intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên trường Đại học Đồng Tháp: Thực trạng và giải pháp

Chia sẻ: LaLi Sa | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

21
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở phân tích thực trạng GDĐĐST cho sinh viên trường Đại học Đồng Tháp thời gian qua, bài viết bước đầu đề xuất và kiến nghị một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả GDĐĐST cho sinh viên trường Đại học Đồng Tháp thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên trường Đại học Đồng Tháp: Thực trạng và giải pháp

  1. 162 GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC SINH THÁI CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP SV. Lê Vũ Cảnh SV. Huỳnh Thị Kiều SV. Dương Trọng Nghĩa ThS. Đỗ Duy Tú Tóm tắt. Giáo dục đạo đức sinh thái (GDĐĐST) cho sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Đại học Đồng Tháp nói riêng có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng đúng đắn để sinh viên nhận thức được sự cần thiết phải bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành hành vi đạo đức sinh thái tự giác trong cuộc sống, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Trên cơ sở phân tích thực trạng GDĐĐST cho sinh viên trường Đại học Đồng Tháp thời gian qua, bài viết bước đầu đề xuất và kiến nghị một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả GDĐĐST cho sinh viên trường Đại học Đồng Tháp thời gian tới. Từ khóa: Đạo đức sinh thái, giáo dục đạo đức sinh thái, giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên; sinh viên trường Đại học Đồng Tháp 1. Đặt vấn đề Trong thời đại ngày nay, môi trường và bảo vệ môi trường sinh thái là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu, đặt các quốc gia trước những thách thức không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao. Tuy nhiên, quá trình CNH, HĐH với mặt trái của nó đã và đang tác động mạnh mẽ đến môi trường sinh thái, khả năng tự phục hồi của tự nhiên không cân bằng được so với mức độ khai thác của con người. Tình trạng cạn kiệt, lãng phí tài nguyên không chỉ tạo ra những trở ngại cho tăng trưởng kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam hiện nay là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có lực lượng sinh viên. Bởi, sinh viên là lực lượng đông đảo, có học thức, có trình độ, nhạy bén trong việc tiếp thu cái mới, trong tương lai gần họ sẽ trở thành lực lượng lao động chất lượng cao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội của đất nước. Do đó, GDĐĐST cho sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Đại học Đồng Tháp nói riêng, có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng đúng đắn để sinh viên nhận thức được sự cần thiết phải bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành hành vi đạo đức sinh thái tự giác trong cuộc sống, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. 2. Nội dung 2.1. Khái niệm đạo đức sinh thái và giáo dục đạo đức sinh thái 2.1.1. Đạo đức sinh thái Đạo đức học sinh thái là một ngành đạo đức học ứng dụng được manh nha từ thập niên 60 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, phải đến năm 1979, thuật ngữ Đạo đức sinh thái (Evironmental Ethics) mới được sử dụng một cách thống nhất trong giới khoa học, xuất phát từ tên gọi tập san “Evironmental Ethics” của Eugene C. Hargrove. Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, Hội đạo đức học môi trường quốc tế (The International Society For Environmental Ethics) được thành lập. Đến năm 1997, Hội triết học môi trường
  2. 163 quốc tế (The International Association For Environmental Philosophy) cũng hình thành đánh dấu quá trình phát triển của đạo đức học sinh thái. Chính vì thế, đối với Việt Nam, đạo đức sinh thái vẫn là một ngành khoa học khá mới mẻ, thu hút đông đảo sự quan tâm của các học giả nghiên cứu. Trước hết, cần phải khẳng định rằng đạo đức sinh thái cũng chính là một dạng thức của đạo đức xã hội, biểu hiện trực tiếp mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên. Do đó, việc phân tích khái niệm đạo đức xã hội sẽ tạo cơ sở lí luận vững chắc cho chúng ta xác định, luận giải bản chất cũng như đặc điểm của đạo đức sinh thái. Đạo đức được hợp thành từ ba thành phần cơ bản sau đây: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức. Trong đó, các yếu tố này có mối liên hệ chặt chẽ, gắn kết với nhau hợp thành đạo đức của từng cá nhân riêng rẽ hay toàn xã hội nói chung. Có thể nói, bất kỳ cá nhân nào tồn tại trong xã hội cũng đều phải tiếp nhận một hệ thống các quy tắc, chuẩn mực đạo đức nhất định và thể hiện chúng trong các hoạt động khác nhau của đời sống xã hội. Trên cơ sở khái niệm đạo đức như phân tích ở trên, chúng tôi xác định khái niệm và cấu trúc của đạo đức sinh thái như sau: Đạo đức sinh thái là một bộ phận của đạo đức xã hội, bao gồm hệ thống những quan niệm, nguyên tắc, chuẩn mực quy định hành vi của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, thể hiện trình độ phát triển của con người trong quá trình tác động vào giới tự nhiên để đảm bảo sự phát triển của xã hội cũng như của chính con người. Ý thức đạo đức sinh thái: cốt lõi của ý thức đạo đức sinh thái chính là sự tự ý thức của con người về giới tự nhiên trong quá trình hoạt động thực tiễn. Từ việc cải biến giới tự nhiên nhằm thỏa mãn các lợi ích, con người nhận thức được các yếu tố và quy luật vận động của giới tự nhiên đồng thời ý thức được vị trí cũng như vai trò của chính mình trong mối quan hệ hỗ tương với giới tự nhiên. Quan hệ đạo đức sinh thái biểu hiện mối quan hệ lợi ích của con người với tư cách là chủ thể đạo đức với giới tự nhiên, lúc này đóng vai trò là khách thể đạo đức. Trong đó, con người tác động vào giới tự nhiên một cách chủ động, nhằm đáp ứng những nhu cầu, lợi ích thiết thực của con người. Một mặt, hoạt động của con người có thể làm biến đổi môi trường theo hướng tích cực hoặc tiêu cực nhưng mặt khác, giới tự nhiên cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đến con người và xã hội một cách vô thức. Chính vì thế, trong quá trình hoạt động thực tiễn, con người cần phải ý thức được một cách đúng đắn vị trí, vai trò của mình trong mối quan hệ với tự nhiên. Hành vi đạo đức sinh thái là thái độ, phương thức ứng xử của con người đối với hệ sinh thái. Hành vi đạo đức sinh thái dù là tự phát hay tự giác đều chịu sự quy định, điều chỉnh của các chuẩn mực, quy tắc đạo đức sinh thái nhất định. Các quy tắc, chuẩn mực sinh thái này được hình thành từ chính thực tiễn đời sống xã hội, kết tinh qua các giai đoạn lịch sử khác nhau nhằm đảm bảo sự ổn định, bền vững của hệ sinh thái. Biểu hiện của hành vi đạo đức sinh thái chính là những hoạt động tự giác, tích cực, chủ động của con người khi khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. 2.1.2. Giáo dục đạo đức sinh thái Giáo dục, hiểu theo nghĩa khái quát là hoạt động trong đó xã hội chuyển giao, còn mỗi cá nhân lĩnh hội tri thức, kỹ năng, giá trị xã hội, nhằm biến những cái đó thành sở hữu, thành công cụ của cá nhân để tồn tại với tư cách là thành viên của xã hội. Trong hoạt động giáo dục, giáo dục đạo đức là một trong những nội dung căn bản của mục tiêu giáo dục con người toàn diện. Giáo dục đạo đức được thể hiện ở nhiều
  3. 164 phương diện, với nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, giáo dục đạo đức sinh thái – một bộ phận quan trọng của giáo dục đạo đức xã hội, là một trong những phương diện hợp thành nội dung của giáo dục. Giáo dục đạo đức sinh thái là một hoạt động hướng tới mục đích xây dựng đạo đức sinh thái, trong đó các lực lượng giáo dục bằng những phương tiện nhất định tác động một cách có mục đích lên đối tượng, nhằm mục định hình thành ở họ ý thức, chuẩn mực đạo đức sinh thái, để từ đó họ có thái độ, hành vi đúng đắn trong ứng xử với thiên nhiên. Thực chất của GDĐĐST, trước hết, nhằm điều chỉnh một cách có tự giác hành vi của con người đối với tự nhiên, tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa tự nhiên, con người và xã hội. Mặt khác, GDĐĐST còn cung cấp cho đối tượng giáo dục những chuẩn mực, nguyên tắc ứng xử với môi trường tự nhiên; hình thành ở họ tình cảm, tri thức, niềm tin, thói quen, từ đó biến thành nhu cầu, động cơ và năng lực đạo đức sinh thái bên trong mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, GDĐĐST là “nhằm thống nhất những quan niệm về thái độ nhân văn của con người với tự nhiên trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa mới”. Đối với sinh viên, GDĐĐST là khâu quan trọng để chuyển hóa những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức sinh thái của xã hội thành phẩm chất nội tại và hành động tự giác của mỗi cá nhân sinh viên. Quá trình nội tâm hóa những quy tắc đạo đức sinh thái xã hội thành hoạt động tự giác của sinh viên – đó là bản chất của việc GDĐĐST. 2.2. Thực trạng giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên Đại học Đồng Tháp 2.2.1. Một số kết quả đạt được. Thứ nhất, về giáo dục ý thức chuẩn mực đạo đức sinh thái cho sinh viên Về tri thức đạo đức sinh thái. Qua khảo sát cho thấy, công tác GDĐĐST ở trường Đại học Đồng Tháp đã giúp cho sinh viên có nhận thức đúng đắn về vai trò của môi trường tự nhiên đối với cuộc sống của con người. Có 90,8 % sinh viên đã khẳng định môi trường có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người, con người và môi trường có mối quan hệ hài hòa với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Mặt khác, các môn học cũng đã lồng ghép nhiều nội dung liên quan về môi trường và bảo vệ môi trường, trang bị cho sinh viên những tri thức, sự hiểu biết cần thiết về môi trường tự nhiên, mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố môi trường, cũng như giữa tự nhiên - con người - xã hội. Chẳng hạn, môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, môn Hóa học, Địa lý, Sinh thái học, đạo đức học, khoa học về trái đất, Con người và môi trường… cũng đã cung cấp cho sinh viên những kiến thức cụ thể về sinh thái và môi trường sinh thái. Ngoài ra, khi hỏi sinh viên “Theo bạn giáo dục đạo đức sinh thái điều chỉnh những mối quan hệ nào sau đây?” (quan hệ giữa con người với tự nhiên; tự nhiên với con người; tự nhiên với tự nhiên; con người với con người). Có 74,5% sinh viên trả lời đạo đức sinh thái điều chỉnh mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; 18,3% sinh viên trả lời đạo đức sinh thái điều chỉnh mối quan hệ giữa tự nhiên với con người; 3,9% sinh viên trả lời đạo đức sinh thái điều chỉnh mối quan hệ giữa con người với con người; 2,4% sinh viên trả lời đạo đức sinh thái điều chỉnh mối quan hệ giữa tự nhiên với tự nhiên. Điều đó chứng tỏ sinh viên Đại học Đồng Tháp cũng đã có quan tâm đến đạo đức sinh thái. Tuy nhiên, vẫn còn số ít sinh viên chưa hiểu về đối tượng điều chỉnh của đạo đức sinh thái là gì. Bên cạnh đó, sinh viên Đồng Tháp cũng đã nhận thức công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của sinh viên mà còn là trách nhiệm của tất cả mọi người dân trong xã hội. Họ đã có sự quan tâm tói các vấn đề đang diễn ra ở nước ta cũng như thế giới hiện nay. Với câu
  4. 165 hỏi: “Trước những vấn đề ô nhiễm , khủng hoảng môi trường hiện nay của đất nước, bạn có thái độ như thế nào?”, có 59,6% sinh viên trả lời rất quan tâm. Họ đã khẳng định tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự ô nhiễm môi trường hiện nay ở nước ta là do các nguyên nhân: 24,4% sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề, 22,2% khai thác đá, đất, 27,3% chặt cây phá rừng, 26,1% đổ rác bừa bãi. Đồng thời, sinh viên cũng nhận thấy, thực trạng của vấn đè tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái hiện nay không phải do tự bản thân môi trường tự nhiên gây ra, mà là hoạt động thiếu ý thức của con người. Thứ hai, về giáo dục chuẩn mực đạo đức sinh thái cho sinh viên Chuẩn mực đạo đức sinh thái là những quy tắc quy định phương thức ứng xử của sinh viên đối với tự nhiên. Chẳng hạn, việc sinh viên chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về bảo vệ môi trường, tiết kiệm trong tiêu dùng, thực hành nếp sống văn hóa sinh thái trong ứng xử với tự nhiên, giữa gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, không đối xử tàn bạo đối với thú vật… là những chuẩn mực đạo đức sinh thái đúng đắn. Những chuẩn mực đạo đức sinh thái của sinh viên được hình thành từ sự nhận thức đúng đắn của sinh viên về vị trí, vai trò quan trọng của môi trường đối với đời sống con người. Trong nhà trường thông qua giáo dục môi trường đã giúp cho sinh viên xác định được những chuẩn mực sinh hoạt trong ứng xử với tự nhiên. Đa số sinh viên đã thực hiện nếp sống văn hóa trong ăn, ở, học tập, sinh hoạt, thực hiện theo nội quy phòng học, phòng ở, kí túc xá và về bảo vệ môi trường cảnh quan nhà trường. Thứ ba, về giáo dục hành vi đạo đức sinh thái cho sinh viên Đại học Đồng Tháp Hành vi đạo đức sinh thái của sinh viên trường Đại học Đồng Tháp, trước hết, là hành vi được thôi thúc bởi niềm tin, động cơ đạo đức sinh thái, tức là bởi sự tự nguyện, tự giác trong quan hệ ứng xử với tự nhiên, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn vì lợi ích của cả tự nhiên. Sự tự giác, tự nguyện là đặc trưng căn bản nhất của hành vi đạo đức nói chung, hành vi đạo đức sinh thái nói riêng của sinh viên, là sự biểu hiện về mặt cảm xúc, sự quan tâm của họ đối với tự nhiên. Tự giáo dục cho sinh viên nhận thức về vai trò của môi trường đối với cuộc sống của con người, sinh viên đã tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào bảo vệ môi trường do nhà trường hay các đoàn thể phát động. Có 25,1% sinh viên khẳng định để góp phần bảo vệ môi trường sinh viên cần không vức rác bừa bãi, không đổ nước thải ra đường phố, nơi công cộng; 22,1% tham gia trồng cây xanh góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan; 23,9% tự giác chấp hành các quy định về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi họ sinh sống và họ tập; 29% tuyên truyền, vận động mọi người dân tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường. 2.3.2. Một số hạn chế chủ yếu Thứ nhất, việc phổ biến tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường cho sinh viên Đại học Đồng Tháp chưa thường xuyên và thiết thực Qua khảo sát các bạn sinh viên cho thấy, hầu hết sinh viên chưa hiểu biết về Luật Bảo vệ môi trường do Nhà nước ban hành. Với câu hỏi: “Luật Bảo vệ môi trường của nhà nước ta được ban hành vào ngày, tháng, năm nào, có bao nhiêu điều?”. Chỉ có 24,8% sinh viên trả lời chính xác, 53,2% sinh viên trả lời không chính xác, còn lại 22% sinh viên không trả lời được. Với câu hỏi: “Tại Đại học Đồng Tháp bạn được học tập, phổ biến pháp luật và những quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường
  5. 166 sinh thái như thế nào?”. Có tới 12,8% sinh viên trả lời hiếm khi, 52,8% trả lời thường xuyên, rất thường xuyên chỉ có 29,8% và 2,8% sinh viên trả lời không biết. Điều đó có thể khẳng định rằng, sinh viên trường ta chưa nhận thức và tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng cho sinh viên trường Đại học Đồng Tháp còn rất hạn chế, chưa được tiến hành thường xuyên. Thứ hai, nội dung, chương trình, giáo trình đạo đức sinh thái chưa có, phương pháp giáo dục đạo đức sinh thái qua các môn học khác còn hạn chế Hiện nay trường Đại học Đồng Tháp không có giáo trình riêng cũng như môn học đạo đức sinh thái. GDĐĐST được lồng ghép vào các môn học khác, nhưng nhìn chung nội dung chưa sát với sinh viên. Trên thực tế, sinh viên ít nhiều đã có nhận thức về mục tiêu của giáo dục đạo đức sinh thái. Song, để sinh viên có hành vi tự nguyện, tự giác về bảo vệ môi trường, thì trước tiên phải giáo dục cho họ nhận thức, ý thức về môi trường và tác dụng của việc bảo vệ môi trường đối với cuộc sống con người. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên nhận thức được vấn đề này còn thấp, phần lớn chỉ đánh giá về phương diện hành động. Theo kết quả khảo sát, với câu hỏi đặt ra: “Theo bạn mục tiêu của GDĐĐST cho sinh viên là gì?”. Có 32% sinh viên trả lời để giáo dục cho sinh viên nhận thức về bảo vệ môi trường; 30,7% sinh viên trả lời để giáo dục cho sinh viên có ý thức về bảo vệ môi trường; 37,3% sinh viên trả lời để giáo dục cho sinh viên có hành vi thói quen về bảo vệ môi trường. Theo kết quả khảo sát, với câu hỏi: “Trong trường Đại học Đồng Tháp bạn được học những môn học nào sau đây?”. Có 22,8% sinh viên trả lời có môn đạo đức học; 35,6% sinh viên trả lời có môn đạo đức sinh thái; 41,6% sinh viên trả lời có môn phương pháp giáo dục đạo đức. Điều đó chứng tỏ môn đạo đức được giảng dạy ở trường còn rất ít, đạo đức sinh thái chưa được trườnng quan tâm đưa vào giảng dạy cho sinh viên. Đã đến lúc chúng ta cần phải có thái độ khách quan, khoa học về việc đánh giá vị trí vai trò của môn Đạo đức học, Đạo đức sinh thái trong trường cũng như việc giảng dạy và học tập môn học này trong các nhà trường. Trên cơ sở đó, đề ra chủ trương, biện pháp thích hợp, nhằm nâng cao hiệu quả của môn học, góp phần vào việc đào tạo con người phát triển toàn diện, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng một xã hội ấm no, hạnh phúc, giàu đẹp, văn minh. Thứ ba, giáo dục ý thức, chuẩn mực, hành vi đạo đức sinh thái cho sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ, giữ gìn và cải thiện môi trường sinh thái. Từ việc giáo dục cho sinh viên nhận thức về vị trí, vai trò của môi trường và Luật Bảo về môi trường còn hạn chế, đã dẫn đến một bộ phận sinh chưa thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức sinh thái trong lĩnh vực hoạt động của mình. Điều đó thể hiện ở chỗ, nhiều hành vi, thói quen xấu, ứng xử tùy tiện, thô bạo của sinh viên đối với môi trường sinh thái còn khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Khi khảo sát sinh viên với câu hỏi: “Tại nơi bạn học tập, sinh hoạt còn có những hành vi nào sau đây? có 38,9% vức rác bừa bãi; 12,9% đổ nước thải không đúng nơi quy định; 13,9% chặt cây, hái hoa, dẫm lên cỏ; 20,2% không chấp hành quy định, nội quy phòng học, phòng ở; 14,7% không tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường. Nhìn chung sinh viên Đại học Đồng Tháp đã có ý thức tự giác và tình yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng bên cạnh đó còn không ít sinh viên chưa có ý thức tự giác tham gia các phong trào bảo vệ, giữ gìn môi trường do nhà
  6. 167 trường, đoàn thanh niên, hội sinh viên tổ chức chỉ là bắt buộc sinh viên phải làm theo quy định, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu đạo đức, tình cảm đạo đức sinh thái, ý thức tự giác về bảo vệ môi trường. Với câu hỏi: “Sinh viên tham gia bảo vệ môi trường sinh thái với lý do gì?” có 54,3% sinh viên trả lời là tự nguyện tự giác; 33,5% sinh viên trả lời vì tình yêu thiên nhiên và bảo vệ sự sống của con người; 12,2% sinh viên trả lời do bắt buộc vì phải thực hiện các nội quy, quy định của nhà trường, pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường. 2.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên Đại học Đồng Tháp hiện nay Thứ nhất, đa dạng hóa các hình thức giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên Đạo đức sinh thái của sinh viên thể hiện thông qua nếp sống, hành động, sự tự giác của sinh viên. Sự tự giác của sinh viên có được một phần do tính hiệu quả của các hình thức giáo dục. Vì vậy, cần phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn, đồng bộ các hình thức giáo dục đó mới có thể nâng cao nhận thức, ý thức đạo đức sinh thái cho sinh viên trong ứng xử với tự nhiên. Do đó, chúng ta cần chú ý tới một số hình thức giáo dục cơ bản sau: Một là, tiếp tục nâng cao hiệu quả GDĐĐST thông qua các môn học khác nhau trong nhà trường, từ đó giúp sinh viên Đồng Tháp nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí, đặc điểm của môi trường tư nhiên đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trên cơ sở đó, giáo dục cho sinh viên lòng yêu quý, tôn trọng thiên nhiên, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, chống lại các hành vi phá hoại, gây mất cân bằng sinh thái. Hai là, giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên Đại học Đồng Tháp thông qua hoạt động ngoại khóa, tham quan. Thông qua các hình thức ngoại khóa như: các hoạt động thi tìm hiểu về môi trường (tiếng hát sinh viên, tiểu phẩm, kịch…), hoạt động xã hội, lao động công ích, các hoạt động vệ sinh trong nhà trường, khu dân cư,… Đồng thời, tổ chức các hoạt động tham quan các khu di tích, khu du lịch sinh thái, khu Ramsar, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất,…Trên cơ sở đó, giúp sinh viên có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về đạo đức sinh thái, hình thành hình vi đạo đức sinh thái ở mỗi sinh viên một cách bền vững hơn so với dạy học thông thường. Ba là, GDĐĐST cho sinh viên Đồng Tháp thông qua các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trường. Bởi, công tác vận động, giáo dục sinh viên là nhiệm vụ, chức năng chủ yếu của tổ chức đoàn, hội, do đó các hoạt động của đoàn, hội cần hướng tới giáo dục cho sinh viên các vấn đề văn hóa, xã hội, đạo đức, lý tưởng,… trong đó cũng cần chú ý tới giáo dục vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên Đại học Đồng Tháp, theo chúng tôi có thể thực hiện hiệu quả thông qua các hình thức nghiên cứu khoa học, tức thực hiện các đề tài cấp cơ sở, tiểu luận, bài tập lớn, bài tập nhóm,… Thứ hai, phát huy tính tự giác và tính chủ động học tập, rèn luyện các giá trị đạo đức và đạo đức sinh thái của sinh viên Đại học Đồng Tháp Sinh viên phải coi quá trình tự học là một tất yếu trong quá trình rèn luyện đạo đức và đạo đức sinh thái của mình. Bên cạnh đó, sinh viên phải độc lập, tự xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập cho mình, tự năng động tìm tòi, phân tích những sách vở, tài liệu tiến tới làm chủ tri thức, kĩ năng, kĩ xảo. Quá trình tự học, tự rèn luyện của sinh viên phải được dựa trên nguyên tắc “học đi đôi với hành”. Để phát huy được tính chủ động, tích cực, tự giác, tự rèn luyện đạo đức sinh thái của sinh viên Đồng
  7. 168 Tháp, cần tập trung vào một số vấn đề sau: Cần nâng cao nhận thức về tính tất yếu về vai trò của tự học, tự rèn luyện đạo đức sinh thái của sinh viên. Trong lĩnh vực GDĐĐST cho sinh viên, tự học, tự giáo dục, tự hoàn thiện đóng vai trò quan trọng để sinh viên thích nghi với môi trường và điều kiện sống nhất định. Đồng thời, sinh viên cũng cần xây dựng kế hoạch và nghiêm túc thực hiện kế hoạch tự học, tự rèn luyện đạo đức sinh thái. Ngoài ra, theo chúng tôi cũng cần phát huy sức mạnh của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc GDĐĐST cho sinh viên hiện nay. Thứ ba, trường Đại học Đồng Tháp cần xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp GDĐĐST cho sinh viên lồng ghép qua các môn học khác nhau phù hợp với điều kiện của trường hiện nay. Đồng thời, có chiến lược bồi dưỡng đội ngũ giảng viên giảng dạy về đạo đức sinh thái. Trong giáo dục nói chung, GDĐĐST nói riêng, nội dung, chương trình, phương pháp GDĐĐST giữ vai trò quan trọng. Chương trình giáo dục và nội dung GDĐĐST có mối quan hệ biện chứng với nhau, tạo thành một thể thống nhất hoàn chỉnh, là một trong những nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả của giáo dục. Với ý nghĩa đó, chúng ta cần triển khai xây dựng nội dung, chương trình GDĐĐST cho sinh viên phù hợp với mục tiêu giáo dục, có tính khoa học và đảm bảo tính giáo dục toàn diện. Vì vậy, GDĐĐST sử dụng nhiều phương pháp dạy học của các bộ môn, chịu sự chi phối của các phương pháp đặc trưng bộ môn, nhưng nó cũng có những phương pháp mang tính đặc thù. Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên giảng dạy về đạo đức sinh thái từ các môn học khác nhau cũng là giải pháp quan trọng trong GDĐĐST phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Chúng ta cần bồi dưỡng giảng viên của các môn học có lồng ghép giáo dục môi trường sinh thái, nhất là giáo viên môn đạo đức học, qua đó bổ túc cho họ thêm những kiến thức về đạo đức sinh thái. Việc đào tạo và bồi dưỡng cần chú trọng tập trung nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, đạo đức sinh thái. Tiếp đến phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về đạo đức sinh thái, GDĐĐST cho giảng viên – coi đó là một yêu cầu hết sức cần thiết. Quan trọng hơn là cần chú trọng bồi dưỡng cho giảng viên những kiến thức cơ bản về lý luận dạy học, về khoa học giáo dục, giảng dạy và GDĐĐST, trên cơ sở đó hoàn thiện phương pháp dạy học đạo đức sinh thái. Việc bồi dưỡng giảng viên thông qua các lớp tập huấn cũng cần được thực hiện đa dạng hóa cả về nội dung và hình thức phù hợp với đối tượng bồi dưỡng. 3. Kết luận Sinh viên Việt Nam nói chung, Đại học Đồng Tháp nói riêng là lực lượng xã hội to lớn – một trong những nhân tố quan trọng, góp phần quyết định sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, cùng với việc truyền thụ, hình thành và nâng cao năng lực tư duy sáng tạo, trình độ chuyên môn, GDĐĐST cho sinh viên là tất yếu. Bởi, sinh viên là lực lượng hùng hậu nhất, khi còn ngôi trên ghế nhà trường, họ được trang bị những kiến thức chuyên môn nói chung, kiến thức về môi trường, bảo vệ môi trường cùng với những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nói riêng, đồng thời họ là những người tham gia nghiên cứu, phát minh công nghệ mới – nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Vì vậy, GDĐĐST cho sinh viên Đại học Đồng Tháp có tầm quan trọng đặc biệt. Bỡi lẽ: đạo đức sinh thái là một bộ phận hợp thành của đạo đức và giáo dục đạo đức xã hội; góp phần xây dựng nhân cách sinh viên – chủ thể của quá trình CNH, HĐH đất nước.
  8. 169 Tài liệu tham khảo [1]. Lê Vũ Cảnh - Đỗ Duy Tú (2015), “Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên trong điều kiện hiện nay”, Tạp chí Tri thức xanh, Viện Khoa học Môi trường và xã hội, số 8, tr.92 -96. [2]. Vũ Trọng Dung (2009), “Đạo đức sinh thái và giáo dục đạo đức sinh thái”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [3]. Phạm Thị Hồng Duyên (2011), “Vấn đề giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên Việt Nam hiện nay”, Luận án tiến sĩ triết học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2