intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kỹ năng viết bài biện hộ và cấu trúc bài biện hộ trong phiên tòa

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

29
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Được áp dụng trong giảng dạy của ngành luật các phiên tòa đang giúp cho sinh viên rèn luyện và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế việc áp dụng pháp luật, quá trình thực hiện phiên tòa. Trong bài viết này, nhóm tác giả phân tích cấu trúc bài biện hộ và kỹ năng viết bài biện hộ trong phiên tòa. Trên cơ sở đó, nâng cao kỹ năng viết bài biện hộ trong phiên tòa cho sinh viên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kỹ năng viết bài biện hộ và cấu trúc bài biện hộ trong phiên tòa

  1. KỸ NĂNG VIẾT BÀI BIỆN HỘ VÀ CẤU TRÚC BÀI BIỆN HỘ TRONG PHIÊN TOÀ Nguyễn Công Đức Phan Thị Thu Bích Lê Thị Lụa TÓM TẮT Được áp dụng trong giảng dạy của ngành luật các phiên tòa đang giúp cho sinh viên rèn luyện và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế việc áp dụng pháp luật, quá trình thực hiện phiên tòa. Trong đó, việc nắm rõ cấu trúc bài biện hộ và kỹ năng viết bài biện hộ có ý nghĩa quan trọng trong phiên tòa. Trong bài viết này, nhóm tác giả phân tích cấu trúc bài biện hộ và kỹ năng viết bài biện hộ trong phiên tòa. Trên cơ sở đó, nâng cao kỹ năng viết bài biện hộ trong phiên tòa cho sinh viên. Từ khóa: Bài biện hộ, phiên tòa, kỹ năng, cấu trúc bài biện hộ. Đặt vấn đề Hiện nay, các trường đại học đưa các phiên tòa vào giảng dạy trong ngành luật nhằm nâng cao kỹ năng thực hành và phát triển các kỹ năng pháp lý cần thiết cho sinh viên luật. Các phhiên tòa đang thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo sinh viên, là cơ hội để sinh viên tiếp cận, nghiên cứu và học tập thông qua việc tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, để thực hiện tốt phiên tòa mỗi chủ thể cần có sự chuẩn bị nhất định, đặc biệt là với những chủ thể tham gia với vai trò biện hộ. Trong đó, nắm rõ cấu trúc bài biện hộ và có kỹ năng viết bài biện hộ góp phần quan trọng dẫn đến thành công chung của phiên tòa. 1. Kỹ năng viết bài biện hộ 1.1. Khái niệm bài biện hộ  Sinh viên lớp Luật Kinh tế K43E, Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; Email: nguyencongduc.hul@gmail.com  Sinh viên lớp Luật Kinh tế K43E, Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; Email: phanthithubich@gmail.com  Sinh viên lớp Luật Kinh tế K43G, Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; Email: trucnhi345543@gmail.com 1
  2. Theo Từ điển Hán Việt, biện hộ có thể được hiểu là “dùng lí lẽ chứng cứ để bênh vực”1. Do đó, có thể hiểu biện hộ là việc dùng lí lẽ chứng cứ để bênh vực cho người khác. Khác với Từ điển Hán Việt, Từ điển Việt – Việt cho rằng biện hộ đồng nghĩa với “bào chữa” có nghĩa là “nêu lí lẽ hoặc chứng cứ nhằm chứng minh một kiến giải hay hành vi nào đó là đúng đắn, và nếu có sai lầm thì mức độ không nghiêm trọng (để bảo vệ người nào đó hoặc tự bảo vệ)”2. Như vậy, có thể thấy có nhiều cách hiểu khác nhau về biện hộ. Tuy nhiên, dưới khía cạnh là người nghiên cứu luật, có thể hiểu nghĩa của từ biện hộ theo Hiệp hội Công tác xã hội (2000), đó là “biện hộ là hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, nhằm đem lại công bằng xã hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu thế trong cộng đồng”3. Như thế biện hộ được cho là xuất phát từ việc bảo vệ con người, nhằm đem lại sự công bằng xã hội cho tất cả mọi người mà nhất là những người yếu thế trong