intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kinh nghiệm nghiên cứu thông tin bộ phận trên báo cáo tài chính: Thế giới và Việt Nam

Chia sẻ: Tưởng Bách Xuyên | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Kinh nghiệm nghiên cứu thông tin bộ phận trên báo cáo tài chính: Thế giới và Việt Nam" tập trung tổng kết một số nghiên cứu về thông tin bộ phận đã được thực hiện trên thế giới và Việt Nam, từ đó đề xuất một số vấn đề nghiên cứu liên quan tới thông tin bộ phận trình bày trên BCTC tại Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kinh nghiệm nghiên cứu thông tin bộ phận trên báo cáo tài chính: Thế giới và Việt Nam

  1. KINH NGHIỆM NGHIÊN CỨU THÔNG TIN BỘ PHẬN TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH: THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM ThS. Đàm Thị Kim Oanh Viện Kế toán - Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Thực tế cho thấy rằng, với xu hướng phát triển các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và với mạng lưới kinh doanh rộng khắp thế giới thì thông tin bộ phận trên báo cáo tài chính (BCTC) là cần thiết để giúp đối tượng sử dụng thông tin ra quyết định. Các bộ phận hoạt động khác nhau trong doanh nghiệp có thể có sự khác biệt đáng kể về khả năng sinh lời, rủi ro và lợi ích đem lại. Hoạt động tổng thể của doanh nghiệp được cấu thành từ hoạt động của các bộ phận riêng rẽ. Do vậy, nếu thiếu thông tin về từng bộ phận hoạt động riêng rẽ thì các nhà phân tích tài chính không thể đánh giá được viễn cảnh tương lai của doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, trong bài viết này tác giả tập trung tổng kết một số nghiên cứu về thông tin bộ phận đã được thực hiện trên thế giới và Việt Nam, từ đó đề xuất một số vấn đề nghiên cứu liên quan tới thông tin bộ phận trình bày trên BCTC tại Việt Nam. Từ khóa: thông tin bộ phận, báo cáo tài chính, báo cáo bộ phận. Abstract With the increasing complexity of business enterprises and the growing popularity of conglomerate type of businesses, segment reporting is fundamentally indispensable to users of financial statements for making dicisions. The segments may vary significantly in terms of profitability, risks and returns. It is recognised that the performance of the businesss as a whole is a combination of the performance of its individual elements. Thus, without information concerning the individual elements, financial analysts would find it impossible to assess the future prospects of the business. This paper gives some studies of segment information which were examined on the world and Vietnam. The author then suggests new research issues on segment information in Vietnam. Key words: segment information, financial statements, segment reporting. 315
  2. 1. Chuẩn mực kế toán về báo cáo bộ phận (BCBP) BCBP đã trở thành vấn đề quan trọng đối với các nhà xây dựng chuẩn mực (Edwards và Smith, 1996). Trên thế giới, khởi nguồn về BCBP bắt đầu có từ năm 1976 tại Hoa Kì với việc Ban chuẩn mực kế toán tài chính (FASB) ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính SFAS 14 - Financial Reporting for Segments of a Business Enterprise. Chuẩn mực này yêu cầu các doanh nghiệp trình bày BCBP theo từng sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc nhóm các sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự nhau mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng đóng góp trong việc tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp hoặc trình bày riêng rẽ theo từng khu vực địa lý. Tháng 6/1997, FASB ban hành chuẩn mực BCBP mới SFAS 131 thay thế cho SFAS 14. Theo SFAS 131 định nghĩa bộ phận được báo cáo ra bên ngoài là các bộ phận được các nhà quản trị bên trong doanh nghiệp sử dụng để báo cáo nhằm phục vụ cho việc ra quyết định. Trên góc độ chuẩn mực kế toán quốc tế, vào tháng 8/1981, Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASC) ban hành IAS 14 – Báo cáo bộ phận (Segment Reporting). Yêu cầu về trình bày BCBP của IAS 14 giống với SFAS 14. IAS 14 được