Xã hội học số 4 - 2007 11<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Một số vấn đề xã hội nan giải<br />
trong quá trình đổi mới tam nông Việt Nam<br />
Tô Duy Hợp<br />
<br />
<br />
Dẫn luận<br />
Công cuộc đổi mới nông thôn, nông nghiệp, nông dân, được gọi chung là tam nông đã<br />
đạt được nhiều thành tích to lớn. Thành tựu to lớn nhất là sau 20 năm đổi mới, cùng với cả nước,<br />
tam nông Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội trong các thập niên 70 và 80 của thế<br />
kỷ XX vừa qua (ĐCSVN, 2006:67); Ngoài ra, tam nông Việt Nam còn đạt được nhiều thành tích<br />
quan trọng sau đây:<br />
- Mức sống bình quân của dân cư nông thôn sau 10 năm đổi mới (1991 - 2000) đã tăng<br />
lên gấp đôi, có khả năng sau 10 năm tiếp theo (2001 - 2010) cũng sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn gấp<br />
đôi.<br />
- Giảm liên tục tỷ lệ số hộ và số người nghèo ở nông thôn<br />
- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, với các yếu tố cơ bản như điện, đường, trường học,<br />
trạm y tế, khu nhà ở, khu chợ, khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã được nâng cấp theo hướng<br />
hiện đại hóa.<br />
- Các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, y tế cơ sở và CSSK<br />
cộng đồng đã được chăm lo đầu tư phát triển, đạt được nhiều tiến bộ.<br />
- Chất lượng cuộc sống được cải thiện; đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao, đặc<br />
biệt là phong trào khôi phục, phát huy văn hóa truyền thống thông qua sinh hoạt dòng họ, lễ hội<br />
làng,...<br />
- Năng lực quản lý của nhà nước địa phương (tỉnh, huyện) và của chính quyền cơ sở (xã,<br />
thôn) đã được đổi mới theo định hướng xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp để chuyển<br />
sang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.<br />
- Khôi phục và phát huy năng lực tự quản cộng đồng làng - xã theo tinh thần mở rộng dân<br />
chủ hóa, lồng ghép việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở do chính phủ ban hành (với các quy định<br />
cụ thể về việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra) với việc thực hiện hương ước đã được đổi<br />
mới của cộng đồng làng - xã.<br />
Tuy nhiên, trong tiến trình đổi mới, ở khu vực tam nông đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội<br />
bức xúc, nan giải. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập một số vấn đề xã hội nan giải<br />
trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Trước hết cần làm rõ<br />
tình trạng bức xúc, nan giải của các vấn đề xã hội nảy sinh, sau đó sẽ bàn về quan điểm định<br />
hướng các giải pháp khắc phục các vấn đề đó đối với khu vực tam nông.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
12 Mét sè vÊn ®Ò x· héi nan gi¶i trong qu¸ tr×nh ®æi míi tam n«ng ViÖt Nam<br />
<br />
I. Thực trạng tình hình một số vấn đề nan giải<br />
1.1 Khoảng cách giàu - nghèo và bất bình đẳng xã hội gia tăng<br />
• Tính bức xúc của vấn đề<br />
Thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người gia tăng liên tục, tuy nhiên ở khu vực đô thị<br />
vẫn ở dưới 02 USD/ngày, khu vực nông thôn dưới 01 USD/ngày và chung cả nước chỉ ở mức xấp<br />
xỉ 01 USD/ngày; nghĩa là Việt Nam vẫn thuộc nước nghèo theo chuẩn quốc tế.<br />
Bảng 1. Chênh lệch mức sống giữa đô thị/nông thôn (TCTK, 2006)<br />
<br />
1999 2002 2004<br />
<br />
Thu nhập bình quân đầu người/tháng<br />
Chung cả nước (1.000đ) 295,0 356,1 484,4<br />
Đô thị (1.000đ) 516,7 622,1 815,4<br />
Nông thôn (1.000đ) 225,0 275,1 378,1<br />
Chênh lệch đô thị/nông thôn (lần) 2,30 2,26 2,16<br />
Chi tiêu bình quân đầu người/tháng<br />
Chung cả nước (1.000đ) 221,1 269,1 359,7<br />
Đô thị (1.000đ) 373,4 460,8 595,4<br />
Nông thôn (1.000đ) 175,0 211,1 283,5<br />
Chênh lệch đô thị/nông thôn (lần) 2,13 2,18 2,10<br />
<br />
Chênh lệch mức sống giữa đô thị/nông thôn diễn tiến phức tạp. Nhìn chung mức sống<br />
trung bình của đô thị cao hơn gấp đôi so với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, chênh lệch thu nhập<br />
bình quân người/tháng giữa đô thị và nông thôn có xu hướng thu hẹp liên tục từ 2,30 lần (1999)<br />
xuống 2,26 lần (2002) và còn 2,16 lần (2004). Trong khi đó, chênh lệch chi tiêu người/tháng có<br />
xu hướng gia tăng từ 2,13 lần (1999) lên 2,18 lần (2002) và xuống còn 2,10 lần (2004). Nếu so<br />
với năm 1999 thì có xu hướng thu hẹp, nhưng không liên tục.<br />
Tình trạng bất bình đẳng được đo lường qua hệ số Gini theo thu nhập. Tính chung cho cả<br />
nước Việt Nam, giá trị của hệ số Gini gia tăng liên tục: 0,37 (1996), 0,39 (1999), 0,42 (2002),<br />
0,423 (2004). Mức độ bất bình đẳng ở khu vực đô thị bao giờ cũng cao hơn so với khu vực nông<br />
thôn.<br />
Hệ số Gini ở khu vực đô thị giữ nguyên giá trị 0,41 qua các năm 1999, 2002, 2004; trong<br />
khi đó, ở khu vực nông thôn gia tăng liên tục: 0,34 (1999), 0,36 (2002), 0,37 (2004). Điều đó<br />
chứng tỏ mức độ bất bình đẳng gia tăng liên tục trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông<br />
nghiệp, nông thôn.<br />
Chênh lệch giàu - nghèo chia theo 5 nhóm (20%) tính chung cả nước gia tăng liên tục từ<br />
7,6 lần (1999) lên 8,1 lần (2002) và 8,3 lần (2004). Nếu chia theo 10 nhóm (10%) thì: 12 lần<br />
(1999), 13,7 lần (2002), 14,4 lần (2004).<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
T« Duy Hîp 13<br />
<br />
<br />
Bảng 2. Chênh lệch giàu - nghèo chia theo các nhóm xã hội và theo khu vực xã hội (TCTK, 2006)<br />
<br />
Khu vực xã hội Chia theo các nhóm xã hội 2002 (lần) 2004 (lần)<br />
Đô thị Chia theo 5 nhóm (20%) 8,0 8,1<br />
Chia theo 10 nhóm (10%) 13,9 14,1<br />
Nông thôn Chia theo 5 nhóm (20%) 6,0 6,4<br />
Chia theo 10 nhóm (10%) 9,4 10,4<br />
<br />
Số liệu bảng 2 cho thấy rõ mức độ gia tăng chênh lệch giàu - nghèo tại khu vực nông thôn<br />
cao hơn so với tại khu vực đô thị. Nếu chia theo 5 nhóm (20%) thì mức chênh lệch giàu - nghèo<br />
tại nông thôn năm 2004 tăng hơn 0,4 lần so với năm 2002; trong khi đó tại đô thị chỉ tăng 1,0 lần.<br />
Nếu chia theo 10 nhóm (10%) thì mức chênh lệch giàu - nghèo tại nông thôn năm 2004 tăng hơn<br />
1 lần so với năm 2002; trong khi đó tại khu vực đô thị chỉ tăng hơn 0,2 lần.<br />