cộng đồng, xã hội. Biện hộ được xem là hoạt động thúc đẩy quá trình thực hiện công bằng xã hội dựa trên những cơ sở và nguyên tắc nhất định cần phải tuân thủ, qua đó biểu đạt chính kiến, nguyện vọng cũng như quyền công dân. Trong phạm vi nghiên cứu, nhóm tác giả xem biện hộ là hoạt động có tính chuyên môn cao và mang tính nghiệp vụ dựa trên cơ sở của bằng chứng, chứng cứ và lí lẽ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của người bào chữa. Hoạt động biện hộ được tiến hành ở giai đoạn xét xử vụ án trong quá trình tố tụng. Từ những tiếp cận về khái niệm biện hộ dưới nhiều góc độ khác nhau có thể hiểu bài biện hộ là bài viết chứa đựng quan điểm của luật sư hay người bào chữa về vụ án được thụ lý, về quá trình tố tụng, quan điểm truy tố của viện kiểm sát cũng như các khung hình phạt và tội danh. Từ đó, đưa ra chứng cứ và luận điểm pháp lý nhằm bào chữa, bảo vệ quyền lợi của thân chủ của mình (là bị cáo hoặc bị hại). Bài biện hộ được luật sư hay người bào chữa sử dụng trong giai đoạn tiến hành xét xử một vụ án. Có thể thấy, bài biện hộ là sự kết tinh trí tuệ, công sức và tài năng của mỗi luật sư hay người bào chữa, đòi hỏi mỗi luật sư hay người bào chữa cần phải có kỹ năng trong việc tìm kiếm tài liệu, nhạy bén phát hiện vấn đề và sáng tạo trong xử lý, giải 1 Từ điển Hán Việt, https://tudienso.com/han-viet/bi%E1%BB%87n-h%E1%BB%99.html 2 Từ điển Việt – Việt, https://www.rung.vn/dict/vn_vn/Bi%E1%BB%87n_h%E1%BB%99 3 Theo Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội & phát triển chuyên để, dự án “Nâng cao năng lực cho nhân viên xã hội cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh” 2
  3. quyết vụ việc đó. Đây được xem là tài liệu quan trọng của luật sư hay người bào chữa trong quá trình tham gia tố tụng và tranh tụng tại phiên tòa nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho thân chủ của mình. 1.2. Kỹ năng viết bài biện hộ Kỹ năng là khả năng vận dụng những kiến thức, hiểu biết của mỗi người. Để làm tốt bất cứ một công việc gì đều đòi hỏi chúng ta phải có kỹ năng. Viết bài biện hộ là quá trình vận dụng các kỹ năng của con người (kỹ năng cứng, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng con người, kỹ năng xã hội, kỹ năng mềm) nhằm đưa ra các quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự. Khi bài biện hộ được chuẩn bị kỹ lưỡng, sắp xếp các luận cứ một cách lôgíc, khoa học, là tài liệu cần thiết trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Do vậy, kỹ năng viết bài biện hộ là kỹ năng rất cần thiết khi tổ chức các phiên tòa. Nó là cơ sở để bổ trợ, phát triển các kỹ năng khác khi phiên tòa được diễn ra. Để phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, các phiên tòa sẽ được tổ chức dưới những hình thức khác nhau. Cũng vì vậy, mà cơ sở bài viết biện hộ cũng có sự thay đổi nhất định: Những phiên tòa mang tính tuyên truyền, giáo dục pháp luật phù hợp với nhiều đối tượng thường được xây dựng trên cơ sở những vụ án đã được xét xử ở thực tế. Những vụ án được lựa chọn chủ yếu là những vụ án có tính thời sự, tiêu biểu, gần gũi với đối tượng được phổ biến. Do đó, bài biện hộ sẽ được viết lại dựa trên cơ sở diễn biến đã xảy ra ở phiên tòa. Người viết bài biện hộ sẽ không cần phải tư duy nhiều mà chỉ cần thêm, bớt chi tiết để tăng tính lôi cuốn, cô đọng để người xem dễ tiếp thu. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có bước thu thập, xác minh, đánh giá chứng cứ để viết bài biện bài biện hộ trong phiên tòa. Bởi hoạt động này là việc “tái hiện lại” hoạt động xét xử và tuyên án tại phiên tòa. Người viết bài biện hộ sẽ dựa vào bài biện hộ của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự (được ghi nhận tại biên bản xét xử) mà không cần bất kì hành vi nào để xác minh tính đúng đắn của chứng cứ được đưa ra. Có thể nói, việc viết bài biện hộ cho phiên tòa mang tính chất phổ biến, giáo dục không quá khó khăn. Mục đích của những phiên tòa này là nhằm truyền tải kiến thức pháp luật một cách trực quan, sinh động, tác động mạnh tới nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật của đối tượng được phổ biến nên người 3
  4. viết sẽ có nhiệm vụ chọn lọc những nội dung trọng tâm nhất, thể hiện chúng một cách ngắn gọn, hàm súc, dễ hiểu trong bài biện hộ. Ở những phiên tòa hướng tới đối tượng là sinh viên luật, những người có kiến thức, am hiểu sâu về pháp luật thì bài biện hộ sẽ đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với người viết. Những phiên tòa này thường được tổ chức dưới dạng các cuộc thi, đây là sân chơi để sinh viên tìm hiểu pháp luật, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc theo nhóm. Theo đó, Ban tổ chức sẽ đưa ra một tình huống pháp lý trong một lĩnh vực nhất định và những dữ kiện để các bên có thể “mở nút thắt”. Mỗi nhóm, tùy thuộc vào việc sẽ bảo vệ quyền, lợi ích của bên đương sự nào để viết bài biện hộ cho đương sự của mình dựa trên những gợi ý đó. Ưu điểm của phiên tòa này là đã có những dữ kiện được cho sẵn dẫn tới các đội chơi không bị “rối” khi xác định sự kiện pháp lý. Những tình tiết được đưa ra sẽ được giải quyết bằng những quy định pháp luật mà các bên cho là phù hợp để giải quyết vụ án. Tùy thuộc vào kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng lập luật mà mỗi nhóm tham gia sẽ có những bài biện hộ với chất lượng khác nhau từ đó để đánh giá được năng lực của họ khi “chung một điểm xuất phát”. Do đó, những bài biện hộ đòi hỏi cần sự đầu tư nghiêm túc về thời gian cũng như “chất xám” của người viết. Tình huống giả định là lợi thế nhưng cũng là thách thức. Bởi vì, mặc dù người viết có thể tập trung vào vấn đề cốt lõi của vụ án nhưng không có những chi tiết bổ trợ (như ở phiên tòa thực tế) để củng cố trong lập luận của mình. Điều này đòi hỏi các bên phải tập trung vào điều luật, “đào sâu” kiến thức để làm rõ quan điểm. Vì vậy, những phiên tòa này sẽ là sân chơi, rèn luyện kỹ năng tư duy, phản biện, làm việc theo nhóm của đối tượng tham gia. Đồng thời, là cơ hội cho sinh viên có thể tiếp cận với việc viết bài biện hộ sau này bởi nó đòi hỏi người viết phải có trình độ nhất định. Như vậy, tùy vào cách thức tổ chức phiên tòa mà người viết bài biện hộ sẽ dựa vào các cơ sở dữ liệu khác nhau để hoàn thiện bài viết. Tuy nhiên, để một bài biện hộ có tính trọng tâm, chính xác, mang đậm tính pháp lý thì người viết phải có cách thức viết bài khoa học, thường trải qua những bước sau: Bước 1: Xác định những vấn đề pháp lý về vụ việc cần giải quyết. Đây là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ những sự kiện pháp lý thể hiện ở phần tóm tắt bản án hoặc gợi ý đề bài, người viết bài biện hộ sẽ xác định những vấn đề chủ đạo, trọng tâm, làm cơ sở để giải quyết vụ án. Những vấn đề này sẽ giúp người viết xác định 4
  5. nội dung vụ việc cũng như định hướng pháp lý cho bài biện hộ. Thông thường, việc xác định các sự kiện pháp lý không quá khó khăn, đây là những cơ sở làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật giữa các bên. Do đó, việc xác định vấn đề về vụ việc cần giải quyết là yêu cầu cơ bản đối với người viết vài biện hộ. Bước 2: Xác định những yếu tố của một nguyên tắc pháp lý. Nguyên tắc pháp lý hướng tới mục tiêu xác định rõ những nguyên lí, tư tưởng chỉ đạo của pháp luật đối với những vấn đề pháp lý đã được xác định. Theo đó, người viết sẽ phải xác định những căn cứ pháp lý liên quan để hiểu rõ quy định của pháp luật và làm cơ sở cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự mình. Sau đó, sẽ “xâu chuỗi” các sự kiện pháp lý theo trình tự để logic lại vấn đề. Qúa trình này sẽ giúp định hình, đối chiếu, kết hợp những vụ việc thực tế và quy định pháp luật nhằm tạo ta cách nhìn tổng quan nhất. Bước 3: Xác định định hướng bảo vệ. Trong các vụ án thông thường, thường sẽ có 2 hoặc nhiều đương sự ở hai khía cạnh quyền lợi, nghĩa vụ đối lập nhau. Do vậy, khi viết bài biện hộ thì phải chú ý đến việc mình đang bảo vệ quyền lợi hoặc bào chữa cho ai ai (nguyên đơn hay bị đơn; người bị hại hay bị cáo). Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các bài bào chữa cho bị đơn hoặc bị cáo trong vụ án. Định hướng bảo vệ phải dứt khoát, rõ ràng, thống nhất từ đầu đến cuối, không lưng chừng khập khểnh nước đôi. Tập trung khai thác vào những chi tiết để bào vệ quyền hoặc giảm nhẹ lỗi cho đương sự mình. Bước 4: Lập luận điểm pháp lý, viết ra các câu hỏi mà bài biện hộ sẽ trả lời, sử dụng luận chứng, lập luận để viết bài biện hộ. Qua việc đặt câu hỏi, các quy tắc pháp lý sẽ được áp dụng để giải thích từng (nhóm) vấn đề. Vấn đề (câu hỏi) phải thể hiện nội dung cần được giải thích và làm sáng tỏ kết luận đã được khẳng định, tránh sự không liên quan đến việc cần giải thích, thiếu dữ kiện hay nguồn luật liên quan. Trong quá trình viết bài biện hộ, cần ưu tiên nhấn mạnh những tình tiết có lợi cho mình. Việc sử dụng từ ngữ phải sống động, tạo ấn tượng mạnh gây sự thu hút đối với người đọc nhưng không được thể hiện tính suy luận chủ quan của người viết. Bước 5: Hoàn thiện bài viết. Người viết sẽ tiến hành sửa các lỗi về lôgíc của câu văn, hay lỗi dùng từ. Không sử dụng từ địa phương, văn nói vào trong bài biện hộ. Điều chỉnh những lỗi sử dụng dấu câu. Bước này thể hiện sự chuyên nghiệp của người viết trong bài biện hộ. 5
  6. Trong bài biện hộ phải thể hiện được khả năng phân tích vấn đề của tác giả. Dựa trên một vấn đề pháp lý được đưa ra, người viết phải tìm được cách “gợi mở nó” để “mổ xẻ” và tranh luận, kết hợp với các tình tiết của vụ việc để tìm ra căn cứ pháp lý phù hợp. Thông qua việc lý giải, phân tích những căn cứ pháp luật đó để kết luận từng vấn đề nhỏ trước khi tổng kết toàn bộ nội dung. Bài biện hộ sử dụng kết hợp các phương pháp: so sánh, đối chiếu, tổng hợp,… tạo sự thuyết phục cho các luận điểm được đưa ra. Tuy nhiên, cũng như những bài biện hộ thông thường thì bài biện hộ trong phiên tòa cũng cần tránh một số lỗi phổ biến như: Thứ nhất, quên mất bài biện hộ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích cho ai hoặc vì bảo vệ cho đương sự của mình mà đổ lỗi cho người không có lỗi. Đây là lỗi khá phổ biến. Bởi người viết chưa có lập trường chắc chắn, thiếu kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp. Dẫn tới các quan điểm đề xuất phải rõ ràng, lập luận lập lờ nước đôi hoặc nghiêm trọng hơn là đổ lỗi, đổ tội cho người khác để có lợi cho người mình bảo vệ, vì bênh vực quyền lợi cho thân chủ của mình mà làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Thứ hai, quan điểm đánh giá chủ quan, không có căn cứ. Thông thường, các phiên tòa chỉ tập trung vào một hoặc một số quan hệ pháp luật cần hướng đến. Do đó, không có nhiều dữ kiện để các bên có thể khai thác, củng cố quan điểm. Đồng thời, đa số người viết bài biện hộ chưa có nền tảng tư tưởng vững vàng dẫn đến sự phán đoán và đánh giá chủ quan trong tình tiết vụ việc. Có nhiều trường hợp tự ý thêm, bớt dữ kiện đề bài hoặc có sự suy đoán cá nhân trong quá trình viết bài biện hộ. Thứ ba, lỗi diễn đạt dài dòng, không rõ ràng. Một bài biện hộ tốt phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng và dễ đọc, thông tin được truyền tải trong bài phải rõ ràng, lôgíc. Những vấn đề cần bảo vệ phải được ghi thành đề mục và sắp xếp chúng theo một thứ tự hợp lý. Tuy nhiên, người viết bài biện hộ thường mắc lỗi trong kỹ năng diễn đạt, tẻ nhạt, tản mạn, dài dòng, lập luận không chặt chẽ sẽ không làm nổi bật được vấn đề pháp lý cần làm rõ. Đồng thời, sẽ không tạo được sự tập trung, lôi cuốn khi trình bày bài biện hộ trước phiên tòa. Thứ tư, lỗi chú thích. Bài biện hộ là tài liệu quan trọng để các bên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự mình trước phiên tòa. Do đó phải chú thích đầy đủ các minh chứng là các văn bản pháp luật, án lệ hay những tình tiết thể hiện chứng cứ từ 6
  7. những trao đổi của các bên. Nếu trích nguyên văn thì phải để trong dấu ngoặc kép. Tuy nhiên, lỗi không chú thích rất phổ biến ở các bài biện hộ. Dẫn tới việc khó khăn trong xác định cơ sở pháp lý, gây tâm lý hoang mang trên phiên tòa khi cần những chứng từ, căn cứ để tranh luận giữa các bên. Như vậy, so với bài biện hộ trong các phiên tòa thực tế, bài biện hộ ở phiên tòa trong giảng dạy sinh viên luật chỉ có một vài điểm khác biệt nhỏ. Nhưng cần lưu ý, tùy thuộc vào hình thức tổ chức phiên tòa mà cơ sở viết bài biện hộ sẽ có sự thay đổi. Đồng thời, cần chú ý một số lỗi phổ biến để bài biện hộ thực sự là công cụ sắc bén trong quá trình tranh tụng. Việc rèn luyện kỹ năng viết bài biện hộ cho phiên tòa sẽ tạo điều kiện để các đối tượng có thể tiếp cận với quá trình tranh tụng tại Tòa án một cách chủ động hơn. 2. Cấu trúc bài biện hộ trong phiên tòa Cấu trúc của bài biện hộ là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kỹ năng của các sinh viên. Đặc biệt là trong một số cuộc thi về phiên tòa, ban tổ chức còn thực hiện việc tính điểm đối với bài biện hộ. Vì thế, bài biện hộ cần được trình bày lôgíc, chặt chẽ và rõ ràng. Ngoài ra, người viết phải cần lưu ý để đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đúng về mặt hình thức của bài biện hộ. Thông thường, cấu trúc của bài biện hộ sẽ bao gồm: (i) Tiêu đề, (ii) Mục lục, (iii) Phần mở đầu, (iv) Phần lập luận, (v) Phần kết luận và (vi) Phần xác nhận. Đây là cấu trúc chung nhất được nhiều phiên tòa cũng như người viết chọn áp dụng. 2.1. Tiêu đề Phần đầu tiên trong bài biện hộ chính là phần tiêu đề. Phần tiêu đề là nội dung chính thức cần được trình bày ở trang đầu tiên (trang bìa) của bài biện hộ. Thông thường, những nội dung cần phải thể hiện ở phần này gồm các nội dung sau: Thông tin người gửi: Trong phiên tòa, đây là phần thể hiện tên người viết bản tranh luận Thông tin người nhận: Trong phiên tòa, người nhận sẽ là cơ quan giải quyết tranh chấp. Thời gian gửi bản biện hộ: Ngày - tháng - năm mà bản biện hộ chính thức hoàn tất hoàn tất và được gửi đi. 7
  8. Tên vụ việc: Phần này phải thể hiện tên đầy đủ của các bên tranh chấp (bao gồm bên nguyên đơn với bên bị đơn) và vấn đề tranh chấp của vụ việc hoặc đối tượng tranh chấp. 2.2. Mục lục Phần mục lục là phần theo sau phần tiêu đề của bài biện hộ trong phiên tòa. Phần mục lục là sự sắp xếp khoa học những vấn đề chính và các vấn đề phụ bằng cách đặt tên các tiêu đề của từng luận điểm. Mục lục các tiêu đề thường được trình bày với kết cấu như sau: TIÊU ĐỀ CỦA NHÓM VẤN ĐỀ LỚN THỨ NHẤT A1. Nội dung thứ 1 A2. Nội dung thứ 2 A3. Nội dung thứ 3 TIÊU ĐỀ CỦA NHÓM VẤN ĐỀ LỚN THỨ HAI B1. Nội dung thứ 1 B2. Nội dung thứ 2 ....... Để có cái nhìn tổng quan hơn, nhóm tác giả đưa ra một ví dụ về cấu trúc một phần mục lục trong bài biện hộ như sau: I. TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN ĐỐI VỚI TRANH CHẤP A1. Theo Hiệp ước hợp tác tòa diện (CEPTA) A2. Theo Điều 25.1 của ICSID II. VI PHẠM NGUYÊN TẮC ĐỐI XỬ CÔNG BẰNG VÀ THỎA ĐÁNG (FET) B1. Từ chối công lý B2. Tùy tiện trong việc đưa ra quyết định … Có thể thấy, phần mục lục được xem là hệ thống tổng quan các vấn đề lập luận mà người viết muốn hướng tới. Do đó, nên xác định các luận điểm thật rõ ràng và sắp xếp thật hợp lí, thông qua đó có thể thấy được tổng quát vấn đề biện hộ cũng như phạm vi kiến thức của người viết trong các vấn đề của vụ án. 2.3. Phần mở đầu 8
  9. Phần này dùng để giới thiệu tóm lược nội dung của bài biện hộ, đồng thời nhấn mạnh lập luận của người viết. Khả năng ảnh hưởng của bài biện hộ sẽ gia tăng đáng kể nếu ngay từ đầu người viết đã có quan điểm rõ ràng và cung cấp được các căn cứ cần thiết để khẳng định cho quan điểm đó. 2.4. Phần lập luận Phần lập luận là phần đưa ra các căn cứ để phục vụ cho các quan điểm của người biện hộ. Có thể khẳng định đây là phần trọng tâm và khó khăn nhất của bài biện hộ vì nó tạo cơ sở cho hoạt động tranh tụng diễn ra hiệu quả tại phiên tòa. Phần lập luận của bài biện hộ sẽ được viết theo hai hướng sau: Thứ nhất, nội dung bài biện hộ đưa ra lập luận dựa vào cơ sở pháp lý của vấn đề: Một trong những cách thức để cấu trúc nội dung phần tranh luận là dựa vào cơ sở pháp lý của vấn đề. Trong các quy định của pháp luật, thường có những điều luật quy định cụ thể những điều kiện nhất định để khẳng định một vấn đề nào đó. Do đó, người viết có thể dựa vào việc có thỏa mãn những điều kiện đó hay không để khẳng định hay phủ định vấn đề đó. Thứ hai, nội dung bài biện hộ đưa ra lập luận để phản bác lại một quan điểm khác: Trong phiên tòa, bài biện hộ không chỉ để bảo vệ quan điểm, lập luận của mình mà còn dùng để phản bác lại một quan điểm khác từ phía đối phương. Trong trường hợp này, người viết cần xác định những luận điểm cơ bản mà đối phương nêu ra để có thể tranh luận dựa theo chính các luận điểm đó. 2.5. Phần kết luận Phần kết luận thường tổng kết lại vấn đề và khẳng định lại mục đích của bài biện hộ. Trong mọi trường hợp, người viết phải luôn đảm bảo rằng phần kết đã nhấn mạnh điều mà người viết muốn đạt được thông qua các căn cứ đã cung cấp ở trên. Và điều mà người viết cần khẳng định lại cũng chính là điều đã đưa ra ở phần mở đầu của bài biện hộ. Thông thường, phần kết luận nên được thể hiện ngắn gọn, từ ba đến 4 dòng. 2.6. Phần xác nhận Hầu hết trong các phiên tòa đều quy định rằng khi gửi bài biện hộ hoặc tài liệu khác cho hội đồng trọng tài, luật sự cũng phải gửi bài biện hộ cho phía bên kia trong phiên tòa. Vì thế, phần xác nhận này dùng để chứng minh luật sư trong phiên tòa đã thực hiện yêu cầu này. Nội dung xác nhận này thông thường bao gồm tên của văn bản 9
  10. được gửi, tên của luật sư, tên của bên mà luật sư đại diện, các thông tin liên lạc... Trong một vài hệ thống luật thì luật sư cũng phải kí tên vào bài biện hộ đó. Và thông thường phía hội đồng trọng tài sẽ không chấp nhận bài biện hộ nếu thiếu phần xác nhận này. Do đó, có thể thấy đây là một phần khá quan trọng trong bài biện hộ. 3. Kết luận Phiên tòa được các trường đại học, cơ sở đào tạo luật ở nước ta áp dụng vào giảng dạy ngành luật trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định. Song việc việc tiếp cận với cấu trúc của bài biện hộ và kỹ năng viết bài biện hộ trong phiên tòa của sinh viên vẫn còn nhiều hạn chế. Thông qua bài viết, nhóm tác giả mong muốn mang đến lối tiếp cận về cấu trúc của bài biện hộ, qua đó giúp sinh viên xác định cũng như xây dựng được bài biện hộ đảm bảo các yếu tố cơ bản và cần thiết nhất. Đồng thời mang đến kỹ năng viết bài biện hộ trong phiên tòa, giúp sinh viên rèn luyện và nâng cao kỹ năng viết bài biện hộ, đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình tham gia các phiên tòa, rèn luyện và phát triển các kỹ năng pháp lý cho sinh viên luật. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Andrew Lynch, Why do we moot? Exploring the role of mooting in legal education, 7 Legal Educ.Rev.67 (1996). 2. Kim Bằng (2021), Thêm kỹ năng nghề nghiệp được sinh viên khoa Luật UEF tích lũy từ chuyên gia, website: https://www.uef.edu.vn/, đường link: https://www.uef.edu.vn/kluat/hoc-thuat/them-ky-nang-nghe-nghiep-duoc-sinh-vien- khoa-luat-uef-tich-luy-tu-chuyen-gia-11326. Truy cập ngày 06/10/2021. 3. TS. Trần Việt Dũng, Nguyễn Chí Hằng Hải (2014), “Áp dụng mô hình phiên tòa giả định trong giảng dạy kiến thức và kỹ năng pháp lý cho sinh viên Luật”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 02/2014. 4. Tường Vy, Trọng Điền (2020), Phiên tòa giả định: Một sân chơi sinh động của sinh viên ngành Luật trong việc phổ biến pháp luật, website: https://www.tvu.edu.vn/, đường link: https://www.tvu.edu.vn/phien-toa-gia-dinh- mot-san-choi-sinh-dong-cua-sinh-vien-nganh-luat-trong-viec-pho-bien-phap-luat/. truy cập ngày 04/10/2021. 5. TS. Trần Thị Quang Hồng (2021), “Kĩ năng viết cho người hành nghề Luật”, Nxb Hồng Đức. 10
  11. 6. Hoàng Nam (2018), Phiên tòa giả định – Học phần không thể thiếu đối với sinh viên ngành Luật, website: https://www.tvu.edu.vn/, đường link: https://www.tvu.edu.vn/phien-toa-gia-dinh-hoc-phan-khong-the-thieu-doi-voi-sinh- vien-nganh-luat/. Truy cập ngày 05/10/2021. 7. Đại học Đại Nam (2020), Học luật phải được xử án ngay từ trong trường với những phiên tòa giả định, website: http://dainam.edu.vn/, đường link: http://dainam.edu.vn/vi/khoa-luat/tin-tuc/hoc-luat-phai-duoc-xu-an-ngay-tu-trong- truong-voinhung-phien-toa-gia-dinh. Truy cập ngày 05/10/2021. 8. LRACUEL (2017), Kĩ năng & yêu cầu đối với phần viết Memorandum, website: https://lracuel.org/, link: https://lracuel.org/2017/07/14/ki-nang-va-yeu-cau- doi-voi-phan-viet-memorandum/. Truy cập ngày 08/10/2021. 9. Nguyễn Thị Hồng Thắm (2021), Kỹ năng của luật sư trong việc biết bài bào chữa, bảo vệ trong vụ án hình sự, website: https://luatminhkhue.vn/, đường link: https://luatminhkhue.vn/ky-nang-cua-luat-su-trong-viec-biet-bai-bao-chua--bao-ve- trong-vu-an-hinh-su.aspx. Truy cập ngày 07/10/2021. 10. Kỳ Sanh, Đặng Văn (2018), Về ứng dụng mô hình “Phiên tòa giả định” vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, website: http://www.sotuphapqnam.gov.vn/, đường link: http://www.sotuphapqnam.gov.vn/index.php/2017-03-13-06-49- 51/3527-2018-09-05-08-00-07. Truy cập ngày 06/10/2021. 11. Iracuelin, Kĩ năng và kinh nghiệm viết bài biện hộ, Ấn phẩm sưu tầm. 11
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2