LUẬN VĂN: Vai trò định hướng XHCN của Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam
lượt xem 22
download
Định hướng XHCN là một vấn đề được Đảng ta chính thức nêu ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Đây là một chủ đề lý luận và thực tiễn rất cơ bản, trọng yếu, giữ vai trò chỉ dẫn và chi phối các hoạt động tư tưởng, lý luận và thực tiễn, được toàn Đảng, toàn dân ta hết sức quan tâm. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước hết sức phức tạp, chịu sự...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: LUẬN VĂN: Vai trò định hướng XHCN của Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam
- LUẬN VĂN: Vai trò định hướng XHCN của Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam
- Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài: Định hướng XHCN là một vấn đề được Đảng ta chính thức nêu ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Đây là một chủ đề lý luận và thực tiễn rất cơ bản, trọng yếu, giữ vai trò chỉ dẫn và chi phối các hoạt động tư tưởng, lý luận và thực tiễn, được toàn Đảng, toàn dân ta hết sức quan tâm. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước hết sức phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, đang đứng trước những thời cơ và vận hội to lớn cũng những thách thức và nguy cơ không thể xem thường thì vấn đề định hướng XHCN ngày càng giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với thực tiễn hôm nay và tương lai mai sau của đất nước. Giữ vững định hướng XHCN là một nguyên tắc của công cuộc đổi mới. Sự thành công hay thất bại của công cuộc đổi mới đó ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào việc giữ vững định hướng đó hay không. Do vậy, làm rõ thực chất của định hướng XHCN, tính đúng đắn của nó, những điều kiện và vai trò các nhân tố thực hiện định hướng để từ đó tạo cơ sở khoa học cho hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách trong công cuộc đổi mới, nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là điều quan trọng và cần thiết. Vì thế việc nghiên cứu “Vai trò định hướng XHCN của Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vừa cơ bản, vừa cấp thiết. 2. Tình hình nghiên cứu: Vấn đề định hướng XHCN nói chung, vai trò của Nhà nước nói riêng trong thực hiện định hướng được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học ở nhiều cấp, nhiều ngành. Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học cũng như công trình nghiên cứu tập thể các vấn đề nói trên dưới nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ:
- + Một số chương trình, đề tài thuộc các chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước. - Chương trình KX01 “Những vấn đề lý luận về CNXH và về con đường đi lên CNXH ở nước ta” do GS.TS. Nguyễn Duy Quý chủ nhiệm. - Đề tài KX05-04 “Đặc trưng cơ bản của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn quá độ lên CNXH” do GS. PTS. Nguyễn Ngọc Long chủ nhiệm. - Đề tài KX03-04 “Cơ chế thị trường và vai trò của Nhà nước trong quản lý nền kinh tế nước ta hiện nay” do GS. TS. Lương Xuân Quỳ làm chủ nhiệm... + Một số cuốn sách chuyên khảo: - Định hướng XHCN ở Việt Nam, Một số vấn đề lý luận cấp bách, của ông Trần Xuân Trường. - Một số vấn đề về định hướng XHCN ở Việt Nam của tác giả Nguyễn Đức Bách, Nhị Lê, Lê Văn Yên. - Cơ sở khoa học của công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam của ông Lê Đăng Doanh. - Kinh tế Việt Nam trước thế kỷ XXI, cơ hội và thách thức của Nguyễn Minh Tú. - Đổi mới hoàn thiện chính sách và cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta, của các tác giả Vũ Đình Bách, Ngô Đình Giao. + Một số luận án PTS., ThS. gần đây: - Định hướng XHCN ở Việt Nam, nội dung cơ bản và những điều kiện chủ yếu để thực hiện của Nguyễn Văn Oanh. - Vai trò định hướng XHCN của kiến trúc thượng tầng chính trị đối với sự phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần ở Việt Nam hiện nay của Huỳnh Thanh Minh... Ngoài ra còn các công trình nghiên cứu được công bố trên nhiều tạp chí, thông tin chuyên đề: - Hội thảo “Một số vấn đề về định hướng XHCN ở nước ta” đăng trên Tạp chí Cộng sản từ số 4 tháng 2/1996 đến số 7 tháng 4/1996.
- - Kinh tế thị trường và định hướng XHCN của Bùi Ngọc Chưởng - Tạp chí Cộng sản tháng 6/1995. - Vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng và chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay của Nguyễn Tiến Phồn, Tạp chí Triết học số 3/1995. - Mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới chính sách kinh tế và đổi mới chính sách xã hội của Nguyễn Trọng Chuẩn, Tạp chí triết học số 3/1996. Mặc dù các công trình nghiên cứu, tài liệu, bài viết đã đề cập khá nhiều đến các khía cạnh khác nhau có liên quan trực tiếp đến đề tài: quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ chính trị TBCN, bước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường, vai trò của các nhân tố chủ quan trong việc lựa chọn và thực hiện định hướng XHCN ... Song chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống dưới góc độ triết học về “Vai trò định hướng XHCN của Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam hiện nay”. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án: a. Mục đích: - Làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận cơ bản về mối quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế. - Làm sáng tỏ tác động của Nhà nước với quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam. Từ đó đề xuất một số phương hướng nâng cao vai trò của Nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. b. Nhiệm vụ của luận án: Để đạt được mục đích trên, luận án có nhiệm vụ: - Phân tích một cách có hệ thống lý luận Mác - Xít về quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế với tư cách là phương pháp luận nền tảng cho việc xem xét vai trò của Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
- - Phân tích một số các học thuyết kinh tế, một số mô hình kinh tế thị trường hiện đại nhằm khẳng định vai trò ngày càng tăng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. - Phân tích và chứng minh việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là con đường tất yếu, hợp quy luật vận động của lịch sử trong thời đại ngày nay. - Làm rõ nội dung và phương thức định hướng XHCN của Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. - Trên cơ sở phân tích thực tiễn hơn 10 năm đổi mới, luận án làm rõ thực trạng, những vấn đề phát sinh và một số phương hướng nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của Nhà nước trong định hướng XHCN sự phát triển nền kinh tế. 4. Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu, luận án lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận, phương pháp luận; luận án sử dụng các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, kết quả các công trình nghiên cứu có liên quan. Luận án sử dụng chủ yếu các phương pháp của CNDVBC và CNDVLS đặc biệt là các phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp thống nhất lôgíc và lịch sử, phương pháp thống nhất lý luận và thực tiễn... 5. Cái mới của luận án: - Góp phần nghiên cứu tương đối có hệ thống mối quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế. - Góp phần vạch cơ sở khoa học của định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự phát triển kinh tế và vai trò của Nhà nước trong định hướng đó. - Góp phần nêu ra một số phương hướng nhằm nâng cao vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam theo định hướng XHCN. 6. ý nghĩa thực tiễn: Những kết quả đạt được trong luận án sẽ góp phần vào thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy môn triết học Mác - Lênin, có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho môn kinh tế chính trị học và một số môn khác trong phạm vi liên quan đến đề tài.
- 7. Kết cấu của luận án. Ngoài phần mở đầu và kết luận, Luận án bao gồm 3 chương, 7 tiết.
- Chương 1 vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế 1.1. Nhà nước với kinh tế. Lịch sử phát triển của xã hội loài người có giai cấp cho thấy mối quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế là một tất yếu khách quan. Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin, mối quan hệ kinh tế - Nhà nước, về thực chất, là biểu hiện tập trung nhất mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng (CSHT) và kiến trúc thượng tầng (KTTT) của xã hội, mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Khi nghiên cứu đời sống xã hội, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng con người "muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thoả mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra đời sống vật chất và đó là một hành vi lịch sử, điều kiện cơ bản của mọi lịch sử mà hiện nay cũng như hàng ngàn năm về trước, người ta phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ chỉ để nhằm duy trì đời sống con người " 1. Như vậy, sản xuất vật chất là hành vi lịch sử đầu tiên và cũng là hành vi mang tính chất vĩnh cửu của con người. Và "trong sự sản xuất ra đời sống của mình, con người ta có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tuỳ thuộc vào ý chí của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội - tức là cái cơ sở hiện thực, trên đó xây dựng lên một KTTT pháp lý và chính trị "2. Cái cơ sở hiện thực Mác chỉ ra ở đây chính là cơ sở hạ tầng của một xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định, chính là sự tổng hợp của toàn bộ những quan hệ sản xuất cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử đó: Những quan hệ sản xuất thống trị, những quan hệ sản xuất tàn dư của xã hội trước và những quan hệ sản xuất mầm 1 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, t1, NXB Sự thật H 1980, tr. 286-287. 2 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, Tập2 NXB S. H. 1981 tr. 637.
- mống của xã hội tương lai. Đặc trưng của CSHT ở mỗi xã hội cụ thể là do kiểu quan hệ sản xuất thống trị quyết định, còn các kiểu quan hệ sản xuất khác - kiểu quan hệ sản xuất tàn dư, kiểu quan hệ sản xuất mầm mống cũng có những vai trò vị trí nhất định. Các kiểu quan hệ sản xuất đó (thống trị, tàn dư, mầm mống) trong CSHT vừa thống nhất lại vừa đấu tranh với nhau tạo nên sự phong phú đa dạng và phức tạp của CSHT. CSHT của mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau là khác nhau. Sự khác nhau đó là do tính chất của kiểu quan hệ sản xuất thống trị quy định. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, CSHT của xã hội cũng có tính chất đối kháng. Do địa vị kinh tế, do mối quan hệ đối với tư liệu sản xuất (TLSX) của các giai cấp khác nhau, đối kháng nhau, nên sự tồn tại của mâu thuẫn và đấu tranh trong CSHT là điều không thể tránh khỏi. Cơ sở hạ tầng của xã hội đang trong thời kỳ quá độ, trong điều kiện tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau, nhiều thành phần kinh tế khác nhau thì tính chất của nó phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế , phụ thuộc vào tỷ trọng của chúng. Đặc trưng chung của CSHT quá độ là kết cấu kinh tế đa thành phần, tính chất đan xen, quá độ. Kết cấu đó làm cho nền kinh tế vừa sống động, vừa phong phú lại vừa phức tạp, vừa đấu tranh lại vừa hợp tác giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, trong điều kiện đó thành phần kinh tế đóng vai trò chủ đạo sẽ chi phối các thành phần kinh tế khác, tác động trực tiếp đến xu hướng chung của toàn bộ đời sống xã hội, thực hiện sự định hướng cho nền kinh tế. Như vậy, CSHT là tổng hợp những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của một xã hội nhất định. Cơ sở hạ tầng bao giờ cũng có cấu trúc phức tạp, nhất là trong điều kiện mang tính chất quá độ, đan xen nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Và bao giờ, trong mỗi giai đoạn lịch sử - xã hội nhất định luôn có một thành phần kinh tế đóng vai trò chủ đạo chi phối, quy định đặc trưng cho CSHT của giai đoạn đó. KTTT là toàn bộ những quan điểm, tư tưởng của xã hội (chính trị, pháp quyền, triết học, tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật...), những thiết chế tương ứng và
