intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán ở Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán ở Việt Nam" tập trung phân tích thực trạng cung cấp dịch vụ kế toán, nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kế toán, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán trong bối cảnh mới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán ở Việt Nam

  1. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ TOÁN Ở VIỆT NAM TS. Lê Quốc Diễm 1 Tóm tắt Dịch vụ kế toán là một trong những ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, nó đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên trên thực tế chất lượng dịch vụ kế toán chưa đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển về công nghệ số như hiện nay. Do đó bài viết tập trung phân tích thực trạng cung cấp dịch vụ kế toán, nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kế toán, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán trong bối cảnh mới. Từ khóa: Kế toán, Dịch vụ kế toán, Chất lượng dịch vụ kế toán 1. Đặt vấn đề Với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán nói riêng có được nhiều cơ hội. Tuy nhiên song song với cơ hội là những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt như: năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực…Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, luôn sẵn sàng “nhập cuộc” trước tình hình mới. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 811.538 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp đăng ký mới là 134.940. Năm 2019- 2021 là giai đoạn mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020) có tới 85,7% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, do đó bài toán về chi phí luôn được các doanh nghiệp cân nhắc, trong đó có chi phí cho bộ máy kế toán, chính từ đây sẽ làm phát sinh nhu cầu về dịch vụ kế toán là rất lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ cân nhắc xem nên trả tiền thuê cho 3-5 nhân viên kế toán hay thuê dịch vụ kế toán? Nếu thuê dịch vụ kế toán thì chắc chắn là tiết kiệm được chi phí hơn, bởi vì nếu thuê nhân viên làm trực tiếp thì ngoài tiền lương còn phải đi kèm với các chế độ khác như bảo hiểm, tiền thưởng, các khoản phúc lợi khác, trong khi thuê dịch vụ kế toán thì không có các khoản này. Như vậy xét về mặt chi phí thì rõ ràng là có lợi hơn, vấn đề còn lại là chất lượng của dịch vụ kế toán như thế nào, đây chính là yếu tố mang tính chất quyết định. Bên cạnh đó năm 2021 Bộ tài chính ban hành nhiều quy định mới về thuế đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, trong đó những hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có 1 Khoa Kế toán – Trường ĐH LĐXH (CS2), Email: diemlq@ldxh.edu.vn, Điện thoại: 0909 24 26 28 144
  2. quy mô lớn phải thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai và thực hiện chế độ kế toán. Đây có thể nói là những khách hàng đầy tiềm năng của các công ty cung cấp dịch vụ kế toán. Qua những phân tích trên cho thấy thị trường về dịch vụ kế toán là rất lớn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán cũng đã nắm bắt được tiềm năng của thị trường và đang đẩy mạnh các hoạt động tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên cầu tăng ắt cung cũng sẽ tăng, do đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán phải chuẩn bị mọi mặt để có được phương án kinh doanh tối ưu, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới có thể đứng vững và phát triển mạnh mẽ trước áp lực cạnh tranh gay gắt như hiện nay. 2. Tổng quan về ngành dịch vụ kế toán ở Việt Nam Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay thì dịch vụ kế toán cũng không ngừng đổi mới và phát triển. Từ năm 2003, Luật kế toán ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý cho sự xuất hiện của dịch vụ kế toán. Trãi qua thời gian thì dịch vụ kế toán được quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn. Cụ thể, năm 2015 Luật kế toán số 88/2015/QH13 được ban hành thay thế cho Luật kế toán số 03/2003/QH11 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Theo đó, tại khoản 13 Điều 3 “Kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật này cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu”. Trong Luật này cũng dành riêng một chương để quy định rõ về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán bao gồm các nguyên tắc, yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Điều này cho thấy rằng hệ thống Pháp luật đã không ngừng cải tiến và hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp loại hình dịch vụ này phát triển. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 480/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã nhấn mạnh quan điểm “Kế toán – kiểm toán là công cụ quản lý kinh tế quan trọng”, vì vậy phải “thiết lập một hệ thống giải pháp đồng bộ để kế toán – kiểm toán phát triển”. Trong Quyết định này cũng có quy định rõ một trong những nhiệm vụ đặt ra là phải “Phát triển mạnh thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán - kiểm toán và số lượng kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề, mở rộng thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán – kiểm toán; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ kế toán – kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế quốc dân”. Đồng thời “tăng cường hội nhập quốc tế, tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế; tham gia với tư cách là thành viên chính thức của tổ chức nghề nghiệp quốc tế”. Điều này tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng 145
  3. không ít thách thức cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Theo số liệu của Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán thì số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại các thời điểm như sau: Bảng 1. Thống kê số lượng DN và cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán K Chênh lệch 03 0 0 2021/2020 2022/2021 Chỉ ỳ /2020 3/2021 3/2022 tiêu Doanh nghiệp 121 152 153 + 31 +1 (20,6%) (0,66%) Cá nhân 338 413 400 +75 -13 (22,2%) (3,15%) (Nguồn: Tác giả tổng hợp) Qua bảng số liệu trên cho thấy số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán năm 2021 tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng năm 2022 chỉ tăng 1% so với năm 2021. Tương tự, số lượng cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán năm 2021 so với năm 2020 tăng 22,2% trong khi năm 2022 lại giảm 3,15% so với năm 2021. Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu so với các nước trong khu vực và thế giới. So với tốc độ tăng trưởng kinh tế thì cơ cấu dịch vụ kế toán tại Việt Nam còn chậm, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong thời gian tới nếu như không nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ kế toán cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ như khai báo thuế, làm sổ sách kế toán, lập báo cáo tài chính…chưa nhiều các doanh nghiệp mở rộng tư vấn tài chính trong khi hiện nay khi mà công nghệ Blockhain được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính. 3. Thực trạng hoạt động dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp tại Việt Nam Với lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ do đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nói chung và dịch vụ kế toán nói riêng thì vấn đề quan tâm hàng đầu đó là chất lượng dịch vụ cung cấp. Trong quá trình hoạt động và phát triển, các doanh nghiệp cũng đã tạo được niềm tin với khách hàng, nhất là trong giai đoạn khó khăn về kinh tế, phần lớn các công ty vừa và nhỏ ngày càng có xu hướng thuê dịch vụ kế toán vì chi phí thấp và chất lượng dịch vụ kế toán cũng đảm bảo. Tuy nhiên, khi các công ty khách hàng 146
  4. mở rộng quy mô và lĩnh vực hoạt động, các chính sách về thuế, kế toán có sự thay đổi thì chất lượng dịch vụ kế toán không đáp ứng được sự hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng bằng cách làm thõa mãn nhu cầu của khách hàng thông qua việc “làm đẹp sổ sách theo mong muốn của khách hàng” mà chưa đề cao sự tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế, kế toán, chưa có sự tư vấn đầy đủ …dẫn đến việc khi cơ quan thuế phạt hoặc truy thuế làm mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Chẳng hạn như kỳ quyết toán năm 2021 vừa qua, khi doanh nghiệp thông báo cho khách hàng kết quả về tình hình lãi, lỗ, số thuế phải nộp…thì có tình trạng là khách hàng yêu cầu điều chỉnh, thậm chí đưa ra con số cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Thực tế là có một số doanh nghiệp tư vấn cho khách hàng về việc có thực hiện được yêu cầu của khách hàng hay không, vì sao. Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp vì muốn giữ khách hàng nên trước tiên sẽ “chế biến” số liệu sao cho ra kết quả như khách hàng mong muốn còn kết quả thanh, kiểm tra của cơ quan thuế như thế nào thì sẽ tính sau. Bởi vì không phải công ty nào cơ quan thuế cũng kiểm tra quyết toán hàng năm, mà có khi 2, 3 hoặc 5 năm họ mới kiểm tra. Do đó về phía khách hàng họ thấy không vấn đề gì, các dịch vụ kế toán mà họ thuê có vẻ rất ổn nên họ yên tâm và vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp. Vấn đề phát sinh là khi cơ quan thuế thanh, kiểm tra, quyết toán, với số liệu mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán đã “chế biến” cho khách hàng vi phạm các quy định của pháp luật hoặc không đủ căn cứ để chứng minh dẫn đến truy thu và phạt hành vi gian lận về thuế, lúc này khách hàng mới nhận ra vẫn đề về chất lượng dịch vụ mà họ đang sử dụng, họ có thể quyết định dừng hợp đồng và tìm kiếm doanh nghiệp khác. Hoặc cũng có thể họ tiếp tục sử dụng dịch vụ và đưa ra điều kiện ràng buộc là nếu phát sinh phạt vi phạm về thuế, kế toán thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Như vậy từ đây cũng làm phát sinh rủi ro và có thể làm giảm lợi ích của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Bởi vì nếu nguồn nhân lực không đảm bảo, trình độ chuyên môn thấp, không được đào tạo bài bản và không được cập nhật kiến thức liên tục sẽ dễ xảy ra các vi phạm về thuế, kế toán cho khách hàng, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán mà cả phía khách hàng, nhất là khách hàng bị đưa vào dạng “rủi ro cao về thuế”, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. Dịch vụ kế toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cụ thể theo quy định hiện nay, có 3 loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán là DNTN, công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty hợp danh. Cả 3 loại hình này đều yêu cầu có ít nhất 2 thành viên (công ty hợp danh và công ty TNHH), 2 kế toán viên (DNTN) có chứng chỉ hành 147
  5. nghề và người đại diện theo pháp luật cũng phải có chứng chỉ hành nghề. Chính từ đây phát sinh thực trạng là người có chứng chỉ hành nghề trong công ty cung cấp dịch vụ thực tế lại không làm việc ở công ty này mà làm việc ở một công ty khác. Hay nói cách khác vẫn có tình trạng “cho thuê chứng chỉ” để các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công ty theo quy định. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kế toán. Thêm vào đó, với số lượng khách hàng nhiều, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần lớn sử dụng nhiều nhân sự để “nhập liệu” hơn là để “kiểm soát và tư vấn” các vấn đề về thuế, kế toán cho khách hàng, do đó dẫn đến nhiều sai sót, trong đó có sai sót cả về mặt số liệu và sai sót về tính tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế, kế toán làm cho giảm chất lượng dịch vụ kế toán cung cấp. 4. Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp ở Việt Nam Để nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, gia tăng sự hài lòng của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán thì cần thực hiện các giải pháp sau: Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ: đây là một trong những nhân tố quan trọng làm tăng chất lượng dịch vụ kế toán cung cấp cho khách hàng. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ được thực hiện qua những việc cụ thể như sau: - Xây dựng quy trình tuyển dụng chặt chẽ để chọn lọc được những nhân sự có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, đặc biệt là yêu cầu về trình độ ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu mở rộng đối tượng khách hàng cho doanh nghiệp. - Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chuyên nghiệp, cập nhật kiến thức pháp luật về thuế, kế toán, chính sách tiền lương, bảo hiểm….Để các chương trình tập huấn này thật sự có hiệu quả thì sau mỗi buổi tập huấn cần có bài “test” để kiểm tra sự tiếp thu kiến thức của mỗi nhân viên, qua đó cũng để đánh giá lại năng lực của nhân viên, từ đó dự báo nguồn nhân sự cần bổ sung để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. - Bố trí, sắp xếp công việc phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn và thế mạnh của từng nhân viên. Chẳng hạn như nhân viên đó có kinh nghiệm làm việc lâu nhất ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì chọn lọc khách hàng thuộc lĩnh vực này giao cho nhân viên đó xử lý. - Chú trọng đào tạo nhân viên mới để kịp thời bổ sung nguồn lực, tránh trường hợp quá tải cho một nhân viên. - Tăng cường các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng xử lý một số tình huống cho nhân viên để tránh được các sai sót có thể xảy ra. - Yêu cầu nhân viên lập kế hoạch chi tiết cho công việc được giao phụ trách để người quản lý kiểm soát việc thực hiện nhằm đảm bảo về mặt thời gian bởi vì đặc thù của các báo 148
  6. cáo trong kế toán phải tuân thủ theo quy định, nếu chậm trễ dẫn đến bị phạt vi phạm thủ tục hành chính về thuế, kế toán, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng. Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động chăm sóc khách hàng: ngoài việc nâng cao năng lực đội ngũ thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán cần đẩy mạnh hoạt động chăm sóc khách hàng bằng những việc làm cụ thể sau đây: - Căn cứ vào đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của từng khách hàng mà hỗ trợ, hướng dẫn cho khách hàng thực hiện đúng các chế độ về hóa đơn chứng từ, tư vấn kịp thời cho khách hàng xử lý một số tình huống phát sinh tại công ty khách hàng chẳng hạn như các quy định về hủy hóa đơn, điều chỉnh hóa đơn….Từ đó tạo được niềm tin từ khách hàng đối với doanh nghiệp. - Thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, định kỳ bộ phận này cần lấy ý kiến phản hồi của khách hàng về chất lượng dịch vụ nhằm đánh giá được mức độ hài lòng của khách hàng để từ đó có phương án cải thiện tốt hơn. - Doanh nghiệp cần có chính sách tri ân khách hàng để thể hiện thiện chí muốn gắn kết lâu dài với khách hàng. Chẳng hạn như tặng quà vào các ngày lễ, tết, sinh nhật hoặc những khách hàng hợp tác từ 3 năm trở lên thì tặng kỷ niệm chương ghi dấu sự hợp tác của đôi bên. Làm như vậy khách hàng cảm thấy được quan tâm và trân trọng hơn, từ đó hợp tác lâu dài hơn với doanh nghiệp. - Định kỳ mỗi năm 1 lần doanh nghiệp nên tổ chức buổi họp mặt với tất cả các khách hàng, một mặt thể hiện sự quan tâm tới khách hàng, một mặt tạo sự kết nối cho các khách hàng có dịp gặp gỡ, trao đổi, tạo thêm được mối quan hệ giữa các khách hàng và cũng có thể đây là cơ hội để cho khách hàng có thêm đối tác trong giao dịch mua bán, tăng quy mô hoạt động kéo theo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhiều hơn làm gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp. Thứ ba, tư vấn đầy đủ thông tin cho khách hàng: mục tiêu của doanh nghiệp là luôn làm hài lòng khách hàng, đặt nhu cầu của khách hàng là trên hết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần cung cấp thông tin đầy đủ cho khách hàng, tư vấn, giải thích để khách hàng nắm rõ các quy định của pháp luật về thuế, kế toán…Chẳng hạn như khi khách hàng có mong muốn giảm bớt gánh nặng về thuế thì doanh nghiệp căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải thích cho khách hàng nhằm tránh các rủi ro thuộc về các hành vi “gian lận về thuế” hay “trốn thuế”…. Khi có đầy đủ thông tin thì khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định hơn và cũng thể hiện tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng. 4. Kết luận Chất lượng dịch vụ là yếu tố mang tính chất quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nói chung và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán 149
  7. nói riêng. Với xu hướng hội nhập và phát triển như hiện nay, bên cạnh cơ hội cũng đặt ra nhiều thách thức, bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt thì doanh nghiệp buộc phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán. Để làm được điều này thì doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng đội ngũ, đẩy mạnh hoạt động chăm sóc khách hàng và tư vấn đầy đủ thông tin cho khách hàng nhằm thể hiện tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, nâng cao uy tín, đáp ứng được nhiều hơn nữa sự hài lòng của khách hàng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Tài chính, 2012. Thông tư số 129 /2012/TT-BTC ngày 08/09/2012 quy định về việc thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ hành nghề kế toán. 2. Quốc hội, 2015. Luật kế toán số 88/2015/QH13 ban hành ngày 20/11/2015. 3. Quyết định 480/QĐ-TTG ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt “Chiến lược Kế toán - kiểm toán Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến 2030”. 150
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2