intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

25
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong bài viết này, tác giả trình bày tóm lược lợi ích của việc gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, một số mô hình trên thế giới; đồng thời khái quát thực trạng gắn kết giữa hai chủ thể này ở Việt Nam. Trên cơ sở đúc kết một số mô hình cũng như thực trạng gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp ở Việt nam, tác giả đề xuất một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc gắn kết này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

  1. GẮN KẾT GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VỚI DOANH NGHIỆP Đồng Văn Ngọc* TÓM TẮT: Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam những năm gần đây đã đánh dấu sự phát triển mới, biến chuyển về chất ở cả cấp độ vĩ mô (hệ thống) và cấp độ vi mô (cơ sở GDNN) ở các lĩnh vực trong hoạt động đào tạo, trong đó có việc gắn kết ngày càng tốt hơn giữa doanh nghiệp và nhà trường. Việc gắn kết này được đề cập ở nhiều giác độ khác nhau, ở nhiều bài viết khác nhau. Trong bài viết này, tác giả trình bày tóm lược lợi ích của việc gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, một số mô hình trên thế giới; đồng thời khái quát thực trạng gắn kết giữa hai chủ thể này ở Việt Nam. Trên cơ sở đúc kết một số mô hình cũng như thực trạng gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp ở Việt nam, tác giả đề xuất một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc gắn kết này. Từ khóa: gắn kết, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp I. Gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN- Lợi ích và các mô hình 1. Lợi ích Các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách từ lý luận cũng như từ thực tiễn đã chỉ ra sự gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp đem lại lợi ích cả cho nhà trường, doanh nghiệp, nhà nước, người học và xã hội. Cụ thể là: - Đối với nhà trường: Sự gắn kết với doanh nghiệp đem lại rất nhiều lợi ích đối với nhà trường. Lợi ích nhìn thấy rõ nhất đó là các cơ sở GDNN do hiểu rõ nhu cầu và yêu cầu của doanh nghiệp nên tổ chức đào tạo hiệu quả hơn, từ khâu tuyển sinh đến các hoạt động đào tạo, gắn với đầu ra là người học được doanh nghiệp tiếp nhận. Cũng nhờ gắn kết với doanh nghiệp mà cơ sở GDNN tiết kiệm được chi phí đầu tư trang thiết bị đào tạo và thực hành, làm cho việc đầu tư hiệu quả hơn. Một lợi ích khác là đội ngũ giáo viên, giảng viên của nhà trường, thông qua việc gắn kết với doanh nghiệp, được tiếp xúc với thực tiễn sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp nhiều hơn, qua đó nâng cao hơn kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giảng dạy hơn. - Đối với doanh nghiệp: Lợi ích rõ nhất khi doanh nghiệp gắn kết với cơ sở GDNN là doanh nghiệp có được nhân lực có kỹ năng mong muốn ở từng vị trí làm việc. Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và thời gian để đào tạo lại khi cơ sở GDNN đào tạo đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của mình. Lợi ích này của doanh * Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội 411
  2. nghiệp có thể coi là lợi ích kép. Việc gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN còn đem lại lợi ích lâu dài hơn đối với doanh nghiệp, đó là tạo ra năng suất lao động tiềm năng cao hơn, có cơ hội hơn để đầu tư, đổi mới trang thiết bị và công nghệ, được nguồn nhân lực có khả năng vận hành được thiết bị, làm chủ công nghệ. Cũng nhờ đó mà năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. - Đối với nhà nước: Rõ ràng, khi nhà trường và doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ, chất lượng đào tạo nhân lực sẽ được nâng lên và xét trên phương diện quản lý vĩ mô, đất nước có được lực lượng lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu cho các ngành kinh tế. Người lao động được đào tạo tốt góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. - Đối với người học và xã hội: Khi nhà trường và doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ, người học sẽ biết được mình cần học cái gì, học như thế nào và họ có được sự lựa chọn tốt nhất. Nhờ đó mà người học và gia đình vừa tiết kiệm được kinh phí và thời gian học tập. Nhất là trong quá trình học tập, khi người học thực tập tại doanh nghiệp, họ được làm quen máy móc, thiết bị thực tế của doanh nghiệp. Qua đó, người học có được các kiến thức thiết thực, có được các kỹ năng phù hợp với các vị trí việc làm cụ thể trong doanh nghiệp, khi ra trường có thể làm việc được ngay tại doanh nghiệp, không cần phải mất thời gian để đào tạo lại tại doanh nghiệp. Xét trên phương diện xã hội, nhờ có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, người học lựa chọn được nghề học và phương thức học phù hợp, qua đó, hạn chế được hiện tượng học nghề này nhưng lại làm nghề khác hoặc học xong lại không tìm được việc làm vì kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Điều này tạo ra hiệu ứng dây chuyền, đất nước có được nguồn nhân lực chất lượng, xã hội giảm được tình trạng thất nghiệp hoặc thất nghiệp ảo và qua đó, giảm thiểu được những hệ lụy tiêu cực. 2. Một số mô hình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp Hiện nay, trên thế giới tồn tại nhiều mô hình gắn kết, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, chằng hạn như mô hình đào tạo nghề kép của Đức, mô hình đào tạo của các nước khu vực Châu âu (ngoài Đức), mô hình KOSEN của Nhật Bản… Hệ thống đào tạo kép được thiết lập vững chắc trong hệ thống giáo dục Đức. Đặc điểm chính của hệ thống kép là sự hợp tác giữa các công ty và các trường dạy nghề được tài trợ công khai. Trong mô hình này, bên cạnh việc cùng thiết kế chương trình đào tạo, giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lên kế hoạch đào tạo cụ thể. Sự hợp tác này được quy định bởi pháp luật. Học viên trong hệ thống đào tạo kép thường dành một phần mỗi tuần tại một trường dạy nghề và phần khác tại một công ty, hoặc họ có thể dành thời gian dài hơn ở mỗi nơi trước khi xen kẽ. Đào tạo kép thường kéo dài hai đến ba năm rưỡi. 412
  3. Mô hình đào tạo KOSEN được ứng dụng từ năm 1962 tại Nhật Bản, áp dụng cho học sinh ngay từ lứa tuổi 15 (lứa tuổi vừa tốt nghiệp THCS tương tự như ở Việt Nam). Định hướng của mô hình đào tạo KOSEN nhằm gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao với doanh nghiệp; đào tạo không chỉ lý thuyết mà hướng đến kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo của người học thông qua các hoạt động thực hành, nghiên cứu. Sinh viên tốt nghiệp từ KOSEN giàu tinh thần, dám đương đầu với thử thách, vừa thực tiễn, vừa sáng tạo, là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển đất nước. Trong mô hình Kosen, nhà trường đào tạo theo vấn đề, đào tạo theo dự án có trong thực tế. Khi xây dựng chương trình đào tạo có sự tham gia của doanh nghiệp và theo yêu cầu của doanh nghiệp. Trong quá trình học tập, người học được thực hành, thăm quan tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, khác với mô hình đào tạo nghề kép của Đức, đối tượng người học trong mô hình KOSEN là những học sinh giỏi ở các trường THCS (lớp 9), có năng khiếu kỹ thuật, có tư duy sáng tạo với mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong mô hình KOSEN có sự phân định rõ thời gian học văn hóa và học nghề, người học có thể học lên cao để lấy bằng cử nhân hoặc sau đại học. Điều quan trọng mô hình KOSEN là hình thành cho người học tác phong làm việc công nghiệp với tiêu chí 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng). II. Thực trạng gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN ở Việt Nam Trong thời gian qua đã bước đầu có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp. Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Các cơ sở GDNN sau khi dạy xong lý thuyết, gửi học sinh vào các doanh nghiệp để thực tập trên các thiết bị đang sử dụng của doanh nghiệp, làm cho người học có thể vận dụng được những kiến thức đã học, đồng thời nâng cao được kỹ năng nghề. Việc liên kết đào tạo này đã làm tăng mối quan hệ hiểu biết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo không phải tăng đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị dạy thực hành và người học có thể tiếp thu bài học nhanh hơn. Về phía doanh nghiệp có thể sử dụng được những học sinh học nghề để tạo ra những sản phẩm mới hoặc có thể lựa chọn được những người lao động có kỹ thuật tương lai phù hợp với doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề nghiệp ở cả hai cấp độ: cấp độ chính sách và cấp độ hoạt động đào tạo. Ở cấp độ chính sách, doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào việc xây dựng danh mục nghề đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG)....Cụ thể: - Xây dựng danh mục nghề đào tạo: Danh mục nghề đào tạo trước hết xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và 413
  4. thị trường lao động. Vì vậy, việc xây dựng danh mục nghề đào tạo các cơ quan nhà nước có liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ với đại diện doanh nghiệp để xác định được tên nghề và nội hàm của nghề, yêu cầu về kỹ năng và trình độ đào tạo. - Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (TCKNNQG): Trong tất cả quy trình xây dựng TCKNNQG từ phân tích nghề, phân tích công việc, biên soạn tiêu chuẩn thực hiện công việc đến thẩm định đánh giá chất lượng các bộ TCKNNQG đều có sự tham gia của các thành viên đến từ doanh nghiệp. Số những thành viên này trong Ban chủ nhiệm xây dựng TCKNNQG chiếm khoảng 50%. Trong tất cả các khâu: phân tích nghề, phân tích công việc, xây dựng danh mục các công việc, và biên soạn TCKNNQG đều có sự tham gia của doanh nghiệp. Việc thẩm định các bộ TCKNNQG có sự tham gia của ít nhất 30% thành viên đang trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp có nghề được xây dựng TCKNNQG. Việc Tổ chức biên soạn ngân hàng đề thi đánh giá KNNQG gồm những chuyên gia đã tham gia xây dựng TCKNNQG hoặc những người đã được cấp thẻ đánh giá viên KNN có kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề cho người lao động. Ở cấp độ hoạt động đào tạo, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc xây dựng chương trình đào tạo, nhất là từ khi có Luật GDNN. Các chuyên gia, kỹ thuật viên, thợ giỏi của doanh nghiệp được mời đến cơ sở GDNN tham gia giảng dạy thực hành nghề cho học sinh; tham gia đánh giá kết quả học tập của học sinh và tham gia vào hội đồng thi tốt nghiệp cuối khóa của học sinh. Trong thời gian qua, bước đầu có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp với nhiều hình thức khác nhau, như: - Tổ chức cho học sinh thực tập tại các doanh nghiệp thành viên là hình thức hỗ trợ phổ biến đối với các doanh nghiệp cho các trường nghề trực thuộc. Ngoài ra, doanh nghiệp hoặc tự tổ chức bồi dưỡng hoặc ký các hợp đồng đào tạo trực tiếp với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, cập nhật chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới cũng là hình thức phổ biến và phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện tại đa số các doanh nghiệp hiện nay. - Doanh nghiệp hỗ trợ, cung cấp trang thiết bị thực hành cho trường; hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên để chi trả một phần tiền lương cho cán bộ, giáo viên các cơ sở GDNN; hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo. Một số doanh nghiệp hỗ trợ các trường trực thuộc một phần kinh phí xây dựng cơ bản, nhất là xưởng thực hành, ký túc xá cho sinh viên hoặc hỗ trợ trang thiết bị đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. 414
  5. - Cử chuyên gia và thợ giỏi trực tiếp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập tại các cơ sở GDNN. - Tiếp nhận học sinh sau khi tốt nghiệp các cơ sở GDNN vào làm việc tại doanh nghiệp. Do trong quá trình đào tạo đã có sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp nên những học sinh tốt nghiệp các trường, có cơ hội lớn được làm việc tại doanh nghiệp đã từng thực tập. Các sinh viên tại các cơ sở GDNN thuộc doanh nghiệp hầu hết được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp có liên quan. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm ở các trường thuộc doanh nghiệp đạt từ 90%-95%. Các trường thuộc doanh nghiệp không chỉ đào tạo nhân lực cho chính doanh nghiệp mà còn đào tạo cho các doanh nghiệp khác và xã hội. - Các trường thực hiện hợp đồng cho các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp. - Các doanh nghiệp nhận hướng dẫn học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp. - Doanh nghiệp nhận bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề cho giáo viên, giảng viên các cơ sở GDNN. Ngoài sự hợp tác trong đào tạo, giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp có sự phối hợp tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Về phía doanh nghiệp, đó là tư vấn về những công việc, những yêu cầu mà một người lao động cần có, để từ đó học sinh có thể lựa chọn nghề học phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Về phía nhà trường, đó là tư vấn, giới thiệu về khả năng thu hút lao động của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp để họ có thể đến làm việc sau khi tốt nghiệp. Nhiều trường đã hình thành bộ phận làm công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh và đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trên thực tế còn nhiều hạn chế, bất cập, chẳng hạn: - Huy động đầu tư của doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo nghề nghiệp chủ yếu thông qua việc khuyến khích. - Việc tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động đào tạo cả ở tầm chính sách và đào tạo trực tiếp chưa có tính ràng buộc rõ ràng do cơ chế, chính sách dù đã có nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống như chính sách về thuế, về người dạy, về các ưu đãi đầu tư…. - Nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với GDNN chưa đầy đủ. Các doanh nghiệp chưa ý thức đúng tầm quan trọng về sự phát triển bền vững của 415
  6. doanh nghiệp phải trên cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình. - Giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung về thông tin, dự báo nhu cầu về lao động của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc nâng cao tay nghề cho công nhân đang làm việc và quyền lợi của người lao động sau khi nâng cao trình độ, tay nghề. III. Đề xuất, kiến nghị - Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa Việt Nam, hiện tại khó có thể áp dụng nguyên mẫu mô hình đào tạo kép như của Đức hay KOSEN của Nhật Bản vào hệ thống GDNN. Kosen là mô hình đào tạo kết hợp rất tốt giữa phát triển năng lực thực hành cùng phát triển về đào tạo văn hóa, giáo dục, đặc biệt chú trọng đến giáo dục phẩm chất, hành vi cho người học. Tuy nhiên, nếu như ở Nhật Bản, mô hình KOSEN thu hút được nhiều học sinh giỏi vào học thi ở Việt Nam dường như là ngược lại. Nhiều người Việt Nam vẫn còn tâm lý học để có bằng cấp cao hơn là học để có nghề phù hợp và gắn với đam mê nghề nghiệp. Do vậy, cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia, tổ chức của Đức (GIZ) và Nhật Bản (KOSEN, JICA) để có thể có sự vận dụng các mô hình này một cách phù hợp với Việt Nam. - Thứ hai, cần luật hóa các quy định tại các luật (Luật GDNN, Luật Việc làm, Luật Doanh nghiệp,…) về cơ chế, chính sách, các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nói chung và trong sự hợp tác, liên kết nói riêng. Nhà nước cần trao quyền tự chủ một cách đầy đủ cho các cơ sở GDNN, nhất là các trường cao đẳng, đồng thời cơ sở GDNN phải có trách nhiệm giải trình và thực hành giám sát xã hội. Trong thực tế, để liên kết, hợp tác với DN thì cơ sở GDNN cần có sự linh hoạt, mở trong quá trình tổ chức đào tạo. - Thứ ba, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp, tập trung vào một số vấn đề như: + Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề nghiệp; + Chính sách quy định trách nhiệm của doanh nghiệp khi tiếp nhận lao động qua đào tạo (tiền lương tối thiểu đối với những người qua đào tạo tương ứng với từng trình độ và đặc thù nghề nghiệp); + Chính sách đối với chuyên gia, nhân viên kỹ thuật có tay nghề cao của doanh nghiệp tham gia đào tạo trong các cơ sở GDNN; + Cần có quy định doanh nghiệp có trách nhiệm định kỳ cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm (số lượng cần tuyển dụng theo nghề và trình độ đào tạo, yêu cầu về thể lực, năng lực khác…) và các chế độ cho người lao động (tiền lương, 416
  7. môi trường và điều kiện làm việc, phúc lợi…) cho các cơ sở GDNN; đồng thời, thường xuyên có thông tin phản hồi cho cơ sở GDNN về mức độ hài lòng đối với “sản phẩm” đào tạo của cơ sở GDNN. + Cần có quy định rõ việc tổ chức đào tạo nghề nghiệp tại doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau cho những lao động tuyển mới chưa qua đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề; cấp chứng chỉ nghề cho người lao động. Cần có các quy định về văn bằng, chứng chỉ; chế độ và quyền lợi đối với các kỹ sư, kỹ thuật viên, thợ lành nghề khi tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Để sự gắn kết có hiệu quả, song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp phải có những cám kết công khai như các hoạt động liên kết, các đối tượng tác động trong hoạt động liên kết; các nội dung liên kết (như xác định mục tiêu đào tạo, xây dựng và chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo, xây dựng bộ công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng, việc làm…). TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc hội. (2014). Luật giáo dục nghề nghiệp (2014), Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam 2. Quốc hội. (2014). Luật Việc làm (2014), Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam 3. https://www.bmbf.de/en/the-german-vocational-training-system-2129.html 4. https://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/37880402-gan-ket-nha-truong-doanh- nghiep-trong-day-nghe.html 5. https://www.bmwi.de/Redaktion/EN/Dossier/vocational-training-and-work.html 6. http://baodansinh.vn/chu-trong-3-khau-dot-pha-chien-luoc-trong-giao-duc-nghe- nghiep-70401.htm 417
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2