Khuyến nghị chính sách nhằm phát triển bảo hiểm cây lúa ở Việt Nam
lượt xem 5
download
Bài viết phân tích vai trò của bảo hiểm cây lúa để thấy được sự cần thiết phải triển khai loại hình này, đồng thời, phân tích những nguyên nhân của thực trạng và đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển bảo hiểm cây lúa trong tương lai.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Khuyến nghị chính sách nhằm phát triển bảo hiểm cây lúa ở Việt Nam
- KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH NHẰM PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM CÂY LÚA Ở VIỆT NAM TS. Phan Anh Tuấn Khoa Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Tại một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, bảo hiểm cây lúa đã được triển khai nhiều năm và “tái thí điểm” nhiều lần. Tuy nhiên, sau rất nhiều cố gắng và quyết tâm của Chính phủ và các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thì bảo hiểm cây lúa vẫn chỉ mới dừng lại ở thí điểm mà chưa đi vào cuộc sống của người nông dân. Bài viết phân tích vai trò của bảo hiểm cây lúa để thấy được sự cần thiết phải triển khai loại hình này, đồng thời, phân tích những nguyên nhân của thực trạng và đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển bảo hiểm cây lúa trong tương lai. Từ khóa: Bảo hiểm cây lúa, thực trạng, giải pháp, phát triển 1. Vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm cây lúa Nông nghiệp, nông thôn có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã xác định dịch vụ sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp mang tính chất là hàng hóa dịch vụ, hàng hóa công, là một bộ phận trong chiến lược phát triển nông thôn. Bảo hiểm cây lúa có vai trò rất lớn trong thực tiễn: (i) Bảo hiểm cây lúa góp phần khắc phục khó khăn về tài chính cho các hộ nông dân, nhất là các hộ sản xuất trang trại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. (ii) Bảo hiểm cây lúa là chỗ dựa tâm lý cho người nông dân và các đối tác có liên quan. Các rủi ro tự nhiên trong sản xuất lúa như: thiên tai, dịch bệnh… xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của các hộ nông dân, có thể dẫn đến tình trạng mất mùa, đói kém… Mặt khác, khi bị tổn thất, nhiều hộ nông dân không còn đủ năng lực tài chính để trả cho các khoản nợ đã vay để đầu tư cho chu kỳ sản xuất vừa gặp rủi ro. Khi đó, hộ nông dân có thể bị siết nợ, tịch biên tài sản, không thể vay vốn cho mùa vụ tiếp theo… đẩy họ vào hoàn cảnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Khi người nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa, các thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm sẽ được các DNBH bồi thường, từ đó đảm bảo cho người nông dân có thu nhập ổn định, giúp họ có thể đảm bảo cuộc sống và có nguồn tài chính để tiếp tục vụ mùa tiếp theo. 291
- Đứng trước các rủi ro thiên tai, sâu bệnh xảy ra bất ngờ, cường độ ngày càng cao và không lường trước được, hộ nông dân vẫn phải sản xuất trong tâm thế dè chừng và lo lắng. Bảo hiểm cây lúa là biện pháp chuyển giao rủi ro cho người nông dân, giúp họ có thể yên tâm, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mở rộng diện tích sản xuất. Mặt khác, khi người nông dân được bồi thường cho các thiệt hại, họ có đủ tài chính để chi trả các khoản vay từ các tổ chức tài chính hay những khoản nợ của các nhà cung ứng vật tư nông nghiệp…, từ đó giúp các nhà cung ứng vật tư, tổ chức tín dụng yên tâm hơn, mạnh dạn hơn khi cho các hộ nông dân vay các khoản vay lớn để đầu tư vào sản xuất mà không lo khoản vay không thể thu hồi được. (iii) Bảo hiểm cây lúa cũng góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Khi các thiên tai, dịch bệnh xảy ra, đẩy người nông dân đến tình trạng bần cùng hóa, không thể tự đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình. Khi đó, Nhà nước phải trích ngân sách để cứu trợ xã hội, khoanh nợ, xóa nợ cho những hộ nông dân này. Khoản tiền từ ngân sách dùng để hỗ trợ người nông dân khắc phục thiên tai, dịch bệnh hằng năm là rất lớn. Những khoản chi này dẫn đến tình trạng lạm phát chi tiêu công, thâm hụt ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách quốc gia. Nếu triển khai bảo hiểm cây lúa rộng rãi, những tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, đảm bảo thu nhập cho các hộ nông dân, giúp họ ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách nhà nước, thậm chí bảo hiểm cây lúa còn có thể làm tăng thu ngân sách thông qua các khoản thuế. (iv) Bảo hiểm cây lúa góp phần phát triển ngành Nông nghiệp bền vững. Một khi các rủi ro trong nông nghiệp xảy ra, hậu quả không chỉ liên quan đến mùa vụ đó mà còn ảnh hưởng đến các mùa vụ tiếp theo do cơ sở vật chất thiếu thốn, đất đai cằn cỗi, năng lực tài chính giảm sút… dẫn đến chất lượng và sản lượng mùa sau suy giảm, làm mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Với vai trò bảo vệ hộ nông dân trước các rủi ro và cam kết bồi thường khi có tổn thất, bảo hiểm cây lúa góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững, từ đó có thể ổn định được nguồn cung và giá cả, thúc đẩy xuất khẩu, ổn định lợi thế cạnh tranh trên thị trường nông sản thế giới. Đồng thời, thông qua bảo hiểm, Nhà nước có thể tiết kiệm được các khoản chi ngân sách hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh. Mặt khác, lúa gạo xuất khẩu không bị các nước nhập khẩu đánh giá là mặt hàng được bảo hộ của Chính phủ, từ đó có thể vượt qua được các rào cản kỹ thuật trong quá trình xuất khẩu. (v) Bảo hiểm cây lúa góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Các rủi ro nông nghiệp thường xảy ra trên diện rộng, mang tính thảm họa, cho nên khi thiệt hại xảy ra có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Hộ nông dân gánh chịu thiệt hại, nhất là những hộ nghèo sẽ bị kiệt quệ về kinh tế, hệ quả tất yếu là làm suy giảm sự phát triển kinh tế nông thôn, từ đó làm giảm sự phát triển nền kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh 292
- xã hội. Bảo hiểm cây lúa được triển khai trên phạm vi rộng sẽ góp phần ổn định cuộc sống cho hàng triệu người dân sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, bảo hiểm cây lúa gián tiếp ổn định an ninh lương thực cho xã hội, góp phần giải quyết công ăn việc làm… Có thể nói, bảo hiểm cây lúa là phao cứu hộ thiết thực nhất cho người nông dân khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Bằng các nghiệp vụ tài chính, bảo hiểm cây lúa có thể nhanh chóng giải quyết các vấn đề khó khăn, góp phần ổn định đời sống cho hàng triệu người nông dân; gián tiếp giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh, ổn định giá cả nông sản trên thị trường, góp phần to lớn đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, khi tham gia bảo hiểm, người nông dân yên tâm hơn trong lao động sản xuất, tạo động lực để phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn. 2. Thực trạng bảo hiểm cây lúa ở Việt Nam 2.1. Những kết quả đạt được Bảo hiểm nông nghiệp nói chung, trong đó có bảo hiểm cây lúa, đã được triển khai từ năm 1982, nhưng sau gần 40 năm, kết quả vẫn còn rất hạn chế. Từ năm 1982, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã tiến hành bảo hiểm cây lúa tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thời gian thí điểm chỉ diễn ra trong hai năm (1982 - 1983) thì dừng lại do tỷ lệ bồi thường quá cao. Năm 1982, phí bảo hiểm mà Bảo Việt thu được là 556.000 đồng, chi bồi thường là 464.000 đồng (tỷ lệ bồi thường 83,45%). Năm 1983, phí thu được là 790 nghìn đồng, bồi thường 300 nghìn đồng (tỷ lệ bồi thường 37,97%). Sang năm 1984, do thay đổi phương thức sản xuất từ mô hình hợp tác xã sang mô hình sản xuất kinh tế hộ, đồng thời, người dân được mùa, tổn thất thấp nên phần lớn hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa không được bồi thường, điều này khiến họ không còn nhu cầu tham gia bảo hiểm cây lúa. Do đó, từ năm 1984, Bảo Việt phải dừng triển khai loại hình này do người nông dân không tham gia nữa. Đến năm 1993, Bảo Việt thực hiện trở lại bảo hiểm cho cây lúa dưới hình thức sản phẩm Bảo hiểm mùa màng ở 12 tỉnh: An Giang, Bình Định, Bình