intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghiên cứu các yếu tố đo lường năng lực kế toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Bằng chứng thực nghiệm trong khu vực công tại Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nghiên cứu các yếu tố đo lường năng lực kế toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Bằng chứng thực nghiệm trong khu vực công tại Việt Nam" làm rõ hơn các yếu tố cần thiết khi đo lường năng lực kế toán xét trong bối cảnh khu vực công tại Việt Nam. Dữ liệu khảo sát được thực hiện đối với 144 đơn vị công tại Việt Nam và được phân tích bằng phần mềm SmartPLS 3. Chúng tôi đã kiểm định mô hình đo lường năng lực kế toán gồm kiểm định độ tin cậy, giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghiên cứu các yếu tố đo lường năng lực kế toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Bằng chứng thực nghiệm trong khu vực công tại Việt Nam

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 NGHIÊN CỨU CÁC YẾU TỐ ĐO LƯỜNG NĂNG LỰC KẾ TOÁN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ: BẰNG CHỨNG THỰC NGHIỆM TRONG KHU VỰC CÔNG TẠI VIỆT NAM RESEARCH ON FACTORS MEASURING ACCOUNTING COMPETENCY IN THE CONTEXT OF INTERNATIONAL INTEGRATION: EMPIRICAL EVIDENCE IN THE PUBLIC SECTOR IN VIETNAM ThS. Trần Thị Yến, PGS.TS. Trần Thị Cẩm Thanh, TS. Trương Thị Thanh Phượng, TS. Nguyễn Thị Hạnh Trường Đại học Quy Nhơn Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Với sự gia tăng nhanh chóng của xu hướng toàn cầu hóa và sự đổi mới trong công nghệ thông tin, người kế toán phải liên tục cải thiện năng lực của mình. Trên cơ sở tiếp cận thang đo năng lực kế toán của các nghiên cứu trước và khảo sát dữ liệu thực tế, nghiên cứu của chúng tôi đã làm rõ hơn các yếu tố cần thiết khi đo lường năng lực kế toán xét trong bối cảnh khu vực công tại Việt Nam. Dữ liệu khảo sát được thực hiện đối với 144 đơn vị công tại Việt Nam và được phân tích bằng phần mềm SmartPLS 3. Chúng tôi đã kiểm định mô hình đo lường năng lực kế toán gồm kiểm định độ tin cậy, giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy thang đo năng lực kế toán nên được nhìn nhận là thang đo đa hướng bậc hai gồm có ba thang đo đơn hướng bậc một là kiến thức, kỹ năng và thái độ của người kế toán. Dựa vào kết quả nghiên cứu này, các cơ sở đào tạo kế toán sẽ nhận biết được họ cần phải cải thiện các yếu tố nào trong chương trình đào tạo để nâng cao năng lực kế toán góp phần cải thiện hiệu quả công việc cho người kế toán, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế. Từ khóa: Năng lực kế toán, khu vực công, hội nhập quốc tế, Việt Nam. ABSTRACT With the rapid increase of globalization trends and innovation in information technology, accountants must continuously improve their competence. On the basis of approaching the accounting competency scale of previous studies and surveying data, our study clarified the necessary factors when measuring accounting competency in the context of the public sector in Vietnam. Survey data collection was conducted for 144 public entities in Vietnam and analyzed by using SmartPLS 3 software. We tested the accounting competency measurement model including reliability test, converged value and discriminant value. The research results show that the accounting competency scale should be seen as a second-order multi-directional scale consisting of three first-order unidirectional scales, namely knowledge, skills and attitudes of accountants. Based on the results, accounting training institutions will know which elements they need to improve in their training programs to improve accounting competency, contribute to improving work efficiency for accountants, meet the trend of international integration. Keywords: Accounting competency, public sector, international integration, Vietnam. 83
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 1. Giới thiệu Các tổ chức trong khu vực công trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện hành nhưng thường bị đánh giá là hoạt động chưa thực sự hiệu quả (Nakmahachalasint và Narktabtee, 2019; Yen, Nguyen và Trang, 2021). Chính vì vậy, trong những năm gần đây, khu vực công tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong cơ chế quản lý tài chính theo hướng hội nhập với nền tài chính và kế toán công quốc tế. Chẳng hạn, về đổi mới cơ chế tài chính trong khu vực công, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2021. Sự ra đời của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP nhằm tăng quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập trong sử dụng tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực trong cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện sử dụng các thế mạnh về tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực để cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường và theo từng lĩnh vực cụ thể (Chính phủ, 2021). Còn đối với khối cơ quan hành chính, việc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính vẫn đang được thực hiện theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định 117/2013/NĐ-CP nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công. Về đổi mới quy định kế toán trong khu vực công, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán (CMKT) công Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2024 dự kiến sẽ ban hành và công bố 20 chuẩn mực kế toán công Việt Nam (Bộ Tài chính, 2017). Hệ thống các CMKT công Việt Nam sẽ được soạn thảo trên cơ sở tiếp cận theo bộ CMKT công quốc tế hiện hành. Hệ thống CMKT Việt Nam được Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu tuân thủ theo các thông lệ quốc tế về kế toán và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành chính thức 5 chuẩn mực kế toán công, gồm (Bộ Tài chính, 2021): Chuẩn mực số 01 – Trình bày báo cáo tài chính; Chuẩn mực số 02 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Chuẩn mực số 12 – Hàng tồn kho; Chuẩn mực số 17 – Bất động sản, nhà xưởng, thiết bị; Chuẩn mực số 31 – Tài sản vô hình. Để hệ thống CMKT công Việt Nam đi vào thực tiễn, cần triển khai các hoạt động đào tạo CMKT cho các đối tượng có liên quan nhằm tăng cường năng lực kế toán. Do đó, các cơ sở đào tạo cần nhận biết được các yếu tố nào tham gia vào việc hình thành năng lực kế toán để có các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực kế toán. Tóm lại, khu vực công tại Việt Nam đã và đang có những thay đổi nhanh chóng về cải cách quản lý tài chính - kế toán nhằm thích ứng với xu hướng hội nhập quốc tế. Những thay đổi này đã mang lại những thách thức mới không chỉ đối với người làm công tác kế toán trong các đơn vị công mà còn cho các cơ sở đào tạo ngành kế toán. Các trường đào tạo ngành kế toán có trách nhiệm thu hẹp khoảng cách giữa các yếu tố năng lực kế toán mà sinh viên tốt nghiệp có được và các yếu tố năng lực kế toán cần thiết của thị trường toàn cầu. Bài báo này xác định cụ thể hơn các yếu tố đo lường năng lực kế toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay theo dữ liệu khảo sát khu vực công tại Việt Nam. Thang đo năng lực kế toán hoàn thiện dự kiến sẽ làm cơ sở tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu cũng như cơ sở đào tạo kế toán xác định những thách thức phải đối mặt đối với giáo dục kế toán trong việc hỗ trợ sinh viên có kiến thức, kỹ năng và thái độ nhằm nâng cao trình độ năng lực của họ để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ đó, một kế hoạch chiến lược đưa ra để thu hẹp khoảng cách giữa các kỹ năng có được và yêu cầu được trình bày để giúp chuẩn bị cho sinh viên cũng như người hành nghề kế toán đối mặt và đối phó với những thách thức của môi trường kinh doanh toàn cầu mới. 84
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 2. Cơ sở lý thuyết Năng lực (competency) thường được xem là khả năng thực hiện vai trò công việc theo một tiêu chuẩn xác định được tham chiếu đến môi trường làm việc thực tế (International Federation of Accountants Education Committee, 2001). Hager, Gonczi và Athanasou (1994) đã mô tả rất rõ rằng năng lực bao gồm các yếu tố về kiến thức, kỹ năng, các khả năng và phẩm chất cá nhân được thể hiện trong bối cảnh của một tập hợp các nhiệm vụ chuyên môn thực tế được lựa chọn cẩn thận, có mức độ tổng quát thích hợp nhằm nhấn mạnh vào việc chọn các nhiệm vụ hoặc yếu tố chính là trung tâm của việc thực hành nghề nghiệp. Năng lực kế toán (accounting competency) được Ủy ban Giáo dục của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) năm 1998 và 2003 đã xác định là khả năng thực hiện các nhiệm vụ và vai trò dự kiến của một kế toán chuyên nghiệp, cả người mới học xong và người có trình độ, kinh nghiệm, theo tiêu chuẩn mà nhà tuyển dụng và công chúng nói chung mong đợi (Palmer, Ziegenfuss và Pinsker, 2004). Căn cứ vào phương pháp tiếp cận năng lực dựa trên các yếu tố đầu vào, năng lực gồm kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất cá nhân khác của kế toán viên được ưa chuộng bởi những tổ chức hành nghề kế toán (Boritz và Carnaghan, 2003). Đặc biệt, bằng việc phân tích các nghiên cứu về năng lực kế toán của nhiều tổ chức nghề hành nghề kế toán, Palmer và cộng sự (2004) cho rằng kiến thức (gồm kiến thức kế toán, kiến thức kinh doanh tổng hợp, công nghệ thông tin), kỹ năng (gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tương tác, kỹ năng máy tính) và các thái độ, khả năng cá nhân khác của người kế toán là ba tiêu chí cơ bản quan trọng để đo lường năng lực của họ. Rõ ràng, quan điểm về năng lực kế toán của Palmer và cộng sự (2004) đưa ra khá toàn diện. Gần đây, Yen và cộng sự (2021) cũng đã xem xét năng lực kế toán trong khu vực công tại Việt Nam dựa trên các tiêu chí về kiến thức kế toán, kiến thức kinh doanh tổng hợp, kiến thức công nghệ thông tin, kiến thức về các vấn đề toàn cầu, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng máy tính, kỹ năng tương tác, thái độ tự tin, thái độ nghiêm túc và trung thực, tác phong làm việc và tinh thần ham học hỏi. Theo đó, chúng tôi cũng cho rằng năng lực kế toán bao gồm các kiến thức, các kỹ năng và các khả năng thực hiện các nhiệm vụ và vai trò dự kiến của một kế toán theo tiêu chuẩn mà nhà tuyển dụng và công chúng nói chung mong đợi. Cụ thể như sau: Trước hết, một người kế toán cần những kiến thức về chuyên môn, kiến thức kinh doanh tổng hợp và kiến thức về công nghệ thông tin (Mohamed và Lashine, 2003; Palmer và cộng sự, 2004). Kiến thức chuyên môn bao gồm những chủ đề tạo nên chuyên ngành kế toán, cũng như các kiến thức về chuyên ngành kinh doanh khác, cùng nhau tạo thành nền tảng kiến thức thiết yếu cho kế toán viên chuyên nghiệp (International Federation of Accountants Education Committee, 2003). Hơn nữa, kiến thức về các vấn đề toàn cầu như các quy định pháp lý, các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực kế toán công quốc tế, xu hướng toàn cầu hóa, … cũng hết sức quan trọng đối với kế toán (Mohamed và Lashine, 2003). Một kiến thức cơ bản về các quy định tài chính địa phương và liên quốc gia là cần thiết. Khả năng cập nhật về những thay đổi xã hội, văn hóa và chính trị trong môi trường toàn cầu cũng được yêu cầu và ảnh hưởng đến khả năng tự quyết định và nhận dạng của các cá nhân. Nhiều người hành nghề kế toán sẽ tham gia với các công ty đa quốc gia và gặp các chuẩn mực kế toán khác nhau. Và cần hiểu rằng các chuẩn mực kế toán bị ảnh hưởng bởi văn hóa ở mỗi quốc gia và các mục tiêu đặt ra cho thông tin kế toán ở mỗi quốc gia. Do đó, kiến thức của người kế toán không chỉ bó hẹp trong phạm vi chuyên môn. Ngày nay, công nghệ thông tin đã chuyển đổi vai trò của kế toán. Kế toán không chỉ sử dụng các hệ thống thông tin và rèn 85
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 luyện các kỹ năng kiểm soát công nghệ thông tin mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá, thiết kế và quản lý các hệ thống đó (International Federation of Accountants Education Committee, 2003). Vì thế, kiến thức về công nghệ thông tin không chỉ giúp họ sáng tạo tại nơi làm việc mà còn giúp họ thích nghi với môi trường làm việc mới nhanh hơn. Việc sử dụng công nghệ thông tin, cụ thể là xử lý và truyền đạt thông tin đã trở thành một nhu cầu thiết yếu (Mohamed và Lashine, 2003). Công nghệ thông tin được coi là một trong những động lực chính trong việc thay đổi môi trường kinh doanh, bởi vì nó được tích hợp vào hầu hết các khía cạnh của kinh doanh. Cho dù kế toán đóng vai trò là người quản lý tài chính trong một tổ chức cụ thể, đóng vai trò là người đánh giá độc lập về thông tin tài chính và hệ thống của tổ chức hoặc đóng vai trò tư vấn cho tổ chức, họ sẽ phải tương tác và hiểu biết về công nghệ thông tin để cho phép họ thực hiện công việc thành thạo (Wessels, 2005). Cụ thể, kế toán với tư cách là người sử dụng công nghệ trong việc thực hiện các công việc văn phòng và kinh doanh hàng ngày; hoặc tương tác với công nghệ mới và thay đổi với tư cách là người quản lý, người dùng và người thiết kế công nghệ này. Do vậy, kế toán phải tự trang bị kiến thức về công nghệ thông tin để phục vụ tốt cho công việc. Hơn nữa, Nguyen và Leclerc (2011) cho rằng để hoàn thành tốt công việc, nhân viên văn phòng cần rất nhiều kỹ năng, tuy nhiên, đối với nghề kế toán ngày nay, Palmer và cộng sự (2004) nhận thấy kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng máy tính (tin học) và kỹ năng tương tác, làm việc và quản lý nhóm (kỹ năng lãnh đạo) là cần thiết để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ và giúp họ có cơ hội thăng tiến trong tương lai. Trước hết, kỹ năng giao tiếp được coi là bắt buộc để có một cấp độ thành công cho nghề kế toán. Chúng bao gồm trình bày và bảo vệ quan điểm bằng miệng và bằng văn bản, lắng nghe hiệu quả, định vị và sắp xếp thông tin từ nguồn con người và điện tử (Mohamed và Lashine, 2003). Hơn nữa, bộ máy kế toán nói riêng và bộ máy tổ chức nói chung luôn có sự gắn kết giữa các cá nhân. Các hoạt động giữa các bộ phận luôn chi phối lẫn nhau, kỹ năng giao tiếp cũng giúp công việc của kế toán diễn ra thuận lợi hơn. Thứ hai, kỹ năng giải quyết vấn đề là khả năng thu thập dữ liệu hợp lý, xử lý và áp dụng các kỹ năng có được để giúp xác định và giải quyết vấn đề. Giá trị của những kế toán viên chuyên nghiệp được quyết định bởi khả năng hiểu vấn đề và đưa ra phán đoán chính xác để giải quyết vấn đề. Và để giải quyết tốt vấn đề, kế toán cần khả năng phân tích. Điều này ngụ ý rằng kế toán cần thu thập thông tin chính xác và đầy đủ, có khả năng nhận ra tầm quan trọng của thông tin và ý nghĩa của thông tin và khả năng áp dụng logic và lý luận để làm rõ các mối quan hệ giữa các đối tượng, sự kiện, ... để áp dụng đúng các phương pháp để giải quyết tốt các vấn đề kinh doanh trong thế giới thực (Mohamed và Lashine, 2003). Tiếp đó, như đã đề cập ở trên, với sự gia tăng nhanh chóng của xu hướng toàn cầu hóa và sự đổi mới trong công nghệ thông tin, nhân viên kế toán buộc phải làm việc trong môi trường máy tính. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, cụ thể cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra nhiều yêu cầu cho kế toán không chỉ để thích nghi, làm quen với các giao diện phần mềm mới mà còn yêu cầu các thao tác thực hành nhanh hơn để xử lý công việc nhanh chóng, kịp thời cung cấp thông tin cho các nhà quản lý cũng như các cơ quan chức năng yêu cầu. Do đó, kỹ năng sử dụng máy tính (kỹ năng tin học) không những cần thiết mà còn rất quan trọng đối với nghề kế toán ngày nay. Ngoài ra, trong bộ máy kế toán, người phụ trách kế toán cần phải có thêm kỹ năng tương tác, làm việc và quản lý nhóm. Kỹ năng này được thể hiện ở khả năng tổ chức và ủy thác các nhiệm vụ, thúc đẩy và gây ảnh hưởng đến người khác và giải quyết xung đột nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra, khả năng quản lý nhóm thể hiện ở khía cạnh họ phải có tầm nhìn xa, có khả năng chiến lược, dự đoán trước được những thay đổi, cơ hội lớn trong tương lai. Kỹ năng 86
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 quản lý không phải tự nhiên có mà cần phải được liên tục học tập, trau dồi kiến thức và rèn luyện, kỹ năng này dự kiến sẽ giúp kế toán dễ thăng tiến trong tương lai (Mohamed và Lashine, 2003). Ngoài ra, các khả năng và phẩm chất cá nhân của người kế toán như sự tự tin, niềm đam mê, tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, yêu thích công việc, thái đội nghiêm túc, trung thực, liêm chính, khách quan, phong cách chuyên nghiệp, có ý thức trách nhiệm cao, phong thái hòa đồng, tinh thần lạc quan,… cũng hỗ trợ rất nhiều cho các yêu cầu về năng lực của kế toán (Mohamed và Lashine, 2003). Và Palmer và cộng sự (2004); Yen và cộng sự (2021) cũng đồng ý rằng các giá trị, đạo đức và thái độ tích cực như vậy sẽ giúp người kế toán trở nên chuyên nghiệp, có năng lực tốt hơn, giúp họ hoàn thành công việc hiệu quả hơn. 3. Phương pháp nghiên cứu Trong mỗi đơn vị công, chúng tôi chọn một người đại diện đơn vị để trả lời bảng câu hỏi khảo sát. Dựa trên danh sách liên hệ của 297 mẫu nghiên cứu đã có sẵn trước đây, chúng tôi đã gửi bảng câu hỏi khảo sát qua email cho 297 đơn vị công. Chúng tôi chọn mẫu theo phương pháp thuận tiện để có thể thu được kết quả nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Mặc dù, phương pháp lấy mẫu này mang tính đại diện cho đám đông thấp nhưng phương pháp lấy mẫu này khá phổ biến hiện nay vì nó có nghĩa là các nhà nghiên cứu có thể chọn các đối tượng mà họ có thể tiếp cập được (Nguyễn Đình Thọ, 2013) và trong bối cảnh khu vực công tại Việt Nam thì phương pháp này được xem là mang lại tính khả thi cao cho kết quả nghiên cứu (Yen và cộng sự, 2021). Thời gian khảo sát diễn ra từ tháng 03 năm 2021 đến tháng 07 năm 2021. Kết quả thu thập được 144 mẫu đại diện cho 144 đơn vị công thuộc các loại hình như (Bảng 1): cơ quan hành chính chiếm 49,3%, đơn vị sự nghiệp công chiếm 50% và các tổ chức chính trị xã hội khác chiếm 0,7%. Ngoài ra, mẫu khảo sát cũng bao quát cho tất cả các lĩnh vực công khác nhau như: Ủy ban nhân dân các cấp chiếm 20,8%, giáo dục chiếm 32,6 %, y tế chiếm 12,5%, văn hóa, thể thao và du lịch chiếm 15,6%, thông tin và truyền thông chiếm 3,2%, khoa học và công nghệ chiếm 6,2%, lĩnh vực kinh tế khác chiếm 9,1%. Điều này phần nào cho thấy cấu trúc mẫu chọn khá phù hợp với đặc điểm cấu trúc khu vực công của Việt Nam khi số lượng loại hình đơn vị sự nghiệp công lập và lĩnh vực giáo dục chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong số các loại hình và lĩnh vực công còn lại (Tổng Cục Thống Kê, 2018). Hơn nữa, mẫu khảo sát có 39 nhà quản trị cấp cao chiếm tỷ lệ là 27,1%, có 47 kế toán trưởng chiếm tỷ lệ 32,6% và có 58 kế toán viên chiếm tỷ lệ 40,3%. Thâm niên công tác của các đáp viên ở các đơn vị công chủ yếu tập trung vào nhóm trên 10 năm (chiếm tỷ lệ 52,1%) và nhóm từ 6 đến 10 năm (chiếm tỷ lệ 41%). Điều này cho thấy các đáp viên có đủ kinh nghiệm về vấn đề nghiên cứu và có thể đại diện cho tổ chức công trả lời bảng câu hỏi. Bảng 1. Thống kê mô tả mẫu khảo sát Số Tỷ lệ Số Tỷ lệ Đặc điểm mẫu chọn Đặc điểm mẫu chọn lượng (%) lượng (%) Vị trí công việc 144 100,0 Loại hình đơn vị 144 100 Nhà quản lý cấp cao 39 27,1 Cơ quan hành chính 71 49,3 Kế toán trưởng 47 32,6 Đơn vị sự nghiệp công lập 72 50,0 Kế toán viên 58 40,3 Tổ chức chính trị - xã hội khác 1 0,7 Thâm niên công tác 144 100,0 Lĩnh vực hoạt động 144 100 Dưới 3 năm 0 0,0 Ủy ban nhân dân các cấp 30 20,8 87
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Từ 3 đến 5 năm 10 6,9 Giáo dục 47 32,6 Từ 6 đến 10 năm 59 41,0 Y tế 18 12,5 Trên 10 năm 75 52,1 Văn hóa, thể thao và du lịch 22 15,6 Thông tin và truyền thông 5 3,2 Khoa học và công nghệ 9 6,2 Lĩnh vực kinh tế khác 13 9,1 Nguồn: Kết quả khảo sát dữ liệu Mục đích chính của nghiên cứu này nhằm kiểm định mô hình đo lường các yếu tố cấu thành nên thang đo năng lực kế toán trong bối cảnh khu vực công tại Việt Nam. Dựa vào nghiên cứu của Palmer và cộng sự (2004); Yen và cộng sự (2021), chúng tôi cho rằng thang đo năng lực kế toán là thang đo đa hướng bậc hai được đo lường thông qua ba thang đo đơn hướng bậc một là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Kiến thức gồm bốn biến quan sát là: kiến thức chuyên môn về kế toán (ACC1), kiến thức kinh doanh tổng hợp (ACC2), kiến thức về các vấn đề toàn cầu (ACC3), kiến thức về công nghệ thông tin (ACC4). Kỹ năng gồm bốn biến quan sát là: kỹ năng giao tiếp (ACC5); kỹ năng giải quyết công việc (ACC6); kỹ năng thực hành tin học (ACC7); kỹ năng làm việc và quản lý nhóm (ACC8). Thái độ gồm bốn biến quan sát là thái độ làm việc tự tin (ACC9), tác phong làm việc nhanh nhẹn (ACC10), ham học hỏi kiến thức mới (ACC11), làm việc với thái độ nghiêm túc và trung thực (ACC12). Tất cả các biến quan sát được đưa vào bảng câu hỏi khảo sát nhằm thể hiện mức độ đồng ý của các đáp viên về các phát biểu liên quan đến việc đánh giá năng lực của người kế toán tại đơn vị công. Theo khuyến nghị của Hair, Hult, Ringle và Sarstedt (2017), để kiểm tra độ tin cậy, giá trị hội thụ và giá trị phân biệt của thang đo đa hướng thì phương pháp bình phương tối thiểu riêng phần (PLS) nên được áp dụng. Hơn nữa, khi tiêu chuẩn về cỡ mẫu tối thiểu được thỏa mãn, cụ thể là cỡ mẫu nhỏ nhất phải gấp 10 lần số biến quan sát nguyên nhân lớn nhất được đo lường cho một khái niệm hoặc 10 lần số đường dẫn lớn nhất tác động đến một một khái niệm trong mô hình (Hair và cộng sự, 2017), phương pháp PLS-SEM có thể được sử dụng. Vì thế, trong nghiên cứu này với 144 mẫu chúng tôi đã sử dụng phương pháp PLS-SEM và thực hiện trên phần mầm SmartPLS 3 để kiểm tra mô hình đo lường năng lực kế toán. 4. Kết quả nghiên cứu Bảng 2 trình bày kết quả về số liệu thống kê mô tả các biến quan sát của các ba yếu tố đo lường năng lực kế toán. Nhìn chung giá trị trung bình của các thang đo bậc 1 tiến gần đến giá trị 4 (trên thang đo điểm từ 1 đến 5) cho thấy các yếu tố được đánh giá ở mức trung bình khá. Trong ba thành phần đo lường năng lực kế toán của các đơn vị công tại Việt Nam thì thái độ được đánh giá cao nhất với giá trị trung bình là 3,98, tiếp theo kỹ năng (3,83) và cuối cùng là kiến thức (3,74). Mô tả các yếu tố về kiến thức, chúng tôi nhận thấy kiến thức về các vấn đề toàn cầu của nhân viên kế toán trong khu vực công là ở mức thấp nhất (3,52). Xét về kỹ năng thì kỹ năng làm việc và quản lý nhóm được đánh giá là ở mức thấp nhất (3,62). Xét về thái độ thì sự tự tin được đánh giá là ở mức thấp nhất (3,91). Khi đối chiếu với bộ dữ liệu khảo sát của 297 mẫu nghiên cứu đã thực hiện trước đây, chúng tôi nhận thấy kết quả khảo sát của 144 mẫu nghiên cứu này có độ chính xác và nhất quán cao. Do đó, chúng tôi cho rằng kết quả khảo sát này mang tính đại diện tốt cho khu vực công và phù hợp cho việc phân tích và kiểm định mô hình đo lường năng lực kế toán. 88
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Bảng 2: Kết quả kiểm định mô hình đo lường Giá trị Giá trị Giá trị Hệ số Giá trị Ký hiệu nhỏ nhất lớn nhất trung bình tải t Kiến thức (AV=3,74; CA=0,81; rho_A=0,82; CR=0,88; AVE=0,64) Có kiến thức chuyên môn về kế toán tốt 1 5 4,04 0,78 22,57 (ACC1) Có kiến thức kinh doanh tổng hợp tốt 1 5 3,60 0,75 9,39 (ACC2) Có kiến thức về các vấn đề toàn cầu tốt 1 5 3,52 0,82 30,18 (ACC3) Có kiến thức về công nghệ thông tin tốt 2 5 3,81 0,84 25,68 (ACC4) Kỹ năng (AV=3,83; CA=0,89; rho_A=0,90; CR=0,92; AVE=0,75) Có kỹ năng giao tiếp tốt (ACC5) 2 5 3,87 0,89 37,22 Có kỹ năng giải quyết công việc tốt 2 5 3,96 0,90 48,11 (ACC6) Có kỹ năng thực hành tin học tốt 2 5 3,88 0,87 31,68 (ACC7) Có kỹ năng làm việc và quản lý nhóm 2 5 3,62 0,81 23,15 tốt (ACC8) Thái độ (AV=3,98; CA=0,90; rho_A=0,91; CR=0,93; AVE=0,78) Thái độ làm việc rất tự tin (ACC9) 2 5 3,91 0,84 34,48 Tác phong làm việc nhanh nhẹn 2 5 3,93 0,90 49,08 (ACC10) Ham học hỏi kiến thức mới (ACC11) 2 5 4,00 0,90 46,19 Làm việc với thái độ nghiêm túc và 2 5 4,08 0,88 32,55 trung thực (ACC12) Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu Ghi chú: AV: giá trị trung bình, CA: hệ số Cronbach’s alpha, CR: độ tin cậy tổng hợp, AVE: phương sai trích bình quân. N=144. Tiếp đó, chúng tôi đã tiến hành kiểm định mô hình đo lường cho ba yếu tố đo lường năng lực kế toán trong mô hình đề xuất gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đầu tiên, chúng tôi kiểm tra độ tin cậy nhất quán nội bộ của các thang đo sử dụng trong mô hình nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu trình bày tại bảng 2 cho thấy hệ số Cronbach’s alpha có giá trị nằm trong khoảng từ 0,81 đến 0,90; hệ số rhoA của chúng dao động từ 0,82 đến 0,91 và độ tin cậy tổng hợp (CR) của ba thang đo bậc một nằm trong khoảng cao từ 0,88 đến 0,93. Theo hướng dẫn của Hair và cộng sự (2017) thì kết quả này cho thấy các thang đo được sử dụng trong mô hình đều có độ tin cậy cao. Tiếp đó, chúng tôi đánh giá giá trị hội tụ của ba thang đo bậc một được thực hiện thông qua hệ số tải ngoài của các biến quan sát và phương sai trích bình quân (AVE). Kết quả tại Bảng 2 cho thấy hệ số tải ngoài của tất cả các biến quan sát (nằm từ 0,75 đến 0,90) đều cao hơn ngưỡng tối thiểu đề xuất là 89
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 0,708 (Hair và cộng sự, 2017). Đồng thời, tất cả các giá trị t tương ứng của các biến quan sát (nằm trong khoảng từ 9,39 đến 49,08) cũng đều đạt yêu cầu vì đều lớn hơn 2,57 để mang ý nghĩa thống kê ở mức đáng kể ở mức ý nghĩa 1%. Hơn nữa, phương sai trích bình quân (AVE) của tất cả các biến tiềm ẩn trong mô hình nghiên cứu đều chấp nhận được bởi vì đều cao hơn 0,50, chúng dao động từ 0,64 đến 0,78 (Hair và cộng sự, 2017). Do vậy, tất cả các biến quan sát và các thang đo sử dụng cho nghiên cứu này đều có giá trị hội tụ cao. Ngoài ra, tác giả cũng sử dụng thêm phân tích hệ số tải chéo cho đánh giá giá trị phân biệt của các thang đo. Kết quả phân tích cho thấy rằng tất cả hệ số tải của biến quan sát trong cấu trúc của nó cao hơn hệ số tải chéo của nó với các cấu trúc khác. Như vậy, các thang đo trong mô hình nghiên cứu đã đảm bảo được giá trị phân biệt rất tốt. Ngoài ra, chúng tôi còn đánh giá vấn đề đa cộng tuyến giữa ba thang đo bậc một bằnghệ số phóng đại phương sai (VIF) (O’brien, 2007). Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy: các giá trị VIF của các biến quan sát đều nhỏ hơn ngưỡng 5 và các giá trị VIF bên trong cho mỗi mối quan hệ giữa 3 thang đo bậc một nằm trong khoảng từ 2,9 đến 4, thấp hơn so với tiêu chí ngưỡng 5 (Hair và cộng sự, 2017). Kết quả này cho thấy không có vấn đề về đa cộng tuyến trong nghiên cứu này. Tóm lại, việc kiểm định mô hình đo lường như trên cho thấy thang đo năng lực kế toán nên được nhìn nhận là thang đo đa hướng bậc hai gồm 3 thang đo đơn hướng bậc một: i. Thang đo về kiến thức (có 4 biến quan sát ký hiệu từ ACC1 đến ACC4); ii. Thang đo về kỹ năng (có 4 biến quan sát ký hiệu từ ACC5 đến ACC8); iii. Thang đo về thái độ (có 4 biến quan sát ký hiệu từ ACC9 đến ACC12). 5. Kết luận Từ các kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị đối với các đơn vị công tại Việt Nam như sau: Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện nhiều cải cách tài chính - kế toán, cụ thể là đang triển khai và áp dụng các chuẩn mực kế toán công vào công tác kế toán cũng như áp dụng quy định tự chủ tài chính mới đối đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Do vậy, yếu tố kiến thức và kỹ năng của người kế toán cần được các đơn vị công quan tâm nhiều hơn và có các giải pháp hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực kế toán. Trước hết, trong khâu tuyển dụng, các đơn vị công cần tuyển dụng những nhân viên kế toán giỏi về kiến thức chuyên môn và các kiến thức bổ trợ, đồng thời có các kỹ năng làm việc tốt và thái độ làm việc tích cực; tức là tuyển dụng dựa trên năng lực của họ chứ không nên dựa vào các mối quan hệ thân quen hay tư lợi cá nhân. Đặc biệt, các đơn vị công cần có thêm các chính sách tuyển dụng tốt (ví dụ, đặc cách xét tuyển đối với người có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi ở các trường đại học có uy tín ở Việt Nam và quốc tế) nhằm thu hút nhân tài về làm việc trong các bộ phận tài chính kế toán quan trọng của đơn vị. Tiếp đó, các đơn vị công cũng cần có chính sách đãi ngộ, khen thưởng cán bộ kế toán có năng lực tốt một cách hợp lý để phát huy năng lực và tinh thần làm việc của họ. Ngoài ra, các đơn vị công cần đầu tư nhiều hơn về chi phí bồi dưỡng và thời gian, khuyến khích cho cán bộ kế toán tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, cập nhật thường xuyên các chính sách, quy định mới có liên quan đến công tác tài chính kế toán để họ có thể thực hiện công việc một cách tốt nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế sâu rộng như ngày nay. Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi đã giúp làm rõ hơn thang đo năng lực kế toán nghiên cứu trong bối cảnh khu vực công tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này là một cơ sở để các nhà nghiên cứu sau tiếp tục khám phá và xác nhận tính bền vững của thang đo này trong các phân ngành kế toán khác nhau hoặc trong các bối cảnh tổ chức khác nhau. Hơn nữa, kết quả này còn có ý nghĩa tham khảo cho các tổ chức giáo dục nghề nghiệp kế toán trong việc đánh giá và điều chỉnh chương trình giảng dạy kế toán của họ để giúp người học hình thành các năng lực kế toán phù hợp, 90
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 bao gồm các kiến thức, các kỹ năng và các thái độ làm việc tích cực. Bài viết này đã trình bày cách đo lường năng lực kế toán là thang đo đa hướng bậc hai khác với cách tiếp cận trước đây khi xem xét năng lực kế toán là thang đo đơn hướng bậc một (Yen và cộng sự, 2021; Afiah và Rahmatika, 2014). Đây có thể là điểm khởi đầu của các cuộc thảo luận và hành động thực tiễn trong các tổ chức giáo dục nghề nghiệp kế toán nhằm tăng cường sự chuẩn bị của sinh viên tốt nghiệp kế toán trong tương lai đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và sự tiến bộ của công nghệ. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Afiah, N. N., & Rahmatika, D. N. (2014). Factors influencing the quality of financial reporting and its implications on good government governance. International Journal of Business, Economics and Law, 5(1), 111-121. [2] Boritz, J. E., & Carnaghan, C. A. (2003). Competency‐based education and assessment for the accounting profession: A critical review. Canadian Accounting Perspectives, 2(1), 7-42. doi:10.1506/5K7C-YT1H-0G32-90K0 [3] Bộ Tài Chính (2017). Quyết định số 1299/QĐ-BTC về việc phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Hà Nội. [4] Bộ Tài Chính (2021). Quyết định số 1676/QĐ-BTC về việc công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1. Hà Nội. [5] Bộ Tài Chính (2021). Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Hà Nội. [6] Hager, P., Gonczi, A., & Athanasou, J. (1994). General issues about assessment of competence. Assessment and evaluation in higher education, 19(1), 3-16. [7] Hair, J. F., Hult, G. T. M., Ringle, C., & Sarstedt, M. (2017). A primer on partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM). The United States of America: Sage [8] International Federation of Accountants Education Committee. (2001). Competence-based approaches to the preparation and work of professional accountants. Retrieved from New York: [9] International Federation of Accountants Education Committee. (2003). Towards Competent Professional Accountants. Retrieved from New York: [10] Mohamed, E. K., & Lashine, S. H. (2003). Accounting knowledge and skills and the challenges of a global business environment. Managerial Finance, 29(7), 3-16. doi:10.1108/03074350310768319 [11] Nakmahachalasint, O., & Narktabtee, K. (2019). Implementation of accrual accounting in Thailand’s central government. Public money & management, 39(2), 139-147. doi:10.1080/09540962.2018.1478516 [12] Nguyễn Đình Thọ. (2013). Giáo trình phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Hà Nội: Nhà xuất bản Tài chính. [13] Nguyen, N., & Leclerc, A. (2011). The effect of service employees' competence on financial institutions' image: benevolence as a moderator variable. Journal of services marketing, 25(5), 349-360. [14] O’brien, R. M. (2007). A caution regarding rules of thumb for variance inflation factors. Quality & quantity, 41(5), 673-690. doi:10.1007/s11135-006-9018-6. 91
  10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 [15] Palmer, K. N., Ziegenfuss, D. E., & Pinsker, R. E. (2004). International knowledge, skills, and abilities of auditors/accountants: Evidence from recent competency studies. Managerial auditing journal, 19(7), 889-896. doi:10.1108/02686900410549411 [16] Tổng Cục Thống Kê. (2018). Niên giám thống kê năm 2017. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê [17] Wessels, P. (2005). Critical information and communication technology (ICT) skills for professional accountants. Meditari accountancy research, 13(1), 87-103. [18] Yen, T. T., Nguyen, P. N., & Trang, C. H. (2021). Effects of leadership and accounting capacity on accountability through the quality of financial reporting by public organisations in Vietnam. Journal of Asia Business Studies, 15(3), 484-502. doi:10.1108/JABS-02-2020-0077 92
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2