intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị như thế nào khi Việt Nam tham gia TPP

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

21
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết phân tích tình hình, làm rõ những lợi ích của TPP và đề xuất một số biện pháp chính nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị như thế nào khi Việt Nam tham gia TPP

  1. DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CẦN PHẢI CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO KHI VIỆT NAM THAM GIA TPP1 ThS. NCS. Nguyễn Nam Anh Ban Kinh tế Trung ương Tóm tắt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) xuất hiện như là một tất yếu khi có rất nhiều vấn đề mà các FTA hiện tại chưa giải quyết được. Với những lợi ích to lớn, TPP kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững trong thời gian tới. Bài viết phân tích tình hình, làm rõ những lợi ích của TPP và đề xuất một số biện pháp chính nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. 1. Tổng quan về TPP Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - còn gọi là TPP) là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiệp định này được ký kết ngày 03/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa bốn nước Xingapo, Chilê, Niu Dilân, Brunây. Nội dung đàm phán của TPP, so với các hiệp định BTA, AFTA và WTO, TPP mở rộng hơn, cả về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, TPP còn đề cập đến các vấn đề phi thương mại như mua sắm chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với phạm vi đa biên như vậy, các cam kết trong TPP sâu hơn, toàn diện hơn. Do đó, tác động ảnh hưởng của TPP rất lớn. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa TPP với các hiệp định thương mại khác. Về nguyên tắc, các cam kết thực hiện TPP phải thực sự bình đẳng, không phân biệt trình độ phát triển và xuất phát điểm của mỗi nước. Mọi thành viên đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang 1 Ban Kinh tế Trung ương. Bài viết phản ánh góc độ nghiên cứu riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm nơi tác giả công tác. Email: anhnn@kinhtetrunguong.vn 711
  2. nhau. TPP tạo lập môi trường cho các nước có trình độ phát triển khác nhau, nhưng cố gắng đạt được cùng mẫu số chung để phát triển. Ngày 5/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia TPP gồm Ôxtraylia, Brunây, Canada, Chile, Nhật Bản, Malayxia, Mêxico, Niu Dilan, Pêru, Xingapo, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán. Bảng 1. Số liệu GDP và dân số các quốc gia tham gia đàm phán TPP GDP năm 2014 Dân số năm 2014 Quốc gia (Tỷ USD) (Triệu người) Ôxtrâylia 1.454 24 Brunây 17 0,5 Canada 1.787 36 Chilê 258 17 Nhật Bản 4.601 127 Malayxia 327 30 Mêxicô 1.283 123 Niu Dilân 188 4,5 Pêru 203 31 Xingapo 308 5,5 Hoa Kỳ 17.419 319 Việt Nam 186 92,5 Nguồn: Ngân hàng Thế giới 2015 1.1. Vai trò của TPP TPP là Hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ XXI, TPP ra đời nhằm mục đích để các nước Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gần nhau hơn, tạo ra một khu vực thương mại tự do, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu khi vẫn đề cập đến các vấn đề mang tính thế hệ mới. TPP có vai trò quan trọng đối với kinh tế thế giới không chỉ bởi vị trí địa lý quan trọng mà còn bởi quy mô kinh tế, quy mô trao đổi thương mại giữa các quốc gia tham gia TPP. Các 712
  3. nước thành viên TPP có tổng GDP là 28 nghìn tỉ USD, tương đương 36% GDP toàn cầu, và chiếm trên 25% tổng thương mại toàn thế giới2. 1.2. Các đặc điểm chính của TPP Có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Các đặc điểm đó bao gồm: - Tiếp cận thị trường một cách toàn diện. Hiệp định TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên. - Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết. Hiệp định TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước. - Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại. Hiệp định TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. - Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại. Hiệp định TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại. Hiệp định bao gồm các cam kết nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rõ về Hiệp định, tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại và nêu lên những thách thức đáng chú ý tới chính phủ các nước thành viên. Hiệp định cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển và nâng cao năng lực thương mại để đảm bảo rằng tất cả các Bên đều có thể đáp ứng được những cam kết trong Hiệp định và tận dụng được đầy đủ những lợi ích của Hiệp định. - Nền tảng cho hội nhập khu vực. Hiệp định TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á -Thái Bình Dương. 2 Báo cáo World Bank năm 2014. 713