sửa đổi (IAS 14R-Revised) lần 1 vào năm 1997 và sửa đổi lần 2 vào năm 2003. Theo IAS 14R thì một công ty phải xác định được sản phẩm kinh doanh hoặc khu vực địa lý nào của công ty tạo ra lợi nhuận cũng như rủi ro chính của công ty, từ đó nhà quản trị của công ty phải xác định trình bày BCBP chính yếu và thứ yếu dựa trên sản phẩm kinh doanh hoặc lĩnh vực địa lý. Vì thế Street và Nichols (2002) nhận định bộ phận được xác định dựa trên IAS 14R là theo cách tiếp cận 2 tầng (two-tier approach), đó là cách thức quản lý (management approach) và cách thức rủi ro/lợi ích (risk/reward approach). Gần đây nhất, vào tháng 11/2006, Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) đã ban hành Chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS 8 - Operating Segments thay thế cho IAS 14 và chính thức áp dụng từ 01/01/2009. Điểm khác biệt cơ bản giữa IFRS 8 và IAS 14 là cách thức xác định bộ phận hoạt động và những thông tin cần báo cáo. Trong khi, IAS 14R yêu cầu doanh nghiệp trình bày thông tin bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh hoặc lĩnh vực địa lý bởi IAS 14R tiếp cận theo hai cách thức là cách thức quản lý (management approach) và cách thức rủi ro/lợi ích (risk/reward approach) thì IFRS 8 có cách tiếp cận về các bộ phận hoạt động từ góc nhìn của các nhà quản lý doanh nghiệp, tức là bộ phận được xác định để báo cáo phải được dựa trên báo cáo nội bộ phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản trị doanh nghiệp, điều này là tương đồng với SFAS 131, giúp cho hài hòa giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Mỹ. Ngoài ra, IFRS 8 quy định rõ giá trị của mỗi chỉ tiêu được trình bày trên BCBP được lấy từ chính các số liệu được báo cáo phục vụ cho việc ra quyết định bên trong doanh nghiệp. Ngược lại IAS 14R yêu cầu thông tin trình bày trên BCBP phải phù hợp 316
  3. với các chính sách kế toán mà doanh nghiệp sử dụng để lập và trình bày BCTC, điều đó có nghĩa là IAS 14R có cách tiếp cận về các bộ phận hoạt động trên góc độ tuân thủ các chuẩn mực BCTC (Epstein và Jermakowicz, 2009). Theo IAS 14R yêu cầu doanh nghiệp trình bày mỗi khoản mục xác định cho BCBP tuân theo chuẩn mực, mà không chú ý đến thông tin được các nhà quản trị bên trong doanh nghiệp sử dụng để đánh giá doanh nghiệp. Nhìn chung thì lý do chính cho sự thay đổi từ IAS 14R sang IFRS 8 chỉ nhằm mục đích thông qua thông tin bộ phận được trình bày giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin có cách nhìn nhận doanh doanh nghiệp “theo cách nhìn nhận của nhà quản trị doanh nghiệp” một cách tốt hơn (Sabrina P. & Loris L., 2012). Theo như IASB thì tinh thần chính của IFRS 8 là yêu cầu các doanh nghiệp phải trình bày các thông tin để giúp cho các đối tượng sử dụng BCTC có được các thông tin tương tự như thông tin mà các nhà quản trị bên trong doanh nghiệp sử dụng để đánh giá bản chất và ảnh hưởng tài chính của các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp tham gia. Thêm vào đó, thì với cách tiếp cận theo cách nhìn của nhà quản lý doanh nghiệp như của IFRS 8 sẽ hiệu quả về mặt chi phí trong việc lập BCBP vì thông tin để lập BCBP đã được thu thập sẵn để lập báo cáo nội bộ của doanh nghiệp. 2. Tầm quan trọng của BCBP Vai trò của thông tin do BCBP cung cấp là quan trọng khi mà hiện nay xu hướng phát triển các doanh nghiệp là kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và với mạng lưới kinh doanh rộng khắp thế giới. Hoạt động tổng thể của doanh nghiệp được cấu thành từ hoạt động của các bộ phận riêng rẽ. Do vậy, nếu thiếu thông tin về từng bộ phận hoạt động riêng rẽ thì các nhà phân tích tài chính không thể đánh giá được viễn cảnh tương lai của doanh nghiệp. Điều đó sẽ khó khăn cho các đối tượng sử dụng thông tin BCTC trong việc ra quyết định khi mà không có đủ thông tin về các bộ phận (Hope, Kang, Thomas & Vasvari, 2009). Vì thế, BCBP là tuyệt đối cần thiết và không thể thiếu cho quá trình phân tích đầu tư. Lợi ích của trình bày thông tin bộ phận đối với các phân tích dự báo đã được điều tra bởi