intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:17

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập" sẽ: (i) phân tích thực trạng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh ở Việt Nam nhằm đánh giá những vấn đề còn tồn tại; (ii) tham khảo kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh của Trung Quốc và (iii) đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh ở Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

  1. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC ... CHO DU LỊCH THÔNG MINH Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP ThS. Phạm Thị Hồng Mỵ1 Tóm tắt: Phát triển du lịch thông minh đang là xu hướng tất yếu ở mỗi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nguồn nhân lực du lịch đáp ứng về số lượng, chất lượng sẽ tạo tiền đề cho phát triển du lịch thông minh. Vì thế, bài viết sẽ: (i) phân tích thực trạng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh ở Việt Nam nhằm đánh giá những vấn đề còn tồn tại; (ii) tham khảo kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh của Trung Quốc và (iii) đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh ở Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, bài viết sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp dựa trên các nguồn tài liệu thứ cấp như văn bản pháp luật, số liệu, báo cáo, công trình nghiên cứu học giả. Từ khóa: du lịch thông minh; đào tạo; sử dụng nguồn nhân lực. SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY OF HUMAN RESOURCE TRAINING FOR SMART TOURISM IN VIETNAM IN THE CONTEXT OF INTEGRATION Abstract: Smart tourism development is an inevitable trend in every country in the world, including Vietnam. Tourism human resources that meet both quantity and quality will create a premise for smart tourism development. Therefore, the article will: (i) analyze the current status of human resource training for smart tourism in Vietnam to evaluate remaining problems; (ii) refer to practical experience in human resource training for smart tourism in China and (iii) propose solutions to improve the quality of human resource training for smart tourism in Vietnam. To accomplish this goal, the article uses analysis and synthesis methods based on secondary sources such as legal documents, data, reports, and scholarly research works. Keywords: smart travel; training; use human resources. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại thì mọi lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế đều không ngừng phát triển và thích ứng trong đó có ngành du lịch, đặc biệt là du lịch thông minh. 1 Trường Đại học Sài Gòn, email:pthmy@sgu.edu.vn.
  2. 276 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch thông mình là nhân tố đóng vai trò quan trọng. Do đó, điều quan trọng là cần có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với nhu cầu của du lịch thông minh. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp từ thể chế, chính sách đến chương trình đào tạo cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với du lịch thông minh. Tuy nhiên, những chính sách vẫn còn chung chung, chưa cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh; chưa có nhiều khóa học đào tạo cấp độ quốc gia cho nguồn nhân lực để hiểu rõ về du lịch thông minh, yêu cầu của du lịch thông minh đối với chuyên môn của nguồn nhân lực,…; việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho du lịch thông minh vẫn chưa đồng bộ, chưa thực sự chú trọng từ phía cơ quan nhà nước ở mỗi địa phương; chương trình đào tạo vẫn còn mang nặng tính lý thuyết hay mô hình liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp còn chưa hiệu quả; chưa có nhiều hỗ trợ về tài chính trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh…Mặt khác, với bối cảnh hội nhập quốc tế, việc học hỏi tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới có thành tựu về phát triển du lịch thông minh, về đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh như Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian phát triển du lịch thông minh, nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Chính vì lý do đó, việc nghiên cứu thực trạng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh nhằm đánh giá những vấn đề còn tồn tại trong công tác đào tạo, cộng với học hỏi tham khảo thực tiễn kinh nghiệm của Trung Quốc để đề xuất giải pháp cho Việt Nam là rất cần thiết. 1. KHÁI NIỆM DU LỊCH THÔNG MINH VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH Ở VIỆT NAM Du lịch thông minh là việc sử dụng các công nghệ thông tin thế hệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật để hiện thực hóa trí tuệ của các dịch vụ du lịch, quản lý du lịch và tiếp thị du lịch. Tóm lại, đó là sử dụng các công nghệ mới để trải nghiệm du lịch trở nên tốt hơn. Công nghệ thông minh được ứng dụng trong xây dựng nền tảng thông tin, đổi mới số liệu thống kê du lịch, cung
