ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI<br />
VIỆN VIỆT NAM HỌC & KHOA HỌC PHÁT TRIỂN<br />
-----------------------------------------------------<br />
<br />
NGUYỄN QUỲNH NGÂN<br />
<br />
VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG TRONG QUÁ TRÌNH<br />
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH,<br />
LỄ HỘI ĐỀN TRẦN, TỈNH NAM ĐỊNH<br />
<br />
LUẬN VĂN THẠC SĨ<br />
Chuyên ngành: Việt Nam học<br />
<br />
Hà Nội - 2015<br />
<br />
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI<br />
VIỆN VIỆT NAM HỌC & KHOA HỌC PHÁT TRIỂN<br />
-----------------------------------------------------<br />
<br />
NGUYỄN QUỲNH NGÂN<br />
<br />
VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG TRONG QUÁ TRÌNH<br />
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH,<br />
LỄ HỘI ĐỀN TRẦN, TỈNH NAM ĐỊNH<br />
<br />
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học<br />
Mã số: 60 22 11 13<br />
<br />
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Ngô Đức Thịnh<br />
<br />
Hà Nội - 2015<br />
<br />
PHẦN MỞ ĐẦU<br />
<br />
1. Lý do chọn đề tài<br />
Với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước cùng 54 dân tộc anh em,<br />
Việt Nam có một nền văn hóa phong phú, đa dạng, được đúc kết qua bao nhiêu thế<br />
hệ. Có thể thấy cùng với quá trình phát triển kinh tế là những bước thăng trầm của<br />
văn hóa. Qua gần ba mươi năm đổi mới đất nước đã có những bước phát triển đáng<br />
ghi nhận. Chúng ta không chỉ đổi mới về kinh tế, xã hội mà còn đổi mới trong nhận<br />
thức và tư duy: Phát triển kinh tế gắn bó hữu cơ với phát triển văn hóa – đó là định<br />
hướng của sự phát triển bền vững.<br />
Từ khi bước vào công cuộc Đổi mới năm 1986 nền văn hóa nước ta được<br />
phục hưng trở lại: hàng loạt các lễ hội truyền thống được khôi phục. Hàng năm đều<br />
diễn ra các đợt kiểm kê di tích và trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, Cục Di sản văn<br />
hóa ra đời năm 2003 mà tiền thân là Cục (Vụ) Bảo tồn bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa<br />
thông tin từ những năm 1960 (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch),….đã làm<br />
cho nền văn hóa nước ta như bước vào một trang mới, cả dân tộc khí thế bắt tay vào<br />
công cuộc cải cách kinh tế, xã hội.<br />
Theo thống kê của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Việt Nam hiện nay có<br />
khoảng hơn 8000 lễ hội mỗi năm, trong đó chiếm 88% là lễ hội dân gian. Qua các<br />
quá trình lịch sử cùng với các chính sách của Nhà nước, địa phương các lễ hội trải<br />
qua nhiều sự biến đổi.<br />
Từ năm 2000 trở lại đây cứ đầu xuân năm mới những địa điểm như: hội Phủ<br />
Dầy (Nam Định); đền Sòng (Thanh Hóa); chùa Hương (Hà Nội); đền Bà Chúa Kho<br />
(Bắc Ninh),…hay bất kì đền chùa nào nổi tiếng bởi tính “thiêng” mà người ta đồn<br />
thổi nhau thì nhân dân đều kéo nhau đến thắp hương, cầu tài lộc, công danh, … Lễ<br />
hội đền Trần, tỉnh Nam Định là một trong những lễ hội được phục dựng và thu hút<br />
đông đảo sự tham gia của du khách thập phương từ mọi miền đất nước.<br />
Trấn Sơn Nam Hạ xưa (nay là thành phố Nam Định) còn được gọi là phủ<br />
Thiên Trường – một vùng đất địa linh nhân kiệt, với hào khí Đông A rực rỡ đất trời,<br />
được coi là kinh đô thứ hai sau kinh thành Thăng Long của thế kỷ XIII - XIV. Nơi<br />
đây đã sản sinh ra những vị vua anh minh, những tướng lĩnh kiệt xuất làm nên ba<br />
1<br />
<br />
lần chiến thắng vang dội của dân tộc Việt Nam đánh bại quân xâm lược Nguyên<br />
Mông, cùng truyền thống hiếu học góp phần gây dựng nên vương triều Trần hùng<br />
mạnh, trở thành một trong những triều đại đỉnh cao của chế độ phong kiến ở nước<br />
ta. Ngày nay dấu ấn đó còn lưu lại tại di tích và lễ hội đền Trần, nay thuộc phường<br />
Lộc Vượng, thành phố Nam Định.<br />
Di tích lịch sử văn hóa đền Trần là một trong những công trình kiến trúc tiêu<br />
biểu của tỉnh. Hiện nay dưới lòng đất khu vực quanh đền Trần còn rất nhiều dấu<br />
tích của hành cung Thiên Trường xưa mà qua các đợt khảo cổ học các nhà nghiên<br />
cứu đã khai quật được như: các dải gạch ngói vụn tạo dáng hình hoa chanh viền<br />
quanh nền của kiến trúc, đường ống thoát nước được xếp bằng gạch hoặc các ống<br />
cống tròn…. Về công trình kiến trúc được xây dựng lại từ thế kỉ XVII là một ngôi<br />
nhà thờ đại tôn họ Trần, đến thời nhà Nguyễn trải qua nhiều lần trùng tu, dựng thêm<br />
một số gian còn lưu lại như công trình kiến trúc ngày nay. Ngày 15/10/2007, Thủ<br />
tướng chính phủ đã quyết định phê chuẩn xây dựng Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát<br />
huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần ở Nam Định. Nhận thấy được giá trị<br />
khoa học và lịch sử lớn của triều Trần. Ngày 27/9/2012 khu di tích lịch sử văn hóa<br />
đền Trần - chùa Tháp được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng<br />
chính phủ kí quyết định. Ngày 19/12/2014 lễ hội đền Trần được công nhận là di sản<br />
văn hóa phi vật thể quốc gia.<br />
Lễ hội đền Trần bao gồm hai kỳ lễ hội lớn trong năm là lễ khai ấn tổ chức<br />
vào đêm 14 tháng giêng và lễ hội tháng Tám nhân ngày kỵ Đức Thánh Trần vào dịp<br />
20 tháng tám âm lịch hàng năm.<br />
Đặc biệt lễ khai ấn được tổ chức vào đêm 14 tháng giêng hàng năm là một<br />
trong những lễ hội lớn của tỉnh, trong khoảng hơn mười năm trở lại đây nó đã vượt<br />
ra khỏi phạm vi hương thôn Tức Mặc, trở thành một lễ hội của quốc gia, thu hút<br />
được hàng vạn du khách trên khắp mọi miền đất nước. Trải qua từng thời kì lễ khai<br />
ấn tại đền Trần Nam Định đã có những giai đoạn phát triển khác nhau. Từ một nghi<br />
lễ cung đình của vua quan triều Trần trở thành một nghi lễ lưu truyền trong dòng họ<br />
Trần được tổ chức bởi các vị cao niên trong làng và đến ngày nay tục lệ này được<br />
Nhà nước hóa. Vì vậy lễ khai ấn được diễn ra tại một không gian thiêng (quần thể di<br />
2<br />
<br />
tích văn hóa Trần – hành cung Thiên Trường xưa), vào thời gian thiêng (canh Tý<br />
đêm ngày 14 tháng giêng – thời gian mà các quan chức, nhân dân mở đầu cho một<br />
năm lao động, làm việc mới) và tính thiêng của “lá ấn” được đóng vào canh Tý đêm<br />
ngày 14 tháng giêng.<br />
Qua đó có thể thấy di tích và lễ hội đền Trần, tp. Nam Định chứa đựng giá trị<br />
di sản văn hóa lớn của một triều đại phong kiến Việt Nam. Do đó vấn đề bảo tồn và<br />
phát huy giá trị di sản này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của<br />
quốc gia, dân tộc.<br />
Mặt khác trong quá trình phục dựng lễ hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp<br />
dẫn đến những giải thích và quan niệm sai lầm về một số ý nghĩa của lễ hội. Điều<br />
này làm cho lễ hội đền Trần trở thành một vấn đề nóng bỏng của dư luận xã hội.<br />
Một số nhà nghiên cứu cho rằng hiện nay khuynh hướng “Nhà nước hóa lễ<br />
hội” đang diễn ra sâu rộng trên cả nước. Điều này thể hiện ở chỗ người dân sở tại với<br />
tư cách là chủ thể của lễ hội đang dần mất vai trò và có thể bị gạt ra ngoài lễ hội, trở<br />
thành những người thụ động.Việc nhà nước can thiệp quá sâu làm cho lễ hội bị sân<br />
khấu hóa bởi các diễn viên nghệ thuật chuyên nghiệp theo một kịch bản có sẵn do đạo<br />
diễn dàn dựng. Một số lễ nghi trong lễ hội cũng bị nhà nước hóa khi có quá nhiều<br />
quan chức chính quyền các cấp đến dự lễ và theo một kịch bản mang tính hành chính<br />
nhà nước. Khuynh hướng này đang làm triệt tiêu tính sáng tạo của dân chúng, làm<br />
cho lễ hội mất đi tính hồn nhiên, sinh động vốn có của một lễ hội dân gian1.<br />
Quần chúng nhân dân là những đối tượng đã sáng tạo nên lịch sử và văn hóa<br />
vậy có nên hay chăng trong công cuộc bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn<br />
hóa người dân trở thành đối tượng thụ động, bị đặt ra ngoài lề công cuộc này.<br />
Do đó cần đặt ra vấn đề phục dựng lễ hội để gìn giữ giá trị nguyên bản cho lễ<br />
hội và trả lại vai trò chủ thể sáng tạo của lễ hội cho cộng đồng cư dân địa phương.<br />
Từ những lý do trên, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “Vai trò của cộng đồng<br />
trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích và lễ hội đền Trần, tỉnh Nam<br />
Định” làm luận văn tốt nghiệp hệ đào tạo thạc sĩ ngành Việt Nam học tại Viện Việt<br />
1<br />
<br />
Bộ VHTT & DL, Cục DSVH: Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Hà Nội, 2012, tr.49.<br />
<br />
3<br />
<br />