intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hoàn thiện và phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện tại Trung tâm Học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu tài liệu, văn bản, phương pháp phân tích, tổng hợp số liệu để tiến hành tìm hiểu, đánh giá về hiện trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống sản phẩm và dịch vụ TT-TV tại Trung tâm Học liệu với điểm mạnh, điểm yếu từ đó đưa ra một số kiến nghị, giải pháp phù hợp giúp hoàn thiện các sản phẩm và dịch vụ TT-TV hiện tại và phát triển hệ thống sản phẩm và dịch vụ TTTV mới góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Học liệu.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hoàn thiện và phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện tại Trung tâm Học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một

  1. HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ THÔNG TIN – THƯ VIỆN TẠI TRUNG TÂM HỌC LIỆU TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT Trần Đức Tịnh 1 1. Trung tâm Học liệu, Trường Đại học Thủ Dầu Một. TÓM TẮT Trung tâm Học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một (TTHL) là loại hình thư viện đại học, có chức năng phục vụ, đáp ứng cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên. Việc tổ chức và phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện (SP&DV TT-TV) thành một khối thống nhất phục vụ cho công tác khai thác nguồn tài nguyên thông tin một cách hiệu quả là nhiệm vụ hết sức quan trọng sẽ góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Qua bài viết, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu tài liệu, văn bản, phương pháp phân tích, tổng hợp số liệu để tiến hành tìm hiểu, đánh giá về hiện trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống SP&DV TT-TV tại TTHL với điểm mạnh, điểm yếu từ đó đưa ra một số kiến nghị, giải pháp phù hợp giúp hoàn thiện các SP&DV TT-TV hiện tại và phát triển hệ thống SP&DV TT- TV mới góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHL. Từ khóa: Dịch vụ, Sản phẩm, Thông tin – thư viện. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong hoạt động của thư viện, hệ thống SP&DV TT-TV đóng một vai trò quan trọng, đó chính là công cụ, phương tiện và là cầu nối giữa người dùng tin với nguồn lực thông tin, giúp họ truy cập, khai thác các nguồn tin một cách có hiệu quả. Vì vậy, chất lượng của hệ thống SP&DV TT-TV được coi là thước đo hiệu quả hoạt động thông tin, là yếu tố quan trọng để thư viện hoàn thành tốt các chức năng và nhiệm vụ của mình trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay. Trung tâm Học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một là một cơ quan thông tin – thư viện với nhiệm vụ đáp ứng và phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên của nhà trường. Để thực hiện nhiệm vụ trên, từ các nguồn lực ban đầu về tài nguyên thông tin, nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, TTHL cần xây dựng một hệ thống các SP&DV TT-TV chất lượng cao, phong phú, đa dạng và hiện đại, đồng thời thông qua các hoạt động nghiệp vụ sẽ triển khai tổ chức, khai thác SP&DV TT-TV một cách hiệu quả. Hiện nay, quá trình phát triển TTHL đã xây dựng được hệ thống các SP&DV TT-TV đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, tuy nhiên để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác khai thác nguồn tài nguyên thông tin, việc hoàn thiện và phát triển các SP&DV TT-TV là thực sự cần thiết. Thông qua việc tìm hiểu thực trạng công tác xây dựng, phát triển và khai thác các SP&DV TT-TV một cách tổng thể sẽ giúp TTHL có góc nhìn tổng thể về những điểm mạnh và hạn chế của hệ thống các SP&DV TT-TV hiện có, từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp phù hợp giúp hoàn thiện và phát triển hệ thống này một cách hiệu quả, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. 54
