intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn: Hoạt động xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1939-1945

Chia sẻ: Nguyen Hai | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:80

182
lượt xem
33
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta. Người đã cùng Trung ương tổ chức lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đưa nhân dân ta thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc phong kiến, đưa nước ta trở thành một nước độc lập, đưa Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền trong cả nước.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn: Hoạt động xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1939-1945

  1. LUẬN VĂN: Hoạt động xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1939-1945
  2. Mở Đầu 1. Lý do chọn đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta. Người đã cùng Trung ương tổ chức lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đưa nhân dân ta thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc phong kiến, đưa nước ta trở thành một nước độc lập, đưa Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền trong cả nước. Một trong những yếu tố đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Bởi vậy khi nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám chúng ta không thể không nghiên cứu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Nghiên cứu những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương chẳng những giúp chúng ta hiểu sâu sắc về vai trò của Người đối với toàn bộ sự nghiệp Cách mạng Tháng Tám. Đồng thời giúp chúng ta cũng hiểu sâu sắc, toàn diện hơn nữa về vai trò của Đảng và nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám. Từ khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đến nay đã 60 năm, đã có nhiều công trình nghiên cứu phản ánh về cuộc cách mạng này một cách khách quan khoa học. Song cho đến nay vẫn có một số công trình nghiên cứu lịch sử cách mạng Việt Nam, phần lớn là công trình của người nước ngoài đã quá nhấn mạnh vai trò đánh thắng chủ nghĩa phát xít của quân đồng minh. Không phản ánh, đánh giá đúng sự thật lịch sử về vai trò quyết định thắng lợi của cách mạng là do có sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là do sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả nghiên cứu vấn đề vai trò của Hồ Chí Minh trong hoạt động xây dựng Đảng (1939-1941) còn là sự thực lịch sử góp phần đánh giá một cách khách quan khoa học hơn về nguyên nhân, điều kiện thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và bác bỏ những nhận định đánh giá sai trái sự thật lịch sử, nhằm hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết quả nghiên cứu vấn đề một phần nào cũng giúp cho chúng ta cơ sở lý giải vì sao một Đảng mới 15 tuổi, chỉ có trên 5000 đảng viên mà lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi?
  3. Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939-1945) rất quan trọng như vậy, nhưng cho đến nay cũng chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Những nội dung và tư liệu lịch sử nghiên cứu được qua đề tài này sẽ góp phần vào việc nghiên cứu, biên soạn,giảng dạy, học tập về Cách mạng Tháng Tám nói chung và về nghiên cứu, giảng dạy, học tập về Chủ tịch Chí Minh nói riêng. Luận văn còn là tài liệu dùng để giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước cách mạng và niềm tin khoa học vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay cho thế hệ trẻ và cán bộ đảng viên. Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta hiện nay đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng cũng có không ít những khó khăn, thử thách rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới thắng lợi được. Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 2/1999) đã nhấn mạnh: "Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam". Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân. Những tư tưởng chỉ đạo, những bài học kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1939-1945 vẫn còn nguyên giá trị thiết thực phục vụ cho hoạt động xây dựng Đảng ta trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay. Với những lý do trên đây, chúng tôi đã chọn đề tài "Hoạt động xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1939-1945" làm đề tài cho luận văn thạc sĩ khoa học Lịch sử của mình. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Hoạt động xây dựng Đảng của Đảng ta nói chung và của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng trong thời kỳ vận động cách mạng Tháng Tám 1945, đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Hiện nay đã có nhiều tác giả và các công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau đây: - Cuốn "Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam" của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1983) đã đề cập đến một số hoạt động của Nguyễn ái Quốc (Hồ Chí Minh) và Trung ương Đảng về hoạt động xây dựng Đảng (1930-1945).
  4. - Cuốn "Cách mạng Tháng Tám 1945" Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1971) và cuốn "Lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945" Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng (1995) đề cập đến một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng 1939 - 1945. - Cuốn "Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp" Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1980) trong đó dành một số trang từ 89 - 117 nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc và Cách mạng Tháng Tám, cũng chỉ đề cập đến một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng 1939 - 1945. - Cuốn "Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử" Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (1993), các tác giả cũng đã dành một số trang nêu lên được một số sự kiện quan trọng về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng Đảng thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám. Tuy vẫn còn chưa chi tiết, đầy đủ và hệ thống, song cuốn sách này đã là cơ sở quan trọng giúp chúng tôi tìm hiểu thêm và bổ sung để hoàn thành luận văn. - Cuốn "Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng" của Trần Đình Huỳnh (1999) giúp chúng tôi những tư liệu, những nhận định, đặc biệt là cung cấp cho chúng tôi các vấn đề về lý luận, đường lối, phương pháp xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1920-1969). Tuy nhiên cuốn sách này lại không cung cấp cho chúng tôi một cách cụ thể hệ thống, đầy đủ về quan điểm, đường lối, phương pháp xây dựng và những hoạt động thực tiễn xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1939 - 1945... - Những giáo trình, bài giảng về Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng không đề cập chuyên sâu về xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1939 - 1945. Như vậy, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng thời kỳ 1939 - 1945. 3. Đối tượng, phạm vi và nhiệ m vụ nghiên cứu * Đối tượng nghiên cứu: Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám.
  5. * Phạm vi nghiên cứu: Tìm hiểu những hoạt động xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1939-1945. * Nhiệm vụ nghiên cứu: - Trên cơ sở những tư liệu lịch sử tin cậy, chọn lọc, luận văn khôi phục lại một cách trung thực, tương đối đầy đủ, toàn diện và hệ thống về những hoạt động của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực xây dựng Đảng thời kỳ 1939-1945. Từ đó góp phần vào việc đánh giá một cách khách quan, khoa học vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám, nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. - Luận văn còn rút ra những tư tưởng, đường lối, phương pháp xây dựng Đảng của Người trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám nhằm đóng góp vào việc xây dựng Đảng ta vững mạnh trong công cuộc cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay. 4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu * Nguồn tư liệu nghiên cứu: Để hoàn thành luận văn này, chúng tôi sử dụng kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác nhau: + Các tác phẩm của các tác giả kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Đảng Cộng sản. Nguồn tư liệu này cung cấp cho chúng tôi những phương pháp luận nghiên cứu, những quan điểm, đường lối, nguyên tắc xây dựng Đảng vô sản kiểu mới trong thời đại mới nói chung và trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa như Việt Nam nói riêng. + Những bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng; các văn kiện Đảng (1930 - 1945). Đây là nguồn tư liệu gốc để chúng tôi xây dựng luận văn. + Những tài liệu, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu: Viện Lịch sử Đảng (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội nhân văn, Viện Sử học và các Trường đại học trong nước (Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn...). Những tài liệu và các công trình này là cơ sở để chúng tôi so sánh đối chiếu những kết quả nghiên cứu của mình.
  6. + Một số tài liệu, công trình nghiên cứu của người nước ngoài có đề cập đến Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ 1939-1945. Đối với nguồn tài liệu này chúng tôi tiếp thu có chọn lọc, đồng thời cũng phê phán những ý kiến xuyên tạc, không đúng sự thật về vai trò của Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám. + Các cuốn Hồi ký của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Hồi ký của các cán bộ, đảng viên, nhân chứng lịch sử; những tranh ảnh, tư liệu lịch sử thời kỳ 1939 - 1945. Nguồn tư liệu này được chúng tôi chọn lọc sử dụng nhằm bổ sung cho những thiếu sót của tư liệu thành văn. * Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện nghiên cứu đề tài và trình bày luận văn chúng tôi sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau: kết hợp giữa phương pháp lịch sử với phương pháp lôgíc, trong đó phương pháp lịch sử là chủ yếu; kết hợp với phương pháp so sánh, phân tích, khái quát, tổng hợp... Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu lịch sử dân tộc với phương pháp nghiên cứu lịch sử Đảng. Đặc biệt, chúng tôi rất coi trọng và làm tốt công tác sử liệu như: sưu tầm, tập hợp, chỉnh lý và sử dụng chọn lọc các sử liệu đảm bảo tính chân thực lịch sử. Chúng tôi cũng chú ý sử dụng phương pháp điền dã sưu tầm tư liệu ở căn cứ địa Việt Bắc và phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, thu thập các hồi ký cách mạng. 5. Đóng góp của luận văn - Luận văn lần đầu tiên khôi phục lại một cách tương đối có hệ thống, toàn diện, trung thực về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về việc xây dựng Đảng trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám. - Luận văn góp phần đánh giá một cách khách quan, khoa học về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng, nhân tố quyết định đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Trên cơ sở đó góp phần phê phán những ý kiến, quan điểm xuyên tạc, sai sự thật lịch sử nhằm phủ nhận vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và của nhân dân ta đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. - Luận văn bước đầu rút ra một số tư tưởng, đường lối, nguyên tắc, phương pháp, kinh nghiệm xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945) nhằm đóng góp cho lĩnh vực xây dựng Đảng ta trong thời kỳ cách mạng mới hiện nay.
  7. - Những nội dung, tư liệu lịch sử của luận văn còn góp phần vào việc nghiên cứu biên soạn, giảng dạy và học tập lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng thời kỳ 1939 - 1945; đồng thời luận văn còn là tài liệu giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng và niềm tin khoa học vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng hiện nay cho thế hệ trẻ và nhân dân ta. 6. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tham khảo, phụ lục, mục lục, luận văn có 2 chương: Chương 1: Hoàn cảnh lịch sử và chủ trương xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng (1939 - 1945). Chương 2: Hoạt động xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1939 -1945. Chương 1 Hoàn cảnh lịch sử và chủ trương xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trung ương Đảng 1939 - 1945 1.1. Sự chuyển biến mới của tình hình và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới 1.1.1. Tình hình thế giới Ngày 1.9.1939, Đức tấn công Ba Lan, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, nhanh chóng trở thành một cuộc chiến tranh đế quốc lớn nhất trong lịch sử. Loài người đang có nguy cơ đứng trước hố diệt vong do chủ nghĩa phát xít gây ra. Đến cuối 1940, với sự hiếu chiến và sức mạnh quân sự, chỉ trong thời gian ngắn quân Đức đã đánh chiếm và gần như làm chủ hoàn toàn châu Âu (trừ Liên Xô) và sửa soạn cho kế hoạch xâm lược Liên Xô. ở Viễn Đông, quân Nhật mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Quốc, Mông Cổ, Thái Bình Dương, Đông Dương... Thấy được mối hiểm họa của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh phát xít, ngay từ khi chiến tranh thế giới thứ II chưa bùng nổ, Quốc tế Cộng sản đã có sự chỉ đạo kịp thời cho các Đảng cộng sản và nhân dân các nước thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc để đánh bại chủ nghĩa phát xít, bảo vệ nền hòa bình, dân chủ, văn minh, tiến bộ của thế giới (Đại hội VII Quốc tế cộng sản 1935).
  8. Dưới sự lãnh đạo của Quốc tế cộng sản, những năm 1935-1939 phong trào đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh bảo vệ hòa bình đòi quyền dân sinh, dân chủ của giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc trên thế giới diễn ra mạnh mẽ (Pháp, Tây Ban Nha, các nước bị áp bức..). Điển hình là phong trào kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc; phong trào chống phát xít hóa ở Pháp, các cuộc kháng chiến chống quân Đức, ý ở Châu Âu... Ngay từ khi cuộc chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận định: "Thế giới đế quốc chiến tranh lần này tiến hành theo một khuôn khổ to tát". "Thế giới sẽ là cái lò sát sinh lớn! nhân loại sẽ phải chịu một số kiếp vô cùng thê thảm". Nhưng chiến tranh sẽ làm cho chủ nghĩa đế quốc suy yếu, cách mạng sẽ nổ ra, thắng lợi ở nhiều nước. "ở các nước đế quốc tư bản nhất là ở các nước đang đánh nhau, hết thảy dân chúng bị áp bức sẽ thừa cơ nổi dậy bẻ cái xiềng nô lệ kéo dài đã hàng chục thế kỷ. ở các nước thuộc địa hết thảy dân tộc bị áp bức sẽ vùng dậy tranh đấu liều sống liều chết với đế quốc xâm lược để cởi vất cái ách tôi đòi" [21. 