ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 2 NĂM 2017-2018 TRƯỜNG TIỂU HỌC VÕ THỊ SÁU I . Đọc thầm và làm bài tập: (3điểm) Cho văn bản sau: Câu chuyện bó đũa 1. Ngày xưa, ở một gia đình kia, có hai anh em. Lúc nhỏ, anh em rất hòa thuận. Khi lớn lên, anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn hay va chạm. 2. Thấy các con không yêu thương nhau, người cha rất buồn phiền. Một hôm, ông đặt một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi gọi các con, cả trai, gái, dâu, rể lại và bảo: - Ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng cho túi tiền. Bốn người con lần lượt bẻ bó đũa. Ai cũng cố hết sức mà không sao bẻ gãy được. Người cha bèn cởi bó đũa ra, rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng. 3. Thấy vậy, bốn người con cùng nói: - Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì có khó gì ? Người cha liền bảo: - Đúng. Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh. ( Theo Ngụ Ngôn Việt Nam) * Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng ở các câu 1,2,3,4,5,6 dưới đây. 1. Khi lớn lên, những người con của ông cụ trong câu chuyện sống với nhau như thế nào ? A. Sống hòa thuận, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. B. Hay va chạm, mất đoàn kết, không quan tâm đến nhau. C. Mỗi người một nhà, nhưng vẫn hay va chạm. 2. Tại sao bốn người con không ai bẻ gãy được bó đũa? A. Tại vì họ chưa dùng hết sức để bẻ. B. Tại vì không ai muốn bẻ cả. C. Tại vì họ cầm cả bó đũa mà bẻ. 3. Vì sao người cha lại đố các con bẻ cả bó đũa ? A. Vì ông không muốn mất túi tiền cho các con. B. Vì ông muốn các con tự thấy rõ đoàn kết là sức mạnh. C. Vì ông muốn thử trí thông minh của các con. 4. Người cha bẻ gãy bó đũa bằng cách nào? A. Ông cởi bó đũa ra rồi bẻ gãy từng chiếc một. B. Ông dùng cả hai tay bẻ gãy cả bó đũa. C. Ông dùng sức mạnh bẻ gãy cả bó đũa. 5. Dòng nào dưới đây gồm các từ chỉ người ? A. Người cha, trai, gái, thương yêu. B. Người cha, trai, gái, dâu, rể. C. Người cha, dâu, rể, va chạm. 6. Câu: “Bốn người con lần lượt bẻ bó đũa” thuộc kiểu câu nào A. Ai là gì? B. Ai làm gì? C. Ai thế nào? 7.Câu chuyện muốn khuyên các con điều gì? II. Chính tả nghe - viết (4 điểm) Giáo viên đọc cho học sinh nghe - viết (15 phút) Giúp bà Hôm nay bà đau lưng, không dậy được như mọi ngày. Em trở dậy mới hiểu mọi việc còn nguyên. Em làm dần từng việc: quét nhà, cho gà, lợn ăn. Mặt trời vừa lên cao, nắng bắt đầu chói chang, em phơi quần áo, rải rơm ra sân phơi. Xong việc ngoài sân, em vào nhóm bếp, nấu cháo cho bà. Mùi rơm cháy thơm thơm. Em thấy trong lòng rộn ràng một niềm vui. III. Tập làm văn (6 điểm) (25 phút) Hãy viết một đoạn văn ngắn từ 4-5 câu để kể về gia đình của em theo gợi ý sau: Câu hỏi gợi ý: - Gia đình của em gồm có mấy người? Đó là những ai? - Công việc của mọi người thế nào? - Lúc rảnh rỗi, mọi người trong gia đình em thường làm gì? - Cuối tuần, gia đình em sẽ làm gì? - Em cảm thấy như thế nào khi được sống trong gia đình của mình? Đáp án đề thi học kì 1 lớp 2 môn Tiếng Việt 2017 - 2018 TH Võ Thị Sáu I. Đọc thầm và làm bài tập :(3điểm) Câu 1 (0,5 điểm): B Câu 2 ( 0,5 điểm): C. Câu 3 ( 1 điểm): B. Câu 4 (1 điểm): A Câu 5( 1 điểm) B. Người cha, trai, gái, dâu, rể. Câu 6 ( 1 điểm) B. Ai làm gì? Câu 7(1điểm) Anh em phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh. II. Phần viết chính tả: Học sinh viết đúng chính tả, trình bày sạch đẹp: 2 điểm. Học sinh viết sai chính tả, trình bày chưa sạch đẹp, ... : trừ 0,25 điểm/4 lỗi III. Tập làm văn ( 3 điểm) Kể đầy đủ tên các thành viên trong gia đình: 1 điểm. Kể được công việc của một vài thành viên trong gia đình: 0,5 điểm. Kể được lúc rảnh rỗi hoặc giờ nghỉ ngơi và ngày nghỉ gia đình mình làm gì?: 0,5 điểm. Nói được câu về tình cảm của học sinh đối với mọi người trong gia đình: 0,5 điểm. Học sinh viết đúng câu, câu văn có sáng tạo, logic, có câu văn hay chứa cảm xúc: 0,5 điểm