Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác<br />
phạm tội mà có trong luật hình sự Việt Nam<br />
Trần Thị Thu Nam<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS ngành: Luật Hình sự; Mã số: 60 38 40<br />
Người hướng dẫn: TS. Trần Quang Tiệp<br />
Năm bảo vệ: 2007<br />
Abstract: Phân tích, làm rõ lịch sử hình thành và phát triển những quy định về tội chứa<br />
chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong luật hình sự Việt Nam.<br />
Làm sáng tỏ khái niệm, ý nghĩa này; phân tích các quy định của pháp luật hình sự một số<br />
nước trên thế giới. Phân tích, làm rõ những quy định của pháp luật hình sự hiện hành,<br />
thực tiễn áp dụng loại tội phạm này, nêu lên vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử. Đề<br />
xuất hệ thống các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng những quy định của pháp luật<br />
hình sự hiện hành về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có<br />
Keywords: Luật hình sự; Pháp luật Việt Nam; Tội chứa chấp<br />
<br />
Content<br />
Mở đầu<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài<br />
Trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 08NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp<br />
trong thời gian tới", Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-05-2005 của Bộ Chính trị "Về Chiến<br />
lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm<br />
2020", Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-06-2005 của Bộ Chính trị "Về Chiến lược cải cách tư<br />
pháp đến năm 2020", công cuộc cải cách tư pháp đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo tổ<br />
chức thực hiện với quyết tâm cao đạt được nhiều kết quả. Nhận thức và sự quan tâm của toàn xã<br />
hội đối với công tác tư pháp có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, cuộc đấu tranh phòng, chống<br />
<br />
tội phạm đã được nâng lên một bước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,<br />
tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.<br />
Tuy nhiên, kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mới tập trung giải quyết<br />
những vấn đề bức xúc nhất. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều hạn chế. Tình<br />
hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tình hình tội chứa<br />
chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đang là vấn đề bức xúc của người dân.<br />
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, trong không ít vụ án, một số công dân do chạy theo<br />
lợi nhuận bằng mọi giá, mặc dù biết tài sản mình chứa chấp, tiêu thụ là tài sản do người khác<br />
phạm tội mà có, đã cố tình chứa chấp, tiêu thụ những tài sản này, gây thêm khó khăn cho các cơ<br />
quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, khám phá vụ án. Việc một số công dân không tham gia đấu<br />
tranh chống tội phạm nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân,<br />
tổ chức, trái lại chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đã gây ra những<br />
hậu quả tiêu cực cho xã hội, làm phức tạp thêm tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực<br />
tiễn đấu tranh phòng, chống tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đã<br />
đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc đòi hỏi khoa học pháp lý phải nghiên cứu, giải quyết như khái<br />
niệm, những dấu hiệu pháp lý hình sự đặc trưng của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người<br />
khác phạm tội mà có, nguyên nhân, điều kiện của tội phạm này... Về mặt lý luận, xung quanh tội<br />
chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau,<br />
thậm chí trái ngược nhau.<br />
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài, "Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác<br />
phạm tội mà có trong luật hình sự Việt Nam", mang tính cấp thiết, không những về mặt lý luận,<br />
mà còn là đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.<br />
2. Tình hình nghiên cứu đề tài<br />
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là tội phạm có tính<br />
nhạy cảm cao, phức tạp, đã được một số nhà luật học đề cập trong Giáo trình luật hình sự Việt<br />
Nam (Phần các tội phạm) của Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia Hà<br />
Nội, Hà Nội, 1997; Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập II của Trường Đại học Luật Hà Nội,<br />
<br />
Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998; Giáo trình luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học<br />
Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000; Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần các<br />
tội phạm) của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội,<br />
2002; Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần các tội phạm) của TS. Phùng Thế Vắc,<br />
TS. Trần Văn Luyện, LS. ThS. Phạm Thanh Bình, TS. Nguyễn Đức Mai, ThS. Nguyễn Sĩ Đại,<br />
ThS. Nguyễn Mai Bộ, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2001...<br />
Các công trình nói trên đã đề cập tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác<br />
phạm tội mà có, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về<br />
tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có dưới góc độ pháp lý hình sự.<br />
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn<br />
Mục đích của luận văn<br />
Mục đích của luận văn là trên cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng tội chứa chấp hoặc tiêu<br />
thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đề xuất những giải pháp mang tính hệ thống nhằm<br />
hoàn thiện việc áp dụng những quy định của pháp luật hình sự về tội phạm này.<br />
Nhiệm vụ của luận văn<br />
Để đạt được mục đích trên, tác giả luận văn đã đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ sau:<br />
- Phân tích, làm rõ lịch sử hình thành và phát triển những quy định về tội chứa chấp<br />
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong luật hình sự Việt Nam.<br />
- Làm sáng tỏ khái niệm, ý nghĩa của việc quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản<br />
do người khác phạm tội trong pháp luật hình sự; phân tích các quy định của pháp luật hình sự<br />
một số nước trên thế giới về tội phạm này.<br />
- Phân tích, làm rõ những quy định của pháp luật hình sự hiện hành về tội chứa chấp<br />
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; làm sáng tỏ thực tiễn áp dụng loại tội phạm<br />
này, nêu lên những vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử, đòi hỏi khoa học luật hình sự phải<br />
nghiên cứu giải quyết.<br />
<br />
- Đề xuất hệ thống các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng những quy định của pháp<br />
luật hình sự hiện hành về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.<br />
Đối tượng nghiên cứu của luận văn<br />
Luận văn nghiên cứu tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.<br />
Phạm vi nghiên cứu của luận văn<br />
Luận văn nghiên cứu tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có,<br />
dưới góc độ pháp lý hình sự, trong thời gian 10 năm từ năm 1997 đến năm 2007.<br />
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu<br />
Cơ sở lý luận của luận văn là hệ thống quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng<br />
Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã<br />
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, và về xây dựng pháp luật<br />
Cơ sở thực tiễn của luận văn là những bản án, quyết định của Tòa án về tội chứa chấp<br />
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; số liệu thống kê, báo cáo tổng kết của các cơ<br />
quan bảo vệ pháp luật về tội phạm này.<br />
Phương pháp luận của luận văn là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật<br />
lịch sử.<br />
Trong khi thực hiện đề tài, tác giả sử dụng các phương pháp: hệ thống, lịch sử, lôgíc,<br />
thống kê, phân tích, tổng hợp, kết hợp với các phương pháp khác như so sánh pháp luật, điều tra<br />
xã hội...<br />
5. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn<br />
Đây là công trình chuyên khảo đầu tiên trong khoa học pháp lý Việt Nam ở cấp độ luận<br />
văn thạc sĩ luật học, nghiên cứu một cách tương đối toàn diện và tương đối có hệ thống về tội<br />
chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có dưới góc độ pháp lý hình sự. Có<br />
thể xem những nội dung sau đây là những đóng góp mới về khoa học của luận văn:<br />
<br />
- Làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận chung về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do<br />
người khác phạm tội mà có trong luật hình sự Việt Nam.<br />
- Phân tích, đánh giá những quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người<br />
khác phạm tội mà có, trong pháp luật hình sự một số nước trên thế giới nhằm rút ra những giá trị<br />
hợp lý về lập pháp hình sự, để vận dụng có chọn lọc, bổ sung cho những luận cứ và giải pháp<br />
được đề xuất trong luận văn.<br />
- Phân tích, làm rõ những quy định của pháp luật hình sự hiện hành về tội chứa chấp<br />
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và thực tiễn áp dụng, nêu lên những vướng<br />
mắc trong thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật hình sự về tội phạm này.<br />
- Đề xuất hệ thống các giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng<br />
những quy định của pháp luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm<br />
tội mà có.<br />
6. Ý nghĩa của luận văn<br />
Kết quả nghiên cứu và những đề xuất của luận văn có ý nghĩa quan trọng đối với việc<br />
nâng cao hiệu quả việc áp dụng những quy định của pháp luật hình sự hiện hành về tội chứa chấp<br />
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ở nước ta. Thông qua kết quả nghiên cứu và<br />
các đề xuất, tác giả mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào việc phát triển khoa học<br />
luật hình sự nói chung, về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nói<br />
riêng.<br />
Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho cán bộ làm công tác nghiên<br />
cứu, giảng dạy về khoa học pháp lý nói chung, khoa học luật hình sự nói riêng và cho các cán bộ<br />
thực tiễn đang công tác tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.<br />
7. Kết cấu của luận văn<br />
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn<br />
gồm 3 chương, 7 mục.<br />
<br />