Mức độ giảm nghèo chung của Việt Nam diễn tiến liên tục, tỷ lệ nghèo chung theo chuẩn<br />
của World Bank và TCTK Việt Nam (2006) từ 58,1% (1993) xuống còn 37,4% (1998), 28,9%<br />
(2002) và còn 19,5% (2004). Tuy nhiên do khu vực đô thị giảm nghèo nhanh hơn so với khu vực<br />
nông thôn; cho nên chênh lệch về tỷ lệ nghèo giữa đô thị và nông thôn có chiều hướng gia<br />
tăng liên tục.<br />
Bảng 3. Tỷ lệ nghèo chung và chênh lệch tỷ lệ nghèo nông thôn/đô thị (TCTK, 2006)<br />
<br />
1993 1998 2002 2004<br />
Đô thị (%) 25,1 9,2 6,6 3,6<br />
Nông thôn (%) 66,4 45,5 35,6 25,0<br />
Chênh lệch tỷ lệ nghèo nông thôn/đô thị (lần) 2,65 4,95 5,40 6,94<br />
<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
Xu hướng phân hóa giàu - nghèo gia tăng trong nội bộ khu vực nông thôn và đặc biệt là<br />
giữa nông thôn với đô thị là một vấn đề rất nan giải do tình trạng lẩn quẩn của sự đói nghèo.<br />
Người nghèo thì sức khỏe yếu kém, học vấn thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp kém, dễ bị<br />
tổn thương, không có năng lực tham gia, bị cô lập, bị loại trừ. Văn hóa nghèo tái tạo xã hội<br />
nghèo.<br />
Bất bình đẳng, đặc biệt là bất bình đẳng cơ hội giữa nam giới và nữ giới, giữa dân tộc đa<br />
số với dân tộc thiểu số, giữa các khu vực và vùng, miền đang gia tăng cũng là vấn đề nan giải do<br />
khu vực tam nông rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”: tình trạng thiếu các nguồn lực giảm<br />
nghèo và thiếu năng lực thoát nghèo làm cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tăng giàu ở khu vực<br />
tam nông bị hạn chế và thua thiệt rất nhiều so với khu vực đô thị. Tình trạng đa số người vừa<br />
thoát nghèo vẫn ở xung quanh cận nghèo tạo ra tính thiếu bền vững của công cuộc xoá đói, giảm<br />
nghèo.<br />
1.2 Tình trạng thiếu việc làm gia tăng<br />
• Tính bức xúc của tình hình<br />
Lao động thiếu việc làm ở khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 86% (Lưu Đạt Thuyết,<br />
2004). Thời gian làm việc được sử dụng ở nông thôn chỉ đạt 86,65% (TCTK, 2005). Tình trạng<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
14 Mét sè vÊn ®Ò x· héi nan gi¶i trong qu¸ tr×nh ®æi míi tam n«ng ViÖt Nam<br />
<br />
thiếu việc làm trầm trọng nhất ở các cộng đồng làng - xã và các vùng nông thôn nông nghiệp tự<br />
cung tự cấp hoặc thiếu năng lực thị trường. Thực ra thì người dân nông thôn không hoàn toàn<br />
thiếu việc làm (theo nghĩa thất nghiệp hoàn toàn), tính bức xúc của vấn đề thiếu việc làm ở khu<br />
vực tam nông chính là ở chỗ tại chỗ không có việc làm thu nhập cao đủ đảm bảo nhu cầu nâng<br />
cao chất lượng cuộc sống chứ không chỉ là nhu cầu mưu sinh, xóa đói và giảm nghèo.<br />
Tại những vùng, khu vực đang có những dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông<br />
nghiệp để phục vụ cho việc phát triển những khu công nghiệp hoặc khu đô thị mới, nông dân<br />
vùng này rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp do họ chưa kịp chuyển đổi nghề<br />
nghiệp. Tính bức xúc của tình trạng này đang gia tăng, do công cuộc ĐTH, CNH, HĐH nông<br />
nghiệp, nông thôn đang được đẩy mạnh trên quy mô cả nước, nhất là ở các vùng ven đô thị.<br />
Tình trạng nông dân mất đất canh tác cùng với tình trạng thiếu việc làm có thu nhập cao tại<br />
khu vực nông thôn nông nghiệp đã làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các nhóm xã<br />
hội và đặc biệt là giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn.<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động - nghề nghiệp diễn tiến chậm chạp, chưa thấy dấu<br />
hiệu đột biến. Tỷ trọng lao động nông - lâm - ngư nghiệp vẫn còn cao: 56,8% (TCTK, 2005).<br />
Chất lượng nguồn nhân lực thấp kém. Tính chung cả nước mới chỉ có 24,8% lao động được đào<br />
tạo chuyên môn kỹ thuật (TCTK, 2005), trong đó phần lớn lại là chuyên môn, kỹ thuật sơ cấp.<br />
ở khu vực nông thôn, tình trạng còn dưới mức trung bình quốc gia về đào tạo chuyên môn, kỹ<br />
thuật. Nguồn lao động không được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật thường thiếu việc làm, thậm chí thất<br />
nghiệp. Họ buộc phải chấp nhận việc làm có thu nhập thấp và không ổn định. Và không thoát ra khỏi cái<br />
vòng lẩn quẩn này: thiếu việc làm và thất nghiệp gia tăng → tỷ lệ nghèo gia tăng → thiếu việc làm và<br />
thất nghiệp gia tăng....<br />
1.3 Tình trạng di dân tự phát tăng mạnh<br />
• Tính bức xúc của tình hình<br />
Dòng di dân nông thôn - nông thôn, nhất là từ nông thôn miền núi phía Bắc, đồng<br />
bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung đến nông thôn Tây Nguyên và di dân nông thôn - đô<br />
thị, đặc biệt là từ các vùng nông thôn khắp cả nước đến thành phố Hồ Chí Minh và thành phố<br />
Hà Nội ngày càng gia tăng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Phương thức di dân<br />
chủ yếu là tạm thời với mục tiêu chủ yếu là tìm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo<br />
và tích lũy làm giàu cho gia đình ở quê hương.<br />
Dòng di dân tự phát nông thôn - đô thị đã làm nảy sinh nhiều vấn đề nan giải tại nơi ra đi<br />
cũng như tại nơi đến. Tại nơi ra đi, tức là tại khu vực nông thôn, các hộ gia đình không còn năng<br />
lực tinh nhuệ của lao động trẻ, khỏe vì họ đã vào đô thị kiếm sống, cộng đồng làng - xã thiếu<br />
nguồn nhân lực để xây dựng nông thôn mới. Còn tại nơi đến, tức là tại các đô thị, dòng di dân gia<br />
tăng đã tạo ra sự quá tải của đô thị, ngoài ra, còn góp phần gia tăng tệ nạn xã hội như mãi dâm,<br />
ma túy, mất trật tự và tai nạn giao thông trên đường phố,v..v...<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
T« Duy Hîp 15<br />
<br />
Sức hút rất mạnh của khu vực đô thị - công nghiệp cộng với lực đẩy của khu vực nông<br />
nghiệp - nông thôn khiến cho cả nhà nước và xã hội dân sự đều không thể kiềm chế dòng di dân<br />
tự phát đang gia tăng mạnh.<br />
Tính nan giải của vấn đề còn thể hiện ở tình trạng lợi bất cập hại. Đối với người dân nông<br />
thôn lựa chọn di cư tự phát, trong trường hợp vào đô thị kiếm việc làm, tăng thu nhập lúc nông nhàn<br />
rõ ràng là có lợi trước mắt, bởi vì tối thiểu thu nhập tại đô thị cũng gấp đôi thu nhập tại nông thôn.<br />
Tuy nhiên phải chấp nhận một số thiệt hại đối với gia đình (không chăm sóc thường xuyên gia đình<br />