nhiều nghiên cứu trước đây. Nhiều nhà phân tích tài chính đã chỉ ra trình bày thông tin bộ phận sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tính chính xác của các dự báo. Theo Tse (1989) giá trị cổ phiếu được nâng cao bởi việc trình bày thông tin bộ phận theo từng ngành kinh doanh. Hơn nữa, chính thông tin bộ phận giúp cải thiện việc dự đoán thu nhập trên một cổ phiếu (Swaminathan, 1991). BCBP cho phép các nhà phân tích tài chính tích hợp tốt hơn dữ liệu của doanh nghiệp với các dữ liệu bên ngoài và tăng độ chính xác của dự báo về thu nhập trên một cổ phiếu (Balakrishnan, Harris & Sen, 1990). 317
  4. 3. Những nhân tố ảnh hưởng đến thực tiễn trình bày thông tin BCBP của các doanh nghiệp Grossman (1981) và Milgrom (1981) đã chỉ ra các động cơ khiến các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư đó là các nhà đầu tư sẽ trả mức giá thấp cho những cổ phiếu của những công ty không cung cấp đủ thông tin. Tuy nhiên, thực tế mức độ cung cấp thông tin của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính các nhân tố thuộc về đặc điểm của doanh nghiệp. Vì thế, chất lượng của thông tin bộ phận sẽ là khác nhau giữa các doanh nghiệp và giữa các quốc gia (Herman & Thomas, 1997). Trước hết về nhân tố quy mô doanh nghiệp, nhiều nghiên cứu trước đây đã đi tìm hiểu mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và vấn đề trình bày thông tin bộ phận. Hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra những doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ trình bày thông tin bộ phận toàn diện hơn những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Bởi lẽ sẽ phát sinh chi phí cho việc thu thập thông tin và trình bày thông tin nên các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn sẽ có khả năng chi trả các khoản chi phí này (Buzby, 1975; Singhvi & Desai, 1971). Một nghiên cứu sớm hơn được thực hiện bởi Cerf (1961) bằng việc sử dụng chỉ số đo lường mức độ trình bày thông tin BCTC đã kết luận có mối quan hệ thuận chiều giữa quy mô tài sản doanh nghiệp, số lượng cổ đông và tình trạng niêm yết với mức độ trình bày thông tin. Talha, Sallehhuddin & Mohammad (2007) đã khẳng định các yếu tố quy mô doanh nghiệp, mức độ sinh lời, mức độ phát triển, đòn bẩy tài chính và cấu trúc sở hữu của doanh nghiệp là những yếu tố ảnh hưởng đến nội dung thông tin bộ phận nào sẽ được doanh nghiệp trình bày. Một nghiên cứu tổng hợp các nhân tố thuộc về đặc điểm của doanh nghiệp ảnh hưởng đến mức độ trình bày thông tin bộ phận được thực hiện bởi Mishari & Faisal (2011) với mẫu gồm 123 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Kuwait vào năm 2008. Kết quả cho thấy rằng quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng thuận chiều đến mức độ thông tin bộ phận trình bày, cụ thể doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng sẵn sàng trình bày thông tin nhằm giảm chi phí chính trị và hạn chế sự can thiệp của chính phủ và các vấn đề kiện tụng. Trong khi đó doạnh nghiệp có quy mô nhỏ hơn có xu hướng che giấu những thông tin nhạy cảm bởi vì việc cung cấp thông tin đầy đủ có thể ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp (Chavent và các cộng sự, 2006). Như vậy mối quan hệ thuận chiều giữa quy mô doanh nghiệp và mức độ thông tin bộ phận được báo cáo là cũng phù hợp với những kết quả nghiên cứu đã kể trên. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng chỉ ra nhân tố chất lượng kiểm toán cũng ảnh hưởng đáng kể đến trình bày thông tin bộ phận. Những doanh nghiệp được kiểm toán bởi công ty Big 4 có xu hướng trình bày thông tin bộ phận đầy đủ hơn những công ty được kiểm toán 318
  5. không bởi Big 4. Tất cả các nhân tố còn lại (tuổi doanh nghiệp, khả năng sinh lời, đòn bẩy tài chính) đều ảnh hưởng thuận chiều đến mức độ thông tin bộ phận, ngoại trừ nhân tố tỷ độ tăng trưởng cho kết quả là ảnh hưởng ngược chiều. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng mức độ trình bày thông tin trên BCBP giữa các công ty không những phụ thuộc vào đặc điểm từng công ty mà còn phụ thuộc vào những chi phí công ty phải trả để làm điều này. Điều này có nghĩa là việc cung cấp nhiều hay ít thông tin bộ phận là không chỉ phụ thuộc vào quy định BCBP mà còn phụ thuộc vào hành vi áp dụng quy định của doanh nghiệp. Theo lý thuyết chi phí sở hữu (proprietary costs theory) (Dye, 1986; Verrecchia, 1983), hành vi này của doanh nghiệp được lý giải như sau: mức độ thông tin mà doanh nghiệp cung cấp phụ thuộc vào những chi phí mà doanh nghiệp phải đối mặt. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ hạn chế cung cấp thông tin khi mà thông tin cung cấp này có ảnh hưởng xấu đến vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi BCBP cung cấp thông tin chi tiết về kết quả từng hoạt động của doanh nghiệp giúp nhà đầu tư, nhà phân tích và các đối tượng liên quan khác trong việc dự đoán lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp. Nhưng mặt khác, thông tin này cũng tiết lộ cho đối thủ cạnh tranh thấy được cơ hội để khai thác phát triển, từ đó ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là mức độ trình bày thông tin BCBP có bị ảnh hưởng bởi yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực. Theo Hayes và Lundholm (1996) chỉ ra rằng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh gay gắt sẽ trình bày BCBP theo từng hoạt động riêng rẽ nếu như các hoạt động này có kết quả kinh doanh gần như tương tự nhau. Mặt khác các doanh nghiệp sẽ trình bày thông tin về các hoạt động khác nhau chung trên một BCBP khi mà kết quả giữa các hoạt động này khác nhau đáng kể. Nhận định này được làm rõ hơn trong nghiên cứu của Sabrina & Loris (2012) thực hiện nhằm xác định các yếu tố của BCBP được trình bày của 124 công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Ý cho hai năm tài chính 2008 (năm áp dụng IAS 14R) và 2009 (năm áp dụng IFRS 8) kết thúc vào 31/12 dựa trên lý thuyết chi phí cạnh tranh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ cạnh tranh ngành cao hơn thì sẽ có mức độ trình bày thông tin BCBP lớn hơn. Hơn nữa, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ít cạnh tranh thì sẽ giảm các khoản mục trình bày trên BCBP theo IFRS 8 so với báo cáo năm trước áp dụng theo IAS 14R. Ngoài ra, theo Quagli và Teodori (2005) điều tra 133 doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết ở Ý năm 2001 đưa ra kết luận: các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực, may mặc, giày dép, gốm sứ, công nghệ thông tin và ô tô trình bày nhiều thông tin hơn so với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác. Hơn nữa, nhóm tác giả này cũng chỉ ra những công ty niêm yết sẽ trình bày nhiều thông tin hơn so với công ty không niêm yết. 319
  6. Như vậy có nhiều nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến mức độ thông tin bộ phận được trình bày trên BCTC. Nghiên cứu về vấn đề này có nhiều nghiên cứu khác nhau của những tác giả khác nhau, được thực hiện ở những quốc gia khác nhau. Phần lớn các nghiên cứu tập trung đi tìm hiểu ảnh hưởng của các nhân tố thuộc về đặc điểm của doanh nghiệp đến mức độ công bố thông tin bộ phận. Từ đó gợi ý cho một vấn đề nghiên cứu tại Việt Nam là mức độ công bố thông tin bộ phận của các doanh nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng tác động của những nhân tố nào? 4. Ảnh hưởng của sự chuyển đổi từ IAS 14 sang IFRS 8 tới việc cung cấp thông tin bộ phận Thực tiễn về việc cung cấp thông tin trên BCBP cũng có những thay đổi nhất định khi thay đổi chuẩn mực áp dụng. Ảnh hưởng của IFRS 8 đến trình bày thông tin bộ phận cũng đã được điều tra bởi nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán. Crawford và các cộng sự (2012) đã điều tra quan điểm của các nhà lập BCBP, các nhà kiểm toán, các nhà xây dựng luật và các đối tượng sử dụng khác về ảnh hưởng của việc thực hiện IFRS 8 ở Liên minh châu Âu trong giai đoạn từ 2008-2009. Hầu hết các câu trả lời nhận được là việc áp dụng IFRS 8 theo hướng tiếp cận quản lý doanh nghiệp cho việc xác định cho các bộ phận báo cáo là hữu ích. Nhóm tác giả này cũng nghiên cứu BCTC năm 2008 (năm áp dụng IAS 14) và năm 2009 (năm đầu tiên áp dụng IFRS 8) của 100 doanh nghiệp Mỹ đã chỉ ra số lượng trung bình BCBP đã tăng lên khi áp dụng IFRS 8. Số lượng trung bình BCBP theo lĩnh vực địa lý cũng tăng lên mặc dù vấn đề này ít được coi trọng hơn trong IFRS 8 so với IAS 14 trước đây. Khảo sát của KPMG (2010) về việc áp dụng IFRS 8 tại 81 các công ty của 17 quốc gia thuộc danh Fortune Global 500 năm 2009 (năm đầu tiên áp dụng IFRS 8) cho thấy số lượng BCBP được trình bày tăng từ 4,6% khi áp dụng IAS 14 lên 5,2% khi áp dụng IFRS 8. Thêm nữa là nghiên cứu của Nichols, Street & Cereola (2012) cũng đã nghiên cứu về ảnh hưởng của việc áp dụng IFRS 8 đến việc trình bày BCBP của các công ty blue chip châu Âu trên cơ sở khảo sát BCTC năm 2008 và năm 2009 của 335 công ty niêm yết trên các thị trường chứng khoản các nước Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ai-len, Ý, Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Hai nghiên cứu này cũng có những kết luận tương đồng với nghiên cứu Crawford và các cộng sự (2012). Nghiên cứu khác lại được thực hiện với BCTC từ năm 2007 đến năm 2010 của 190 công ty phi tài chính gồm 26 công ty ở New Zealand, 63 công ty ở Úc, 70 công ty ở Hồng Kông và 31 công ty ở Trung Quốc (Ying Liu, 2014). Nghiên cứu đã kết luận rằng việc áp dụng IFRS 8 cũng đã cải thiện mức độ trình bày thông tin bộ phận. Cụ thể, việc trình bày thông tin về các bộ phận đã tăng lên sau khi áp dụng IFRS 8 đối với 320
  7. các công ty tại Newzealand, Úc, Hồng Kông và Trung Quốc. Điểm này đã ủng hộ kỳ vọng của IASB là tăng chất lượng thông tin được báo cáo khi đưa ra áp dụng IFRS 8 và đồng thuận với các nghiên cứu trên. Nghiên cứu còn chỉ thêm rằng, các doanh nghiệp của Trung Quốc trình bày thông tin bộ phận ít hơn, trong khi đó các doanh nghiệp của Úc có mức trình bày thông tin bộ phận cao nhất, tiếp đến là Hồng Kông và Newzealand trong suốt bốn năm từ 2007-2010. Hàng loạt các nghiên cứu khác như nghiên cứu của Pisano & Landriana (2012) thực hiện điều tra 122 công ty niêm yết tại Ý, nghiên cứu Mardini và các cộng sự (2012) với các công ty niêm yết tài Jordani, nghiên cứu của Kang và Grey (2013) với 189 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Úc và nghiên cứu của He và các cộng sự (2012) thông qua điều tra 173 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Úc đều đưa ra kết luận hoàn toàn giống nhau. Đó là việc áp dụng IFRS 8 trong thực tế làm gia tăng đáng kể số lượng BCBP được trình bày. Tuy nhiên, trái ngược với kết luận trên phải kể đến nghiên cứu Manuela và Ferdinando (2013) đã thực hiện nghiên cứu BCTC 69 công ty niêm yết của Ý giai đoạn năm 2008, 2009, 2010. Tại Ý, trước khi chưa ban hành IAS 14/ IFRS 8, các doanh nghiệp không bắt buộc lập báo cáo bộ phận mà hoàn do các doanh nghiệp thực hiện tự nguyện. Các doanh nghiệp Ý sẽ trình bày thông tin trên báo cáo bộ phận tuân thủ theo chuẩn mực kế toán quốc tế, có nghĩa là các doanh nghiệp phải tuân thủ theo IFRS 8 từ năm tài chính 2009. Bắt đầu từ năm 2009, các doanh nghiệp Ý phải thay đổi các khoản mục thông tin trình bày trên báo cáo bộ phận do sự thay đổi của IFRS 8 so với IAS 14. Nhóm tác giả Manuela và Ferdinando (2013) đưa đến kết luận là không có sự thay đổi đáng kể nào trong việc cung cấp thông tin BCBP do ảnh hưởng bởi sự thay đổi của chuẩn mực. Như vậy, có thể thấy rằng sự ra đời của IFRS 8 đã cải thiện đáng kể tình hình thông tin bộ phận được cung cấp trên BCTC của các doanh nghiệp. Đó cũng chính là mục tiêu của các nhà làm chính sách, với mong muốn thông tin bộ phận cung cấp sẽ giúp cho các nhà phân tích tài chính đánh giá tốt hơn về triển vọng phát triển tương lai của doanh nghiệp. 5. Thực tiễn nghiên cứu thông tin bộ phận tại Việt Nam Ở Việt Nam, Chuẩn mực kế toán VAS 28 - Báo cáo bộ phận ra đời năm 2005 với mục đích quy định nguyên tắc và phương pháp thiết lập các thông tin tài chính theo bộ phận (lĩnh vực kinh doanh hoặc/và các khu vực địa lý) khác nhau của doanh nghiệp. VAS 28 yêu cầu các công ty cổ phần niêm yết hoặc đang trong quá trình chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán cần trình bày thông tin về các bộ phận hoạt động kinh 321
  8. doanh của mình trong thuyết minh BCTC. VAS 28 định nghĩa một bộ phận cần báo cáo trong thuyết minh BCTC là một bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh hoặc một bộ phận theo khu vực địa lý tùy thuộc vào sự khác biệt về tính chất rủi ro và lợi ích kinh tế của lĩnh vực hoặc khu vực địa lý đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Về cơ bản, nội dung của VAS 28 là tương đồng với chuẩn mực IAS 14. Mặc dù VAS 28 ra đời từ năm 2005 và có thông tư hướng dẫn thực hiện năm 2006 nhưng thực tế áp dụng VAS 28 trong thực tiễn vẫn còn khá hạn chế. Trên thực tế, đến tận đầu năm 2012 việc trình bày thông tin về các bộ phận mới được quan tâm nhiều hơn khi các sở giao dịch chứng khoán có công văn yêu cầu các công ty phải bổ sung BCBP hoặc giải trình lý do không trình bày BCBP trong BCTC năm 2011. Nhiều công ty niêm yết làm BCBP phận sơ sài, chưa đáp ứng được các yêu cầu của VAS 28 cũng như yêu cầu của các nhà đầu tư. Thực tế ở Việt Nam khá nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu nhằm tìm câu trả lời cho nhiều câu hỏi, đó là mức độ công bố thông tin của các công ty niêm yết hiện nay đang ở mức độ nào? Phải chăng có những động cơ khiến các nhà quản lý doanh nghiệp tìm cách che giấu những thông tin bất lợi, thổi phồng những thông tin có lợi hoặc cung cấp thông tin một cách không công bằng với nhà đầu tư? Những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công bố thông tin của công ty niêm yết? Để giải thích cho vấn đề này cũng đã có một số công trình nghiên cứu trong nước đó là công trình của Huỳnh Thị Vân (2013), Đoàn Nguyễn Phương Trang (2010), Phạm Thị Thu Đông (2013), Lê Thị Trúc Loan (2012), và nhóm tác giả Nguyễn Chí Đức & Hoàng Trọng (2012). Các nghiên cứu của nhóm tác giả này chủ yếu đi tìm hiểu ảnh hưởng của các nhân tố thuộc về doanh nghiệp như: quy mô doanh nghiệp, khả năng sinh lời, đòn bẩy tài chính, số năm doanh nghiệp hoạt động, loại hình doanh nghiệp, hãng công ty kiểm toán, đến mức độ công bố thông tin nói chung của các doanh nghiệp niêm yết. Các nghiên cứu đưa ra các kết luận cùng chiều hoặc trái chiều với nhau, tức là cũng chưa có kết luận đồng nhất nào về ảnh hưởng của các yếu tố đến mức độ công bố thông tin. Tuy nhiên, tính đến nay công trình nghiên cứu về thông tin bộ phận trên BCTC ở Việt Nam chưa nhiều. Trong nghiên cứu của Phạm Thị Thủy (2013), tác giả đã tiến hành khảo sát BCTC của 30 công ty có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao nhất trên thị trường chứng khoán thuộc danh mục rổ VN30 áp dụng từ ngày 22/7/2013. Kết quả khảo sát cho thấy: 12 công ty (chiếm 40%) không trình bày BCBP, 13 công ty (chiếm 43,3%) trình bày BCBP theo lĩnh vực kinh doanh, bốn công ty (chiếm 13,3%) trình bày BCBP theo khu vực địa lý và Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (chiếm 3,3%) trình bày BCBP không theo lĩnh vực kinh doanh cũng như khu vực địa lý, mà theo các đơn vị trực thuộc (các xí nghiệp). 322
  9. 6. Kết luận Đứng trước thực tế hiện nay, nhìn chung các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam chưa thực hiện nghiêm túc về vấn đề bắt buộc phải công bố thông tin bộ phận trên BCTC. Trong khi thông tin về các bộ phận sẽ giúp các đối tượng sử dụng BCTC đánh giá chi tiết hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực kinh doanh hoặc khu vực địa lý. Cụ thể là sẽ giúp các đối tượng sử dụng thông tin phân tích để xem xét lĩnh vực kinh doanh hoặc khu vực địa lý nào đang là thế mạnh, giúp doanh nghiệp phát triển và ngược lại lĩnh vực hoặc khu vực nào có ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp. Từ đó giúp cho các đối tượng có nhận định đúng về rủi ro cũng như những lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp đem lại. Do vậy, rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vấn đề về trình bày và sử dụng thông tin về BCBP theo VAS 28 tại công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cần được trả lời. Chẳng hạn như, người sử dụng cần thông tin bộ phận trên BCTC như thế nào? Mức độ đáp ứng thông tin bộ phận cho các đối tượng sử dụng thực tế tại các doanh nghiệp niêm yết như thế nào? Mức độ trình bày thông tin bộ phận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những nhân tố nào? Các câu hỏi này cũng chính là những đề xuất nghiên cứu của tác giả về vấn đề thông tin bộ phận tại các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Thiết nghĩ nếu tìm được câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều đối tượng sử dụng thông tin, đặc biệt là nhà đầu tư và nhà làm chính sách. Đối với nhà đầu tư khi xem xét BCTC của bất kỳ doanh nghiệp nào sẽ thận trọng hơn đối với thông tin bộ phận được cung cấp, sẽ đánh giá rủi ro tiềm ẩn không nhận được thông tin bộ phận đầy đủ, từ đó sẽ giúp họ cẩn trọng hơn trong việc đưa ra quyết định. Đối với nhà làm chính sách sẽ giúp họ thấy được liệu VAS 28 trong thực tế có phù hợp không, có đáp ứng được mục tiêu giúp cho đối tượng sử dụng thông tin đánh giá chính xác hơn về doanh nghiệp hay cần phải có sự điều chỉnh nào không, chẳng hạn có cần phải thay đổi theo IFRS 8 không? Bởi thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh IFRS 8 thực cải thiện tình hình cung cấp thông tin bộ phận trên BCTC. Trong khi đó, ở Việt Nam yêu cầu trình bày thông tin bộ trên BCTC theo VAS 28 giống yêu cầu của IAS 14 - chuẩn mực kế toán đã được thay đổi bởi IFRS 8. 323
  10. Tài liệu tham khảo 1. Balakrishnan R., Harris M. & Sen T. S. (1990), The predictive ability of geographic segment disclosure, Journal of Accounting Research, 28(2), pp.305-325. 2. Buzby S. L.(1975), Company size, Listed Verus Unlisted Stocks and the Extent of Financial Disclosure, Journal of Accounting Research, pp.16-37. 3. Cerf A. R. (1961), Corporate Reporting and Investment Decisions, Berkeley, California: University of California Press. 4. Chavent M., Ding Y., Fu L., Stolowy H. & Wang H. (2006), Disclosure and determinants studies: An extension using the Divisive Clustering Method (DIV), European Accounting Review, 15(2), 181. 5. Crawford L., Extance H., Helliar C. V. & Power D. (2012), Operating Segments: the usefulness of IFRS 8, Endinburgh: ICAS. 6. Đoàn Nguyễn Phương Trang (2011), Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Hội thảo Khoa học Kế toán, Trường Đại học Kinh tế tháng 4/2011, trang 10-15. 7. Dye R.A. (1986), Proprietary and nonproprietary disclosures, Journal of Business, 59, 331-366. 8. Edwards P. & Smith R. A. (1996), Competitive disadvantage and voluntary disclosures: the case of segmental reporting, Bristish Acccouting Review, 28(2), pp. 155-172. 9. Ghasssan H. M. (2012), The impact of IFRS 8 on segmental reporting by Jordanian Listed Companies, Doctor of Philosophy, University of Dundee. 10. Grossma S. (1981), The role of warranties and private disclosure about product quality, Journal of Law and Economics, 24(3), pp.461-483. 11. Hayes R.M & Lundholm R. (1996), Segment Reporting to the capital market in the presence of a competitor, Journal of Accounting Research, 34, pp. 261-279. 12. Herrmann D. & Thomas W. B. (1997), Geographic segment disclosures: theories, findings and implications, International Journal of Accounting, 32(4), 487-501. 13. Hope, Kang, Thomas & Vasvari (2009), The effects of SFAS 131 Geographic Segment Disclosures by US Multinational Companies on the Valuation of Foreign Earnings, Journal of International Business Studies, No 40. 14. Huỳnh Thị Vân (2013), Nghiên cứu mức độ công bố thông tin kế toán của các doanh nghiệp ngành xây dựng yết giá tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Luận văn thạc sỹ. 15. Kabir I. & Hartini J. (2013), Corparate Governance and Disclosure on Segment Reporting: Evidence from Nigeria, Proceedings of Global Business and Finance Research Conference. 324
  11. 16. Kang H. & Gray S. (2013), Segment Reporting Practices in Australia: Has IFRS 8 made a difference, Australian Accounting Review, 26, pp. 27-45. 17. Lê Thị Trúc Loan (2012), Bàn về mối quan hệ giữa một số nhân tố thuộc về đặc điểm của doanh nghiệp và mức độ công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học lần thứ IV kỷ niệm 15 năm thành lập Đại học Đà Nẵng. 18. Low L. T. K & Mazlina M. Z (2001), Segmental Reporting: An Insight into Malaysia’s Companies, từ http://papers.ssrn.com/abstract=293522. 19. Manuela L. & Ferdinando D. C (2013), An analysis of Segment Disclosure under IFRS 8 and IAS 14R: Eviedence from Italian Listed Companies. 20. Mardini G. L., Grawford L. & Power D. M. (2012), The impact of IFRS 8 on disclosure practices of Jordanian listed companies, Journal of Accounting in Emerging Economies, 2(1), pp.676-690. 21. Milgrom P. R.(1981), Good news and Bad news: Representation Theorems and Applications, Bell Journal of Economics, 12(2), 380. 22. Mishari M. A & Faisal S. A (2011), What explains variation in Segment Reporting? Evidence from Kuwait, Intenational Business & Economics Reasearch Journal, Volume 10, Number 7. 23. Nguyễn Chí Đức & Hoàng Trọng (2012), CEO và tự nguyện công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, Tạp chí Khoa học và ứng dụng, Số 18/2012. 24. Nichols N. B., Street D. L. & Cereola S. J. (2012), An analysis of the impact of adopting IFRS 8 on the segment disclosures of European blue chip companies, Journal of of International Accounting, Auditing and Taxation Iss. 21. pp 79-105. 25. Phạm Thị Thu Đông (2013), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Luận văn thạc sỹ. 26. Phạm Thị Thủy (2013), Trình bày và sử dụng thông tin về báo cáo bộ phận theo VAS 28 tại các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số đặc biệt tháng 12/2013, trang 42-48. 27. Pisano S. & Landriana L. (2012), The determinants of Segment Disclosure: An empirical analysis of Italian Listed Companies, Financial Reporting, 1(2012), pp.113-132. 28. Sabrina P. &Loris. L (2012), The determinants of segment disclosure: an empirical analysis on Italian listed conpanies, Financial Reporting, Vol 1. 29. Samuel J. B., Saravanan M., M. Srikamaladevi M. & Uthiyakumar M. (2010), A study of segment reporting practices: A Malaysian Perspective, Journal of Applied Business Research, May/June. 325
  12. 30. Samuel J. B., Saravanan M., M. Srikamaladevi M. & Uthiyakumar M. (2010), A study of Segment Reporting Practices: A Malaysia Perspective, The Journal of Applied Business Reasearch, Volume 26, Number 3. 31. Singhvi S. S. & Desai H. B. (1971), An empirical Analysis of the Quality of Corporate Financial Disclosure, The Accounting Review, pp. 129-138. 31. Swaminathan S. (1991), The impact of SEC Mandated Segment Data on Price Variability and Divergence of Beliefs, The Accouting Review, 66(1), 23-41 33. Tạ Quang Bình & Lê Thị Ngọc Quỳnh (2102), Các nhân tố ảnh hưởng đến công bố thông tin tự nguyện: Dẫn chứng từ các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Hội thảo Khoa học Quốc tế, Đại học Thương Mại 34. Talha M., Sallehhuddin A. & Mohammad J. (2007), Competitive disadvantage and segment disclosure: evidence from Malaysia listed companies, International Journal of Commerce and Management, 17(2), 105-124 35. Tse S. (1989), Attributes of Industry, Industry Segment, and Firm-specific Information in Security Valuation, Contemporary Accounting Research, Volume 5, pp. 592-614. 36. Verrecchia R.E. (1983), Discretionary disclosure, Journal of Accouting and Economics, 5, pp.179-194. 37. Wan N. W. H, Noriah C. A, Nor A. L & Hasnah K. (2015), Determinants of early adoption of FRS 114 (Segment Reporting) in Malaysia, từ http://www.researchgate.net/publication/281120338_Determinants_of_early_adoption_o f_FRS_114_%28Segment_Reporting%29_in_Malaysia 38. Ying Liu (2014), The usefulness of Segment information disclosures and analyst forecast efficiency, The degree of Master of Business, Auckland University of Technology. 326
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
23=>2