  4. 2. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia TPP 2.1. Trước hết doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận thấu đáo những cơ hội mà TPP mang lại Thứ nhất, theo ước tính sơ bộ của một mô phỏng kinh tế do Minor, et al 2015 thực hiện cho thấy TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% lượng tích lũy tài sản trong vòng 20 năm tới. Riêng đối với Việt Nam, kết quả của dự báo cho thấy TPP sẽ làm tăng GDP thực tế khoảng trên 8% (lũy kế) vào năm 2030 xuất phát từ việc thuế quan cắt giảm đối với các mặt hàng xuất khẩu vào các nước trong khối, nhất là dệt may3 và phụ kiện. Cắt giảm các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam4. TPP mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn của các nước tham gia TPP. Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động và tích cực tận dụng rất tốt những ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã ký song phương (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chilê) hoặc cùng với ASEAN ký kết với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Niu Dilân. Bằng cách tận dụng được ưu đãi thuế quan từ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong các thị trường có FTA, một phần không nhỏ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường kể trên được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Ngoài ra, trong các thành viên TPP, có những quốc gia quan trọng, có khả năng bổ sung cao cho nền kinh tế Việt Nam như Mỹ, Ôxtrâylia, Niu Dilân… Những quốc gia này là những đối tác tiềm năng, có khả năng đầu tư vào Việt Nam ở một số lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển như ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghệ cao… Thông qua chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam có thể nâng cao được trình độ sản xuất và tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 3 Đối với ngành dệt may, thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm 50% ngay năm đầu tiên TPP có hiệu lực (tương đương 1 tỷ USD) và tăng lên trong những năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 30%/năm; về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, có một số linh hoạt như nhập nguyên liệu từ nước thứ ba để sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ vẫn được hưởng ưu đãi theo TPP. Đối với ngành da giầy, dự kiến giảm khoảng 60% số thuế nhập khẩu phải nộp cho Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu được Hiệp hội da giầy Việt Nam đánh giá dự kiến tăng khoảng 25% so với tốc độ tăng 15% trước khi tham gia TPP; kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và sản phẩm chế biến có khả năng tăng lên. 4 Đầu tư dự kiến tăng trên 20% khi TPP đi vào thực hiện và sẽ làm tăng đáng kể lượng vốn đầu tư và tăng trưởng dài hạn. 714
  5. Theo khảo sát của Hoàng Văn Châu et al (2014), phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều cho rằng tham gia TPP là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên TPP, đặc biệt là Mỹ (với hơn 90% doanh nghiệp). Về ngắn hạn, những mặt hàng Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu là những mặt hàng có lợi thế so sánh về mặt điều kiện tự nhiên và sử dụng lao động giá rẻ như gạo, rau quả và hạt, thủy hải sản, thịt, dệt may, hóa chất, gỗ… Thứ hai, TPP còn mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội được mua các nguồn nguyên liệu nhập khẩu với chi phí thấp từ các nước tham gia TPP. Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan giúp doanh nghiệp giảm được chi phí nguyên vật liệu đầu vào, từ đó giảm chi phí sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ. Đây là cơ hội quý giá để doanh nghiệp Việt Nam bớt lệ thuộc hơn vào nguồn nguyên vật liệu đến từ thị trường Trung Quốc5. Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (do các nước TPP chiếm tới 36% GDP và 25% thương mại toàn cầu). Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam đạt được nhiều lợi ích trong việc tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước tham gia TPP. Theo đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn với ít rào cản và điều kiện hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm Chính phủ các nước, có cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư các nước của TPP. Tuy nhiên, hiện tại các dịch vụ mà doanh nghiệp Việt Nam cung cấp ra nước ngoài còn hạn chế, chưa có chiến lược quốc gia trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, còn có tình trạng các doanh nghiệp của Việt Nam cùng cạnh tranh với nhau trên các thị trường nước ngoài, quy mô đầu tư còn nhỏ, hiệu quả mới chỉ bước đầu, rủi ro còn tiềm ẩn do thiếu kinh nghiệm và thị trường biến đổi phức tạp do đó cơ hội để Việt Nam tận dụng mở rộng và phát triện thị trường dịch vụ một cách hiệu quả là không cao. Hiện tại mới chỉ có một số doanh nghiệp đầu tư khai thác dịch vụ viễn thông (Viettel đầu tư tại Lào, Campuchia, Haiti…), đầu tư vào xuất khẩu phần mềm (FPT) và đầu tư vào dịch vụ tài chính. Thứ tư, song hành với việc tham gia vào thị trường dịch vụ của các nước thì Việt Nam cũng tiến hành mở cửa thị trường dịch vụ của mình. Với một môi trường kinh doanh dịch vụ tự do và cạnh tranh hơn, các doanh nghiệp từ các nước đối tác với cách thức quản lý chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm 5 Nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc giá cả thường biến động do những chính sách thương mại thay đổi đột ngột và chất lượng thường không đảm bảo. 715
  6. cung cấp dịch vụ lâu năm và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tham gia và cùng cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa tạo áp lực thực sự và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư, hợp tác để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Cuối cùng, tham gia TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Tất cả doanh nghiệp sẽ có một sân chơi công bằng để phát triển. 2.2. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cũng cần phải tỉnh táo để nhận diện đầy đủ những thách thức sẽ gặp phải Thứ nhất, khi gia nhập TPP, Việt Nam phải cam kết cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng nhập khẩu từ các thành viên của TPP, do đó sẽ có thể gây ra khả năng làm giảm thu ngân sách quốc gia. Thêm vào đó, việc cắt giảm thuế sẽ là cơ hội cho hàng hóa từ các nước thành viên TPP tăng cường xuất sang Việt Nam kèm theo đó là sự đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại và chất lượng sẽ cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nội địa, đặc biệt là mặt hàng nông sản6. Điều này vô hình chung gây nên sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, cơ hội tiếp cận thị trường các nước với thuế suất bằng 0% có thể sẽ trở nên rất nhỏ bởi việc các nước sử dụng những rào cản dưới dạng những quy định liên quan đến kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ (ví dụ như Mỹ, Ôxtrâylia) hay việc các nước sử dụng các vụ kiện phòng vệ thương mại với quy chế kinh tế phi thị trường (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ)7. Một điểm đáng chú ý là việc quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một quốc gia thành viên sang thành viên khác bắt buộc phải có nguồn gốc xuất xứ nội khối, không sử dụng nguyên liệu của nước thứ 3 ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Đây là một trong 6 Hàng nông sản của các nước tràn vào Việt Nam, làm cho nông sản trong nước bị cạnh tranh, ép giá, mất thị phần, làm giảm thu nhập của nông dân và doanh nghiệp. Ngoại trừ mặt hàng hồ tiêu, hạt điều, các mặt hàng khác như thịt gà, thịt lợn, thịt bò… khả năng cạnh tranh của ta thấp. 7 Năm 2013 có 6 vụ kiện phòng vệ thương mại: Vụ Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh, ống dẫn dầu, ống thép không gỉ; vụ Ôxtrâylia điều tra chống bán phá giá đối với máy biến thế; vụ Côlômbia điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với ống thép; vụ Ủy ban Châu Âu điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm sợi Polyeste. 716
