intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kỹ năng phát triển bản thân - Phương pháp rèn luyện: Phần 1

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:108

16
lượt xem
11
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cuốn sách “Rèn luyện kỹ năng phát triển bản thân” đề cập đến phương pháp “siêu học”, một chiến lược vừa mang tính độc lập vừa mang tính chuyên sâu để tích lũy kiến thức và kỹ năng. Đồng thời cũng giúp bạn chứng tỏ với bản thân rằng bạn có khả năng cải thiện và tận dụng cuộc sống của bạn. Nó cho bạn sự tự tin để theo đuổi hoài bão. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung phần 1 cuốn sách tại đây.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kỹ năng phát triển bản thân - Phương pháp rèn luyện: Phần 1

  1. NHÀ XUẤT BẢN CÔNG THƯƠNG Trụ sở: Số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội Điện thoại: 024 3934 1562 - Fax: 024 3938 7164 Website: http://nhaxuatbancongthuong.com.vn Email: nxbct@moit.gov.vn RÈN LUYỆN KĨ NĂNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN SCOTT H. YOUNG Thu Ánh dịch Chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc - Tổng Biên tập NGUYỄN MINH HUỆ Biên tập: Đồng Thị Thu Thủy Vẽ bìa: Mộc Trà Trình bày: Lam Hạ Sửa bản in: Dương Thị Thu Hương In 2000 bản, khổ 13x20,5 cm tại Công ty TNHH In - Thương mại Thuận Phát. Địa chỉ: Tổ dân phố Văn Trì, phường Minh Khai, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Số xác nhận ĐKXB: 2321-2020/CXBIPH/01-98/CT. Quyết định xuất bản số 139/QĐ-NXBCT cấp ngày 29 tháng 06 năm 2020. Mã ISBN: 978-604-996355-1. In xong và nộp lưu chiểu Quý III năm 2020.
  2. ĐỐI TÁC LIÊN KẾT: CÔNG TY TNHH VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THÔNG 1980 BOOKS Trụ sở chính tại Hà Nội: 20-H2, ngõ 6 Trần Kim Xuyến, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Tel: 0243.7880225 / Fax: 0243.7880225 Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh: Số 58/79 Nguyễn Minh Hoàng, Phường 12, Quận Tân Bình, TP HCM Tel: 0283.933.3216 Website/link đặt sách: www.1980edu.vn Email: rights.1980books@gmail.com
  3. Mục lục Lời nói đầu Chương 1 - Liệu bạn có thể thụ hưởng nền giáo dục của MIT từ xa? Chương 2 - Tầm quan trọng của chiến lược siêu học Chương 3 - Cách trở thành một tín đồ của siêu học Chương 4 - Nguyên tắc số 1: Làm chủ việc học Chương 5 - Nguyên tắc số 2: TẬP TRUNG Chương 6 - Nguyên tắc số 3: TRỰC TIẾP THỰC HÀNH Chương 7 - Nguyên tắc số 4: ĐÀO SÂU Chương 8 - Nguyên tắc số 5: ÔN TẬP Chương 9 - Nguyên tắc số 6: LẮNG NGHE NHẬN XÉT Chương 10 - Nguyên tắc số 7: DUY TRÌ Chương 11 - Nguyên tắc số 8: TRỰC GIÁC Chương 12 - Nguyên tắc số 9: THỬ NGHIỆM Chương 13 - Dự án siêu học đầu tiên của bạn Chương 14 - Một nền giáo dục phi truyền thống Kết luận Lời cảm ơn Phụ lục - Một vài ghi chú về dự án siêu học của tôi Về tác giả
  4. LỜI NÓI ĐẦU T ôi quen Scott Young từ giữa năm 2013. Vào ngày 10 tháng 7, tôi gửi mail cho anh ấy đề nghị lên lịch một cuộc gọi vào tháng tới. Chúng tôi đã gặp nhau tại một cuộc hội thảo vài ngày trước đó và tôi hy vọng anh ấy sẽ sẵn sàng tiếp tục cuộc trò chuyện. “Có thể”, anh ấy trả lời. “Sau đó, tôi sẽ đến Tây Ban Nha và ưu tiên việc học ngôn ngữ lên hàng đầu trong dự án sắp tới của tôi.” Đó không phải là câu trả lời mà tôi hy vọng, nhưng nó có vẻ hợp lý. Việc lên lịch các cuộc gọi trong khi đi công tác nước ngoài có thể khó khăn và tôi hiểu rằng anh ấy muốn tôi đợi đến khi anh ấy quay về. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng nhận ra rằng anh ấy sẽ không quay về sớm, và múi giờ thay đổi hay kết nối mạng đứt quãng không phải là lý do duy nhất trì hoãn cuộc trò chuyện của chúng tôi. Lý do khiến việc liên lạc với Scott gặp khó khăn còn là vì anh ấy dự định không nói tiếng Anh trong vòng một năm. Vì vậy, tôi bắt đầu làm quen với Scott Young và tiếp xúc với tâm huyết của anh ấy đối với siêu học thông qua email. Trong vòng một năm tiếp theo, tôi sẽ trao đổi những bức email lẻ tẻ với Scott khi anh ấy đến Tây Ban Nha, Bra-xin, Trung Quốc, Hàn Quốc và từng bước thông thạo ngôn ngữ giao tiếp của từng nước. Phải đến mùa hè năm 2014, chúng tôi mới có thời gian để thường xuyên trao đổi thông tin với nhau vài tháng một lần.
  5. Tôi luôn hào hứng gọi điện cho Scott chủ yếu vì những lý do cá nhân. Một trong những mối quan tâm chính của tôi với tư cách nhà văn đồng thời là nhà khoa học là về cách xây dựng thói quen tốt và phá vỡ thói quen xấu. Người như Scott, đã hoàn toàn làm chủ được thói quen của mình, chính là mẫu người có thể dạy cho tôi nhiều thứ. Và thực tế diễn ra đúng như thế. Trong trí nhớ của tôi, hiếm khi nào tôi không học được gì sau khi gọi điện cho Scott. Chưa kể đến cái nhìn sâu sắc của anh ấy làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã chú ý đến Scott ngay vào thời điểm chúng tôi gặp nhau tại một hội nghị vào năm 2013. Một năm trước, anh ấy đã có được danh tiếng trên mạng internet nhờ việc hoàn thành toàn bộ chương trình đại học ngành Khoa học máy tính của trường Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và thi qua tất cả các bài thi, kết thúc học phần trong chưa đầy một năm – tương đương bốn năm học trong chưa đầy 12 tháng. Tôi đã xem chương trình TEDx Talk nói về kinh nghiệm của anh ấy, cũng đã đọc một vài bài viết của anh ấy về việc học hỏi và tự cải thiện bản thân trước khi quan sát Scott tại hội nghị. Ý tưởng tiến hành một dự án đầy tham vọng, giống như việc hoàn thành chương trình đào tạo đại học của MIT trong một năm hoặc việc cứ sau ba tháng lại học một ngôn ngữ là nguồn cảm hứng cho nhiều người. Tôi chắc chắn sẽ tìm ra được điểm thu hút của những dự án táo bạo này. Nhưng các dự án của Scott có chung một điểm đặc biệt khiến tôi có ấn tượng sâu sắc hơn nữa: Anh ấy theo khuynh hướng học đi đôi với hành. Đây là điều mà tôi luôn đánh giá cao về phương pháp của Scott cũng như tin rằng các bạn cũng có quan điểm như vậy trên cương vị là độc giả. Anh ấy không chỉ tập trung vào việc tiếp thu kiến thức mà cố gắng ứng dụng kiến thức đó vào thực tế. Tiếp
  6. cận sự học với sự chuyên sâu và cam kết hành động như vậy là một dấu ấn trong quá trình tiến bộ của Scott. Hướng đi này có tác động mạnh mẽ với tôi, một phần bởi vì tôi nhận thấy những điểm tương đồng với cuộc sống và sự nghiệp của bản thân. Một số trải nghiệm ý nghĩa nhất của tôi là kết quả của việc tự học chuyên sâu. Mặc dù lúc đó tôi không biết đến thuật ngữ siêu học, nhưng một trong những dự án siêu học đầu tiên của tôi liên quan đến nhiếp ảnh. Vào cuối năm 2009, tôi chuyển đến Scotland sinh sống trong một vài tháng. Đây là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài. Trước khung cảnh tuyệt đẹp của Cao nguyên Scotland, tôi nhận thấy mình nên mua một chiếc máy ảnh đàng hoàng. Tuy nhiên, điều tôi không ngờ tới là sau đó, tôi đã bị mê đắm với việc chụp các bức ảnh. Đây có thể coi là một trong những thời kỳ sáng tạo nhất trong cuộc đời tôi. Tôi học nhiếp ảnh thông qua nhiều phương pháp. Tôi đã nghiên cứu bộ sưu tập của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng, cũng đã tìm kiếm các địa điểm và góc chụp lôi cuốn. Tuy nhiên, chủ yếu tôi đã học bằng một phương pháp đơn giản: tôi đã chụp hơn 100.000 bức ảnh trong năm đầu tiên. Tôi chưa bao giờ đăng ký vào một lớp học nhiếp ảnh, cũng chưa từng đọc sách hướng dẫn trở thành một nhiếp ảnh gia xuất chúng. Tôi chỉ cố gắng thực hành không ngừng. Phương pháp “học đi đôi với hành” này phản ánh một trong những chương yêu thích của tôi trong cuốn sách này và nguyên tắc thứ ba của Scott về siêu học: trực tiếp thực hành. Trực tiếp thực hành có thể hiểu là học bằng cách trực tiếp làm điều bạn muốn học. Về cơ bản, nó là sự cải thiện bằng chủ động tiến hành học thay vì thụ động. Các cụm từ “học một cái gì đó mới” và “thực hành một cái gì đó mới” có vẻ tương tự nhau, nhưng hai phương pháp này có thể tạo ra kết quả rất khác nhau.
  7. Học một cách thụ động tạo ra kiến thức, còn học một cách chủ động tạo ra kỹ năng. Điểm này đã được Scott làm rõ và hoàn thiện hơn trong Chương 6: Trực tiếp thực hành dẫn đến phát triển kỹ năng. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, tôi không mất quá nhiều thời gian để nhận được thành quả nhờ việc đầu tư vào phương pháp thực hành trực tiếp. Vài tháng sau khi mua máy ảnh, tôi đến Na Uy và mạo hiểm đến vòng Bắc Cực để chụp lại hình ảnh cực quang Borealis. Không lâu sau đó, tôi được lựa chọn để tham dự vòng chung kết cuộc thi Nhiếp ảnh gia du lịch của năm nhờ bức ảnh Ánh sáng phương Bắc. Đó là một kết quả bất ngờ, nhưng cũng là một bằng chứng cho thấy bạn có thể tiến bộ rất nhiều trong một khoảng thời gian học tập ngắn ngủi nhưng có đầu tư thực sự. Tôi chưa từng theo đuổi nghề nhiếp ảnh. Đó là một dự án siêu học mà tôi thực hiện để thỏa mãn bản thân và tìm kiếm niềm vui. Nhưng vài năm sau, ngay khi gặp Scott lần đầu tiên, tôi đã đầu tư học nghiêm túc với mục tiêu thực tế hơn: Tôi muốn trở thành một doanh nhân và tôi nhận thấy viết lách sẽ là một hướng đi giúp tôi đạt được mục tiêu đó. Một lần nữa, tôi đã lựa chọn một lĩnh vực mà bản thân có rất ít kinh nghiệm. Gia đình tôi không có ai là doanh nhân, và tôi chỉ tham gia một khóa học bằng tiếng Anh ở trường đại học. Tuy nhiên, khi đọc Rèn luyện kỹ năng phát triển bản thân, tôi giật mình khi thấy Scott có giải thích cặn kẽ từng bước của quá trình tôi đi từ một doanh nhân không tên tuổi trở thành tác giả có sách bán chạy nhất. Nguyên tắc số 1: Học cách học — Tôi bắt đầu bằng việc tiến hành khảo sát những người viết blog và tác giả nổi tiếng. Phương pháp
  8. của họ đã giúp tôi lên định hướng những việc cần làm để trở thành một nhà văn thành công. Nguyên tắc số 2: Tập trung — Tôi bắt đầu công việc viết văn toàn thời gian. Ngoài một vài dự án tự tôi thực hiện để kiếm tiền chi trả sinh hoạt phí, tôi dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu và sáng tác. Nguyên tắc số 3: Trực tiếp thực hành — Tôi học viết bằng cách viết thật nhiều. Tôi lên kế hoạch viết một bài báo mới vào mỗi ngày thứ Hai và thứ Năm. Trong vòng hai năm đầu tiên, tôi đã viết được hơn 150 bài tiểu luận. Nguyên tắc số 4: Đào sâu — Tôi phân tích từng khía cạnh của các bài báo một cách có hệ thống từ tiêu đề, câu mở đầu, cách dẫn dắt đến cách kể chuyện… và sắp xếp lại thành bảng biểu với ví dụ về từng phần. Sau đó, tôi bắt đầu thử nghiệm và hoàn thiện khả năng trình bày mỗi phần nhỏ của một tác phẩm lớn. Nguyên tắc số 6: Lắng nghe nhận xét — Cá nhân tôi tự gửi email cho tất cả 10.000 người đăng ký trang để chào hỏi và xin phản hồi về bài viết của mình. Mặc dù quy mô chưa lớn nhưng tôi đã học được nhiều điều từ việc làm này. … và còn nữa. Theo tôi, phương pháp của Scott có hiệu quả. Sau khi áp dụng các kỹ thuật mà anh ấy trình bày trong cuốn sách này, tôi đã có thể theo đuổi nghề viết văn, kinh doanh thành công, và hơn hết, sáng tác một cuốn sách bán chạy nhất do tờ New York Times bình chọn. Cuốn Atomic Habits (tạm dịch: Các thói quen hạt nhân) được phát hành chính là kết quả của nhiều năm nỗ lực đầu tư cho chiến lược siêu học.
  9. Có nhiều lý do chính đáng để theo đuổi chiến lược siêu học – cho dù bạn đang thực hiện một dự án vì lợi ích cá nhân hay công việc. Đầu tiên, học chuyên sâu cung cấp ý niệm về một cuộc sống có mục đích. Phát triển kỹ năng là điều có ý nghĩa. Thật tốt khi giỏi ở lĩnh vực nào đó. Siêu học là một cách giúp bạn chứng tỏ với bản thân rằng bạn có khả năng cải thiện và tận dụng cuộc sống của bạn hết mức. Nó cho bạn sự tự tin sẽ theo đuổi được hoài bão. Thứ hai, học chuyên sâu là cách giúp bạn gặt hái được thành quả vượt trội. Sự thật là hầu hết mọi người sẽ không bao giờ nghiên cứu sâu về lĩnh vực mà bạn đang quan tâm. Làm như vậy, ngay cả khi chỉ trong vòng vài tháng, sẽ giúp bạn nổi bật. Một khi nổi bật, bạn có thể có một công việc tốt hơn, thương lượng để có mức lương cao hơn hoặc nhiều thời gian rảnh hơn, kết giao với những người thú vị hơn, hoặc đơn giản là cải thiện được cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Siêu học giúp bạn nâng cao tầm ảnh hưởng mà bạn sẽ thấy có ích trong những lĩnh vực khác. Cuối cùng, học chuyên sâu là một chiến lược cực kỳ khả thi. Doanh nhân và nhà đầu tư nổi tiếng Paul Graham đã từng ghi lại, “Trong nhiều lĩnh vực, bạn chỉ cần một năm làm việc tập trung cộng với đầu tư sức lực là đủ.”1 Tương tự, tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên về những gì họ có thể đạt được trong một năm (hoặc một vài tháng) khi tập trung học tập. Quá trình tự học chuyên sâu có thể khiến hình thành các kỹ năng mà bạn không bao giờ nghĩ mình có thể phát triển. Siêu học sẽ giúp bạn phát triển tiềm năng, và đây có lẽ là lý do thuyết phục nhất để theo đuổi nó. 1 Paul Graham, How to be an expert in a changing world (tạm dịch: Cách trở thành chuyên gia trong một thế giới đang chuyển dịch”, 12/2014 http:// www.paulgraham.com/ecw.html?viewfullsite=1.
  10. Rèn luyện kỹ năng phát triển bản thân là một cuốn sách hấp dẫn và có sức truyền cảm. Scott đã tích lũy được một mỏ vàng các chiến thuật khả thi giúp đẩy nhanh tiến độ học. Nỗ lực của anh ấy bây giờ chính là thành quả của bạn. Tôi hy vọng bạn cũng thích cuốn sách này như tôi, và quan trọng nhất, bạn có thể áp dụng những ý tưởng này để hiện thực hóa tham vọng của bản thân. Thông qua những câu chuyện và chiến thuật Scott chia sẻ trong cuốn sách này, bạn sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức. Tất cả những gì bạn cần làm chính là hành động. — James Clear
  11. Chương 1 LIỆU BẠN CÓ THỂ THỤ HƯỞNG NỀN GIÁO DỤC CỦA MIT TỪ XA? C hỉ còn vài giờ nữa. Tôi đang hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ khi những tia nắng sớm của ngày mới chiếu lấp lánh lên các tòa nhà trước mặt. Đó là một ngày giữa mùa thu hanh khô và tràn ngập ánh nắng, một điều không ngờ với một thành phố nổi tiếng mưa nhiều. Từ tầng 11, tôi có thể quan sát được những người đàn ông ăn vận bảnh bao mang theo cặp sách và những người phụ nữ ăn vận thời trang dắt những chú chó nhỏ. Những chuyến xe buýt nặng nề đưa những người công nhân không mấy hứng khởi vào thị trấn làm việc nốt ngày cuối cùng trong tuần. Thành phố có lẽ đang bừng tỉnh từ màn đêm, nhưng tôi đã thức dậy từ trước khi trời sáng. Bây giờ không phải là lúc nằm mơ giữa ban ngày, tôi nhắc nhở bản thân và quay lại tập trung vào bài toán đang làm dở với nét chữ viết nghuệch ngoạc trên cuốn vở trước mặt. “Chứng minh ∫∫RcurlF • ^n dS = 0 với bất kỳ phần hữu hạn của khối cầu...” Đây là bài tập của tiết Phép tính đa biến của Khoa Công nghệ trường MIT. Sắp đến kỳ thi kết thúc học phần, và tôi còn lại rất ít thời gian để ôn thi. Thế nào được gọi là curl...? Tôi nhắm mắt lại và cố gắng hình dung bài toán trong đầu.
  12. Đây không phải là điều lạ thường đối với một sinh viên trường MIT. Các phương trình khó nhằn, các khái niệm trừu tượng và chứng minh rắc rối đều là một phần tất yếu của một trong những nền giáo dục uy tín nhất về toán học và khoa học trên thế giới. Ngoại trừ việc tôi không phải là sinh viên của MIT. Trên thực tế, tôi thậm chí chưa bao giờ đến bang Massachusetts. Tất cả việc này đang diễn ra tại phòng ngủ của tôi ở Vancouver, Canada cách Massachusetts 2.500 dặm. Và mặc dù một sinh viên MIT thông thường đã học về phép tính đa biến trong một học kỳ, nhưng tôi chỉ vừa mới bắt đầu năm ngày trước đó. THỬ THÁCH MIT Tôi chưa bao giờ học tại MIT. Thay vào đó, tôi học kinh doanh tại Đại học Manitoba, một trường xếp hạng tầm trung ở Canada mà tôi có khả năng chi trả học phí. Sau khi tốt nghiệp cử nhân thương mại, tôi nhận thấy dường như mình đã chọn sai chuyên ngành. Tôi muốn trở thành một doanh nhân và vì thế tôi đã học kinh doanh với ý nghĩ rằng đây là con đường tốt nhất để trở thành ông chủ của chính mình. Bốn năm sau, tôi phát hiện ra chuyên ngành kinh doanh phần lớn tạo môi trường giúp sinh viên làm quen với thế giới của các tập đoàn lớn, những bộ đồ vest lịch lãm và các quy trình vận hành theo tiêu chuẩn. Ngược lại, chuyên ngành khoa học máy tính cho bạn cơ hội học cách chế tạo mọi thứ. Các chương trình, trang web, thuật toán và trí tuệ nhân tạo là những gì thu hút tôi trong lĩnh vực kinh doanh ngay từ ban đầu, tôi đang phải tranh đấu nội tâm để quyết định mình cần hành động ra sao. Tôi nghĩ mình có thể quay lại trường học. Đăng ký lại. Tiếp tục bỏ ra bốn năm nữa để hoàn thiện chiếc bằng thứ hai. Nhưng việc xin các khoản vay của sinh viên và dành một nửa thập kỷ của cuộc đời tôi để tiếp tục đối mặt với sự quan liêu và các quy định
  13. của trường đại học không có gì hấp dẫn đối với tôi. Phải có một cách tốt hơn để tôi học được những gì mình muốn. Trong khoảng thời gian đó, tôi tình cờ thấy một lớp học ở trường MIT được đăng lên mạng. Trong đó có đầy đủ các video bài giảng, bài tập và câu hỏi; ngay cả các bài kiểm tra thật cùng đáp án cũng được cung cấp. Tôi quyết định thử đăng ký tham gia lớp học. Thật bất ngờ, lớp học này chất lượng hơn nhiều so với hầu hết các lớp mà tôi đã chi trả hàng ngàn đô la để tham gia ở trường đại học. Các bài giảng đã được trau chuốt với sự xuất hiện của các vị giáo sư cùng những tài liệu hấp dẫn. Đi sâu hơn nữa, tôi có thể thấy rằng đây không phải là lớp học duy nhất mà trường MIT cung cấp miễn phí. Trường MIT đã đăng tải tài liệu của hàng trăm lớp học khác nhau. Tôi băn khoăn liệu đây có phải là giải pháp mà tôi đang kiếm tìm. Nếu bất cứ ai cũng có thể học miễn phí toàn bộ nội dung của một tiết học ở MIT thì liệu việc hoàn thành toàn bộ chương trình học đại học mà không cần đến trường có khả thi hay không? Do đó, tôi bắt đầu một dự án nghiên cứu kéo dài gần sáu tháng mà tôi đặt tên là Thử thách MIT. Tôi đã tra cứu chương trình giảng dạy thực tế của MIT cho sinh viên ngành khoa học máy tính, sau đó so sánh và đối chiếu danh sách này với các tài liệu do MIT cung cấp trực tuyến. Nhưng thật không may, nói dễ hơn làm. Nền tảng phục vụ đăng tải tài liệu lớp học OpenCourseWave của MIT chưa bao