  3. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC... 277 cấp thông tin, quản lý tình trạng quá tải, bảo vệ tài nguyên và môi trường, đồng sáng tạo và cá nhân hóa trải nghiệm, giao thông du lịch,… Du lịch thông minh được phát triển trên cơ sở Thành phố thông minh, tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch đô thị nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân, của khách du lịch. Nhiều quốc gia đang chuyển đổi từ du lịch truyền thống sang du lịch sử dụng công nghệ thông tin làm công cụ hỗ trợ, vì vậy du lịch thông minh đã trở thành xu hướng và thách thức tất yếu. Phát triển du lịch thông minh được coi là giải pháp nhằm tăng tính kết nối của các điểm đến du lịch, đặc biệt là những điểm đến khó tiếp cận như điểm đến ở những địa điểm xa xôi, các đảo nhỏ cách biển, cũng như gắn kết các bên liên quan nằm rải rác trong một nền tảng trải nghiệm mà khách du lịch toàn cầu có thể truy cập trực tiếp. Theo Vũ Hương Giang và Vũ Lệ Mỹ (2022), thì phát triển du lịch thông minh là quá trình tăng lên không chỉ về lượng mà còn là sự thay đổi về chất các hoạt động du lịch có ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn nhằm mang lại lợi ích cho các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch. Với lợi ích của du lịch thông minh trong sự phát triển bền vững vì thế, Việt Nam cũng không nằm ngoài sự phát triển của xu hướng tất yếu này. Tại Việt Nam, chính sách, khung pháp lý phát triển du lịch thông minh đã được xây dựng. Luật Du lịch năm 2017 đã quy định “Nhà nước có chính sách trong việc khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch”. Ngày 04/05/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành “Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 cũng đã nhấn mạnh phát triển du lịch thông minh; Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ
  4. 278 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định mục tiêu chung: Ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát triển du lịch thông minh đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tổng cục Du lịch đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TCDL về Kế hoạch triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” theo Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dựa trên các văn bản này, hiện nay chúng ta đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về du lịch với đường link truy cập https://csdl.vietnamtourism.gov.vn/ bao gồm các thông tin về cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, nhà hàng, điểm đến, điểm mua sắm, vận tải khách du lịch, vui chơi giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe, hiệp hội, cơ sở đào tạo, thông tin khoa học, nhân lực ngành du lịch. Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) ra mắt Ứng dụng trên thiết bị di động (Mobile Application) kết nối hướng dẫn viên, khách du lịch, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Với mong muốn hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin, sử dụng dịch vụ thuận tiện, Tổng cục Du lịch chính thức ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel”. Hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch, trong đó có ứng dụng công nghệ cao quét 3D từ trên cao và Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 TP .HCM với tính năng có hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến đã quét hình ảnh 3D, dữ liệu video, hình ảnh 2D, audio ngôn ngữ Việt Anh về các điểm đến đã quét, hệ thống tour tự động theo các chương trình tour của các doanh nghiệp lữ hành đã thiết kế (Tường Bách, 2024). Tuy nhiên, với những thách thức mang lại như hạ tầng cơ sở, chi
  5. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC... 279 phí, khả năng ứng dụng công nghệ,… dẫn đến việc phát triển du lịch thông minh chưa thực sự đồng bộ nên cho đến hiện nay, chưa có điểm đến du lịch nào tại Việt Nam được công nhận hay còn gọi là điểm đến du lịch thông minh. 2. YÊU CẦU CỦA DU LỊCH THÔNG MINH DÀNH CHO NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH Nguồn nhân lực du lịch bao gồm đội ngũ quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; Lao động quản lý các doanh nghiệp; Lao động nghiệp vụ (Lễ tân; Phục vụ buồng; bàn, bar; Nhân viên nấu ăn; Hướng dẫn viên; Nhân viên lữ hành, đại lý du lịch; Nhân viên khác) và lao động sự nghiệp (các nghiên cứu viên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu liên quan, các giáo viên, giảng viên các cơ sở đào tạo du lịch). Với bản chất của du lịch thông minh cho nên nguồn nhân lực du lịch cần đáp ứng một số yêu cầu sau đây: Thứ nhất, kiến thức du lịch vững và được cập nhật mới, kỹ năng chuyên sâu, ngoại ngữ giỏi. Điều này đòi hỏi kiến thức của cán bộ quản lý, nhân viên ngành du lịch phải sâu sắc, uyên thâm và kết nối được với nhiều lĩnh vực khoa học, nhiều nền văn hóa khác nhau, phải có kỹ năng nghề nghiệp đa dạng, giải quyết tốt các tình huống cụ thể, phải có kỹ năng quản lý thời gian, áp lực, tài chính, phân công nhiệm vụ, có kỹ năng tiếp thị nhằm thúc đẩy quảng bá du lịch và đặc biệt có năng lực sáng tạo và đổi mới phục vụ cho du lịch thông minh; nhân lực du lịch càng phải giỏi ngoại ngữ để còn sử dụng công nghệ – vốn công nghệ hiện đại đều đến từ các quốc gia ở châu Âu. Thứ hai, khả năng làm chủ công nghệ, hiểu rõ các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây,…, có kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại, nói chung lại, nguồn nhân lực cho du lịch thông minh phải có năng lực công nghệ, có khả năng thích ứng và thông minh hơn để phục vụ du khách để mang đến những trải nghiệm dành cho khách du lịch tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn, dễ dàng sử dụng, đăc biệt là trong vấn đề bảo mật dữ liệu của khách du lịch.
  6. 280 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... 3. THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO DU LỊCH THÔNG MINH Ở VIỆT NAM Văn bản chủ trương chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh: Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định mục tiêu phát triển nguồn nhân lực như sau: (1) Nhà nước có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hoá và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. (2) Đa dạng hoá các hình thức đào tạo du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch. (4) Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia và Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch. Như vậy, về chính sách định hướng đào tạo nguồn nhân lực du lịch nói chung đã có, nhưng văn bản chính sách hoạch định cho đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh thì hiện nay chúng ta vẫn chưa ban hành cụ thể, chi tiết. Số lượng cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho du lịch thông minh: Ở Việt Nam hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch có tổng cộng gần 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 04 trung tâm về dạy nghề (Nguyễn Lâm Ngọc Vi và Dương Thanh Tùng, 2023). Nhìn vào con số này, cho thấy số lượng cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch là tương đối lớn, đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Tuy nhiên trong số các cơ sở đào tạo du lịch trên thì tiêu biểu có 01 cơ sở đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh. Cụ thể là Trường Du lịch – Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Nghĩa là về số lượng cơ sở đào tạo du lịch về chuyên ngành du lịch thông minh là rất ít. Chủ yếu trong quá trình học, người học sẽ được biết đến về du lịch
  7. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC... 281 thông minh dưới dạng một học phần/khóa học/dự án trong chuyên ngành nói chung về du lịch. Số lượng nguồn nhân lực du lịch thông minh: Theo Ý Yên (2023), tổng số nhân lực du lịch đã được đào tạo từ sơ cấp trở lên chiếm khoảng 23% tổng số nguồn nhân lực toàn ngành. Nếu tính thêm số nhân lực được đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng thì nguồn nhân lực du lịch được đào tạo mới đạt 42 % (chưa được 50%). Đội ngũ hướng dẫn viên được đánh giá có trình độ từ đại học trở lên chiếm 71,3%, tốt nghiệp cao đẳng chiếm 18%, trình độ khác chiếm 10,7%; tỷ lệ này trong lĩnh vực chuyên môn marketing du lịch là 84,2% và lễ tân là 65,3%. Trong tổng số nhân lực du lịch đã được đào tạo từ sơ cấp trở lên chiếm khoảng lĩnh vực phục vụ buồng, bar, bàn, bếp,...; lao động có trình độ trung cấp và sơ cấp lại chiếm tỷ lệ lớn: nhân viên bếp (85,6%); nhân viên chạy bàn (72,4%); nhân viên buồng phòng (70,7%); nhân viên quầy bar (75,5%). Về đội ngũ đào tạo: có khoảng trên 2.000 giáo viên, giảng viên du lịch và cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp (giáo viên, giảng viên du lịch chiếm khoảng 73%, cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo chiếm khoảng 27%) và 2.579 đào tạo viên du lịch (đã có chứng chỉ đào tạo của Hội đồng cấp chứng chỉ du lịch Việt Nam). Giảng viên, giáo viên cơ hữu là 1.400 người, chiếm khoảng 70% và giảng viên thỉnh giảng là 600 lượt người, chiếm 30%. Giáo viên, giảng viên ở độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm khoảng 29% và ở độ tuổi từ 31-50 tuổi chiếm 60%. Trong số giảng viên, giáo viên du lịch có 2 giáo sư, 11 phó giáo sư, 36 tiến sĩ, 210 thạc sĩ và 5 chuyên gia, nghệ nhân (Đào Mạnh Hùng, 2022). Như vậy, số lượng nguồn nhân lực dành cho du lịch thông minh ở Việt Nam là thiếu về số lượng và chất lượng. Bởi nguồn nhân lực dành cho du lịch thông minh đòi hỏi đây là nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng công nghệ, được đào tạo gắn với thực tiễn, nhưng hiện nay, chúng ta vẫn chưa có nhiều điểm đến du lịch thông minh, chưa có nhiều ứng dụng du lịch thông minh để người học, nguồn nhân lực tham gia trải nghiệm thực tiễn. Chương trình đào tạo du lịch thông minh: Chương trình đào tạo ngành Du lịch  đều hướng tới giảng dạy và cung cấp cho xã hội
  8. 282 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình đào tạo đều tập trung vào đào tạo quản trị du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, nhà hàng, quản trị kinh doanh du lịch,… Với xu thế tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới và nghiên cứu thực tiễn của nhu cầu nhân lực du lịch, các ngành đào tạo về du lịch với chương trình đào tạo gắn với thực tiễn giúp sinh viên ra trường có thể đảm nhận được các vị trí. Tuy nhiên, hiện nay mới tạm thời ghi nhận có duy nhất chương trình đào tạo phục vụ riêng cho du lịch thông minh của Trường Du lịch, Đại học Duy Tân. Chương trình đào tạo dành cho du lịch thông minh bên cạnh những nội dung học phần cơ bản của du lịch thì cần có những học phần riêng khác biệt. Tham khảo chương trình đào tạo du lịch thông minh của Trường Du lịch, Đại học Duy Tân đã xác định chuẩn đầu ra và cơ hội việc làm như sau: Chuẩn đầu ra: (i) Về kiến thức: Am hiểu kiến ​​ thức chung về ngành du lịch và lữ hành, hệ thống du lịch thông minh, các điểm du lịch tại Việt Nam. Phân tích và thiết kế hệ thống du lịch thông minh. Khả năng phân tích thị trường, đánh giá tình hình kinh doanh du lịch thông minh và đưa ra các quyết định phù hợp, có thể được ứng dụng vào hệ thống du lịch. Có chuyên môn về tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch thông minh và quản lý hệ thống của doanh nghiệp; (ii) Về kỹ năng: Có kỹ năng phân tích và thiết kế hệ thống, là cơ sở để xây dựng hệ thống du lịch thông minh. Dựa trên hệ thống, người học có khả năng truy xuất thông tin, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin và ra quyết định trong kinh doanh du lịch. Ngoài ra, người học sẽ có thể thiết kế và xây dựng cơ sở dữ liệu để thiết kế, phân tích và quản lý hệ thống. Có khả năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc cá nhân và nhóm. Sinh viên có khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm thông dụng, bao gồm kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, tin học văn phòng (Words, Excel, Powerpoint, v.v.), tiện ích Internet và phần mềm chuyên dụng quản lý du lịch, lữ hành; (iii) Về quyền tự chủ và trách nhiệm: Có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức làm việc tốt, trách nhiệm công dân, tuân thủ pháp luật, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Tác phong du lịch chuyên nghiệp, thái độ phục vụ tốt, tâm huyết với
  9. nghề, tích cực tham gia học tập và làm việc. Có khả năng cập nhật kiến ​​ thức và thỏa sức sáng tạo trong công việc. Cơ hội việc làm: Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên tốt nghiệp sẽ làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thông minh, đại lý du lịch trực tuyến (OTA), công ty phát triển hệ thống du lịch thông minh và các cơ quan quản lý hệ thống thông tin du lịch thông minh tại Việt Nam và khu vực ASEAN. Khóa học về du lịch thông minh ở cấp độ quốc gia: Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có các khóa học về du lịch thông minh ở cấp độ quốc gia để nhằm đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực du lịch. Tại các cơ sở giáo dục đào tạo cũng rất ít các khóa học về du lịch thông minh. 4. THAM KHẢO, KINH NGHIỆM THỰC TIỄN ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO DU LỊCH THÔNG MINH CỦA TRUNG QUỐC Báo cáo Phát triển Du lịch Thông minh Quốc gia năm 2023 (sau đây gọi là “Báo cáo”) do Học viện Du lịch Trung Quốc công bố cho thấy tính đến tháng 6 năm 2023, số lượng người dùng đặt vé du lịch trực tuyến đã đạt 454 triệu người, chiếm 10% số cư dân mạng, chiếm 42,1% tổng số.  Cả nước có hơn 150.000 khách sạn và B&B thông minh và thông minh, 48,6% trong số đó đã được thành lập trong vòng 1 đến 3 năm qua.  Tổng số bằng sáng chế liên quan đến du lịch thông minh đã tăng từ 99 năm 2012 lên 731 vào năm 2021. Các sản phẩm du lịch thông minh ngày càng phong phú, ngành du lịch thông minh đang bùng nổ. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 3.382 danh lam thắng cảnh 4A và 5A được phủ sóng mạng 5G, chiếm 89% tổng số danh lam thắng cảnh 4A và 5A. China Mobile đã tạo ra gần 2.000 ứng dụng du lịch thông minh 5G+ tích hợp văn hóa và du lịch, đồng thời kết hợp thực tế (Yin Jie, 2023). Để có được những kết quả trên, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác đào tạo ở Trung Quốc khái quát thành 04 giải pháp như sau: Thứ nhất, ban hành chính sách về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch thông minh Năm 2020, Bộ Văn hóa và Du lịch và Bộ Giáo dục, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao
  10. 284 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Bộ Thương mại phối hợp ban hành văn bản về tăng cường “Internet + Du lịch” nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành du lịch. Theo đó, đã đề ra giải pháp: Hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, các trường cao đẳng, đại học và cơ quan nghiên cứu khoa học thiết lập cơ chế hợp tác công nghiệp – đại học – nghiên cứu, tích cực thực hiện nghiên cứu và phát triển ứng dụng được hỗ trợ bởi đổi mới khoa học và công nghệ và tổ chức các cuộc thi đổi mới và sáng tạo ở các cấp để nâng cao chuyển đổi tỷ lệ kết quả đổi mới và thúc đẩy một nhóm nhân tài xuất sắc.  Hội đồng Nhà nước đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch dựa trên thực hiện “Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 14 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đề cương các mục tiêu dài hạn đến năm 2035 và Luật du lịch. Kế hoạch đã nhấn mạnh: Tăng cường đào tạo nhân tài đầu ngành du lịch, nhân tài cần thiết, công nghệ mới, hình thức kinh doanh mới, tạo cơ hội lực lượng lao động chất lượng cao, tương thích với sự phát triển của ngành Du lịch. Thực hiện kế hoạch đào tạo nhân tài du lịch sáng tạo.  Để thực hiện triệt để “Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 14 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đề cương các mục tiêu dài hạn đến năm 2035”, “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển ngành thông tin và truyền thông” và “Kế hoạch 5 năm phát triển du lịch lần thứ 14” “Kế hoạch hành động ứng dụng 5G (2021-2023)” và “Ý kiến ​​ việc đào sâu “Internet + Du lịch” đã về được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Bộ Văn hóa và Du lịch ban hành văn bản thông báo vào năm 2023 về việc tăng cường hợp tác đổi mới và phát triển du lịch thông minh 5G+ như sau về nguồn nhân lực: Phát huy đầy đủ vai trò hướng dẫn của chính phủ, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu – trường đại học – doanh nghiệp, thúc đẩy điều phối và liên kết nguồn lực giữa các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, các công ty viễn thông cơ bản và các thực thể thị trường khác, phát huy đầy đủ vai trò tích cực của các phòng thí nghiệm trọng điểm của Bộ Văn hóa và Du lịch, tăng cường hợp tác giữa các sở, chính quyền trung ương. Thúc đẩy xây dựng đội ngũ
  11. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC... 285 nhân tài du lịch thông minh 5G+, đổi mới mô hình đào tạo và cải thiện cơ chế khuyến khích.  Bộ Văn hóa và Du lịch ban hành văn bản về thúc đẩy phát triển thị trường du lịch trực tuyến chất lượng cao vào năm 2023 trong đó xác định: Khuyến khích các hiệp hội ngành nghề tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành đồng thời thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhân sự, nghiên cứu phát triển thị trường v.v. Thúc đẩy việc giới thiệu các tiêu chuẩn liên quan như ngành du lịch trực tuyến và thông số kỹ thuật của sản phẩm. Hỗ trợ các nhà điều hành du lịch trực tuyến xây dựng các tiêu chuẩn của công ty nhằm giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Tập trung vào an toàn nội dung, an toàn sản xuất, phòng chống dịch bệnh, v.v. và tăng cường đào tạo nhân viên quản lý điều hành du lịch trực tuyến. Hướng dẫn các nhà khai thác du lịch trực tuyến đóng vai trò trong quá trình tiêu chuẩn hóa và quốc tế hóa du lịch. Thứ hai, xây dựng các đề án/khóa học/chương trình đào tạo bồi dưỡng về du lịch thông minh cho nguồn nhân lực du lịch ở cấp độ quốc gia Từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 12 năm 2021, Cục Phát triển Tài nguyên đã tổ chức Khóa đào tạo Du lịch thông minh quốc gia năm 2021 tại tỉnh Tứ Xuyên , nhằm thực hiện triệt để “Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 14 của Cộng hòa Nhân dân của Trung Quốc và năm 2035 “Đề cương các mục tiêu dài hạn cho năm 2020” đưa ra các yêu cầu “phát triển sâu sắc du lịch đại chúng và du lịch thông minh, đổi mới hệ thống sản phẩm du lịch và cải thiện trải nghiệm tiêu dùng du lịch”, tăng cường hỗ trợ nhân tài cho du lịch thông minh nhằm phát triển du lịch, đồng thời tạo dựng đội ngũ du lịch thông minh, am hiểu chính trị, hiểu lý luận, am hiểu kinh doanh. Khóa đào tạo này cung cấp các bài giảng về ý nghĩa và lộ trình thực hiện du lịch thông minh, các khái niệm và thực tiễn du lịch thông minh cũng như việc tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn thông qua các bài giảng tập trung, tương tác hỏi đáp, thảo luận nhóm, phỏng vấn và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giảng dạy tại chỗ. Năm 2023, Khóa đào tạo khác do Cục Phát triển Tài nguyên của Bộ Văn hóa và Du lịch chủ trì thực hiện nhằm tạo ra một đội ngũ
  12. 286 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... du lịch thông minh, am hiểu về chính trị, lý thuyết và kinh doanh, khóa đào tạo này được thiết kế cẩn thận các chủ đề đặc biệt, trao đổi kinh nghiệm, phỏng vấn bàn tròn, giảng dạy tại chỗ và các nội dung khác. Các chuyên gia, học giả hoặc lãnh đạo doanh nghiệp từ Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, Tập đoàn China Mobile, Tập đoàn China Unicom và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã tổ chức giảng dạy đặc biệt về phát triển kinh tế kỹ thuật số, xây dựng Thành phố thông minh, dịch vụ tài chính du lịch văn hóa kỹ thuật số, v.v. các sở văn hóa và du lịch địa phương khác đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch thông minh và đại diện của các doanh nghiệp và dự án đổi mới du lịch thông minh đã tiến hành trao đổi tại chỗ. Khóa đào tạo cũng sẽ tổ chức cho học viên đến Trung tâm quản lý kỹ thuật số du lịch thông minh để thực hiện giảng dạy tại chỗ. Cũng trong năm 2023, Khóa đào tạo nhân viên quản lý danh lam thắng cảnh thông minh tỉnh Hồ Nam được thực hiện bởi sự tài trợ của Sở Nhân lực và An sinh xã hội tỉnh Hồ Nam và Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Hồ Nam và do Trung tâm dịch vụ hướng dẫn viên du lịch của Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Hồ Nam chủ trì. Khóa đào tạo này nhằm mục đích nâng cao năng lực chuyên môn của các nhà quản lý các điểm du lịch thông minh tại địa phương, cải thiện mức độ tập trung dữ liệu du lịch văn hóa của địa phương cũng như trải nghiệm và sự hài lòng của khách du lịch đến Hồ Nam, đồng thời cung cấp hỗ trợ trí tuệ và đảm bảo tài năng cho việc xây dựng các điểm tham quan du lịch thông minh. Khóa đào tạo có tổng cộng 91 người từ 14 trưởng bộ phận phát triển vốn của các cơ quan văn hóa, du lịch, đài phát thanh, truyền hình và thể thao, 12 nhà quản lý danh lam thắng cảnh cấp 5A và 62 nhà quản lý danh lam thắng cảnh cấp 4A đã tham gia trong quá trình đào tạo. Nội dung đào tạo bao gồm xây dựng và vận hành nền tảng thông minh cho các điểm du lịch, du lịch văn hóa kỹ thuật số và bảo mật dữ liệu, giới thiệu các chức năng của hệ thống du lịch thông minh du lịch văn hóa Hồ Nam và “du lịch + thông minh” hỗ trợ phát triển các danh lam thắng cảnh chất lượng cao. Ngoài ra, các học viên còn ứng dụng
  13. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC... 287 biển báo thông minh tại các danh lam thắng cảnh cụ thể. Các học viên bày tỏ rằng họ đều trân trọng cơ hội được học, nghiên cứu một cách bình tĩnh, chăm chú và tập trung, đồng thời chuyển hóa kết quả học tập của khóa đào tạo này thành kỹ năng thúc đẩy việc xây dựng các danh lam thắng cảnh thông minh và các ý tưởng quy hoạch phát triển du lịch thông minh. Hay một khóa đào tạo khác được tổ chức nhằm trả lời các câu hỏi là: Du lịch thông minh hiện nay hoạt động hiệu quả như thế nào? Những khó khăn trong việc phát triển du lịch thông minh là gì và cách khắc phục? Làm thế nào để hướng dẫn và thúc đẩy tốt hơn sự phát triển của du lịch thông minh? Khóa đào tạo du lịch thông minh quốc gia đã được tổ chức tại Lệ Dương, do Cục Phát triển Tài nguyên của Bộ Văn hóa và Du lịch tài trợ. Đại diện các cơ quan văn hóa, du lịch, các điểm du lịch và các doanh nghiệp liên quan trên cả nước đã cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch thông minh thông qua giảng dạy đặc biệt, trao đổi kinh nghiệm, phỏng vấn bàn tròn, giảng dạy tại chỗ, v.v. Trong buổi giảng dạy tại chỗ, các học viên đã tiến hành nghiên cứu tại chỗ về nền tảng du lịch văn hóa thông minh. Thông qua khóa đào tạo này, các học viên đã mở rộng trí tuệ và tầm nhìn, đồng thời đều bày tỏ mong muốn biến kết quả học tập của mình thành những thước đo và kết quả công việc thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thông minh chất lượng cao. Thứ ba, hỗ trợ tài chính trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông minh. Tiêu biểu như cơ quan nhà nước ở tỉnh V Nam, đã ban hành ân “Mười biện pháp nhân tài phục vụ sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện đại” trong đó xác định Tăng cường hội nhập công nghiệp, học viện và nghiên cứu, hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, công viên và doanh nghiệp cùng điều hành trường học, đào tạo độc lập các tài năng đổi mới công nghiệp, tập trung vào kim loại quý hiếm, năng lượng mới, sản xuất thiết bị tiên tiến, y sinh, kinh tế kỹ thuật số, nông nghiệp đặc trưng cao nguyên, du lịch thông minh, bảo vệ sinh thái và môi trường. Trong các lĩnh vực như các ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành công
