intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đi tìm mục tiêu kinh tế cho Việt Nam

Chia sẻ: Hoang Qui Hai | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:4

244
lượt xem
73
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Để có chính sách kinh tế thật sự ích nước lợi dân thì điều tiên quyết cần phải nắm vững là mục tiêu tối thượng của chính sách, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, chấn chỉnh, loại bỏ các bất cập. Trước những biến động của nền kinh tế Việt Nam trong hai năm qua, các nhà hoạch định chính sách cũng như giới chuyên môn trong và ngoài nước đã có những thảo luận, tranh cãi, và khuyến cáo về các vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển đất nước....

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đi tìm mục tiêu kinh tế cho Việt Nam

  1. Đi tìm mục tiêu kinh tế cho Việt Nam • Để có chính sách kinh tế thật sự ích nước lợi dân thì điều tiên quyết cần phải nắm vững là mục tiêu tối thượng của chính sách, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, chấn chỉnh, loại bỏ các bất cập. Trước những biến động của nền kinh tế Việt Nam trong hai năm qua, các nhà hoạch định chính sách cũng như giới chuyên môn trong và ngoài nước đã có những thảo luận, tranh cãi, và khuyến cáo về các vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển đất nước. Đây là một diễn biến tốt, có khả năng tạo ra một xúc tác cho những thay đổi chính sách theo hướng tích cực. Tuy nhiên, để có những chính sách kinh tế thật sự ích nước lợi dân thì điều tiên quyết cần phải nắm vững là mục tiêu tối thượng của những chính sách ấy là gì để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp và chấn chỉnh, loại bỏ các bất cập. Việt Nam đang ở đâu? Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hơn 7% mỗi năm trong hơn một thập kỷ qua, rõ ràng Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong việc tăng trưởng kinh tế. Nổi bật trong quá trình này là sự phát triển của kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, và tăng cường tổng đầu tư. Có thể nói rằng việc mở rộng sân chơi kinh tế cho nhiều thành phần là yếu tố chính cho kết quả tăng trưởng này. Tính từ thời kỳ bắt đầu đổi mới, vì xuất phát điểm của nền kinh tế là tương đối quá thấp, cho nên tăng trưởng kinh tế đã giúp làm giảm mạnh tỉ lệ đói nghèo trong xã hội trong suốt một thời gian dài. Ở khía cạnh này, tăng trưởng kinh tế đã đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở mức ban đầu. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế không phải bao giờ cũng tỉ lệ thuận vì muốn có phát triển kinh tế thì ngoài việc tăng thu nhập bình quân đầu người (do tăng trưởng kinh tế đem lại) còn phải có nhiều yếu tố khác như phát triển bền vững, công bằng thu nhập, ổn định cộng đồng... Do đó, trước xu hướng gia tăng những vấn đề bất cập về môi trường, tệ nạn xã hội, phân hóa giàu nghèo, lãng phí tài nguyên kinh tế, bất ổn vĩ mô... tại Việt Nam hiện nay thì việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá sẽ làm cho nguy cơ đẩy lui tiến trình phát triển kinh tế ngày càng cao.
  2. Như một ví dụ, việc ưu tiên trút vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước cho các hoạt động đầu tư ồ ạt và kém hiệu quả không những đã góp phần gây ra lạm phát cao (làm khó khăn cho không ít người dân) mà còn giảm khả năng của chính phủ trong việc chi tiêu cho các công trình đầu tư khác có khả năng đem lại phúc lợi cho nhiều người dân, chẳng hạn như về giáo dục và phát triển nông thôn. Thêm nữa, sự hoạt động kém hiệu năng của một số thị trường (phần lớn là liên quan đến vấn đề bất cân xứng thông tin) đã tạo ra những kẻ được người mất một cách quá bất công. Ví dụ dễ thấy nhất có lẽ là những vấn đề liên quan đến thị trường đất đai. Vì không có đủ thông tin nên đã có biết bao nông dân đã chấp nhận nhượng đất cho những dự án đầu tư, như xây sân golf, với giá rẻ mạt để rồi thấy đất đã sang tay "hóa vàng" trong khi mình thì rơi vào bấp bênh do không còn đất canh tác. Chỉ với hai trường hợp trên cũng có thể thấy rằng, một khi mà mục tiêu phát triển kinh tế không được làm nền tảng cho chính sách thì chuyện một số thành phần lợi dụng cái mác tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đầu tư để thao túng thị trường nhằm trục lợi một cách bất công là khả năng không thể loại ra. Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang ở thời điểm cần cân nhắc lại chiến lược phát triển đất nước. Phát triển kinh tế cần phải làm mục tiêu nền tảng cho chính sách thay vì những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thử tìm giải pháp Như một nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cho những bất cập trong quá trình phát triển kinh tế, các chuyên gia bắt đầu bàn đến vấn đề đi tìm mô hình kinh tế thích hợp. Tuy nhiên, mô hình nào cũng có giới hạn của nó vì mô hình thì tĩnh mà xã hội thì động. Nguy cơ của việc chạy theo mô hình là khả năng đuổi theo phương tiện mà quên mất mục tiêu phát triển kinh tế. Sự kéo dài của mô hình kinh tế tập trung với nhiều bất cập trước đây có thể được coi như một trường hợp điển hình. Ở một số nước khác, từ châu Mỹ Latinh cho đến Phi châu, việc áp dụng một cách máy móc mô hình Đồng thuận Washington (với những tiêu chí như cắt giảm ngân sách, tự do hóa thương mại, tư hữu hóa...) cũng đã gây ra những bất ổn trầm trọng không kém. Do đó, tốt nhất là cứ dựa trên những diễn biến xã hội và thể trạng kinh tế hiện nay của Việt Nam mà đưa ra những giải pháp phù hợp thay vì áp dụng rập khuôn bất cứ một mô hình nào.
  3. Ở phương diện căn bản nhất, Việt Nam hiện tại cần có hai yếu tố chính để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế. Yếu tố thứ nhất là liên quan đến vấn đề thông tin. Trước sự hoạt động manh nha, tranh sáng tranh tối của nhiều thị trường, việc bảo đảm thông tin rộng rãi cho các thành phần tham gia vào thị trường là điều tiên quyết cần phải có cho một sân chơi bình đẳng và có hiệu suất. Sự phổ biến thông tin chính xác và khách quan cũng như tính minh bạch trong quá trình truyền tải thông tin sẽ tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là tầng lớp người nghèo thiếu khả năng săn lùng thông tin, có những quyết định đúng đắn, phù hợp với lợi ích của họ khi tham gia vào các hoạt động kinh tế. Nhìn ở mặt vĩ mô, với một nền kinh tế khá mở (tổng kim ngạch thương mại bằng hơn 150% so với GDP) thì thông tin về các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của việc mở rộng giao thương đối với các thành phần khác nhau trong xã hội là vô cùng cần thiết. Theo đây thì Việt Nam nên thiết lập một ủy ban gồm những chuyên gia độc lập để nghiên cứu và đưa ra các bản báo cáo chi tiết hằng năm về tác động của thương mại nhằm tạo ra một kênh thông tin mới cho xã hội. Dựa trên những thông tin này, người dân sẽ có những phản ứng thích hợp (thông qua việc khuyến cáo chính phủ) để bảo vệ hoặc theo đuổi quyền lợi của mình trong quá trình hội nhập của đất nước. Bên cạnh đó cũng cần có một ủy ban tương tự để tập trung phân tích tác động của các hoạt động đầu tư (của cả ba thành phần dân doanh, nước ngoài, và nhà nước) và công bố rộng rãi đến với toàn dân. Những thông tin này sẽ làm tiền đề cho những thay đổi chính sách theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế. Ví dụ, nếu thông tin cho thấy đầu tư của khu vực nhà nước vào các ngành công nghiệp nặng là không có hiệu quả thì cần phải có những cuộc đối thoại chính sách hướng đến giải quyết vấn đề nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên hữu hạn. Yếu tố thứ hai, cũng liên quan mật thiết với yếu tố thông tin, là khả năng được tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và ban hành chính sách.1 Theo đây thì nhà nước cần tạo mọi điều kiện cho các nhóm lợi ích được thành lập hiệp hội và cộng đồng người dân được góp ý vào những chính sách mà họ trực tiếp chịu ảnh hưởng. Trong một xã hội đa dạng thì bất cứ chính sách nào cũng tạo ra kẻ được người mất, cho nên muốn giảm thiểu tác động tiêu cực thì bắt buộc phải tạo điều kiện cho
  4. tất cả những thành phần bị ảnh hưởng của chính sách có cơ hội để bảo vệ quyền lợi của mình. Thông qua việc được tiếp cận những thông tin chính xác kèm theo quyền được tham gia vào quá trình làm chính sách, người dân Việt nói chung chắc chắn sẽ có được những sáng kiến chính sách đi sát với mục tiêu phát triển kinh tế. Đến lúc đó thì các vấn đề chuyên sâu như tái cấu trúc nền kinh tế để nâng cao tính cạnh tranh quốc gia, cải thiện các hệ thống pháp lý và hành chính, phát triển nông thôn, cải cách giáo dục... sẽ được định hướng đúng theo tinh thần vì lợi ích của đất nước nói chung. Nhưng dù sao đi nữa thì vấn đề mấu chốt vẫn là làm thế nào để có được hai yếu tố trên. Suy cho cùng thì tất cả cũng quy về một yếu tố tối thượng đó là con người. Người ta có thể nói khó thực hiện và đổ lỗi cho hệ thống, cơ chế, yếu tố chính trị.... Nhưng tất cả những cái đó cũng đều do con người tạo ra, cho nên muốn thực hiện được thì cũng phải bắt đầu từ yếu tố con người. Liệu người dân Việt có thể đặt kỳ vọng vào quyết tâm của từng cá nhân lãnh đạo đang ở những cương vị định đoạt hay không? • Trần Lê Anh (GS. Đại học Lasell, Hoa Kỳ)
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2