  2. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để thực hiện bài viết trên, tác giả sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tài liệu: để làm rõ các cơ sở lý luận về khái niệm và vai trò của SP&DV TT-TV; Phương pháp phân tích, tổng hợp số liệu: phân tích các số liệu báo cáo, các kết quả khảo sát (hằng năm TTHL tổ chức khảo sát nhu cầu thông tin vào cuối năm học), tổng hợp các số liệu để rút ra những nhận xét, đánh giá về các mặt tích cực và hạn chế của hoạt động khai thác nguồn TNTT thông qua hệ thống các SP&DV TT-TV. 2.1 Khái niệm và vai trò của sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện “Sản phẩm TT-TV là kết quả quá trình xử lý thông tin như phân loại, biên mục, định từ khóa, tóm tắt, chú giải, ... do một cá nhân hay tập thể nào đó thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dùng tin khi đến các cơ quan TT-TV” (Trần Mạnh Tuấn, 1998). Sản phẩm TT-TV phản ánh vốn tài liệu của thư viện, không những thế nó là công cụ để tìm kiếm thông tin trong nguồn tài nguyên thông tin đó. “Dịch vụ TT-TV được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin và trao đổi thông tin của người sử dụng đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin cơ quan TT-TV nói chung” (Trần Mạnh Tuấn, 1998). Đây là mục đích cao nhất mà tất cả các cơ quan thông tin, thư viện nói chung hướng đến. “SP&DVTT-TV là kết quả hoạt động chủ yếu của thư viện, đóng vai trò là cầu nối giữa người sử dụng thông tin với các “bộ sưu tập” của thư viện, hay rộng hơn là các nguồn hệ thống thông tin, nhằm đáp ứng các loại nhu cầu thông tin. Đối với người khai thác và sử dụng thư viện, sản phẩm dịch vụ thông tin đa dạng giúp họ có thể khai thác thuận lợi một thông tin nào đó mà không mất nhiều thời gian, công sức” (Phạm Thị Minh Nguyệt, Lương Thị Thanh Hương, 2017). SP&DVTT-TV là công cụ, phương tiện, phương thức khai thác đáp ứng nhu cầu thông tin của người sử dụng thông tin. Để thực hiện tốt chức năng cung cấp thông tin cho người người sử dụng, thư viện phải quản lý tốt nguồn tin của mình. Vì vậy, SP&DV TT-TV còn giúp các thư viện quản lý, kiểm soát tốt và cung cấp chúng một cách hiệu quả tới người sử dụng thông tin. Như vậy, SP&DV TTTV đóng vai trò là công cụ để cán bộ thư viện phổ biến, cung cấp thông tin đến người sử dụng thông tin. SP&DV TT-TV còn góp phần hỗ trợ các thư viện đặc biệt là các thư viện trường đại học, thư viện khoa học tăng cường nguồn thu. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ miễn phí, các thư viện còn cung cấp các dịch vụ mang có thu phí, qua đó hỗ trợ nguồn kinh phí hoạt động cho đơn vị, đây là xu hướng các thư viện được tổ chức hiện đại hướng đến. Tóm lại, SP&DV TT-TV là kết quả hoạt động nghiệp vụ của thư viện, cơ quan thông tin, việc nâng cao chất lượng SP&DV TT-TV là trực tiếp nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện/cơ quan thông tin nói chung và thư viện đại học nói riêng. 2.2 Khảo sát nhu cầu thông tin của người dùng tại Trung tâm Học liệu Việc khảo sát nhu cầu thông tin của người dùng tại TTHL được tiến hành hằng năm vào cuối năm học nhằm nắm bắt được đặc điểm, nguyện vọng cũng như tiếp nhận ý kiến đóng góp phản hồi từ người dùng tại TTHL. 55
  3. Nội dung khảo sát được bao quát từ mức độ sử dụng, mục đích sử dụng, mức độ đáp ứng nhu cầu, đánh giá chung về các yếu tố nguồn tài nguyên thông tin, cơ sở vật chất và cả hệ thống SP&DV TT-TV của người dùng tại TTHL. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ sử dụng các kết quả liên quan đến nhu cầu, mức độ sử dụng các SP&DV TT-TV hiện có và nguyện vọng sử dụng các SP&DV TT-TV mới, hiện đại phục vụ nhu cầu của người dùng mà TTHL dự kiến triển khai trong giai đoạn tới. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1 Hiện trạng sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện tại Trung tâm Học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một Danh mục tài liệu mới: Danh mục thông báo tài liệu mới được xây dựng theo từng đợt sách bổ sung vào Thư viện, bao gồm các yếu tố mô tả tài liệu: nhan đề, tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản, và số phân loại của tài liệu. Danh mục tài liệu mới góp phần giới thiệu nguồn tài nguyên mới được bổ sung vào Thư viện tới người sử dụng một cách kịp thời, trực quan và thường xuyên được cập nhật. Hiện danh mục tài liệu mới được TTHL cập nhật trên website thường xuyên nhưng không theo định kỳ mà thường sẽ được cập nhật sau những đợt bổ sung và biên mục tài liệu mới. Mục lục trực tuyến (OPAC – Online Public Access Catalog) Mục lục trực tuyến (MLTT) là hệ thống tập hợp các biểu ghi thư mục của tài liệu, được ghi lại, lưu trữ, tra cứu bằng máy tính và truy cập được qua mạng Internet. Hệ thống MLTT chứa đựng một khối lượng biểu ghi rất lớn và cho phép người dùng tin có thể truy cập nhanh vào các biểu ghi đó. Hiện MLTT OPAC được TTHL tích hợp sử dụng như một phân hệ của phần mềm Libol và website giúp người sử dụng dễ dàng truy cập phục vụ mục đích tra tìm cũng như thao tác gia hạn tài liệu. Với giao diện tra cứu thân thiện, MLTT cung cấp cho người sử dụng đầy đủ các yếu tố để có thể tìm kiếm tài liệu mình cần trong các CSDL thư mục, có các tiện ích cần thiết cho các nhu cầu của nguồi dùng như: tạo tài khoản cá nhân, xem danh mục tài liệu mới mà TTHL vừa bổ sung, cung cấp các trợ giúp tra cứu tìm kiếm từ đơn giản đến nâng cao, có thể tìm kiếm bằng nhiều điểm truy cập như nhan đề, tên tác giả, từ khóa, đề mục chủ đề, cho phép lựa chọn hình thức hiển thị biểu ghi đầy đủ (dạng thẻ Marc) hay rút gọn (dạng Catalogue Card), … Website của TTHL TTHL đã xây dựng cho mình website tại địa chỉ http://lrc.tdmu.edu.vn. Website có giao diện đơn giản, nội dung ngắn gọn, bố cục màu sắc hài hòa. Thanh công cụ của website thể hiện các mục giới thiệu về TTHL như: giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, các dịch vụ, danh mục tài liệu mới, hướng dẫn sử dụng, nguồn tài nguyên thông tin, tra cứu OPAC, thư viện số, các tin tức, thông báo và thông tin liên hệ với TTHL. Hiện tại, website của TTHL được đánh giá khá tốt về tính hiệu quả nhưng lượt truy cập sử dụng vẫn chưa thường xuyên, điều này thể hiện qua số lượt truy cập thông qua bộ đếm của 56
  4. website (15 – 20 lượt/ ngày). Có thể lý giải cho nguyên nhân này là do website chưa được biết đến nhiều, việc truy cập thường xuyên không hiển thị, mất kết nối đến máy chủ dẫn đến lượt truy cập bị gián đoạn. Hình 1: Giao diện website của TTHL Ngoài ra, nội dung về các SP&DV TT-TV và một số thông tin về hoạt động của TTHL còn tương đối sơ sài, chưa được cập nhật thường xuyên do chưa có cán bộ phụ trách riêng. Cơ sở dữ liệu (CSDL): bao gồm cơ sở dữ liệu thư mục và cơ sở dữ liệu toàn văn. Cơ sở dữ liệu thư mục: TTHL xây dựng và quản lý CSDL thư mục trên phần mềm thư viện tích hợp Libol 6.0 với hơn 26 ngàn biểu ghi, bao gồm sách giáo trình, tài liệu tham khảo, … Tất cả biểu ghi đều nhập liệu theo khổ mẫu MARC 21, được tổ chức thành các điểm truy cập theo nhan đề, từ khóa, chỉ số phân loại. CSDL thư mục của TTHL luôn được cập nhật thường xuyên nhờ các khâu xử lý tài liệu được tự động hóa sau khi xử lý nghiệp vụ. Tuy nhiên, CSDL thư mục vẫn còn một số hạn chế: Chất lượng các biểu ghi chưa cao, thiếu đồng bộ do công tác xử lý kỹ thuật tài liệu còn thiếu tính nhất quán về khổ mẫu, trường biên mục và CSDL thỉnh thoảng bị lỗi kết nối do hệ thống hạ tầng mạng, cũng như công tác bảo trì phần mềm chưa được quan tâm thường xuyên và chặt chẽ. CSDL toàn văn: Nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khai thác thông tin của người sử dụng cũng như thuận tiện trong việc quản lý và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin số, TTHL đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu toàn văn Học liệu số TDMU tại địa chỉ http://viewer.tdmu.edu.vn/. Hiện CSDL này đã cập nhật được 26.465 tài liệu số bao gồm tài liệu chuyên ngành (bản số hóa), tài liệu nội sinh, kết quả nghiên cứu khoa học và tài liệu nghe nhìn, ... được tổ chức theo chương trình đào tạo và bộ sưu tập tài liệu theo chủ đề. Để sử dụng CSDL toàn văn, người sử dụng cần dùng tài khoản được cung cấp khi đăng ký là thành viên của TTHL, để có thể truy cập tài liệu ở bất kỳ mọi nơi dưới dạng toàn văn 57
  5. thông qua thiết bị kết nối internet. Hiện website đang trong giai đoạn hoàn thiện chỉ mới phục vụ đọc tài liệu trực tuyến, chưa cho phép người dùng tải về. CSDL toàn văn được thu hút được sự quan tâm của người dùng vì tính tiện lợi (truy cập thông qua internet) và hiệu quả (nội dung sát chương trình đào tạo), tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: nhiều tài liệu ở dạng file hình ảnh (.pdf) chưa thực sự thuận tiện cho việc thao tác nội dung thông tin; một số tài chưa được xử lý kỹ thuật một cách thống nhất về định dạng, khổ mẫu, dung lượng file nên hiển thị chưa đồng đều, nhanh chóng; việc truy cập vào CSDL toàn văn bị vẫn còn chậm hiển thị, thường xuyên bị gián đoạn do hệ thống mạng, tình trạng lỗi file gây mất kiên nhẫn, hứng thú đối với người dùng. Hình 2: CSDL toàn văn Học liệu số TDMU Dịch vụ đọc tại chỗ Dịch vụ đọc tại chỗ của TTHL được bố trí phục vụ tại các phòng: Lưu hành 1&2, Luận văn – tạp chí, Tài liệu ngoại văn với kho tài liệu được tổ chức theo hình thức kho mở; Tài liệu là sách, luận văn, luận án, khóa luận tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học được sắp xếp theo môn loại, nội dung tài liệu; Tại đây tài liệu được quản lý bằng phần mềm quản trị thư viện Libol và xử lý, dán nhãn, mã vạch thuận tiện cho việc phục vụ tài liệu. Dịch vụ mượn tài liệu về nhà Dịch vụ mượn tài liệu về nhà cho phép sử dụng có thể mượn tài liệu về nhà sử dụng trong thời gian quy định của TTHL. Hiện khâu mượn trả tài liệu đã được đầu tư áp dụng hệ thống công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) – công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến và hệ thống mượn trả tự động giúp tiết kiệm được chi phí nhân công và rút ngắn thời gian cho quy trình phục vụ tài liệu. 58
  6. Theo phản hồi từ các cuộc khảo sát người sử dụng, TTHL đáp ứng khá cao nhu cầu sử dụng của bạn đọc: với kết quả “đáp ứng một phần – 51.36%”, “đáp ứng nhu cầu – 37.36%” cho đến “hoàn toàn đáp ứng – 6.59%”, chỉ 4,67% kết quả “chưa đáp ứng” (Trung tâm Học liệu, 2022), tuy nhiên nhiều ý kiến phản hồi về việc thời gian được mượn tài liệu còn ngắn (10 ngày), thời gian phục vụ cần được mở rộng thêm (các phòng chỉ phục vụ giờ hành chính, riêng phòng Lưu hành 1 phục vụ cả ngày thứ 7 và sáng chủ nhật). Dịch vụ tra cứu trực tuyến Dịch vụ tra cứu trực tuyến được bố trí tại phòng Phục vụ nghiên cứu khoa học (22 máy tính) phục vụ miễn phí nhu cầu sử dụng máy tính, khai thác thông tin từ các nguồn sẵn có tại TTHL và trên Internet với thời gian truy cập 60 phút/buổi. Người sử dụng khi có nhu cầu sử dụng cần đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu để được mở quyền truy cập và hệ thống sẽ tự động khóa tài khoản khi hết phiên sử dụng. Số lượng sinh viên sử dụng dịch vụ này thời gian gần đây có xu hướng giảm, (từ 5 – 10 lượt sử dụng/ngày) và được đánh giá ít hiệu quả chiếm tỉ lệ cao được cho là từ nguyên nhân khách quan khi người sử dụng tự trang bị máy tính cá nhân, thiết bị truy cập mạng internet bằng mạng không dây ngày càng phát triển về số lượng và hiện đại, thuận tiện hơn trong việc sử dụng nhưng một phần là do hệ thống máy tính tra cứu được trang bị tại các phòng phục vụ đã cũ (từ năm 2015) thường xuyên hư hỏng và mất kết nối. Dịch vụ in ấn, sao chụp tài liệu Dịch vụ cung cấp bản sao tài liệu là hình thức cung cấp tài liệu khá phổ biến của thư viện đại học. Hình thức này cho phép người sử dụng không có nhiều thời gian sử dụng tài liệu trong thư viện có thể nhận được bản sao toàn bộ tài liệu hoặc một phần tài liệu mình cần một cách nhanh chóng, tiện lợi. Hiện TTHL cung cấp dịch vụ này dưới các loại hình: in, photocopy, scan tài liệu và sao chép file, đĩa CD, DVD, … Tuy nhiên, số lượng người đăng ký sử dụng dịch vụ này không nhiều, nguyên nhân là do khu vực thực hiện dịch vụ (phòng Thông tin) nằm cách xa khu vực phục vụ (phòng Lưu hành 1&2) không thuận tiện cho việc di chuyển, thời gian đáp ứng yêu cầu tại chỗ khá nhiêu, đồng thời hệ thống máy dùng cho dịch vụ đã cũ, chậm, không chuyên dụng gây khó khăn cho việc sao chụp nhiều khổ cỡ khác nhau làm mất thời gian và công sức cho việc thực hiện dịch vụ kéo theo hiệu quả không cao. Nhìn chung, có thể đánh giá hiện trạng hệ thống SP&DV TT-TV tại TTHL như sau: Điểm mạnh: - Đã xây dựng được hệ thống SP&DV TT-TV cơ bản của một cơ quan thư viện truyền thống; - Nguồn tài tài nguyên thông tin đa dạng, phong phú được xây dựng khá toàn diện về nội dung, loại hình là cơ sở để phát triển các SP&DV TT-TV trong giai đoạn tới; - Đã trang bị phần mềm tích hợp quản trị thư viện, phần mềm học liệu số, công nghệ mượn trả tự động giúp nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng và phát triển hệ thống SP&DV TT-TV. 59
  7. Điểm yếu: - Các SP&DV TT-TV nâng cao, hiện đại phục vụ nhu cầu thông tin chuyên sâu chưa được triển khai; - Các loại hình cũng như thành phần của SP&DV TT-TV chưa thực sự phát triển đồng đều, gây mất cân bằng, cần thời gian để ổn định và cân đối về cơ cấu; - Một số SP&DV TT-TV hiệu quả phục vụ chưa cao, cần được cơ cấu lại để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng; - Cơ sở vật chất hạ tầng và trang thiết bị thư viện chưa thực sự đồng bộ: một số trang thiết bị đã xuống cấp, không chuyên dụng (máy photocopy, hệ thống server); hệ thống máy tính cấu hình thấp, đường truyền kết nối không ổn định nên mất nhiều thời gian trong việc phục vụ người sử dụng, hiệu quả không cao. Để tăng cường hơn nữa công tác khai thác nguồn tài nguyên thông tin cũng như nâng cao hiệu quả công tác phục vụ nhu cầu sử dụng của các đối tượng người dùng, TTHL cần tập hợp các nguồn lực sẵn có và tiến hành thực hiện các giải pháp theo hướng hoàn thiện các SP&DV TT-TV hiện có và phát triển thêm các loại hình SP&DV TT-TV hiện đại chuyên sâu. 3.2 Hoàn thiện và phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện tại Trung tâm Học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một Từ đánh giá, phân tích nhưng điểm mạnh, điểm yếu đã nêu trên, tác giả đề xuất các hướng phát triển hệ thống SP&DV TT-TV của TTHL cần được thực hiện như sau: 3.2.1 Hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện hiện có Cập nhật danh mục tài liệu theo định kỳ, mở rộng loại hình cập nhật đối với tài liệu số, luận văn, khóa luận, kết quả nghiên cứu khoa học, sẽ giúp đa dạng hơn các hình thức giới thiệu sản phẩm này đến người sử dụng. Khắc phục các hạn chế về mặt kỹ thuật và thiết bị phục vụ truy cập sử dụng của mục lục trực tuyến bằng việc thay thế hệ thống máy tra cứu cũ, bố trí ở vị trí thuận lợi cho người sử dụng sẽ tạo sự thuận tiện cho thao tác tra cứu trước khi tìm tài liệu trong kho, giúp NDT rút ngắn được thời gian tìm kiếm và sử dụng tài liệu. Tăng cường hơn nữa công tác giới thiệu website đến người sử dụng nhằm tăng tính tương tác và lượt truy cập để website đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin sẽ làm nội dung đa dạng, phong phú hơn. Thống nhất về khổ mẫu, trường biên mục và đính kèm hình ảnh ở mỗi biểu ghi sẽ giúp nâng cao hơn chất lượng biểu ghi thư mục của cơ sở dữ liệu thư mục. Giải quyết tình trạng chậm hiển thị, lỗi file, thường xuyên mất kết nối do hệ thống trang thiết bị, đường truyền bằng cách nâng cấp hệ thống đường truyền với băng thông dung lượng lớn hơn, nâng cấp hệ thống server nhằm đảm bảo tính ổn định trong lưu trữ dữ liệu cho cơ sở dữ liệu toàn văn. Điều chỉnh thời gian phục vụ theo hướng tăng thời gian phục vụ vào thời gian cao điểm như vào mùa thi, có thể tăng thêm thời gian phục vụ hơn ngày thường (7h30 đến 20h00, phục 60
  8. vụ buổi trưa) tại một số phòng nhất định và phân công thêm cán bộ hỗ trợ nếu cần thiết sẽ thu hút thêm được người sử dụng cho dịch vụ đọc tại chỗ. Trang bị thêm máy máy tra cứu, bảng hướng dẫn cách tra cứu để người sử dụng thuận tiện trong việc tra cứu tài liệu; thay mới các loại tài liệu có tần suất sử dụng cao, đã cũ bắt đầu xuống cấp như các tài liệu thuộc lĩnh vực văn học, ngoại ngữ, khoa học công nghệ, chính trị, ... nhằm đảm bảo chất lượng tài liệu phục vụ cho dịch vụ mượn về nhà. Đối với sao in tài liệu cần rút ngắn thời gian phục vụ để tăng tính hiệu quả cũng như khả năng đáp ứng thông tin tại chỗ thông qua việc nâng cấp hệ thống máy photocopy, bố trí máy tự phục vụ cho người sử dụng tại phòng Lưu hành 1, tăng cường đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ công tác sao in nhanh chóng, kịp thời. 3.2.2 Phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện mới Với điều kiện nguồn lực hiện có, TTHL có thể phát triển các loại hình SP&DV TT-TV sau: Xây dựng CSDL môn học Xây dựng CSDL môn học giúp Thư viện quản lý tốt hơn nguồn tài liệu bắt buộc mà một môn học cần phải đảm bảo, từ đó có biện pháp bổ sung, cập nhật giáo trình, tài liệu tham khảo còn thiếu. CSDL môn học giúp người học có điều kiện nắm chắc những tài liệu tối thiểu cần phải tham khảo trong quá trình học tập. Qua đó, CSDL môn học cung cấp cho NDT cái nhìn tổng quan về tài liệu cần tham khảo cho từng môn học, chương trình đào tạo. Triển khai dịch vụ mượn liên thư viện Mượn liên thư viện là dịch vụ cho phép người sử dụng của TTHL có thể mượn tài liệu của các thư viện khác thông qua đầu mối liên hệ các thư viện với điều kiện đề triển dịch vụ mượn liên thư viện là các thư viện có cùng khối ngành đào tạo hoặc một số thư viện, trung tâm thông tin trên địa bàn có cùng chung đặc điểm về nguồn tài nguyên thông tin như: thư viện Đại học Sư phạm Tp. HCM, thư viện Đại học Luật TP. HCM, thư viện đại học Sư phạm Kỹ Thuật Tp. HCM, thư viện tỉnh Bình Dương. Dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu Dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu nhằm giúp người sử dụng TTHL được cung cấp các thông tin mình cần một cách đầy đủ, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đây là dịch vụ quan trọng giúp thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu thông tin của người sử dụng theo nhiều phương thức: cung cấp trực tiếp tại TTHL, yêu cầu qua mail, điện thoại, website của TTHL. Tổ chức lớp hướng dẫn tìm tin chuyên sâu Lớp hướng dẫn tìm tin chuyên sâu triển khai nhằm đáp ứng cho những người sử dụng có nhu cầu được tìm hiểu, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cần thiết về hoạt động tìm kiếm và khai thác tối đa nguồn tài nguyên thông tin của TTHL cũng như các nguồn tài nguyên thông tin mở, nguồn internet. 61
  9. 4. KẾT LUẬN Với tính chất là thư viện đại học, TTHL đã và đang cố gắng hơn nữa trong công tác hoàn thiện và phát triển hệ thống công cụ SP&DV TT-TV, đặc biệt là những loại hình SP&DV TT- TV hiện đại, chuyên sâu để đáp ứng ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng, hiệu quả tương xứng với quy mô nguồn tài nguyên thông tin đã được xây dựng và phát triển, qua đó đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Để thực hiện tốt công tác trên, TTHL cần thực hiện theo kế hoạch cụ thể, phát huy hơn nữa những thế mạnh, thành quả đã đạt được, đồng thời có những giải pháp phù hợp nhằm hạn chế những khó khăn, qua đó ngày càng khẳng định hơn nữa tầm quan trọng và đóng góp của mình cho sự phát triển của nhà trường trong giai đoạn tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vũ Duy Hiệp (2015). Phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ thư viện – thông tin trong các trường đại học hướng tới mô hình đại học nghiên cứu. Tạp chí Thư viện Việt Nam, 4, 38-45. 2. Phạm Thị Minh Nguyệt, Lương Thị Thanh Hương (2017). Hoàn thiện và phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện tại Thư viện trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên. Tạp chí Thông tin và Tư liệu, 2, 45-50. 3. Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (2019). Luật Thư viện. Luật số 46/2019/QH14, ngày 21/11/2019. 4. Nguyễn Hồng Sinh (2018). Dịch vụ thông tin – thư viện. Tp. HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 5. Nguyễn Thị Thảo (2019). Sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện tại Thư viện trường Đại học Hoa lư. Tạp chí Thông tin và Tư liệu, 1, 42-46. 6. Bùi Loan Thùy, Nguyễn Thị Trúc Hà (2017). Phát triển dịch vụ thông tin – thư viện tại một số trường đại học trên thế giới: bài học với thư viện đại học Việt Nam. Tạp chí Thông tin và Tư liệu, 2, 3-12. 7. Trần Đức Tịnh (2020). Tăng cường khai thác nguồn tài nguyên thông tin tại Trung tâm Học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một (luận văn thạc sĩ). Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Tp. Hồ Chí Minh. 8. Trần Mạnh Tuấn (1998). Sản phẩm và dịch vụ thông tin, thư viện: Giáo trình. Hà Nội: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. 9. Trung tâm Học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một (2022). Báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu tin năm học 2021 – 2022. Bình Dương. 10. Trung tâm Học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một (2022). Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2022. Bình Dương. 62
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2