  14. 288 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... nghiệp mới nổi, mỗi chuyên ngành đại học mới sẽ được hỗ trợ tài chính 1 triệu nhân dân tệ khi đánh giá; các chương trình cấp bằng thạc sĩ và tiến sĩ mới được phê duyệt trong các ngành cấp một sẽ được hỗ trợ tài chính lần lượt là 2 triệu nhân dân tệ và 3 triệu nhân dân tệ. Thực hiện dự án cập nhật kiến ​​ thức cho các nhân tài chuyên môn và kỹ thuật trong kỷ nguyên mới, tổ chức 50 khóa đào tạo nâng cao hàng năm và hỗ trợ kinh phí 5 triệu nhân dân tệ. Áp dụng phương thức “cao đẳng nghề (kỹ thuật) + doanh nghiệp chuỗi công nghiệp trọng điểm” để cùng nhau xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo đại học công nghiệp-nghiên cứu và cơ sở đào tạo nhân tài tay nghề cao. Hàng năm, 20 triệu nhân dân tệ được đầu tư để tổ chức cuộc thi kỹ năng nghề của địa phương, 10 chuyên ngành được chọn từ các chuỗi công nghiệp trọng điểm. Thứ tư, đào tạo chuyên gia để chuyển đổi du lịch truyền thống sang du lịch thông minh. Để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, điều quan trọng là phải cung cấp chương trình đào tạo phù hợp cho sinh viên đại học. Với tinh thần trách nhiệm cao trong việc nuôi dưỡng các chuyên gia du lịch cho Macao, Cơ sở giáo dục đào tạo Macao đã thành lập Khoa Quản lý Du lịch và Khu nghỉ dưỡng Tích hợp (DRTM) được thành lập vào năm 2019 để đáp ứng nhu cầu về nhân tài trong lĩnh vực du lịch tổng hợp ở Macao, Trung Quốc và hơn thế nữa.  Qua việc nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông minh ở Trung Quốc thì chúng ta thấy rằng: Ưu điểm: Cơ quan nhà nước ban hành văn bản chính sách nhằm phát triển du lịch thông minh, hỗ trợ tài chính, tổ chức, mở nhiều khóa học, chương trình đào tạo ở cấp độ quốc gia để để tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch thông minh. Việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông minh được triển khai từ trung ương cho đến địa phương. Nhược điểm, hạn chế: chỉ riêng đối với giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch thông minh chưa được cơ quan nhà nước ở Trung Quốc chú trọng ban hành văn bản chuyên biệt đề xuất giải pháp cụ thể, mà giải pháp đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chỉ được đề cập như là một giải pháp nội dung nhỏ trong văn
  15. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC... 289 bản chính sách của cơ quan nhà nước ban hành; Không có nhiều khóa học đào tạo nâng cao chuyên môn nguồn nhân lực du lịch thông minh; Chưa thành lập các quỹ/tài chính phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông minh; Chưa thực hiện giám sát hay báo cáo tổng kết định kỳ công tác định hướng đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông minh. 5. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO DU LỊCH THÔNG MINH Ở VIỆT NAM Đối với cơ quan nhà nước: Một là, xác định rõ thực trạng phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam, tại mỗi địa phương, cơ quan nhà nước trung ương – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và mỗi cơ quan nhà nước địa phương – Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thành phố nói riêng cần ban hành văn bản, chính sách chuyên biệt tập trung cho đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch thông minh. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn đang dừng lại là văn bản chính sách nói chung về phát triển du lịch, chưa có văn bản chuyên biệt phát triển du lịch thông minh, lại càng chưa có văn bản dưới dạng đề án/kế hoạch/chiến lược quốc gia về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch thông minh. Hai là, thường xuyên mở các khóa đào tạo/dự án/đề án ở cấp độ quốc gia cho việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch về du lịch thông minh để hiểu rõ, nắm rõ nhu cầu phát triển du lịch thông minh/khó khăn hay tiêu chí về năng lực chuyên môn để đáp ứng cho du lịch thông minh. Nghĩa là các khóa đào tạo cần xoay quanh hai trục vấn đề: chuyên môn chuyên ngành và kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại. Cụ thể như mở khóa học về tiếp thị kỹ thuật số, quản lý phương tiện truyền thông xã hội và phân tích dữ liệu để trang bị hoc học viên những kỹ năng cần thiết phục vụ cho du lịch thông minh. Qua các khóa học này, người học sẽ có cơ hội được trải nghiệm thực tế, hiểu rõ hơn thực tiễn. Ba là, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tổ chức, là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học để mở các khóa đào tạo phục vụ đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch thông minh. Thành lập
  16. 290 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... quỹ phục vụ cho đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch thông minh. Thực hiện chính sách tuyển dụng, bố trí sử dụng nguồn nhân lực du lịch thông minh một cách hợp lý, đặc biệt chú trọng đến việc cải cách chế độ tiền lương và thưởng nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho nguồn nhân lực du lịch thông minh. Thực hiện giám sát và báo cáo tổng kết hàng năm về công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch thông minh. Bốn là, tích cực tăng cường hợp tác liên kết mạnh mẽ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học để thể hiện vai trò định hướng, dẫn dắt cũng như giám sát công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả cho du lịch thông minh. Cử nhóm nhân lực du lịch thông qua chương trình hợp tác quốc tế ở các quốc gia như Hàn Quốc để học hỏi kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ du lịch thông minh, kinh nghiệm chương trình đào tạo du lịch thông minh… Đối với cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực du lịch: cần thực hiện quan tâm chế độ dành cho giảng viên tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh, đầu tư vào việc phát triển chuyên môn của giảng viên như mở hội thảo, tọa đàm về du lịch thông minh; được học tập và trải nghiệm du lịch thông minh ở nước ngoài; Cơ sở giáo dục đào tạo cũng cần tập trung xem xét chương trình đào tạo du lịch thông minh cần tăng các tiết thực hành, giảm bớt lý thuyết, có mô hình thực tiễn cho người học và giảng viên cùng thực hành, sử dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo nguồn nhân lực. Và cuối cùng đặc biệt quan tâm đến nguồn học liệu mở phục vụ cho người học và giảng viên chuyên ngành du lịch thông minh. Đối với nhân lực du lịch: cần phát huy tính chủ động học tập nâng cao kỹ năng am hiểu và ứng dụng công nghệ hiện đại; có kế hoạch học tập rõ ràng. KẾT LUẬN Đào tạo nguồn nhân lực du lịch về du lịch thông minh hiệu quả là vấn đề quan trọng trong nhóm giải pháp phát triển du lịch thông minh ở mỗi quốc gia. Cho nên, cần phát huy hết vai trò của các chủ
  17. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC... 291 thể trong phát triển du lịch thông minh như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo, nhân lực du lịch là rất quan trọng. Kết quả nghiên cứu của bài viết góp phần đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tường Bách (2024), “Việt Nam hướng tới một hệ sinh thái du lịch thông minh”, https://vneconomy.vn/viet-nam-huong-toi-mot-he- sinh-thai-du-lich-thong-minh.htm. 2. Đào Mạnh Hùng (2022), “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong tình hình mới», https://vitea.vn/tham-luan-dao-tao-nguon-nhan- luc-du-lich-trong-tinh-hinh-moi-a7033.html. 3. Vũ Hương Giang và Vũ Lệ Mỹ (2022), “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch thông minh và bài học cho Việt Nam”. https:// jshou.edu.vn/houjs/article/view/158/143. 4. Nguyễn Lâm Ngọc Vi và Dương Thanh Tùng (2023), “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch thông minh”, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dao-tao- nguon-nhan-luc-du-lich-gop-phan-dap-ung-nhu-cau-phat-trien- du-lich-thong-minh-108288.htm. 5. Ý Yên (2023), “Giải quyết bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam”, https://dulich.laodong.vn/tin-tuc/giai-quyet-bat-cap- trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-du-lich-viet-nam-1283031.html. 6. Yin Jie, 2023, ”我国在线旅行预订用户规模达4.54亿智能化成旅游业 新风“, http://paper.people.com.cn/rmrbhwb/html/2023-11/29/content _26029322.htm.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2