512, 515]. Đúng như vậy, cuộc chiến tranh đế quốc phát xít nổ ra làm cho đời sống của giai cấp công nhân và mọi tầng lớp nhân dân các nước trên thế giới cơ cực. Phong trào đấu tranh phản chiến, phong trào công nhân ở chính quốc các nước tư bản phát triển mạnh mẽ đòi chấm dứt chiến tranh. ở Anh, Pháp, Nhật... ngay ở Đức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đức phong trào đấu tranh chống phát xít chống chiến tranh cũng diễn ra mạnh mẽ. Nhiều cuộc xung đột giữa thợ thuyền với quân đội Hít le nổ ra. Ngoài các nước trên đây, phong trào phản đối chiến tranh cũng diễn ra ở ý, Mỹ... ở các nước thuộc địa, phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc bị áp bức đòi giải phóng cũng phát triển mạnh mẽ. ở ấn Độ luôn có những cuộc đình công, biểu tình có hai, ba chục vạn thợ tham gia. Nhiều cuộc biểu tình của mọi tầng lớp nhân dân ấn Độ tham gia đòi ấn Độ độc lập. Tại Trung Quốc, phong trào đấu tranh chống phát xít Nhật diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. Cuối 1940, quân Nhật xâm lược Đông Dương, phong trào cách mạng chống đế quốc Pháp, phát xít Nhật của nhân dân ba nước Đông Dương cũng diễn ra nhiều cuộc mít tinh, phát truyền đơn, dán áp phích khởi nghĩa chống đế quốc phát xít Pháp - Nhật. Dưới ách thống trị tàn bạo, dã man của đế quốc phát xít Pháp - Nhật, nhân dân Việt Nam liên tiếp nổi dậy đấu tranh. Nhiều cuộc biểu tình, bãi công của công, nông, binh lính nổ ra. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Bắc Sơn (9/1940), Nam Kỳ (11/1940) và
  9. anh em binh lính ở Đô Lương (1/1941) đã bùng nổ báo hiệu cách mạng Việt Nam chuyển qua thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh võ trang khởi nghĩa giành chính quyền, giành độc lập của các dân tộc Việt Nam, Đông Dương bắt đầu [23. 108-109]. Rõ ràng chiến tranh thế giới II do bọn đế quốc phát xít hiếu chiến gây ra đang xô đẩy nhân loại vào cuộc chém giết lẫn nhau. Dù trực tiếp hay gián tiếp thì hầu hết các nước trên thế giới đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh. 1.1.2. Tình hình Đông Dương Tháng 6.1940, nước Pháp bị Đức chiếm đóng. Mặt trận nhân dân Pháp bị thất bại. ở Pháp đã thành lập chính phủ thân phát xít. Nhân cơ hội đó bọn phát xít ở Pháp và ở thuộc địa ngóc đầu dậy chống phá. Tháng 9.1940, quân Nhật tràn vào Đông Dương qua đường Lạng Sơn. Bịn Pháp ở Đông Dương chống cự yếu ớt rồi hèn nhát đầu hàng dâng Đông Dương cho Nhật, nhượng cho Nhật vô số những quyền lợi kinh tế, chính trị ở Đông Dương. Từ đó hai tên đế quốc phát xít Pháp - Nhật đã cấu kết chặt chẽ với nhau, bóc lột dân ta đến tận xương tủy. Với Pháp: Về chính trị: Chúng phát xít hóa bộ máy chính quyền thuộc địa, xóa bỏ tất cả các quyền tự do dân chủ mà nhân dân ta đã giành được qua cao trào đấu tranh dân chủ 1936 - 1939. “ở Đông Dương những cải cách vụn vặt nhân dân Đông Dương chiếm được dưới thời kỳ chính phủ mặt trận bình dân bị Catơru phá phách hết. Luật lao động bị bỏ rơi. Các ái hữu thợ thuyền bị giải tán. Những báo chí tiến bộ bị đóng cửa, chế độ kiểm duyệt thì được thi hành rất ngặt. Những người bản xứ nhập Pháp tịch trong hồi bình dân bị đuổi ra khỏi “Làng Tây”. Những người cộng sản, những chiến sĩ tranh đấu cho hòa bình, tự do, dân chủ bị bắt bớ. Những trại giam tập trung theo kiểu phát xít thành lập khắp nơi. Không những các phần tử cách mạng hay “tình nghi can” bị giam trong đó, mà cả những người bị coi là “thành tích bất hảo” cũng bị nhốt vào đó. Tất cả họ là những người tù không có thời hạn. Họ bị bắt buộc làm đường, xẻ núi, dưới ngọn roi, báng súng của bọn lính canh” [22.41]. Chúng tăng cường hơn nữa chính sách khủng bố, đàn áp, bắt bớ giam cầm nhiều phần tử tiên tiến, những đảng viên, những chiến sĩ cách mạng, nhất là thanh niên. Chúng tiếp tục tiến hành khủng bố trắng. Chúng giải tán tất cả các đoàn thể quần chúng (công nhân, nông dân, phụ nữ, phụ lão, ái hữu...). Chúng còn thực hiện chính sách
  10. “chia để trị”, chia rẽ dân tộc để làm chỗ dựa cho chính sách bóc lột. Đây là hình thức cai trị rất cổ truyền. “Khủng bố, lừa gạt chưa đủ, đế quốc Pháp còn dùng chính sách chia rẽ. Chia rẽ dân Việt Nam với dân Việt Nam, chia rẽ dân Việt Nam với các dân tộc Miên - Lào và các dân tộc thiểu số khác (chúng lợi dụng người dân tộc này bắt người dân tộc kia)” [21.517-518]. Chúng sử dụng đắc lực thế lực phong kiến bù nhìn làm chỗ dựa cho chính sách bóc lột. “Chúng định nhả một ít quyền cho tụi vua chúa bù nhìn, mượn tay bọn này sát hại dân chúng” [21.518]. Mặt khác đế quốc Pháp cũng không quên động viên dư luận tiến hành mọt cuộc đại tiến công nói láo, ra lệnh cho mấy tờ báo bợ đỡ và lũ gia nô tẩu cẩu nói xấu cộng sản, công kích Liên Xô, kêu gọi nhân dân hiến mình nạp cho đế quốc chiến tranh" [21.518]. Bên cạnh việc đàn áp, khủng bố, bắt bớ các chiến sĩ cách mạng và nhân dân yêu nước của ta, thực dân Pháp cũng đưa ra nhiều thủ đoạn lừa bịp, hòng làm cho nhân dân ta lầm tưởng chúng là “bạn” chứ không phải là “thù”. Chúng cho một số người Việt Nam có bằng cấp cao được làm chức chủ sự, sĩ quan, thanh tra, cảnh sát... trước đó chỉ người Pháp hay người vào làng Tây mới được làm. Chúng mở thêm một số trường cao đẳng (Cao đẳng Khoa học, Cao đẳng Kiến trúc, Cao đẳng Nông lâm, Cao đẳng Thể dục...), lập ra “Đông Dương học xá” cho một số thanh niên lưu trú với mục đích lôi kéo trí thức, thanh niên. Đồng thời cũng giống như chính phủ đầu hàng Đức ở bên Pháp, chúng còn đưa ra các khẩu hiệu bịp bợm như “Cách mạng quốc gia”, “Pháp Việt phục hưng”, “Cần lao - Gia đình - Tổ quốc”, “Đoàn kết và cường tráng để phục vụ” nhằm tuyên truyền, lôi kéo đông đảo thanh niên, học sinh trung thành với Pháp. Dưới những khẩu hiệu “lập lờ” đó, tuy chúng có để cho thanh niên ta tổ chức kỷ niệm các anh hùng dân tộc (Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...), hát những bài ca khích lệ tinh thần yêu nước chống xâm lược (Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Tiếng gọi thanh niên...) nhưng đồng thời chúng cũng hướng thanh niên ta tôn sùng các anh hùng dân tộc Pháp như Gian Đa, thậm chí cả tên phát xít phản động đầu hàng như Pê Tanh. Chúng khuấy lên một phong trào thanh niên giả tạo với những cuộc đại hội điền kinh, biểu diễn thể thao - thể dục toàn Đông Dương... Nhưng tất cả những trò bịp bợm đó của chúng đều chẳng đưa lại kết quả bao nhiêu vì bộ mặt xấu xa, tàn ác của chúng đã quá lộ liễu, làn sóng cách mạng đã dâng lên từ những năm đầu chiến tranh thế giới và đang sắp nhấn chìm chúng.
  11. Chúng từng bước quỳ gối, nhân nhượng cho Nhật nhiều quyền lợi kinh tế, chính trị ở Đông Dương (ký với Nhật Hiệp ước phòng thủ chung Đông Dương (23.7.1941) thừa nhận cho Nhật có quyền đóng quân trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 29.7.1941, ký tiếp Hiệp ước với Nhật thừa nhận cho Nhật có quyền sử dụng tất cả các sân bay và cửa biển Đông Dương vào mục đích quân sự. Đến khi Nhật phát động chiến tranh Thái Bình Dương (7.12.1941), Pháp phải ký thêm với Nhật một Hiệp ước cam kết hợp tác về mọi mặt, như tạo mọi sự dễ dàng cho việc hành binhh, cung cấp lương thực, bố trí doanh trại, giữ gìn trật tự xã hội ở Đông Dương để đảm bảo hậu phương an toàn cho quân đội Nhật. Kể từ đây, trong thực tế, Pháp và Nhật đã cấu kết chặt chẽ với nhau trong việc áp bức, bóc lột nhân dân Đông Dương, chống lại phong trào cách mạng phục vụ cho chiến tranh đế quốc. [21.518]. Về kinh tế: Để có đủ số thóc gạo cung cấp cho Nhật, thực dân Pháp bắt nhân dân ta phải bán thóc theo diện tích đất cày cấy. Tàn ác và dã man hơn nữa, chúng còn bắt nhân dân ta phải nhổ lúa, phá hoa màu để trồng đay, thầu dầu... lấy nguyên liệu cần thiết cho chiến tranh. Tuy bị Nhật ức hiếp, tước đoạt mọi bề, thực dân Pháp đã có nhiều thủ đoạn gian xảo để vẫn thu được lợi nhuận cao nhất. Trước hết, chúng thi hành chính sách “Kinh tế chỉ huy” mà thực chất là một thủ đoạn lợi dụng kinh tế thời chiến để nắm độc quyền toàn bộ nền kinh tế Đông Dương và tăng cường tệ đầu cơ tích trữ để vơ vét bóc lột nhân dân ta được nhiều hơn. Thủ đoạn thứ hai là tăng thuế, đặc biệt là các thứ thuế gián thu, riêng với khoản thuế rượu, muối và thuốc phiện từ 1939 - 1945 đã tăng lên gấp 3 lần. “Ngoài thuế má nặng nề, tăng cường vơ vét tài nguyên và các hình thức cướp đoạt khác khiến dân chúng hết đường sống, lòng dân sôi sục căm hờn” [46.170-171]. Một thủ đoạn tàn ác nữa là chúng "thu mua" thực phẩm, chủ yếu là lúa gạo theo lối cưỡng bức, cướp đoạt với giá rẻ mạt, một phần để cung đốn cho Nhật, một phần để tích trưc chuẩn bị chiến tranh. Chính thủ đoạn tàn ác này đã gây ra nạn khan hiếm lương thực, thực phẩm nghiêm trọng trên thị trường và là nguyên nhân trực tiếp làm cho hơn 2 triệu đồng bào ta ở miền Bắc chết đói vào cuối năm 1944 và đầu 1945. Với Nhật: Về chính trị: Âm mưu của Nhật “Đem quân sang Đông Dương, Nhật muốn nhân cơ hội Pháp bại trận, nhận trước lấy một bộ phận thuộc địa của Pháp, chiếm lấy những nguồn nguyên liệu béo bở ở Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh, lấy Đông Dương
  12. làm nơi căn cứ quân sự đánh Hoa Nam và triệt đường tiếp tế quân nhu, khí giới cho Tàu ở Diến Điện, hòng mau ra khỏi vũng bùn lầy Trung Quốc, dùng Đông Dương làm cái cầu tiến bước xuống miền Nam Dương, á Châu” [22.49]. Để che đậy cho những hành vi cướp bóc tàn bạo và âm mưu xâm lược, để có chỗ dựa khi nhảy lên độc chiếm Đông Dương, phát xít Nhật đã đưa ra nhiều thủ đoạn chính trị thâm độc. Cụ thể, chúng bí mật cho người tập hợp những phần tử trí thức, nhân sĩ yêu phần nào bất mãn với Pháp (Trần Trọng Kim, Nguyễn Xuân Chữ...) hoặc những tên gián điệp cũ của Pháp (Nguyễn Thế Nghiệp...) và giúp chúng thành lập ra những đảng phải chính trị thân Nhật (Đại Việt Dân chính, Đại Việt Quốc xã, Việt Nam ái quốc, Phục Quốc, Đại Việt quốc gia liên minh...). Chúng còn lợi dụng cả các đạo giáo có xu hướng chống Pháp ở Nam Kỳ (Cao Đài, Hòa Hảo). Chúng thống nhất các phe phái trên thành một đoàn thể thân Nhật có tên chung trong cái gọi là “Việt Nam phục quốc đồng minh hội”, và ráo riết sửa soạn nặn ra một chính phủ bù nhịn làm tay sai cho chúng. Đồng thời, chúng còn tung ra luận điệu là bịp như “Khu thịnh vượng chung Đại Đông á”, cho xuất bản nhiều sách học tiếng Nhật, mở lớp dạy tiếng Nhật, tổ chức trao đổi trí thức, học sinh và sinh viên giữa Đông Dương và Nhật... để tuyên truyền cho văn hóa và sức mạnh “vô địch của Nhật”, gạt dần ảnh hưởng của Pháp độc chiếm Đông Dương. Về kinh tế: Các Công ty tư bản Nhật đưa vốn vào Đông Dương ngày một nhiều và hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp và thương mại (Công ty Thương mại và Công nghiệp Đông Dương, Công ty Đại Nam...). Về công nghiệp, Nhật bỏ vốn chủ yếu vào khai mỏ (quặng sắt, măng gan, phốt pho...). Về thương mại, từ 1942, là khách hàng độc nhất của Đông Dương, Nhật bán ít mà chủ yếu là mua. Trị giá hàng nhập từ Đông Dương sang Nhật lớn gấp nhiều lần hàng Nhật xuất sang Đông Dương. Năm 1944, Nhật xuất sang Đông Dương 25.000 tấn hàng và nhập của Đông Dương 1.400.000 tấn quặng thực phẩm. Đúng như Hồ Chí Minh viết: “Mùa thu 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó nhân dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật” [46.556]. Dưới hai tầng áp bức bóc lột nặng nề của Pháp - Nhật, các tầng lớp nhân dân ta nói chung, nhất là nông dân, bị đầy đến tình trạng cực khổ, điêu đứng.
  13. Với nông dân, cuộc sống của người nông dân lúc đó thật sự khốn quẫn. Họ bị tước đoạt đến hạt gạo cuối cùng mà họ phải nắm nắng, mười sương mới kiếm được, hay mảnh vải mà họ phải thức khuya dậy sớm để dệt thành. Họ phải sống cầm hơi qua ngày với hớp cháo cám nhạt và trần mình chịu rét lúc đêm đông. Theo thống kê “Số chi thu của những gia đình dân cày bị hao hụt. Giá hàng kỹ nghệ tăng, tiền sắm sửa nông cụ, mua phân bón nhất nhất cái gì cũng đắt mà nông sản bán không chạy và sưu thuế ngày một tăng cao” [22.53]. Trong tổng số gần 2 triệu đồng bào ta bị chết đói cuối 1944, đầu 1945 thì đa số là người nông dân, thiết nghĩ đó cũng là điều dễ hiểu. Với công nhân và kể cả thợ thủ công đời sống của họ cũng điêu đứng nhiều bề. Giá cả đắt đỏ làm cho cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn. Các tệ nạn cúp phạt, giảm lương, tăng giờ làm, đánh đập..., thậm chí dãn thợ, sa thải... thường xuyên đe dọa, uy hiếp họ. “Tình cảnh thợ thuyền hết sức khổ sở. Đồng lương thực của thầy thợ bị giảm. Giờ làm của thợ thuyền công chức tăng gia. Từ khi Pháp thu, sức sinh sản ở Đông Dương bị rút hẹp lại. Nhiều thợ bị giảm, nhiều thợ khác chỉ làm ba, bốn ngày trong một tuần. Tiền nhà, tiền cơm, đắt đỏ đến nỗi có nhiều anh em thợ không dám trọ ở tỉnh, phải quốc bộ hàng 10 cây số từ nhà quê ra tỉnh làm. Nhiều gia đình thợ bị tan nát. Chồng làm không đủ nuôi vợ, vợ phải về quê làm mướn hoặc bán lá rau, cái bánh lần hồi cho qua ngày” [22.53]. Với tiểu tư sản, đời sống của họ cũng hết sức bấp bênh. Đối với bộ phận công chức các sở công tuy thực dân Pháp có tăng lương cho họ vì giá sinh hoạt tăng nhanh, hay phát thẻ cung cấp một số mặt hàng cần thiết (vải, đường, gạo...) nhưng sự “ưu đãi” ít ỏi đó cũng không thể bù đắp nổi những thiếu hụt trong đời sống của họ vì giá sinh hoạt ngày càng cao vọt. Còn đối với các tầng lớp tri thức làm nghề tự do, các tiểu thương, tiểu chủ... thì tình cảnh càng vô cùng gieo neo, điêu đứng. Các nạn thất nghiệp, buôn bán thua lỗ, sập hiệu... sẵn sàng chờ đón họ. Ngoài ra hiện trạng “Thiếu vật liệu và thị trường tiêu thụ, nhiều nhà tiểu công nghệ bị phá sản hoặc chỉ sống một cách ngoắc ngoải. Nhiều tiểu thương bị chết chẹt giữa nạn đầu cơ của bọn đại thương buôn cắt và chính sách kiểm soát giá sinh hoạt thiên tư của chính phủ thuộc địa” [22.53].
  14. Ngay cả giai cấp tư sản và giai cấp địa chủ, chỉ trừ một số có quyền lại gắn chặt với Pháp - Nhật thì càng chớp thời cơ để làm ăn lớn, đầu cơ tích trữ, phát tài to, còn lại nói chung đều ít nhiều bị sa sút hay phá sản. Nói tóm lại, dưới ách áp bức của Pháp - Nhật đời sống nhân dân ta vô cùng bần cùng về kinh tế, ngột ngạt về chính trị. Trừ bọn đại địa chỉ, tư sản mại bản, quan lại cường hào tham nhũng và bọn đầu cơ tích trữ, còn mọi tầng lớp nhân dân đều rên xiết dưới hai tầng áp bức bóc lột của bè lũ Nhật - Pháp. Chính sách hèn đớn, phản động của đế quốc Pháp và những hành vi bạo ngược của Nhật đã khêu gợi tinh thần phản đế của đồng bào ta. Khắp Đông Dương nhân dân muốn đứng lên cởi bỏ xiềng xích nô lệ, đánh đuổi ách thống trị của giặc Nhật, Pháp. Mâu thuẫn nổi lên hàng đầu trong xã hội Việt Nam lúc này là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc phát xít Pháp và Nhật. Cả nước Việt Nam lúc này có thể ví như là một đống cỏ khô, chỉ cần một tàn lửa nhỏ rơi vào là sẽ bùng lên thiêu cháy bè lũ cướp nước và tay sai. Yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải đánh đuổi đế quốc, phát xít Pháp - Nhật và bè lũ tay sai giành độc lập - tự do và chính quyền về tay nhân dân, xây dựng chế độ dân chủ mới. Nhưng muốn cho cách mạng đi đến thắng lợi thì lúc này hơn bao giờ hết đòi hỏi Đảng ta phải vững vàng về mọi mặt trước cơn khủng bố gắt gao của kẻ thù để lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Do sớm dự báo được chiến tranh thế giới thứ hai sẽ nổ ra, nên Đảng ta hoàn toàn không bị bất ngờ về cuộc chiến tranh này. Trong thời kỳ 1936 - 1939 Đảng ta đã có một số chủ trương hoạt động thích hợp khi chiến tranh bùng nổ (Thông báo khẩn cấp 10.3.1938, Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương ngày 29.3.1938 và Tuyên ngôn Đảng Cộng sản Đông Dương với thời cuộc ngày 29.3.1938 đã nói rõ chiến tranh sẽ nổ ra, cần tập trung mũi nhọn chống phát xít gây chiến). Một tháng sau khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ngày 29.9.1939, Trung ương Đảng gửi thông báo cho các cấp bộ Đảng vạch rõ cách mạng Đông Dương sẽ tiến đến mục tiêu giải phóng dân tộc, chỉ thị cho toàn Đảng kịp thời rút vào bí mật và chuyển hướng hoạt động. Tuy nhiên tình hình Đảng ta lúc này cũng gặp nhiều khó khăn tổn thất lớn. Số lượng đảng viên ở Trung, Nam, Bắc kỳ còn quá ít ỏi. Đảng bộ 3 xứ bị thiệt hại rất nhiều do
  15. chính sách khủng bố của thực dân Pháp từ tháng 9.1939. Mặc dù vậy nhiều Đảng viên mới cũng được kết nạp vào Đảng, phần nào bù đắp được sự thiệt hại và mở rộng ra là khác. Ai Lao và Cao Miên vẫn giữ được tổ chức Đảng. Về chất lượng Đảng viên chưa cao, thành phần chủ yếu là dân cày và tiểu tư sản. Do chính sách khủng bố của Pháp nhiều chi bộ xí nghiệp của Đảng ở Ba Son, Xe lửa Sài Gòn, Sợi Nam Định, Xi măng Hải Phòng, các mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, Xe lửa Vinh... bị phá. Do đó làm cho “thành phần công nhân của Đảng đã kém lại kém thêm” [22.59]. Vì trình độ Đảng viên nhìn chung đều biết chữ. Tuy nhiên trình độ hiểu biết phổ thông lại rất kém do đó việc nghiên cứu và tự rèn luyện của đảng viên có phần chậm chạp. Nhưng điều đáng mừng là các đồng chí đảng viên lại rất hăng hái. Có nhiều đồng chí khi bị tra tấn rất dã man mà vẫn giữ được tinh thần. Có nhiều đồng chí chuyên môn bị truy tìm rất gay gắt, hoạt động trong những điều kiện rất khó khăn vẫn cương quyết tranh đấu không nản chí” [22.59]. Về mặt tổ chức, mặc dù bị đế quốc khủng bố gắt gao, Đảng vẫn luôn phát triển. Tuy nhiên Đảng vẫn chưa khôi phục được những chi bộ ở những nơi công nhân tập trung như những đồn điền ở Nam kỳ, những mỏ ở Bắc kỳ và những tỉnh thành kỹ nghệ phát triển ở Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn... Về chỉ huy toàn Đảng lúc này không được thống nhất, lý do là do Ban chấp hành Trung ương bị thất bại gần hết. Việc chỉ huy toàn Đảng lúc này là xứ nào riêng xứ ủy ấy chỉ huy cho nên phần nào nó ảnh hưởng đến chất lượng và sự thống nhất lãnh đạo của Đảng... Đặc biệt chính sách khủng bố thâm độc, tàn bạo của đế quốc Pháp và quân phiệt Nhật 1939-1941, đã làm cho Đảng Cộng sản Đông Dương tổn thất nặng nề. Chúng tìm mọi biện pháp khủng bố, giết hại đồng bào, cán bộ, chiến sĩ yêu nước, cách mạng, nhất là đối với cán bộ, đảng viên của Đảng, nhằm làm tê liệt mọi sự hoạt động và sự lãnh đạo của Đảng, dẫn đến sự tan rã của phong trào trước cách mạng. Chúng tìm cách cài cắm bọn "A-B" (Antibolchévik - chống bônsêvích), là những phần tử khiêu khích, phản bội, mật thám, tay sai của đế quốc, đội lốt cộng sản chui vào tổ chức đảng, dò xét, phá hoại Đảng [66. 108-110]. Với các thủ đoạn thâm độc, qua mỗi đợt khủng bố của địch hàng loạt cơ sở, tổ chức đảng và của đoàn thể quần chúng bị phá vỡ mất liên lạc; hàng ngàn cán bộ đảng viên ưu tú, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp quan trọng của Đảng bị bắt, tù đày và bị sát hại; nhiều tổ chức cấp bộ đảng phải lập đi lập lại nhiều lần.Trong những năm 1939 - 1941, các đồng chí Lê Hồng Phong ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế
  16. Cộng sản; Nguyễn Văn Cừ Tổng Bí thư Đảng; Hà Huy Tập Tổng Bí thư Đảng; Võ Văn Tần ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ; Nguyễn Thị Minh Khai ủy viên Xứ ủy Nam kỳ và Bí thư Thành ủy Sài Gòn... đã bị địch bắt và bị sát hại. Trong bối cảnh ấy, yêu cầu quan trọng cấp thiết đặt ra cho cách mạng Việt Nam lúc này là phải làm sao khôi phục lại được các tổ chức cơ sở cũng như hoạt động của Đảng, khôi phục lại phong trào làm cho Đảng ta thực sự vững mạnh về mọi mặt đủ sức đóng vai trò là người tiên phong dẫn đường, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên lật đổ ách áp bức Pháp - Nhật, giải phóng nhân dân ta khỏi kiếp nô lệ mất nước, giành độc lập tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng một chế độ dân chủ mới. 1.2. Chủ trương xây dựng Đảng của Hồ Chí Minh của Đảng ta trong thời kỳ mới Ngay từ cuối 1938, trước những biến động lớn của tình hình thế giới, Hồ Chí Minh đã rời Liên Xô đến Trung Quốc tìm cách về n ước hoạt động và trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta. Cuối 1938 đến 1940, từ Tây An (Thiểm Bắc), Người về Quế Lâm (Quảng Tây - Trung Quốc), tìm cách bắt liên lạc với Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu 1940, Hồ Chí Minh đến Côn Minh (Vân Nam - Trung Quốc) chắp nối liên lạc với Trung ương Đảng Cộng sản. Qua Ban hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, Người đã đóng góp nhiều ý kiến chỉ đạo cho công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo cách mạng thời kỳ mới. Tháng 11.1939, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm - Gia Định (gồm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu...). Sau khi phân tích kỹ lưỡng tình hình, thấm nhuần những tư tưởng, chỉ đạo của Nguyễn ái Quốc từ trước, Hội nghị đã nhận định: trong điều kiện lịch sử mới "bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không phải con đường nào khác hơn là con đường đánh đuổi đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập". Từ đó Hội nghị đặt vấn đề giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách nhất của cách mạng Đông Dương. Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, lập Chính phủ Liên bang cộng hòa dân chủ Đông Dương, Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước dân tộc, nhất là phải chăm lo xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương vững mạnh, thống nhất.
  17. Trong công tác xây dựng Đảng, căn cứ vào tình hình mới đang diễn ra, phân tích một cách hết sức khách quan, khoa học, Trung ương Đảng chủ trương: -“Đảng phải thống nhất ý chí và hành động”. Lúc này sự liên lạc giữa các đảng bộ từ Trung ương đến các xứ ủy, tỉnh ủy, các chi bộ không được mật thiết, địa phương nào chỉ biết lo cho địa phương ấy, ý chí và hành động của Đảng chưa được thống nhất, sự chỉ huy của Đảng không thống nhất cho nên trong lúc phong trào cách mạng đang sắp phát triển hết sức to lớn quyết liệt thì Đảng ta nhất định phải thống nhất ý chí lại thành một ý chí duy nhất. Hành động nhất định phải thống nhất, trên dưới khăng khít như một, phải theo nguyên tắc, phải có kỷ luật, các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ phải liên lạc mật thiết, kết chặt lại như một người, như một tảng đá... [21. 555]. - “Đảng phải mật thiết liên lạc với quần chúng”. Trong lúc này Đảng phải mật thiết liên lạc với quần chúng, phải lắp tai nghe tiếng nói của quần chúng, hiểu rõ nguyện vọng của quần chúng, đề ra những yêu cầu thiết thực với họ... Đảng không những chỉ đạo quần chúng mà còn phải học hỏi trong quần chúng nữa. Đảng phải xem xét coi những khẩu hiệu của mình có được quần chúng hiểu rõ và hưởng ứng không, phải tìm tòi những nguyên nhân thất bại để sửa đổi, để gần gũi và lôi léo quần chúng... [21.557] - “Đảng phải có vũ trang lý luận cách mệnh”. Đảng cần phải có vũ trang lý luận cách mệnh, cần phải hiểu rõ những quy luật vận động và phát triển của xã hội, hiểu rõ đường lối mình đi, biết tiến, biết thoái thì mới có thể làm tròn vai trò lãnh đạo. Đảng phải xuất bản sách báo huấn luyện, phải mở những lớp huấn luyện, phải huấn luyện lý luận cách mệnh cho đảng viên. Đảng phải dịch và xuất bản những tác phẩm quan trọng của chủ nghĩa Mác, Ăng ghen, Lê Nin... nhất là cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Nga” để huấn luyện đảng viên và những cán bộ không Đảng, vì theo Lê Nin “không có lý luận cách mệnh, không có vận động cách mệnh” [21.557]. - Đảng phải biết “lựa chọn cán bộ mới”. Đảng phải coi đây là việc làm rất quan trọng, nó quyết định đến sự thành bại của Đảng. Phong trào cách mạng ngày càng phát triển thì càng phải cần có thêm cán bộ mới để chỉ huy. Muốn lựa chọn cán bộ phải căn cứ vào công tác, phải công tác, phải lựa chọn những người hăng hái và hy sinh, biết cách làm việc, biết cách cổ động và thuyết phục quần chúng, được quần chúng tín nhiệm. Nếu không chú ý đến lựa chọn và đào tạo cán bộ thì vận động cách mệnh cũng không thể nào phát triển được. Trong khi lựa chọn cán bộ cần chú ý đưa đa số vô sản vào các cơ quan chỉ huy để dễ dàng đảm bảo đi đúng con đường cách mạng vô sản [21.558].
  18. - Đảng “phải lập tức khôi phục hệ thống Trung - Nam - Bắc và làm cho các Đảng bộ từ chi bộ đến Trung ương mật thiết liên lạc”. Vì sự khủng bố của địch làm cho các đảng bộ bị phá hoại ít nhiều. Vì liên lạc của Trung ương với các xứ ủy, của xứ ủy với các tỉnh ủy, của tỉnh ủy với các quận, huyện, các chi bộ nhiều nơi bị đình trệ. Vậy Đảng lúc này phải khôi phục cho được hệ thống Bắc - Trung - Nam và phải làm cho sự liên lạc từ Trung ương đến các chi bộ trở nên khăng khít, mật thiết... Nhất là trong lúc này Đảng thay đổi chính sách, phải làm cho chính sách ấy được phổ cập trong toàn Đảng, toàn bộ đảng viên đều tham gia thảo luận để cho Đảng có thể thực sự tiêu biểu ý chí và hành động thống nhất của toàn thể đảng viên. Trong lúc tình thế cách mạng ngày một lên cao như thế nào. Nếu các tổ chức của Đảng từ trên chí dưới không liên lạc mật thiết thì Đảng không thể chỉ huy phong trào một cách đúng đắn được. Phong trào cách mạng quần chúng sẽ vì đó mà yếu ớt đi, cách mạng không thực hiện được thắng lợi [21.560]. - Đảng phải “Khuyếch trương và củng cố cơ sở Đảng ở các thành thị, các trung tâm điểm kỹ nghệ và các hầm mỏ, đồn điền”. Đảng phải coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Mấy thành phố lớn có công nghiệp tập trung nhiều như Sài Gòn, chợ Lớn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh... nhìn chung Đảng ta chưa có cơ sở. Nếu có cũng rất nhỏ yếu. Do đó, nếu không gây dựng được cơ sở rộng rãi, vững vàng ở những nơi công nhân tập trung thì không thể nói đến vai trò lãnh đạo thực tế của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng [21.560]. - Đảng “phải chú ý gây dựng cơ sở Miên, Lào và tổ chức những đảng bộ tự trị của các dân tộc thiểu số”. Cách mạng Đông Dương có mối liên hệ mật thiết với nhau, do đó Đảng phải đặc biệt chú ý sự vận động các dân tộc Miên, Lào và các dân tộc thiểu số. Trung ương Đảng cũng như các xứ ủy phải tổ chức ban chuyên môn về vấn đề dân tộc thiểu số, phải cho người học chữ, học tiếng nói của các dân tộc ấy để tuyên truyền vận động họ, gây dựng cơ sở đối với Miên, Lào... phải tổ chức cho được những phần tử hăng hái của các dân tộc thiểu số vào Đảng và các đảng bộ miên, Lào cũng như Thổ, Thượng... vẫn nằm trong hệ thống duy nhất toàn Đảng, theo đúng tinh thần chủ nghĩa quốc tế, nhưng được tổ chức thành những Đảng bộ tự trị để chỉ huy cho sát với những đồng chí đặc biệt của các dân tộc họ và lôi kéo được đông đảo quần chúng trong các dân tộc ấy đứng lên đấu tranh đánh đổ đế quốc Pháp, giải phóng dân tộc [21.561]. - Đảng “phải củ soát thi hành nghị quyết”. Con đường chính trị và những nghị quyết mà Đảng đứa ra có khi vì đồng chí không hiểu biết, thiếu năng lực mà làm sai, có
  19. khi bị mật thám phá hoại, cũng có khi vì sự xung đột cá nhân giữa các đồng chí chấp hành... mà làm chậm chễ hoặc hư hỏng. Tất cả những điều ấy nếu không có sự kiểm soát thì không sao thấy ngay được để kịp sửa đổi. Không có kiểm soát, cơ quan thượng cấp sẽ không thấy được tính năng lực của đảng viên, sự lựa chọn cán bộ do đó sẽ không thỏa mãn, dùng cán bộ sẽ không sát với năng lực của họ. Do đó, ở mỗi đảng bộ, mỗi cơ quan phải kiểm soát công tác của nhau, phải tìm xem vì nguyên nhân gì mà công tác không phát triển để kịp thời sửa đổi... [21.562]. - Đảng “phải có các ban chuyên môn”. Đảng lúc này chưa có các ban chuyên môn. Lý do chủ yếu không phải là thiếu người, thiếu tiền mà là do chính Đảng ta vẫn chưa thấy rõ sự cần thiết của các Ban chuyên môn. Vì vậy hoạt động của Đảng chưa thực sự chất lượng, hiệu quả. Đảng phải thành lập những Ban chuyên môn như: Ban tuyên truyền vận động, Ban tài chính, Ban giao thông, Ban công vận, nông vận, Ban vận động dân tộc thiểu số... - Đảng phải chú ý đến “Công tác chi bộ”. Chi bộ là cơ sở của Đảng, sinh hoạt chính trị của chi bộ là biểu hiện chung của toàn Đảng. Phải làm cho các đồng chí trong chi bộ nhận thức rõ rằng mỗi một đồng chí trong ngày thương là một người lính của đội quân tuyên truyền vận động đấu tranh, khi bạo động và người đi đầu lãnh đạo quần chúng ra chiến trường, lúc thành công la những người xây dựng xã hội mới... Chi bộ có mạnh thì Đảng mới vững mạnh. - Đảng còn phải chú ý chống nạn khiêu khích mật thám. Không kết nạp những phần tử mật thám, tay sai đế quốc, hoặc luôn củng cố Đảng, loại khỏi hàng ngũ của Đảng những phần tử xấu, mật thám tay sai đế quốc; đồng thời tự chỉ trích và đấu tranh trên hai mặt trận hữu khuynh, tả khuynh... [21.563]. Có thực hiện được tất cả những chủ trương ấy thì Đảng ta mới thực sự vững mạnh, đảm bảo được sứ mệnh lãnh đạo toàn dân đấu tranh đi đến thành công. Tháng 9.1940, quân Nhật xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp đầu hàng dâng Đông Dương cho Nhật. Nhân dân ta một cổ đôi tròng áp bức. Trước tình hình mới, 11/1940, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần 7 tại Đình Bảng (Bắc Ninh) (gồm: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc việt...). Hội nghị tiếp tục nhận định "vấn đề giải phóng", "vấn đề dân tộc độc lập" đã trở thành thực tại và gắt gao". Đảng phải "lãnh đạo các dân tộc bị áp bức Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập". Hội nghị chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương.
  20. Đồng thời Hội nghị cũng chủ trương giai cấp vô sản Đông Dương phải giữ vững quyền lãnh đạo cách mạng. Muốn vậy Đảng phải khắc phục những tồn tại khuyết điểm về số lượng, chất lượng, trình độ đảng viên và công tác Đảng [22. 58-62, 71]. Trước nhiều biến động của tình hình thế giới và trong nước, phong trào cách mạng trong nước ngày càng phát triển đòi hỏi tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn ái Quốc trở về Tổ quốc trên mảnh đất Cao Bằng. Sau khi cùng Trung ương xem xét, phân tích kỹ lưỡng tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển lớn, từ ngày 10 đến 19-5-1941, tại Pác Pó, Cao Bằng, Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã hoàn thiện sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng được đề ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11/1939). Hội nghị xác định cuộc cách mạng Đông Dương hiện thời là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) mở rộng khối đoàn kết toàn dân tộc đánh đuổi đế quốc phát xít Pháp - Nhật giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Muốn hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó trước hết phải xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương vững mạnh về mọi mặt có đủ điều kiện khả năng lãnh đạo cách mạng đến thành công. Về vấn đề xây dựng Đảng, Người cùng Trung ương nhận thấy thực tế tình hình Đảng ta lúc đó có một thực trạng là: Sau những cuộc khủng bố 1939 - 1940, Đảng ta bị hao tổn rất nhiều cán bộ. Trong cấp cấp bộ Đảng bị thiếu, thiếu cán bộ chỉ đạo, lại thiếu cán bộ chuyên môn. Các cán bộ chỉ huy đã thiếu, các cán bộ chuyên môn lại cũng không đủ, các cấp đảng bộ ít chú trọng tổ chức ra các ban chuyên môn cần thiết như Ban công vận, nông vận, Ban tuyên truyền làm cho các ngành công tác quan trọng ấy không được phát triển đầy đủ. [22.132]. Tuy là Đảng của giai cấp vô sản nhưng thành phần của giai cấp vô sản ở trong Đảng ít. Đảng viên xuất thân từ các giai cấp khác như nông dân và tiểu tư sản thì chiếm nhiều hơn. Hiện nay Đảng chỉ có 25% là vô sản, 5% phụ nữ, còn 70% nông dân và tiểu tư sản, vì đó lực lượng của Đảng ta trong các chỗ vô sản tập trung và các nơi thành thị, đồn điền lại rất yếu [22.132].
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2