- những quan hệ nội tại của chúng được hình thành trên một CSHT nhất định. Tức là các yếu tố của KTTT đều hình thành trên cơ sở của cơ cấu kinh tế của xã hội, do cơ cấu kinh tế ấy quy định và là sản phẩm của cơ cấu ấy. “Cơ cấu kinh tế của xã hội lúc nào cũng là cái cơ sở hiện thực là cái xét đến cùng, giải thích toàn bộ thượng tầng kiến trúc là những thể chế pháp luật và chính trị cũng như những quan niệm tôn giáo, triết học và các quan niệm khác của mỗi thời kỳ lịch sử nhất định”3. Mỗi yếu tố của KTTT đều có những đặc điểm riêng, quy luật phát triển riêng nhưng không tách rời nhau, mà liên hệ tác động qua lại lẫn nhau và cùng liên hệ với CSHT bởi lẽ chúng đều được nảy sinh từ CSHT, phản ánh CSHT. Những bộ phận của KTTT như Nhà nước và pháp luật, các đảng phái chính trị và các hệ tư tưởng chính trị có liên hệ trực tiếp với CSHT, còn các yếu tố khác như triết học, tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật... thì ở xa CSHT và phản ánh CSHT một cách gián tiếp. Cũng như CSHT, KTTT của xã hội có giai cấp đối kháng là một hệ thống có kết cấu hết sức phức tạp, không thuần nhất: bao gồm những quan điểm, tư tưởng cùng những thiết chế của giai cấp thống trị, những quan điểm của giai cấp bị trị, những quan niệm tồn tại dưới dạng tàn dư do KTTT của xã hội ở giai đoạn trước để lại, những quan điểm, tổ chức của các tầng lớp trung gian và cả những quan điểm, những tổ chức của những giai cấp mới đang trong quá trình hình thành. Trong cơ cấu đó, bộ phận chủ yếu chi phối, có tính quyết định tính chất của KTTT ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định chính là hệ tư tưởng, quan điểm chính trị và thể chế của giai cấp đang giữ địa vị thống trị. Giai cấp nào chiếm giữ địa vị thống trị về kinh tế, tức nắm được những TLSX chủ yếu của xã hội, thì tất nhiên trong đời sống chính trị và tinh thần giai cấp ấy cũng chiếm địa vị thống trị. Và do đó, tính chất của hệ tư tưởng của giai cấp ấy cũng quy định luôn cả tính chất của KTTT trong giai đoạn lịch sử đó. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, do trong CSHT tồn tại những quan hệ đối kháng nên KTTT cũng mang tính chất đối kháng. Các giai cấp trong xã hội do 3 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, Tập5 NXB S. H. 1983, tr. 43.
- địa vị của họ trong hệ thống sản xuất của xã hội khác nhau, đối kháng nhau mà cách nhìn nhận của họ đối với đời sống xã hội, những quan điểm chính trị, pháp quyền, tôn giáo, đạo đức, triết học... của họ cũng rất khác nhau. Sự đối kháng đó được biểu hiện ở sự xung đột về quan điểm ở cuộc đấu tranh tư tưởng của các giai cấp. Bộ phận có quyền lực mạnh nhất của KTTT của xã hội có đối kháng giai cấp là Nhà nước - cơ quan quyền lực đặc biệt của xã hội, công cụ sắc bén của giai cấp thống trị tiêu biểu cho chế độ xã hội về mặt chính trị, pháp lý. Chính nhờ có Nhà nước mà những quan niệm, quan điểm, hệ tư tưởng của giai cấp thống trị mới trở thành cái thống trị trong toàn bộ đời sống xã hội. CSHT và KTTT là hai mặt cơ bản của đời sống xã hội. Giữa chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại với nhau, trong đó CSHT giữ vai trò quyết định. CSHT với tính cách là cơ cấu kinh tế hiện thực sản sinh ra KTTT tương ứng, quy định tính chất của KTTT. Sự đa dạng, phong phú, phức tạp và sống động của KTTT chính là sự phản ánh tính đa dạng, phong phú, phức tạp của CSHT đã sản sinh ra nó. Trong tác phẩm "Ngày 18 tháng Sương mù của Lui Bônapác" C. Mác đã viết: "Cả một KTTT, những cảm giác, những ảo tưởng, những lối suy nghĩ và quan niệm sống khác nhau và độc đáo đã mọc lên trên những hình thức sở hữu khác nhau, trên các điều kiện sinh hoạt xã hội. Toàn thể giai cấp tạo ra và hình thành nên tất cả những cái đó trên cơ sở những điều kiện vật chất của mình và trên những quan niệm xã hội tương ứng" 4. Khi có những biến đổi căn bản trong CSHT thì sớm muộn cũng dẫn đến những thay đổi căn bản trong KTTT. Khi CSHT có thay đổi nhưng chưa phải là những thay đổi căn bản thì ở KTTT chỉ có những biến đổi mang tính điều chỉnh nhất định. Ta có thể thấy rõ điều này trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản trong hơn năm thế kỷ qua. Hình thức đầu tiên của CNTB là CNTB tự do cạnh tranh. Trong hình thức này, TLSX của xã hội được "phân chia" cho nhiều chủ sở hữu với qui mô nhỏ và vừa. Các nhà máy xí nghiệp, 4 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, Tập2 NXB S. H. 1981 tr. 424.
- các quá trình sản xuất được tổ chức theo qui mô phù hợp với hình thức sở hữu đó. Khi CNTB tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn độc quyền, khi CNTB phát triển lên giai đoạn chủ nghĩa đế quốc với nét đặc trưng là sự thống trị của các tổ chức độc quyền thì nền sản xuất xã hội có nhiều biến đổi to lớn: quy mô sản xuất xã hội không còn bó hẹp trong các quy mô nhỏ và vừa. Nhờ vào sự tích tụ tập trung tư bản mà các công ty cổ phần, các xí nghiệp khổng lồ ra đời và tiếp sau đó là những công ty độc quyền quốc gia và xuyên quốc gia. Những hình thức mới của sản xuất xã hội trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa cho thấy tính chất xã hội hoá của nền sản xuất xã hội đã phát triển đến cao độ và tương ứng với nó là hình thức mới của sở hữu tư bản - hình thức tập thể. Từ những biến đổi trong cơ cấu kinh tế - xã hội đã dẫn đến những biến đổi trong KTTT, đặc biệt trong Nhà nước - yếu tố cơ bản và quan trọng của KTTT của xã hội có giai cấp. Sự thay đổi của Nhà nước được thể hiện từ cách thức tổ chức đến nội dung, tính chất, phương thức hoạt động trong mọi lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Nếu trong giai đoạn tự do cạnh tranh Nhà nước chỉ tồn tại với tư cách "người lính" canh gác cho nền sản xuất TBCN, cho chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa nhỏ và vừa thì chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, do những biến đổi trong nền sản xuất xã hội, do những biến đổi trong chế độ sở hữu và do đó trong sự phân công lao động xã hội cũng như phân phối những sản phẩm do xã hội tạo ra mà Nhà nước ngày càng can thiệp sâu hơn vào kinh tế. ở giai đoạn này tư bản tài chính đã cấu kết với bộ máy Nhà nước, biến Nhà nước thành công cụ riêng của các tập đoàn tư bản tài chính và làm cho Nhà nước trở thành Nhà nước độc quyền. Như vậy, các yếu tố của KTTT, đặc biệt là Nhà nước, với tư cách là cơ quan quyền lực đặc biệt của tổ chức chính trị xã hội, là yếu tố cơ bản của KTTT của xã hội có giai cấp, đã có những biến đổi to lớn. Nhà nước từ chỗ đứng ngoài nền sản xuất xã hội đã trở thành một chủ sở hữu, một nhà sản xuất kinh doanh. Dù có những biến đổi to lớn như vậy, nhưng xét về bản chất giai cấp, chức năng cơ bản thì Nhà nước ấy vẫn là Nhà nước của giai cấp tư sản, là người bảo vệ cho quyền sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa.
- KTTT ra đời từ CSHT, bị quy định bởi CSHT tương ứng nhưng nó không phải là sản phẩm hoàn toàn thụ động. Trong đời sống xã hội, KTTT luôn tác động mạnh mẽ đến CSHT. Trong thư gửi Joseph Bloch ở Komigsbog, Ph. Ăngghen viết: "Theo quan điểm duy vật lịch sử, nhân tố quyết định lịch sử, xét đến cùng là sự sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực... Chúng ta tự làm nên lịch sử của chúng ta, nhưng trước hết là với những tiền đề và trong những tiền đề và điều kiện ấy thì chính những điều kiện kinh tế giữ vai trò cuối cùng. Nhưng những tiền đề và điều kiện chính trị... và tất cả cái truyền thống đang ám ảnh đầu óc con người cũng đóng một vai trò, tuy không phải quyết định..."5. Bốn năm sau đó, năm 1894, Ăngghen đã nhắc lại một cách cụ thể hơn luận điểm trên trong thư ông viết cho W. Borgius ở Breslau: "Sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, tôn giáo, văn học, nghệ thuật... dựa vào sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả những sự phát triển đó đều tác động lẫn nhau và cùng tác động đến cơ sở kinh tế. Hoàn toàn không phải điều kiện kinh tế là nguyên nhân duy nhất chủ động, còn mọi thứ khác chỉ có tác dụng thụ động"6. Sự tác động mạnh mẽ của KTTT đến CSHT thể hiện rõ nét nhất ở sự tác động của chính trị, của Nhà nước đối với kinh tế. Theo Ăngghen, với tư cách là một cơ quan quyền lực của xã hội, Nhà nước có trong tay một loạt các công cụ thuế khoá, chính sách buôn bán... để tác động vào kinh tế. Bằng những thứ đó, "tác động ngược lại của quyền lực Nhà nước đối với sự phát triển của kinh tế có thể có ba loại: nó có thể tác động theo cùng một hướng với sự phát triển kinh tế, lúc đó sự phát triển kinh tế sẽ nhanh hơn; nó có thể đi ngược lại hướng phát triển kinh tế, và trong trường hợp này, ở các dân tộc lớn, nó sẽ tan vỡ sau một thời gian nhất định, hay là nó có thể ngăn cản một vài xu hướng phát triển nào đấy của nền kinh tế và quy định những hướng phát triển khác. Trong trường hợp này rốt cuộc rồi cũng dẫn đến một trong hai trường hợp trên"7. 5 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI, NXB S. H. 1981 tr. 726-727. 6 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI NXB S. H. 1981 tr. 788. 7 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI NXB S. H. 1981 tr. 734.
- Vì sao Nhà nước lại có thể tác động đến sự phát triển của kinh tế theo nhiều chiều hướng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau như vậy? Hiện tượng đó có nhiều nguyên nhân mà trước hết là từ nguồn gốc xuất hiện của Nhà nước. Cũng như các yếu tố khác của KTTT, Nhà nước xuất hiện từ những nguyên nhân kinh tế. Khác với một số yếu tố khác như đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật... Nhà nước chỉ xuất hiện trong một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của nền sản xuất xã hội. Trong "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước" Ph. Ăngghen đã khẳng định rằng Nhà nước là một hiện tượng lịch sử. Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ không có Nhà nước, lúc đó các quan hệ xã hội và ngay cả xã hội nữa, kỷ luật, tổ chức lao động đều duy trì được là nhờ có sức mạnh của phong tục, tập quán, nhờ có uy tín và sự kính trọng đối với những bộ não của thị tộc, hoặc đối với phụ nữ - địa vị của phụ nữ không chỉ ngang với nam giới mà còn cao hơn nữa và lúc đó không có một hạng người riêng biệt, hạng người chuyên môn thống trị. Sở dĩ ở đây chưa có Nhà nước là vì nền sản xuất của xã hội còn rất thấp kém. Với những công cụ lao động hết sức thô sơ: cái que, cái gậy, viên đá..., với chế độ công hữu, đất đai là tài sản của toàn thể bộ lạc, tất cả mọi thành viên của toàn thể bộ lạc phải tham gia vào quá trình lao động sản xuất, làm chung, ăn chung, không có của cải dư thừa để tích luỹ, để dành. Tuy nhiên, cũng như mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới, xã hội không đứng im, ngưng trệ mà nó luôn trong quá trình vận động, biến đổi và phát triển. Sự vận động, biến đổi, phát triển của xã hội bắt nguồn từ trong quá trình sản xuất vật chất. Xã hội loài người từ chỗ sử dụng những công cụ có sẵn trong tự nhiên hoặc qua sơ chế đến chỗ biết sử dụng những công cụ bằng kim loại. Chính việc sử dụng những công cụ lao động mới này đã làm cho nền sản xuất xã hội phát triển, của cải được tạo ra ngày một nhiều hơn, phong phú hơn, kinh nghiệm lao động được tích luỹ nhiều hơn, phân công lao động xã hội được thực hiện: chăn nuôi tách khỏi trồng trọt. Nhờ vậy khả năng phát triển kinh tế độc lập của mỗi gia đình trong bộ lạc hình thành và trên thực tế đã xuất hiện gia đình theo chế độ gia trưởng. Gia đình là một nhóm làm kinh tế bao gồm nhiều thế hệ con cháu của ông tổ. Họ sống
- chung với nhau và cùng lao động, cùng sử dụng của cải chung dưới sự quản lý của người chủ gia đình. Sự xuất hiện gia đình theo chế độ gia trưởng đã làm rạn nứt chế độ thị tộc và gia đình riêng lẻ đã trở thành lực lượng đối lập với thị tộc. Về vấn đề này, sau khi nghiên cứu về chế độ thị tộc Hi Lạp, Ph. Ăngghen đã viết: "Như vậy, trong chế độ Hy Lạp ở thời đại anh hùng, chúng ta thấy tổ chức thị tộc cổ đang còn tồn tại hoàn toàn sung sức, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy chế độ ấy đã bắt đầu suy sụp. Chế độ phụ quyền, với việc để lại tài sản cho con cái đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự tích luỹ của cải trong gia đình và biến gia đình thành một thế lực đối lập với thị tộc"8. Cùng với sự phát triển của nền sản xuất xã hội, lao động của một người đã tạo ra lượng của cải nhiều hơn mức cần thiết để duy trì cuộc sống của chính bản thân họ. Do vậy, xuất hiện những điều kiện vật chất cho sự chiếm đoạt ra đời. Một nhóm người trong thị tộc đã sử dụng quyền lực của mình - quyền lực mà thị tộc đã giao cho họ một cách tự nguyện trước đây để điều hành sự hoạt động của thị tộc làm công cụ để chiếm đoạt những đất đai mầu mỡ, những đàn gia súc đông đúc, những chiến lợi phẩm thu được trong chiến tranh làm của riêng, để bảo vệ những lợi ích riêng của mình và đồng thời để bắt những người khác trong cộng đồng phaỉ phục tùng họ. Thứ quyền lực ấy, lúc này trở thành vật cha truyền con nối và ngày càng mạnh lên sau những cuộc chiến tranh. Các cơ quan quyền lực xã hội của thị tộc trước đây như Hội đồng bộ lạc và các thủ lĩnh quân sự dần dần tách khỏi dân cư, biến thành các cơ quan thống trị bộ lạc mình và các bộ lạc khác. Một nhóm người thân cận, tin cậy được hình thành bên cạnh người cầm đầu thị tộc bộ lạc. Lúc đầu họ chỉ là những vệ binh, dần về sau họ được hưởng những đặc quyền đặc lợi và đó chính là mầm mống của đội quân thường trực của Nhà nước sau này. Như vậy là trong đời sống kinh tế - xã hội đã xảy ra những biến đổi vô cùng to lớn. Tổ chức xã hội thị tộc đã tỏ ra bất lực trước những thay đổi đó. Tổ chức thị tộc đã sinh ra từ một xã hội không biết đến mâu thuẫn nội tại và nó chỉ có thể thích hợp với kiểu xã hội ấy mà thôi. Trong xã hội đó, ngoài dư luận xã hội ra không có 8 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI, NXB S. H. 1984 tr. 168.
- bất kỳ một phương tiện cưỡng chế nào cả, mọi quyền lực được thực thi một cách tự nguyện, tự giác. Nhưng cho đến đây "một xã hội mới đã ra đời, một xã hội do toàn bộ những điều kiện kinh tế của sự tồn tại của nó mà phải chia ra thành những người tự do và nô lệ, thành những kẻ giàu có đi bóc lột và những người nghèo khổ bị bóc lột, một xã hội không những không thể điều hoà lại một lần nữa những mặt đối lập đó, mà còn buộc phải đẩy chúng đi đến chỗ ngày càng găy gắt... Tổ chức thị tộc đã không còn tồn tại nữa. Nó đã bị sự phân công ấy tức là sự phân chia của xã hội thành giai cấp, phá tan. Nó đã bị Nhà nước thay thế"9. Và thế là Nhà nước đã xuất hiện từ ngay chính trong lòng xã hội do sự phát triển của bản thân xã hội, do nhu cầu cần thiết phải ổn định xã hội để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Nhà nước ở các nước khác nhau trên thế giới là khác nhau do những điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường khác nhau. Trong "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước" Ăngghen phân tích sự ra đời của Nhà nước chiếm hữu nô lệ ở ba trung tâm lớn: Aten, Rôma và của người Giécmanh. Theo đó, ở mỗi trung tâm, sự hình thành Nhà nước có những nét đặc trưng riêng. ở Aten, theo Ăngghen, nơi đã hình thành Nhà nước dưới hình thức thuần tuý nhất, cổ điển nhất, Nhà nước "nảy sinh chủ yếu và trực tiếp từ sự đối lập giai cấp đã phát triển ngay trong nội bộ thị tộc". ở Rôma sự thắng lợi của giới bình dân trong cuộc đấu tranh chống tầng lớp quý trộc của thị tộc đã dẫn đến sự hình thành Nhà nước. Còn đối với người Giécmanh "Nhà nước nảy sinh trực tiếp từ việc chinh phục những đất đai rộng lớn của người khác". Sự hình thành Nhà nước ở phương Đông và phương Tây cũng có những nét cơ bản khác nhau. Nếu như ở phương Tây Nhà nước thường hình thành trực tiếp từ nhu cầu điều chỉnh xung đột giai cấp đã trở nên gay gắt không thể điều hoà được bằng các tổ chức thị tộc, thì ở phương Đông, bên cạnh cơ sở phân hoá xã hội là tiền đề vật chất không thể thiếu được, "nhân tố thuỷ lợi và bảo vệ, bản thân nó không thể sản sinh ra Nhà nước, nhưng nó có thể thúc đẩy quá trình hình thành 9 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI NXB S. H. 1984 tr. 258-259.
- Nhà nước và quy định thêm tính chất, chức năng của Nhà nước đó."10 Đặc điểm chung đó trong sự hình thành Nhà nước ở phương Đông cũng có ở Việt Nam, hơn nữa ở Việt Nam đặc điểm đó còn để lại dấu ấn sâu đậm trong quá trình lịch sử về sau. Các nhà sử học Việt Nam đã khẳng định: "yêu cầu tự vệ chống giặc ngoại xâm cùng với yêu cầu thuỷ lợi của nền kinh tế nông nghiệp đã có tác động rất mạnh vào quá trình hình thành Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Nhà nước đó ra đời có phần sớm hơn so với điều kiện chín muồi của sự phân hoá xã hội" 11. Như vậy, dù xuất hiện ở đâu, vào thời điểm nào, dưới hình thức nào và mang những đặc điểm cụ thể gì thì Nhà nước quyết không phải là một quyền lực từ bên ngoài áp đặt vào xã hội... Nhà nước là sản phẩm của một xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định và tất cả mọi quyền lực xã hội và tất cả mọi bạo lực chính trị đều bắt nguồn từ những tiền đề kinh tế, từ phương thức sản xuất và trao đổi của xã hội nhất định trong lịch sử 12. Nhà nước ra đời từ sự phát triển của kinh tế, do sự phát triển của kinh tế quy định. Đó là nguyên lý bất di bất dịch. Vì vậy, chính ở đây, khi phân tích nguồn gốc của Nhà nước chúng ta đã thấy ngay rằng trong bản thân nó đã chứa đựng chức năng điều tiết kinh tế, đã bao hàm khả năng tác động đến kinh tế. Theo nghĩa đó V.I. Lênin đã chỉ rõ: "Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế" 13, "là kinh tế cô đọng lại"14 và "bạo lực (nghĩa là quyền lực Nhà nước) cũng là một tiềm lực kinh tế"15. Thứ hai: Bất kỳ Nhà nước nào trong lịch sử cũng mang bản chất giai cấp. Mọi hành vi hoạt động của Nhà nước đều do bản chất giai cấp quy định. Trên đây chúng ta đã rút ra kết luận cơ bản là Nhà nước ra đời từ nguyên nhân kinh tế, nó là sản phẩm của mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được trong xã hội có đối kháng giai cấp. Ra đời trong xã hội đó, Nhà nước là bộ máy bạo lực dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với các giai cấp khác, là 10 Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà nội 1991, tr.87. 11 Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà nội 1991, tr.93. 12 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI, NXB S. H. 1984 tr. 260. 13 V.I. Lênin, Toàn tập, tập42, NXB tr. 349. 14 V.I. Lênin, Toàn tập, tập45, NXB tr.147.
- công cụ để bảo vệ quyền lợi mà trước hết là quyền lợi kinh tế của giai cấp thống trị. "Nhà nước là Nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của cái giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có Nhà nước, mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị và do đó có thêm được những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức"16. Xuất hiện trong xã hội có đối kháng giai cấp, với tư cách là "một lực lượng tựa hồ như đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng "trật tự"17 nhưng Nhà nước chưa bao giờ và không bao giờ trong lịch sử xã hội có giai cấp lại không mang bản chất giai cấp. Nhà nước điều hoà xung đột giai cấp, đảm bảo cho xã hội loài người có thể tồn tại được, nhưng sự điều hoà đó diễn ra trong khuôn khổ lợi ích và phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị. Điều đó đúng với xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến và cả xã hội tư sản... Trong "Vấn đề về nhà ở", khi đề cập tới Nhà nước tư sản, Ăngghen đã viết: "Nhà nước không phải là cái gì khác hơn là quyền lực tổng hợp có tổ chức của những giai cấp hữu sản, những địa chủ và những nhà tư bản, đối lập với những giai cấp bị bóc lột, những nông dân và công nhân. Điều gì mà cá nhân những nhà tư bản... không muốn thì Nhà nước của họ cũng không muốn"18. Nhà nước mang bản chất giai cấp, Nhà nước là bộ máy thống trị của giai cấp thống trị về kinh tế, là công cụ dùng để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Cho nên, trong mọi trường hợp, nếu bất kỳ một lực lượng xã hội nào, một xu thế phát triển nào của lịch sử, bất luận xu thế đó có phù hợp với tiến trình phát triển khách quan của lịch sử đi chăng nữa thì giai cấp thống trị vẫn sử dụng Nhà nước để chống lại chúng, bảo vệ cho lợi ích của giai cấp mình. Chính điều đó lý giải vì sao khi tác động vào kinh tế Nhà nước lại có thể làm cho nó vận động tiến lên theo hướng này hay hướng khác, thậm chí thụt lùi. Thứ ba: Sau khi ra đời Nhà nước đã thực hiện những chức năng nhất định- chức năng đối nội và chức năng đối ngoại. 15 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI, NXB S. H. 1984 tr.739. 16 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI, NXB S. H. 1984 tr. 17 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI NXB S. H. 1984 tr.260-261.
- Chức năng đối nội của Nhà nước là sự thể hiện quyền lực của nó trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Trong đó Nhà nước có hai chức năng sau: Một là, chức năng chuyên chính, trấn áp, bảo vệ sự tồn tại của Nhà nước, bảo vệ lợi ích căn bản của giai cấp thống trị khỏi mọi sự tấn công từ phía giai cấp bị thống trị và các tầng lớp khác trong xã hội. Hai là, chức năng tổ chức xây dựng xã hội tạo nên một trật tự xã hội nhất định để xã hội có thể tồn tại và phát triển được: duy trì trật tự xã hội, quản lý về kinh tế, giáo dục, văn hoá... Chức năng đối ngoại, thể hiện ở quan hệ của Nhà nước đối với các quốc gia khác trên trường quốc tế. Trong chức năng này, tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể mà Nhà nước có thể: + Bảo vệ đất nước, chống mọi sự tấn công và xâm lược từ bên ngoài; + Mở rộng lãnh thổ bằng cách phát động chiến tranh xâm lược; +Thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác trên nguyên tắc các bên tham gia cùng có lợi đồng thời bảo đảm được an ninh, chủ quyền của mỗi quốc gia. Các chức năng đối nội và đối ngoại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và cùng bị chi phối bởi lợi ích cuả giai cấp cầm quyền. Nghĩa là các hoạt động diễn ra trên hai lĩnh vực đó đều là những hoạt động có định hướng, phản ánh ý chí, lợi ích của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, khẳng định như vậy không có nghĩa là trong mọi Nhà nước đều không có sự kết hợp giữa những hoạt động thể hiện lợi ích giai cấp với những hoạt động thể hiện lợi ích chung của toàn xã hội. Khi nghiên cứu lịch sử, người ta thấy bất kỳ Nhà nước nào cũng đều phải thực hiện những chức năng chung - những chức năng đảm bảo lợi ích chung cho toàn xã hội. Những chức năng này xuất hiện do sự phát triển của sản xuất, do yêu cầu của phân công lao động xã hội. Tính chất giai cấp và tính chất xã hội hoà quện vào nhau và cùng tham gia quy định hoạt động của Nhà nước. Vì "ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội của nó"19. 18 C. Mác - Ph. Ăngghen, Toàn tập, Tập18, NXB CTQG- S. H. 1995 tr.352. 19 C. Mác - Ph. Ăngghen, Toàn tập, Tập20, NXB CTQG. H. 1984 tr.253.
- Nhấn mạnh mối quan hệ giữa tính giai cấp và tính xã hội của Nhà nước thể hiện qua các chức năng như trên không có nghĩa là đi đến xoá bỏ tính giai cấp của nó. Nhà nước đã, đang và sẽ mang tính giai cấp. Mọi hoạt động của Nhà nước, xét đến cùng đều do lợi ích giai cấp chi phối. Nếu sự khác biệt lợi ích trong xã hội mất đi, nếu "Nhà nước thực sự trở thành đại biểu của toàn thể xã hội thì bản thân nó trở thành thừa"20, thì Nhà nước cũng sẽ không tồn tại với tư cách là Nhà nước nữa. Điều đó một lần nữa giải thích vì sao sự tác động của Nhà nước đến kinh tế, đến CSHT lại phong phú, đa dạng, phức tạp đến như vậy đồng thời giải thích vì sao Nhà nước lại có thể hoặc thúc đẩy, hoặc kìm hãm sự phát triển của kinh tế. Sự tác động của Nhà nước đến CSHT kinh tế đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi nó xuất hiện đến nay. Trong thời kỳ Hy Lạp cổ đại, do những nguyên nhân kinh tế mà Nhà nước chiếm hữu nô lệ đã ra đời. Ngay sau khi ra đời, Nhà nước chiếm hữu nô lệ, dưới sự cầm quyền của Sôlông, Cli-xten chẳng hạn, đã dùng quyền lực thực thi nhiều biện pháp khác nhau nhằm một mặt xoá bỏ tàn tích của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, mặt khác tạo dựng củng cố và phát triển xã hội chiếm hữu nô lệ. Sôlông (khoảng 638 - 558 trước công nguyên) được coi là một nhà cải cách vĩ đại. Theo sự đánh giá của các nhà sử học, cải cách của ông đã làm thay đổi hẳn chế độ chính trị và xã hội cũ của Aten, đánh đòn nặng nề vào tàn tích của chế độ thị tộc và sự thống trị của giai cấp quý tộc, tạo điều kiện cho sự phát triển của chế độ tư hữu, đặt cơ sở cho nền dân chủ chủ nô Aten 21. Sôlông đã làm những gì? Trước tiên ông "xâm phạm chế độ sở hữu" bằng cách tuyên bố xoá bỏ mọi nợ nần, giải phóng cho những người bị buộc phải làm nô lệ vì nợ nần, quy định mức sở hữu ruộng đất, tức là đem lại quyền sở hữu cho những người nông dân. Liền sau đó ông thực hành một loạt những biện pháp kinh tế và tác động khác nhằm khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của thủ công nghiệp, thương nghiệp như cải cách chế độ tiền tệ, thừa nhận quyền tự do di sản cho bất kỳ ai theo ý muốn (trước đó tài 20 C. Mác - Ph. Ăngghen, Toàn tập, Tập20, NXB CTQG. H. 1984 tr.389. 21 Chiêm Tế, lịch sử thế giới cổ đại, T2, NXB GD, H. 1971, tr.40.
- sản của người quá cố thuộc quyền sở hữu của thị tộc của người đó)... Cải cách quan trọng nhất của Sôlông là nhằm vào thủ tiêu những đặc quyền đặc lợi của quý tộc, xác định địa vị của mỗi công dân theo mức tài sản của họ. Với những nội dung đó, cải cách của Sôlông đã giáng đòn chí tử vào chế độ cộng sản nguyên thuỷ, vào cái xã hội đã sinh ra nó tức chế độ công hữu, đưa chế độ tư hữu - cơ sở kinh tế của xã hội chiếm hữu nô lệ vào cuộc sống, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển vững chắc của xã hội chiếm hữu nô lệ. Tuy vậy, những cải cách của Sôlông đã không thủ tiêu được hoàn toàn những tàn tích của chế độ thị tộc: chế độ sở hữu lớn cũng như những ảnh hưởng chính trị của tầng lớp quý tộc vẫn còn chiếm ưu thế; việc chia lại ruộng đất cho nông dân cũng đã không thực hiện được. Cuộc cải cách của Sôlông không triệt để. Sự xoá bỏ hoàn toàn những cơ sở, điều kiện của xã hội thị tộc, của phương thức sản xuất cũ phải chờ đến cải cách của Cli-xten. Vừa lên cầm quyền, Cli-xten liền thực hành ngay một loạt cải cách mà tính chất của nó, theo Ăngghen, là cách mạng. Trong "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước" Ăngghen viết: "Cuộc cách mạng của Cli-xten (509 trước công nguyên) lật đổ hẳn họ [tầng lớp quý tộc]... đồng thời lại lật đổ cả tàn tích cuối cùng của chế độ thị tộc nữa"22. Sở dĩ được đánh giá cao như vậy là vì Cli- xten đã phân chia tất cả công dân Aten theo những khu vực hành chính. Bằng cách đó, ông đã xoá bỏ được sợi dây cuối cùng níu kéo sự tồn tại của xã hội thị tộc: sợi dây huyết thống - sợi dây vốn đã không bền chặt, vì cái cơ sở kinh tế của nó - một cơ sở kinh tế mang tính thuần nhất chỉ dựa trên chế độ công hữu, đã bị xâm phạm bởi các cải cách của Sôlông trước đó. Cuộc cải cách của Cli-xten đã làm thay đổi toàn bộ xã hội Aten từ cơ cấu của bản thân chính quyền Nhà nước cho đến đời sống kinh tế xã hội, đã làm tạo ra một xã hội chiếm hữu nô lệ điển hình. Như vậy, trong giai đoạn đầu, Nhà nước chiếm hữu nô lệ đã bằng quyền lực để thực hiện cải cách nhằm một mặt xoá bỏ mối quan hệ, các tàn tích của xã hội 22 C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, TậpVI, NXB S. H. 1984 tr.182.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
LUẬN VĂN: Vai trò kinh tế của nhà nước trong nên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay
23 p | 247 | 82
-
Luận văn " Vai trò tổng công ty nhà nước"
28 p | 169 | 67
-
LUẬN VĂN: Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam
15 p | 209 | 52
-
Luận văn: Vai trò của cha mẹ trong việc định hướng bậc học và nghề nghiệp cho con ở các gia đình đô thị hiện nay
51 p | 389 | 43
-
LUẬN VĂN: vai trò quan trọng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường
28 p | 141 | 35
-
LUẬN VĂN: Vai trò của Chính phủ trong việc phát triển các DNV&N trong giai đoạn hiện nay
84 p | 90 | 30
-
LUẬN VĂN: Vai trò kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay
31 p | 152 | 30
-
LUẬN VĂN: Vai trò của tài chính trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong giai đoạn đổi mới đến nay
15 p | 227 | 29
-
LUẬN VĂN:Vai trò kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định
29 p | 209 | 27
-
LUẬN VĂN: Vai trò và ý nghĩa của kiểm toán độc lập ở Việt nam đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân
43 p | 133 | 19
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn: Vai trò của khoa học - công nghệ đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thành phố Đà Nẵng hiện nay
26 p | 107 | 7
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến pháp và luật hành chính: Vai trò của luật sư trong vụ án dân sự, việc dân sự tại Thành phố Hồ Chí Minh
25 p | 13 | 4
-
Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn: Vai trò của hư từ trong việc hình thành hàm ý trong ngôn ngữ Nguyễn Công Hoan
127 p | 20 | 4
-
Luận văn Thạc sĩ Báo chí: Vai trò của báo Pasaxôn Lào trong sự nghiệp xây dựng nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hiện nay
93 p | 14 | 4
-
Luận văn Thạc sĩ Định hướng ứng dụng: Quản lý nhà nước đối với hệ thống truyền thanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
72 p | 57 | 4
-
Luận văn Thạc sĩ Khoa học xã hội và Nhân văn: Vai trò của khoa học - Công nghệ đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thành phố Đà Nẵng hiện nay
102 p | 7 | 3
-
Luận văn Thạc sĩ Triết học: Vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển du lịch ở tỉnh Bình Định hiện nay
107 p | 5 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn