Giáo trình Xã hội học đại cương (Giáo trình dùng cho đào tạo đại học từ xa): Phần 2
lượt xem 26
download
Giáo trình Xã hội học đại cương có kết cấu gồm 6 chương. Phần 2 gồm các chương: Chương 5 - Tổ chức xã hội và thiết chế xã hội, chương 6 - Văn hoá, xã hội hoá, biến đổi xã hội và một số lĩnh vực nghiên cứu khác của xã hội học. Mời các bạn cùng tham khảo.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giáo trình Xã hội học đại cương (Giáo trình dùng cho đào tạo đại học từ xa): Phần 2
- Chương 5 TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ THIẾT CHẾ XÃ HỘI 1. TỔ CHỨC XÃ HỘI 1.1. Khái niệm tổ chức xã hội Tổ chức xã hội có thể được hiểu, hoặc là một thành tố của cơ cấu xã hội, hoặc là một dạng hoạt động, hay mức độ trật tự, hài hoà giữa các thành phần của một chỉnh thể xã hội. Theo nghĩa rộng, tổ chức xã hội chỉ bất kỳ tổ chức nào trong xã hội, còn theo nghĩa hẹp, tổ chức xã hội chỉ là một tiểu hệ thống xã hội trong một tổ chức xã hội nào đó. Trong xã hội học, khái niệm tổ chức xã hội được dùng chủ yếu với nghĩa là một thành tố của cơ cấu xã hội. Với ý nghĩa này tổ chức xã hội chính là một hệ thống các quan hệ, tập hợp liên kết các cá nhân để đạt được một mục đích nhất định. Như vậy, một tập hợp các cá nhân nhưng không kèm theo quan hệ xã hội thì chưa phải là một tổ chức xã hội. Tổ chức xã hội là một dạng nhóm thứ cấp, tồn tại khá phổ biến, nhưng không phải mọi nhóm thứ cấp đều là tổ chức xã hội. Một tổ chức xã hội thường có các dấu hiệu sau: - Là một nhóm xã hội được lập ra một cách có chủ định, các thành viên trong nhóm xã hội ấy đều ý thức được rằng sự tồn tại của nó là để đạt một mục đích nhất định. - Đã là một tổ chức xã hội bao giờ cũng phải có sự thể hiện của các quan hệ quyền lực xã hội (quan hệ lãnh đạo - phục tùng, theo thứ bậc trên - dưới, cao - thấp). Trong tổ chức xã hội, các nhân thuộc nấc thang quyền lực cao thường có khả năng điều chỉnh hành vi, thái độ của người khác thuộc nấc thang quyền lực thấp hơn. - Tổ chức xã hội là một tập hợp các vị thế và vai trò, mỗi thành viên của tổ chức xã hội đều có vị thế xác định, nên bao giờ họ cũng được trao những trách nhiệm và quyền hạn nhất định. Đồng thời tổ chức xã hội cũng đặt ra cho các thành viên một tập hợp những hành vi được phép làm và những hàng vi không được phép làm. - Các thành viên trong tổ chức xã hội khi thực hiện vai trò của mình đều cố gắng đáp ứng sự mong đợi của tổ chức, nếu không như vậy thì sẽ dẫn đến sự rối loạn trong hoạt động. Mọi tổ chức xã hội đều có những quy tắc để điều chỉnh quan hệ giữa các vai trò. - Trong một tổ chức xã hội, phần lớn các mục đích và các mối quan hệ của tổ chức đều được chính thức hoá và công khai hoá. 1.2. Phân loại tổ chức xã hội 1.2.1. Nhóm quyền uy - Nội dung khái niệm nhóm quyền uy
- Nhóm quyền uy là một dạng nhóm xã hội đặc biệt, vừa có những đặc điểm của một tổ chức xã hội, vừa có những đặc điểm cơ cấu của một nhóm sơ cấp. Nhóm này do một thủ lĩnh lãnh đạo, dẫn dắt. Thủ lĩnh là người đầy uy quyền và có khả năng thu hút, lôi cuốn quần chúng một cách đặc biệt. Thủ lĩnh được coi là người có những năng lực siêu nhân và khác thường, được các thành viên trong nhóm tôn sùng, dâng hiến toàn bộ sức lực của mình. (ví dụ như, Thích Ca Mâu Ni, Jêsu Christ, Ahla và các tín đồ của họ). - Đặc điểm của nhóm quyền uy - Trong nhóm quyền uy các mối quan hệ thường có những biểu hiện gần giống với hiện tượng chính trị sùng bái cá nhân. - Nhóm quyền uy thường dễ bị biến đổi và phụ thuộc nhiều vào thủ lĩnh, toàn bộ quyền lực của tổ chức đều tập trung trong tay thủ lĩnh. Thủ lĩnh hoặc những người được thủ lĩnh uỷ quyền tự quyết định giải quyết mọi vấn đề mà không cần tham khảo ý kiến của các thành viên. - Vị thế và vai trò của các thành viên trong nhóm quyền uy không được xác lập theo những nguyên tắc khách quan, mà tuỳ theo mối quan hệ với thủ lĩnh. - Sự ràng buộc giữa thủ lĩnh với các thành viên trong nhóm quyền uy là sự ràng buộc cá nhân, do vậy rất kém bền vững, sự thăng tiến hay cách chức của các thành viên là do thủ lĩnh quyết định không theo một quy định nào cả. Luật lệ của nhóm quyền uy là do thủ lĩnh đề ra. - Nhóm quyền uy hoạt động được là nhờ vào sự đóng góp của các thành viên dưới danh nghĩa bổn phận. - Về bản chất, nhóm quyền uy là một dạng tổ chức sơ khai, phải qua một quá trình phát triển mới có thể trở thành các dạng như tổ chức xã hội. 1.2.2. Hiệp hội tự nguyện - Định nghĩa Hiệp hội tự nguyện là những tổ chức không thể thiếu được trong đời sống xã hội, nó tồn tại phổ biến trên toàn thế giới và trong mỗi quốc gia. Các hình thức biểu hiện của Hiệp hội tự nguyện rất phong phú và đa dạng, chẳng hạn như: Tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp, hội từ thiện, hội sinh vật cảnh… Sự tồn tại và hoạt động của các hiệp hội tự nguyện đã một phần đáp ứng được nhu cầu tổ chức hoạt động sống của các thành viên trong xã hội. Đồng thời vẫn đảm bảo sự tôn trọng tự do cá nhân của họ. - Đặc điểm của Hiệp hội tự nguyện + Mỗi hiệp hội tự nguyện đều có mục đích chung là nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi ích của các thành viên.
- + Việc tham gia vào hội là hoàn toàn tự nguyện, tất cả mọi người đều có thể gia nhập hoặc ra khỏi tổ chức hiệp hội. Vai trò của thủ lĩnh ít ảnh hưởng đến các thành viên. + Các hiệp hội, tổ chức tự nguyện không có liên hệ trực thuộc vào các cơ quan chính quyền từ địa phương đến trung ương. 1.2.3. Tổ chức khu biệt - Khái niệm và đặc trưng Tổ chức khu biệt hay còn gọi là tổ chức biệt lập, là một dạng tổ chức xã hội khác biệt với tổ chức hiệp hội, tổ chức tự nguyện. E. Goffman là người đầu tiên sử dụng khái niệm này vào năm 1961. Tổ chức khu biệt được lập ra để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho những lợi ích của nhà nước, của tôn giáo và của xã hội nói chung. Đặc trưng cơ bản nhất của tổ chức khu biệt là các thành viên của nó bị cô lập, tách biệt ra khỏi xã hội, phần lớn không phải do tự nguyện mà chủ yếu là do cưỡng chế, cưỡng bức (điển hình nhất là nhà tù, hay nơi tập trung giam giữ cải tạo). Xã hội và các tổ chức khu biệt đặt ra rất nhiều luật lệ, quy tắc để duy trì trật tự, khiến cho các thành viên phải phụ thuộc lẫn nhau. Trong các tổ chức khu biệt thường có cơ cấu quan hệ phân hoá trên - dưới rất chặt chẽ. - Các loại tổ chức khu biệt + Loại tổ chức mang tính nhân đạo xã hội, dành cho những người không có hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân như: người già cả, bệnh tật, mù loà, v.v… (bệnh viện, nhà dưỡng lão, cô nhi viện…) + Loại tổ chức mang tính an ninh và luật pháp, lập ra để giam giữ, cách ly những phần tử được coi là nguy hiểm đối với xã hội, theo những quy định của luật pháp nhà nước và xã hội (nhà tù, trại cải tạo, trại tập trung). + Loại tổ chức mang tính bảo vệ và phát triển, dành cho những người tham gia thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt vì lợi ích của cộng đồng và xã hội như: bảo vệ tổ quốc, huấn luyện, dạy học… (doanh trại quân đội, tàu chiến, pháo đài quân sự…) + Loại tổ chức mang tính tôn giáo, dành cho những người muốn xa lánh hay rút lui khỏi đời sống xã hội (như đi tu trong các chùa Phật, các trường dòng hay các tu viện của Kitô giáo…). Sự gia nhập này là tự nguyện, nhưng các thành viên của nó cũng bị chi phối bởi áp lực các quy tắc, luật lệ nghiêm khắc của tổ chức. - Tính chất, đặc điểm của tổ chức khu biệt + Các thành viên khi mới gia nhập các tổ chức khu biệt đều phải chịu đựng sự tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, thế giới xung quanh. Nhờ có những biện pháp, thủ tục nghiêm khắc và tinh vi mà các cá nhân mới gia nhập vào tổ chức biệt lập phải
- nhanh chóng thích nghi với lối sống trong tổ chức, quên dần đi những thói quen, lối sống mà họ đã có từ trước. + Các thành viên trong tổ chức khu biệt cùng có chung môi trường và điều kiện sống như nhau nên có thể tạo ra những mối liên kết chặt chẽ, một tiểu văn hoá (có thể là một tiểu văn hoá chống đối/phản văn hoá). + Xu hướng chung hiện nay ở trên toàn thế giới là tính chất của các tổ chức khu biệt đang có sự thay đổi, mức độ biệt lập ngày càng giảm đi. Các cá nhân sống trong các tổ chức biệt lập được phép tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua những tương tác trực tiếp và gián tiếp. 1.2.4. Bộ máy quan liêu và tổ chức xã hội hiện đại - Vai trò và ý nghĩa của bộ máy quan liêu Bộ máy quan liêu là một dạng tổ chức xã hội mà hoạt động của nó được phân chia thành các vai trò, các vai trò này được xác định bởi những quy tắc, thủ tục và được sắp xếp vào một thang bậc quyền lực. Các tổ chức xã hội theo mô hình bộ máy quan liêu có ý nghĩa tích cực trong quá trình tổ chức và vận hành xã hội, cấu trúc của nó muốn hợp lý hoá cách tổ chức hoạt động theo xu hướng của xã hội hiện đại. Tức là, chuyển từ cách thực hiện công việc tự phát, thiếu kế hoạch, định hướng theo giá trị truyền thống sang cách làm việc có hệ thống, được tổ chức theo quy tắc, luật lệ, định hướng theo mục đích và duy lý. Theo Weber, bộ máy quan liêu có các đặc trưng cơ bản như sau: + Sự phân công lao động được thực hiện theo quy định của luật pháp hoặc những điều khoản văn bản có tính pháp lý. + Việc điều hành bộ máy được thực hiện theo mệnh lệnh từ trên xuống dưới với nhiều cấp độ khác nhau. + Có một hệ thống văn phòng, hành chính công khai. Có hồ sơ tài tiệu mô tả và lưu giữ nội dung công việc của tổ chức. + Có những quy trình đào tạo, bồi dưỡng chính thức về nghiệp vụ chuyên môn của công việc trong tổ chức cho nhân viên. + Những thành viên lao động trong bộ máy cống hiến toàn bộ nhiệt tình và sức lực của mình cho tổ chức và coi đó như là một sự nghiệp, một nghề nghiệp. + Có quy định một cách cụ thể, rõ ràng giờ giấc làm việc và nghỉ ngơi để định hướng công việc cho các thành viên… + Tạo ra được sự trung thành, tận tuỵ của nhân viên đối với tổ chức. Những đặc điểm nói trên của bộ máy quan liêu giúp cho tổ chức có thể kiểm soát và điều phối hành động của các thành viên. Đây là yếu tố then chốt để tạo ra hiệu quả và năng suất vượt trội của tổ chức quan liêu so với bất kỳ một loại tổ chức nào khác.
- Tuy nhiên, bộ máy quan liêu cũng tạo ra một sản phẩm đặc trưng, mà Marx gọi là “sự tha hoá”. - Sự ra đời, tồn tại và phát triển của bộ máy quan liêu Bộ máy quan liêu không phải là sản phẩm của xã hội hiện đại, mà nó đã từng tồn tại trong các xã hội cổ đại ở Ai Cập, Trung Quốc, La Mã... Tuy nhiên, phải đến khi cách mạng công nghiệp bùng nổ và phát triển, thì các bộ máy quan liêu mới mọc lên mạnh mẽ ở các nước phương Tây. Xã hội công nghiệp với một nền sản xuất hiện đại, đã đặt ra yêu cầu, mỗi nghề nghiệp cần được chuyên môn hoá, các tiêu chuẩn nghề nghiệp đòi hỏi phải chặt chẽ và nghiêm khắc hơn. Vì vậy, để đạt được những đòi hỏi, tiêu chuẩn của nghề nghiệp, người lao động phải được học qua các trường lớp nhất định, tức là phải được đào tạo trong các bộ máy quan liêu. Nhịp độ phát triển xã hội làm nảy sinh nhu cầu quản lý và điều hành xã hội phải được tăng cường, do đó cần đến sự mở rộng của bộ máy quan liêu. Các tổ chức lúc mới thành lập thường có quy mô nhỏ, về sau phát triển thành tổ chức độc quyền. Thí dụ, trong lĩnh vực kinh tế, các hãng hay công ty nhỏ không thể cạnh tranh được với các tập đoàn có quy mô và tiềm lực lớn. Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chính phủ phải lập ra cơ quan điều phối - một bộ máy quan liêu mới xuất hiện. Như vậy, quan liêu là hiện tượng của nhiều tổ chức trong nhiều chế độ xã hội khác nhau. Nó gắn bó chặt chẽ với xu hướng hợp lý hoá hoạt động của con người. Tổ chức quan liêu tồn tại và phát triển được trước hết vì chúng đem lai một cách thức làm việc có năng suất và hiệu quả rất cao, mà nguyên nhân chính là do nhân viên của chúng hiểu rõ những công việc và nhiệm vụ của mình. Nếu như trong xã hội luôn có những cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các giai cấp, các nhóm xã hội, thì trong tổ chức xã hội cũng luôn diễn ra quá trình phân bố, tranh giành và củng cố quyền lực. Nếu không kiểm soát được những cuộc đấu tranh này, chúng sẽ làm tê liệt các nhóm xã hội. Cách thức tổ chức của bộ máy quan liêu có thể tạo ra khả năng kiểm soát sự phân bố quyền lực, ví dụ, đề ra quy định về nhiệm kỳ nắm giữ quyền lực. Vì vậy một số cá nhân có thể lạm dụng bộ máy quan liêu để củng cố quyền lực, bằng cách sử dụng các thủ thuật tạo thuận lợi cho mình, cô lập và vô hiệu hoá đối phương. Điểm quan trọng trong kiểm soát của bộ máy quan liêu là nắm giữ thông tin. Mỗi vị trí trong tổ chức chỉ được biết đến những thông tin nhất định, những thông tin không thuộc nhiêm vụ của ai thì người đó không cần, thậm chí không được phép biết đến. Trong tổ chức xã hội hiện đại, thành viên thực sự có quyền lực là người có nhiều thông tin nhất, mà thông tin là tri thức. Nhà xã hội học Mỹ, Smelser nhận định “Tri thức là quyền lực trong tổ chức quan liêu”. - Chức năng của những quy định trong bộ máy quan liêu Chức năng quản lý và giám sát, các quy định, luật lệ trong tổ chức chính là những cái mà bộ máy quản lý muốn trông chờ ở các thành viên. Đồng thời nó cũng là
- cơ sở để các nhà quản lý đánh giá các nhân viên đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa. Các chức năng khác + Giao tiếp + Điều khiển từ xa + Cơ sở của sự trừng phạt + Tạo độ co giãn trong hành trang quản lý Tất cả các chức năng nói trên của những quy định chỉ nhằm làm giảm bớt chứ không làm mất hẳn sự căng thẳng vốn có trong mỗi bộ máy quan liêu. 1.2.5. Nhược điểm và bệnh lý của tổ chức xã hội - Nhược điểm của tổ chức Bất ổn định, không chắc chắn, M. Weber cho rằng, các cá nhân khi tham gia vào bộ máy quan liêu thì đều đã xác định mục đích rõ ràng và tìm kiếm những phương tiện chắc chắn, hợp lý để thực hiện mục đích đó. Nhưng những kết quả nghiên cứu của Thompson, lại chứng minh thực tế không đơn giản như vậy, nhiều khi mục đích của tổ chức cũng như phương tiện để thực hiện mục đích ấy đều thiếu ổn định, không rõ ràng và chắc chắn. Nhược điểm cơ bản này của tổ chức bắt nguồn từ sự vi phạm các nguyên tắc kết hợp đúng đắn giữa phương tiện với mục đích. Có thể biểu hiện trong các dạng: + Mục đích rõ ràng, phương tiện chắc chắn + Mục đích rõ ràng, nhưng phương tiện không chắc chắn, + Mục đích không rõ ràng, phương tiện chắc chắn + Mục đích không rõ ràng và phương tiện cũng không chắc chắn. Quy mô và tính phức tạp, không hiệu quả của tổ chức, kết quả của nhiều nghiên cứu xã hội học cho thấy, quy mô của tổ chức càng lớn thì bộ máy tổ chức càng cồng kềnh và phức tạp. Sự phân công và thực hiện công việc có thể bị chồng chéo, trùng lặp dẫn đến sự suy giảm hiệu quả hoạt động của tổ chức. - Bệnh lý của tổ chức Sự phục tùng mù quáng và lạm dụng quyền lực, biểu hiện nổi bật nhất của bệnh lý tổ chức là sự phục tùng mù quáng, lạm dụng quyền lực và lộng quyền, làm hạn chế tính năng động của các thành viên trong tổ chức và kìm hãm sự phát triển lành mạnh của cả tổ chức. Cơ cấu quyền lực và những quy định mang tính tập thể của tổ chức quan liêu đã tạo ra một sức ép buộc các thành viên phải tuân thủ các mệnh lệnh một cách bất khả kháng. Trong xã hội hiện đại, bệnh phục tùng mù quáng đang có chiều hướng giảm đi, nhưng bệnh lộng quyền và lạm dụng chức vụ gây tổn thất cho tổ chức lại có xu hướng
- gia tăng. Một số người lãnh đạo, quản lý cố tình tạo ra hố ngăn cách với nhân viên bằng hệ thống các văn bản, giấy tờ, quyết định hình thức, rắc rối hay các tiểu tiết quản lý máy móc để che đẩy yếu kém về chuyên môn của mình và xiết chặt chế độ hành chính. Thậm chí, họ còn lợi dụng yếu tố “phi cá nhân” (nghĩa là tách các thành viên ra xa khỏi hậu quả các hành động của họ bằng hệ thống quy định) để nắm giữ quyền lực và khống chế tổ chức. Số lượng thành viên của bộ máy quan liêu có xu hướng tăng dần, điều này xảy ra vì muốn tăng số người ủng hộ, khống chế bớt đối thủ. Cách phổ biến nhất, là tuyển thêm người, dẫn đến tổ chức ngày càng lớn và phức tạp. Cách thứ hai, là giao những nhiệm vụ phi chuyên môn cho những người có trình độ chuyên môn và đánh giá năng lực của họ căn cứ vào những tiêu chí hình thức. Vì chỉ phục vụ cho lợi ích của một số thành viên, nên trong tổ chức ngày càng xuất hiện nhiều công việc vô ích và năng suất lao động ngày càng thấp. Việc cán bộ quản lý không có chuyên môn, học vấn hay tri thức, nhưng lại nắm các chức vụ điều hành tổ chức, nhân sự và phân bổ các nguồn lực trong một cơ quan chuyên môn là nguyên nhân của nhiều căn bệnh tổ chức... Hậu quả của nó là sự trì trệ và yếu kém hiệu quả của cả tổ chức và của đa số các thành viên trong tổ chức đó. Xung đột trong tổ chức, xung đột là một hiện tượng phổ biến trong các tổ chức xã hội, nguyên nhân chính của nó nằm trong nhân cách cá nhân và cơ cấu của tổ chức. Một số nhà xã hội học đã chia xung đột trong tổ chức thành hai loại, đó là: xung đột phi lý và xung đột hợp lý. + Xung đột phi lý, có nguồn gốc từ các tính cách của cá nhân như: nóng nảy, hấp tấp, ích kỷ, tham lam, gia trưởng… Những cá nhân như vậy thường hoà trộn các đặc điểm này với các vai trò của họ trong tổ chức. Theo Saford, những người đàn ông độc đoán có thể rất khó mà chịu phục tùng quyền lực của người khác. Nếu gặp phải người lãnh đạo mạnh mẽ thì họ cam chịu một cách thụ động, nhưng trong lòng vẫn nung nấu sự tức giận và thù địch được nén lại, chỉ chờ những điều kiện thuận lợi sẽ trở thành xung đột thực tế. + Xung đột hợp lý, có nguồn gốc từ bản thân các vấn đề của tổ chức, nhưng không bị những đặc điểm của cá nhân chi phối. Chẳng hạn, xung đột giữa một người có kinh nghiệm tổ chức, quản lý nhưng lại không có hoặc yếu kém về chuyên môn, với các thành viên có trình độ trong một cơ quan khoa học đang trên đà phát triển… Theo Katz, xung đột hợp lý có thể chia thành ba loại: Xung đột giữa các bộ phận cạnh tranh không trực tiếp (giữa lao động trực tiếp và lao động gián tiếp). Xung đột giữa các bộ phận cạnh tranh trực tiếp với nhau (cùng ngành nghề), thường có cường độ mạnh hơn loại thứ nhất.
- Xung đột trong thứ bậc quyền lực vì lợi ích của tổ chức (xung đột gữa hai nhóm nắm nấc thang quyền lực khác nhau trong tổ chức xã hội như: giữa thủ trưởng hay những người quản lý với nhóm nhân viên cấp dưới → xung đột quản lý). Biện pháp giải quyết có hiệu quả nhất đối với loại xung đột này là thay đổi cơ cấu tổ chức. 1.2.6. Quyền lực xã hội và trật tự xã hội - Quyền lực xã hội, quyền lực là một dạng quan hệ xã hội theo chiều dọc, biểu hiện ở khả năng một cá nhân hoặc một nhóm điều khiển hành vi, thái độ, quan điểm của cá nhân khác hoặc nhóm khác. Thực chất của quyền lực chính là việc giới hạn hay mở rộng mức độ tự do của các chủ thể và khách thể khi thực hiện quyền lực. Nghĩa là khi chúng ta tham gia vào quan hệ quyền lực, một mặt chúng ta sẽ lập tức bị hạn chế mức độ tự do hành động so với mức tự do hành động trước đó, mặt khác, chúng ta sẽ được mở rộng thêm mức độ tự do mới mà trước đó chúng ta chưa hề có. Cái được mở rộng và cái bị hạn chế chính là “cái được” và “cái mất”. Đối với chủ thể quyền lực “cái được” là quyền lãnh đạo, còn đối với khách thể quyền lực “cái mất” là sự phục tùng. Chính vì vậy, việc trở thành chủ thể quyền lực là một ham muốn trong xã hội, quyền lực trở thành một giá trị xã hội. Như vậy, quyền lực là khả năng áp đặt ý chí của mình với người khác và tác động đến khả năng động viên các nguồn lực để đạt được mục đích của mình. Quan điểm macxít cho rằng, chế độ sở hữu tư nhân là nguồn gốc tạo ra sự phân chia quyền lực trong xã hội. Người chiếm hữu tư liệu sản xuất là người có quyền lực điều chỉnh hành vi và cơ hội của người không sở hữu tư liệu sản xuất. Do vậy, chỉ khi nào xoá bỏ được chế độ tư hữu thì mới xoá bỏ được nguồn gốc tạo ra sự bất bình đẳng, xoá bỏ những tầng lớp có quyền thống trị và bóc lột người khác. Theo Weber, ngoài yếu tố kinh tế, nguồn gốc quyền lực còn liên quan đến nhiều yếu tố phi kinh tế như, gia đình, học vấn, tôn giáo, uy tín… Và ông cho rằng, trong các dạng quyền lực xã hội, thì quan trọng nhất là quyền lực chính trị. Còn theo Parsons, nguồn gốc của quyền lực nằm ở vị thế của một cấu trúc xã hội. Cấu trúc xã hội quy định cho mỗi vị thế xã hội một quyền hạn tương ứng… Quyền lực xã hội thường được biểu hiện dưới các dạng thức sau: Cưỡng bức, là một dạng quyền lực có sử dụng sự ép buộc về thể xác để áp đặt ý chí của người này cho người khác, hình thức này khá phổ biến trong xã hội. Uy quyền, là một dạng quyền lực có sự đồng tình của công chúng. Khái niệm này thường gắn với khái niệm thiết chế hoá, hợp pháp hoá theo thứ bậc. Nó cho phép người ra mệnh lệnh quyền kiểm soát hành vi của người khác theo yêu cầu của tổ chức. Uy quyền thường được thể hiện: + Uy quyền lôi cuốn của thủ lĩnh, + Uy quyền truyền thống (chồng với vợ, cha mẹ với con cái…)
- + Uy quyền hợp pháp, hợp lý (dựa trên niềm tin về tính đúng đắn và cần thiết của các luật lệ, quy định chính thức của tổ chức). Quyền lực tuyệt đối, là dạng quyền lực không chấp nhận bất cứ một sự khác biệt và chống đối nào. Quyền lực quân chủ, là dạng quyền lực độc tài, chuyên chế, không chấp nhận bất kỳ một sự đối lập nào. Quyền lực thiểu số, là quyền lực do một nhóm thiểu số trong xã hội thực hiện đối với nhóm đa số (như quyền lực của nhóm người giàu với nhóm người nghèo). Quyền lực dân chủ, là quyền lực của nhân dân hoặc đa số nhân dân tham gia thực hiện (như quyền trực tiếp bầu cử phổ thông đầu phiếu của cử tri, hay gián tiếp của đại cử tri). - Trật tự xã hội Trật tự xã hội là khái niệm chỉ sự tồn tại, hoạt động ổn định, hài hoà của các thành viên trong cơ cấu xã hội. Cơ chế đảm bảo cho sự tồn tại của trật tự xã hội là các thiết chế xã hội. Khi bàn về trật tự xã hội đã xuất hiện các lý thuyết: + Thuyết xung đột, trật tự xã hội chỉ được thiết lập khi sức mạnh của nhóm xã hội có quyền lực còn đủ duy trì vị trí thống trị của mình và nhóm bị thống trị phải chấp nhận địa vị phụ thuộc. Trật tự này chỉ mang tính chất tạm thời, bởi trong lòng xã hội đó đang ngầm chứa đựng những mâu thuẫn cơ bản. Trật tự này sẽ bị phá vỡ khi nhóm bị trị không còn chấp nhận cách tổ chức, quản lý và điều hành của nhóm thống trị. Vì vậy, nhóm xã hội thống trị luôn luôn tìm cách duy trì, củng cố trật tự xã hội hiện có. + Thuyết chức năng, khi tất cả những thành phần trong xã hội thực hiện tốt chức năng của mình, thì sẽ có trật tự xã hội. Nghĩa là các cá nhân, các nhóm xã hội phải thực hiện vai trò của mình sao cho đáp ứng được sự mong đợi của những người xung quanh và của xã hội. Sự kiểm soát xã hội là khuôn mẫu hành vi của các cá nhân, các nhóm..., căn cứ vào các chuẩn mực, giá trị đã được xã hội thừa nhận. Kiểm soát xã hội có thể được thực hiện bởi các thiết chế xã hội như gia đình, tôn giáo, chính trị, kinh tế, giáo dục. Kiểm soát xã hội có mặt ở khắp mọi nơi trong đời sống văn hoá xã hội và luôn tác động đến sự lựa chọn hành vi của các cá nhân và các nhóm. Kiểm soát xã hội thường sử dụng những công cụ khác nhau để uốn nắn những sai lệch xã hội. Parsons đã từng đưa ra ba loại công cụ chính của kiểm soát xã hội, đó là: Cô lập hoàn toàn; hạn chế giao tiếp; quản chế, cải tạo và phục hồi. Sự kiểm soát xã hội chính thức được thực hiện bởi các tổ chức như công an, toà án, viện kiểm soát, nhà tù… và các quy định, luật lệ…
- 2. KHUÔN MẪU, CHUẨN MỰC VÀ THIẾT CHẾ XÃ HỘI 2.1. Khuôn mẫu, chuẩn mực và giá trị xã hội 2.1.1. Khuôn mẫu, chuẩn mực xã hội - Khái niệm Khuôn, mẫu là những thuật ngữ của lĩnh vực kỹ thuật hay nghệ thuật với ý nghĩa là những tiêu chuẩn, vật chuẩn được tạo ra từ trước để dựa vào đó và theo đó mà làm ra những vật phẩm khác giống như nhau theo cái vật chuẩn ban đầu ấy. Chẳng hạn: khuôn đúc đồng, khuôn đóng (đúc) gạch, ngói, khuôn làm bánh… hay mẫu hoa để vẽ, để thêu, mẫu nhà cửa, mẫu bàn ghế… để làm theo. Như vậy có thể coi khuôn mẫu là vật chuẩn do con người tạo ra và được con người lựa chọn, chấp nhận làm mẫu cho những cái cùng loại khác. Trong lĩnh vực xã hội, khuôn mẫu được hiểu như là những tiêu chí đã được xã hội thừa nhận, hợp thành những chuẩn mực giá trị dùng làm mẫu để đo đạc những cái khác. Đồng thời, con người khi thực hiện một hành vi xã hội hay thiết lập, tạo dựng một việc gì đó đều dựa vào những cái mẫu có trước, dùng nó để làm cái quy chiếu cho những cái khác. Ví dụ như mẫu hình trong hôn nhân, mẫu hình về người đàn ông, người phụ nữ (theo quan niệm xưa, nay) hay mẫu hình về một gia đình, một dòng họ thuận hoà, thành đạt… Để kiểm tra một người nào đó có thực hiện đúng vai trò xã hội của mình hay không, người ta thường xem xét hành vi xã hội của người đó có phù hợp với chuẩn mực, giá trị của khuôn mẫu xã hội hay không. Chuẩn mực là sự thống nhất của xã hội về những khuôn mẫu hành vi cụ thể, tương ứng với các loại vị thế, vai trò xã hội khác nhau. Mỗi loại nghề nghiệp, vị thế, vai trò xã hội đều có những chuẩn mực riêng của mình. Chuẩn mực xã hội cũng được hiểu là sự mong đợi của xã hội về một kiểu hành vi lý tưởng, ứng với một loại địa vị xã hội nào đó. Như vậy, chuẩn mực xã hội vừa là khuôn mẫu vừa là áp lực xã hội đối với hành vi cá nhân. Khuôn mẫu xã hội có ảnh hưởng sâu sắc đến nếp nghĩ, nếp cảm và cách hành động của con người. Do đó, ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn hoá, sự định hướng giá trị, tín ngưỡng của con người trong một xã hội nhất định. - Đặc điểm của khuôn mẫu, chuẩn mực Những hành vi xã hội, những chuẩn mực, giá trị mà chúng ta hay gặp nhất trong xã hội và có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển xã hội là những hành vi, chuẩn mực thuộc khuôn mẫu văn hoá (theo nghĩa rộng) với nội hàm: Một tác phong xã hội được lặp đi, lặp lại trong cuộc sống đời thường; được nhiều người thực hiện theo cùng một phong cách giống nhau; được xem là có tác dụng định hướng, có ý nghĩa mẫu mực cho nhiều người noi theo; đồng thời nó chứa đựng một ý nghĩa xã hội nhất định.
- Trong đời sống xã hội, mỗi người thường làm theo những gì mà mọi người vẫn quen làm, những gì mà xã hội cho là quan trọng. Khuôn mẫu xã hội thường được thể chế hoá thành các quy định xã hội, được mọi thành viên trong xã hội thừa nhận và tuân thủ theo. Những quy định như vậy có thể được ghi thành văn bản dưới dạng các nội quy, quy chế, điều luật… Nhưng cũng có khi chỉ là những quy ước bất thành văn như phong tục, tập quán… nhưng rất được xã hội coi trọng và tuân thủ thực hiện. Trong các khuôn mẫu xã hội thì khuôn mẫu hành vi yêu nước bao giờ cũng được đề cao, những ai đi ngược lại khuôn mẫu hành vi này đều bị xã hội lên án và căm phẫn. - Tính biến đổi của khuôn mẫu, chuẩn mực xã hội Khuôn mẫu xã hội là những chuẩn mực giá trị, nhưng không phải là những chuẩn mực tồn tại bất biến, vĩnh hằng, mà nó cũng có sự biến đổi cùng với sự biến đổi của không gian, thời gian, của tính chất và trình độ xã hội. Nghĩa là sự biến đổi của xã hội đã làm cho một số khuôn mẫu, chuẩn mực trở nên lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với xã hội. Đồng thời có một số khuôn mẫu, chuẩn mực mới, tiến bộ được hình thành và được xã hội thừa nhận, ví dụ: khuôn mẫu mới về gia đình, con cái, về các nghi lễ, tập tục trong cưới hỏi, tang ma… Thực tế cuộc sống cho thấy, khi một tác phong xã hội nào đó được khuôn mẫu hoá thì đều trở thành “con đường tắt” rất tiện lợi và cần thiết cho sự học hỏi làm người của mỗi cá nhân. Có thể nói, mọi hành vi xã hội của con người đều là do sáng tạo của thói quen mà ra. Và xét cho cùng thì những chuẩn mực văn hoá chính là những đáp án có sẵn trong cuộc sống, mỗi con người học hỏi những điều đó là nhờ bắt chước, nhờ gợi ý của người khác. Mọi người đều có thái độ tôn trọng các khuôn mẫu, chuẩn mực vì đó là kết quả được đúc kết nên bởi nhiều thế hệ đời người. Đằng sau các khuôn mẫu, chuẩn mực là cả một bề dày truyền thống vững vàng, sâu nặng, lại có được sự hỗ trợ của các quyền uy xã hội. Do vậy mỗi cá nhân khi tiếp nhận các chuẩn mực văn hoá đều cảm thấy tự giác, thoải mái và tự nhiên, coi nó gần như là bản tính thứ hai của con người. Khi xã hội phát triển con người có điều kiện tiếp xúc, hội nhập nhiều với các nền văn hoá khác, thì một số khuôn mẫu, chuẩn mực văn hoá truyền thống (như phong tục, tập quán) có thể bị coi là những yếu tố lạc hậu, trì trệ, bảo thủ và rất dễ bị mọi người có định kiến xấu. Trong điều kiện này, đòi hỏi con người phải sáng suốt, khi tiếp thu cái mới phải biết chọn lọc cái hay, cái phù hợp, tránh sự lố lăng, lai căng, mất gốc. Phải biết trân trọng và bảo tồn, phát huy những khuôn mẫu, chuẩn mực mang vẻ đẹp của thuần phong, mỹ tục. Nghĩa là có tiếp thu, có phê phán, kế thừa cái hay, cái tiến bộ, loại bỏ cái dở, cái lạc hậu, làm cho lối sống văn hoá của xã hội tiến kịp với nền văn minh chung của nhân loại. 2.1.2. Giá trị xã hội - Khái niệm
- Mỗi thời đại lịch sử, mỗi loại hình tổ chức xã hội, mỗi tầng lớp, giai cấp, đều có những cách quan niệm, cách đánh giá riêng của mình về khái niệm giá trị. Đó là cách cảm nhận, cách thẩm định một sự việc, hiện tượng và ý nghĩa, vai trò của nó đối với con người, đối với xã hội. Điểm chung nhất giữa mọi quan niệm về giá trị thể hiện ở chỗ: mỗi sự việc, hiện tượng khi được coi là có giá trị thì điều đó có nghĩa là nó rất có lợi cho cuộc sống của con người và cho sự phát triển của xã hội, vì thế nó sẽ được mọi người tôn trọng và noi theo. Như vậy, giá trị là một phạm trù được nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học. Trong Xã hội học nó cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau: + Giá trị là những tiêu chuẩn mang lại ý nghĩa, dựa vào đó các đoàn thể hoặc xã hội đánh giá, phê phán tầm quan trọng của những con người, những khuôn mẫu, những mục đích và những đối tượng văn hoá khác8. + Tất cả những gì có lợi ích, đáng ham chuộng, đáng kính phục đối với cá nhân hoặc đối với xã hội đều có một giá trị9. + E. Durkheim quan niệm: giá trị xã hội được xem là những lý tưởng tập thể, có tác dụng chi phối, điều chỉnh tư tưởng và hành động của con người theo khuông mẫu của xã hội. Như vậy, giá trị là những tiêu chuẩn trong đó hàm chứa ý nghĩa văn hoá hay những sự kiện xã hội quan trọng, có thể nghiên cứu, phân tích và sắp xếp thành một hệ thống thang bậc giá trị chung cho toàn xã hội. - Đặc điểm của giá trị Dù được hiểu như thế nào thì bản thân khái niệm giá trị cũng chứa đựng những đặc điểm chung nhất, đó là: + Bản thân đối tượng tự nó là một giá trị, ví dụ: một đồ vật cụ thể nào đó đều chứa đựng, thứ nhất, giá trị đích thực của nó trong hệ thống vật chất, thứ hai, giá trị về khả năng trao đổi; thứ ba, giá trị về khả năng phục vụ con người. + Khả năng của đối tượng về việc làm thoả mãn các nhu cầu của xã hội. Một cái gì đó có giá trị hay không có giá trị, giá trị cao hay thấp, nhiều hay ít, không phải do bản thân nó quy định mà do khả năng đáp ứng của nó đối với các nhu cầu các mong muốn của con người và xã hội. Như vậy mỗi giá trị xã hội đều hiện hữu vừa là giá trị xã hội vừa là tiêu chuẩn về giá trị xã hội. Giá trị xã hội luôn luôn tồn tại trong mối quan hệ với nhu cầu xã hội. Nó là sự thừa nhận, sự mong đợi và sự đánh giá của xã hội đối với các hành vi của cá nhân khi thực hiện vai trò của mình vì lợi ích xã hội. Đồng thời, giá trị xã hội cũng gắn liền 8 Phạm Tất Dong: Xã hội học đại cương. Viện Đại học mở Hà Nội, 1995, tr. 9 J. Fichter: Xã hội học. Hiện đại thư xã, Sài Gòn, 1974, tr. (Bản dịch của Trần Văn Dĩnh).
- với địa vị và vai trò cá nhân, nhưng không phải là những vai trò cá nhân riêng lẻ, mà là những vai trò có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Mặt khác trong mỗi giá trị đều chứa đựng những yếu tố nhận thức và thái độ của chủ thể trong mối quan hệ với hiện tượng mang giá trị. Khi ở tư cách là đối tượng của quá trình xã hội hoá cá nhân nhận thức và tự nguyện tiếp nhận, tổ chức các hành vi của mình hướng tới giá trị đã chọn. Còn khi ở tư cách là chủ thể hành động, cá nhân nhận thức, lựa chọn, đánh giá, xây dựng và tổ chức các hành vi thành giá trị đó. - Định hướng giá trị xã hội Trong từng giai đoạn lịch sử và xã hội nhất định, các giá trị thường liên kết với nhau thành một hệ thống tạo nên thang giá trị của xã hội. Một hệ thống giá trị như vậy bao giờ cũng phù hợp với thế giới quan và nhân sinh quan của xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của thời đại. Xã hội nào cũng có sự định hướng giá trị cụ thể, có tính chất và nội dung khác nhau, trong đó có những giá trị được coi trọng và giữ vị trí ưu tiên nổi bật. Ở phương Tây, người ta quan niệm rằng, nền kinh tế thị trường phải thực hiện được những nhiệm vụ mà họ cho là tứ giác thần kỳ, đó là: - Đảm bảo sự phát triển kinh tế thường xuyên và hợp lý, - Đảm bảo công ăn việc làm ở mức độ cao, - Ổn định giá cả, - Tạo sự cân bằng trong kinh tế đối ngoại… Đồng thời họ cũng vạch rõ: nền kinh tế thị trường trong quá khứ đã tạo ra cho nhân loại một khoảng trống vắng và nỗi thống khổ chung, đó là: - Sự khủng hoảng về định hướng giá trị nói chung, - Sự lấn át của nhu cầu, động cơ vật chất so với những động cơ văn hoá, đạo đức xã hội, - Sự xuất hiện của những chiều hướng tư tưởng như chủ nghĩa hậu hiện đại, bệnh vị kỉ, xu hướng quay về tôn giáo, mê tín dị đoan và ma tuý. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đã chuyển từ một nền kinh tế quan liêu bao cấp, kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Xã hội ta từ đầu thế kỷ XX đến nay đã có những chuyển biến mạnh mẽ, từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ, những hệ thống giá trị cũ đang thay đổi, nhiều giá trị truyền thống tích cực đang được kế thừa và phát triển bên cạnh các giá trị mới đang hình thành, cho nên việc định hướng giá trị chính xác sẽ có một ý nghĩa cách mạng và thực tiễn sâu sắc. Con người Việt Nam hiện đại, đã và đang tiếp cận với xu hướng chung của nhân loại, định hướng vào các giá trị có tính phổ quát, các giá trị cơ bản, phổ biến, mang tính thời đại mà vẫn giữ được bản sắc và truyền thống dân tộc, như: coi trọng các giá trị hoà bình, tự do, việc làm, gia
- đình, sức khoẻ, nghề nghiệp, học vấn… Như vậy, có một số giá trị truyền thống vẫn được tiếp tục đề cao như coi trọng gia đình, sống có tình nghĩa, ham chuộng học vấn. Những giá trị gắn liền với sự duy trì, bảo vệ lợi ích chung của xã hội, góp phần làm thoả mãn các nhu cầu căn bản của xã hội đều được đánh giá là những giá trị quan trọng. Và do vậy những con người đang sống trong xã hội thường sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để đấu tranh bảo vệ những giá trị đó. Một xã hội muốn tồn tại ổn định và phát triển thì phải có sự nhất trí cao của toàn xã hội về những giá trị, mà thực chất là những tiêu chuẩn dùng để lượng giá con người. Đặt con người vào những vị thế, tầng lớp, thứ hạng thích hợp và phù hợp với thực tế, đó chính là những tiêu chuẩn tạo nên vị thế xã hội, giai cấp xã hội của mỗi con người. Chính vì vậy khi nói đến vị thế xã hội của một người nào đó chính là nói về giá trị xã hội của người đó. Dư luận xã hội (khen, chê, tôn trọng, khinh bỉ…) cũng là cách đánh giá con người. Sự lượng giá như vậy thường bao hàm cả sự đánh giá, so sánh, đối chiếu giữa cái tốt và cái xấu, cái cao cả và cái tầm thường. Trong sự lượng giá này cần chú ý đến tính chủ quan cá nhân, một giá trị cao cả là một giá trị được đông đảo cá nhân trong xã hội thừa nhận. Có thể nói giá trị hầu như là cái bên ngoài mà xã hội chuyển đến cho mỗi cá nhân. Trong cuộc sống con người luôn hướng tới những mục đích mà họ mong đợi, trong đó có những mục đích trước mắt, những mục đích lâu dài, những mục đích quan trọng… Song con người bao giờ cũng tập trung hướng vào việc thực hiện những mục đích được coi là có giá trị nhất. Mỗi cá nhân, mỗi tầng lớp xã hội, trong từng thời kỳ lịch sử, từng hoàn cảnh xã hội cụ thể bao giờ cũng có những quan niệm rất cụ thể trong việc lượng giá và phấn đấu cho những giá trị cụ thể khác nhau. Đối với con người xã hội, các giá trị bao giờ cũng là những yếu tố chế tài (có ý nghĩa kiểm soát và định hướng) của các tác phong xã hội. Những hệ thống giá trị được xã hội nhất trí cao, luôn tạo nên áp lực xã hội, giúp cho xã hội xác định được các khuôn mẫu, chuẩn mực mà mọi người phải tuân thủ (kể cả trong phong tục, tập quán). Những yếu tố chế tài của xã hội có thể biểu hiện ở sự khen thưởng (đề cao) hay trừng phạt của xã hội đối với một cá nhân hay một nhóm xã hội. Hệ thống khen thưởng và trừng phạt của xã hội luôn căn cứ và xuất phát từ giá trị, nếu một xã hội mà thiếu hoặc không có những hệ thống giá trị, hay không có sự phân biệt mức độ quan trọng của các giá trị, thì sẽ không thể có được những phương tiện cần thiết để điều tiết và kiểm soát xã hội một cách có hiệu quả. Hệ thống giá trị là sự kết tinh của những kinh nghiệm sống và sự hiểu biết của con người nên có ý nghĩa văn hoá chuẩn mực ảnh hưởng trực tiếp đến kinh nghiệm sống của từng người. Dù ở thời đại nào, con người muốn sống và phát triển được cũng đều phải hiểu rõ: những gì cần thiết, nên làm; những gì bị cấm đoán, không nên làm, những gì cần phải tôn trọng, những gì sẽ bị xã hội kiểm soát, điều chỉnh hoặc trừng phạt… Đó là sự định hướng giá trị trong xã hội của từng cá nhân, giúp cá nhân làm tốt vai trò xã hội của mình.
- - Giá trị và vai trò xã hội Trong mỗi cơ cấu xã hội hay tổ chức xã hội đều bao gồm những vai trò xã hội nhất định. Khi nói đến một vai trò xã hội nào đó, tức là nói đến mối tương quan giữa nó với các vai trò xã hội khác. Mối tương quan ấy được quy định và kiểm soát bởi các giá trị xã hội. Các hệ thống tương quan được sắp đặt, phối hợp và lệ thuộc vào nhau, và do đó nó sẽ bị vô hiệu hoá khi ở một khâu nào đó có những con người không thừa nhận hệ thống giá trị. Ví dụ: hệ thống tương quan trong một gia đình là các mối quan hệ cơ bản như: vợ - chồng; cha mẹ - con cái; anh chị - em… mà cốt lõi của nó được xuất phát từ logic tình yêu - hôn nhân - gia đình hạnh phúc. Nếu sự phát triển tất yếu này không được thừa nhận thì không thể có một cơ cấu gia đình đúng với ý nghĩa đích thực của nó. Mỗi vai trò xã hội nếu được thực hiện đúng giá trị của nó thì các mối tương quan trong xã hội sẽ phát triển bình thường (gia đình hạnh phúc, cơ quan ổn định). Những mối tương quan làm cho xã hội trở nên bền vững, ổn định, thường được đánh giá cao và nó được coi là những tương quan của diễn tiến liên kết như sự hợp tác, sự hoà giải… Ngược lại, những tương quan có ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn kết của các quan hệ xã hội, thì thường bị đánh giá rất thấp và nó được coi là những tương quan của diễn tiến li tán. Các giá trị còn có một ý nghĩa quan trọng khác là làm cơ sở cho sự hình thành các động cơ hoạt động, giao tiếp, ứng xử của con người. Mỗi cá nhân sẽ khó thiết lập được quan hệ tốt đẹp với người khác nếu không tuân thủ theo một hệ thống tương quan xã hội mà trong đó hàm chứa các giá trị xã hội. Cuộc sống của con người có được là do nhiều vai trò xã hội khác nhau quy định, cho nên khi nắm giữ một vai trò nào đó, con người phải tuân thủ theo một số khuôn mẫu có sẵn. Quan hệ xã hội, nói cho cùng, thực chất là quan hệ giữa các vai trò xã hội, con người sống và giao tiếp được là nhờ thông qua các vai trò mà mình đảm nhận (ví dụ: bác sĩ với bệnh nhân, chỉ huy với chiến sĩ, thủ trưởng với nhân viên, giáo viên với học sinh, đều là quan hệ giữa vai trò này với vai trò khác). Để không bị xã hội lên án, mọi cá nhân phải luôn luôn thừa nhận và noi theo những khuôn mẫu tác phong đã được xã hội chuẩn mực hoá. - Giá trị, khuôn mẫu và sự điều tiết xã hội Trong cuộc sống của mình, mỗi cá nhân, mỗi nhóm xã hội luôn chịu sự điều tiết của xã hội. Việc điều tiết được tiến hành thông qua hệ thống giá trị bao gồm các chuẩn mực, các quy tắc, các tập quán xã hội; đặc biệt thông qua hệ thống các thiết chế xã hội, nhất là thiết chế giáo dục. Xã hội từng bước uốn nắn, bồi dưỡng, rèn luyện con người, giúp họ tự điều chỉnh, tiếp thu và tuân theo những giá trị mà xã hội quy định, làm cho các thành viên trong xã hội gắn bó, cảm thông và cùng nhau củng cố, duy trì cuộc sống chung. Mỗi người cố gắng tạo cho mình nhưng khuôn mẫu tác phong, những ứng xử phù hợp, đó là một quá trình học hỏi liên tục trong suốt đời người. Ví như, trong giao tiếp xã giao con người đều phải biết tỏ ra có văn hoá tức là nắm vững và biểu hiện đầy đủ các yêu cầu: xin phép, xin lỗi, cảm ơn, chào hỏi, tiễn biệt… Người xưa thường dạy
- con cái phải học ăn, học nói, học gói, học mở là cũng hàm nghĩa như vậy. Quá trình học hỏi đã làm cho mỗi người được tự động hoá trong ứng xử, tự nhận ra được cái đúng, cái chưa đúng trong các hành vi của mình hay của người khác. Sự điều tiết của xã hội có rất nhiều cấp độ khác nhau, khi con người đảm nhận những vai trò khác nhau thì việc lựa chọn các chuẩn mực cũng khác nhau (ví dụ, một viên chức khi thực thi trách nhiệm, nghề nghiệp thì căng thẳng hơn khi đóng vai người chồng, người cha trong gia đình…). Nói đến sự điều tiết của xã hội cũng chính là nói đến ý nghĩa và tác dụng của các giá trị trong đời sống hàng ngày. Sự xuất hiện của giá trị trong đời sống xã hội sẽ dẫn đến những hậu quả nhất định về mặt xã hội. Nó được dùng như là phương tiện sẵn có để nhận thức, phê phán về thang giá trị xã hội (của cá nhân, của cộng đồng…) và từ đó mà diễn ra sự phân tầng, phân lớp của xã hội. Đồng thời nó làm cho mỗi cá nhân hiểu rõ vị trí của mình trong mối quan hệ với mọi người hay trong dư luận xã hội. Trong hiện thực của đời sống xã hội, hệ thống giá trị, một mặt được coi là những tiêu điểm để con người dựa vào đó mà lựa chọn và thực hiện các vai trò xã hội có tính khuyến thiện, được xã hội kính trọng. Mặt khác, nó cũng là yếu tố kiềm chế, có tác dụng kìm hãm những hành vi, hành động lệch chuẩn, những tác phong phản xã hội, bị xã hội cấm đoán, làm cho nội tâm con người có cảm giác xấu hổ, cắn rứt lương tâm khi vi phạm các giá trị xã hội. 2. 2. THIẾT CHẾ XÃ HỘI 2.2.1. Khái niệm thiết chế xã hội Thiết chế xã hội là một khái niệm quan trọng, được sử dụng rộng rãi trong nhiều tài liệu xã hội học. Tuy vậy, trong thực tế nghiên cứu của xã hội học, đã xuất hiện nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm này, sở dĩ như vậy là vì nội hàm của khái niệm thiết chế chưa được xác định một cách rõ ràng, khái niệm thiết chế thì trừu tưởng, nhưng bản thân thiết chế lại rất hiện thực. Theo J. Fichter, thiết chế xã hội chính là một tập hợp các khuôn mẫu tác phong được đa số chấp nhận nhằm thoả mãn một nhu cầu cơ bản của nhóm xã hội. Còn theo N. Smelser, thiết chế là một tập hợp các vị thế và vai trò có chủ định nhằm thoả mãn nhu cầu xã hội quan trọng. Như vậy, thiết chế xã hội là một tập hợp bền vững của các giá trị chuẩn mực, vị thế, vai trò và nhóm, vận động xung quanh một nhu cầu cơ bản của xã hội. Cũng có thể hiểu thiết chế xã hội như là một tổ chức nhất định của hoạt động xã hội và các quan hệ xã hội được thực hiện bằng sự phối hợp hài hoà giữa hệ thống các hành vi của con người với các chuẩn mực, quy phạm của xã hội. Thiết chế là một cơ cấu tổ chức có tính chất tương đối bền vững của khuôn mẫu xã hội, tổ chức ấy có cơ cấu bên trong (nội dung hoạt động của thiết chế) và cơ cấu bên ngoài (hình thức vật chất của thiết chế). Cơ cấu bên trong là một tập hợp nhất định, những tiêu chuẩn được định hướng theo mục tiêu về hành vi của những người nhất định, trong những
- hoàn cảnh nhất định. Cơ cấu bên ngoài là một tổng thể những con người, những cơ quan được trang bị những phương tiện vật chất nhất định và thực hiện những chức năng xã hội nào đó. Nhìn chung các nhà xã hội học đều cho rằng, thiết chế xã hội nảy sinh, tồn tại và phát triển là do nó đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhu cầu xã hội là lý do hình thành, đồng thời cũng là mục đích tồn tại của thiết chế. Trong mọi xã hội bao giờ cũng có những nhu cầu cơ bản, việc thoả mãn chúng có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của bản thân xã hội. Những nhu cầu cơ bản đó gồm: - Giao tiếp giữa các thành viên - Sản xuất và sản phẩm dịch vụ - Phân phối các sản phẩm và dịch vụ hàng hoá - Bảo vệ các thành viên khỏi sự tác động của thiên nhiên (thiên tai), bệnh tật và các nguy hiểm khác. - Thay thế các thành viên (kể cả tái sinh sản sinh học) và thay thế văn hoá thông qua quá trình xã hội hoá - Kiểm soát hành vi của các thành viên. 2.2.2. Đặc trưng của thiết chế - Thiết chế có tính bền vững tương đối và thường chậm biến đổi Thiết chế xã hội hình thành trên cơ sở của một hệ thống những giá trị, chuẩn mực xã hội lâu đời và bền vững. Bởi vậy, nó có đặc trưng là phản ứng lại những biến đổi của xã hội rất chậm. Khi xã hội tiến bộ và phát triển thì các thiết chế cũng biến đổi theo, nhưng thường rất chậm chạp so với các yếu tố xã hội khác như kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật… - Các thiết chế có xu hướng phụ thuộc vào nhau Các thiết chế xã hội chủ yếu thường duy trì những giá trị chuẩn mực, phản ánh những mục tiêu, những ưu tiên chung của xã hội, bởi vậy các thiết chế có xu hướng phụ thuộc vào nhau. Tất cả các thiết chế đều cùng củng cố những mục tiêu chung, giữa chúng luôn có sự tương đồng hoặc gần gũi nhau, vì thế bất kỳ một thiết chế nào cũng được thể hiện một phần trong thiết chế khác và là một mặt, một bộ phận của toàn bộ xã hội. Khi một thiết chế xã hội cơ bản thay đổi thì thường kéo theo sự thay đổi của một loạt các thiết chế khác. - Các thiết chế có xu hướng trở thành tiêu điểm của những vấn đề xã hội Do các thiết chế được thiết lập trên cơ sở của những nhu cầu xã hội cơ bản, cho nên bất kỳ sự đổ vỡ của một thết chế nào cũng đều trở thành những vấn đề xã hội nghiêm trọng. Ví dụ: Nạn thất nghiệp là một vấn đề của nền kinh tế, sự suy sụp hay tan
- vỡ của hôn nhân là vấn đề của thiết chế gia đình, tỷ lệ tội phạm gia tăng là dấu hiệu của thiết chế pháp luật, sự rối loạn xã hội là vấn đề của thiết chế chính trị v.v… Thiết chế là một dạng biểu hiện của giá trị, là trạng thái lặp đi, lặp lại một cách đồng đều của giá trị, trở thành quy phạm cho các tác phong xã hội và tạo nên áp lực xã hội đối với con người. Mỗi loại thiết chế đều có mục đích cụ thể, có định hướng rõ ràng, trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, con người dựa theo đó mà hành động. 2.2.3. Chức năng của thiết chế Sự hiện diện một cách phổ biến của các thiết chế trong các xã hội chứng tỏ rằng chúng có những vai trò và chức năng quan trọng trong đời sống xã hội. Các nhà xã hội học thường cho rằng thiết chế xã hội có hai chức năng cơ bản: - Khuyến khích, điều chỉnh, điều hoà hành vi của con người cho phù hợp với quy phạm, chuẩn mực giá trị xã hội. - Ngăn chặn, kiểm soát, giám sát những hành vi lệch lạc so với các quy định xã hội. Sự tồn tại của mọi xã hội cũng như tính ổn định và phát triển của nó, không thể có được nếu không có sự quan lý xã hội và kiểm soát xã hội. Thiết chế xã hội thực hiện cả hai chức năng đó, nó được giao quyền sử dụng những biện pháp thưởng phạt các thành viên trong xã hội. Các hình phạt có thể chia làm hai loại: Hình phạt chính thức là các hình phạt của thiết chế pháp luật và hình phạt phi chính thức là các hình phạt của thiết chế đạo đức và của dư luận xã hội. Các chức năng của thiết chế được thực hiện thông qua hàng loạt các nhiệm vụ: - Thiết chế xã hội vốn là những mô hình hành vi được đa số thừa nhận là chuẩn mực và thực hiện theo, do đó các cá nhân sẽ không mất thời gian để suy tính, đắn đo xem cách thức hành động đó đúng hay sai để quyết định thực hiện hay không thực hiện. Như vậy, thiết chế đã đơn giản hoá tác phong hành động, lề lối tư duy của cá nhân, con người hành động theo thiết chế một cách tự động hoá. - Thiết chế cũng là một tập hợp các vai trò đã được chuẩn hoá, đó chính là các vai trò mà mọi cá nhân cần phải học để thực hiện thông qua quá trình xã hội hoá, nghĩa là thiết chế cung cấp cho cá nhân những vai trò có sẵn (thiết chế gia đình cung cấp cho cá nhân những vai trò là bố, mẹ, con, anh, em…, thiết chế giáo dục cho cá nhân vai trò là thầy, trò… chứ không phải do cá nhân sáng tạo ra các vai trò này). Nhìn chung cá nhân ít khi hành động ngược lại các thiết chế, bởi vì cung cách tư duy và phong cách hành động đã được thiết chế hoá có ý nghĩa quan trọng đối với con người. Thiết chế mang lại cảm giác yên tâm và an toàn cho những cá nhân tuân thủ nó, vì nó là cái mà xã hội cho là đúng là chuẩn, thực hiện theo nó tức là thực hiện theo số đông. Thí dụ, tuyệt đại đa số các cá nhân đều cho rằng, một trong những chức năng quan trọng của hôn nhân gia đình là sinh sản nối dõi, và “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả
- chồng” là việc bình thường, được xã hội chấp nhận, đó là một thiết chế. Chỉ có những người không thực hiện theo thiết chế này mới cảm thấy bất an, vì bị xã hội phê phán, đàm tiếu. Thiết chế luôn bao gồm những mong đợi của xã hội và nhờ vậy mà mỗi cá nhân đều ý thức được, mình sẽ phải hành động và suy nghĩ như thế nào trước những người khác. Chẳng hạn, tất cả mọi người đang điều khiển các phương tiện cơ giới tham gia giao thông đều phải xuất trình những loại giấy tờ cần thiết khi thanh tra giao thông yêu cầu mà không phải băn khoăn vì sao. Trong trường hợp thiết chế xã hội thực hiện các chức năng điều hoà và kiểm soát xã hội không đúng cách thức thì có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đối với xã hội. Sự điều hoà và đặc biệt là sự kiểm soát của thiết chế quá mạnh sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của cá nhân, trong trường hợp đó thiết chế sẽ mang tính bảo thủ. Tính bảo thủ của thiết chế thể hiện ở chỗ nó tìm cách duy trì những khuôn mẫu tác phong đã lạc hậu, đã lỗi thời và do vậy nó sẽ cản trợ sự tiến bộ của xã hội. Vào những lúc như thế, cá nhân đôi khi cảm thấy mất đi bản tính của mình và nếu họ chống lại sự kiểm soát của thiết chế thì sẽ bị coi là những “người lệch lạc”. Nhưng đến một lúc nào đó, khi thiết chế đã được biến đổi thì họ sẽ không còn bị coi là lệch lạc nữa. Chẳng hạn, trong xã hội phong kiến trước đây, việc con cái tự do tìm hiểu, yêu đương và tự quyết định vấn đề hôn nhân của mình ngoài sự sắp đặt của cha mẹ bị coi là trái đạo lý, thậm chí là bất hiếu, thì ngày nay quan niệm đó đã hoàn toàn thay đổi. Ngược lại, nếu sự kiểm soát và điều chỉnh các quan hệ xã hội của thiết chế quá yếu thì có thể dẫn đến tình trạng các cá nhân hay nhóm xã hội sẽ không thực hiện tốt vai trò xã hội của mình, thậm chí còn tìm cách trốn tránh trách nhiệm của bản thân… và do đó sẽ dẫn đến kết cục là hoạt động của từng phần hoặc của toàn bộ xã hội sẽ bị trì trệ. Cũng có những trường hợp giữa các thiết chế xảy ra sự di chuyển chức năng cho nhau. Đó là lúc hai hay nhiều thiết chế cùng tham gia thực hiện một chức năng, nếu thiết chế nào tỏ ra có khả năng đáp ứng nổi trội hơn, thì sẽ được đảm nhận vai trò chủ yếu. Ví dụ, trong xã hội nông nghiệp việc xã hội hoá cá nhân chủ yếu do thiết chế gia đình đảm nhận, nhưng trong xã hội công nghiệp nó phải di chuyển một phần hay toàn bộ chức năng xã hội hoá cho thiết chế giáo dục trong nhà trường. 2.2.4. Các loại thiết chế xã hội cơ bản Trong mỗi xã hội bao giờ cũng đồng thời tồn tại nhiều loại thiết chế khác nhau. Có những thiết chế được áp dụng rộng rãi trong phạm vi toàn xã hội, nhưng lại có những thiết chế chỉ có tính chất địa phương, mức độ áp lực chế tài xã hội của từng thiết chế cũng rất khác nhau. Điều đó tuỳ thuộc vào tầm quan trọng, sự cần thiết và tính phổ quát của từng loại thiết chế cụ thể. Các nhà xã hội học thường phân chia các thiết chế thành hai loại, là thiết chế chủ yếu (hay thiết chế cơ bản) và thiết chế phụ thuộc. Thiết chế chủ yếu được coi là thiết chế cần thiết nhất, quan trọng nhất cho lợi ích của cá nhân và xã hội, nó tồn tại một cách phổ biến trong mọi thời đại và trong mọi loại hình xã hội. Bởi vậy các thiết chế chủ yếu luôn đóng vai trò trụ cột của xã hội, để cho các thiết chế khác (thiết chế phụ thuộc) tồn tại quanh nó. Các thiết chế chủ yếu gồm có:
- - Thiết chế gia đình Đây là thiết chế đảm bảo sự tồn tại ổn định và bền vững của gia đình, đồng thời tiêu chuẩn hoá các quan hệ tính giao và sự truyền chủng của con người. Hình thức phổ biến nhất của nó là chế độ một chồng - một vợ sống chung với con cái trong gia đình. Nằm trong thiết chế này còn có các thiế chế phụ thuộc như đính hôn, cưới hỏi và các quan hệ thân tộc khác. Chức năng của thiết chế gia đình gồm có: + Điều chỉnh hành vi tình dục và giới. + Duy trì sự tái sinh sản nối dõi từ thế hệ này sang thế hệ khác. + Chăm sóc, bảo vệ người già và trẻ thơ. + Xã hội hoá trẻ em, nhất là trẻ em vị thành niên. + Gắn vai trò và thiết lập vị thế cho các thành viên được thừa kế từ gia đình. + Đảm bảo cung cấp các điều kiện vật chất cho các thành viên để gia đình không chỉ là một đơn vị xã hội mà còn là một đơn vị kinh tế sản xuất và tiêu dùng. - Thiết chế giáo dục Thiết chế giáo dục là quá trình xã hội hoá phát triển không chính thức ngay trong gia đình và môi trường văn hoá chung và chính thức trong tổ chức giáo dục phức tạp của xã hội. Nó có các thiết chế phụ thuộc như chế độ thi cử, bằng cấp, học hàm, học vị… Thiết chế giáo dục có các chức năng cơ bản như: + Chuẩn bị và cung cấp cho cá nhân những học vấn tri, thức cơ bản và nghề nghiệp xã hội. + Truyền bá và chuyển giao di sản văn hoá qua các thế hệ. + Giúp cho mỗi cá nhân làm quen, tiếp nhận các vai trò và đảm nhiệm các vai trò đó cho phù hợp với sự mong đợi của xã hội. + Tham gia kiểm soát và điều chỉnh hành vi cá nhân cũng như các quan hệ xã hội. Ở nước ta hiện nay, khi nói nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phổ cập giáo dục, xã hội hoá giáo dục… chính là đang thực hiện thiết chế này. - Thiết chế kinh tế Là những khuôn mẫu, chuẩn mực được tiêu chuẩn hoá và nhờ đó mà xã hội được cung cấp đầy đủ về vật chất và các loại hình dịch vụ. Nó bao gồm sự sản xuất, kinh doanh, trao đổi và tiêu thụ sản phẩm, nhằm đảm bảo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của xã hội được duy trì và phát triển. Trong thiết chế kinh tế có rất nhiều thiết chế phụ thuộc như tín dụng, ngân hàng, quảng cáo sản phẩm. Chức năng chủ yếu của thiết chế kinh tế là: + Đảm bảo cho quá trình sản xuất, trao đổi hàng hoá và dịch vụ. + Đảm bảo cho việc phân phối sản phẩm hàng hoá và dịch vụ.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 1 - ThS. Đặng Xuân Quý (ĐH Thái Nguyên)
72 p | 503 | 132
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 1 - Lê Thanh Liêm
54 p | 602 | 100
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 2 - ThS. Đặng Xuân Quý (ĐH Thái Nguyên)
61 p | 257 | 79
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 2 - Lê Thanh Liêm
116 p | 294 | 62
-
Giáo trình Xã hội học đại cương - TS. Võ Văn Việt
180 p | 357 | 61
-
Giáo trình Xã hội học đại cương - Phần 1
90 p | 149 | 31
-
Giáo trình Xã hội học đại cương - Phần 2
150 p | 169 | 30
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 1 - NXB ĐHQG Hà Nội
81 p | 64 | 19
-
Giáo trình Xã hội học đại cương - TS. Tạ Minh
89 p | 120 | 18
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 2 - NXB ĐHQG Hà Nội
105 p | 46 | 18
-
Giáo trình Xã hội học đại cương
186 p | 29 | 12
-
Giáo trình Xã hội học đại cương – ThS. Kiều Văn Đạt
67 p | 49 | 10
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 2 - NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
74 p | 27 | 9
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 1 - NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
64 p | 24 | 9
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 2 - Võ Tá Tri, Vũ Văn Hùng (Đồng chủ biên)
69 p | 38 | 9
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 1 - Võ Tá Tri, Vũ Văn Hùng (Đồng chủ biên)
94 p | 53 | 9
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 1 - Nguyễn Thanh Huyền
61 p | 17 | 4
-
Giáo trình Xã hội học đại cương: Phần 2 - Nguyễn Thanh Huyền
58 p | 10 | 4
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn