intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hoàn thiện quy định pháp luật về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

20
lượt xem
11
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Hoàn thiện quy định pháp luật về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử phân tích thực trạng quy định của pháp luật về logistics trong bối cảnh chuyển đổi số. Từ đó đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hoàn thiện quy định pháp luật về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử

  1. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 409 HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ DỊCH VỤ LOGISTICS TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Th.S Châu Thị Ngọc Tuyết Khoa Luật, Đại học Duy Tân Email: chautngoctuyet@dtu.edu.vn Th.S Trương Thị Hồng Nhung Khoa Luật & Sư phạm, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng Email: tthnhung@kontum.udn.vn Tóm tắt: Logistics là một ngành kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, tham gia ngày càng sâu rộng vào mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, đồng thời là mắt xích quan trọng trong việc hoàn tất quy trình đơn hàng thương mại điện tử. Trong bối cảnh đó, logistics trong thương mại điện tử đã ra đời và nhanh chóng lan rộng trên thế giới. Bài viết phân tích thực trạng quy định của pháp luật về logistics trong bối cảnh chuyển đổi số. Từ đó đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này. Từ khóa: Logistics, e-logistics, thương mại điện tử. COMPLETING THE LEGAL PROVISIONS ON LOGISTICS SERVICES IN E-COMMERCE Abstract: Logistics is not only a rapidly expanding economic sector that is becoming more and more involved in all socio-economic aspects but also a crucial step in completing the e-commerce order process. In that setting, e-commerce logistics emerged and spread quickly throughout the world. This article analyzes the current situation of legal regulations on logistics in the context of digital transformation. This is the basis for proposing solutions to the completion of legal regulations on this issue. Keywords: Logistics, e-logistics, e-commerce. 1. Đặt vấn đề Trong những năm gần đây, mô hình kinh doanh trên toàn cầu thay đổi đáng kể với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong thời gian tới. Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2019 của Google và Temasek, tốc độ tăng trưởng hàng năm kép
  2. 410 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 (Compound Average Growth Rate - CAGR) của giai đoạn 2015 - 2025 là 49%, và quy mô thị trường dự kiến đạt 23 tỷ USD vào năm 2025. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành nước có quy mô TMĐT lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia (82 tỷ USD) (Hồ Công Duy, 2022). Sự bùng nổ của các giao dịch thương mại điện tử đã thúc đẩy cho sự đổi mới tiên phong trong dịch vụ logistics - khâu kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Do đó, để bắt kịp với xu thế phát triển của logistics trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0 và tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển, nhà nước cần đưa ra chính sách pháp luật rõ ràng, phù hợp đối với dịch vụ logistics. Tuy nhiên, quy đinh của pháp luật Việt Nam hiện nay về dịch vụ logistics còn một số bất cập như chưa xác định rõ ràng về dịch vụ logistics, có quá nhiều văn bản điều chỉnh loại hình dịch vụ này và chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh vấn đề pháp lý liên quan đến dịch vụ logistics trong thương mại điện tử. Từ những lý do nêu trên, nhóm tác giả nhận thấy việc nghiên cứu vấn đề hoàn thiện pháp luật về dịch vụ logistics trong bối cảnh chuyển đổi số là cần thiết. 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan nghiên cứu Qua quá trình tìm hiểu nhóm tác giả nhận thấy đã có một số công trình nghiên cứu về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử, tuy không nhiều nhưng cũng đề cập và nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể như sau: - Nguyễn Thị Bình và Trịnh Thị Thu Hương, “Phát triển thương mại điện tử: Cơ hội và thách thức cho ngành dịch vụ logistics”, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 134 (2021); Đỗ Đình Nam, Đỗ Văn Dũng và Trương Thị Thanh Loan, “Doanh nghiệp E-logistics ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Công thương, số 22 (2021); Nguyễn Xuân Quyết, Trần Thị Ngọc Lan, “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ hậu cần điện tử (E-logistics) tại Tp. Hồ Chí Minh”, Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm, số 19 (2019); Võ Thị Thanh Linh, Nguyễn Thị Thu Hoài, “Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về dịch vụ logistics”, Tạp chí Công Thương, số 12 (2019); Tạ Thị Thùy Trang, “Pháp luật về dịch vụ logistics trong hoạt động thương mại điện tử”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 17 (2018). Những công trình trên đã nghiên cứu một cách khái quát về dịch vụ logistics trong hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên đa phần chỉ nghiên cứu về khía cạnh kinh tế nhưng chưa nghiên cứu về khía cạnh chính sách pháp lý. Chỉ có bài nghiên cứu của tác giả Tạ Thị Thùy Trang đã đề cập đến vấn đền pháp lý về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử. 2.2. Cơ sở lý thuyết a) Khái niệm dịch vụ logistics Hiện nay, logistics được biết đến với những khái niệm chủ yếu như: Hội đồng quản trị logistics Hoa Kỳ (The Council of Logistics Management) năm 1991 đã đưa ra định nghĩa như sau: “Logisitics là quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và
  3. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 411 kiểm soát một cách có hiệu quả về mặt chi phí của quá trình lưu chuyển và dự trữ nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm cùng những thông tin liên quan từ điểm xuất phát của quá trình sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng nhằm mục đích thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng”. Định nghĩa này đưa ra một cái nhìn tổng thể về hoạt động logistics trong quá trình kinh doanh, từ việc lên kế hoạch, tổ chức, thực hiện đến việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, định nghĩa này còn đề cao vai trò của khách hàng xuyên suốt trong quá trình vận hành, hướng đến mục đích duy nhất là đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo tài liệu giảng dạy của World Maritime University 1999, logistics dưới góc nhìn của quản trị chuỗi cung ứng được định nghĩa như sau: “Logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí, lưu trữ và chu chuyển các tài nguyên / yếu tố đầu vào từ điểm xuất phát đầu tiên là nhà cung cấp, qua nhà sản xuất, người bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng cuối cùng thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế”. Định nghĩa này cho thấy đối tượng tác động của logistics không phải là hàng hóa mà logistics chỉ thực hiện việc chu chuyển hàng hóa từ khi còn là yếu tố đầu vào cho đến khi trở thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Theo Martin Christopher (UK) (1986,52) “Logistics là quá trình quản trị chiến lược thu mua, di chuyển và dự trữ nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm (và dòng thông tin tương ứng) trong một công ty và qua các kênh phân phối của công ty để tối đa hóa lợi nhuận hiện tại và tương lai thông qua việc hoàn tất các đơn hàng với chi phí thấp nhất”. Quan điểm này cho rằng logistics chính là quá trình quản trị chiến lược từ khâu chuẩn bị nguyên vât liệu để sản xuất đến việc phân phối sản phẩm nhằm tối ưu hóa lợi nhuận và hoàn tất các đơn hàng với chi phí thấp nhất. Tại Việt Nam, theo tác giả Đoàn Thị Hồng Vân (2010, 31) đã đưa ra quan điểm về dịch vụ logistics như sau: “Logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí và thời điểm vận chuyển và dự trữ nguồn tài nguyên từ điểm đầu tiên của dây chuyền cung ứng đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế”. Quan điểm này đã nhấn mạnh mục đích của hoạt động logistics là chu chuyển các yếu tố đầu vào và các yếu tố đầu ra từ nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng một cách hiệu quả nhất. Trong Luật Thương mại 2005, khái niệm về dịch vụ logistics được quy định như sau “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Từ khái niệm cho thấy, logistics không phải là một dịch vụ đơn lẻ. Logistics luôn là một chuỗi các dịch vụ liên quan đến hàng hóa như: làm các thủ tục giấy tờ, tổ chức vận tải, bao bì đóng gói, ghi nhãn hiệu, lưu kho, lưu bãi, phân phát hàng hóa (nguyên liệu hay thành phẩm) tới các địa chỉ khác nhau do bên cung cấp dịch vụ thực hiện theo yêu cầu của bên sử dụng dịch vụ và được nhận thù lao. Chính vì vậy, khi nói tới logistics người ta bao giờ cũng nói tới một chuỗi hệ thống dịch vụ (logistics system chain). b) Đặc điểm của dịch vụ logistics Dịch vụ logistics là một ngành dịch vụ đặc thù nên dịch vụ logistics có một đặc điểm riêng biệt so với các hoạt động thương mại khác như sau: Chủ thể của dịch vụ logistics bao gồm chủ thể cung ứng dịch vụ logistics và khách
  4. 412 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 hàng. Chủ thể cung ứng dịch vụ logistics và khách hàng thiết lập mối quan hệ thông qua hợp đồng dịch vụ logistics. Cụ thể, khách hàng là bên sử dụng dịch vụ logistics, thanh toán thù lao cho bên cung ứng dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ là bên thực hiện công việc đối với hàng hóa theo mong muốn, chỉ dẫn của khách hàng để hưởng thù lao. Nội dung của dịch vụ logistics bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau liên quan đến sự dịch chuyển hàng hóa và kiểm soát hàng hóa từ nơi sản xuất đến điểm tiêu thụ cuối cùng. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics bao gồm “dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay; dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa; dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan...” theo Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 12 năm 2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics. Dịch vụ logistics có tính rủi ro cao. Dịch vụ logistics bao gồm những hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải hoặc hỗ trợ hoạt động vận tải. Có thể nhận thấy đối tượng của dịch vụ logistics không phải là hàng hóa, mà là những công việc liên quan trực tiếp đến hàng hóa. Dịch vụ logistics, đặc biệt là dịch vụ vận tải chịu rủi ro rất lớn từ các yếu tố khách quan và đặc biệt là chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thiên nhiên như bão, sóng lớn, biển động và tai nạn như mắc cạn, chìm đắm, cháy nổ hay đâm va. Dịch vụ logistics là hoạt động cung ứng những công việc liên quan đến hàng hóa, không tác động đến số lượng, chất lượng của hàng hóa. Bản chất của dịch vụ logistics chính là loại hình dịch vụ được thực hiện với rất nhiều công đoạn khác nhau từ nhận hàng, vận chuyển hàng hóa, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, đóng gói, ghi ký mã hiệu,... Đặc thù của dịch vụ logistics là người làm dịch vụ có nghĩa vụ quản lý toàn bộ hàng hóa do khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền giao. Công việc mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thực hiện cho khách không trực tiếp tác động đến hàng hóa, không làm gia tăng giá trị của hàng hóa một cách trực tiếp. 2.3. Phương pháp nghiên cứu Nhóm tác giả sử dụng phương pháp phân tích, bình luận và phương pháp tổng hợp để phân tích một cách tổng quan những vấn đề pháp lý liên quan đến dịch vụ logistics nói chung và dịch vụ logistics trong thương mại điện tử nói riêng và quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó tổng hợp những bất cập của luật thực định và hướng kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về dịch vụ logistics trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. 3. Thực trạng quy định pháp luật về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử Ngành dịch vụ logistics Việt Nam hình thành và phát triển từ những năm 70 của thế kỷ 20 trên cơ sở phát triển của dịch vụ giao nhận vận tải (freight forwarding). Mặc dù, tại Việt Nam ngành dịch vụ này phát triển khá muộn so với dịch vụ logistics của thế giới, nhưng lại phát triển rất nhanh và vững chắc, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, khi mà thương mại điện tử phát triển bùng nổ. Dây chuyền thương mại từ người bán đến người mua với quy trình hoàn tất đơn hàng bao gồm các khâu đóng gói, vận chuyển, thu tiền và thậm chí chăm sóc khách hàng sau bán hàng thể hiện vai trò và mối quan hệ liên kết chặt chẽ tương trợ đắc lực cho nhau giữa dịch vụ logistics và thương mại điện tử. . Nhằm quản lý hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển, pháp luật Việt Nam có nhiều quy định điều chỉnh hoạt động này như: Luật Thương mại
  5. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 413 2005, Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, Nghị định số 144/2018/NĐ-CP về vận tải đa phương thức... Tuy nhiên qua nghiên cứu thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam về logistics, nhóm tác giả nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại và tạo nên bất cập cho việc áp dụng quy định pháp luật về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử như sau: Thứ nhất, khái niệm dịch vụ logistics trong Luật Thương mại 2005 chưa thể hiện rõ bản chất “chuỗi” của dịch vụ logistics và quy định pháp luật hiện nay chưa đưa ra khái niệm cụ thể về e-logistics. Dịch vụ logistics là dịch vụ mang tính hỗ trợ cho các hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động mua bán hàng hóa. Logistics là một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế hàng hóa, góp phần đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, tham gia vào quá trình điều phối dòng chảy hàng hóa một cách hiệu quả. Như đã phân tích ở phần đặc điểm của dịch vụ logistics, đây là loại hình dịch vụ mang bản chất “chuỗi”. Vì dịch vụ logistics bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau liên quan đến sự dịch chuyển hàng hóa và kiểm soát hàng hóa từ nơi sản xuất đến điểm tiêu thụ cuối cùng. Vì vậy, bản chất của logistics là một chuỗi các dịch vụ liên hoàn chứ không phải là từng dịch vụ đơn lẻ. Do đó, theo quy định hiện hành của Luật Thương mại 2005: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc...”, thì kể cả những thương nhân chỉ cung cấp một dịch vụ trong chuỗi logistics cũng được pháp luật công nhận là thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Quy định như vậy chưa phù hợp với tính chất bao gồm nhiều dịch vụ của logistics. Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ của các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ logistics trong thương mại điện tử (e-logistics) cũng được hình thành và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu TMĐT đã có các quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh và gần như tách bạch với các hoạt động thương mại thông thường, thì logistics truyền thống và e-logistics vẫn chưa có sự phân biệt bằng các khái niệm pháp lý cũng như quy định pháp luật. Các quy định hiện hành chỉ điều chỉnh hoạt động logistics truyền thống. Ngoài ra, đặc thù của các giao dịch thương mại điện tử là có độ phủ thị trường rộng, độ phân tán hàng hóa cao, quy mô nhỏ lẻ, tần suất mua lớn, mặt hàng đa dạng, thường yêu cầu thời gian giao hàng nhanh chóng, miễn phí và thu tiền tận nơi. Các dòng di chuyển hàng hóa lúc này mở rộng đáng kể về phạm vi, khoảng cách, tính phức tạp, nên e-logistics có những khác biệt rất lớn với logistics truyền thống. Dịch vụ logistics truyền thống đòi hỏi phải có sự xuất hiện của các chứng từ văn bản cụ thể. Tuy nhiên, trong giao dịch thương mại điện tử, e-logistics gắn liền với giao dịch đó tạo thành một chuỗi khép kín để thực hiện các thao tác đặt hàng, lệnh vận chuyển thông qua phương tiện điện tử, với sự xuất hiện các chứng từ điện tử, hợp đồng vận chuyển được xác lập bằng phương thức điện tử... Ngoài ra, trong Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã ghi nhận tại khoản 6 Điều 1 bổ sung các thương nhân, tổ chức dịch vụ logistics vào danh sách các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, quy định pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm dịch vụ logistics trong thương mại điện tử (e-logistics). Thứ hai, việc phân loại các hoạt động logistics hiện nay đã được quy định cụ thể trong Nghị định 163/2017/NĐ-CP bằng cách liệt kê các dịch dụ logistics được cung cấp bao gồm các dịch vụ chuyển phát, các loại hình vận tải, xếp dỡ container, kho bãi container,... Khi quy định của phát luật liệt kê những dịch vụ đơn lẻ như thế này có thể gây ra cách hiểu nhầm lẫn là khi các chủ thể kinh doanh cung ứng dịch vụ này cũng được xem là thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Ví dụ như thương nhân kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container cũng
  6. 414 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 được xem là thương nhân đó đang kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc xác định như thế này không phù hợp với bản chất chuỗi hoạt động của dịch vụ logistics. Quy định này vừa gây ra sự nhầm lẫn và dường như không cần thiết để điều chỉnh bởi vì trong khái niệm dịch vụ logistics tại Điều 233 LTM 2005 đã liệt kê ra các hoạt động nằm trong chuỗi dịch vụ logistics đó là “nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Cho nên quy định về phân loại dịch vụ logistics tại Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP mặc dù quy định rõ Điều 233 LTM 2005 nhưng lại có thể gây ra sự nhập nhằng trong việc phân biệt dịch vụ logistics với các dịch vụ đơn lẻ thông thường như vận tải, chuyển phát, kho bãi,... Thứ ba, về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Hiện nay, hệ thống pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics ngoài quy định của Luật Thương mại 2005 còn có quy định của các luật chuyên ngành của từng dịch vụ đơn lẻ trong chuỗi dịch vụ logistics như Bộ luật Hàng hải, Luật Đường sắt, Luật Bưu chính,... Vì thực trạng hiện nay có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics nên dịch vụ logistics chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau. Điều này gây ra khó khăn trong việc xác định trách nhiệm và giới hạn quản lý giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý dịch vụ logistics. Ngoài ra, chủ thể đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics ngoài việc đáp ứng điều kiện của Luật Thương mại, còn phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh của từng dịch vụ đơn lẻ nếu đó là các dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Ví dụ: thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cung cấp dịch vụ vận tải đường biển, chuyển phát thì chủ thể phải đáp ứng được điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển theo Bộ luật Hàng hải và điều kiện kinh doanh dịch vụ chuyển phát theo Luật Bưu chính. Mỗi dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics tương ứng với một ngành, nghề kinh doanh và được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành với cơ quan có thẩm quyền quản lý riêng biệt. Do đó, việc dịch vụ logistics chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản chuyên ngành khác nhau thực sự chưa hợp lý vì vừa không phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, vừa gây ra sự phức tạp và làm tăng chi phí của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục pháp lý. 4. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử và kết luận Trong bối cảnh chuyển đổi số, pháp luật về dịch vụ logistics có tác động sâu sắc đến hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Logistics là nền tảng vững chắc cho sự phát triển và khẳng định giá trị của thương mại điện tử. Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử là vô cùng cần thiết. Trên cơ sở thực trạng đã phân tích tại mục 3, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị sau: Thứ nhất, cần sửa đổi khái niệm dịch vụ logistics. Cụ thể, thay thế cụm từ “một hoặc nhiều công việc” bằng cụm từ “một số hoặc tất cả các công việc” trong khái niệm dịch vụ logistics tại Điều 233 LTM 2005. Vì bản chất dịch vụ logistics là chuỗi các dịch vụ. Cho nên, để trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics, thương nhân phải cung cấp ít nhất hai dịch vụ trong chuỗi logistics trở lên, họ có thể vừa cung cấp dịch vụ vận tải, vừa cung cấp dịch vụ kho bãi, hoặc thêm dịch vụ thông quan, dịch vụ môi giới hàng hải, bao trùm mọi hoạt động của dịch vụ logistics và trở thành một thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đúng nghĩa.
  7. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 415 Mục đích của sửa đổi là nhằm quy định rõ logistics phải là một chuỗi hoạt động chứ không phải từng hoạt động đơn lẻ, từ đó, giúp phân biệt đối tượng thuộc sự điều chỉnh của pháp luật về logistics. Những thương nhân nào cung cấp từ hai dịch vụ trở lên sẽ thuộc sự điều chỉnh của pháp luật về dịch vụ logistics. Còn những thương nhân chỉ cũng cấp một loại dịch vụ, chẳng hạn như vận tải biển, thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015. Cách quy định hiện hành có thể gây nhầm lẫn như thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics liên quan tới vận tải biển và thương nhân cung cấp dịch vụ vận tải biển. Bên cạnh đó, pháp luật nên bổ sung thêm quy định về khái niệm dịch vụ e-logistics. Trong nền kinh tế hiện nay, sự phát triển của các giao dịch thương mại điện tử đã kéo theo sự phát triển vượt bậc của dịch vụ e-logistics. Tuy nhiên, như đã phân tích ở mục 3, hiện nay pháp luật chưa có quy định về khái niệm e-logistics. Nhằm mục đích phân biệt dịch vụ logistics truyền thống và dịch vụ e-logistics, nhóm tác giả kiến nghị nên đưa thêm quy định về khái niệm e-logistics vào Nghị định quy định về dịch vụ logistics. E-logisitcs chính là dịch vụ logistics trong thương mại điện tử, có nghĩa đây là sự kết hợp giữa hình thức logistics truyền thống với các phương tiện điện tử để nhằm tối ưu hóa các hoạt động liên quan đến hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ trong các giao dịch thương mại điện tử. Theo Bayles (2002) e-logistics là các hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics được thực hiện thông qua internet. Dựa trên quan điểm này có thể hiểu mục tiêu của e-logistics là tự động hóa các quy trình logistics, cung cấp dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng và thực hiện tích hợp từ đầu đến cuối cho tất cả các quy trình này. Thứ hai, bãi bỏ quy định về phân loại dịch vụ logistics tại Điều 3 Nghị định 163/2017/ NĐ-CP. Để tránh nhầm lẫn trong việc xác định các dịch vụ đơn lẻ thông thường như vận tải, chuyển phát, kho bãi,... so với dịch vụ logistics, tác giả kiến nghị nên bỏ quy định phân loại dịch vụ logistics bằng cách liệt kê các dịch vụ đơn lẻ trong quy định tại Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP. Bởi vì, trong khái niệm dịch vụ logistics trong Điều 233 LTM 2005 đã liệt kê những dịch vụ này chính là những dịch vụ nằm trong chuỗi dịch vụ logistics nên quy định phân loại dịch vụ tại Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP là không cần thiết. Thứ ba, cần giảm bớt các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ logistics. Mặc dù, những dịch vụ đơn lẻ trong chuỗi dịch vụ logistics được quy định ở nhiều văn bản chuyên ngành khác nhau nhưng nhà nước cần có các chính sách tinh giảm thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng để kích thích các chủ thể đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh ngành nghề dịch vụ logistics. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét và giảm thiểu các điều kiện “con” mà doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics cần tuân thủ trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh, theo hướng sáp nhập các điều kiện này thành một điều kiện duy nhất và doanh nghiệp cần phải thỏa mãn điều kiện này trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Nên quy định về dịch vụ logistics trong thương mại điện tử trong Nghị định về logistics (cụ thể về khái niệm, điều kiện kinh doanh,...) Qua bài viết, nhóm tác giả đã tập trung phân tích thực trạng quy định pháp luật về dịch vụ logistics. Từ đó, nhóm tác giả nhận thấy quy định pháp luật về dịch vụ logistics cần có những điều chỉnh để phù hợp với nền kinh tế trong thời đại chuyển đổi số. Do đó, nhóm tác giả đã đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về việc sửa đổi quy định về khái niệm dịch vụ logistics, bổ sung thêm khái niệm e-logistics, bỏ quy định về phân
  8. 416 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 loại dịch vụ logistics và điều chỉnh quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh đối với dịch vụ logistics. Tài liệu tham khảo [1] Luật Thương mại (Luật số 36/2005/QH11) ngày 14 tháng 06 năm 2005; [2] Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 12 năm 2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics; [3] Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 2013 quy định về thương mại điện tử, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP; [4] Bayles, D.L. (2002), “E-logistics and E-fulfillment: beyond the “buy” button”, UNCTAD Workshop 25-27 June 2002, CURAÇAO; [5] Christopher, M. (1986), “Implementing Logistics Strategy”, International Journal of Physical Distribution & Materials Management, Vol. 16 No. 1, pp.52-62; [6] Đoàn Thị Hồng Vân (2010), Logistics những vấn đề cơ bản, Nxb. Lao động- Xã hội; [7] Hồ Công Duy (2022), “Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới”, Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022, tr.28-31; [8] Ma Shuo (1999), Logistics and Supply Chain Management, Tài liệu giảng dạy của World Maritime University; [9] Mỹ Phương (2022), Logistics Việt Nam định hình hướng đi mới bắt kịp xu hướng thế giới, TTX/ VietNam+.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2