intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số vấn đề về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

27
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Một số vấn đề về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua tập trung phân tích những ưu điểm cốt yếu nhất, những bất lợi đang phải đối mặt, và đề xuất một số gợi ý mang tính chất tham khảo cho khu vực vực kinh tế FDI trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số vấn đề về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM THỜI GIAN QUA NCS. Nguyễn Mậu Hùng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế Tóm tắt Bằng các phương pháp định tính và định lượng cũng như chuyên ngành và liên ngành, bài viết chỉ ra rằng, mặc dù quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam chưa lâu, nhưng khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Trong khi số lượng dự án đầu tư nước ngoài không ngừng tăng lên và tổng số vốn đầu tư ngày càng lớn, tỷ lệ tham gia đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội cũng tăng liên tục. Cùng lúc đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ là một trong những lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực của Việt Nam, mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam về cơ bản vẫn ưu tiên tận dụng nguồn nhân công giá rẻ hơn là đầu tư và chuyển giao khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam là một nước có rất nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhưng tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực này lại quá khiêm tốn. Từ khóa: đầu tư nước ngoài, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, nhân công giá rẻ, người lao động SOME QUESTIONS ON FOREIGN INVESTMENT IN VIETNAM IN THE LAST FEW DECADES Abstract By qualitative and quantitative as well as specialized and interdisciplinary methods, the paper shows that although the process of attracting foreign investment of Vietnam is not too long, economic sector of foreign investment has achieved a number of important achievements. While the number of foreign investment projects is constantly increasing and the total number of investment capital is growing, contribution rate of foreign investment enterprises for state budget and the gross domestic product is also rising continuously. At the same time, economic sector of foreign investment is not only one of Vietnam’s key export sectors of industrial products, but also contributes to the increase of job opportunities for a vast number of labors. However, foreign enterprises in Vietnam still prioritize to take advantage of cheaper labor sources rather 326
  2. than investment and transfer of science and technology. Additionally, although Vietnam is a country with a wide range of advantages in agricultural production, the total number of investment capital of foreign enterprises in this field is too modest. Keywords: foreign investment, state budget, state enterprise, cheap worker, labor 1. PHẦN MỞ ĐẦU Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) không chỉ là một thành phần kinh tế quan trọng, mà còn là một thị trường lao động dồi dào và tiềm năng của các nước đang phát triển. Mặc dù khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ thực sự nở rộ trong thời kỳ đổi mới và mở cửa từ sau năm 1986, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề trong khu vực kinh tế năng động và có nhiều đóng góp này. Chính vì vậy, việc nhìn lại những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục sau hơn ba thập kỷ thu hút vốn đầu tư nước ngoài không những rất cần thiết, mà còn vô cùng cấp thiết đối với cả các cơ quan quản lý lẫn các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập và tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế thế hệ mới. Đây là một vấn đề phần nào đã nhận được sự quan tâm của cả giới nghiên cứu trong và ngoài nước lẫn các cơ quan chức năng bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất. Chính vì thế, trên cơ sở sử dụng các phương pháp định tính và định lượng cũng như chuyên ngành và liên ngành, bài viết tập trung phân tích những ưu điểm cốt yếu nhất, những bất lợi đang phải đối mặt, và đề xuất một số gợi ý mang tính chất tham khảo cho khu vực vực kinh tế FDI trong thời gian tới. 2. MỘT SỐ THÀNH TỰU VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA 2.1. Các thành tựu chủ yếu Mặc dù quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu từ sau ngày có chính sách đổi mới năm 1986, nhưng cho đến nay đã đạt được nhiều thành tựu hết sức căn bản và toàn diện. Về số lượng, kể từ ngày 29 tháng 12 năm 1987, lúc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư đầu tiên của Việt Nam cho đến ngày đến ngày 1 tháng 1 năm 2017, số lượng doanh nghiệp FDI là 14.600. Con số này tăng 54,2% so với ngày 1 tháng 1 năm 2012 và bình quân mỗi năm tăng 9,2% [3]. Đến tháng 5 năm 2018, Việt Nam đã thu hút 25.691 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký lên đến 323 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện trong thực tế chỉ đạt 55,5% với 179,2 tỷ USD [5]. Năm 2017, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội được triển khai thực hiện trong thực tế theo giá hiện hành của Việt Nam đạt khoảng 1.667.400 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 327
  3. là 396.200 tỷ đồng (23,8%).67 Điều đó có nghĩa là tổng số vốn được triển khai thực hiện trong thực tế của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 không chỉ gần 1/4 tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, mà còn bằng 1,36 lần tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong cả năm (290.500 tỷ đồng). Những năm gần đây, nguồn vốn FDI được triển khai thực hiện trong thực tế thường chiếm khoảng 25% tổng số vốn đầu tư của cả nước và đóng góp khoảng 20% GDP của Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2017, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 8 tỷ USD (14,4%) [2]. Nếu tính toàn bộ quá trình, thì đến năm 2016, hệ thống các doanh nghiệp FDI đóng góp đến 29,1% ngân sách nhà nước [11, tr. 11]. Tính từ đầu năm đến ngày 20 tháng 5 năm 2019, khu vực FDI tiếp tục xác lập các kỷ lục mới về cả số lượng dự án lẫn tổng số vốn đăng ký đầu tư trong vòng ba năm trở lại đây với 1.363 dự án và 6,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, có đến 505 lượt dự án FDI đã được cấp phép hoạt động từ các năm trước đăng ký điều chỉnh tổng số vốn đầu tư tăng thêm lên đến 2.628,8 triệu USD. Điều đó có nghĩa là tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm 2019 lên đến 9.086,7 triệu USD. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI được triển khai thực hiện trong thực tế lên đến 7,3 tỷ USD. Trong khoảng thời gian này, các nhà đầu tư nước ngoài còn đầu tư 7,65 tỷ USD để góp vốn và mua cổ phần trong 3.160 lượt [12]. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, 71,4% số vốn của các doanh nghiệp FDI được đầu tư vào trong các dự án 100% vốn nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp liên doanh chỉ chiếm 23,2%. Cùng lúc đó, trong tổng số 14.002 doanh nghiệp FDI đang hoạt động (2,8% tổng số doanh nghiệp cả nước), có 11.974 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (85,5%) và có 2.028 doanh nghiệp liên doanh (14,5%) [11, tr. 16-17]. Về quy mô khu vực kinh tế FDI, đến hết năm 2016, cho dù số lượng các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp của cả nước, nhưng lại chiếm đến 18,1% tổng vốn sản xuất kinh doanh, 18,5% tài sản cố định và đầu tư dài hạn, 27,4% doanh thu thuần túy, 45,9% lợi nhuận thu được trước thuế [11, tr. 11]. Nếu xét theo loại hình kinh tế, năm 2013 kinh tế nhà nước còn chiếm 10,2% tổng số lao động cả nước, nhưng đến năm 2016 giảm xuống chỉ còn 9,9%, còn kinh tế ngoài nhà nước cũng giảm từ 86,4% xuống còn 85,7%. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, tổng số lao động trong khu vực kinh tế FDI lại tăng từ 3,4% lên đến 4,4% trong tổng số lao động trong các doanh nghiệp của Việt Nam. Xét về cơ cấu lao động có việc làm theo giới tính của các loại hình kinh tế, tất cả các loại hình kinh tế đều sử dụng lao động nam nhiều hơn lao động nữ, trừ loại hình kinh tế vốn đầu tư nước ngoài có số lao động nữ chiếm 67,3%. Mặc dù vậy, thu nhập hàng tháng của nam cao hơn nữ ở tất cả các loại hình kinh tế, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài [9, tr. 5, 23, 28]. 67 Tổng cục Thống kê (2017), Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, Hà Nội, tr. 7. 328