trừ việc gửi tiền về hỗ trợ gia đình) và cả đối với cộng đồng (không đóng góp thường xuyên cho công<br />
cuộc xây dựng quê hương và phát triển nông thôn - nông nghiệp). Đối với khu vực đô thị, người dân<br />
đô thị cũng có lợi. Bởi vì những công việc họ không thích làm hoặc ngại làm đã có người nông thôn di<br />
cư ra đô thị làm thay cho họ (nội trợ, lao động chân tay nặng nhọc, các loại dịch vụ xã hội giản đơn,<br />
các công việc có chất gây độc hại,...). Nhưng khu vực đô thị cũng phải gánh chịu một số hậu quả<br />
không mong muốn, như những rắc rối trong quản lý đô thị, những tệ nạn xã hội hoặc tội phạm nảy<br />
sinh do người dân di cư vào đô thị làm gia tăng thêm, sự quá tải của dịch vụ đô thị (giao thông đường<br />
phố, y tế, v.v...).<br />
1.4 Tình trạng dân trí thấp<br />
• Tính bức xúc của tình hình<br />
Tỷ lệ mù chữ đã giảm mạnh trong thời kỳ đổi mới. Tính chung cả nước, từ 10 tuổi trở<br />
lên, tỷ lệ mù chữ từ 7,9% (2002) đã giảm xuống còn 7% (2004). Khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ<br />
mù chữ giữa đô thị và nông thôn, giữa nam và nữ có xu hướng thu hẹp dần lại, tuy nhiên tỷ lệ mù<br />
chữ ở khu vực nông thôn vẫn cao hơn so với ở khu vực đô thị, đặc biệt là đối với giới nữ.<br />
Tình trạng “nút cổ chai giáo dục phổ thông” chứng tỏ khả năng tiếp cận giáo dục bậc cao<br />
bị hạn chế hơn nhiều so với bậc học thấp và đối với dân nông thôn, dân nghèo và dân tộc thiểu số<br />
thì tình trạng đó trầm trọng hơn rất nhiều so với dân đô thị, dân giàu và dân tộc Kinh.<br />
Bảng 4. Tỷ lệ dân số từ 10 tuổi trở lên mù chữ chia theo đô thị/nông thôn (TCTK, 2006)<br />
%<br />
Chung cả nước 2002 Chung cả nước 2004<br />
Nam Nữ Nam Nữ<br />
Đô thị 4,0 2,3 5,7 3,7 1,9 4,0<br />
Nông thôn 9,1 5,7 12,3 8,1 4,8 9,1<br />
Chung cả nước 7,9 4,9 10,7 7,0 4,1 9,8<br />
<br />
Tỷ lệ dân số 15 tuổi biết chữ được xem xét theo bằng cấp cao nhất ở khu vực đô thị cao<br />
gấp nhiều lần so với khu vực nông thôn. 88% dân số trên 14 tuổi ở khu vực nông thôn có trình độ<br />
dưới trung học phổ thông. Trong 10.000 dân cư chỉ có 1 người có trình độ đại học ở nông thôn,<br />
trong khi đó ở đô thị là 31 người.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
16 Mét sè vÊn ®Ò x· héi nan gi¶i trong qu¸ tr×nh ®æi míi tam n«ng ViÖt Nam<br />
<br />
<br />
Bảng 5. Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên biết chữ chia theo bằng cấp cao nhất năm 2002 (TCTK, 2006)<br />
%<br />
Chung Bằng cấp cao nhất<br />
Chưa Không Tốt Tốt Tốt Công THCN CĐ, ĐH Trên ĐH<br />
bao giờ có bằng nghiệp nghiệp nghiệp nhân kỹ<br />
đến cấp tiểu học THCS THPT thuật<br />
trường<br />
Đô thị 100,0 4,12 12,28 21,49 25,03 18,40 3,35 5,54 9,49 0,31<br />
Nông 100,0 9,05 22,14 28,05 28,47 8,08 0,85 1,95 1,40 0,01<br />
thôn<br />
Chung cả 100,0 7,81 19,67 26,40 27,61 10,67 1,47 2,85 3,42 0,09<br />
nước<br />
Chênh lệch 0,46 0,55 0,77 0,88 2,28 3,9 2,8 6,8 31,0<br />
ĐT/NT (lần)<br />
<br />
Trình độ của cán bộ ở nông thôn cũng còn thấp. Trình độ học vấn chung của cán bộ cơ<br />
sở xã/thôn không vượt quá trung học phổ thông, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chủ yếu là sơ<br />
cấp, trừ một số chức danh chủ chốt (Chủ tịch UBND xã, Bí thư đảng ủy xã) được đào tạo trung<br />
cấp hoặc đại học tại chức.<br />
Thiếu hụt nhất là tri thức và thông tin khoa học hiện đại được chuyển giao một cách có hệ<br />
thống, ngoại trừ một số tri thức và thông tin khoa học được tiếp nhận qua các kênh thông tin đại<br />
chúng (truyền hình, truyền thanh, báo chí,...) một cách đơn giản hóa, rời rạc hoặc chắp vá.<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
Thiết chế và dịch vụ giáo dục, đào tạo có nhiều thành tích về số lượng, song chất lượng thấp,<br />
hiệu quả kém. “Chất lượng giáo dục còn nhiều yếu kém;... phát triển giáo dục nghề nghiệp và giáo dục<br />
đại học chưa cân đối với giáo dục trung học phổ thông. Đào tạo nghề còn thiếu về số lượng và yếu về<br />
chất lượng. Việc xã hội hóa giáo dục được thực hiện chậm, thiếu đồng bộ. Công tác giáo dục và đào tạo<br />
ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, chất lượng thấp; chưa quan tâm đúng mức phát triển giáo dục<br />
và đào tạo ở ĐBSCL, để giáo dục và đào tạo của vùng này tụt hậu kéo dài so với các vùng khác trong cả<br />
nước. Công tác quản lý giáo dục, đào tạo chậm đổi mới và còn nhiều bất cập. Thanh tra giáo dục còn<br />
nhiều yếu kém; những hiện tượng tiêu cực như bệnh thành tích, thiếu trung thực trong đánh giá kết quả<br />
giáo dục, trong học tập, tuyển sinh, thi cử, cấp bằng và tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan kéo dài,<br />
chậm được khắc phục” (ĐCSVN, 2006:170-171).<br />
Sự bất cập giữa thành tích gia tăng số lượng với sự thấp kém về chất lượng và hiệu quả<br />
giáo dục, đào tạo chính thức, chính quy là nguồn gốc của tình trạng nghịch lý giữa bằng cấp và<br />
năng lực nâng cao mức sống trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên phạm vi cả<br />
nước nói chung, tại khu vực nông thôn nói riêng.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
T« Duy Hîp 17<br />
<br />
Bảng 6. Tỷ lệ % dân số 15 tuổi trở lên biết chữ chia theo bằng cấp cao nhất và theo nhóm mức sống (TCTK, 2002)<br />
%<br />
<br />
Chung Bằng cấp cao nhất<br />
Chưa Không Tốt Tốt Tốt Công THCN CĐ, ĐH Trên<br />
bao giờ có bằng nghiệp nghiệp nghiệp nhân kỹ ĐH<br />
đến cấp tiểu học THCS THPT thuật<br />
trường<br />
Nhóm 1 100,0 11,77 21,74 27,42 27,01 7,38 1,02 1,88 1,71 0,06<br />
Nhóm 2 100,0 9,33 20,83 26,70 28,42 8,64 1,29 2,42 2,32 0,06<br />
Nhóm 3 100,0 7,78 20,25 26,68 28,26 10,00 1,40 2,87 2,79 0,07<br />
Nhóm 4 100,0 6,22 19,26 26,28 27,92 11,65 1,56 3,24 3,80 0,07<br />
Nhóm 5 100,0 5,00 16,96 25,24 26,63 14,58 1,97 3,58 5,90 0,16<br />
<br />
Bảng 6 cho thấy một tỷ lệ đáng kể của nhóm giàu nhất có trình độ học vấn tiểu học<br />
(25,24%), thậm chí không có bằng cấp (16,96%) hoặc chưa bao giờ đến trường (5%). Trong khi<br />
đó, trong nhóm nghèo nhất cũng có tới 7,38% tốt nghiệp THPT, 1,71% có trình độ CĐ, ĐH và<br />
0,06% trình độ trên ĐH! ở khu vực nông thôn, tại các làng nghề có rất nhiều chủ hộ gia đình hoặc<br />
chủ doanh nghiệp nông thôn tuy không học phổ thông, hoặc bỏ học phổ thông trung học, nhưng<br />
làm giàu rất nhanh; trong khi đó có người trình độ cao đẳng, đại học nhưng thu nhập thấp, thậm<br />
chí thất nghiệp nếu không tích cực tìm kiếm việc làm tại chỗ hoặc ở chỗ khác.<br />
Có một sự bất cập giữa giá trị biểu trưng rất được nhà nước đề cao: trình độ học vấn với<br />
bằng cấp cao và giá trị thực dụng được cộng đồng làng - xã coi trọng: trình độ tay nghề được tích<br />
lũy qua kinh nghiệm bản thân và tri thức bản địa được chuyển giao qua cơ chế vừa làm vừa học<br />
của người lao động.<br />
Một trong những thách thức to lớn đối với khu vực nông thôn là sức ép trong chi tiêu cho giáo<br />
dục: các khoản chi cho trường lớp, quần áo đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập đều có tỷ lệ<br />
cao hơn so với ở đô thị: các con số so sánh tương ứng giữa nông thôn/đô thị là: 12,5% so với 9,0%;<br />
9,0% so với 6,0%; 13,3% so với 8,9%; 10,8% so với 5,8%. Tỷ lệ chi cho học phí và học thêm ở khu<br />
vực nông thôn thấp hơn so với ở đô thị: 40% so với 60% (TCTK, 2004). Tuy nhiên, nếu so với năm<br />
2002 thì khu vực nông thôn chi tăng hơn cho học phí là 55,8%, trong khi đó ở đô thị chi tăng hơn<br />
35,5%. Tình trạng chi cho học thêm cũng vậy, khu vực nông thôn chi tăng hơn 24,8% so với đô thị<br />
giảm đi 10,1% (do chính sách cấm dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục - Đào tạo được triển khai<br />
mạnh ở khu vực đô thị). Thực ra ở khu vực đô thị đã xuất hiện tình trạng các hộ gia đình thuê gia sư<br />
dạy thêm tại nhà, khoản này có thể đã không được khai báo.<br />
1.5 Tình trạng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ (CSSK) yếu kém<br />
• Tính bức xúc của tình hình<br />
“Công tác bảo vệ và CSSK nhân dân còn nhiều bất cập. Hệ thống y tế chậm đổi mới, chất<br />
lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; điều kiện chăm sóc y<br />
tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Bệnh dịch<br />
HIV/AIDS tiếp tục gia tăng. Đầu tư nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho phát triển y tế<br />
chưa đáp ứng yêu cầu và hiệu quả chưa cao. Quản lý hoạt động khám, chữa bệnh và hành nghề y,<br />
dược tư nhân kém hiệu quả. Năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu; quản lý thị trường<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
18 Mét sè vÊn ®Ò x· héi nan gi¶i trong qu¸ tr×nh ®æi míi tam n«ng ViÖt Nam<br />
<br />
thuốc chữa bệnh có nhiều thiếu sót. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát<br />
chặt chẽ. Chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ y tế còn nhiều bất cập; đội ngũ cán bộ y tế thiếu<br />
và yếu, cơ cấu bất hợp lý; những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp chậm được khắc phục”<br />
(ĐCSVN, 2006:173-174).<br />
So với khu vực đô thị, khu vực nông thôn vẫn thua thiệt rất nhiều trong tiếp cận dịch vụ y tế<br />
và chăm sóc sức khỏe. Sự quá tải của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến trung ương (công suất sử<br />
dụng giường bệnh 130%) và cả tuyến tỉnh (công suất sử dụng giường bệnh 114%) theo Báo cáo Y tế<br />
Việt Nam của Bộ Y tế (2006) chứng tỏ rằng chất lượng và hiệu quả dịch vụ y tế tuyến xã và huyện<br />
không đáp ứng nhu cầu CSSK người dân nông thôn, đặc biệt là người dân thuộc nhóm mức sống giàu<br />
nhất và cận giàu nhất.<br />
Mặt khác, sự thua thiệt lớn nhất thuộc về người dân nông thôn thuộc nhóm nghèo (họ<br />
chiếm 90% người nghèo của cả nước). Do không có năng lực mua dịch vụ CSSK giá cao ở các<br />
tuyến tỉnh và trung ương; họ phải nương nhờ vào y tế cơ sở. Trong khi đó y tế cơ sở, trước hết là<br />
trạm y tế xã chỉ có năng lực CSSK ban đầu, mà “việc đầu tư cho công tác CSSK ban đầu nói chung<br />
vẫn còn thấp so với nhu cầu” (Bộ Y tế, 2006:324). Về khám chữa bệnh “hiện nay y tế tư nhân phát<br />
triển (cả đông và tây y) nên số lượng bệnh nhân đến trạm y tế có thể giảm ở vùng đồng bằng và<br />
thành phố. Nhưng ở miền núi, vùng xa, vùng sâu người bệnh vẫn đến chữa bệnh ở trạm y tế xã là<br />
chủ yếu. Phần lớn người hành nghề y tế tư nhân ở xã, phường là những người hành nghề cá thể, cơ<br />
sở vật chất không đầy đủ, chất lượng điều trị còn hạn chế... Sự tham gia của y tế tư nhân vào công<br />
tác phòng bệnh tại cộng đồng vẫn còn yếu, chưa có sự liên kết chặt chẽ với trạm y tế xã như quy<br />
định của nhà nước” (Bộ Y tế, 2006:320).<br />
Sự khác biệt về tình trạng sức khỏe giữa các nhóm thu nhập và giữa các vùng, miền vẫn<br />
còn là vấn đề lớn: “Năm 2001, suy dinh dưỡng ở trẻ em từ 5 tuổi trở xuống của nhóm nghèo còn<br />
cao gấp 4 lần so với nhóm giàu (khoảng 40% của nhóm nghèo so với khoảng 10% của nhóm<br />
giàu), tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi của nhóm nghèo cao gần 2 lần nhóm giàu, và gần như ít<br />
thay đổi qua các năm. Năm 2004, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây<br />
Nguyên cao hơn khoảng 3 lần so với vùng Đông Nam bộ; ở nông thôn cao hơn thành thị 2 lần,<br />
dân tộc H’Mông và Gia Rai cao hơn khoảng 3 lần.<br />
Tuổi thọ trung bình ở các vùng, các dân tộc cũng khác nhau, dân tộc Kinh, Hoa có tuổi<br />
thọ cao hơn so với các dân tộc thiểu số, dân ở vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có<br />
tuổi thọ cao hơn so với các vùng khác (chênh nhau 4 tuổi)” (Bộ Y tế, 2006:316).<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
Người dân nông thôn, đặc biệt là thuộc nhóm nghèo và cận nghèo thường ở vào tình<br />
trạng “lực bất tòng tâm”, thiếu hụt hoặc thậm chí không có nguồn lực tài chính để chi trả dịch vụ<br />
y tế chất lượng cao, không đủ tiền mua bảo hiểm y tế. Cái vòng lẩn quẩn của sự nghèo đói bao<br />
hàm cả tình trạng sức khỏe yếu kém và không đủ nguồn lực chi trả dịch vụ CSSK.<br />
Các cơ sở y tế tuyến xã và cả tuyến huyện vừa thiếu trang thiết bị hiện đại, vừa thiếu cán<br />
bộ y tế có trình độ chuyên môn cao, do đó, không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của<br />
người dân địa phương và họ buộc phải vượt tuyến, nhưng khi vượt lên tuyến tỉnh và trung ương<br />
thì người dân nông thôn lại rơi vào tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, có nhiều khi tiền mất,<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
T« Duy Hîp 19<br />
<br />
tật mang vì đầu tư chưa đủ độ hoặc đầu tư sai, nhầm đối tượng. Tình trạng xuống cấp về đạo đức<br />
của thầy thuốc (y khoa, dược khoa) trong cơ chế thị trường làm tăng thêm tính bức xúc và nan<br />
giải của vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ y tế nông thôn. “Trong cơ chế thị trường,<br />
vì lợi nhuận các hiệu thuốc, các cơ sở y tế, thầy thuốc có xu hướng sử dụng nhiều thuốc không<br />
hợp lý cho bệnh nhân... Hiện nay tình trạng tự mua thuốc điều trị khá phổ biến, ở trạm y tế xã chỉ<br />
có 58,3% số thuốc được kê là nằm trong danh mục thuốc thiết yếu, tình trạng lạm dụng thuốc<br />
kháng sinh, corticoid”, mặc dù đã có nhiều hướng dẫn về sử dụng thuốc cho cơ sở vẫn là vấn đề<br />
cần quan tâm giải quyết với những giải pháp cụ thể trong thời gian tới (Bộ Y tế, 2006:325).<br />
1.6 Đời sống văn hóa có nhiều biểu hiện tiêu cực, xuống cấp<br />
• Tính bức xúc của vấn đề<br />
“Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội<br />
phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ. Quản lý nhà nước về văn hóa còn nhiều sơ hở, yếu kém.<br />
Đấu tranh ngăn ngừa văn hóa phẩm độc hại chưa được chú ý đầy đủ, còn nhiều khuyết điểm, bất<br />
cập” (ĐCSVN, 2006:172-173).<br />
“Một số địa phương đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở còn thiếu gương mẫu về đạo đức,<br />
còn gây phiền hà, nhũng nhiễu dân, còn thiếu minh bạch công khai trong việc sử dụng công quỹ,<br />
trong sử dụng đất đai, gây bất bình khiếu kiện trong dân... không ít nơi còn tình trạng cờ bạc, số<br />
đề, trộm cắp, ma túy, mại dâm.<br />
Một số nơi khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, dân xây nhà lầu, tậu xe<br />
máy,... nhưng chất lượng đời sống văn hóa không được nâng lên tương xứng, thậm chí có lúc còn<br />
sa sút trong quan hệ gia đình, họ tộc, tình làng nghĩa xóm không được như xưa..., nhiều sản phẩm<br />
văn hóa thấp kém, đặc biệt đã len lỏi vào nhiều ngõ ngách nông thôn.<br />
ở một số vùng nông thôn xa các trục đường giao thông, có khó khăn về kinh tế thì mức<br />
độ hưởng thụ văn hóa cũng rất thấp, đời sống tinh thần còn nghèo nàn, trẻ em bỏ học nhiều, tình<br />
trạng tái mù chữ khá phổ biến” (Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước KX<br />
05-02 về Đời sống văn hóa và xu hướng phát triển văn hóa ở nông thôn ĐBSH và ĐBSCL trong<br />
bối cảnh CNH, HĐH, 2005:170).<br />
Theo nhận định của Bộ Y tế trong “Báo cáo Y tế Việt Nam 2006 công bằng, hiệu quả,<br />
phát triển trong tình hình mới” thì lối sống ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng với nhiều yếu<br />
tố có hại cho sức khỏe, như tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm đi, song còn ở mức cao; tình trạng lạm<br />
dụng và tác hại của việc lạm dụng rượu bia về các mặt sức khỏe và xã hội đang là một vấn đề bức<br />
xúc, là nguyên nhân của tai nạn thương tích, bạo lực gia đình và xã hội, rối loại tâm thần và các<br />
bệnh gan, tim mạch; sử dụng ma túy gắn liền với những vấn đề sức khỏe như tâm thần,<br />
HIV/AIDS, các bệnh lây lan qua đường tình dục, bạo lực gia đình và xã hội. Số người sử dụng ma<br />
túy ở Việt Nam tăng nhanh, đặc biệt là ở nhóm tuổi trẻ 1 ; quan hệ tình dục có hại cho sức khỏe đã<br />
và đang thay đổi theo chiều hướng gia tăng... tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, quan hệ<br />
tình dục ngoài giá thú... thường là quan hệ tình dục không an toàn như không dùng bao cao su, là<br />
<br />
<br />
1<br />
Từ 1993 đến 2000, tội phạm ma túy ở Việt Nam tăng bình quân hàng năm là 30% số vụ và 40% số đối<br />
tượng (Nguyễn Xuân Yêm, 2003).<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
20 Mét sè vÊn ®Ò x· héi nan gi¶i trong qu¸ tr×nh ®æi míi tam n«ng ViÖt Nam<br />
<br />
yếu tố nguy cơ cao phát triển HIV/AIDS, các bệnh lây qua đường tình dục và nạo phá thai (Bộ Y<br />
tế, 2006:319).<br />
ở khu vực nông thôn, tình trạng xa rời thuần phong mỹ tục bộc lộ qua trào lưu thương<br />
mại hóa lễ hội truyền thống là biểu hiện lệch lạc văn hóa trong tiến trình đổi mới kinh tế, từ cơ<br />
chế tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế. Tham ô 2 , lãng<br />
phí gia tăng trong cán bộ nhà nước địa phương, cơ sở gây bất bình và bức xúc trong nhân dân địa<br />
phương không chỉ là lệch lạc văn hóa mà hơn thế nữa, là đến mức tội phạm tham nhũng, tức là<br />
phản văn hóa.<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
Rối loạn định hướng giá trị là nét đặc trưng của thời kỳ chuyển đổi khung mẫu văn hóa từ<br />
truyền thống đến hiện đại, từ mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ sang mô hình chủ nghĩa xã hội<br />
kiểu mới. Cái cũ không mất đi hoàn toàn, cái mới chưa định hình rõ nét, tạo ra tình trạng tranh tối<br />
tranh sáng rất khó lựa chọn, đặc biệt đối với người dân nông thôn dân trí thấp, quá quen với văn<br />
hóa truyền thống nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Người dân nông thôn rơi vào tình trạng “sốc<br />
văn hóa” khi đối mặt với sự du nhập ồ ạt, nhanh chóng các trào lưu văn hóa phương Tây, hiện đại<br />
vào mọi lĩnh vực đời sống: kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế, tôn giáo, vui chơi giải trí,v.v...<br />
Phương Tây hóa hay hiện đại hóa? Đó là vấn đề trăn trở của cả nước nói chung, của nông dân nói<br />
riêng. Làm thế nào để duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc? Đối với các dân tộc thiểu số, vấn<br />
đề đặt ra rất nan giải, đó là: Kinh hóa hay hiện đại hóa?<br />
Cạm bẫy của văn hóa nghèo, mà thực chất của văn hóa nông thôn truyền thống là văn hóa<br />
nghèo, đó là vòng lẩn quẩn của sự nghèo nàn, lạc hậu. Một khu vực tam nông đóng kín sẽ không<br />
có nội lực bứt phá trong quá trình chuyển đổi khung mẫu văn hóa từ truyền thống đến hiện đại.<br />
Một khu vực tam nông mở cửa, hội nhập quốc tế sẽ có cơ hội tạo ra cách mạng văn hóa, song<br />
thách thức rất to lớn do nguy cơ đánh mất bản sắc.<br />
1.7 Tình trạng xung đột xã hội có chiều hướng gia tăng<br />
• Tính bức xúc của tình hình<br />
Xung đột xã hội về lợi ích kinh tế và cả về giá trị văn hóa giữa người dân và chính quyền<br />
địa phương, giữa người dân và doanh nghiệp địa phương hoặc doanh nghiệp hoạt động tại địa<br />
phương gia tăng cùng với quá trình đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, mở<br />
cửa và hội nhập quốc tế. Theo Bộ Công an, giai đoạn 1988 - 2005 đã có 198.632 vụ xung đột, tranh<br />
chấp liên quan đến an ninh trật tự xã hội. Số vụ xung đột liên quan đến đất đai chiếm 62,7%; các<br />
xung đột có tính chất dân tộc, tôn giáo chiếm 0,9% và 2,3% xung đột vì vi phạm chính sách, tham<br />
nhũng chiếm 6,1%. Ngoài ra còn các xung đột liên quan đến các bản án hình sự, dân sự, các xung<br />
đột vì tư thù cá nhân, xung đột giá trị văn hóa, lối sống,v..v... chiếm 23,7%.<br />
Tình trạng giải tỏa, đền bù và cả quy hoạch treo ở các khu công nghiệp mới tại địa bàn nông<br />
thôn cũng đang gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. Sự bất bình gia tăng đang có nguy cơ xảy ra xung<br />
đột xã hội - kinh tế với sức lan tỏa nhanh và khó hòa giải. Sự kiện xung đột giữa dân địa phương với các<br />
doanh nghiệp thuê đất tại khu công nghiệp mới Láng - Hòa Lạc (tỉnh Hà Tây) là một dẫn chứng điển<br />
<br />
2<br />
Tham ô chiếm 33,3% số vụ án trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (Lưu Đạt Thuyết, 2004).<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
T« Duy Hîp 21<br />
<br />
hình của tình trạng này.<br />
Khả năng xung đột môi trường giữa các làng nghề, khu công nghiệp mới với các làng - xã<br />
nông nghiệp và dân nông thôn đang gia tăng do làng nghề và khu công nghiệp mới gây ô nhiềm<br />
và suy thoái môi trường sống. Tình trạng này sẽ ngày càng bức xúc do cả nước đang đẩy mạnh<br />
CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
Mâu thuẫn về lợi ích và cả về giá trị giữa nhà nước và nhân dân, giữa người dân và doanh<br />
nghiệp không thể giải quyết bằng các biện pháp cực đoan, cứng rắn; bởi vì nhà nước Việt Nam có<br />
bản chất là nhà nước của dân, do dân, vì dân; nền kinh tế Việt Nam được xây dựng là nền kinh tế<br />
thị trường có sự quản lý của nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần phải tìm kiếm những<br />
biện pháp hòa giải. Nhưng cái giá phải trả là kéo dài thời gian giải quyết xung đột. Tính nan giải<br />
của vấn đề xung đột xã hội là tìm ra giải pháp cả hai cùng thắng chứ không phải người này thắng<br />
lợi, kẻ kia thua thiệt.<br />
1.8 Năng lực quản lý xã hội thấp kém<br />
• Tính bức xúc của vấn đề<br />
“Bộ máy Nhà nước chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế<br />
- xã hội.<br />
Những yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước và công tác cán bộ chậm được khắc phục.<br />
Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, chưa gắn với xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với đổi mới<br />
phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chưa phối hợp chặt chẽ với cải cách<br />
và hoạt động tư pháp. Cải cách tư pháp chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Năng lực và phẩm chất<br />
của nhiều cán bộ, công chức còn yếu, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất. Dân chủ ở<br />
nhiều nơi bị vi phạm, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn<br />
nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của bộ phận không<br />
nhỏ cán bộ, công chức, nhất là ở các cơ quan giải quyết công việc cho dân và doanh nghiệp. Bộ<br />
máy chính quyền cơ sở nhiều nơi yếu kém” (ĐCSVN, 2006:174-175).<br />
Kết quả điều tra, khảo sát của đề tài cấp Nhà nước KX 05-02 cho thấy rõ năng lực quản<br />
lý của chính quyền cơ sở xã/thôn rất yếu kém: “ở Việt Nam, quan trí chưa được đặt ra như một<br />
vấn đề xã hội mang tính cấp bách. ở cơ sở vấn đề này càng nan giải hơn:<br />
- Số cán bộ cơ sở có trình độ đại học (chính quy) một ngành khoa học nào đó là rất hiếm hoi,<br />
đại đa số là những người theo chủ nghĩa bằng cấp (có nghĩa là bằng con đường chuyên tu hay tại chức,<br />
thậm chí văn bằng giả họ “kiếm” được một tấm bằng nào đó.<br />
- Trình độ chính trị thấp và không vững. Sở dĩ như vậy là chính hệ thống trường Đảng<br />
của ta đã tạo điều kiện để họ lấy bằng trung cấp chính trị (một tiêu chuẩn vừa đủ cho việc đề bạt<br />
hay tồn tại của một cán bộ cơ sở) bằng cách họ học một khóa “cấp tốc”, mang nặng tính hình<br />
thức.<br />
- Trình độ quản lý của cán bộ cơ sở thì đang ở trong tình trạng thiếu tính khoa học. Biểu<br />
hiện cụ thể nhất là gần đây, nhà nước có những chương trình tin học hóa trong quản lý ở cơ sở,<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
22 Mét sè vÊn ®Ò x· héi nan gi¶i trong qu¸ tr×nh ®æi míi tam n«ng ViÖt Nam<br />
<br />
nhưng sau khi đã đầu tư máy vi tính và tập huấn cho cán bộ sử dụng thì đại bộ phận cán bộ cơ sở<br />
của chúng ta không biết dùng để truy cập những tin cập nhật có lợi cho sản xuất và quản lý, các<br />
máy tính đó hoặc trở thành chiếc máy chữ đắt tiền, dùng để trang trí là chính hoặc là bị “đắp<br />
chiếu”...” (Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước KX 05-02, 2005:172).<br />
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo nghị định của chính phủ (1989) mang nhiều<br />
tính hình thức và kém hiệu quả. Tình trạng “thừa dân chủ thiếu kỷ cương” hoặc ngược lại, “thừa<br />
kỷ cương thiếu dân chủ” vẫn phổ biến ở cơ sở xã/thôn.<br />
Năng lực tự quản cộng đồng vẫn còn yếu kém, đặc biệt là ở những cơ sở thiếu sự tham<br />
gia tích cực, chủ động của người dân địa phương.<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
Nhu cầu nâng cao năng lực quản lý xã hội ở khu vực tam nông, nhất là ở cơ sở xã/thôn rất khó<br />
đáp ứng, do chính quyền địa phương thiếu nguồn lực và kém năng lực nghiêm trọng, do sự thiếu đồng<br />
bộ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp của bộ máy quản lý nhà nước và do rất khó tăng cường sự tham<br />
gia trực tiếp của người dân nông thôn.<br />
Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở còn nhiều tính hình thức và kém hiệu quả là do cả<br />
2 bên: cán bộ cơ sở xã/thôn thiếu và kém năng lực quản lý xã hội; người dân tại cơ sở xã/thôn chủ<br />
yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, những lực lượng tráng niên (thanh niên, trung niên) đi vào<br />
thành phố hoặc nông thôn khác kiếm sống, tại nơi đến họ không tham gia vào việc thực hiện Quy<br />
chế dân chủ cơ sở vì không được công nhận là dân sở tại.<br />
1.9 Kết cấu hạ tầng thấp kém<br />
• Tính bức xúc của vấn đề<br />
Kết cấu hạ tầng ở nông thôn với các yếu tố chủ yếu như điện, đường, trường học, trạm y<br />
tế, hệ thống nước sạch, khu dân cư, khu chợ, khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng có chất lượng thấp<br />
kém, đặc biệt là ở những làng - xã chủ yếu làm nông nghiệp, mức sống thấp.<br />
ở những cộng đồng nông thôn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn<br />
không đủ số lượng các yếu tố cơ bản của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là thiếu điện và<br />
thiếu đường giao thông đến trung tâm xã, chưa nói gì đến cộng đồng thôn/xóm. Các xã thuộc<br />
Chương trình 135 của Chính phủ (Chương trình xóa xã nghèo về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội)<br />
trong giai đoạn 1 mới giải quyết được nhu cầu có đường giao thông đến trung tâm xã, trong giai<br />
đoạn 2 sẽ giải quyết mạng lưới giao thông liên thôn, liên xã và cả nhu cầu điện sản xuất và điện dân<br />
dụng.<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
Tình trạng lực bất tòng tâm phổ biến chung cho cả khu vực tam nông do thiếu nguồn lực và<br />
kém năng lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại hóa. Tình trạng này trầm trọng ở các cộng<br />
đồng nông thôn làm nông nghiệp và đặc biệt trầm trọng ở các cộng đồng nông thôn vùng cao, vùng<br />
dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.<br />
Một làng nghề do hạn chế về nhận thức, có thể đầu tư rất muộn vào việc nâng cấp kết cấu<br />
hạ tầng theo hướng hiện đại hóa, song khi đã giải phóng được tư tưởng, làng nghề đó đủ sức huy<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
T« Duy Hîp 23<br />
<br />
động nội lực để hiện đại hóa nhanh, hiệu quả kết cấu hạ tầng của cộng đồng làng nghề. Trái lại,<br />
một làng nông nghiệp thì ngay cả khi được giải phóng tư tưởng rất sớm, kết cấu hạ tầng được<br />
nâng cấp; song chất lượng các công trình rất thấp kém, buộc phải phá đi, xây lại nhiều lần, tuy<br />
mỗi lần kinh phí nhỏ, nhưng cộng dồn nhiều lần kinh phí cũng to lớn, mà hiệu quả không cao.<br />
Trật tự ưu tiên trong xây dựng hoặc sửa chữa, nâng cấp công trình cũng là một vấn đề gây<br />
nhiều rắc rối: điện trước hay là đường giao thông trước? Trường học trước hay là trạm y tế trước?<br />
v.v... Chung cuộc thì tất cả các yếu tố cơ bản của kết cấu hạ tầng đều phải được nâng cấp, hoặc<br />
xây mới theo tiêu chuẩn hiện đại hóa. Nhưng trong quá trình kéo dài có thể hàng chục năm, tại cơ<br />
sở xã/thôn nông nghiệp, nghèo mà ít được sự hỗ trợ của nhà nước hoặc tài trợ nước ngoài phải<br />
chấp nhận tình trạng xôi đỗ, da báo không có cách nào khác!<br />
1.10 Môi trường bị ô nhiễm và suy thoái đến mức báo động<br />
• Tính bức xúc của vấn đề<br />
Khu vực tam nông chịu áp lực của tình trạng gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường<br />
đến mức báo động là do hai nguồn tác động: một là làng nghề và các khu công nghiệp nông thôn<br />
và hai là khu vực đô thị - công nghiệp. Làng nghề và các khu công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm<br />
đất, nước và không khí rất nặng; làm suy thoái tài nguyên môi trường do khai thác tự phát, không<br />
theo quan điểm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.<br />
Khu vực đô thị - công nghiệp là nguồn gây ô nhiễm và suy thoái môi trường còn nặng nề<br />
hơn so với làng nghề và các khu công nghiệp nhỏ lẻ ở nông thôn. Cư dân ven đô là những người<br />
chịu đựng trực tiếp. Thậm chí ở khoảng cách xa, tầm 50 - 60km, cư dân nông thôn vẫn gánh chịu<br />
hậu quả ô nhiễm và suy thoái môi trường do khu vực đô thị - công nghiệp gây ra. Chẳng hạn,<br />
nước thải độc hại của nhà máy pin Văn Điển ở Hà Nội đã làm ô nhiễm nước và đồng ruộng của<br />
nhiều xã, huyện thuộc tỉnh Hà Nam, đặc biệt là huyện Kim Bảng. Đã mấy chục năm trôi qua mà<br />
nhà nước và doanh nghiệp đều không đền bù cho người dân, không có giải pháp kỹ thuật khắc<br />
phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất, để mặc cho cộng đồng xã/thôn tự xoay xở.<br />
• Tính nan giải của vấn đề<br />
Hậu quả nặng nề của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội không theo quan điểm, chiến<br />
lược và lý thuyết phát triển bền vững. Thiếu nguồn lực và năng lực khắc phục tình trạng ô nhiễm<br />
và suy thoái tài nguyên môi trường.<br />
Ngay cả khi đã tiếp nhận quan điểm lý thuyết phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa tăng<br />
trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường thì trong chiến lược và đặc biệt là dự án phát triển<br />
kinh tế - xã hội bền vững, không thể không lựa chọn ưu tiên.<br />
Đặc biệt, đối với khu vực tam nông vốn nghèo nàn, lạc hậu, lại ở trong một đất nước chủ<br />
yếu dựa vào tam nông nghèo nàn, lạc hậu thì ưu tiên tăng trưởng kinh tế là lẽ đương nhiên. Hơn<br />
thế nữa, không tăng trưởng kinh tế nhanh thì cũng không có nguồn lực tài chính mạnh để giải<br />
quyết các vấn đề xã hội và các vấn đề môi trường nảy sinh, bức xúc.<br />
Do đó, phải chấp nhận tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường trong một giới hạn và<br />
mức độ cho phép. Mức độ cho phép đó bao nhiêu là hợp lý, hợp tình? Đấy mới thực sự là vấn đề<br />
nan giải, vì nó còn bỏ ngỏ đối với địa phương và cả đối với trung ương...<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
24 Mét sè vÊn ®Ò x· héi nan gi¶i trong qu¸ tr×nh ®æi míi tam n«ng ViÖt Nam<br />
<br />
II. Bàn về quan điểm định hướng các giải pháp khắc phục các vấn đề xã hội nảy<br />
sinh, bức xúc<br />
Có 2 cách tiếp cận bàn về các giải pháp khắc phục các vấn đề xã hội nảy sinh, bức xúc. Một<br />
là lựa chọn các giải pháp cụ thể cho mỗi vấn đề cụ thể và hai là xây dựng hệ quan điểm định hướng<br />
các giải pháp chung và riêng. Hai cách tiếp cận này bổ sung cho nhau. Bài viết này sẽ đề cập các<br />
quan điểm định hướng giải pháp chung và riêng.<br />
2.1. Quan điểm thứ nhất<br />
Cần đảm bảo sự đồng bộ của các giải pháp. Trước hết là sự đồng bộ giải pháp thích hợp<br />
cho mỗi vấn đề xã hội. Theo quan điểm lý thuyết xã hội học về các vấn đề xã hội 3 thì mỗi vấn đề<br />
xã hội đều phải được nghiên cứu và giải quyết theo trật tự lôgích sau: 1/ Xác định rõ thực chất<br />
của vấn đề, 2/ làm rõ nguyên nhân và các điều kiện nảy sinh vấn đề, làm cho vấn đề trở nên bức<br />
xúc, 3/ làm rõ hậu quả do vấn đề đó gây ra và 4/ trên cơ sở đó mới làm rõ các giải pháp thích hợp<br />
để khắc phục vấn đề đó.<br />
Chẳng hạn, công cuộc khắc phục tình trạng dân trí thấp thì cần đồng bộ các giải pháp<br />
giáo dục và đào tạo chính quy và không chính quy, trong nhà trường và ngoài nhà trường, đào tạo<br />
trong nước và đào tạo ở nước ngoài,.v..v…<br />
Ngoài ra, cần bảo đảm sự đồng bộ của các giải pháp cho tất cả các vấn đề xã hội do<br />
chúng đều có sự liên quan với nhau. Thí dụ muốn khắc phục tình trạng nghèo đói và giảm khoảng<br />
cách giàu - nghèo ở nông thôn cũng như giữa nông thôn và đô thị thì phải tiến hành đồng bộ<br />
nhiều giải pháp về dân số và kế hoạch hóa gia đình, về lao động và việc làm, về nâng cao dân trí<br />
và quan trí, về chăm sóc sức khỏe nhân dân, về tăng trưởng kinh tế nâng cao mức sống của nhân<br />
dân, về phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm,v.v...<br />
Trong đồng bộ giải pháp cần phân biệt giải pháp chủ yếu và các giải pháp bổ sung, giải pháp<br />
trước mắt và giải pháp lâu dài, giải pháp chiến lược và giải pháp chính sách,.v..v... Chẳng hạn trong<br />
đồng bộ giải pháp xóa đói, giảm nghèo thì 20 năm đổi mới vừa qua nhà nước và nhân dân đã tập trung<br />
trước hết vào việc xóa đói (tức là xóa nghèo lương thực, nghèo tuyệt đối), sau đó mới chuyển sang xóa<br />
nghèo chung, nghèo tương đối. Giải pháp trực tiếp xóa đói là cứu trợ, song giải pháp cơ bản để xóa<br />
đói một cách bền vững là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời hỗ trợ người nghèo vay vốn<br />
ưu đãi, tạo việc, tăng thu nhập. Theo triết lý, không cho con cá mà cho cần câu, giúp người nghèo để<br />
người nghèo tự giúp mình để thoát dần ra khỏi cảnh đói, nghèo.<br />
2.2. Quan điểm thứ hai<br />
Khu vực tam nông vốn nghèo nàn, lạc hậu, dễ bị tổn thương và dễ bị loại trừ ra khỏi dòng<br />
chủ lưu của phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng đô thị hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và toàn<br />
cầu hoá. Bằng nội lực người dân nông thôn chỉ đủ đảm bảo mưu sinh bền vững. Muốn phát triển<br />
bền vững người dân nông thôn cần rất nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài.<br />
Do đó, cần hỗ trợ cho khu vực tam nông: 1/ Khung khổ pháp lý của nhà nước và những<br />
cam kết quốc tế đối với tam nông, 2/ đào tạo, nâng cao năng lực toàn diện cho tam nông, 3/ quy<br />
<br />
3<br />
Xem, chẳng hạn: Earl Rubington, Martin S.Weinberg chủ biên, 2003. Nghiên cứu các vấn đề xã hội (7<br />
quan điểm). Tái bản lần thứ 5. Nxb Oxford.<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
T« Duy Hîp 25<br />
<br />
hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển tam nông; chú trọng nâng cao năng<br />
lực đánh giá, điều chỉnh hoặc thay đổi các dự án và chương trình phát triển tam nông.<br />
Quan điểm hỗ trợ tam nông cần được hiểu và thao tác theo lý thuyết tương tác, tương hỗ.<br />
Nghĩa là phát triển mô hình hợp tác giữa tam nông với các khu vực khác của xã hội. Lý thuyết 4<br />
nhà của vùng ĐBSCL: 1/ Nhà nông, 2/ nhà nước, 3/ nhà doanh nghiệp và 4/ nhà khoa học thực<br />
chất là lý thuyết hợp tác giữa tam nông với ngoài tam nông, theo nguyên tắc các bên liên quan<br />
đều cùng có lợi. Có thể và cần phải bổ sung thêm 1 nhà thứ năm nữa, đó là nhà công tác xã hội để<br />
trở thành lý thuyết 5 nhà cho chiến lược phát triển bền vững tam nông.<br />
2.3. Quan điểm thứ ba<br />
Cần chiến lược phát triển bền vững tam nông.<br />
- Bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi<br />
trường tam nông và phi tam nông.<br />
- Bảo đảm cân đối, hài hòa giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp.<br />
- Bảo đảm cân đối, hài hòa giữa nông dân và phi nông dân<br />
- Bảo đảm cân đối, hài hòa giữa nông thôn và phi nông thôn.<br />
2.4. Quan điểm thứ tư<br />
Cần hoàn thiện lý thuyết tam nông (tam nông luận)<br />
Lý thuyết tam nông (tam nông luận) không quy giản về lý thuyết phát triển tam nông, bởi<br />
lẽ phát triển không phải là đặc trưng cơ bản duy nhất của tam nông. Lý thuyết tam nông phải hóa<br />
giải các song đề xã hội tam nông theo quan điểm lý thuyết khinh - trọng.<br />
- Song đề bản chất của tam nông: thuần nông hoặc/và không thuần nông<br />
- Song đề quy luật tồn tại của tam nông: khép kín hoặc/và mở cửa, hướng nội hoặc/và<br />
hướng ngoại.<br />
- Song đề quy luật biến đổi của tam nông: biến dạng hoặc/và biến chất, mưu sinh hoặc/và<br />
phát triển, tiến hóa hoặc/và chuyển hóa.<br />
- Lý thuyết tam nông (tam nông luận) là cơ sở lý thuyết để nghiên cứu, giải quyết các vấn<br />
đề xã hội tam nông. Tiếp tục hóa giải các vấn đề xã hội theo quan điểm lý thuyết khinh - trọng.<br />
- Song đề mô hình xã hội trọng nông hoặc/và mô hình xã hội trọng phi nông trong kiến<br />
tạo xã hội tam nông mới .<br />
- Song đề quyết định luận hệ thống xã hội hoặc/và quyết định luận nhân tố con người<br />
trong giải thích và giải quyết các vấn đề xã hội tam nông.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
26 Mét sè vÊn ®Ò x· héi nan gi¶i trong qu¸ tr×nh ®æi míi tam n«ng ViÖt Nam<br />
<br />
Tài liệu trích dẫn<br />
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2006. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Hà Nội.<br />
2. Tổng cục Thống kê. Niên giám thống kê 1993, 1998, 1999, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006 .<br />
Nxb Thống kê. Hà Nội.<br />
3. Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê, 2003.<br />
4. Bộ Y tế, 2006. Báo cáo Y tế Việt Nam 2006.<br />
5. Phan Hồng Giang, 2005. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước KX 05-<br />
02 về Đời sống văn hóa và xu hướng phát triển văn hóa ở nông thôn ĐBSH và ĐBSCL trong<br />
bối cảnh CNH, HĐH.<br />
6. Lưu Đạt Thuyết, 2004. Một số vấn đề xã hội trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường<br />
định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nxb Lý luận Chính trị. Hà Nội.<br />
7. Nguyễn Xuân Yêm, Phan Đình Khánh, Nguyễn Thị Kim Liên, 2003. Mại dâm, ma tuý, cờ<br />
bạc, tội phạm thời hiện đại. Nxb Công an nhân dân. Hà Nội.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />