KĨ NĂNG GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG CÓ VẤN ĐỀ TRONG QUẢN LÝ<br />
<br />
NGUYỄN THỊ THÚY DUNG(*)<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
<br />
Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về khái niệm kĩ năng giải quyết tình huống quản lí và các<br />
kĩ năng bộ phận của nó. Kết quả nghiên cứu này góp phần xây dựng cơ sở lí luận cho việc vạch<br />
ra nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kĩ năng này ở các cán bộ quản lí đương chức<br />
và kế cận.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
The article presents the research result about the conception of the problem-solving skill in<br />
management situations and all its components. This result contributes to the theoretical basis for<br />
creating contents and methods in training the skills for current and incoming managers.<br />
<br />
1. MỞ ĐẦU<br />
<br />
Người quản lí một tổ chức, một cơ quan là người chịu trách nhiệm toàn diện trước cấp trên và xã<br />
hội về hoạt động của tổ chức, cơ quan đó. Có thể so sánh người quản lí với hệ thần kinh trung<br />
ương trong một cơ thể, điều khiển hoạt động của tất cả các bộ phận để cơ thể tồn tại và phát<br />
triển.<br />
<br />
Để hoàn thành nhiệm vụ đó, người quản lí cần có những kĩ năng (KN) quản lí nhất định. Một<br />
KN vô cùng quan trọng mà họ cần có để quản lí tập thể thành công là KN giải quyết tình huống<br />
quản lí (THQL).<br />
<br />
Trong hoạt động của một tập thể, THQL có thể nảy sinh bất cứ lúc nào, vì rất nhiều nguyên<br />
nhân. Chẳng hạn, tình huống xảy ra do lỗi của bản thân người quản lí, do phẩm chất và năng lực<br />
yếu kém (sự không công bằng dẫn đến xung đột giữa các thành viên trong tập thể, sự phân công<br />
phân nhiệm không hợp lí dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa các bộ phận v.v.). THQL xảy ra cũng<br />
có thể do điều kiện làm việc quá khó khăn, thiếu thốn; tập thể có nhiều cá nhân với những tính<br />
xấu như hay đả kích, châm chọc, nói xấu, đố kị...<br />
<br />
Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, ngay trong những tập thể như vậy, một người quản lí có năng<br />
lực, có trực giác nhạy bén, được trang bị những kiến thức về lí luận và nghiệp vụ quản lí một<br />
cách vững chắc, biết đúc kết kinh nghiệm quản lí của mình và đồng nghiệp, sẽ lường trước được<br />
những tình huống có thể xảy ra, kịp thời đưa ra các biện pháp tác động để phòng ngừa, ngăn<br />
chặn. Do đó, có thể nói, một người quản lí thành công là một người quản lí trong suốt quá trình<br />
quản lí của mình đã hạn chế được rất nhiều THQL cần phải giải quyết.<br />
<br />
Một vấn đề đặt ra ở đây là khi một tập thể có điều kiện làm việc rất tốt, các cá nhân đều tốt, và<br />
nhất là người quản lí có phẩm chất và năng lực hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của lao động quản<br />
lí tập thể đó, thì THQL có thể xảy ra không. Các tình huống đó vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.<br />
Mỗi cá nhân trong tập thể là một thế giới nội tâm vô cùng phong phú, với những tư tưởng, quan<br />
điểm, tình cảm, thói quen... khác nhau. Họ có thể có những cách phản ứng khác nhau trước các<br />
sự kiện nảy sinh trong đời sống sinh hoạt của tập thể. Giữa họ tồn tại không chỉ những mối quan<br />
<br />
<br />
<br />
(*)<br />
TS, Phòng Khoa học Công nghệ và Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Sài Gòn<br />
hệ công việc, mà còn có những mối quan hệ tâm lí vô cùng phức tạp. Chính vì thế, trong bất cứ<br />
một tập thể nào, THQL đều có thể xảy ra không thể tránh khỏi.<br />
<br />
Để giải quyết thành công những THQL ấy, người quản lí chịu sự chi phối của những điều kiện<br />
khách quan: cấp trên, môi trường, tập thể…, và những điều kiện chủ quan: vốn sống, kinh<br />
nghiệm và kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và kiến thức về QL, kỹ năng QL…, trong đó,<br />
quan trọng nhất là KN giải quyết THQL.<br />
<br />
Chính vì thế, việc nghiên cứu về KN giải quyết THQL là vô cùng quan trọng, đặc biệt, việc xác<br />
định khái niệm một cách đầy đủ và đúng đắn, xác định các KN bộ phận nằm trong hệ thống cấu<br />
trúc của KN này sẽ góp phần xây dựng cơ sở lí luận cho việc đào tạo, bồi dưỡng KN giải quyết<br />
THQL ở học viên đang là cán bộ đương chức và kế cận.<br />
<br />
2. NỘI DUNG<br />
<br />
2.1. Khái niệm “Kĩ năng giải quyết THQL”<br />
<br />
a) Phân biệt “tình huống”, “vấn đề” và “tình huống có vấn đề”<br />
<br />
Để xác định khái niệm KN giải quyết THQL, trước hết cần phân biệt ba khái niệm “tình huống”,<br />
“vấn đề” và “tình huống có vấn đề”.<br />
<br />
Tình huống- theo Từ điển tiếng Việt- là “sự diễn biến của tình hình, về mặt cần phải đối phó” [7,<br />
tr. 979], theo Từ điển tâm lí học do tác giả Vũ Dũng chủ biên (2008)- là “hệ thống các sự kiện<br />
bên ngoài chủ thể, có tác dụng thúc đẩy tính tích cực của người đó. Bên ngoài chủ thể được hiểu<br />
theo ba góc độ: về mặt không gian (tình huống nằm ngoài chủ thể); về mặt thời gian (tình huống<br />
xảy ra trước so với hành động của chủ thể) và về mặt chức năng ( tình huống độc lập với các<br />
điều kiện tương ứng ở thời điểm chủ thể hành động)” [3, tr.876]. Như vậy, tình huống mang tính<br />
khách quan, là những sự việc nảy sinh ngoài ý muốn con người, đòi hỏi con người phải đối phó.<br />
<br />
Vấn đề là sự phản ánh mâu thuẫn trong quá trình nhận thức khách thể bởi chủ thể.<br />
<br />
Đây là mâu thuẫn giữa “cái đã biết” và “cái chưa biết”. Cái chưa biết đó chỉ trở thành vấn đề đối<br />
với nhận thức của con người khi con người có nhu cầu và có khả năng tìm ra cái chưa biết.<br />
Như vậy, vấn đề mang tính chủ quan (chủ thể nhận thức được mâu thuẫn, có nhu cầu và có điều<br />
kiện, khả năng giải quyết mâu thuẫn).<br />
Một tình huống nảy sinh trong hoạt động của con người, ngoài ý muốn của con người. Đối với<br />
người này, đó là tình huống bình thường, nhưng đối với người khác đó lại là tình huống có vấn<br />
đề (THCVĐ).<br />
<br />
Tình huống là THCVĐ khi nó chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết (có thể có<br />
nhiều phương hướng tìm lời giải và có khi có nhiều lời giải), mâu thuẫn được chủ thể nhận thức,<br />
từ đó nảy sinh nhu cầu giải quyết và có khả năng giải quyết mâu thuẫn dựa trên vốn tri thức, kinh<br />
nghiệm của mình.<br />
<br />
Như vậy, THCVĐ vừa chứa đựng yếu tố khách quan (sự việc, hoàn cảnh chứa mâu thuẫn nảy<br />
sinh ngoài ý muốn của chủ thể) vừa chứa đựng yếu tố chủ quan thuộc về chủ thể.<br />
<br />
KN giải quyết THQL mà chúng tôi trình bày trong bài viết này là KN giải quyết THQL có vấn<br />
đề.<br />
b) KN giải quyết THQL<br />
<br />
Cho đến nay trong tâm lý học tồn tại 2 quan niệm:<br />
<br />
Quan niệm thứ nhất coi KN là mặt kĩ thuật của thao tác, hành động hay hoạt động. Chẳng hạn,<br />
Từ điển tâm lí học của Mỹ do tác giả J.P.Chaplin chủ biên (1968) định nghĩa KN là “thực hiện<br />
một trật tự cao cho phép chủ thể tiến hành hành động một cách trôi chảy và đúng đắn”[10,<br />
tr.458]. Tác giả Nga V.A.Crutexki (1974) viết:“KN là phương thức thực hiện hành động đã được<br />
con người nắm vững từ trước” [2, tr.78].<br />
<br />
Quan niệm thứ hai xem KN là một biểu hiện năng lực của con người. Chẳng hạn, Từ điển tiếng<br />
Nga (1968) định nghĩa: KN là khả năng làm một cái gì đó; khả năng này được hình thành bởi tri<br />
thức, kinh nghiệm; khi có KN tất cả đều có thể làm được [13, tr.819]. Từ điển tiếng Việt (1992)<br />
cũng định nghĩa “KN là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực<br />
nào đó vào thực tế” [7, tr.157].<br />
<br />
Chúng tôi cho rằng cần xem xét KN một cách toàn diện trên cả 2 khía cạnh: Thứ nhất, KN là mặt<br />
kỹ thuật của thao tác hay hành động nhất định (không có KN chung chung, trừu tượng, tách rời<br />
hành động). Thứ hai, KN là một biểu hiện năng lực của con người nên vừa có tính ổn định, vừa<br />
có tính mềm dẻo, linh hoạt và tính mục đích. Để có KN hành động, cá nhân không chỉ hiểu sâu<br />
sắc về hành động (mục đích, phương thức, điều kiện hành động) mà phải mềm dẻo, linh hoạt<br />
triển khai hành động trong mọi hoàn cảnh theo đúng logic của nó với mọi điều kiện có thể có để<br />
đạt được mục đích của hành động. Tức là, KN được hình thành trên cơ sở của tri thức nên người<br />
có KN thì không chỉ hành động có kết quả trong một hoàn cảnh cụ thể mà còn phải đạt được kết<br />
quả tương tự trong những điều kiện khác nhau.<br />
<br />
Do đó, chúng tôi đi đến định nghĩa như sau:<br />
<br />
KN là một biểu hiện năng lực của con người thực hiện có kết quả một hành động hay một hoạt<br />
động nào đó bằng cách tiến hành đúng đắn kĩ thuật của hành động, trên cơ sở vận dụng những<br />
tri thức và kinh nghiệm vốn có về hành động đó.<br />
<br />
Từ định nghĩa về KN nói chung, chúng tôi định nghĩa KN giải quyết THQL như sau: KN giải<br />
quyết THQL là một trong những KN QL của người quản lí, là một biểu hiện của năng lực quản<br />
lí. KN giải quyết THQL là sự giải quyết có kết quả những THQL nảy sinh trong hoạt động quản<br />
lí một tập thể, bằng cách tiến hành đúng đắn các thao tác của quá trình giải quyết THQL trên cơ<br />
sở vận dụng những tri thức và kinh nghiệm về hành động đó.<br />
<br />
Như vậy, tri thức và kinh nghiệm là một điều kiện để hình thành KN. Muốn hình thành KN giải<br />
quyết THQL cho học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí, nhất thiết phải cung cấp<br />
một cách toàn diện và hệ thống tri thức về việc giải quyết THQL: mục đích, ý nghĩa, tầm quan<br />
trọng của việc giải quyết THQL; các yêu cầu, các thao tác tiến hành (kĩ thuật thực hiện) và luyện<br />
tập các thao tác này qua quá trình giải quyết những bài tập THQL.<br />
<br />
2.2. Hệ thống KN giải quyết THQL<br />
<br />
Để xác định các KN bộ phận nằm trong cấu trúc của KN giải quyết THQL, trước hết chúng tôi<br />
xem xét quá trình giải quyết THQL diễn ra như thế nào.<br />
<br />
a) Các giai đoạn của quá trình giải quyết THQL<br />
Trong Từ điển bách khoa tâm lí học của Mỹ do tác giả Alan E. Kazdin chủ biên (2000), R.J.<br />
Sternberg định nghĩa quá trình giải quyết vấn đề là quá trình “đi từ tình huống có vấn đề, vượt<br />
qua các trở ngại, đến chỗ giải quyết vấn đề” [12, tr.68]. Vậy, quá trình giải quyết THQL thực<br />
chất là quá trình trí tuệ để tìm ra phương án tối ưu giải quyết tình huống, hay còn bao gồm cả<br />
hoạt động bên ngoài, tức quá trình tổ chức thực hiện quyết định để giải quyết tình huống?<br />
Chúng tôi đồng tình với quan niệm của các tác giả ngoài nước như Phillip L.Hunsaker [11],<br />
Howard Senter [6], và các tác giả trong nước như Vũ Văn Dương-Trần Thuận Hải, Nguyễn Đình<br />
Chỉnh- Phạm Ngọc Uyển, Trần Văn Hà, Phan Thế Sủng, Trần Tấn Phước [4], [1], [5], [9], [8]<br />
xem xét quá trình giải quyết THQL là một quá trình với các giai đoạn diễn ra như sau: (Sơ đồ 1)<br />
<br />
- Giai đoạn 1: Nhận thức vấn đề (problem awareness).<br />
Giai đoạn này bao gồm việc chủ thể phát hiện và nhận dạng vấn đề (identify problems) và xác<br />
định được mục tiêu cần đạt khi giải quyết vấn đề (clarify objectives).<br />
<br />
- Giai đoạn 2: Xác định rõ vấn đề và biểu đạt vấn đề cần giải quyết (problem definition and<br />
representation).<br />
Thao tác trí óc chủ yếu diễn ra ở khâu này là phân tích. Trên cơ sở những thông tin thu nhận<br />
được, chủ thể tiến hành phân tích những mâu thuẫn chứa đựng trong tình huống, xác định tất cả<br />
các yếu tố, các sự kiện, các hiện tượng liên quan đến tình huống và mối quan hệ nhân quả giữa<br />
chúng, tìm ra tất cả các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trực tiếp, gián tiếp, sâu xa tiềm ẩn...<br />
của THQL.<br />
Chủ thể biểu đạt vấn đề trong đầu (mentally) hoặc bằng ngôn ngữ nói hoặc viết bên ngoài.<br />
<br />
- Giai đoạn 3: Đề ra các phương án giải quyết.<br />
- Giai đoạn 4: Lựa chọn phương án tối ưu.<br />
- Giai đoạn 5: Tổ chức thực hiện phương án đã lựa chọn.<br />
- Giai đoạn 6: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.<br />
Nhận thức THQL Xác định rõ vấn đề và biểu đạt vấn đề<br />
<br />
Nhận dạng Xác định các Xác định Phân tích Biểu đạt<br />
THQL mục tiêu cần các thông tin vấn đề<br />
đạt nguồn<br />
thông tin<br />
<br />
<br />
<br />
Kiểm tra Tổ chức thực Lựa chọn phương Đề ra các<br />
đánh giá hiện án tối ưu phương án<br />
giải quyết<br />
<br />
<br />
Sơ đồ 1. Quá trình giải quyết THQL<br />
<br />
<br />
Như vậy, quá trình giải quyết THQL chủ yếu là một quá trình trí tuệ, vì để tổ chức thực hiện giải<br />
quyết THQL (giai đoạn 5), người QL vẫn phải tiếp tục suy nghĩ xây dựng kế hoạch hành động<br />
(xác định các việc cụ thể cần làm, phân công phân nhiệm, xác định thời điểm thực hiện), cũng<br />
như để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện (giai đoạn 6), người QL phải suy nghĩ xác định các yếu<br />
tố cần theo dõi kiểm tra đánh giá.<br />
<br />
b) Hệ thống KN giải quyết THQL<br />
Từ việc phân tích các giai đoạn của quá trình giải quyết THQL, chúng tôi cho rằng KN giải quyết<br />
THQL là một hệ thống, bao gồm các KN bộ phận như sau:<br />
<br />
* Nhóm KN nhận thức vấn đề (tương ứng với giai đoạn 1 của quá trình giải quyết THQL): đó là<br />
KN nhận dạng vấn đề cần phải giải quyết và KN xác định được các mục tiêu cần đạt khi giải<br />
quyết tình huống.<br />
<br />
- KN nhận dạng THQL: là sự xem xét một cách toàn diện về THQL trên cơ sở trả lời các câu hỏi:<br />
+ Vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của ai?<br />
+ Vấn đề có đáng giải quyết không? Nếu không giải quyết, chuyện gì sẽ xảy ra?<br />
+ Vấn đề thuộc chức năng quản lí nào?<br />
+ Vấn đề thuộc nội dung quản lí nào?<br />
+ Các đối tượng tạo ra tình huống là ai?<br />
+ Thời gian cần giải quyết tình huống?<br />
<br />
- KN xác định các mục tiêu cần đạt khi giải quyết THQL: trên cơ sở nhận dạng THQL với tất cả<br />
các yếu tố liên quan kể trên, người quản lí hình dung một cách đúng đắn, rõ ràng và cụ thể điều<br />
cần phải đạt khi xử lý tình huống. Đó không chỉ là kết quả cần đạt trước mắt, tức thời, mà còn<br />
phải là kết quả lâu dài và bền vững trong tương lai. Do đó, xác định mục tiêu khi giải quyết tình<br />
huống bao gồm vừa xác định mục tiêu trước mắt, vừa xác định mục tiêu lâu dài.<br />
<br />
* Nhóm KN xác định rõ vấn đề và biểu đạt vấn đề cần giải quyết (tương ứng với giai đoạn 2):<br />
Nhóm KN này giúp người quản lý đi sâu vào bản chất bên trong của tình huống , bao gồm:<br />
<br />
- KN xác định các nguồn thông tin cần thu thập: là khả năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn<br />
diện và hệ thống để xác định tất cả các nguồn thông tin có thể liên quan đến vấn đề, xác định các<br />
thông tin chi tiết cần tìm hiểu trong từng nguồn, những thông tin nào đã biết và những thông tin<br />
nào chưa biết.<br />
<br />
- KN phân tích mâu thuẫn chứa đựng trong THQL: là khả năng phân tích sâu sắc các dữ liệu của<br />
tình huống để không chỉ nhìn thấy những mâu thuẫn bên ngoài mà còn nhìn thấy những mâu<br />
thuẫn bên trong chứa đựng trong nội dung của tình huống. Có thể lấy một ví dụ thực tế về một<br />
THQL ở trường học: phụ huynh học sinh phản ứng quyết liệt vì giáo viên chủ nhiệm đánh con<br />
của họ. Căn cứ vào những dấu hiệu bên ngoài của tình huống (giáo viên đánh học sinh, phụ<br />
huynh học sinh đến phản ứng với nhà trường, với giáo viên …) có thể nêu lên mâu thuẫn bên<br />
ngoài giữa giáo viên và học sinh, giữa phụ huynh học sinh với nhà trường, giữa phụ huynh học<br />
sinh với giáo viên … Tuy nhiên, phân tích những dữ liệu bên trong, tiềm ẩn của tình huống có<br />
thể phát hiện các mâu thuẫn bên trong, chẳng hạn mâu thuẫn giữa khả năng của giáo viên với áp<br />
lực về bệnh thành tích, giữa yêu cầu của công việc với điều kiện làm việc, v.v…<br />
<br />
- KN phân tích nguyên nhân dẫn đến THQL: trên cơ sở phân tích mâu thuẫn chứa đựng trong nội<br />
dung tình huống, người quản lí xem xét một cách hệ thống và lô gích những mối quan hệ nhiều<br />
chiều giữa các dữ liệu của tình huống để xác định tất cả các nguyên nhân chính- nguyên nhân<br />
phụ, nguyên nhân khách quan- chủ quan, nguyên nhân trực tiếp- gián tiếp dẫn đến THQL.<br />
<br />
- KN biểu đạt vấn đề cần giải quyết: là sự diễn đạt vấn đề trong đầu hoặc bằng ngôn ngữ nói<br />
hoặc viết một cách rõ ràng, sáng sủa. Khi người quản lí diễn đạt được vấn đề cần giải quyết một<br />
cách rõ ràng, sáng sủa, chứng tỏ người quản lí đã tiếp nhận, đã hiểu được, đã nhận thức đầy đủ<br />
nội dung của tình huống.<br />
Nhóm KN thứ hai giúp người quản lí phát hiện ra bản chất bên trong của tình huống, từ đó lựa<br />
chọn được phương án đúng đắn để giải quyết tình huống. Giữa nhóm KN thứ nhất và nhóm KN<br />
thứ hai có mối quan hệ tác động qua lại: nhóm KN nhận thức THQL (nhận dạng và xác định mục<br />
tiêu) giúp định hướng cho việc xác định rõ và biểu đạt vấn đề, ngược lại, nhóm KN xác định rõ<br />
vấn đề và biểu đạt vấn đề (đặc biệt là KN phân tích mâu thuẫn và nguyên nhân của tình huống)<br />
sẽ giúp người quản lí kiểm tra tính đúng đắn của việc nhận dạng tình huống và mục tiêu mà mình<br />
đã đặt ra.<br />
<br />
* KN đề ra các phương án giải quyết THQL (tương ứng với đoạn 3)<br />
<br />
Đó là khả năng tìm ra được các ý tưởng khác nhau có thể đưa đến giải quyết tình huống. Nếu chỉ<br />
đề ra một ý tưởng, đó có thể không phải là ý tưởng tốt nhất. Việc đề ra được nhiều phương án<br />
giúp người quản lí có cơ hội lựa chọn một phương án tối ưu trong nhiều phương án đó.<br />
<br />
* KN lựa chọn phương án tối ưu để giải quyết THQL (tương ứng với đoạn 4)<br />
<br />
Đó là khả năng phân tích các ưu điểm và nhược điểm của từng phương án trên cơ sở đã xác định<br />
rõ vấn đề, so sánh các phương án với mục tiêu đặt ra để suy xét lựa chọn phương án tối ưu, đáp<br />
ứng nhất với mục tiêu của việc giải quyết tình huống. Một phương án tối ưu, theo tác giả<br />
Howard Senter (2005), là phương án thỏa mãn các điều kiện [6, tr.54]:<br />
- Có hiệu lực (có tác dụng): giải quyết được vấn đề vĩnh viễn hay trong một khoảng thời gian<br />
chấp nhận được.<br />
- Có hiệu quả: giải quyết vấn đề mà không tạo ra một loạt vấn đề mới.<br />
- Khả thi: thỏa mãn các điều kiện về mặt thời gian, nhân lực, vật lực, luật pháp, đạo đức…<br />
* KN tổ chức thực hiện phương án đã lựa chọn (tương ứng với đoạn 5)<br />
Người quản lí xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với các điều kiện khách quan và chủ quan<br />
của tình huống, nhằm thực hiện từng mục tiêu cụ thể đã vạch ra. Xây dựng kế hoạch hành động<br />
bao gồm:<br />
- Xác định các công việc cụ thể cần làm để thực hiện mục tiêu.<br />
- Phân công phân nhiệm để thực hiện các công việc cụ thể ấy.<br />
- Lựa chọn thời điểm thực hiện phù hợp.<br />
<br />
* KN kiểm tra đánh giá (tương ứng với đoạn 6)<br />
Căn cứ vào mục tiêu đã vạch ra, người quản lí xác định các tiêu chí nhằm kiểm tra đánh giá việc<br />
giải quyết THQL.<br />
<br />
Tóm lại, KN giải quyết THQL bao gồm các KN bộ phận quan hệ mật thiết với nhau và quy định<br />
lẫn nhau, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhóm KN nhận thức vấn đề, KN xác định và biểu đạt vấn<br />
đề với các nhóm KN còn lại.<br />
<br />
Muốn hình thành và phát triển cả hệ thống KN giải quyết THQL, cần hình thành và phát triển<br />
từng KN bộ phận qua luyện tập giải quyết các bài tập THQL đa dạng.<br />
<br />
3. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT<br />
<br />
KN giải quyết THQL là một KN vô cùng quan trọng, góp phần đưa đến thành công trong công<br />
tác quản lí của người đứng đầu một tập thể.<br />
<br />
Sự hình thành và phát triển KN này ở người quản lí có thể đi theo các con đường khác nhau<br />
(hoạt động thực tiễn; con đường tự học, tự rèn luyện của người quản lý; con đường đào tạo, bồi<br />
dưỡng;…), trong đó, con đường đào tạo bồi dưỡng sẽ góp phần hình thành và phát triển KN một<br />
cách bài bản và khoa học. Nhằm xây dựng cơ sở lí luận cho việc vạch ra nội dung và phương<br />
pháp đào tạo, bồi dưỡng một cách khoa học, không thể không nghiên cứu xác định khái niệm và<br />
cấu trúc của KN.<br />
<br />
Từ việc nghiên cứu xác định khái niệm KN giải quyết THQL và các KN bộ phận nằm trong cấu<br />
trúc của nó, chúng tôi đề xuất 2 cách cơ bản để đào tạo, bồi dưỡng KN này cho người quản lí:<br />
<br />
- Cung cấp một cách toàn diện và hệ thống những tri thức về việc giải quyết THQL (tri thức<br />
chính là điều kiện cần thiết để hình thành KN): mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của KN trong<br />
công tác quản lí; các yêu cầu, cách thức tiến hành (kĩ thuật thực hiện).<br />
<br />
- Huấn luyện từng KN bộ phận (muốn phát triển KN tổng thể phải phát triển từng KN bộ phận)<br />
thông qua việc luyện tập giải quyết một hệ thống bài tập THQL được xây dựng chọn lọc, bao<br />
trùm được tất cả các chức năng quản lí và nội dung quản lí của người đứng đầu từng loại tập thể<br />
khác nhau.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
Tiếng Việt<br />
1. Nguyễn Đình Chỉnh, Phạm Ngọc Uyển (1998), Tâm lí học quản lí, NXB Giáo dục.<br />
2. Cruchetxki V.A.(1981), Những cơ sở của TLH sư phạm, Tập II. NXB Giáo dục.<br />
3. Vũ Dũng (chủ biên)(2008), Từ điển Tâm lí học, NXB Từ điển bách khoa.<br />
4. Vũ Văn Dương, Trần Thuận Hải (1997), Nghệ thuật lãnh đạo quản trị, NXB Đồng Nai.<br />
5. Trần Văn Hà (1995), Phương pháp giáo dục hiện đại giúp học viên năng lực giải quyết vấn<br />
đề, Phương pháp xử lý tình huống- hành động, Vận dụng trong dạy học, nghiên cứu, quản lí,<br />
lãnh đạo, TPHCM.<br />
6. Howard Senter (2005), Giải quyết vấn đề- công cụ và thủ pháp thiết yếu cho nhà quản lý,<br />
NXB Trẻ.<br />
7. Hoàng Phê (chủ biên)(1992), Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội.<br />
8. Nguyễn Tấn Phước (1994), Quản trị học- những vấn đề cơ bản, NXB Thống kê.<br />
9. Phan Thế Sủng (1996), Nghệ thuật ứng xử tình huống trong quản lý trường phổ thông, Hà<br />
Nội.<br />
<br />
Tiếng Anh<br />
10. Chaplin, J.P. (1971), Dictionary of Psychology, Dell Publishing Co., Inc., New York.<br />
11. Hunsaker, P.L. (2004), Training in Management skills, Chapter 9: Creative problem solving,<br />
Prentice Hall.<br />
12. Kazdin, A.E. (Editor in chief) (2000), Encyclopedia of Psychology, Volume 8, Oxford<br />
University Press.<br />
<br />
Tiếng Nga<br />
13. Oжёгob C. T. (1968), Cлoвapъ pycckoгo языka. M. издaтeлъcтвo “Coвeтcкaя<br />
энџиклопедия”.<br />