intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

MÃ VÀ MÃ VĂN HÓA

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

190
lượt xem
18
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mã và mã văn hoá là những khái niệm nằm trong lĩnh vực rộng hơn là môi trường văn hoá. Khi tìm hiểu vấn đề mã và mã văn hoá chúng ta không thể không liên hệ tới khái niệm văn hoá. Tuy nhiên, văn hoá là một khái niệm rộng, nó không phải một cái gì cụ thể, không có hình khối, không thể sờ mó..., nó có mặt ở mọi nơi và có thể cảm nhận được không mấy khó khăn. Bởi văn hoá chính là khuynh hướng lựa chọn, ứng xử của con người trong quá...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: MÃ VÀ MÃ VĂN HÓA

  1. MÃ VÀ MÃ VĂN HÓA Nguyễn Thị Bích Hà PGS. TS. Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Mã và mã văn hoá là những khái niệm nằm trong lĩnh vực rộng hơn là môi trường văn hoá. Khi tìm hiểu vấn đề mã và mã văn hoá chúng ta không thể không liên hệ tới khái niệm văn hoá. Tuy nhiên, văn hoá là một khái niệ m rộng, nó không phải một cái gì cụ thể, không có hình khối, không thể sờ mó..., nó có mặt ở mọi nơi và có thể cảm nhận được không mấy khó khăn. Bởi văn hoá chính là khuynh hướng lựa chọn, ứng xử của con người trong quá trình sống. Nó được hình thành trong lịch sử, dưới tác động của môi trường tự nhiên (điều kiện địa lí, địa hình), môi trường xã hội (điều kiện lịch sử, điều kiện sống, tổ chức xã hội,...) mà tạo thành. Vì vậy văn hoá mang tính ổn định và tính lịch sử, làm thành một truyền thống riêng, đặc điểm riêng là cái mà người ta dễ nhận ra, dễ so sánh khi tiếp xúc và giao lưu với những nền văn hoá khác. Càng ngày người ta càng quan tâm tìm hiểu vấn đề văn hoá thông qua việc nghiên cứu bản chất văn hoá, giao lưu văn hoá, đối thoại văn hoá, biểu tượng văn hoá... Hiện nay, trên thế giới có đến gần 500 định nghĩa khác nhau về khái niệm này. ở Việt Nam, nửa cuối những năm 80 và đặc biệt là những năm 90 của thế kỉ XX các nhà văn hoá đã rất chú ý đến việc xác định khái niệm và nội hàm văn hoá (Đoàn Văn Chúc, Chu Xuân Diên, Nguyễn Đăng Duy, Phan Ngọc, Trần Ngọc Thêm, Phạm Thái Việt, Trần Quốc Vượng,...)1. Tuy nhiên, từ những góc độ quan
  2. tâm khác nhau mà khái niệm văn hoá mỗi người đưa ra vừa có những tương đồng vừa có đôi khía cạnh khác biệt. Theo chúng tôi, Văn hoá là phức thể các giá trị vật chất, tinh thần do con người tác động đến tự nhiên, xã hội và bản thân trong quá trình lịch sử dài lâu mà tạo nên. Nó tích tụ và thể hiện diện mạo, bản sắc của cộng đồng. Như vậy, văn hoá là các giá trị và tổng hoà của các giá trị do con người tạo ra. Khi con người tác động đến tự nhiên, họ tạo ra các giá trị vật chất như: ăn, mặc, ở... Khi con người tác động đến các yếu tố xã hội, họ tạo ra các giá trị tinh thần như: tôn giáo, đạo đức, triết học, phong tục tập quán... Khi con người tác động đến chính con người (theo các chuẩn mực xã hội), họ tạo nên các giá trị như: Chân (thật) – giá trị nhân bản; Thiện (tốt) – giá trị nhân đạo; Mĩ (đẹp) – giá trị nhân văn. Văn hoá là những giá trị, giá trị đó do con người tạo ra, vì vậy các loài động vật khác dù có cao cấp đến đâu cũng chỉ hành động theo bản năng sinh tồn chứ không sáng tạo văn hoá. Khi con người tác động vào tự nhiên, họ tạo ra thiên nhiên thứ hai, cái thiên nhiên không còn hoang sơ, thô mộc mà đã là thiên nhiên được gọt tỉa, uốn nắn theo những mục đích mà con người đặt ra từ trước khi tác động vào nó. Thiên nhiên đó mang tính ý thức. Cây vốn tồn tại trong tự nhiên, nhưng khi con người mang cây về trồng, họ đã tính toán trước xem cái cây ấy nên trồng ở đâu, để làm gì, trồng như thế nào... đó là kết quả của tư duy, có tính mục đích. Đó là sản phẩm văn hoá. Khi con người sống trong xã hội, họ tác động đến các hoạt động xã hội, cải tạo xã hội, làm cho nó vận động và phát triển theo mục đích tác động của mình. Vì vậy, xã hội phức tạp và về cơ bản có các hình thái khác nhau từ thấp lên cao. Chỉ có con người với tư duy trừu tượng mới hình dung ra mô hình xã hội, cải tạo và phát triển xã hội theo những hình thái khác nhau như vậy. Văn hoá còn là kết quả của sự vận động, sáng tạo của con người theo quy luật của cái đẹp. Như vậy, không phải tất cả mọi sự biến đổi do con người tạo ra đều là sản phẩm văn hoá, đều mang đặc trưng văn hoá. Ngay khi một sản phẩm
  3. được sáng tạo, theo nghĩa hẹp, nó chưa phải là văn hoá bởi nó chưa qua thử thách, chưa được chọn lựa và chấp nhận như một giá trị. Vì vậy bên cạnh khái niệm văn hoá, chúng ta mới có khái niệm phi văn hoá, thiếu văn hoá. Xu hướng tiếp nhận của con người bao giờ cũng hướng tới cái đẹp, cái hoàn thiện. Vì vậy quy luật của văn hoá luôn là sự sáng tạo mang tính nghệ thuật, điều đó phải được lựa chọn và thẩm định qua thời gian. Và sau sự chọn lựa một cách tự nhiên ấy, cái gì còn lại luôn thể hiện tính văn hoá, luôn là cái đẹp mang đặc điểm quan niệm mỗi thời đại. Khi ta nói “ứng xử có văn hoá”, có nghĩa đã bao hàm cái đẹp trong lối ứng xử đó. Chúng ta đều biết, trà là thứ đồ uống được cả thế giới ưa chuộng, cả thế giới uống nước trà, nhưng coi uống trà như một phương tiện giải khát sẽ khác với uống trà như sự thưởng thức; một bên là nhu cầu tồn tại, còn bên kia là nhu cầu hưởng thụ; một bên giúp người ta sinh tồn, còn bên kia giúp người ta thành nghệ sĩ. Thưởng thức nước trà chính là một nhu cầu văn hoá. Do khái niệm và nội hàm văn hoá rất rộng nên không ai có thể nói rằng mình đã tìm hiểu đến tận cùng một nền văn hoá, cũng không ai có thể khẳng định mình đã chạm đến tất cả các yếu tố văn hoá. Vì vậy, dù chính thức khẳng định hay ngầm định thì các nhà nghiên cứu văn hoá đều quan tâm đến các mã văn hoá, họ chỉ cần và cũng chỉ có thể quan tâm đến các mã trong biển văn hoá mênh mông ấy mà thôi. Hàng loạt mã văn hoá đã hoà nhập cùng tín ngưỡng, hiển hiện ở phong tục, náu mình trong thần tích, kí thác ở tâm linh, ẩn tàng trong văn hoá dân gian, trong nghệ thuật truyền thống mà lí giải được nó sẽ tạo ra sự hấp dẫn vô cùng, với những giá trị khoa học và nhân văn to lớn mà nó đem lại. Mã văn hoá có thể ví như chìa khoá để mở cánh cửa văn hoá mỗi cộng đồng. Dựa vào các mã văn hoá để nghiên cứu và lí giải những vấn đề văn hoá, xã hội, văn học nghệ thuật, tìm hiểu các quan niệm về vũ trụ và nhân sinh mỗi thời đại, các dấu vết văn hoá được thể hiện trong tín ngưỡng, phong tục tập quán cộng đồng... là một hướng nghiên cứu đặc trưng, mang lại nhiều hiệu quả. Đó chính là hướng tiếp cận mà chúng tôi muốn trình bày.
  4. Nếu quan niệm rộng, văn hoá chính là tất cả những gì do con người tạo ra theo mục đích nhất định, thì mã và mã văn hoá chỉ là một, hoặc có thể nói, tất cả các mã đều là mã văn hoá, vì các mã đều do con người tạo ra, là quy ước chung của con người qua các tín - kí hiệu. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày quan niệm của mình ở trên, thì văn hoá luôn mang tính nghệ thuật, và các mã được gọi là mã văn hoá cũng phải là những mã được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Như vậy, mã văn hoá trước hết phải thể hiện những đặc trưng chung của mã, sau nữa nó mang thêm những đặc trưng văn hoá. 1. Mã (code): Là hình thức, vẻ ngoài. Mã còn được hiểu là tín hiệu, kí hiệu riêng, phần nổi nhất, trội nhất thể hiện tinh thần của đối tượng. Theo chúng tôi, mã có những đặc điểm sau: Có thể cảm nhận được bằng giác quan: biển báo, đèn đường... Phải có ý nghĩa đại diện, phổ biến: Chữ thập đỏ là tín hiệu bệnh viện; Đầu lâu xương chéo ai nhìn cũng biết là tín hiệu chỉ sự nguy hiểm chết người... Phải nằm trong một hệ thống nhất định: đèn đỏ phải đặt cùng đèn xanh, đèn vàng thì mỗi đèn mới có ý nghĩa biểu trưng. Nếu tách riêng ra hoặc đặt chúng vào hệ thống khác thì ý nghĩa cũ sẽ mất hoặc bị biến tướng đi. Chẳng hạn, cũng là đèn đỏ nhưng nếu treo trong đêm trung thu sẽ có ý nghĩa hội hè, treo trong đám cưới sẽ có ý nghĩa hạnh phúc... 2. Mã văn hoá (cultural code) Là những mã vừa mang đặc trưng của mã, vừa mang những đặc trưng của văn hoá. Mã văn hóa là những tín hiệu, kí hiệu có tính thẩm mĩ, tính đại diện, trong nó biểu hiện đặc điểm, giá trị văn hoá một cộng đồng. Như vậy, Mã văn hoá
  5. là kết tinh của các giá trị văn hoá, là phần nổi trội nhất, cơ bản nhất, có tính ổn định tương đối của cộng đồng. Nó biểu hiện ra ngoài bằng các tín hiệu văn hoá, biểu tượng văn hoá, chìm sâu bên trong là vô vàn lớp nghĩa luôn đòi hỏi giải mã thì mới có thể hiểu được con người và cộng đồng đó. Đầu lâu xương chéo là một mã (tín hiệu báo nguy hiểm), nhưng chưa phải mã văn hoá vì nó chỉ có giá trị thông tin mà hầu như không mang tính nghệ thuật, không thể hiện chiều sâu tư tưởng và đặc điểm văn hoá, quan niệm một cộng đồng. Mã văn hoá theo chúng tôi quan niệm bao gồm kí tín hiệu văn hoá (cultural signs), biểu tượng văn hoá (cultural symbols) và mật mã văn hoá (secret codes of culture). 2.1. Tín hiệu, kí hiệu văn hoá: là những quy ước chung, khá đơn giản. Theo chúng tôi, để được coi là tín hiệu, kí hiệu văn hoá, nó phải thoả mãn những điều kiện sau: + Là cái có thể cảm nhận được bằng giác quan. + Phải có tính thẩm mĩ (gắn với đặc trưng văn hoá) + Có ý nghĩa, đại diện cho một yếu tố văn hoá nào đó khác với chính nó. + Giữa tín hiệu và nội dung của nó có mối liên hệ phổ biến, liên tục, dễ nhận diện, có thể lí giải được, thường lí giải một lần là xong. Ví dụ: Kí hiệu âm - dương, cờ lễ hội, thập ác, chữ thập ngoặc ngược... + Nó phải nằm trong một hệ thống kí tín hiệu văn hoá nhất định: Các tín hiệu văn hoá trên có thể là tín hiệu văn hoá mang tính quốc tế (quyển sách mở và cái bút là tín hiệu của sự học tập) hoặc của riêng văn hoá một nước (cờ cá chép được treo lên là tín hiệu ngày hội dành cho con trai ở Nhật Bản)...
  6. 2.2. Biểu tượng văn hoá: nghĩa gốc là một vật được chia làm hai nửa, mỗi bên giữ một nửa, khi khớp lại sẽ nhận ra mối quan hệ. Biểu tượng văn hoá là một loại tín hiệu riêng, có chiều sâu và phong phú hơn tín hiệu văn hoá. Biểu tượng được hình thành trong một quá trình lâu dài, có tính ước lệ và bền vững, là cảm quan, nhận thức được lắng đọng, kết tinh, chắt lọc trải qua bao biến cố thăng trầm vẫn không bị phai mờ mà ngược lại càng khắc sâu hơn vào tâm khảm con người. Biểu tượng là vật môi giới giúp ta tri giác cái bất khả tri giác. Biểu tượng được hiểu như là những hình ảnh tượng trưng, được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong một thời gian dài, song giữa biểu tượng và cái được biểu trưng nhiều khi có mối quan hệ đứt nối, gián đoạn khiến người ta khó nhận ra. Nó chính là cái nhìn thấy được mang một kí hiệu dẫn ta đến với cái khó có thể nhìn thấy được, nhưng nếu đã là biểu tượng chắc chắn nó đại diện cho các khía cạnh bản chất nào đó của văn hoá một cộng đồng. Thời gian và không gian làm cho cái được biểu trưng bị mờ đi, khuất lấp. Khi cái được biểu trưng xa rời quy ước ban đầu đó, nó mở đường cho sự hình dung và giải thích chủ quan, bay bổng của con người. Phải tìm ra chìa khoá (mã) mới khai mở được biểu tượng và hầu như không thể giải mã biểu tượng một lần mà xong. Biểu tượng dường như có xu hướng liên thông với tín hiệu. Biểu tượng sống là biểu tượng còn tiếp tục được giải mã, phân tích, khám phá các lớp nghĩa bên trong của nó. Sự khám phá đó khiến biểu tượng gợi cảm đến bất tận. Biểu tượng chết là khi người ta đã lí giải được toàn bộ ý nghĩa của nó, nó trở nên dễ hiểu, được sử dụng theo một số nghĩa nhất định nào đó và không được người ta dày công khám phá nữa. Khi đó nó gần như tương đương với tín hiệu. Chẳng hạn, Thập ác khởi đầu có ý nghĩa biểu tượng, đằng sau nó là nhu cầu của những người mộ đạo muốn được thể hiện sự chia sẻ nỗi đau đớn với Chúa Jêsu khi Chúa bị đóng đinh trên thánh giá. Đeo thập ác là để không quên nỗi đau đớn của Chúa và cùng chịu đựng nỗi đau với Chúa. Khi mọi người theo đạo đều đeo thập ác, nó
  7. không cần sự giải thích nào nữa, khi đó ý nghĩa biểu tượng bị mờ đi, chỉ còn ý nghĩa tín hiệu, ai nhìn vào thập ác cũng biết đó là tín hiệu của người theo đạo Ki tô. Biểu tượng có một số đặc điểm nhất định. Đó là, tính chất sống động, khó nắm bắt, khó xác định. Không phải ai cũng nhận ngay ra biểu tượng và hiểu được ý nghĩa mà nó biểu trưng. Bên cạnh đó, nó có tính chất ổn định tương đối, phải ổn định mới trở thành biểu tượng, nếu nó luôn thay đổi, nó sẽ không còn mang tính biểu tượng nữa, bởi giữa cái biểu tượng và cái được biểu tượng không thay đổi hoặc ít thay đổi thì sự khám phá mới có ý nghĩa. Chẳng hạn, nếu chim là biểu tượng mặt trời thì chim trên trống đồng (bay theo hướng từ đông sang tây), chim trong mặt trời (bay lông lả tả khi mặt trời bị dũng sĩ bắn rụng), chim trong tên gọi mặt trời (kim ô - quạ vàng), chim trên áo lông chim... phải thống nhất và ổn định thể hiện tính biểu tượng đó, nếu không người ta sẽ nghi ngờ tính chất biểu tượng chim – mặt trời. Biểu tượng có thể lí giải được nhờ liên hệ với những yếu tố khác trong một trường liên tưởng. Chẳng hạn, con chim là biểu tượng cho mặt trời, từ đó nó dẫn ta đến liên tưởng về con diều, quả còn, quả cầu, đánh đu... gắn với những trò chơi mà khi chơi người ta đều phải tung cao hoặc cho bay cao lên, gần gũi với biểu tượng chim – mặt trời. Trường liên tưởng của biểu tượng càng rộng, sự khám phá biểu tượng càng phong phú và hấp dẫn. Người Việt thường dùng phương tiện chuyên chở dưới nước là thuyền rồng, thần mưa (trong thần thoại) có mình rồng, thần nhiều con sông có hình rồng... bởi con rồng trong quan niệm của người Việt chính là biểu tượng nước. Biểu tượng luôn mang tính quan niệm, bởi nó bắt nguồn từ tư duy hình tượng. Nó có nhiều cấp độ xâm nhập với cái được biểu trưng, các cấp độ đó phản ánh trình độ tư duy và quan niệm nghệ thuật của con người. Biểu tượng cổ nhất và đơn giản nhất bao giờ cũng gần với thực tế. Chẳng hạn, rắn là con vật biểu tượng cho nước, giữa con rắn biểu tượng và con rắn trong thực tế không khác nhau; đến
  8. con rồng cũng mang biểu tượng nước nhưng nó không còn giống bất cứ một con vật có thực nào trong đời sống nữa, nó có chân như thú, vẩy như cá, bờm như ngựa, có thể bay như chim... hình dáng của nó đã bay cao và thoát khỏi thực tế. Chắc chắn biểu tượng rồng ra đời muộn hơn và trình độ tư duy của những người sáng tạo ra nó đã phát triển cao hơn trước. Giải mã biểu tượng cũng chính là bóc tách các lớp lịch sử bồi đắp, che phủ biểu tượng, làm cho nó biến đổi. 2.3. Mật mã (Secret codes): là một mã khoá bí mật, là cách duy nhất để lí giải cái không thể nắm bắt bằng cách nào khác. Nó cần phải có chìa khoá để lí giải và không bao giờ có thể giải thích một lần là xong. Nó là một không gian mở cho người ta có thể khám phá liên tục mà không ai dám khẳng định là có thể giải mã đúng và khám phá hết bí mật. Tử vi có thể được coi như một loại mật mã văn hoá. Các học giả nhiều thời đại đã cố gắng giải mã các lá số tử vi. Người ta có thể lập trình tử vi, thiết lập các lá số trên máy vi tính, nhưng để giải mã được một lá số cần trình độ tổng hợp cao và kinh nghiệm suy đoán rộng. Tuỳ trình độ của mỗi người mà họ có thể lí giải nó nông hay sâu, nhưng chưa ai dám coi như đã giải mã được toàn bộ số phận con người qua những lá số đó. Rộng hơn, kinh Dịch cũng có thể coi như một bản mật mã văn hoá. Đối với việc nghiên cứu mã văn hoá, mật mã quá bí ẩn, khó có thể giải mã được. Tín hiệu thì đơn giản, giải mã một lần là xong. Biểu tượng phong phú và có chiều sâu hơn nhiều. Vì vậy, trong giải mã văn hoá thì giải mã biểu tượng là có ý nghĩa hơn cả. Thấu hiểu ý nghĩa của các biểu tượng, nói rộng ra là hiểu được hệ giá trị văn hoá của một dân tộc được kết tinh lại trong biểu tượng tức là có thể hiểu đến tận cùng con người và dân tộc ấy. Để nói về biểu tượng văn hoá, chúng tôi xin trích lại lời của nhà ngôn ngữ, nhà văn hoá Levis Strauss “Mọi nền văn hoá đều có thể xem như một tập hợp các hệ
  9. thống biểu tượng, trong đó xếp ở hàng đầu là ngôn ngữ, các nguyên tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo” (trang XXIII, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 1997). Ý kiến của Levis Strauss tuy chưa hoàn toàn đầy đủ nhưng đã nêu tập trung nhất các biểu hiện của văn hoá qua hệ thống biểu tượng. Ngôn ngữ như một loại Mã văn hoá. Ngôn ngữ một cộng đồng luôn gắn liền với đặc điểm sinh hoạt và tư duy của cộng đồng đó như hệ quả của tư duy. Hơn thế nữa, nó còn biểu hiện quan niệm của con người trong cộng đồng một cách hình tượng, tạo ra những đặc điểm sử dụng ngôn ngữ riêng biệt của cộng đồng. Chẳng hạn, người Anh khi nói chuyện thường đặt sự vật này trong tương quan với sự vật khác một cách khách quan, trong khi đó người Việt Nam thường ngầm đặt mình vào giữa các tương quan đó, coi mình là trung tâm của sự so sánh. Nếu tôi đang ngồi dưới sàn, trên đầu tôi là cái đèn thì tôi không nói “the light was hanged under the ceiling” (đèn được treo dưới trần) mà tôi nói “đèn treo trên trần”, bởi đèn đó ở trên tôi. Tương tự như thế, các phong tục tập quán, các quan hệ kinh tế (hình thái kinh tế), các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, triết học và tôn giáo... của mỗi cộng đồng cũng thể hiện đặc sắc văn hoá của cộng đồng ấy qua hệ thống biểu tượng. Các nhà nghiên cứu đều nhìn thấy mối quan hệ liên thông, mang tính hệ quả giữa văn hoá với các biểu tượng văn hoá. Từ đó có thể thấy, muốn hiểu văn hoá, cách làm hữu ích nhất là tìm hiểu qua các biểu tượng văn hoá, tức các mã văn hoá. Mỗi nền văn hoá sẽ sản sinh và lưu tồn những mã văn hoá đặc trưng. Người ta hay nói đến văn hoá lúa nước ở Việt Nam và Đông Nam á, nền văn hoá này đã và đang biểu hiện ra khá đậm nét qua một hệ thống biểu tượng về nước, mặt trời, lúa, gạo... thông qua các công cụ, các trò chơi, qua tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật dân gian... Chỉ đơn cử mã văn hoá chim. Từ hình tượng chim biểu tượng mặt trời, ta có thần thoại Hậu Nghệ bắn mặt trời (trong mỗi mặt trời xuất hiện một con chim). Người ta gọi mặt trời là Kim Ô (quạ vàng),
  10. người ta đúc trống đồng có hình chim bay từ đông sang tây theo chiều quay của mặt trời... Chim còn là biểu tượng của mùa vụ, ta có chim én: mùa xuân, chim tu hú, chim cuốc: mùa hè, ngỗng trời: mùa thu. Chim cũng là biểu tượng của các loại người: chim sẻ - kẻ tiểu nhân, chim ưng - người quân tử. Chim biểu tượng tình yêu: uyên ương. Chim biểu tượng hoà bình: bồ câu. Chim biểu tượng sự cao quý: phượng hoàng. Chim biểu tượng tuổi thọ: chim hạc... Tín ngưỡng phồn thực cũng là một mã văn hoá thể hiện tính bản địa của các nước nông nghiệp. Phồn: cơ tốt, nhiều; thực: sinh nở con cái, sinh sôi nẩy nở. Tín ngưỡng này thể hiện ra trong các hoạt động văn hoá theo hai phương thức: nghi lễ thờ cúng sinh thực khí nam nữ và tôn sùng hoạt động tính giao. Tín ngưỡng đó thể hiện trong Mã (tín hiệu, biểu tượng) qua các hình thức: tròn – vuông; âm – dương; chẵn – lẻ; bánh chưng (tét) – bánh dày... Nó đi vào nghệ thuật bằng hình chạm khắc các ngẫu tượng bằng đá hay bằng gỗ; các trò chơi như trò trám, rước nõ nường, đánh phết; đi vào văn học dân gian với thần thoại về các đôi nam nữ thần như Nữ Oa – Tứ Tượng, Ông Đùng – Bà Đà, Ông Thu Tha – Bà Thu Thiên, Ông Đực – Mụ Cái... mà các sinh thực khí của họ được đặc tả và phóng đại về kích thước. Tư duy của người nông dân trồng lúa Việt Nam luôn gắn với cái ăn. Nỗi lo đói kém mất mùa, lo nhất là thiếu ăn, đói bụng khiến cái bụng trở thành đối tượng tư duy của người Việt Nam, họ thường lấy cái bụng (dạ, lòng, ruột) làm thước đo mọi hiện tượng đời sống từ cụ thể đến trừu tượng: tốt - xấu, yêu - ghét, vui - buồn, ác - thiện, suy nghĩ - hành động, thông minh - ngu dốt, trạng thái lo lắng, chờ đợi... Tốt bụng - xấu bụng, sáng dạ - tối dạ, được lòng - mất lòng, hài lòng - bằng lòng - mếch lòng, phải lòng, nghĩ bụng, đau lòng, nóng lòng, sốt ruột, suy bụng ta ra bụng người, khác máu tanh lòng, lòng lang dạ thú,... rồi từ bụng, lòng, dạ, được gán cho muôn vật trong thế giới tự nhiên: lòng sông, lòng biển, lòng đất, lòng hồ, lòng súng, lòng máng,... trong khi người Trung Quốc thường dùng chữ tâm (trái tim) để diễn đạt.
  11. Từ văn hoá đến sự thể hiện nền văn hoá đó có một khoảng cách khá lớn, trải qua một số khúc xạ, một số lựa chọn tự nhiên trong tiếp nhận và thể hiện, vượt quá những cảm nhận cá biệt. Vì vậy, hầu như không bao giờ mã văn hoá được thể hiện toàn bộ hay rõ rệt như sự đồ chiếu văn hoá mà chỉ một số yếu tố nổi trội, tập trung nhất của văn hoá được kết tinh trong các mã mà thôi. Giải mã văn hoá chính là giải mã các biểu tượng văn hoá. Biểu tượng đó có thể nhận thấy ở nhiều lĩnh vực như tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, ẩm thực – trang phục - y học dân tộc..., bởi nó là sự thể hiện quan niệm, tư tưởng, thái độ, tình cảm, truyền thống một cộng đồng thông qua hệ thống biểu tượng. Giải mã văn hoá vì vậy là một thao tác đầy khó khăn nhưng cũng hết sức thú vị và hữu ích. Nguồn : Tạp chí văn hóa nghệ thuật Tài liệu tham khảo * Tiếng Việt: 1. A.Ja. Gurievich, Các phạm trù văn hoá Trung cổ, Nxb. Giáo dục, H, 1996 2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp, 1990 3. Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh xuất bản, 1999 4. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997 5. Konrat, Phương Đông và phương Tây, Nxb. Giáo dục, H, 1997
  12. 6. Leopold Cadiere, Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt, Nxb. Văn hoá thông tin, 1997 7. Hữu Ngọc (chủ biên), Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nxb. Thế giới, 1995 8. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hoá thông tin, 2004 9. Nhiều tác giả Trung Quốc, Lịch sử văn hoá Trung Quốc, 2 tập, Nxb. Văn hoá thông tin, 1995 10. Nguyễn Minh San, Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb. Văn hoá dân tộc, H, 1999 11. Almanach những nền văn minh thế giới (Nguyễn Hoàng Điệp biên tập). Nxb. Văn hoá thông tin, H, 1996 * Tiếng Anh: 1. Hajime Nakamura. The ways of thinking of Eastern peoples. Yushodo co. Ltd. Tokyo. Japan. 1988. 2. Helen Bauer and Sherwin Carlquist. Japanese Festivals. Charles E. Tuttle. co. Tokyo Japan. 1985
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2