, sau một thời gian, chúng bị tiêu hủy; chúng không có khả năng gây bệnh nếu không qua muỗi. Thời gian hoàn thành chu kỳ sinh sản vô tính trong hồng cầu của Plasmodium vivax kéo dài khoảng 48h. Trong hồng cầu, chúng đã gây ra 2 tác hại lớn:  Ăn hết hemoglobine và phá vỡ hàng loạt hồng cầu.
  5.  Thải chất bã đen – melanin rất có hại cho hồng cầu. B. Giai đoạn sinh sản hữu tính ở muỗi Anopheles Khi muỗi hút máu người, các mầm giao tử có trong máu người bệnh được truyền sang cơ thể muỗi sốt rét. Mầm giao tử vào ống tiêu hóa của muỗi Anopheles sẽ phát triển thành giao tử. Ở dạ dày muỗi, mầm giao tử lớn tiếp tục phát triển cho 1 giao tử cái, còn mầm giao tử nhỏ lại sinh ra roi bằng cách kéo dài chất nguyên sinh. Giao tử cái và giao tử đực thụ tinh cho ra hợp tử. Hợp tử có khả năng di động, gọi là trứng động (ookinet). Về sau, trứng động lách qua thành dạ dày muỗi vào thể xoang, dần dần phân chia ra nhiều bào tử không màng. Chúng lên tuyến nước bọt của muỗi. Khi muỗi đốt người, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể người. Lúc đốt, vô số tử bào tử chui vào máu người. Từ muỗi sang người, trước tiên tử bào tử chui vào các TB nội mô của các mạch, sinh sản trong đó một thời gian ngắn và ngay đó, chúng rời nội mô vào mạch để chui vào hồng cầu. Chỉ vào thời gian ấy, mới bắt đầu giai đoạn đầu của chu kỳ sống như đã mô tả. Câu 4: Đời sống ký sinh dã để lại dấu vết gì lên hình thái, cấu tạo và sinh sản, phát triển của giun giẹp ký sinh? Lấy sán lá gan Fasciola hepatica làm dẫn chứng minh họa. Nhóm giun giẹp sống ký sinh được xuất hiện từ nhóm giun giẹp sống tự do trong nước và đất ẩm, có những biến đổi thích nghi sau: 1. Tiêu giảm lông, hình thành và phát triển giác bám, móc bám. - Cấu tạo cơ thể của sán lá gan giống với sán lông ở nhiều điểm, tuy nhiên, do có đời sống ký sinh nên ở sán lá gan, lớp biểu mô có lông tiêu biến, lớp tế bào hình thành biểu mô có lông chuyển sâu vào trong nhu mô đệm. - Đồng thời, ở sán lá gan hình thành 2 giác bám, một giác bám bụng và một giác bám miệng. Giác bám có hình đĩa, được biến đổi từ hệ cơ. Ngoài giác bám còn có các gai cuticun giúp cho sán bám chắc hơn vào cơ thể vật chủ. 2. Một số hệ nội quan tiêu giảm, hệ sinh dục lưỡng tính, phát triển phức tạp và nhiều trứng. - Sán lá gan ăn thức ăn trong ruột và máu của vật chủ, tiêu hóa nội bào là chính. Do vậy, ở sán lá gan không có ruột sau và hậu môn.
  6. - Hệ thần kinh của sán lá gan gồm đôi hạch não nằm trên hầu và các đôi dây thần kinh. Các cơ quan cảm giác tiêu giảm. - Sán lá gan không có hệ tuần hoàn và hệ hô hấp. - Sán lá gan lưỡng tính, hệ sinh dục phát triển phức tạp. Cơ quan sinh dục đực gồm 2 tuyến tinh lớn, 2 ống dẫn tinh nhỏ chập với nhau thành ống phóng tinh, tận cùng là cơ quan giao phối. Cơ quan sinh dục cái gồm tuyến trứng (nhỏ hơn tuyến tinh), ống dẫn trứng từ tuyến trứng đổ vào ootyp; ngoài ra có noãn hoàng ngắn, phình to, đổ vào ootyp. Từ ootyp có tử cung dài, phân nhánh, chứa nhiều trứng, đổ vào lỗ sinh dục cái trong huyệt sinh dục. - Vòng đời của sán lá gan trải qua nhiều giai đoạn phát triển với những điều kiện nhất định (trứng phải có nước, ấu trùng phải gặp các loài ốc thích hợp, các giai đoạn tiếp theo phải vào được cơ thể trâu, bò hay người). Vì vậy, xác suất để sán là gan xâm nhập được vào vật chủ phù hợp và kết thúc vòng đời là không cao, nên sán lá gan cần phát triển cơ quan sinh dục để hình thành nhiều trứng. 3. Chu trình phát triển của sán lá gan: từ trứng qua redia đến aldolescaria + Sán lá gan trưởng thành trong nội quan của ĐVCXS. Trứng theo phân rơi vào nước, nở thành miracidium có lông bơi di chuyển tự do trong nước. + Sau một thời gian, miracidium xâm nhập vào cơ thể vật chủ trung gian thứ nhất là một loài ốc, mất lông bơi và chuyển thành sporocyst chứa tế bào mầm. + Các tế bào mầm của sporocyst phát triển thành redia chứa các tế bào mầm mới, và từ tế bào mầm này cho ra cercaria có đặc điểm giống với trưởng thành. + Sau một thời gian, cercaria bám vào lá cây thủy sinh, rụng đuôi, kết vỏ cứng tạo thành bào xác. Cũng có khi cercaria có phần đầu kết vỏ trong suốt nằm trong nội quan của vật chủ trung gian thứ hai trước khi vào vật chủ chính (gọi là metacercaria). + Dạng cercaria hay metacercaria là dạng nhiễm bệnh sán lá gan ở trâu bò. Khi trâu bò ăn cỏ, bào xác vào ruột và tại ruột trâu bò, vỏ bào xác bị phân hủy, sau đó sán lá gan non được giải phóng, theo ống mật vào gan và sống ký sinh ở đấy. Như vậy, vòng đời của sán lá gan qua 2 vật chủ khác nhau: Trâu bò hay người mang giai đoạn trưởng thành nên được gọi là vật chủ chính, còn ốc mang giai đoạn ấu trùng nên gọi là vật chủ trung gian. 4. Có hiện tượng xen kẽ thế hệ sinh sản vô tính và hữu tính Vòng đời của sán lá gan có hiện tượng xen kẽ thế hệ sinh sản hữu tính (ở vật chủ chính) và sinh sản vô tính (nhờ các tế bào mầm trong cơ thể ấu trùng). Đây có thể
  7. coi là hình thức sinh sản không đực ở vật chủ trung gian. Sinh sản không đực đã làm tăng nhanh số lượng ấu trùng để tăng xác suất gặp vật chủ. 5. Sinh sản nhiều để hạn chế rủi ro, để phát tán mạnh và cho nhiều cơ hội Số trứng của sán lá gan rất lớn, hàng nghìn hay hàng chục nghìn (trong khi số lượng của sán lông chỉ tính hàng trăm). Số trứng nhiều, có thêm khả năng sinh sản đơn tính và vô tính là các biểu hiện thích nghi của động vật ký sinh phải chịu nhiều khó khăn trong vòng đời để gặp lại vật chủ là môi trường sống thích hợp. Quy luật này phổ biến ở động vật ký sinh, gọi là “luật số lớn”. Câu 5: Các hình thức sinh sản của Ruột khoang? Nhận xét gì về hình thức phát triển xen kẽ thế hệ của Ruột khoang? Động vật Ruột khoang có 2 cách sinh sản: Sinh sản vô tính (mọc chồi, cắt ngang, cắt dọc) và sinh sản hữu tính. Ở nhiều nhóm phát triển có xen kẽ thế hệ. 1. Sinh sản vô tính:  Thủy tức sinh sản vô tính bằng đâm chồi khi điều kiện sống thuận lợi: Các chồi mọc lên từ vùng sinh chồi ở phần giữa cơ thể thủy tức. Từ một mấu lồi lớn dần lên rồi xuất hiện lỗ miệng và các tua miệng. Thủy tức con sau khi hình thành sẽ tách khỏi cơ thể mẹ sống độc lập. Có khi chồi con chưa kịp tách khỏi, chồi mẹ đã mọc thêm chồi cháu, chồi chắt…  Trong tập đoàn thủy tức, thủy tức sinh sản vô tính bằng cách mọc chồi. Các cá thể sinh sản bắt nguồn từ một chồi của tập đoàn nhưng mọc lên thành một trụ rỗng, từ đó nảy các chồi sứa, tách khỏi trụ rỗng và bơi tự do.  San hô sinh sản vô tính theo lối sinh chồi hoặc cắt đôi. Chồi san hô cũng mọc như chồi của thủy tức. Chồi mới sinh có thể không tách khỏi chồi mẹ để hình thành tập đoàn. Thông thường, san hô sinh sản cắt đôi theo chiều dọc nhưng một số lại cắt đôi theo chiều ngang (Fungia). Nửa mới được cắt ra sẽ hình thành bộ xương mới. 2. Sinh sản hữu tính:  Ở thủy tức, khi gặp điều kiện sống bất lợi, chúng chuyển sang sinh sản hữu tính. Hợp tử được hình thành có vỏ bảo vệ sống tiềm sinh cho đến khi điều kiện sống thuận lợi trở lại thì tiếp tục phát triển.
