NGHIÊN CỨU TÁCH VÀ SỬ DỤNG SỢI<br />
TỪ LÁ DỨA DẠI DÙNG LÀM CỐT GIA CƯỜNG<br />
CHO VẬT LIỆU COMPOSITE TRÊN CƠ SỞ NHỰA<br />
POLYESTE KHÔNG NO<br />
RESEARCH ON DETACHMENT AND USING SISAL FIBRES<br />
FOR THE REINFORCEMENT FOR COMPOSITE MATERIALS BASED<br />
ON THE UNSATURATED POLYESTER RESINS<br />
<br />
<br />
PHAN THỊ THUÝ HẰNG<br />
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng<br />
HOÀNG THỊ LAN PHƯƠNG<br />
Bộ Giáo dục và Đào tạo<br />
<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
Hiện nay, vật liệu gia cường cho vật liệu composit phổ biến nhất là sợi thủy tinh, chúng được<br />
tạo ra từ các loại oxyt vô cơ. Tuy nhiên, gần đây sợi thiên nhiên đang được nhiều nhà nghiên<br />
cứu quan tâm. Vì sợi thiên nhiên có một số ưu điểm hơn so với sợi thủy tinh như: tỷ trọng<br />
thấp hơn, giảm trọng lượng cho sản phẩm composit, giá thành hạ... Nhưng sợi thiên nhiên so<br />
với sợi thủy tinh thì khả năng bám dính nhựa kém hơn và độ bền thấp hơn. Vì vậy, việc xử lý<br />
đối với sợi thiên nhiên để cải thiện các tính chất này là cần thiết. Trong bài báo này trình bày<br />
kết quả xác định phương pháp và điều kiện xử lý sợi dứa dại để sử dụng trong chế tạo vật<br />
liệu composit trên cơ sở nhựa polyeste không no (UPE). Bằng phương pháp quy hoạch thực<br />
nghiệm đã xác định được điều kiện xử lý tối ưu như sau:<br />
- Nồng độ dung dịch NaOH là 10% và thời gian xử lý là 10 ngày, sử dụng cho các sản phẩm<br />
composite đòi hỏi độ bền cơ học cao.<br />
- Nồng độ dung dịch NaOH là 30% và thời gian xử lý là 16 ngày, sử dụng cho các sản phẩm<br />
composite đòi hỏi độ bền môi trường cao.<br />
ABSTRACT<br />
The reinforcement material for composite material, the most generally used one today is the<br />
glass fibre formed from inorganic oxide. However, the natural fibre has recently been paid<br />
more attention by many researchers because natural fibres have more advantages than glass<br />
fibres, for example: lower density, weight saving of composite materials, lower price, and so<br />
on. However, natural fibres have lower adherence to resins and less durability than glass<br />
fibres. Therefore, the fibre treatment to improve these properties is of great necessity. In this<br />
article, we present the defined results of sisal fibres treatment methods and conditions to use<br />
in the production of composite materials based on the unsaturated polyester (UPE) resin. With<br />
experimental methodology, we have determined optimum treatment conditions as follows:<br />
- The concentration of sodium hydrate (NaOH) solutions is 10% and the treatment time is 10<br />
days. These conditions are applied for composite products requiring high mechanical strength.<br />
- The concentration of sodium hydrate solutions is 30% and the treatment time is 16 days.<br />
These conditions are applied for high environmental strength products.<br />
<br />
<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Ở Việt Nam việc sử dụng sợi dứa dại trong chế tạo vật liệu polyme composite (PC) sẽ<br />
có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Vì điều kiện thiên nhiên (đất đai, khí hậu, địa hình...) của nước ta<br />
là một tiềm năng lý tưởng cho việc sản xuất sợi từ lá dứa dại trên quy mô công nghiệp nhằm<br />
cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho ngành chế tạo vật liệu PC ở Việt Nam. Việc đầu tư sản<br />
xuất sợi từ lá dứa dại không đòi hỏi đầu tư cao như đối với sợi hóa học khác (sợi thủy tinh, sợi<br />
cacbon...), điều này sẽ rất phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay. Bên cạnh ý<br />
nghĩa về mặt kinh tế đã nêu, nó còn có ý nghĩa về mặt xã hội đó là việc cung cấp nguồn<br />
nguyên liệu cho sản xuất đòi hỏi phải có chiến lược canh tác cây dứa dại sẽ góp phần tạo<br />
nguồn thu nhập cho nông dân, đặc biệt là ở những vùng đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt...<br />
và tạo cơ hội việc làm cho người lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa...<br />
Chính vì vậy mà việc nghiên cứu sử dụng sợi dứa dại trong gia công chế tạo vật liệu<br />
PC nhằm làm tăng giá trị cho cây dứa dại là một vấn đề cấp thiết. Trong công cuộc công<br />
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều lĩnh vực công nghệ được chú trọng trong đó có công<br />
nghệ vật liệu mới nên đề tài này sẽ góp phần vào việc mở rộng nguồn nguyên liệu sẵn có<br />
trong nước, hạ giá thành sản phẩm cho vật liệu PC nhằm thu hút người sử dụng.<br />
<br />
2. Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu<br />
2.1. Nguyên liệu<br />
- Sợi tách từ lá dứa dại được lấy ở xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.<br />
- Nhựa polyeste không no (UPE) loại 2117 sản xuất ở Singapor.<br />
- Các hóa chất: chất xúc tác đóng rắn MEKP; chất chống dính; NaOH 98%; HCl 37%;<br />
axeton, H2SO4 98%...<br />
2.2. Phương pháp xử lý sợi dứa dại<br />
Mục đích của việc xử lý sợi là nhằm làm tăng tính chất cơ lý của sợi dứa và của vật<br />
liệu composite. Đề tài dùng phương pháp hóa học để xử lý sợi với tác nhân là dung dịch<br />
NaOH.<br />
2.3. Phương pháp tiến hành thực nghiệm<br />
Dùng phương pháp quy hoạch trực giao bậc 1 [3,4] để khảo sát ảnh hưởng của các yếu<br />
tố xử lý sợi đến các tính chất cơ lý hóa của sợi và vật liệu PC nền UPE gia cường sợi dứa dại.<br />
Các yếu tố ảnh hưởng:<br />
+ Z1- Nồng độ dung dịch NaOH (%).<br />
+ Z2 - Thời gian ngâm (ngày).<br />
<br />
Bảng 1. Các mức và khoảng biến thiên của các yếu tố ảnh hưởng<br />
<br />
Các mức<br />
Yếu tố Khoảng biến<br />
Mức dưới Mức cơ sở Mức trên<br />
thiên<br />
-1 0 +1<br />
Nồng độ NaOH (%) 10 20 30 10<br />
Thời gian ngâm (ngày) 10 13 16 3<br />
<br />
2.4. Phương pháp tối ưu hóa hàm mục tiêu<br />
Dùng phương pháp mạng đơn hình [3,4] để tối ưu hóa các hàm mục tiêu, từ đó xác định<br />
điều kiện xử lý sợi tối ưu.<br />
<br />
2.5. Phương pháp gia công mẫu vật liệu composite [1]<br />
Lμm s¹ch<br />
®¸nh bãng khu«n<br />
<br />
<br />
§¸nh chÊt chèng<br />
dÝnh<br />
<br />
Sîi døa d¹i §¾p sîi nhùa Nhùa UPE<br />
<br />
<br />
Gia cè gia c−êng<br />
<br />
<br />
T¸ch khu«n<br />
<br />
<br />
<br />
KiÓm tra<br />
s¶n phÈm<br />
<br />
Hình 1. Quy trình gia công vật liệu composite<br />
<br />
2.6. Phương pháp xác định độ bền cơ lý hóa của vật liệu composite<br />
1. Độ bền kéo: Xác định theo tiêu chuẩn ISO R527-1966 [7].<br />
2. Độ bền uốn: Xác định theo tiêu chuẩn ISO 178-1975 [7].<br />
3. Độ bền va đập: Xác định theo tiêu chuẩn ISO 197-1982 [7].<br />
4. Độ bền môi trường: Xác định theo tiêu chuẩn ISO 175-1981 [7].<br />
<br />
3. Kết qủa và thảo luận<br />
3.1. Khảo sát một số tính chất và thành phần sợi dứa dại<br />
Tiến hành khảo sát một số tính chất của sợi dứa chưa xử lý và sợi dứa xử lý ở điều<br />
kiện NaOH 10%, thời gian ngâm là 10 ngày. Kết quả thu được ở bảng 2.<br />
<br />
Bảng 2. Tính chất và thành phần của sợi dứa dại<br />
<br />
Sợi xử lý ở điều kiện<br />
Tính chất Sợi dứa chưa xử lý<br />
(NaOH 10%, 10 ngày)<br />
Độ ẩm (%) 8,67 6,78<br />
Độ bền kéo đứt (N/mm2) 2,825 3,257<br />
Hàm lượng lignin (%) 8,6 6,64<br />
Hàm lượng xenlulo (%) 76,42 80,42<br />
Từ bảng 2 cho thấy, sợi dứa sau khi xử lý ở điều kiện NaOH 10%, thời gian ngâm là<br />
10 ngày có độ ẩm và lượng lignin bé hơn, độ bền kéo đứt và hàm lượng xenluloza thì lớn hơn<br />
so với sợi chưa xử lý. Có nghĩa là sợi sau khi xử lý thì giảm thành phần tạp chất vô định hình,<br />
tăng phần định hướng cao (xenluloza) nên làm tăng độ bền cơ lý cho sợi.<br />
3.2. Xác định điều kiện xử lý sợi tối ưu<br />
Phương trình hồi quy có dạng như sau:<br />
y = b0 + b1x1 + b2x2 + b12x1x2 (1)<br />
với y: các hàm mục tiêu bao gồm:<br />
y1: độ bền kéo đứt của sợi dứa sau khi xử lý, (N/mm2)<br />
y2: lượng lignin tách ra trong dịch thải, (g)<br />
y3: độ bền kéo đứt của vật liệu composite, (N/mm2)<br />
y4: độ bền uốn của vật liệu composite, (N/mm2)<br />
y5: độ trương trong môi trường nước của vật liệu composite, (%)<br />
y6: độ trương trong môi trường HCl của vật liệu composite, (%)<br />
y7: độ tan trong môi trường HCl của vật liệu composite, (%)<br />
x1: biến số mã hóa của biến số thực Z1<br />
x2: biến số mã hóa của biến số thực Z2<br />
Kết quả thực nghiệm được biểu diễn ở bảng 3.<br />
<br />
Bảng 3. Ma trận thực nghiệm<br />
<br />
Biến mã<br />
Số thứ Kết quả đo được của các hàm mục tiêu<br />
hóa<br />
tự thí<br />
y1 y2 y3 y4 y5 y6 y7<br />
nghiệm x1 x2<br />
(N/mm2) (g) (N/mm2) (N/mm2) (%) (%) (%)<br />
1 -1 -1 3,257 1,34 14,47 2073 0,877 0,721 0,209<br />
2 +1 -1 2,119 1,66 13,734 1742 0,752 0,602 0,191<br />
3 -1 +1 1,825 1,54 10,791 1350,67 0,512 0,452 0,167<br />
4 +1 +1 1,570 1,88 5,4 782,8 0,345 0,298 0,138<br />
5 0 0 2,011 1,68 12,753 1582 0,563 0,468 0,173<br />
6 0 0 1,913 1,67 12,263 1578 0,578 0,488 0,163<br />
7 0 0 2,207 1,69 11,772 1575 0,593 0,478 0,183<br />
Dựa vào số liệu thực nghiệm, bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất, kiểm tra tính<br />
có nghĩa các hệ số hồi quy bằng tiêu chuẩn Student, kiểm định tính tương thích của phương<br />
trình hồi quy bằng tiêu chuẩn Fisher ta xác định được các phương trình hồi quy (hàm mục<br />
tiêu) như sau:<br />
y1 = 2,193 - 0,348 x1 - 0,495 x2<br />
y2 = 1,605 + 0,165 x1 + 0,105 x2<br />
y3 = 11,1 - 1,532 x1 - 3,003 x2<br />
y4 = 1487,117 - 224,717 x1 - 420,383 x2<br />
y5 = 0,622 - 0,073 x1 - 0,193 x2<br />
y6 = 0,518 - 0,068 x1 - 0,143 x2<br />
y7 = 0,176 - 0,012 x1 - 0,024 x2<br />
Dùng phương pháp mạng đơn hình để tối ưu hóa các hàm mục tiêu theo hướng đạt đến<br />
điểm cực trị, trong đó y1, y2, y3 và y4 theo hướng đạt cực đại, y5, y6 và y7 theo hướng đạt cực<br />
tiểu. Kết quả tối ưu hóa các hàm mục tiêu được trình bày ở bảng 4.<br />
<br />
Bảng 4. Kết quả tối ưu hóa của các hàm mục tiêu<br />
<br />
Kết quả tối ưu của các hàm mục tiêu<br />
Điều kiện xử lý y1 y2 y3 y4 y5 y6 y7<br />
(N/mm2) (g) (N/mm2) (N/mm2) (%) (%) (%)<br />
10% -10 ngày 3,257 14,47 2073<br />
30% -16 ngày 1,88 0,345 0,298 0,138<br />
Theo bảng kết quả trên đưa ra được 2 phương án tối ưu như sau:<br />
+ Phương án 1: Các kết quả tối ưu hóa các hàm mục tiêu cho thấy: y1, y3, y4 đạt cực<br />
đại và y2, y5, y6, y7 đạt cực tiểu tại Z1= 10% và Z2= 10 (ngày) có nghĩa là độ bền cơ lý đạt cực<br />
đại trong khi độ bền hóa thấp nhất nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép của vật liệu nên<br />
đáp ứng yêu cầu để chế tạo các sản phẩm chịu tác động ngoại lực lớn, ít chịu tác động của<br />
môi trường như thùng rác công cộng, hộp công tơ điện, tấm vách, tấm trần, các vật dụng gia<br />
đình, văn phòng như bàn ghế, tủ, kệ sách...<br />
+ Phương án 2: Các kết quả tối ưu hóa các hàm mục tiêu cho thấy: y2, y5, y6, y7 đạt<br />
cực đại và y1, y3, y4 đạt cực tiểu tại Z1= 30% và Z2= 16(ngày) có nghĩa là độ bền hóa đạt tối<br />
ưu trong khi độ bền cơ lý giảm nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép để chế tạo các sản<br />
phẩm chịu tác động ngoại lực thấp, chịu tác động của môi trường (nước, axit...) là chủ yếu<br />
như phao chỉ đường trên biển, thùng đựng hóa chất, nước...<br />
<br />
4. Kết luận<br />
Từ các kết quả nghiên cứu ở trên có thể rút ra được những kết luận sau đây:<br />
- Đã xác định được điều kiện tách và xử lý sợi dứa tối ưu làm tăng độ bền của sợi do<br />
vậy làm tăng độ bền của vật liệu PC. Tùy thuộc yêu cầu tính năng kỹ thuật và tính năng sử<br />
dụng của sản phẩm mà ta chọn phương án 1 hoặc phương án 2:<br />
+ Nếu sản phẩm đòi hỏi độ bền cơ học cao thì chọn phương án 1:<br />
Nồng độ NaOH: 10%; Thời gian ngâm: 10 ngày<br />
+ Nếu sản phẩm đòi hỏi độ bền môi trường cao thì chọn phương án 2:<br />
Nồng độ NaOH: 30%; Thời gian ngâm: 16 ngày<br />
- So với vật liệu PC phổ biến hiện nay (gia cường bằng sợi thủy tinh) thì vật liệu PC<br />
gia cường bằng sợi dứa dại có độ bền thấp hơn. Tuy nhiên sản phẩm đi từ PC gia cường sợi<br />
thiên nhiên nói chung, sợi dứa dại nói riêng lại có những ưu điểm như: giá thành hạ, tỷ trọng<br />
thấp (trọng lượng thấp với cùng thể tích), có khả năng phân hủy sinh học, chủ động được<br />
nguồn nguyên liệu sẵn có, dồi dào trong thế giới thực vật, dễ dàng gia công, không đòi hỏi kỹ<br />
thuật gia công phức tạp hay chi phí đầu tư cao.<br />
- Có thể gia công chế tạo các sản phẩm dân dụng như: tấm trần, sản phẩm thủ công mỹ<br />
nghệ, hộp công tơ điện, bàn ghế, tủ tường, thùng rác, thùng chứa nước, thùng chứa hóa chất...<br />
<br />
5. Kiến nghị<br />
- Nghiên cứu thêm một số phương pháp xử lý đối với sợi để có thể nâng cao tính chất<br />
cơ lý hóa cho vật liệu PC như phương pháp ủ nhiệt, phương pháp xử lý bề mặt sợi bằng<br />
plasma hoặc corona, phương pháp xử lý bằng axetal...<br />
- Nghiên cứu chế tạo vật liệu PC trên cơ sở sợi dứa dại và các nền nhựa khác như nhựa<br />
epoxy, nhựa nhiệt dẻo như PVC, PP, cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp... để mở rộng phạm<br />
vi ứng dụng.<br />
- Khảo sát thêm một số dạng sợi khác như dạng "mat", dạng vải dệt...<br />
- Để tận dụng các ưu và nhược điểm của loại sợi thiên nhiên (sợi dứa dại, sợi đay, sợi<br />
gai...) và sợi hóa học (sợi thủy tinh, sợi cacbon, sợi aramid..), nghiên cứu chế tạo vật liệu PC<br />
trên cơ sở gia cường phối hợp cả hai loại sợi.<br />
6. Hiệu quả kinh tế-xã hội<br />
Nếu đề tài được ứng dụng thực tế thì sẽ mang lại một số hiệu quả kinh tế như sau:<br />
- Hạ giá thành sản phẩm composite do đó làm cho loại vật liệu này thu hút được nhiều<br />
người sử dụng hơn.<br />
- Nâng cao hiệu quả sử dụng của lá dứa dại.<br />
- Góp phần thúc đẩy kinh tế của các vùng đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt.<br />
- Góp phần phủ xanh các vùng đồi trọc, ven biển, chống xói mòn, lũ lụt...<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Phạm Minh Hải, Vật liệu chất dẻo tính chất và công nghệ gia công, Trường Đại học<br />
Bách khoa Hà Nội, 1991.<br />
[2] Trần ích Thịnh, Vật liệu composite cơ học và tính toán kết cấu, Nhà xuất bản Giáo<br />
dục, 1994.<br />
[3] Trương Cao Suyền, Nguyễn Hữu Chi, Quy hoạch thực nghiệm, Trường Đại học Kỹ<br />
thuật Hồ Chí Minh, 1997.<br />
[4] X.L. AKHNADARÔVA, V.V KAPHARốP, Tối ưu hóa thực nghiệm trong Hóa học<br />
và Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Kỹ thuật Hồ Chí Minh, 1994.<br />
[5] Goodman I., Thys J.A, Polyester, London life Book Co, 1967.<br />
[6] Othio ASM, Fibre Composite Material, 1965.<br />
[7] Trung tâm nghiên cứu vật liệu polyme, Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM, Các<br />
tiêu chuẩn ISO xác định tính chất cơ lý của vật liệu polyme, 1994.<br />