  7. những khó khăn lớn đối với doanh nghiệp nội địa, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc và da giày khi phần lớn nguyên vật liệu là có xuất xứ từ Trung Quốc8. Thứ hai, thương mại dịch vụ của Việt Nam sẽ mở cửa mạnh mẽ khi tham gia TPP. Theo đó, tình hình xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sẽ giảm sút trong khi tình hình nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ9. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ từ các nước thành viên TPP với kinh nghiệm kinh doanh lâu năm, đội ngũ nhân viên chất lượng cao và chiến lược tiếp cận thị trường nhạy bén tham gia thị trường dịch vụ Việt Nam sẽ khiến cho các công ty kinh doanh dịch vụ trong nước gặp nhiều khó khăn và có thể đánh mất thị trường. Thứ ba, TPP quy định rất rõ về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Theo đó, TPP xây dựng những cam kết liên quan đến quyền của người sáng chế, và tạo ra bảo hộ rõ rệt đối với các tác phẩm như bài hát, phim, sách, và phần mềm và yêu cầu các thành viên TPP cung cấp các công cụ hợp pháp để ngăn ngừa việc sử dụng sai các bí mật thương mại, và xây dựng các quy trình thủ tục và xử phạt hình sự đối với tội phạm trộm cắp bí mật thương mại, bao gồm cả trộm cắp qua mạng. Kèm theo đó, các thành viên được yêu cầu cung cấp các hệ thống chế tài mạnh, bao gồm cả những quy trình thủ tục dân sự, các biện pháp tạm thời, các biện phảp quản lý biên giới, và chế tài hình sự đối với tội giả mạo nhãn hiệu và vi phạm bản quyền. Mặc dù đã tham gia Công ước Bern nhưng Việt Nam vẫn chưa xây dựng được các thiết chế bảo hộ hiệu quả và số vụ việc vi phạm trí tuệ còn rất lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có kiến thức và sự chú ý cần thiết đối với vấn đề này. Chính vì vậy, việc áp dụng mạnh mẽ bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, tạo áp lực gia tăng các chi phí cấu thành giá của sản phẩm, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. 2.3. Đề xuất giải pháp đối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia TPP Thứ nhất, các doanh nghiệp cần học quản trị sự bất định thông qua tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động (như thị trường kỳ hạn, các công cụ phái sinh, bảo hiểm); nhận thức và đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, các 8 Theo Báo cáo của Hiệp hội da giày VN, có đến 70% nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc. 9 Theo P. Petri (2011), trong giai đoạn 2007-2025, nếu gia nhập TPP, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam có khả năng giảm 15,3% và nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam có khả năng tăng 83,7%. 717
  8. hàng rào kỹ thuật (nhất là tại các thị trường phát triển); nhận thức vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi chính sách (những cú sốc nhất thời thì cần điều chỉnh bộ phận; những cú sốc lâu dài thì cần điều chỉnh chiến lược). Đồng thời, các doanh nghiệp cần làm quen với việc xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh dài hạn kết hợp với kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu ngắn hạn một cách linh hoạt và hiệu quả. Có như vậy, các doanh nghiệp mới nâng cao được năng lực để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Thứ hai, thực tế trên nhiều lĩnh vực hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, do họ có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, thương hiệu, uy tín… Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần định vị lại bản thân, xác định lại vị trí trên thị trường, điểm mạnh, điểm yếu, tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cạnh tranh về giá là chính, khi TPP đi vào thực hiện thì lợi thế này sẽ bị loại bỏ. Vì thế, thay vì đối đầu trực tiếp trên các thị trường lớn thì hãy chọn các thị trường ngách, thị trường nhỏ với chiến lược “đại dương xanh” - khai phá mảng thị trường có thể nhỏ hẹp nhưng mới và ít đối thủ cạnh tranh. Ngay trong mảng mua sắm công, thay vì tham gia đấu thầu trực tiếp những hợp đồng lớn, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn trở thành nhà thầu phụ. Điều này phù hợp với tiềm lực và khả năng của doanh nghiệp Việt Nam hơn. Thứ ba, những quy định về môi trường, lao động hay bảo hộ sở hữu trí tuệ là xu hướng phát triển tất yếu của môi trường kinh doanh toàn cầu trong điều kiện hội nhập quốc tế. Dù muốn hay không thì các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận xu hướng này. Do đó, thay vì cố tình trì hoãn, đi theo lối kinh doanh cũ, các doanh nghiệp nên chủ động cải cách hoạt động của mình cho phù hợp với xu thế của thời đại. Thứ tư, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội hợp tác, tiếp cận các nguồn vốn, thành tựu khoa học công nghệ, nhân lực của đối tác nước ngoài. TPP sẽ là cơ hội quý giá để các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Với tiềm lực to lớn về vốn, khoa học công nghệ, năng lực quản lý và nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết tiếp cận và phát huy sẽ trưởng thành rất nhanh chóng. Tuy nhiên cần chú ý những bài học kinh nghiệm đi trước của các nước khác nhằm tránh thua thiệt trong hợp tác kinh doanh cũng như để tránh bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Thứ năm, cần xây dựng định hướng xuất khẩu để phù hợp với các tiêu chí mà các nước thành viên TPP yêu cầu nhằm hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Từ đó có 718
  9. những điều chỉnh hợp lý về sản xuất kinh doanh, nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Cuối cùng, cần phải tăng cường vai trò của các hiệp hội, các câu lạc bộ giám đốc… nhằm giao lưu, xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin và hỗ trợ phát triển chuyên môn giữa các doanh nghiệp. Những hoạt động này tuy đơn giản nhưng rất bổ ích, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp và hoàn thiện năng lực của các nhà quản lý, kinh doanh. Cần chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá gắn liền với tiêu chuẩn, mẫu mã giao dịch. Các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp nên song hành cùng với Chính phủ trong việc nắm bắt các thông tin về hội nhập để giúp Chính phủ đề ra các chính sách cải cách có hiệu quả. Doanh nghiệp cũng cần nắm vững về cơ sở pháp lý và các cơ chế có liên quan trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia vào thương mại khu vực. Với doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội là rất to lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Do đó để nắm bắt được các cơ hội, đối phó được những thách thức, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và tích cực hơn trong việc nâng cao năng lực bản thân, gia tăng sức cạnh tranh và tìm hiểu hiệp định một cách thấu đáo. Hy vọng rằng, khi TPP có hiệu lực, những lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam thu được sẽ lớn hơn những trở ngại mà các doanh nghiệp gặp phải. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì khi tham gia TPP. Nguyễn Thị Tường Anh. Tạp chí Tài chính. 2013. Truy cập ngày 03/12/2014 tại: http://www.tapchitaichinh.vn/Nghien-cuu-dieu-tra/Doanh-nghiep-Viet- Nam-phai-lam-gi-khi-tham-gia-TPP/26860.tctc 2. Vào TPP, kinh tế Việt Nam được - mất gì. Đặng Khanh. Truy cập ngày 03/12/2014 tại: http://vov.vn/kinh-te/vao-tpp-kinh-te-viet-nam-duoc- mat-gi-307957.vov 3. Giới thiệu tóm tắt về TPP. Trung tâm thương mại WTO. Truy cập ngày 03/12/2014 tại: http://trungtamwto.vn/forum/topic/gioi-thieu-tom-tat-ve- hiep-dinh-thuong-mai-xuyen-thai-binh-duong-tpp 719
  10. 4. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và vấn đề tham gia của Việt Nam. Hoàng Văn Châu et al. 2014. Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. 5. Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và một số kiến nghị. Nguyễn Nam Anh. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Hội nhập kinh tế quốc tế: 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh”. 2014. 6. Backgrounder Trans-Pacific Partnership: what’s in it for Canada. CCCE. 2014. Truy cập ngày 03/12/2014 tại: http://www.ceocouncil.ca/ wp- content/uploads/2014/07/Backgrounder-TPP-Whats-in-it-for-Canada-July- 2014.pdf. 7. The Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific Intergration: A Quantitative Assessment. P. Petri et al. East-West Center Working Papers. 2011. 8. Cải thiện năng suất lao động: Phải mang sách đi học. Danh Tùng. Truy cập ngày 31/10/2014 tại: http://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/vi- sao-nang-suat-lao-dong-viet-nam-thap-c46a669540.html. 9. Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam: Chuyên đề về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. World Bank. 12/2015. 10. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hội nhập châu Á - Thái Bình Dương: Đánh giá Định lượng. Peter A. Petri et al. 2012. 720
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0