  8. + Tùy theo điều kiện môi trường mà có thể đơn tính hay lưỡng tính. Tuyến sinh dục được hình thành do các TB trung gian của lớp TB thành ngoài tập trung lại. Tuyến tinh thường nằm lệch về phía tua miệng, còn tuyến trứng thường nằm lệch về phía đế. + Ở thủy tức nước ngọt, các TB sinh dục được sinh ra từ ngoại bì và được chứa trong các núm trên thành cơ thể. Sự thụ tinh xảy ra ngay trong cơ thể mẹ. Sau khi thụ tinh, trứng có một màng chắc chắn bao bọc bên ngoài. Sau đó, cá thể mẹ chết, trứng nghỉ qua đông. Sang xuân, trứng phát triển thẳng thành Thủy tức, không qua giai đoạn ấu trùng.  Ở lớp San hô: Phần lớn san hô đơn tính. Tuyến sinh dục của san hô bám trên bờ trong các vách ngăn có nguồn gốc từ lá phôi trong. Tinh trùng chui qua mô bì của vách ngăn vào khoang vị rồi qua lỗ miệng ra ngoài, vào thụ tinh với tế bào noãn trên vách ngăn của con cái. Giai đoạn đầu của phôi tiến hành trong tầng keo của vách ngăn. Một số san hô thụ tinh ngoài cơ thể. + Trứng của san hô phân cắt hoàn toàn và đều. Ấu trùng planula sau một thời gian bơi tự do trong nước sẽ gắn phần đầu xuống nền đáy cứng và phát triển thành san hô non. 3. Hiện tượng xen kẽ thế hệ sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính Hiện tượng này có ở Tập đoàn thủy tức và lớp Sứa.  Ở tập đoàn Thủy tức: + Thủy tức đâm chồi hình thành các cá thể sinh sản, mọc lên từ một chồi rồi nảy các chồi sứa. + Ấu trùng dạng thủy mẫu (sứa) đơn tính. Sau khi chín, TB sinh dục đực và cái ra ngoài qua vết nứt của cơ thể. Quá trình thụ tinh và phát triển tiến hành trong nước. Trứng phân cắt đều rồi hình thành phôi nang cho ra ấu trùng planula. Ấu trùng planula bơi trong nước rồi bám vào giá thể. Đầu đối diện hình thành lỗ miệng rồi vòng tua miệng để cho cá thể dạng thủy tức. Cá thể này sẽ mọc chồi để cho tập đoàn thủy tức mới. ► Trong vòng đời của tập đoàn có xen kẽ 2 giai đoạn: giai đoạn thủy tức sống định cư, sinh sản vô tính bằng đâm chồi và giai đoạn thủy mẫu sống di động, sinh sản hữu tính bằng cách hình thành các tế bào sinh dục.  Ở lớp Sứa:
  9. + Sứa đơn tính. TB sinh dục khi chín qua miệng ra ngoài, thụ tinh rồi phát triển thành ấu trùng planula có lông bơi. Sau một thời gian bơi trong nước, ấu trùng bám đầu trước xuống đáy, đầu đối diện thủng thành lỗ miệnh rồi mọc vành tua miệng bao quanh, chuyển thành dạng thủy tức có cuống dài có khả năng mọc chồi. + Vòng tua miệng sau đó rụng đi, bắt đầu quá trình cắt đoạn để cho một chồng cá thể (đĩa sứa). Đĩa sứa dần hoàn thiện cấu tạo cùng với sự phát triển của 4 tuyến sinh dục cho sứa trưởng thành. ► Có hiện tượng xen kẽ thế hệ, nhưng giai đoạn thủy tức cùng với sự quá trình sinh sản vô tính rất ngắn. Giai đoạn thủy mẫu chiếm ưu thế trong suốt đời sống với lối sinh sản hữu tính. NX: Ở ngành Ruột khoang, có hiện tượng xen kẽ thế hệ. Tuy nhiên, có thể thấy rõ xu hướng tiêu giảm một trong hai giai đoạn (sinh sản vô tính hoặc sinh sản hữu tính), thậm chí chỉ còn lại một dạng trong vòng đời: dạng thủy tức (thủy tức nước ngọt) hoặc dạng thủy mẫu (Trachylida). Câu 6: Đặc điểm cơ bản của ngành Giun đốt? Ý nghĩa của sự phân đốt cơ thể? 1. Đặc điểm của ngành Giun đốt Các động vật thuộc ngành Giun đốt có mức độ tổ chức cơ thể cao hơn hẳn các ngành trước đó.  Xoang cơ thể thứ sinh; lá phôi thứ 3 + Xoang cơ thể ở giun đốt là xoang cơ thể thứ sinh, khác với xoang cơ thể nguyên sinh về mặt nguồn gốc và cấu tạo. Xoang cơ thể của giun đốt được giới hạn hoàn toàn bằng lớp tế bào có nguồn gốc từ lá phôi giữa. Nó không lớn và tiếp xúc trực tiếp với thành cơ thể và các nội quan, không thông suốt từ trước ra sau, từ trái sang phải mà gồm các đôi túi. Phần lát mặt trong của thành cơ thể gọi là lá vách, phần lót ống tiêu hóa và nội quan là lá phủ tạng. Trong thể xoang chứa dịch thể xoang, góp phần làm tăng thêm tính đàn hồi của cơ thể và rất cần thiết cho sự vận chuyển của con vật. Tóm lại, sự xuất hiện của xoang cơ thể thứ sinh là một sự kiện rất quan trọng, nó ảnh hưởng tích cực tới mọi hoạt động sống trong cơ thể.  Cơ thể phân đốt
  10. + Sự phân đốt của giun đốt ở các mức độ khác nhau, từ đồng hình (các đốt tương đối giống nhau) đến dị hình (các đốt ở các phần cơ thể khác nhau có thể sai khác về cấu tạo và chức năng), tuy nhiên nhất quán và bao trùm toàn bộ cơ thể về hình dạng ngoài và cấu tạo trong. Sự sắp xếp lặp lại theo chiều dọc cơ thể của nhiều cơ quan (thần kinh, tuần hoàn, sinh dục, bài tiết…) tạo cho cơ thể Giun đốt gồm một chuỗi các đơn vị giống nhau, gọi là các đốt. Giữa các đốt có vách ngăn. Do đó, mỗi đốt là một phần của cơ thể, có thể tự điều chỉnh ở một mức độ nhất định hoạt động chung của cơ thể.  Có phần phụ + Ở Giun đốt xuất hiện cơ quan vận chuyển riêng. Cơ quan vận chuyển điển hình của Giun đốt là các chi bên. Mỗi đốt có một đôi chi bên là một mấu lồi lớn gồm 2 thùy: thùy lưng ở trên, thùy bụng ở dưới. Tại gốc của các chi bên có các bó cơ. Tiêu chuẩn của một đốt trước hết về phía bên ngoài là phải có một đôi chi bên.  Hình thành cơ quan mới: hệ tuần hoàn và hệ hô hấp + Hệ tuần hoàn của Giun đốt có nguồn gốc là xoang cơ thể nguyên sinh, là một hệ tuần hoàn kín, gồm mạch máu dọc lưng, mạch máu dọc bụng, các đôi mạch máu bên nối liền mạch máu lưng và mạch máu bụng. + Ở những Giun đốt sống tự do, hoạt động tích cực, bắt đầu xuất hiện cơ quan hô hấp. Đó là mang, là những phần lồi của cơ thể, phân chia thành nhiều nhánh hoặc hình lá mỏng. Thực chất, việc hô hấp được thực hiện qua da, nhưng không phải trên toàn bề mặt cơ thể mà trên một khu vực nhất định.  Hệ cơ phát triển + Thành cơ thể có một lớp biểu mô. Hệ cơ gồm các lớp cơ và các bó cơ. Dưới lớp biểu mô có lớp cơ vòng, giúp cơ thể phình to hoặc co bé lại. Bên trong là lớp cơ dọc, làm cho cơ thể dài ra hoặc co ngắn lại và làm cho cơ thể có thể uốn cong theo các hướng. Ngoài ra còn có các bó cơ chạy từ phía lưng sang bụng và các bó cơ ở gốc hoặc bên trong các cơ quan vận chuyển. Sự hoạt động của hệ cơ phát triển góp phần quan trọng vào việc vận chuyển của Giun đất.  Phân cắt trứng hoàn toàn, xoắn ốc và xác định, phát triển qua ấu trùng Trochophora
  11. + Trứng Giun đốt phân cắt xoắn ốc và xác định. Đặc điểm phát triển đặc trưng của Giun đốt là có qua giai đoạn ấu trùng trochophora (tuy ở một số nhóm giai đoạn ấu trùng thu gọn trong trứng và trứng nở ngay thành con non) và có hình thành 2 loại đốt: đốt ấu trùng và đốt sau ấu trùng. 2. Ý nghĩa sự phân đốt cơ thể Cùng với đặc điểm hệ cơ phát triển và xuất hiện xoang cơ thể thứ sinh tách biệt ruột với thành cơ thể, việc phân đốt cơ thể ở Giun đốt làm cho chúng có khả năng vận chuyển tốt hơn. Sự phân đốt cơ thể là một đặc điểm quan trọng trong quá trình tiến hóa. Nó là một trong những bằng chứng quan trọng để chứng tỏ sự xuất hiện giun đốt là một bước chuyển biến quan trọng trong quá trình tiến hóa ở động vật đa bào. Đây là ngành tiến hóa đầu tiên của các ngành động vật có miệng sinh trước. Câu 7: Đặc điểm cấu tạo cơ thể của lớp Côn trùng (Insecta) 1. Hình dạng ngoài Lớp côn trùng là lớp có số loài đông nhất trong giới động vật. Côn trùng có cấu tạo hoàn hảo và phân bố rộng rãi trong một môi trường sống.  Cơ thể chia làm 3 phần: đầu, ngực, bụng Cơ thể có 3 phần: Đầu do 5 đốt phía trước tập trung lại, Ngực 3 đốt và Bụng có số đốt thay đổi tùy nhóm, nhiều nhất là 12 đốt; có một đôi râu, 3 đôi chân, nhiều loài có một hoặc 2 đôi cánh là cơ quan chuyển vận. Cơ thể có kích thước khác nhau (từ 0.2mm đến 300mm), xung quanh cơ thể có vỏ kitin bao bọc, vỏ gồm nhiều mảnh ghép lại.  Cấu tạo của đầu (phụ miệng), ngực (chân, cánh), bụng (phần phụ bụng)  Đầu + Đầu gồm 4, 5 hoặc 6 đốt tạo thành. Trên đầu có mắt kép, mắt đơn, râu và các đôi phần phụ miệng. + Có nhiều kiểu cơ quan miệng (nghiền, nghiền liếm, hút, chích hút, liếm…) phù hợp với cách lấy thức ăn của từng nhóm sâu bọ. Kiều nghiền được coi là cổ nhất. Các thành phần chính của cơ quan miệng
  12. là đôi hàm trên, đôi hàm dưới với xúc biện hàm và môi dưới với xúc biện môi. Ba đôi này có nguồn gốc từ các phân phụ của 3 đốt thân đầu tiền, thường gọi là phần phụ miệng. Ngoài ra, còn có môi trên và ở một số nhóm có hạ hầu.  Ngực + Ngực do 3 đốt tạo thành. Mỗi đốt có 1 đôi chân, riêng đốt ngực giữa và ngực sau mang thêm mỗi đốt 1 đôi cánh. + Cánh và chân là các cơ quan không tương đồng: Chân có nguồn gốc từ phần phụ của mỗi đốt, cánh bắt nguồn từ nếp da. + Mỗi đốt ngực có 4 tấm kitin bọc ngoài: tấm lưng, tấm ngực và 2 tấm bên. Tấm lưng và tấm ngực có cấu tạo kép. Chân gắn ở chỗ nối giữa tấm bên và tấm bụng, cánh gắn ở chỗ giữa tấm lưng và tấm bên. + Chân của côn trùng chỉ có 1 nhánh, gồm các đốt (kể từ gốc tới ngọn) là háng, chuyển, đùi, ống, bàn. Bàn gồm 1-5 đốt, thường gọi là ngón, tận cùng bằng 1-2 vuốt và các tấm đệm. + Cánh là sản phẩm tiến hóa độc đáo của côn trùng, bắt nguồn từ nếp da bất động của phần ngực.  Bụng + Là phần chứa phần lớn nội quan của sâu bọ. + Tấm lưng và tấm bụng của mỗi đốt và giữa các đốt gắn với nhau bằng màng mỏng nên bụng có thể chun giãn được. + Thường các đốt bụng mất đi phần phụ nhưng dấu vết phần phụ vẫn còn giữ ở một số sâu bọ thấp.  Hệ cơ quan và cơ quan vận chuyển + Hệ cơ của côn trùng rất phát triển, gồm khoảng 2000 bó cơ vân ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Cơ vân có khả năng co rút nhanh hơn cơ trơn nhiều lần. + Các cơ quan chuyển vận đều nằm ở phần ngực. 2. Cấu tạo nội quan  Hệ tiêu hóa: diều, mề, các tuyến tiêu hóa
  13. + Có sơ đồ cấu tạo chung của ngành Chân khớp, tuy nhiên có sự biến đối phù hợp với các lối dinh dưỡng khác nhau. + Ruột trước gồm có: miệng, xoang miệng có tuyến nước bọt, hầu, thực quản và diều. Diều là nơi chứa thức ăn. Ở côn trùng ăn thức ăn cứng còn có mề để nghiền thức ăn. + Tiếp theo ruột trước là ruột giữa có chức năng tiêu hóa hóa học và hấp thụ thức ăn. Phần đầu ruột giữa có manh tràng làm tăng diện tích hấp thụ TĂ. Phần tiếp nối giữa ruột giữa với ruột trước và ruột sau có van ngăn cách. + Ruột sau là nơi chất bã đi qua và là nơi tái hấp thụ nước và muối khoáng còn lại trong chất bã.  Hệ tuần hoàn: hệ tuần hoàn hở, có tim lưng nhiều ngăn, van tim, quá trình lưu thông máu + Hệ tuần hoàn của côn trùng theo sơ đồ cấu tạo chung của Chân khớp, tuy tương đối kém phát triển do một phần chức năng đã được hệ thống ống khí đảm nhiệm. + Có tim lưng gồm nhiều ngăn, giữa các ngăn có van quy định chiều lưu thông của máu từ phía sau lên phía trước. Hệ tuần hoàn hở, máu lưu thông trong mạch và tràn vào các khe xoang của cơ thể, + Hoạt động nhờ co duỗi của 2 màng chắn phía lưng và phía bụng cơ thể: Màng chắn phía lưng khi co làm giãn xoang bao tim và buồng tim, máu từ ngoài dồn vào xoang bao tim rồi vào buồng tim qua các lỗ tim. Tiếp theo thành ống tim co lại dồn máu về phía trước, qua động mạch đến nội quan vùng đầu. Màng bụng co làm máu chuyển từ vùng đầu tới các nội quan phía sau, rồi tập trung vào các hệ khe hổng trước khi trở về khoang bao tim.  Hệ hô hấp: hệ thống ống khí quản phân nhánh, lỗ thở, túi khí + Cơ quan hô hấp của phần lớn côn trùng là hệ ống khí, tạo thành mạng lưới thông khí giữa môi trường ngoài và từng tế bào của cơ thể. + Hệ ống khí thông với ngoài qua các đôi lỗ thở. Lỗ thở ở nhiều côn trùng có van khép mở. Xung quanh bờ mép của lỗ thở có lông để chống bụi bặm.
  14. + Ở những côn trùng bay giỏi, trong hệ thống khí quản có những đoạn phình to trở thành các túi khí dự trữ và làm giảm tỉ trọng cơ thể.  Hệ bài tiết: ống Malpighi, thể mỡ + Cơ quan bài tiết chủ yếu là các ống Malpighi. + Ngoài ra, một số sản phẩm bài tiết được tích lũy trong các “tế bào thận” ở xung quanh tim hoặc tích lũy trong tế bào của mô mỡ (thể mỡ).  Hệ thần kinh và cơ quan cảm giác: cấu tạo hệ thần kinh, các cơ quan cảm giác + Hệ thần kinh trung ương của côn trùng phát triển hơn ở các động vật chân khớp khác, được đặc trưng bằng sự phát triển cao về tổ chức học của não, sự tập trung cao của hạch thần kinh bụng và phát triển của hệ thần kinh giao cảm điều khiển nội quan. + Não của côn trùng có 3 phần: não trước điều khiển mắt, não giữa điều khiển râu và não sau. + Chuỗi hạch bụng thường rất tập trung, các hạch dính lại với nhau, có khi chỉ còn 2 hạch lớn: 1 hạch ở ngực và 1 hạch ở bụng. + Thị giác: côn trùng có mắt kép, mắt đơn… Côn trùng có thể nhận biết được các tia sáng có bước sóng ngắn. + Xúc giác: có các núm lồi hoặc các lông nhỏ trên râu, phần phụ miệng và ở các phần khác nhau trên cơ thể. + Vị giác: các TB cảm giác tập trung tại phần phụ miệng hoặc phần bàn chân. + Khứu giác: có các TB cảm giác nằm trong các hốc nhỏ trên râu. Câu 8: Tầm quan trọng thực tiễn của lớp Côn trùng (Insecta) Côn trùng là lớp đông nhất trong ngành Chân khớp. Chúng có vai trò rất quan trọng đối với con người và tự nhiên. Khả năng phân bố của chúng rất rộng, là thành viên không thể thiếu trong hệ sinh thái. Có thể chia côn trùng thành 2 nhóm chính: nhóm gây hại và nhóm có lợi. 1. Nhóm côn trùng có lợi
  15. + Nhiều loài côn trùng thụ phấn cho cây. Tác động quyết định đến năng suất và chất lượng của sản phẩm cây trồng. Nhiều loài thực vật không thể tồn tại nếu không có các loài côn trùng thụ phấn cho nó. + Các loài côn trùng sống trong đất, trên mặt đất giúp cải tạo đất. Chúng phân hủy xác động – thực vật, các mùn bã hữu cơ… cung cấp chất khoảng cho đất, đồng thời tạo nên môi trường vi sinh vật phong phú gián tiếp cải tạo đất và khu hệ sinh vật đất. + Tiêu diệt côn trùng có hại gồm các nhóm côn trùng bắt mồi ăn thịt, ký sinh tiêu diệt các loài sâu hại. Chúng vừa làm giảm số lượng cá thể các loài gây hại, vừa góp phần cân bằng hệ sinh thái. VD: Chuồn chuồn, cánh cứng, cánh màng, hai cánh, bọ ngựa, đặc biệt là ong ký sinh. + Một số loài được dùng làm nguyên liệu như: tằm được nuôi để lấy tơ tằm dệt vải, lấy xác nhộng làm thực phẩm, nhựa cánh kiến đỏ được sử dụng trong công nghiệp nhuộm, cao su, điện ảnh và mỹ nghệ. + Nhiều côn trùng tạo thành chuỗi thức ăn quan trọng trong hệ sinh thái, là thức ăn không thể thiếu của nhiều loài chim, ếch nhái, bò sát, cá và thú. Tức là côn trùn đóng góp một phần rất quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái. 2. Nhóm côn trùng gây hại + Côn trùng đã gây những tổn thất rất lớn cho nền sản xuất nông nghiệp. Ví dụ: ở nước ta phổ biến các loài sâu đục thân lúa, sâu gai, bọ rầy xanh, mọt gạo… + Nhóm gây hại kiến trúc nhà cửa, kho tàng, đê đập, cây ăn quả và cây công nghiệp… gồm nhiều loài mối, mọt, gián… Các loài côn trùng này nhiều lúc đã tạo ra các thảm họa khôn lường như sụp đổ nhà cửa, cầu cống hay vỡ đê… + Nhóm côn trùng truyền bệnh cho người và gia súc: nhiều loài ruồi, muỗi là đối tượng truyền các bệnh hiểm nghèo như kiết lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét… Bọ chét truyền bệnh dịch hạch… Câu 9: Tầm quan trọng thực tiễn của ngành Chân khớp (Arthropoda) Động vật chân khớp là một ngành rất đông, phân bố rộng rãi trong mọi môi trường sống, hoạt động sống rất phong phú. Bởi vậy, động vật chân khớp có quan hệ rất chặt chẽ với cuộc sống của con người về nhiều mặt, trực tiếp và gián tiếp. Đây là
  16. một nhóm động vật đem lại cho con người nguồn lợi lớn và đã được khai thác, đồng thời nó cũng gây ra cho con người nhiều tổn thất to lớn. 1. Tính chất gây hại:  Trong y học và thú y: + Gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc đau đớn. VD: nọc độc của nhiều loài ong, kiến, nhện, rết, bọ cạp… kích thích mạnh, gây đau đớn, thậm chí làm chết người. + Hút máu, gây thiếu máu, làm cơ thể suy nhược, giảm khả năng chống bệnh. VD: 1 con ruồi mòng 1 lần có thể hút tới 1cc máu. + Đầu độc cơ thể vật chủ bằng các loại chất độc trong nước bọt, trong trứng, trong noãn bào, gây nên những rối loạn về sinh lý như nhịp đập của tim, nhịp thở, thân nhiệt. + Gây thương tích, mở đường cho các bệnh tật khác xâm nhập, ảnh hưởng đến các sản phẩm của gia súc. VD: Cái ghẻ Sarcoptes scabiei đào hang rãnh trên da của gia súc và người gây ngứa ngáy, lở loét, có thể trở thành nguyên nhân làm cho trâu bò chết hàng loạt trong mùa rét ở nhiều nơi. + Truyền nhiễm bệnh nguy hiểm cho người và động vật. VD: Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét…  Trong nông nghiệp – lâm nghiệp: Nhiều động vật Chân khớp gây hại cho cây trồng và cây rừng, phá hoại mùa màng. VD: Bọ rầy xanh đuôi đen truyền bệnh vàng lụi ở cây lúa,  Động vật Chân khớp còn gây ra nhiều tác hại đối với các kho tàng, công trình xây dựng. Cụ thể như các loại lương thực, thực phẩm dự trữ trong các kho đều bị mối, mọt tấn công. Thậm chí chúng còn gây nên nhiều tai họa thảm khốc như vỡ đê, lũ lụt… 2. Tính chất có lợi: Tuy nhiên, bên cạnh những tác hại mà động vật chân khớp gây ra, chúng cũng đem lại những lợi ích nhất định đối với con người và tự nhiên. + Cung cấp nguồn lợi thực phẩm phong phú và có giá trị. VD: Tôm, cua…
  17. + Là đối tượng chăn nuôi khai thác các sản phẩm. VD: nuôi ong lấy mật, nuôi tôm, nuôi tằm lấy tơ dệt vải… + Là đối tượng dùng cho nghiên cứu khoa học. Câu 10: Ý nghĩa thực tiễn của ngành Thân mềm (Mollusca) Vai trò của động vật Thân mềm rất đa dạng đối với đời sống con người. Do khả năng phân bố rộng nên chúng giữ vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái thủy vực và có quan hệ mật thiết đối với đời sống con người. 1. Tính chất có lợi: + Lọc nước, làm sạch môi trường thủy vực, giảm thiểu sự ô nhiễm. VD: ở các loài trai, khả năng lọc nước là rất lớn (một cá thể vẹm mỗi ngày lọc từ 3 – 5 lít nước, mỗi cá thể trai sông lọc được 12 lít nước mỗi ngày…) + Trên cạn, động vật Thâm mềm ăn lá cây. Một số loài cải tạo đất khi sống trong đất. + Động vật thân mềm cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho con người và rất dễ tìm kiếm. Hiện nay, sản lượng động vật thân mềm đánh bắt được chiếm khoảng 60 – 70%, chủ yếu là Thân mềm ở biển (hàu, trai, điệp, sò, mực nang…). + Vỏ trai, ốc có lớp xà cừ dùng để khảm trai và làm đồ mỹ nghệ. Một số loài trai cho trai ngọc là mặt hàng trang sức quý giá. + Nhiều loài Thân mềm có giá trị chỉ thị địa tầng. 2. Tính chất có hại: + Nhiều loài phá hoại các công trình giao thông, tàu thuyền, ống dẫn dầu. Vd: hà bún, hà sông, hà đá… + Sên trần, ốc sên, ốc bươu vàng gây hại cây trồng nghiêm trọng. + Một số loài ốc nước ngọt là vật chủ trung gian truyền bệnh giun sán nguy hiểm cho người và gia súc, như ốc đĩa dày truyền bệnh sán bã trầu, ốc mút truyền bệnh sán lá gan nhỏ…
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2