intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kiểm soát hiệu quả hoạt động chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Nghiên cứu thực nghiệm tại tỉnh Bình Dương

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

12
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Kiểm soát hiệu quả hoạt động chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Nghiên cứu thực nghiệm tại tỉnh Bình Dương trình bày thực trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Thực trạng kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh; Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động chuyển giá.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kiểm soát hiệu quả hoạt động chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Nghiên cứu thực nghiệm tại tỉnh Bình Dương

  1. KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI: NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG PGS.TS. Phan Đức Dũng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ThS. Nguyễn Thị Hạnh Cục thuế Bình Dương Tóm tắt Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Bình Dương, thuộc miền Đông Nam Bộ và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã thu hút trên 3.400 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 31,6 tỷ đôla Mỹ, trở thành địa phương đứng thứ ba trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Bình Dương sẽ có 34 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Nghiên cứu được thực hiện thông qua hai phương pháp là phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy chính sách chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương chịu tác động của 7 yếu tố. Cụ thể, có 3 yếu tố tác động dương đến chính sách chuyển giá của các doanh nghiệp là Chính sách thuế; Lạm phát; Chính sách tỷ giá. Riêng biến Môi trường pháp lý; Chính sách giáo dục quốc gia; Môi trường kinh tế xã hội; Thể chế tác động âm đến chính sách chuyển giá của các doanh nghiệp. Từ khóa: doanh nghiệp FDI, chuyển giá, kiểm soát 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của quá trình toàn cầu hóa, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên rất mạnh, đóng góp vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế này không kém phần phức tạp, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua cũng đã lộ ra nhiều bất cập: các dự án nước ngoài tập trung vào khai thác các ưu đãi đầu tư, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, khai thác tài nguyên thô gây ô nhiễm môi trường, không chú trọng chuyển giao công nghệ, đóng góp ngân sách hạn chế, và đặc biệt là nổi lên hiện tượng định giá chuyển giao, trốn thuế, núp thuế ở một số tập đoàn đa quốc gia, kể cả các tập đoàn hàng đầu của thế giới (Nguyễn Thị Liên Hoa, 2003). Không thể phủ nhận được đầu tư nước ngoài đã góp phần rất lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải thiện 181
  2. năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, tăng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, nhưng với số lượng các giao dịch thương mại xuyên biên giới diễn ra giữa các công ty liên kết ngày một tăng, với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt, vấn đề tối đa hóa lợi nhuận cho tổng thể tập đoàn luôn là mục tiêu quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được chia tách, tái lập từ tỉnh Sông Bé từ ngày 01/01/1997, có diện tích tự nhiên 2.694,43 km2 (chiếm 12% diện tích miền Đông Nam Bộ). Đến nay, dân số khoảng 1,995.817 người, mật độ dân số 741 người/km2, cơ cấu hành chính gồm 01 thành phố, 04 thị xã, 04 huyện với 91 xã, phường, thị trấn. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã thu hút trên 3.400 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 31,6 tỷ đô la Mỹ, trở thành địa phương đúng thứ ba trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư đến với Bình Dương đứng đầu là Đài Loan với 816 dự án và tổng số vốn đầu tư là 5 tỷ 237 triệu đô la Mỹ. Thứ hai là Nhật Bản với 291 dự án và tổng số vốn đầu tư là 4 tỷ 963 triệu đô la Mỹ. Thứ ba là Singapore với 229 dự án và tổng số vốn là 4 tỷ 118 triệu đô la Mỹ. Thứ tư là Hàn Quốc với 715 dự án với tổng số vốn là 2 tỷ 989 đô la Mỹ. Tính riêng năm 2017, khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp trên 48,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm trên 82,8% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.798 ha (trong đó có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động). Tỷ lệ phủ kín đạt gần 74% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 815 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 67%. Theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Bình Dương sẽ có 34 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, như: xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông trục chính kết nối nội tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiểu theo nghĩa Tiếng Anh là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (Foreign Direct Investment). Tuy nhiên, hiện nay, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, việc định danh loại hình doanh nghiệp này chưa thực sự rõ ràng. Theo đó, Luật Đầu tư 2005 (đã hết hiệu lực) phân loại: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư 2014 không đề cập trực tiếp loại hình doanh nghiệp này mà chỉ định nghĩa một cách khái quát tại Khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 như sau: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Như vậy, có thể hiểu, doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của 182
  3. nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài bao gồm: Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh giữa nước ngoài và các đối tác trong nước. 2. TỔNG QUAN CÁC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN Eden (2003), đã vận dụng mô hình hồi quy đa biến, sử dụng bộ dữ liệu về hàng hóa nhập khẩu của Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ - BLS từ 06/1998 đến 03/2000 và tập trung xem xét mối quan hệ giữa cơ cấu thị trường, đặc tính sản phẩm và chuyển giá, cụ thể: Pijkt = α CONTROLS + β IFT + θ MARKET + φ POLICY + γ IFT * MARKET + ψ IFT * POLICY + ε. Trong đó: Biến phụ thuộc: Pijkt: giá nhập khẩu mặt hàng i nhập khẩu bởi công ty j từ nước k tại thời điểm t. Kết quả nghiên cứu cho thấy: khả năng thao túng giá chuyển giao (Transfer Price Manipulation – TPM) để đáp ứng quy định của Chính phủ là động lực mạnh mẽ của nội bộ hóa các giao dịch xuyên biên giới. Trong điều kiện thị trường, nghiên cứu ủng hộ giả thuyết: Chuyển giá có khả năng xảy ra ở những nơi mà sự trao đổi có tổ chức và giá tham chiếu không tồn tại, tức là khi sản phẩm được phân biệt; Chuyển giá có khả năng xảy ra với các hàng hóa có hàm lượng tri thức cao; Đầu vào càng quan trọng hơn đầu ra thì độ co giãn giá hàng nhập khẩu chuyển giao nội bộ so với giá thị trường càng lớn; Quy mô của doanh nghiệp đa quốc gia càng lớn thì càng có nhiều khả năng chuyển giá. Trong điều kiện Chính phủ, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khuyến khích thao túng giá chuyển giao; Khi thuế suất thuế TNDN nước ngoài thấp hơn ở Mỹ thì những công ty đa quốc gia (MCNs) chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, khi thuế suất nước ngoài cao hơn ở Mỹ thì nghĩa vụ thuế tổng thể của doanh nghiệp giảm nhưng lại tăng chi phí thuế quan; Biến “Rủi ro chính trị” tác động tiêu cực đến việc định giá theo nguyên tắc thị trường, nhất là với các sản phẩm khác biệt và công nghệ cao; Việc kiểm soát ngoại hối làm giá nhập khẩu của Mỹ tăng. Như vậy, tác giả đã tìm thấy bằng chứng trực tiếp, mạnh mẽ về chuyển giá do sự không hoàn hảo của cả thị trường và Chính phủ. Nghiên cứu của Zeki Doğan và cộng sự (2013) về “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp và xác định giá chuyển nhượng trong các công ty đa quốc gia: Một trường hợp nghiên cứu về Vương quốc Anh”, kết quả nghiên cứu chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định giá chuyển nhượng và lựa chọn các phương pháp trong điều khoản của các công ty mẹ và các công ty con được tách thành bốn nhóm: Yếu tố pháp lý; Yếu tố chính trị xã hội; Yếu tố kinh tế bên ngoài; Yếu tố kinh tế nội bộ. Nghiên cứu của Afifah Nazihah và cộng sự (2019) về “Ảnh hưởng của thuế, sự ủng hộ ban quản trị, cơ chế thưởng và quy mô doanh nghiệp đối với chuyển giá (bằng chứng Indonesia)”: Nghiên cứu này nhằm phân tích ảnh hưởng của thuế, sự ủng hộ ban quản trị, cơ chế thưởng và quy mô doanh nghiệp đối với chuyển giá trong lĩnh vực sản xuất. Nghiên cứu này đã chọn 28 công ty sản xuất được lựa chọn bằng cách sử dụng kỹ thuật lấy mẫu có 183
  4. chủ đích từ tổng số 153 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia giai đoạn 2013 - 2017. Kết quả của hồi quy dữ liệu bảng với mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên cho thấy thuế, cơ chế thưởng và quy mô doanh nghiệp có tác động tích cực đáng kể đến chuyển giá. Tuy nhiên, sự ủng hộ ban quản trị không ảnh hưởng đến hoạt động chuyển giá. Theo Henry Fayol (1949), “kiểm soát là việc kiểm tra để khẳng định mọi việc có được thực hiện theo đúng kế hoạch hoặc các chỉ dẫn và các nguyên tắc đã được thiết lập hay không, từ đó chỉ ra các yếu kém và các sai phạm cần phải điều chỉnh, đồng thời ngăn ngừa chúng không được phép tái diễn”. Gravelle, J.G. (2010) cho rằng, tài sản vô hình rất khó xác định đúng giá trị của nó (như tiền bản quyền, tiền sở hữu trí tuệ) và cũng khó xác định giá của chúng trong doanh nghiệp liên kết. Trên thực tế, Gruber, H. (2003) đã phát hiện ra nguy cơ định giá chuyển giao trong việc xác định giá tài sản vô hình. Các công ty có cơ hội lớn để tham gia vào định giá chuyển giao thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các doanh nghiệp liên kết có mức thuế khác nhau. Theo Hatem Elsharawy (2006), mỗi quốc gia có một cơ chế chính sách và pháp luật khác nhau, do đó lãnh đạo doanh nghiệp cần phải hiểu biết về pháp luật tại nước sở tại trước khi tiếp nhận nhiệm vụ lãnh đạo tại mỗi quốc gia. Khi Ban lãnh đạo có trình độ cao, hiểu biết về pháp luật và có đạo đức kinh doanh thì khả năng gian lận trong định giá chuyển giao rất thấp và ngược lại nhận thức, hiểu biết các quy định pháp luật của Ban lãnh đạo cũng như kế toán trong doanh nghiệp liên kết không cao thì khả năng gian lận trong định giá chuyển giao rất lớn. Hatem Elsharawy (2006) cho rằng môi trường pháp luật cũng có ảnh hưởng đến các hoạt động định giá chuyển giao. Đặc điểm về thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, buộc doanh nghiệp phải sử dụng công cụ tài chính phái sinh để: (i) gia tăng giá trị doanh nghiệp (Froot và cộng sự, 1993); (ii) giảm chi phí phá sản dự kiến và tăng giá trị doanh nghiệp (Smith và Stulz, 1985); (iii) giảm nguy cơ rủi ro tìm ẩn hoặc quản lý rủi ro dự kiến; (iv) bù đắp những rủi ro kinh doanh vốn có (Danthine, 1978); (v) giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí vốn vay, ổn định thu nhập. 3. TẠI SAO PHẢI KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP FDI? Có nhiều quan niệm khác nhau về chuyển giá, theo Lymer và Haseldine (2002) cho rằng: Chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới mà không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của Công ty đa quốc gia (MNCs) trên toàn cầu. Đây cũng là khái niệm được nhiều nghiên cứu tại Việt Nam sử dụng. Theo Li (2005), chuyển giá quốc tế (ITP – International Transfer Pricing) là quá trình định giá của hàng hóa và dịch vụ được chuyển giữa các công ty có quan hệ liên kết ở các quốc gia khác nhau. Còn Gunaydin (1999, trích bởi Dogan, Deran và Koksal, 2013) cho rằng, chuyển giá là thuật ngữ được sử dụng đại diện cho các giá trị của các giao dịch giữa các công ty con trong cùng một tập đoàn, 184
  5. hoạt động tại các quốc gia khác nhau. MNCs thường nắm bắt và vận dụng những quy định khác biệt về thuế giữa các quốc gia, các ưu đãi về thuế để xây dựng và áp dụng chính sách giá giao dịch trong nội bộ tập đoàn. Giá chuyển giao có thể được định ở mức cao hay thấp tùy vào lợi ích đạt được từ những giao dịch này (Tổng cục Thuế, 2011). Định giá chuyển giao là việc thiết lập giá cho những giao dịch nội bộ (tức là giao dịch giữa các bên liên quan) đối với hàng hóa, dịch vụ, tài sản vô hình và dòng vốn trong tập đoàn đa quốc gia (Eden 2003). Các giao dịch nội bộ cho phép các công ty đa quốc gia thực hiện “hành vi đa quốc gia” của nó để bù đắp cho chi phí hoạt động ở nước ngoài và đạt được lợi thế cạnh tranh. Cho nên khi thực hiện, thao túng giá chuyển giao (Transfer Pricing Manipulation – TPM) là chiến lược thiết lập giá chuyển giao bên trên hoặc bên dưới chi phí cơ hội để tránh sự kiểm soát của Chính phủ và những khác biệt trong quy định giữa các quốc gia (Horst 1971, Eden 1998). Các hình thức thao túng chuyển giá như: định giá thấp hàng xuất khẩu từ nơi có thuế suất cao đến nơi có thuế suất thấp - tạo ra lợi nhuận thấp hơn ở khu vực có thuế cao; định giá cao hàng xuất khẩu từ nơi có thuế suất thấp đến nơi có thuế suất cao - tạo ra lợi nhuận cao hơn ở nơi có thuế suất thấp; giao dịch gián tiếp qua một nước thứ ba tính chi phí hóa đơn cho chi nhánh ở khu vực thuế cao bằng các giao dịch nội bộ bởi chi nhánh có thuế thấp; tập trung quyền sở hữu tài sản vô hình tại những khu vực có thuế suất thấp. Ngoài ra, hoạt động chuyển giá (định giá chuyển giao) sẽ gây ra tình trạng mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu quốc tế của quốc gia đó. Từ những nội dung đã nêu, tác giả thống nhất dùng thuật ngữ “chuyển giá” (Transfer Pricing) để chỉ hành vi định giá giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết không theo giá thị trường. “Định giá chuyển giao” thể hiện hành vi xác định giá cả khi thực hiện giao dịch. Theo tác giả thuật ngữ “chuyển giá” cô đọng, xúc tích và hàm chứa ý nghĩa là chuyển các lợi ích thông qua giá. Hơn nữa, Bình Dương tiếp tục là điểm sáng về thu hút đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba cả nước về thu hút FDI, với kết quả đó cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Bình Dương luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 4. THỰC TRẠNG CHUYỂN GIÁ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP FDI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG Bình Dương là một tỉnh có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài, luôn chủ động phát huy được lợi thế của mình, ngoài thu hút về số lượng các dự án đầu tư, đa dạng về ngành nghề sản xuất kinh doanh, hiện nay tỉnh còn chú trọng thu hút đầu tư ở những nhóm ngành công nghiệp chế tạo kỹ thuật cao, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Theo số liệu thống kê từ Cục thuế tỉnh Bình Dương, có gần 2.653 doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Tuy nhiên cũng giống như các doanh nghiệp FDI của cả nước nói chung các doanh nghiệp ở Bình Dương hầu hết kê khai lỗ, đặc biệt có một số doanh 185
  6. nghiệp kê khai lỗ liên tục qua nhiều năm với số lỗ lớn, số doanh nghiệp kê khai có lãi rất ít và số lãi thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với doanh thu, nhưng mặt khác các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nghịch lý này lại được xác định nguyên nhân cơ bản là do các hành vi chuyển giá mà các doanh nghiệp này thực hiện nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp và chuyển lợi nhuận cho bên liên kết có lợi thế hơn về thuế. Qua phân tích nguyên nhân Cục thuế tỉnh Bình Dương đã tổng hợp ra các phương thức chuyển giá mà các doanh nghiệp FDI chủ yếu sử dụng là: (i) Chuyển giá thông qua việc mua bán nguyên vật liệu sản xuất, thành phẩm hoặc bán thành phẩm giữa các bên có quan hệ liên kết. Các công ty con nhận nguyên vật liệu sản xuất từ công ty mẹ (hoặc bên liên kết) với mức giá cao, hoặc bán thành phẩm cho công ty mẹ (hoặc bên liên kết) theo chỉ định với mức giá thấp. (ii) Chuyển giá được phát sinh qua giao dịch chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết. Giá chuyển giao các dây chuyền máy móc, thiết bị, nguyên liệu đặc thù được xác định cao hơn nhiều lần so với giá trị thật của tài sản đó. Việc xác định được các phương thức chuyển giá chủ yếu mà các doanh nghiệp này sử dụng sẽ giúp ích cho cơ quan thuế có thể xây dựng được kế hoạch quản lý cụ thể, chi tiết và hiệu quả hơn. 5. THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT CHUYỂN GIÁ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP FDI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH Do tính chất đặc thù của công tác chống chuyển giá, Cục thuế tỉnh Bình Dương luôn xác định công tác quản lý giá chuyển nhượng là công việc trọng tâm của ngành, đồng thời là công việc thường xuyên, lâu dài và đầy khó khăn thách thức, đặc biệt là trong điều kiện về nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, cơ sở dữ liệu còn thiếu và độ tin cậy thấp. Vì vậy, Cục thuế đã tiến hành xây dựng kế hoạch; xác định mục tiêu; thu thập dữ liệu, nhằm từng bước kiểm soát và có biện pháp quản lý cũng như xử lý một cách hiệu quả đối với công tác này, cũng như khắc phục những khó khăn, hạn chế tồn tại. Cụ thể từng bước được tiến hành như sau: (1) Thống kê danh sách các doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết trên địa bàn, tiếp đến kiểm tra việc kê khai thông tin về giao dịch liên kết theo mẫu GCN-01/QLT được hướng dẫn và ban hành kèm theo Thông tư 66/2010/TT-BTC. Từ đó xác lập danh sách các doanh nghiệp đã kê khai, chưa kê khai hoặc kê khai không đúng để có biện pháp xử lý thích hợp. (2) Trên cơ sở danh sách thống kê tiến hành phân loại theo từng lĩnh vực ngành nghề, xác định hình thức và quy mô giao dịch liên kết. Tiến hành phân tích những dữ liệu thu thập được để xác định các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá (còn đối với các doanh nghiệp chưa xác định có dấu hiệu chuyển giá, tiếp tục theo dõi tình hình kê khai, nộp thuế cũng như tình hình hoạt động kinh doanh trong thời gian tới). (3) Đối với các doanh nghiệp nằm trong danh sách có dấu hiệu chuyển giá: (i) Trước mắt, chọn các doanh nghiệp có giao dịch liên kết dạng đơn giản, quy mô nhỏ, có 186
  7. khả năng thực hiện được phù hợp với năng lực quản lý của cơ quan thuế và chọn các doanh nghiệp FDI mới đi vào hoạt động, để kịp thời ngăn chặn hành vi chuyển giá khi mới phát sinh, tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI có phát sinh giao dịch liên kết và kê khai lỗ lớn, liên tục nhiều năm trên địa bàn; (ii) Xây dựng tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn của từng ngành nghề; (iii) Khi tiến hành triển khai công tác kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá, Cục thuế lồng ghép công tác này gắn với công tác quản lý thuế, kiểm tra, thanh tra thuế… 6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Nghiên cứu được thực hiện thông qua hai phương pháp: phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng. Cụ thể, tác giả sử dụng (i) phương pháp thu thập thông tin: thu thập các báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Bình Dương; Các báo cáo kết quả thanh tra doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Tổng cục Thuế và Cục thuế tỉnh Bình Dương; một số kết luận thanh tra các vi phạm về nghĩa vụ thuế, nghi vấn chuyển giá của Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước; Các văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo, đề án, chương trình có liên quan của Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Thuế và Cục thuế tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, còn có các bài báo khoa học, bài báo thời sự trong nước và nước ngoài có liên quan đến doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động chuyển giá…. (ii) Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng để phân tích các số liệu thống kê, kết quả xử lý số liệu để thấy được tác động của các yếu tố của ảnh hưởng đến chính sách định giá chuyển giao trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và liên kết các luận điểm nghiên cứu thành một thể thống nhất nhằm thể hiện được hầu hết các nội dung về vấn đề cần nghiên cứu. (iii) Phương pháp so sánh được sử dụng để tìm hiểu sự khác biệt trong việc tìm kiếm các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách định giá chuyển giao của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và so sánh kết quả nghiên cứu của tác giả với kết quả của các nghiên cứu trước đã được đề cập đến trong phần tổng quan. 7. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ Để nâng cao hiệu quả kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, một mặt vừa bảo vệ nguồn thu của ngân sách nhà nước, lợi ích của các chủ thể khác trong nền kinh tế; mặt khác không được gây ảnh hưởng, làm mất tính hấp dẫn đối với chính sách thu hút nguồn FDI của Chính phủ, tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau: Thứ nhất, để nâng cao hiệu quả kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, cần phải hoàn thiện chính sách tỷ giá: Đồng tiền một quốc gia mất giá ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo toàn vốn đầu tư và lợi nhuận của các nhà đầu tư cũng là nguyên nhân thúc đẩy 187
  8. hành vi chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Do đó, cần có chính sách tỷ giá phù hợp như: (i) Gia tăng tích lũy ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ phải tương xứng với tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu. Từng bước xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý, môi trường hoạt động nhằm đưa nghiệp vụ thị trường mở lên đúng vị trí của nó trong việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Cần lựa chọn phương pháp khả thi cho việc xây dựng cơ cấu dự trữ ngoại tệ chủ yếu đối với những đồng tiền mạnh như USD, Yen, Euro,... (ii) Thực hiện chính sách lãi suất phù hợp với cơ chế thị trường, chính sách tỷ giá hối đoái theo thị trường có sự điều tiết linh hoạt với biên độ phù hợp. (iii) Đổi mới chính sách quản lý ngoại hối, phát triển thị trường tài chính, không ngừng chú trọng hoàn thiện công cụ nghiệp vụ thị trường mở nội tệ. Thứ hai, để nâng cao hiệu quả kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, cần phải hoàn thiện chính sách thuế, đặc biệt là thuế suất thuế TNDN nếu ở mức độ cao sẽ tạo ra sự khuyến khích đối với hành vi chuyển giá. Bên cạnh đó, mức thuế cao trong các sắc thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt cao cũng tạo ra động lực để các doanh nghiệp FDI chuyển giá. Vì thế, cần rà soát tổng thể hệ thống thuế có thể giảm các loại thuế hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Thứ ba, để nâng cao hiệu quả kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, cần phải quan tâm đến sự ổn định đồng tiền Việt Nam. Ảnh hưởng của sự mất giá đồng tiền Việt Nam so với các đồng tiền mạnh khác là điều lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài và là động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp FDI thực hiện thủ thuật chuyển giá khi đầu tư vào Việt Nam. Do đó, giải pháp ổn định tiền tệ cũng góp phần hạn chế động lực chuyển giá của doanh nghiệp FDI, đồng thời có tác dụng thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thứ tư, để nâng cao hiệu quả kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, cần phải hoàn thiện thể chế, để thu hút nguồn vốn FDI, song song với việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống hạ tầng thuận tiện, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung thì cần phải phát huy tính chủ động, vận dụng sáng tạo các quy định của Nhà nước để xây dựng một hệ thống các giải pháp kiểm soát chuyển giá riêng phù hợp với các doanh nghiệp FDI hoạt động trên địa bàn. Thứ năm, để nâng cao hiệu quả kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI cần phải xây dựng chính sách giáo dục phù hợp, cụ thể kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực làm công tác kiểm soát chuyển giá. Chuyển giá thường tập trung vào các doanh nghiệp FDI là thành viên công ty đa quốc gia có nhiều kinh nghiệm hoạt động trên toàn cầu. Bên cạnh đó, cùng với sự giúp sức của hàng loạt công ty tư vấn, những chuyên gia giàu kinh nghiệm nên công tác đấu tranh với chuyển giá đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm soát chuyển giá phải có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm là vô cùng cần thiết. Cần có định hướng đào tạo tập trung vào kiến thức về giá chuyển nhượng, kỹ năng phân tích hồ sơ khai thuế, kỹ năng thanh tra, kiểm tra và phong cách 188
  9. làm việc; đồng thời có kiến thức về các lĩnh vực mà Cục thuế đang quản lý như: ngành cơ khí chính xác, ngành dệt may, điện tử, ô tô,… Thứ sáu, để nâng cao hiệu quả kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý, vì một khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn nhiều kẻ hở mà lợi dụng vào đó doanh nghiệp FDI vận dụng “lách luật” để chuyển giá. Do vậy, cần phải có hệ thống pháp luật vững chắc tạo thuận lợi cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp áp dụng thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, chi phí vận hành và tuân thủ thấp, hướng tới tuân thủ các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Xây dựng các quy định về giá chuyển nhượng, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Thông tư 41/2017/TT-BTC. Trong thời gian tới, hiện tượng kinh tế này cần thiết phải được luật hóa để tăng hiệu lực pháp lý cho công tác quản lý nên việc ban hành Luật Kiểm soát chuyển giá hay Luật Xác định giá thị trường trong giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết là cần thiết… Thứ bảy, để nâng cao hiệu quả kiểm soát chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, cần phải xây dựng môi trường kinh tế xã hội ổn định, bởi lẽ yếu tố kinh tế vĩ mô tác động rất lớn đến chuyển giá và hoạt động kiểm soát chuyển giá. Các công ty đa quốc gia chỉ đầu tư vào nơi có nền kinh tế ổn định, bởi đó có nhiều cơ hội kinh doanh và loại trừ được rủi ro chính trị. Còn nếu một nền kinh tế thiếu ổn định, khó dự báo về chiều hướng phát triển như lạm phát cao, chính sách thuế chưa rõ ràng,… hoàn toàn có thể thúc đẩy các chi nhánh đa quốc gia thực hiện chuyển giá. Kinh tế vĩ mô thiếu ổn định sẽ gây ra khó khăn cho hoạt động kiểm soát chuyển giá. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô trong đó chú trọng các giải pháp như: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối phù hợp với mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế; xử lý giảm thiểu các khoản nợ xấu. 8. KẾT LUẬN Việc thu hút đầu tư nước ngoài đóng góp vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Bên cạnh đó, cũng tồn tại nhiều bất cập mà đặc biệt là hiện tượng định giá chuyển giao, trốn thuế ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã và đang tồn tại. Tuy vậy, việc thực hiện chính sách định giá chuyển giao cũng là cần thiết cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm bảo tồn vốn đầu tư để tránh các rủi ro trong môi trường sản xuất kinh doanh. Do vậy, bài viết đã tìm hiểu và đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển giá của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để đưa ra những khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. 189
  10. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Các quy định về chuyển giá tại Việt Nam (áp dụng từ 2016 trở về trước), Tháng 11.2015,https://www.kreston.vn/vn/blog/ho-tro-dich-vu/cac-quy-dinh-ve- chuyen-gia-tai-viet-nam.html. 2. Cơ sở pháp lý chống chuyển giá và vấn đề hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá ở Việt Nam, Tháng 12/2015, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu- trao-doi.aspx?ItemID=1896 . 3. Th.s Nguyễn Thanh Hà, “Chuyên đề về chuyển giá doanh nghiệp FDI - Kỳ I. Nhận biết chuyển giá và các tác động của chuyển giá doanh nghiệp”, http://vietthink.vn/140/print-article.html . 4. Nghiên cứu hiện tượng chuyển giá tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, https://text.123doc.org/document/1890949-nghien-cuu-hien-tuong- chuyen-gia-tai-cac-doanh-nghiep-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam.htm . 5. Chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI: Thực trạng và giải pháp, http://www.khoahockiemtoan.vn/762-1-ndt/chuyen-gia-trong-cac-doanh-nghiep- fdi-thuc-trang-va-giai-phap.sav 6. Phan Đức Dũng (2018), “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách định giá chuyển giao nội bộ của các công ty có mối quan hệ liên kết (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)”. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. 7. Phan Đức Dũng (2018), “Xây dựng mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách định giá chuyển giao trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. Tạp chí Khoa học ISSN 0866 - 7969. 8. Nguyễn Thị Thủy (2018), “Đề xuất giải pháp ngăn chặn chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI”, Tạp chí Công thương, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T4/2018. 9. Ngô Quang Trung (2014), “Vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 1. 10. Transfer Price, https://www.investopedia.com/terms/t/transferprice.asp 11. Essay The Political Nature of Accounting Standard Setting, Tháng 09/2011, https://www.bartleby.com/essay/The-Political-Nature-of-Accounting-Standard- Setting-FKCBG243VJ 12. Economic Consequences and the Political Nature of Accounting Standard Setting, Tháng 01/2010, https://profalbrecht.wordpress.com/2010/01/06/economic- consequences-and-the-political-nature-of-accounting-standard-setting/ 13. Deloitte (2012), Global Transfer Pricing Country Guide 14. Moritz Hiemann and Stefan Reichelstein (2012), “Transfer Pricing in Multinational Corporations: An IntergratedManagement and TaxPerspective” 15. “Practical Manual on Transfer Pricing for Developing Countries”, 2013 190
  11. 16. “Practical Manual on Transfer Pricing for Developing Countries”, 2018 17. Arrow, K. (1974) The limits of organization (1st ed.), New York, Norton. 18. Afifah Nazihah, Azwardi, Luk Luk Fuadah (2019), The Effect Of Tax, Tunneling Incentive, Bonus Mechanisms, And Firm Size On Transfer Pricing (Indonesian Evidence), Journal of Accounting, Finance and Auditing Studies5/1 (2019) 1 - 17. 19. Bernard,A.B.; Jensen, J.B.; Schott, P.K.(2006), “Transfer pricing by U.S -Based Multinational firms” 20. Barringer, M.; Milkovich, G. (1998) A theoretical exploration of the adoption and design of flexible benefit plans: A case of human resource innovation, Academy of Management Review, 23, 2, 305 - 324 21. Cheng Hui, Wu Zhan Xia (2014), Research on the factors of transfer pricing of Chinese enterprises, International Conference on Behavioral. 22. DiMaggio, P.; Powell, W. (1983) The iron cage revisited: Institutional isomorphism and collective rationality in organizational fields, American Sociological Review, 48, 2, 147 - 160. 23. Eden, L. (2003) The Internalization Benefits of Transfer Price Manipulation. Bush School Working Paper #315. 24. Li, J. (2005), “International transfer pricing practices in New Zealand”; Lấy vềtừ: http://dspace.lincoln.ac.nz.Lymer, A. & Hasseldine, J (2002), The International Taxation System. 25. Greening, D.; Gray, B. (1994) Testing a model of organizational response to social and political issues, Academy of Management Journal, 37, 3, 467 - 498. 26. Meyer, J.; Rowan, B. (1977) Institutionalized organizations: Formal structure as myth and cermony, American Journal of Sociology, 83, 2, 340 - 363. 27. Meyer, J.; Rowan, B. (1977) Institutionalized organizations: Formal structure as myth and cermony, American Journal of Sociology, 83, 2, 340 -363. 28. Oliver, C. (1997) Sustainable competitive advantage: Combining institutional and resource-based views, Strategic Management Journal, 18, 9, 697 - 713. 29. Scott, W. (1998) Organizations: Rational, natural, and open systems (4th ed.), Upper Saddle River, N. J., Prentice Hall. 30. Zeki Doğan, Ali Deran, Ayşe Gül Köksal (2013), Factors Influencing the Selection of Methods and Determination of Transfer Pricing in Multinational Companies: A Case Study of United Kingdom, International Journal of Economics and Financial Issues, Vol. 3, No. 3, 2013, pp.734 - 742, ISSN: 2146 - 4138 191
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
10=>1