MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI NĂM 2010<br />
<br />
Luật Trọng tài Thương mại (TTTM) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa <br />
VII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, thay thế cho Pháp lệnh <br />
Trọng tài Thương mại (PLTTTM) năm 2003. Với 13 chương, 82 điều, Luật TTTM đã thể chế hoá <br />
một cách đồng bộ cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trong tài ở nước ta trên cơ sở kế thừa các quy <br />
định của PLTTTM. Bên cạnh đó, so với PLTTTM, Luật TTTM có nhiều quy định mới nhằm đáp ứng <br />
đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại <br />
hiện nay. Sau đây là những điểm mới đáng chú ý của Luật Trọng tài Thương mại năm 2010:<br />
<br />
<br />
<br />
1. Về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp.<br />
<br />
<br />
<br />
Đây là điểm mới đầu tiên là Luật TTTM. Theo đó, Luật TTTM đã mở rộng thẩm quyền giải quyết <br />
các tranh chấp thương mại của Trọng tài đối với nhiều loại tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích <br />
của các bên (Điều 2 Luật TTTM). Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật TTTM <br />
so với PLTTTM và phù hợp với thực tiễn sử dụng Trọng tài của các nước trên thế giới.<br />
<br />
<br />
<br />
2. Về thỏa thuận trọng tài.<br />
<br />
<br />
<br />
Luật TTTM mới cũng đã khắc phục được sự không rõ ràng của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm <br />
2003 về các trường hợp vô hiệu thoả thuận trọng tài. Điều 18 Luật TTTM giới hạn 6 trường hợp <br />
theo đó thoả thuận trọng tài vô hiệu với những quy định cụ thể và rõ ràng hơn so với những quy định <br />
tại Điều 10 của PLTTTM. Luật TTTM còn quy định trường hợp thỏa thuận trọng tài không rõ ràng thì <br />
bên khởi kiện (nguyên đơn) có quyền được tự do lựa chọn tổ chức trọng tài thích hợp để khởi kiện <br />
nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khoản 5 Điều 43 Luật TTTM). Quy định này sẽ <br />
hạn chế tình trạng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc không xác định được cơ quan nào giải quyết <br />
tranh chấp.<br />
<br />
<br />
<br />
3. Quy định bảo vệ người tiêu dùng<br />
<br />
<br />
<br />
Một điểm mới đáng chú ý khác là tại Điều 17 của Luật TTTM đã bổ sung quy định nhằm bảo vệ <br />
người tiêu dùng trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, theo đó “Đối với các tranh <br />
chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được <br />
ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa <br />
thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết <br />
tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người <br />
tiêu dùng chấp thuận”. Quy định này thể hiện rõ thái độ bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp <br />
người tiêu dùng bị đặt vào thế bị động trong các giao dịch dựa trên những hợp đồng in sẵn từ phía nhà <br />
cung cấp dịch vụ, đồng thời nó cũng là biện pháp để hạn chế những phương thức giải quyết tranh <br />
chấp không có lợi cho khách hàng thường hay bị người cung cấp dịch vụ cài sẵn trong các hợp đồng <br />
và ép buộc bên sử dụng dịch vụ phải chấp nhận.<br />
<br />
<br />
<br />
4. Tiêu chuẩn trọng tài viên.<br />
<br />
<br />
<br />
Luật TTTM cũng đã kế thừa và quy định rõ hơn tiêu chuẩn trọng tài viên so với PLTTTM. Điều 20 <br />
Luật TTTM có quy định rõ cá nhân có năng lực hành vi dân sự, có trình độ đại học trở lên và đã qua <br />
thực tế công tác từ năm năm trở lên có thể là trọng tài viên. Đặc biệt, Luật dành cho các Trung tâm <br />
trọng tài quyền được đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn đối với các Trọng tài viên trong danh sách của <br />
mình (khoản 3, Điều 20). Trong trường hợp đặc biệt, các bên đương sự có thể lựa chọn dựa trên <br />
niềm tin của họ vào tính chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn, uy tín của cá nhân đó và trong trường <br />
hợp đó thì nhà chuyên môn nào cũng có thể được các bên chọn làm Trọng tài cho vụ việc của họ <br />
(khoản 1, điểm c, Điều 20). Luật TTTM 2010 cũng không yêu cầu Trọng tài viên phải có quốc tịch <br />
Việt Nam. Điều đó có nghĩa là người nước ngoài cũng có thể được chỉ định làm trọng tài viên ở Việt <br />
Nam nếu các bên tranh chấp hoặc tổ chức trọng tài tín nhiệm họ. Quy định này đáp ứng nhu cầu thực <br />
tế trong giai đoạn Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.<br />
<br />
<br />
<br />
5. Về tố tụng trọng tài<br />
<br />
<br />
<br />
Luật TTTM cũng bổ sung quy định về quy tắc tố tụng trọng tài, theo đó, các Trung tâm trọng tài được <br />
ban hành quy tắc tố tụng trọng tài phù hợp với quy định của Luật và đảm bảo đặc thù của mỗi Trung <br />
tâm để tăng thêm tính hấp dẫn đối với các bên tranh chấp (khoản 1 Điều 28). Các Trung tâm trọng tài <br />
nước ngoài cũng được phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp <br />
luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật đã dành toàn bộ chương XII <br />
để quy định về chức năng, các điều kiện và phạm vi hoạt động của các Trung tâm Trọng tài nước <br />
ngoài tại Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị và là sự hỗ trợ kịp thời để hoạt động của Trọng tài ở Việt <br />
Nam hội nhập với quốc tế. Đồng thời, điều này cũng mang lại sự cạnh tranh lành mạnh giữa các <br />
trung tâm trọng tài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn khi cần tới sự trợ <br />
giúp từ các Trung tâm trọng tài.<br />
<br />
<br />
<br />
Nhằm giúp cho cơ chế tố tụng trọng tài vận hành có hiệu quả hơn, Luật TTTM 2010 đã cho phép Hội <br />
đồng Trọng tài được thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng, áp dụng một số biện pháp khẩn cấp <br />
tạm thời (quy định tại Điều 47, 48, 49 và 50). Quy định này là sự tiếp thu những quy định mẫu của <br />
UNCITRAL được thông qua 2006. Điều này cũng thể hiện sự tiếp thu và từng bước điều chỉnh của <br />
cơ quan lập pháp Việt Nam để các quy định trọng tài thương mại Việt Nam hội nhập với các thông lệ <br />
quốc tế.<br />
<br />
<br />
<br />
Luật TTTM đã tiếp nhận nguyên tắc cấm hành vi mâu thuẫn trong tố tụng, một nguyên tắc rất quan <br />
trọng đã hình thành lâu đời trong pháp luật tố tụng của các nước phát triển. Điều 13 Luật TTTM quy <br />
định, khi một bên nhận thấy những quy định của Luật hoặc của thoả thuận trọng tài bị vi phạm mà <br />
vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối vi phạm đó trong thời hạn luật định thì <br />
mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Toà án. Quy định này là nhằm ngăn chặn các hành vi cơ hội <br />
trong tố tụng trọng tài.<br />
<br />
<br />
<br />
Một trong những điểm quan trọng nhất của Luật TTTM là đã thể hiện rõ nét mối quan hệ giữa Trọng <br />
tài với Toà án trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp của các bên. Luật đã đưa ra một loạt <br />
các quy định mới nhằm xác định mối quan hệ pháp lý này: xác định rõ Tòa án có thẩm quyền đối với <br />
hoạt động trọng tài và liệt kê 8 nội dung thẩm quyền của Toà án trong quan hệ với Trọng tài bao <br />
gồm: thu thập chứng cứ, lưu giữ chứng cứ; đăng ký phán quyết trọng tài; tuyên thoả thuận trọng tài <br />
vô hiệu; xác định thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; giải quyết và yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài; <br />
bảo đảm sự có mặt của người làm chứng; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; chỉ định, thay đổi <br />
trọng tài viên. Quy định tại các điều luật khác liên quan đã cụ thể hoá nội dung những thẩm quyền <br />
này của Toà án. Quy định này đã khắc phục được những bất cập của Pháp lệnh TTTM, tạo điều kiện <br />
để các Tòa án và Hội đồng trọng tài cũng như các bên tranh chấp tránh được lúng túng trong các <br />
trường hợp cụ thể, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để trọng tài hoạt động có hiệu quả.<br />
<br />
<br />
<br />
Có thể thấy rằng, trong Luật TTTM năm 2010, hầu hết các chuẩn mực của pháp luật trọng tài quốc <br />
tế đã được tiếp thu và vận dụng một cách linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bởi vậy, <br />
Luật TTTM hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ pháp lý hữu hiệu, góp phần thúc đẩy cơ chế giải <br />
quyết tranh chấp bằng trọng tài phát triển mạnh ở Việt Nam.<br />