  4. Các doanh nghiệp FDI cũng đã hình thành nên nhiều tập đoàn sản xuất có quy mô lớn, trình độ công nghệ cao, và góp phần không nhỏ vào quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam với khu vực và thế giới [3, tr. 11 - 12]. Năm 2010, Intel đã cho vận hành nhà sản xuất vi mạch điện tử với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD và năm đến 2015, khoảng 80% CPU Intel trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam. Cùng lúc đó, dự án Khu công viên phần mềm Thủ Thiêm có tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD, trong khi tập đoàn Samsung đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng khu phức hợp điện tử gia dụng, còn Tập đoàn Jabil của Mỹ, một trong ba đại gia điện tử thế giới đầu tư khoảng 0,6 tỷ USD để mở rộng sản xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh [4, tr. 61 - 62]. Chính các doanh nghiệp FDI đã góp phần cân bằng cán cân thương mại và cải thiện khả năng xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI trung bình chiếm hơn 66% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2016 [11, tr. 12]. Năm 2017, khu vực FDI và dầu thô đóng góp đến 155,24 /213,77 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam [10]. Con số này chiếm 72,6% tổng giá trị kinh ngạch xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam và xuất siêu lên đến gần 30 tỷ USD. Với tỷ lệ xuất siêu lớn như vậy, các doanh nghiệp FDI không chỉ đã góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trước đây một cách đáng kể [8], mà còn biến Việt Nam thành một nước xuất siêu với 2,7 tỷ USD năm 1017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD, còn khu vực FDI xuất siêu 28,8 tỷ USD [10]. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước lên đến 100,74 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 70,41 tỷ USD (kể cả dầu thô) (69,9%) [12]. Về khả năng giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, doanh nghiệp FDI mang đến nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang thu hút nhiều ứng viên tìm việc hơn các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Sáu tháng đầu năm 2018, số lượt tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2017 [1]. Đến năm 2017, hệ thống các doanh nghiệp FDI đang tạo công ăn việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng từ 5 đến 6 triệu lao động gián tiếp trong cả nước [2]. Đầu năm 2017, tổng số lao động trong khu vực FDI tăng tới 62,8% so với đầu năm 2012 và bình quân hàng năm số lao động trong khu vực này tăng 10,2%, cao hơn 2 lần so với khối doanh nghiệp nhà nước [7]. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay là một thị trường lao động hết sức tiềm năng và hấp dẫn đối với người lao động Việt Nam. Đến ngày 1 tháng 5 năm 2019, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước giảm 0,9%, trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,3%, còn doanh nghiệp FDI tăng đến 3,1% [12]. Thực tế này cho thấy các doanh nghiệp FDI không chỉ là một mô 329
  5. hình sản xuất kinh doanh hết sức hiệu quả, mà còn đóng một vai trò ngày càng lớn trong tổng số lực lượng lao động của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI còn góp phần đào tạo và bồi dưỡng cho Việt Nam một đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và tay nghề ngày càng tiệm cận với các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Điển hình cho xu thế này là việc Tập đoàn Samsung gần đây công bố xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển với khoảng 2.000 kỹ sư tuyển dụng trực tiếp ở Việt Nam để đào tạo và sử dụng trong các các công đoạn sản xuất của Samsung Việt Nam [8]. Không những thế, người lao động trong các doanh nghiệp FDI cũng thường có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình thường. Năm 2014, thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp FDI là 198,3 triệu đồng/người, gấp 1,52 lần so với khu vực doanh nghiệp nhà nước, 3,19 lần so với doanh nghiệp tư nhân, và 3 lần so với mức bình quân của toàn bộ các doanh nghiệp [4, tr. 60] trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Để đạt được các thành tựu đó, các doanh nghiệp FDI cũng thường được ưu tiên trên nhiều lĩnh vực từ đất đai cho đến thuế. Thực tế cho thấy, họ cũng có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, và giúp hệ thống kinh tế Việt Nam hội nhập một cách sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu [8]. Mặc dù vậy, hiệu quả sản xuất và kinh doanh có được của các doanh nghiệp FDI không phải do được ưu đãi mà chủ yếu nhờ trình độ khoa học công nghệ, phương thức quản lý, và hiệu quả làm việc. Năm 2016, lợi nhuận bình quân của một doanh nghiệp FDI đạt 23,3 tỷ đồng. Con số này cao gấp 60,6 lần lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân, nhưng chỉ bằng 30% lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước [11, tr. 25 - 26]. Tóm lại, khu vực doanh nghiệp FDI chính là một trong những thành phần kinh tế năng động nhất của Việt Nam [11, tr. 11]. Không chỉ đóng góp khoảng 20% vào tổng sản phẩm quốc nội, trên 50% sản lượng công nghiệp, và trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu [13] của nền kinh tế, khối doanh nghiệp FDI còn chiếm khoảng 1/4 tổng số vốn đầu tư toàn xã hội và giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Tổng số lao động làm việc trong khu vực FDI từ chiếm 3,3% năm 2012 tăng lên 5% vào quý 2 năm 2017 [14, tr. 20]. Không những thế, khu vực kinh tế FDI còn góp phần làm cho quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới diễn ra một cách sâu rộng hơn. Điều đó có nghĩa là khối các doanh nghiệp FDI nhìn tổng thể là một thành công và thắng lợi lớn của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới. 2.2. Một số vấn đề đặt ra Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả rất đáng tự hào như vậy, nhưng khu vực kinh tế FDI của Việt Nam cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều cũng như đang phải đối mặt với nhiều thử thách không hề mong đợi [6, tr. 55 330
  6. - 63]. Việc sử dụng lao động của khối FDI đã bọc lộ nhiều bất cập trong những năm qua. Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp FDI còn thiên về chính sách thu hút lao động giá rẻ và ít được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư làm ăn theo kiểu “giật gấu vá vai” và chụp giật. Người lao động bị vắt kiệt sức mà không được hưởng các chế độ tương xứng. Một số doanh nghiệp FDI chủ yếu đến các nước đang phát triển để khai thác các nguồn lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên chưa được tận dụng, mà chưa chú ý đúng mức đến vấn đề đầu tư khoa học công nghệ cũng như đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực trình độ cao cho sự phát triển của Việt Nam về lâu dài. Cùng lúc đó, khu vực kinh tế FDI là nơi thường diễn ra tình trạng sa thải người lao động trên 35 tuổi một cách kinh niên [2]. Chưa dừng lại ở đó, cơ cấu ngành nghề và lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp FDI cũng mất cân đối nghiêm trọng. Trong 5 tháng đầu năm 2019, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo thu hút 4.744,4 triệu USD (73,5%) [12]. Trong lúc đó, Việt Nam là một nước có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhưng đến tháng 8 năm 2018, trong tổng số 19 ngành nghề và lĩnh vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ vốn đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong 30 năm qua [8]. Tương tự như vậy, mặc dù là khu vực kinh tế thu lại nhiều khoản lợi nhuận lớn hơn nhiều so với các khoản đầu tư nhờ điều kiện kinh doanh ưu đãi của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp FDI nộp thuế trung bình chỉ 18 tỷ đồng/doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước. Con số này chỉ bằng 17% so với mức đóng góp trung bình chung của toàn bộ hệ thống các doanh nghiệp nhà nước [7]. Phần lớn các nhà đầu tư đến Việt Nam trong thời gian qua đều của các nước phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, còn các nhà đầu tư Bắc Mỹ và châu Âu chiếm tỷ lệ không đáng kể. Ngược lại, trong tổng số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có tiếp nhận đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam, Tây Ban Nha thu hút đến 59,8/183,1 triệu USD (32,7%) và Hoa Kỳ 44,3/183,1 triệu USD (24,2%). Cùng lúc đó, trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã cấp phép cho các dự án FDI trên 46 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương [12]. Tuy nhiên, phần lớn các dự án này chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, và duyên hải Nam Trung Bộ. Tóm lại, khối doanh nghiệp FDI đã góp phần làm thay đổi bộ mặt cũng như bức tranh kinh tế Việt Nam, nhưng quá trình triển khai thu hút cũng như thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang bắt đầu bộc lộ ra nhiều thiếu sót và hạn chế không dễ gì có thể khắc phục một sớm một chiều. Trong khi việc các doanh nghiệp FDI chỉ tập trung ở các khu công nghiệp và trung tâm đô thị đã gây ra rất nhiều vấn đề về mội trường sinh thái và quy hoạch phát triển, việc dồn một lực lượng lao động đông đảo vào một số khu vực nhất định trong điều kiện cơ sở hạ tầng không phải lúc nào cũng đủ thân thiện với người làm công ăn lương cũng đặt ra nhiều câu hỏi về an sinh xã hội cũng như phát 331
  7. triển bền vững. Bổ sung vào danh sách này là hiện tượng lợi nhuận cao, nhưng tỷ lệ đóng góp cho ngân sách nhà nước hạn chế của hệ thống các doanh nghiệp FDI. Điều này một mặt là nhờ vào hệ thống các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam nói chung và các địa phương trên cả nước nói riêng, nhưng phần lớn các doanh nghiệp FDI chỉ chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực và ngành nghề có khả năng mang lại lợi nhuận cao, còn các lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế như nông nghiệp thì không thu hút đáng kể vốn đầu tư của nước ngoài. Tất cả cho thấy rằng, bên cạnh rất nhiều các ưu điểm không thể chối bỏ, khu vực kinh tế FDI cũng đang phải đương đầu với không ít vấn đề nan giải mà nếu không được giải quyết dứt điểm thì hậu quả của nó đối với tương lai của đất nước sẽ rất khó lường. 2.3. Một số gợi ý mang tính tham khảo Trên cơ sở các phân tích và số liệu nêu trên, bài viết nêu lên một số đề xuất mang tính hàm ý chính sách như sau: Chú trọng việc dự báo nhu cầu nguồn ngân lực của nên kinh tế trên từng lĩnh vực và trình độ đào tạo cụ thể để tiến hành phân luồng và hướng nghiệp đối với học sinh ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Cùng lúc đó, các cơ sở giáo dục và trường nghề cũng cần phải được quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng đầu ra theo hướng ngày càng tiệm cận với thế giới. Các cơ sở đào tạo phải tạo ra các mối liên kết chặt chẽ với hệ thống các doanh nghiệp FDI để bảo đảm chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu thị trường lao động việc làm [22]. Phải đề ra chủ trương và các biện pháp cụ thể để tập trung ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề đòi hỏi quy mô vốn lớn, yêu cầu trình độ khoa học công nghệ cao, và hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành nghề chỉ để tạn dụng lực lượng lao động giản đơn giá rẻ của Việt Nam trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 [4, tr. 61 - 62]. Các cơ quan chức năng phải có hệ thống các chính sách rõ ràng rằng các lĩnh vực ngành nghề mà Việt Nam đang cần thì sẽ được ưu tiên thu hút vốn đầu tư của nước ngoài với các chế độ ưu đãi đặc biệt, còn những lĩnh vực mà chủ yếu để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác của đất nước thì phải hết sưc lưu ý để tránh trường hợp đổi tốc độ phát triển bằng cách hy sinh các giá trị lâu dài về sau như môi trường sinh thái và phát triển bền vững của đất nước. Mặc dù khối doanh nghiệp FDI là một trong những thị trường lao động hấp dẫn cũng như giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng không nhỏ đội ngũ nguồn nhân lực Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng các doanh nghiệp FDI tìm mọi cách để chỉ đạt được mục tiêu lợi nhuận bằng mọi giá mà bỏ qua quyền lợi của người lao động Việt Nam cũng như các nguyên tắc kinh doanh cốt lõi của một nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh. Chính vì 332
  8. vậy, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng phải có các biện pháp chi tiết và chế tài cụ thể để buộc hệ thống các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ một cách nghiêm túc các điều khoản đã được thỏa thuận trong kế hoạch đầu tư. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động địa phương và đặc biệt là phải chuyển giao công nghệ cho người lao động Việt Nam. Bên cạnh hệ thống chính sách và biện pháp hành chính của Nhà nước, vấn đề mấu chốt vẫn là người lao động Việt Nam phải tự học hỏi để vươn lên làm chủ công nghệ và đấu tranh bảo vệ cho các quyền lợi cơ bản và chính đáng của mình một cách hợp pháp và hợp lý, vì không ai có thể bảo vệ quyền lợi của chính họ tốt hơn chính bản thân họ. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một cơ hội để người lao động hội nhập sâu hơn vào thị trường việc làm quốc tế, nhưng đồng thời cũng đặt ra các yếu cầu mới về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp đối với người lao động. Dần dần chuyển hướng sang mô hình doanh nghiệp chủ yếu dựa vào các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và cơ chế ưu đãi của Nhà nước sang các mô hình doanh nghiệp có khả năng sáng tạo giá trị mới và cung cấp các dịch vụ có hàm lượng chất xám cao cho thị trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp FDI phải tự chuyển đổi mô hình kinh doanh và hướng sang chiến lược thu hút cũng như sở hữu các nguồn nhân lực chất lượng cao hơn là chỉ dựa vào các nguồn nhân lực giá rẻ và trình độ phổ thông như hiện nay. 3. KẾT LUẬN Các doanh nghiệp FDI là một trong những hệ thống kinh tế hiện đại và hiệu quả nhất của cả nước. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp 396.200 tỷ đồng trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội (23,8%) [10]. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp FDI đã giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động cũng như đào tạo một bộ phận người lao động có trình độ tay nghề ngày càng cao [8]. Mặc dù vậy, khu vực kinh tế FDI cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Trong khi việc quy hoạch mạng lưới các doanh nghiệp FDI chưa được hợp lý đã gây ra nhiều hệ lụy không đáng có về lao động di cư và an sinh xã hội, không ít dự án FDI vẫn chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái trước các mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận hơn là phát triển bền vững. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần phải có một hệ thống các giải pháp vừa cụ thể vừa đồng bộ để Việt Nam vừa thu hút được các dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng đồng thời vừa bảo vệ được môi trường sinh thái và tận dụng được các lợi thế về khoa học cũng như công nghệ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án FDI ở Việt Nam. 333
  9. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp FDI tăng gấp 10 lần so với năm 2017 (2018), trong: https://vietnambiz.vn/co-hoi-viec-lam-tai-cac-doanh-nghiep-fdi-tang-gap- 10-lan-so-voi-nam-2017-64888.html (truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2018). 2. Hà Lê (2018), Hạn chế trong sử dụng lao động tại khu vực FDI, trong: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/36934202-han-che-trong-su-dung- lao-dong-tai-khu-vuc-fdi.html (truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2018). 3. Kiều Linh (2018), 2.700 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động, trong: http://vneconomy.vn/2700-doanh-nghiep-nha-nuoc-dang-hoat-dong- 20180119121233502.htm (truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2018). 4. Phạm Thị Lý (2017), “Việc làm và thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí phát triển KH & CN, Tập 20, Số Q1, tr. 61 - 62. 5. Hải Minh (2018), Khu vực FDI đẩy mạnh thu hút nhân sự chất lượng cao, trong: https://baomoi.com/khu-vuc-fdi-day-manh-thu-hut-nhan-su-chat-luong- cao/c/26615735.epi (truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2018). 6. Homlong, Nathalie and Springler, Elisabeth (2013), Vietnam and foreign direct investment: Potentials and challenges on the labor market, International Journal of Economics and Finance Studies, Vol 5, No 2, pp. 55-63. 7. Hạnh Nguyên (2018), Doanh nghiệp nhà nước chiếm nguồn vốn lớn, chủ yếu là vốn vay, trong: http://vneconomy.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-chiem-nguon-von-lon-chu- yeu-la-von-vay-20180919152955158.htm (truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2018). 8. Toàn Nguyễn Văn Toàn (2018), Nhìn lại chặng đường 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong: http://vneconomy.vn/nhin-lai-chang-duong-30-nam-dau-tu-nuoc- ngoai-tai-viet-nam-2018021217065162.htm (truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2018). 9. Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2016, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. 10. Tổng cục Thống kê (2017), Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, trong: http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=&ItemID=18667 (truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2018). 11. Tổng cục Thống kê (2018), Tổng điều tra kinh tế năm 2017: Kết quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. 334
  10. 12. Tổng cục Thống kê (2019), Tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2019, trong: https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&idmid=&ItemID=19196 (truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2019). 13. Võ Đình Trí (2018), Tiền lương lao động FDI: bao giờ thôi “phá giá”, trong: https://www.thesaigontimes.vn/275858/Tien-luong-lao-dong-FDI-bao-gio-thoi- %E2%80%9Cpha-gia%E2%80%9D.html (truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2018). 14. Viện Khoa học Lao động và Xã hội và International Labour Organisation (2018), Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội. 335
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2