giờ có khả năng thay thế việc theo học trực tiếp tại trường. Một số tiết học đơn giản không được cung cấp. Những tiết còn lại có tài liệu ít ỏi đến nỗi tôi tự hỏi liệu sinh viên có thể hoàn thành được hay không. Cấu trúc Tính toán, một trong những khóa học bắt buộc hướng dẫn cách lắp ráp máy tính từ đầu bằng cách sử dụng các mạch và linh kiện bán dẫn chủ động, không có video bài giảng hoặc sách giáo khoa. Để tìm hiểu nội dung lớp học, tôi sẽ phải giải mã các ký hiệu trừu tượng trên
  14. bản trình chiếu đi kèm với bài giảng. Tài liệu không đủ và các tiêu chí đánh giá mơ hồ khiến mong muốn tham gia các lớp học y như một sinh viên MIT trở nên không khả thi. Tuy nhiên, một phương pháp đơn giản hơn mà có thể mang lại hiệu quả: chỉ cần cố gắng để thi đỗ các bài kiểm tra cuối kỳ. Sự tập trung vào các bài kiểm tra cuối kỳ sau đó mở rộng sang cả các dự án lập trình phục vụ các tiết học. Hai tiêu chí này tạo thành bộ khung của một văn bằng MIT, bao gồm hầu hết các kiến thức và kỹ năng tôi muốn học, không có gì thừa thãi. Không có chính sách bắt buộc lên lớp. Không có hạn chót đối với bài tập. Tôi có thể làm các bài kiểm tra cuối kỳ bất cứ khi nào tôi sẵn sàng và thi lại nếu tôi trượt. Đột nhiên, những gì trông có vẻ là bất lợi từ đầu như không được đến trường đã trở thành lợi thế. Tôi có thể tận hưởng nền giáo dục của MIT chỉ với một phần chi phí, thời gian cũng như áp lực. Khi càng đi sâu khám phá tiềm năng này, tôi thậm chí đã tham gia một lớp học thử nghiệm theo phương pháp tiếp cận mới. Thay vì đến lớp học theo thời khóa biểu, tôi tải xuống và xem các video bài giảng với tốc độ gấp đôi bình thường. Thay vì cẩn thận hoàn thành từng bài tập và chờ đợi kết quả trong hàng tuần, tôi có thể tự kiểm tra mức độ hiểu bài bằng cách trả lời từng câu hỏi một, nhanh chóng rút kinh nghiệm sau những lần mắc lỗi. Từ đó, tôi nhận thấy mình có thể hoàn thành một môn học chỉ trong một tuần. Làm một vài phép tính nhanh và chừa chỗ cho sai sót, tôi xác định có thể hoàn thành 32 môn học còn lại trong vòng một năm. TRÔI CHẢY TRONG VÒNG BA THÁNG? Tại một nhà hàng Ý ngay giữa trung tâm thủ đô Paris, Benny Lewis phàn nàn với tôi rằng, “Vấn đề của tôi không phải với người Pháp mà chỉ với người dân Paris”. Lewis là người ăn chay
  15. nên không phải lúc nào cũng dễ dàng thích nghi được ở một đất nước nổi tiếng với bít tết thịt bò sống và gan ngỗng béo ngậy. Ăn một đĩa mỳ ống sốt cay của Ý, món ưa thích của anh ấy từ khi làm việc tại một khách sạn dành cho những người trẻ tuổi ở Ý, Lewis nói tiếng Pháp trôi chảy, và không để ý xem liệu xung quanh có người bản địa nào đang nghe lén lời phàn nàn của anh ấy hay không. Sự bất mãn của anh ấy bắt nguồn từ một năm đặc biệt ảm đạm khi tập sự tại một công ty kỹ thuật ở Paris. Lewis gặp khó khăn trong việc thích nghi với yêu cầu của công việc và đời sống xã hội ở thành phố lớn nhất nước Pháp. Tuy nhiên, anh ấy nhận thấy mình không nên quá khắt khe với bản thân vì rốt cuộc, chính trải nghiệm đó đã thúc đẩy anh bỏ nghề kỹ sư và chu du khắp thế giới để học ngoại ngữ. Tôi làm quen với Lewis trong lúc đang thất vọng tràn trề về bản thân. Tôi tham gia chương trình trao đổi sinh viên ở Pháp, tạm rời xa gia đình với hy vọng sẽ nói tiếng Pháp trôi chảy sau một năm, nhưng mọi thứ dường như không theo ý muốn. Hầu hết bạn bè, kể cả người Pháp, đều nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, và kể từ đó, tôi cảm thấy khoảng thời gian một năm sẽ không đủ. Khi nghe tôi phàn nàn về tình trạng đó, một người bạn ở quê đã kể câu chuyện về một gã đi du lịch khắp các nước và thử thách bản thân học một ngôn ngữ mới trong ba tháng. “Nhảm nhí”, tôi đáp với một chút ghen tỵ. Ở nơi đây, tôi đang phải nỗ lực để trò chuyện với mọi người sau hàng tháng mải mê với công việc, và gã đó đã làm được chuyện này chỉ sau ba tháng. Bất chấp hoài nghi, tôi nghĩ cần phải đích thân gặp Lewis để xem liệu anh ta hiểu gì về việc học ngôn ngữ mà tôi không biết. Sau một email và một chuyến tàu, tôi và Lewis đã có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên.
  16. “Luôn luôn phải đặt ra thử thách”, Lewis nói với tôi khi tiếp tục trình bày về kinh nghiệm sống, bây giờ anh ấy đang làm hướng dẫn viên du lịch cho tôi khi tôi đến trung tâm của Paris: Những cảm nhận trước đây của Lewis về Paris bắt đầu dịu xuống, và khi chúng tôi đi bộ từ Nhà thờ Đức Bà đến Bảo tàng Louvre, anh ấy đã hoài niệm về những ngày còn ở thành phố. Sau này tôi biết được rằng, quan điểm và khát khao mạnh mẽ ấy không chỉ thôi thúc niềm đam mê theo đuổi các thử thách mà còn mang lại rắc rối cho anh. Anh ấy đã từng bị cảnh sát nước Cộng hòa liên bang Bra-xin bắt giữ sau khi một cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tình cờ nghe thấy anh chửi rủa mình bằng tiếng Bồ Đào Nha với bạn bè bên ngoài khi cô ấy từ chối cho anh ta gia hạn thị thực. Điều trớ trêu là thị thực của Lewis bị từ chối vì cô ấy không thể tin rằng anh có thể nói tiếng Bồ Đào Nha tốt như vậy chỉ sau một kỳ nghỉ ngắn, đồng thời nghi ngại Lewis đang cố gắng bí mật di cư đến Bra-xin trái với các điều khoản của thị thực du lịch. Khi chúng tôi tiếp tục đi dạo đến Tháp Ei el, Lewis giải thích phương pháp của mình: Tập nói ngay từ ngày đầu tiên. Đừng sợ nói chuyện với người lạ. Hãy bắt đầu với cuốn cẩm nang từ vựng; ghi lại để học sau này. Sử dụng các thuật nhớ bằng hình ảnh để học thuộc lòng từ vựng. Điều gây ấn tượng với tôi không phải là phương pháp học mà là sự táo bạo của anh ấy. Trong khi tôi rụt rè cố gắng học một chút tiếng Pháp, lo lắng về việc nói sai và bối rối với vốn từ vựng ít ỏi của mình, Lewis không hề sợ hãi, đi thẳng vào đối thoại và đặt ra những thử thách có vẻ bất khả thi. Cách tiếp cận đó thực sự có hiệu quả. Anh ấy đã thông thạo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Ireland, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Esperanto, tiếng Anh và gần đây đã đạt đến cấp độ đàm thoại khi lưu lại Cộng hòa Séc trong ba tháng. Nhưng điều khiến
  17. tôi hứng thú nhất chính là thử thách mới nhất mà anh đang lên kế hoạch: thông thạo tiếng Đức chỉ sau ba tháng. Nói đúng ra, đây không phải là lần đầu tiên Lewis tiếp xúc với tiếng Đức. Anh đã tham gia các lớp học tiếng Đức trong 5 năm học trung học và đến thăm nước Đức trong hai lần trước đó. Tuy nhiên, giống như nhiều học sinh học ngoại ngữ ở trường, anh ấy vẫn không thể nói được. Anh ấy thừa nhận, có chút xấu hổ, “Tôi thậm chí không thể gọi đồ ăn sáng mình muốn bằng tiếng Đức”. Tuy nhiên, nhờ những kiến thức chưa được vận dụng đã tích lũy được trên lớp từ hơn 10 năm trước, thử thách của anh ấy trở nên dễ dàng hơn là bắt đầu lại từ đầu. Đổi lại, Lewis quyết định tăng thách thức lên. Thông thường, anh ấy thử thách bản thân đạt trình độ tương đương B2 của một ngôn ngữ sau ba tháng. Theo Khung Tham chiếu Ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR), trình độ B2, cấp độ thứ tư trong số sáu cấp độ bắt đầu từ A1, A2, B1..., được mô tả là “trên trung cấp”, cho phép người nói “có thể giao tiếp với mức độ lưu loát và tự nhiên khiến cho việc trao đổi thường xuyên với người bản ngữ dễ dàng mà không gây căng thẳng cho cả hai bên.” Tuy nhiên, đối với tiếng Đức, Lewis quyết định đạt trình độ cao nhất: C2. Trình độ này cho thấy khả năng làm chủ một ngôn ngữ hoàn toàn. Để đạt đến cấp độ C2, người học phải “hiểu được gần như tất cả mọi thứ đã nghe hoặc đọc” và “bộc lộ bản thân một cách tự nhiên, lưu loát và chính xác, phân biệt những sắc thái ý nghĩa tinh tế ngay cả trong những tình huống phức tạp nhất”. Viện Goethe, đơn vị tổ chức kỳ thi, khuyến nghị thời gian cần thiết để đạt trình độ này là ít nhất 750 giờ, không bao gồm hoạt động thực hành ngoài giờ.
  18. Vài tháng sau, Lewis thông tin lại cho tôi về dự án của anh ấy. Anh ấy thiếu chút nữa đã thi đỗ C2 khi hoàn thành bốn trong năm tiêu chí của kỳ thi nhưng không đạt phần thi nghe hiểu. Anh ấy tự trách bản thân, “Tôi đã dành quá nhiều thời gian để nghe đài. Đáng lẽ tôi nên tích cực luyện nghe nhiều hơn.” Sau ba tháng dày công luyện tập, anh ấy không thành thạo được tiếng Đức mặc dù đã gần được một cách đầy bất ngờ. Bảy năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với người Ai-len nói đa ngôn ngữ, anh ấy đã cố gắng thực hiện tiếp thử thách ba tháng ở sáu quốc gia khác, bổ sung vào kho tàng ngôn ngữ của mình một ít tiếng Ả Rập, tiếng Hungary, Quan thoại, tiếng Thái, ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ và thậm chí tiếng Klingon (ngôn ngữ được phát minh trong vũ trụ Star Trek). Điều mà tôi đã không nhận ra lúc bấy giờ nhưng giờ đã hiểu rõ chính là những thành tích như của Lewis không phải là hiếm. Trong lĩnh vực ngôn ngữ, tôi đã bắt gặp những người biết hơn 40 ngôn ngữ, nhà thám hiểm – nhân chủng học có thể bắt đầu nói thứ ngôn ngữ bí ẩn sau vài giờ tiếp xúc cùng nhiều khách du lịch khác, như Lewis, người đi du lịch từ nước này sang nước khác và thông thạo những ngoại ngữ mới. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy hiện tượng tự học tích cực này có thể mang lại kết quả đầy bất ngờ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngôn ngữ. CÁCH ROGER CRAIG CHINH PHỤC JEOPARDY! The Bridge on the River Kwai (tạm dịch: Cây cầu trên sông Kwai) là gì?” Roger Craig vội vàng viết câu trả lời lên màn hình với nét chữ nguệch ngoạc và Craig đã làm được. Anh đã thu về 77.000 đô la, phần thưởng cao nhất trong một ngày của Jeopardy! Craig đã ghi tên mình vào lịch sử hồi đó. Chiến thắng của anh không phải là một điều may mắn. Anh lại một lần nữa phá vỡ kỷ lục khi chiến thắng gần 200.000 đô la, chuỗi chiến thắng cao nhất từng
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2