Đề bài: Hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ Sáng tháng năm của Tố Hữu<br />
<br />
Bài làm<br />
<br />
"Sáng tháng năm" là bài thơ thứ hai của Tố Hữu viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bài thơ <br />
được viết tại chiến khu Việt Bắc, vào tháng 5 năm 1951, khi cuộc kháng chiến của nhân <br />
dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra vô cùng ác liệt. Tố Hữu là nhà thơ viết <br />
sớm nhất, nhiều nhất và hay nhất về Bác Hồ. Tháng 8 năm 1945 ông đã viết bài thơ "Hồ <br />
Chí Minh" với cảm hứng sử thi hào hùng:<br />
<br />
... "Hồ Chí Minh,<br />
<br />
Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng<br />
<br />
Trên đầu ta ngọn cờ dân tộc<br />
<br />
Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc<br />
<br />
Bạn muôn đời của thế giới đau thương!".<br />
<br />
Bài "Sáng tháng Năm" là sự tiếp nối của những vần thơ trữ tình đẹp nhất nói về lãnh tụ. <br />
Hình ảnh Bác Hồ vừa cao cả vĩ đại, vừa gần gũi thân thương với mọi con người Việt <br />
Nam.<br />
<br />
Mở đầu bài thơ, tác giả nhắc lại một kỉ niệm đẹp:<br />
<br />
"Vui sao một sáng tháng năm,<br />
<br />
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ".<br />
<br />
Và kết thúc bài thơ là cái "bắt tay" của lãnh tụ đưa tiễn:<br />
<br />
"Bắt tay Bác tiễn ra về,<br />
<br />
Nhớ hoài buổi sáng mùa hè chiến khu."<br />
Đến thì "vui sao", về thì "nhớ hoài", biết bao bồi hồi xúc động. Nhà thơ vui sướng tự hào <br />
có bao giờ có thể quên cuộc viếng thăm kì diệu ấy.<br />
<br />
Như một vầng sáng lung linh bao trùm bài thơ là hình ảnh lãnh tụ kì vĩ tuyệt đẹp:<br />
<br />
"Bác ngồi đó lớn mênh mông,<br />
<br />
Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non".<br />
<br />
Bốn hình ảnh ẩn dụ liên kết trong một vần thơ. Bác là hồn nước thiêng liêng, là biển trời, <br />
sông núi, quê hương yêu dấu. Hình ảnh Bác được thể hiện vừa cao cả vừa thân thương <br />
đối với triệu triệu con người Việt Nam.<br />
<br />
Hình ảnh Bác được nhận diện về ngoại hình và chiều sâu tâm hồn, với mái tóc và chòm <br />
râu bạc phơ, hiền hậu như mọi cụ già làng quê. Cái hay của bài thơ là Tố Hữu đã biểu lộ <br />
cảm xúc trực tiếp đối với Bác bằng một tình yêu rộng lớn, sâu sắc:<br />
<br />
"Cho con được ôm hôn má Bác<br />
<br />
Cho con hôn mái đầu tóc bạc.<br />
<br />
Hôn chòm râu mát rượi hòa bình".<br />
<br />
"Ôm hôn má Bác", "Hôn mái đầu tóc bạc", "Hôn chòm râu mát rượi hòa bình" là ba hình <br />
ảnh gợi cảm. Chữ "hôn" được lấy lại ba lần biểu lộ một tấm lòng yêu kính, tự hào đối <br />
với lãnh tụ. "Chòm râu mát rượi hòa bình" là một nét chạm khắc thần tình: vẻ đẹp phúc <br />
hậu của một cụ già gắn liền với vẻ đẹp lí tưởng của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại <br />
suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cơm áo, hạnh phúc và hòa bình cho nhân <br />
dân.<br />
<br />
Bác là niềm tin yêu ngời sáng cho quân và dân ta trong kháng chiến. Người chiến sĩ xung <br />
kích "nửa đêm bôn tập diệt đồn", anh thợ "má anh vàng thuốc pháo", chị dân công "mòn <br />
đêm vận tải", bác nông dân "bắt sỏi đá phải thành sắn gạo", các em học sinh "đốt đuốc <br />
đến trường làng",... tất cả đều hướng về Bác với tấm lòng biết ơn và tin tưởng mãnh <br />
liệt. Ba tiếng "Hồ Chí Minh" mỗi lần vang lên đều đem đến cho nhân dân ta sức mạnh <br />
động viên kì diệu để tiến lên giành thắng lợi mới. Giọng thơ trở nên tâm tình thiết tha:<br />
<br />
"Các anh chị, các em ơi có phải<br />
<br />
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh<br />
<br />
Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!".<br />
<br />
Tiếng nói của Bác, tư tưởng tình cảm của Bác thể hiện sâu sắc cho ý chí, cho nguyện <br />
vọng của đất nước và dân tộc. "Tuyên ngôn Độc lập", "Lời kêu gọi toàn quốc kháng <br />
chiến",... là "lời non nước" thiêng liêng:<br />
<br />
"Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước,<br />
<br />
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau".<br />
<br />
Bác Hồ là lãnh tụ của nhân dân, hội tụ bao phẩm chất cao quý của dân tộc. Bác sống giản <br />
dị như mọi cụ già quê ta:<br />
<br />
"Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị<br />
<br />
Màu quê hương bền bỉ đậm đà".<br />
<br />
Bác là hiện thân cho sự thông minh, tài trí xuất chúng, là phong thái ung dung, hồn nhiên, <br />
tự tại:<br />
<br />
"Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút<br />
<br />
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời".<br />
<br />
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều chính khách, nghệ sĩ <br />
nước ngoài đã nói và viết về cặp mắt tinh anh, sáng ngời đặc biệt của lãnh tụ Hồ Chí <br />
Minh. Trong bài thơ này, ba lần Tố Hữu nói đến đôi mắt Bác. Đôi mắt của niềm vui, đôi <br />
mắt của tình thương, đôi mắt lạc quan yêu đời. Hình ảnh "đôi mắt Bác" được miêu tả rất <br />
đẹp, đầy ấn tượng:<br />
"Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi...,<br />
<br />
Ôi người Cha, đôi mắt mẹ hiền sao...,<br />
<br />
Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười...".<br />
<br />
Chòm râu, mái tóc bạc, chiếc áo nâu, vầng trán, đôi mắt, cây chì đỏ..., là những hình ảnh <br />
hoán dụ được nhà thơ sử dụng rất sáng tạo, đem đến vẻ đẹp văn chương cho bài thơ, tô <br />
đậm hình ảnh Bác Hồ trong những năm kháng chiến ở Việt Bắc.<br />
<br />
Tố Hữu đã có nhiều bài thơ viết về Bác Hồ. Mỗi bài thơ là một sự phát hiện, một sáng <br />
tạo mới về người anh hùng giải phóng dân tộc tượng trưng cho tinh hoa và khí phách của <br />
nhân dân Việt Nam.<br />
<br />
Sự tài trí và hiền hậu là hai nét vẽ sâu sắc nhất của Tố Hữu khi phác họa chân dung Hồ <br />
Chí Minh trong bài thơ "Sáng tháng năm". Với tài trí lỗi lạc, Bác nhất định sẽ đưa con <br />
thuyền kháng chiến vượt qua phong ba bão táp để đi tới bến bờ vinh quang thắng lợi. Với <br />
đức tính hiền hậu, Bác đem đến cho mỗi con người Việt Nam một tình thương bao la:<br />
<br />
"Người là Cha, là Bác, là Anh<br />
<br />
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ".<br />
<br />
Bác vĩ đại mà gần gũi thân thiết với nhân dân: "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người". Đọc <br />
bài thơ "Sáng tháng năm, chúng ta càng nhớ Bác và yêu kính Bác: Ai cũng cảm thấy mình <br />
trưởng thành thêm một chút" bên hình ảnh vĩ đại của lãnh tụ: .<br />
<br />
"Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta<br />
<br />
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút".<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
<br />