Thuận, Bắc Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, với sự hưởng ứng nhiệt tình của các Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy các tỉnh được lựa chọn thí điểm là những tỉnh trồng lúa điển hình nhưng những vùng được bảo hiểm lại chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số diện tích gieo trồng. Kết quả sau đó cho thấy, chỉ có các hộ ở các khu vực có nguy cơ thiệt hại cao tham gia bảo hiểm, các hộ ở vùng nguy cơ thấp thì không. Điều này gây ra nhiều khó khăn nghiêm trọng cho Bảo Việt. Đến năm 1997, Bộ Tài chính lần đầu tiên thí điểm hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho các hộ nông dân tại Hà Tĩnh – nơi thường xuyên chịu nhiều yếu tố rủi ro dịch bệnh, bão, lũ. Tuy nhiên, trong hai năm 1996 và 1997, những thảm họa thiên tai xảy ra liên tục dẫn đến các thiệt 293
- hại trong sản xuất nông nghiệp lên đến 4.193,14 tỷ đồng. Tổng phí mà Bảo Việt thu được không đủ chi trả thiệt hại, tỷ lệ bồi thường lên đến 110%. Vì thế, sang năm 1998, một lần nữa Bảo Việt tạm thời đình chỉ lĩnh vực kinh doanh này do thua lỗ. Ngày 01/3/ 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013. Đây là Quyết định có vai trò tái khởi động bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam với nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp. Quyết định triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 20 tỉnh/thành, trong đó có 7 tỉnh triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa: Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Trong giai đoạn này, chỉ có Bảo Việt và Bảo Minh được chỉ định triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg. Kết thúc giai đoạn thí điểm, tổng diện tích trồng lúa đã tham gia bảo hiểm là 45.412 ha, tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 189.797 hộ. Tổng giá trị được bảo hiểm là 1.477.857 triệu đồng, tổng số phí bảo hiểm là 65.126 triệu đồng, giải quyết bồi thường là 9.114 triệu đồng. Khi Quyết định số 315/QĐ-TTg hết hiệu lực vào năm 2013, loại hình bảo hiểm này cũng bị đóng băng theo. Ngày 18/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Theo Nghị định này, bảo hiểm cây lúa nói riêng được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn. Triển khai thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm cây lúa là 7 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp), thời gian thực hiện hỗ trợ phí từ ngày 26/6/2019 đến hết ngày 31/12/2020. Ngày 25/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg; theo đó thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm cây lúa đến hết ngày 31/12/2021. Sau Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, theo báo cáo của các DNBH, các doanh nghiệp này mới thực hiện cấp đơn bảo hiểm cây lúa tại Nghệ An, Thái Bình. - Tại tỉnh Nghệ An, địa phương này đã triển khai bảo hiểm cây lúa tại 102 xã (trong tổng số 246 xã của 8 huyện được lựa chọn địa bàn hỗ trợ); tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm: 7.292 (915 hộ nghèo, 3.904 hộ cận nghèo, 2.473 hộ thường); tổng giá trị được bảo hiểm: 39,1 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm: 2 tỷ đồng (trong đó số phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ là 1,33 tỷ đồng); bồi thường: 145 triệu đồng. - Tại tỉnh Thái Bình, địa phương này đã triển khai bảo hiểm cây lúa đến 4.928 hộ dân (2.155 hộ nghèo, 2.763 hộ cận nghèo, 10 hộ thường); tổng giá trị được bảo hiểm: 26,75 tỷ đồng; 294
- tổng số phí bảo hiểm: 1,69 tỷ đồng (trong đó số phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ là 1,52 tỷ đồng); bồi thường: chưa phát sinh. 2.2. Nguyên nhân của các hạn chế Sự thất bại của bảo hiểm cây lúa trong thời gian qua có rất nhiều nguyên nhân; trong đó, có nguyên nhân từ phía DNBH, có nguyên nhân từ phía người nông dân và có nguyên nhân từ phía Nhà nước. Cụ thể: (i) Nguyên nhân từ phía DNBH - Số lượng cán bộ hiểu biết về cây lúa cũng như kiến thức về bảo hiểm còn hạn chế; chi phí khai thác lớn trong khi giá trị bảo hiểm nhỏ, phân tán. Các DNBH chưa có phương thức quản lý rủi ro hữu hiệu đối với bảo hiểm cây lúa do số người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm rất lớn và có mặt rộng khắp trên mọi miền đất nước. Công tác giải quyết bồi thường chậm, thủ tục còn phiền hà gây nhiều khó khăn cho người tham gia bảo hiểm dẫn đến tâm lý người dân không muốn tham gia bảo hiểm. - Vì mục tiêu hàng đầu của các DNBH là lợi nhuận nên khi tổn thất cao, lợi nhuận thấp không thu hút được nhiều DNBH. Do những đặc thù của sản xuất lúa, chi phí bán bảo hiểm lớn; việc kiểm tra, giám định và bồi thường gặp khó khăn... nên không thực sự hấp dẫn đối với DNBH. Nếu tăng phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro thì nông dân không có khả năng tham gia; còn nếu giữ phí bảo hiểm ở mức thấp thì không đảm bảo khả năng tài chính cho DNBH, các cán bộ bảo hiểm cũng không mặn mà với việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp mình. - Năng lực tài chính của các DNBH có hạn. Rủi ro thiên tai nhiều khi mang tính chất thảm họa do phạm vi, mức độ tàn phá, thiệt hại về mặt tài chính rất lớn, vượt quá năng lực tài chính của DNBH. Do vậy, DNBH chỉ lựa chọn một số rủi ro và triển khai trên một vài địa bàn hạn chế. - Thị trường tái bảo hiểm cây lúa chưa phát triển. Các DNBH gốc không nhận được sự hỗ trợ, hậu thuẫn của các nhà tái bảo hiểm đối với nghiệp vụ bảo hiểm cây lúa, gây khó khăn và sự mạo hiểm cho các doanh nghiệp khi triển khai loại hình bảo hiểm này. (ii) Nguyên nhân từ phía người nông dân - Người nông dân chưa có thói quen tham gia bảo hiểm. - Dân trí thấp, tập quán phó mặc cho tự nhiên, chưa chủ động tham gia bảo hiểm. - Sản xuất manh mún, phần lớn sản xuất theo kinh nghiệm và tự phát dẫn đến khó đánh giá đánh giá rủi ro đối với đối tượng được bảo hiểm. - Tâm lý phổ biến của người nông dân là lựa chọn các trường hợp chắc chắn xảy ra tổn thất mới tham gia bảo hiểm. 295
- (iii) Nguyên nhân từ phía Nhà nước - Hệ thống pháp luật chưa hỗ trợ đắc lực. Vai trò của các cơ quan nhà nước có liên quan trong công tác điều tra, nghiên cứu, phân tích dự báo chưa được chú trọng. - Hệ thống cơ sở dữ liệu chưa xây dựng nên chưa có căn cứ cho việc tính phí, triển khai bảo hiểm. - Sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước; các DNBH, tái bảo hiểm, các tổ chức tín dụng, tài chính và người nông dân chưa chặt chẽ nên việc cung cấp đồng bộ các dịch vụ bảo hiểm và tín dụng để thúc đẩy, xúc tiến bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế. - Mặt khác, việc Chính phủ vẫn thường xuyên thực hiện việc trợ cấp trong trường hợp xảy ra thiên tai lớn đã làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, làm suy yếu khả năng tham gia bảo hiểm nông nghiệp của người dân. 3. Khuyến nghị chính sách nhằm phát triển bảo hiểm cây lúa trong thời gian tới 3.1. Xây dựng chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa (i) Tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm cho hộ nông dân Mức hỗ trợ phí bảo hiểm cây lúa theo quy định của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg là thấp hơn so với giai đoạn 2011 - 2013. Điều này có thể dẫn đến tâm lý so sánh cũng như hụt hẫng cho hộ nông dân khi tham gia bảo hiểm cây lúa, gây khó khăn cho các DNBH khi triển khai bảo hiểm cây lúa. Vì thế, Chính phủ nên đưa mức hưởng tối đa bằng mức hỗ trợ của giai đoạn 2011 - 2013. (ii) Ưu tiên hỗ trợ phí bảo hiểm cho các hộ sản xuất hàng hóa, thay vì hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo Bên cạnh mục tiêu an sinh xã hội của chính sách bảo hiểm nông nghiệp như hiện nay, Nhà nước cần xác định thêm mục tiêu của bảo hiểm cây lúa hướng tới sản xuất hàng hóa, khi đó, đối tượng cần tập trung hỗ trợ phí là các hộ sản xuất hàng hóa – các đầu tàu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước cần coi việc hỗ trợ phí bảo hiểm cho các hộ sản xuất này là một phần trong chính sách bảo hộ sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu, hộ sản xuất lúa được tính phần phí bảo hiểm tự đóng vào giá thành khi Nhà nước thu mua lúa để xuất khẩu hay dự trữ quốc gia. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quy định tăng mức hỗ trợ phí cho các hộ sản xuất nông nghiệp đặc biệt là các hộ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có quy mô lớn, từ đó có tác dụng khuyến khích mua bảo hiểm, mở rộng diện tích được bảo hiểm. (iii) Quy định cụ thể chỉ tiêu xét hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm Mức hỗ trợ phí bảo hiểm cây lúa theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg được quy định hỗ trợ tối đa 90% mức phí cho cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tối đa 20% mức phí cho cá nhân sản xuất nông nghiệp khác; tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công 296
- nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường thì hỗ trợ tối đa 20% mức phí. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể ở mỗi nhóm hộ gia đình, hộ nào được hưởng mức hỗ trợ tối đa, hộ nào được hưởng mức hỗ trợ ít hơn. Điều này dẫn đến sự lúng túng cho DNBH trong quá trình triển khai cũng như cho hộ gia đình khi tham gia bảo hiểm cây lúa. Vì thế, Chính phủ nên có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá và quy định cụ thể mức hưởng cho các tiêu chí này. (iv) Quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm cây lúa đối với một số nhóm hộ nông dân Để hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa nhiều hơn, bên cạnh việc kích thích các DNBH tham gia vào công tác tuyên truyền, cung ứng dịch vụ thì Chính phủ cần có biện pháp tác động vào cầu dịch vụ, đó là quy định một số nhóm hộ nông dân bắt buộc tham gia bảo hiểm cây lúa. Lộ trình trước mắt, Chính phủ có thể tính toán áp dụng bắt buộc với hộ nông dân có diện tích gieo trồng đủ lớn nhất định. Bên cạnh đó, Chính phủ quy định các hộ nông dân bắt buộc phải mua bảo hiểm 100% diện tích trồng lúa khi vay vốn để đầu tư sản xuất tại các Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các tổ chức tài chính khác. Quy định bắt buộc này vừa là để cung cấp cho hộ nông dân công cụ bảo vệ tài sản, đảm bảo khả năng hoàn vốn, đồng thời tạo thói quen tham gia bảo hiểm cây lúa cho các hộ nông dân. (v) Có chính sách ưu đãi tín dụng cho hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi về tín dụng cho các hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa, ưu đãi thuế cho các vùng sản xuất lúa hàng hóa có tham gia bảo hiểm. Việc được ưu đãi về tín dụng, giúp hộ nông dân có vốn đầu tư vào trong sản xuất, đồng thời là ràng buộc để nông dân có ý thức tham gia bảo hiểm nhằm bảo toàn nguồn vốn vay, mặt khác, việc hỗ trợ nông dân vay vốn còn giúp họ có tiền để trả phí bảo hiểm. Đồng thời, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người sản xuất khi xảy ra rủi ro nghiêm trọng, tổn thất vượt ra ngoài khả năng chi trả của DNBH. Bên cạnh đó, để khuyến khích hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa, hạn chế tình trạng ỷ lại vào sự cứu trợ của Chính phủ khi có thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ quy định cắt giảm và tiến tới không tiếp tục hỗ trợ cho các tổn thất đã nằm trong phạm vi được hỗ trợ phí của bảo hiểm cây lúa. 3.2. Hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo hiểm cây lúa, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân tiếp cận bảo hiểm Chính phủ cần có các cơ chế hỗ trợ DNBH trong việc triển khai bảo hiểm cây lúa. Khi xảy ra tổn thất lớn, Chính phủ cần hỗ trợ các DNBH trong công tác bồi thường cho hộ nông dân. Chỉ khi nào có những quy định hỗ trợ rõ ràng thì các DNBH mới yên tâm cung cấp sản phẩm đến người nông dân. 297
- (i) Chính phủ xây dựng các cơ chế khuyến khích DNBH tham gia thị trường bảo hiểm cây lúa Do hiện nay chỉ mới có cơ chế hỗ trợ phí cho hộ nông dân mà chưa hỗ trợ các DNBH, mặt khác, do tỷ lệ bồi thường cao nên các DNBH cũng không mặn mà khi triển khai loại hình bảo hiểm này. Để khuyến khích các DNBH triển khai sản phẩm bảo hiểm cây lúa, Chính phủ nên có các chính sách ưu đãi cho DNBH như: doanh thu từ bảo hiểm cây lúa không phải đóng thuế; hoặc hỗ trợ bồi thường bảo hiểm cây lúa trong các trường hợp thiên tai lớn… Đặc biệt, Chính phủ phải cam kết là nhà tái bảo hiểm cuối cùng cho các DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhằm đảm bảo sự tin tưởng, an toàn tài chính cho các DNBH triển khai bảo hiểm cây lúa. (ii) Chỉ định một số DNBH bắt buộc tham gia quá trình triển khai bảo hiểm cây lúa Bên cạnh việc cho phép các DNBH tự nguyện triển khai bảo hiểm cây lúa, Chính phủ cần chỉ định một số DNBH bắt buộc triển khai nghiệp vụ này. Do đặc thù rủi ro nhiều, bồi thường lớn, hiệu quả thấp dẫn đến các DNBH đều không muốn triển khai bảo hiểm cây lúa, điều này làm cho nguồn cung sản phẩm bảo hiểm cây lúa bị hạn chế. Do đó, nếu Chính phủ muốn phát triển bảo hiểm cây lúa cần chỉ định thêm một số DNBH bắt buộc triển khai nghiệp vụ này, có càng nhiều DNBH triển khai bảo hiểm cây lúa thì càng có nhiều đơn vị thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá, đồng thời khả năng tiếp cận của hộ nông dân với bảo hiểm cây lúa càng được đảm bảo. Trước mắt, Chính phủ có thể chỉ định bắt buộc với các DNBH mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối như: Bảo Việt, Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC), Công ty Bảo hiểm Vietinbank (VBI)... Mặt khác, Chính phủ xem xét gỡ bỏ rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế DNBH tham gia: “DNBH đứng đầu hoặc DNBH được chỉ định làm đầu mối thực hiện hợp đồng bảo hiểm có trụ sở chính hoặc chi nhánh đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp” (Điều 30, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP), bởi vì trên thực tế, nhiều DNBH không có trụ sở tại địa phương nhưng có cán bộ, đại lý viên đủ năng lực kiểm soát và tiếp cận với hộ nông dân thuận tiện và hiệu quả. Để làm điều này, Chính phủ cần thay đổi quy định tại khoản 2, Điều 30 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, tạo điều kiện thông thoáng cho các DNBH khác tham gia triển khai bảo hiểm cây lúa. (iii) Hỗ trợ DNBH đào tạo nguồn nhân lực để triển khai bảo hiểm cây lúa Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ các DNBH trong việc đào tạo năng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao trình độ chuyên môn về cây lúa và nghiệp vụ bảo hiểm cây lúa của đội ngũ cán bộ chuyên môn; hỗ trợ DNBH xây dựng hệ thống bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có bảo hiểm cây lúa để có thể triển khai đại trà sau thí điểm. 298
- (iv) Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về rủi ro nông nghiệp và sản xuất lúa Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp huyện phải là cơ quan chủ trì thu thập các thông tin, số liệu bài bản và chính xác về khí tượng, thủy văn, mức độ tổn thất, diện tích tổn thất… trong thời gian dài và liên tục, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu đủ lớn và có độ tin cậy. Đồng thời, các cấp chính quyền này có trách nhiệm cung cấp cơ sở dữ liệu này cho các DNBH triển khai bảo hiểm cây lúa trên địa bàn, giúp các DNBH có căn cứ đánh giá rủi ro và tính toán phí và có dữ liệu để xây dựng bảo hiểm chỉ số. 3.3. Hỗ trợ tài chính cho địa phương triển khai bảo hiểm cây lúa Một nguyên nhân làm cho kết quả triển khai bảo hiểm cây lúa trong giai đoạn vừa qua không cao đó là Chính phủ không có cơ chế tài chính hỗ trợ cho chính quyền cơ sở thực hiện, dẫn đến tình trạng thờ ơ, chưa nhiệt tình trong công tác tổ chức tư vấn, tuyên truyền hay triển khai bảo hiểm cây lúa của chính quyền địa phương đến hộ nông dân. Vì thế, Chính phủ cần cấp kinh phí hỗ trợ thực hiện cho chính quyền cơ sở, tạo động lực giúp họ triển khai bảo hiểm cây lúa triệt để hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cũng phải có biện pháp quản lý thực hiện hỗ trợ tài chính sát sao, tránh hiện tượng bòn rút, tham nhũng. 3.4. Chính phủ tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến bảo hiểm cây lúa đến người nông dân Dịch vụ bảo hiểm nói chung, bảo hiểm cây lúa nói riêng vẫn còn rất xa lạ đối với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân. Để kích thích nhu cầu và quyết định chi trả dịch vụ bảo hiểm cây lúa, cần tăng cường công tác tuyền thông và Nhà nước phải có vai trò quyết định trong công tác này. Nhà nước trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách về bảo hiểm cây lúa đến người nông dân qua các công cụ truyền thông của mình như: đài phát thanh, truyền hình, báo chí…; lồng ghép nội dung về bảo hiểm cây lúa với các chuyên mục liên quan đến nông nghiệp, nông thôn được người nông dân quan tâm như “Bạn nhà nông”, “Nông thôn mới” hay “Cùng nông dân bàn cách làm giàu” và các chương trình khác. Việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách và lợi ích của bảo hiểm cây lúa nên được thường xuyên, kịp thời và thực hiện trước mỗi mùa vụ. Lấy thực tiễn từ những hộ sản xuất lúa đã được bồi thường để làm ví dụ minh họa cụ thể lợi ích của bảo hiểm. Một khi những hộ nông dân khác thấy lợi ích của việc tham gia bảo hiểm thông qua người thực, việc thực, có sự so sánh với hộ khác cũng gặp thiên tai, dịch bệnh nhưng không tham gia bảo hiểm thì việc triển khai bảo hiểm cây lúa cũng trở nên dễ dàng hơn do chính người nông dân tự thấy được nhu cầu của mình. Để bảo hiểm cây lúa trở nên thân thuộc với người nông dân, ngoài thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thì việc giải thích rõ ràng các thuận ngữ, điều khoản trong luật 299
- cũng như trong các hợp đồng bảo hiểm là một nhu cầu khách quan; hướng dẫn người nông dân các quy trình tham gia bảo hiểm cũng như các quy trình khiếu nại khi xuất hiện tổn thất. Các quy trình này cần được hoàn thiện và tinh giản hóa để tránh gây phiền toái cho người nông dân khi bắt họ phải hoàn thiện quá nhiều giấy tờ, thủ tục… làm cho người nông dân cảm thấy “đóng bảo hiểm dễ, được bồi thường khó”. Chính phủ cần thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm cây lúa thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho các DNBH, các cán bộ xã, cán bộ HTX và các tổ chức đoàn thể chính trị ở xã như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên khi tham gia tuyên truyền, triển khai bảo hiểm cây lúa. Bên cạnh đó, Chính phủ nghiên cứu giản lược các văn bản pháp lý liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp nói chung và bảo hiểm cây lúa nói riêng để quá trình tuyên truyền đến hộ nông dân được thuận tiện, đồng thời tạo điều kiện cho hộ nông dân có thể tự tìm hiểu luật được dễ dàng. 3.5. Quy định phối hợp giữa các bên liên quan trong việc thiết kế và triển khai sản phẩm đến người nông dân tham gia bảo hiểm thuận lợi Bên cạnh các quy định của Chính phủ, các bộ, ban ngành và chính quyền các cấp cũng cần có những trách nhiệm cụ thể: - Bộ Tài chính xây dựng quy trình bảo hiểm, quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm; các chính sách với nông dân tham gia bảo hiểm và các DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm. - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ vai trò chọn địa điểm tham gia thí điểm; xây dựng quy trình sản xuất gieo trồng; xác định các loại thiên tai và quy trình công bố thiên tai; xác định quy trình công bố sâu bệnh; phương pháp xác định các thiệt hại. - Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành lập Ban Chỉ đạo) để ban hành cụ thể quy trình sản xuất gieo trồng phù hợp thực tế (từ “khung” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia bảo hiểm; tập huấn, xây dựng phương án xác định thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh… 3.6. Hình thành chuỗi giá trị sản xuất lúa hàng hóa, kích thích nhu cầu tham gia bảo hiểm của hộ nông dân thuộc chuỗi giá trị Sản xuất lúa theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung - cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chính phủ định hướng quá trình sản xuất lúa hướng tới sản xuất hàng hóa, từ đó xây dựng cơ chế hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa. Việc xây dựng chuỗi giá trị giúp 300
- kiểm soát được chất lượng từ giống lúa, sản xuất, phân bón, thu hoạch, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ trên thị trường, đảm bảo an toàn lương thực, liên kết phân phối sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm chuỗi an toàn; hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm...; tạo liên kết từ đơn vị cung cấp giống lúa có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng; đơn vị cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu; các doanh nghiệp thu mua lúa, các đơn vị chế biến nông sản và các DNBH cùng với các nhà cung ứng vật tư nông nghiệp khác. Bảo hiểm cây lúa tham gia vào trong chuỗi giá trị xuyên suốt từ đầu vào gieo trồng đến đầu ra sản phẩm của quá trình sản xuất và chế biến. Các DNBH tham gia vào chuỗi giá trị có vai trò đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn, xây dựng quy trình sản xuất phù hợp với quản trị rủi ro, giám sát quá trình sản xuất: nguồn giống lúa rõ ràng, quá trình gieo trồng đảm bảo quy trình, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng quy trình… Chính các đòi hỏi về mặt kỹ thuật của nghiệp vụ bảo hiểm và quy trình đánh giá rủi ro chặt chẽ của doanh nghiệp bảo hiểm trở thành một sự đảm bảo, niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và các nước nhập khẩu. Đồng thời, sự có mặt của DNBH trong chuỗi giá trị sản xuất lúa là sự đảm bảo về chất lượng hàng hóa nông nghiệp, giúp hàng hóa nông nghiệp tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước và quốc tế. Ngược lại, khi hộ nông dân thấy được lợi ích từ việc DNBH tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa thì nhu cầu đối với bảo hiểm cây lúa sẽ tăng lên nhanh chóng. 301
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Tài chính (2011), Kết quả bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, Hà Nội. 2. Bộ Tài chính (2014), Kết quả thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 3. Luyện Minh Đức (2012), “Bảo hiểm nông nghiệp – lá chắn của nhà nông”, Tạp chí Tài chính - Bảo hiểm, số 4. 4. Nguyễn Bá Huân (2014), “Thực trạng phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học công nghệ và Lâm nghiệp, Số 4/2014, trang 126 - 133. 5. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013, ban hành ngày 01/3/2011. 6. Thủ tướng Chính phủ (2018), Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, ban hành ngày 18/4/2018. 7. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, ban hành ngày 26/6/2019. 302
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2022 nhằm ứng phó với các cú sốc
10 p | 51 | 18
-
Phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát
8 p | 116 | 14
-
Tiền ảo Bitcoin và một số khuyến nghị chính sách quản lý tiền ảo ở Việt Nam
5 p | 58 | 10
-
Tác động của vốn chủ sở hữu đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
3 p | 128 | 9
-
Bài giảng Tài chính Phát triển: Bài 7 - Đỗ Thiên Anh Tuấn
25 p | 147 | 7
-
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
12 p | 107 | 7
-
Phát triển thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam
14 p | 54 | 6
-
Chính sách thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn nhằm phát triển thị trường vốn cho khởi nghiệp ở Việt Nam
4 p | 44 | 6
-
Phát triển thị trường bất động sản ổn định, bền vững: Nhìn từ khía cạnh tài chính
4 p | 10 | 4
-
Hoạt động huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại cố phần Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Long An
8 p | 25 | 4
-
Fintech, các ảnh hưởng tới người tiêu dùng và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính Việt Nam
11 p | 41 | 4
-
Thực trạng và xu hướng phát triển tiền mã hoá tại Việt Nam - Một số khuyến nghị chính sách
19 p | 67 | 3
-
Giải pháp và kiến nghị giúp hoàn thiện hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam
8 p | 122 | 3
-
Thâm hụt tài khóa: Thực trạng, tác động và khuyến nghị chính sách
11 p | 69 | 3
-
Tự do hóa tài chính với sự phát triển bền vững ngành ngân hàng Việt Nam
18 p | 21 | 2
-
Tạp chí nghiên cứu Tài chính kế toán - Kỳ 2 tháng 12 (số 254) - 2023
96 p | 4 | 1
-
Nguy cơ gia tăng bất bình đẳng thu nhập trong kinh tế số: Cơ chế và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam
6 p | 5 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn