JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00033<br />
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 52-58<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TÔ HOÀI<br />
TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM<br />
<br />
Vũ Thị Nga<br />
Khoa Khoa học Xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương<br />
<br />
Tóm tắt. Tô Hoài (1920-2014) là nhà văn luôn ý thức sâu sắc về việc sử dụng ngôn ngữ<br />
Tiếng Việt trong sáng tác nghệ thuật và qua các chặng đường sáng tác, Tô Hoài trở thành<br />
một trong những “bậc thầy” về ngôn ngữ văn chương. Nếu ngôn từ nghệ thuật là sự vận<br />
dụng ngôn từ của đời sống qua sáng tạo của người nghệ sĩ thì Tô Hoài đã tạo ra những giá<br />
trị đặc biệt trong ngôn từ nghệ thuật qua những truyện ngắn trước cách mạng, những truyện<br />
đánh dấu thành công trong chặng sáng tác đầu tiên của Tô Hoài. Ở những truyện ngắn này,<br />
Tô Hoài đã sử dụng hệ thống từ dân dã, gần với cuộc sống đời thường, ngôn từ hài hước, dí<br />
dỏm pha chút tinh quái và ngôn từ giàu chất thơ. Những đặc điểm này biểu hiện qua cách<br />
kể truyện, cách miêu tả và cách xây dựng nhân vật. Tô Hoài đã lựa chọn từ ngữ một cách<br />
kỹ lưỡng và có nhiều sáng tạo trong việc kể chuyện, tả cảnh, tả phong tục và khắc họa tính<br />
cách nhân vật. Ngôn từ thể hiện cảm quan nghệ thuật, sự tâm huyết của ông đối với nghề<br />
văn, một nghề mà ông gắn bó suốt cuộc đời.<br />
Từ khóa: Ngôn ngữ đời thường, hài hước, giàu chất thơ, gìn giữ ngôn ngữ Tiếng Việt, sáng<br />
tạo ngôn ngữ.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Tô Hoài (1920-2014) là tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn luôn<br />
ý thức sâu sắc về việc sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt trong sáng tác nghệ thuật và qua các chặng<br />
đường sáng tác, Tô Hoài trở thành một trong những “bậc thầy” về ngôn ngữ văn chương.<br />
Trong lịch sử nghiên cứu tác giả Tô Hoài, các nhà phê bình văn học trong nước đều quan<br />
tâm đến ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn và đã có những khảo sát khá cụ thể việc<br />
sử dụng ngôn từ của Tô Hoài.Tiêu biểu là các bài viết của tác giả Phan Cự Đệ [2], Hà Minh Đức<br />
[3], Trần Hữu Tá [6], Trần Đăng Suyền [9,10], Đoàn Trọng Huy [4] đã bàn đến một số đặc điểm<br />
trong ngôn ngữ nghệ thuật của Tô Hoài và lí giải cội nguồn của đặc điểm ngôn ngữ xuất phát từ<br />
cảm quan nghệ thuật của nhà văn. Tuy nhiên các bài viết chưa đi sâu vào phân tích từng đặc điểm<br />
trong ngôn từ nghệ thuật của Tô Hoài, càng chưa có sự khảo sát những biểu hiện của đặc điểm đó<br />
trong hệ thống các sáng tác của Tô Hoài. Các nhà nghiên cứu phê bình văn học ngoài nước càng<br />
ít có điều kiện tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài. Một số nhà nghiên cứu<br />
văn học Nga như Niculin, G.Gôlôpnep, Xtơrugatxki [8] mới chỉ bàn tới thành công của Tô Hoài ở<br />
các tác phẩm viết cho thiếu nhi như Dế Mèn phiêu lưu ký, Đảo Hoang. . . Trong bài viết này, người<br />
<br />
Ngày nhận bài: 15/1/2015 Ngày nhận đăng: 09/5/2015<br />
Liên hệ: Vũ Thị Nga, e-mail: vunga.cdhd@gmail.com<br />
<br />
<br />
52<br />
Ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn của Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám<br />
<br />
<br />
viết khẳng định những đóng góp của Tô Hoài về ngôn từ nghệ thuật từ chặng sáng tác đầu tiên,<br />
sáng tác trước cách mạng trong đó truyện ngắn giữ vai trò quan trọng. Người viết chỉ ra những đặc<br />
điểm ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn của Tô Hoài và hiệu quả của việc sử dụng các hệ thống<br />
ngôn ngữ Tiếng Việt trong sáng tác của nhà văn. Ngôn từ nghệ thuật hình thành nên phong cách<br />
nghệ thuật Tô Hoài và những đặc điểm ngôn từ, phong cách nghệ thuật còn được biểu hiện trong<br />
suốt quá trình sáng tác của nhà văn sau cách mạng.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Ngôn từ dân dã, gần với đời thường<br />
Cảm quan nghệ thuật của Tô Hoài là cảm quan hiện thực đời thường. Cảm quan ấy chi phối<br />
cách lựa chọn đề tài, nhân vật và ngôn từ tương ứng. Những truyện ngắn trước cách mạng của ông<br />
chủ yếu viết về cuộc sống nơi làng quê nghèo ngoại thành Hà Nội trong đó có số phận của những<br />
con người nhỏ bé. Đề tài ông khai thác không mới so với đề tài chung của văn học hiện thực nhưng<br />
sức hấp dẫn trong tác phẩm của ông là cách kể chuyện. Tô Hoài đã kể về những mảnh đời lam lũ,<br />
nghèo khó ở chốn quê bằng chính ngôn từ dân dã, mộc mạc và cách nói tự nhiên của người lao<br />
động.<br />
Trước Tô Hoài, Ngô Tất Tố đã kể về cuộc sống của người lao động bằng lời văn có phần dân<br />
dã khi sử dụng nhiều khẩu ngữ, thành ngữ; Nam Cao cũng đã kể về cuộc sống của những người<br />
ở chốn quê bằng giọng xót xa xen lẫn chiêm nghiệm, suy ngẫm. Đọc truyện ngắn của Tô Hoài, ta<br />
nhận ra một lối kể tự nhiên theo “cách” của người nhà quê bởi ông sử dụng nhiều khẩu ngữ, thành<br />
ngữ, tục ngữ trong lời kể. Thống kê 194 trang truyện (Phần truyện ngắn) của Tuyển tập Tô Hoài,<br />
Tập 1, NXB Văn học Hà Nội 1987có gần 300 khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ. Một trang trung bình<br />
có 1 đến 2 khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ. Sự sáng tạo của nhà văn về mặt ngôn từ là ông sắp xếp<br />
lượng khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ hợp lí trong lời kể để cách kể chuyện của ông tự nhiên mà<br />
không dễ dãi.<br />
Đọc các tác phẩm viết về người nhà quê của Ngô Tất Tố và Nam Cao ta vẫn thấy có khoảng<br />
cách giữa người kể chuyện và chuyện được kể. Dường như người kể chuyện thuật lại những gì đã<br />
quan sát, đã cảm nhận và từ lời kể khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc. Đọc truyện ngắn của Tô<br />
Hoài trước cách mạng, thấy mạch truyện tuôn chảy theo lời trần thuật của người trong cuộc hay tác<br />
giả đã “hóa thân” vào sự việc rất sâu.Người kể dường như đã nhập vai người được kể “Người ta ào<br />
ào kéo đi xem. Hóa ra không phải. Câu chuyện xoay nghiêng ra thế này: chẳng biết có một điều gì<br />
bực dọc, bà Móm giận con trai và nàng dâu. Không giận vừa vừa mà bà giận quá. Thế là cơn tức<br />
bừng bừng lên. Bà xắn hai mép váy, xăm xăm chạy ra ngoài ao giếng. Bà la vang cho cả bốn bên<br />
hàng xóm và cho vợ chồng thằng cả Mí biết rằng bà đương đi đâm đầu xuống ao đây” (Chớp bể<br />
mưa nguồn) [3;170]. Nếu là lời kể của người kể chuyện sẽ không có “vợ chồng thằng cả Mí” chỉ<br />
có bà Móm - người mẹ cùng con trai, con dâu bà xuất hiện trong lời kể khách quan. Khi đưa cụm<br />
từ có tính chất khẩu ngữ “vợ chồng thằng cả Mí”, “đâm đầu xuống ao đây” vào lời kể, Tô Hoài đã<br />
làm bật ra được cơn tức của bà Móm theo cách nói, cách nghĩ mộc mạc của người dân quê.<br />
Không phải lúc nào Tô Hoài cũng mượn lời nhân vật để kể chuyện của làng quê. Có lúc ông<br />
ở vai người kể chuyện nhưng kể chuyện làng xã bằng giọng của người nhà quê chính gốc, không<br />
uốn éo, bắt chước lối văn chương lãng mạn với những từ hoa mĩ mà sử dụng hệ thống ngôn từ của<br />
cuộc sống thường nhật “Ngày ấy, anh yêu một người con gái làng. Cô Pha. Hai người yêu nhau<br />
lăn lóc, mê tơi. Cả làng đồn ầm lên rằng thế nào tay đôi ấy cũng lấy nhau. Và chính cả tay đôi ấy<br />
cũng tin chắc chắn như thế. Yêu nhau rồi lấy nhau. Những ngày tháng sắp đến, bấm đốt ngón tay<br />
<br />
53<br />
Vũ Thị Nga<br />
<br />
<br />
mà tính trước được” (Một người ở xa về) [3;206]. Trong lời kể có “anh”, có “cô”, có “đôi ấy”, hai<br />
nhân vật và câu chuyện tình của họ nhưng cách dùng khẩu ngữ “lăn lóc, mê tơi”, thành ngữ “bấm<br />
đốt ngón tay” làm cho mối tình chân quê hiện ra như chính cuộc sống nơi đó. Trả về cho sự việc<br />
và những chuyện của chốn quê bản chất thực để từ đó mà gửi gắm niềm thương cảm sâu xa trước<br />
cuộc sống thôn quê, con người ở chốn quê. Đó là cách kể mang nét riêng của Tô Hoài trong đó hệ<br />
thống ngôn từ dân dã đời thường giữ vai trò biểu đạt chính.<br />
Những sáng tạo của Tô Hoài trong việc sử dụng hệ thống ngôn từ dân dã, gần với đời thường<br />
còn được biểu hiện qua nghệ thuật tả cảnh. Trước Tô Hoài, văn chương Tự lực văn đoàn rất chú<br />
trọng tả cảnh. Những cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng làm nền cho cảm xúc lãng mạn của các chàng<br />
và nàng khi đến với tình yêu “Ánh sáng buổi chiều đều đều và êm dịu; tiếng sáo diều ở đâu rất xa<br />
đưa lại, nhẹ như hơi gió. Dũng cảm thấy có một sự hòa hợp nhịp nhàng giữa cảnh chiều và lòng<br />
chàng lúc đó” [5;95]. Khác với các nhà văn lãng mạn, các nhà văn hiện thực ít tả cảnh. Nếu có tả<br />
cảnh cũng bằng nhãn quan hiện thực, cảnh đánh thức những ham muốn bản năng của con người<br />
hơn là khao khát yêu đương thiên về tinh thần như trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Tô Hoài có<br />
biệt tài tả cảnh sinh hoạt ở làng quê. Ông biết tận dụng hệ thống từ láy giàu sức gợi hình để hình<br />
ảnh con người cùng với sinh hoạt quen thuộc chốn quê hiện ra sống động “Bấy giờ khắp làng bày<br />
ra một cảnh lạ mắt. Ở các ngõ lố nhố chạy từng đám người. Đàn ông thì cởi trần trùng trục, đánh<br />
khố đơn. Đàn bà phong phanh cái yếm, đội sùm sụp chiếc nón. Còn trẻ con thì trần truồng như<br />
những viên đá cuội” (Nhà nghèo) [3;154]. Mỗi từ láy gây ấn tượng về một đối tượng đang sống ở<br />
chốn quê: đàn ông, đàn bà, trẻ con.Tất cả đều đơn giản, tuềnh toàng trong cách ăn mặc cũng như<br />
trong lối sống. Cảnh đi xem lễ hội đông đúc ở chốn quê cũng được miêu tả hết sức sinh động và rất<br />
gần gũi qua ngôn từ dân dã “Hôm đó, từ buổi trưa, sân đình đã đông ngộn, ghế người lên. Người<br />
đứng chen nhau, đen ngòm. Không một chỗ hở đủ cho đưa được một bước chân. Nghẹt quá, không<br />
thở được, trẻ con khóc inh ỏi như một đàn lợn bị chọc tiết” (Mùa ăn chơi) [3;225].<br />
Ở truyện ngắn của Tô Hoài trước cách mạng, chủ yếu là các nhân vật ở chốn quê và ông chú<br />
ý khắc họa tính cách “người quê” qua các cuộc đối thoại. Ông “để” họ nói chuyện với nhau theo<br />
kiểu của người nhà quê. Đó là cách nói có vận dụng nhiều khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ dân gian.<br />
Trong số 63 cuộc đối thoại trong truyện ngắn trước cách mạng thì có gần một nửa cuộc đối thoại<br />
có sử dụng khẩu ngữ, thành ngữ. Trong khẩu ngữ, lớp từ thông tục cũng được Tô Hoài “đặt” vào<br />
miệng nhân vật một cách tự nhiên, không chút gượng ép. Tô Hoài thường khơi ra từ những cuộc<br />
cãi cọ thường ngày của các cặp vợ chồng nghèo khó ở chốn quê vấn đề thân phận con người. Chỉ<br />
toàn cái “chẳng đâu vào đâu” mà chồng vợ cãi vã, xỉ vả nhau, làm cho nhau khổ. Không có cái bi<br />
thảm, dữ dội qua cái chết của các nhân vật là nông dân cùng quẫn như anh Đĩ Chuột trong truyện<br />
Nghèo của Nam Cao, chỉ thấy một nỗi xót xa dịu nhẹ, buồn thương mênh mang cho những cuộc<br />
đời mòn mỏi trong cái đói, cái nghèo:<br />
“Lão Múi cười khẩy đấy. Bà lão biết, và bà lão lấy thế làm sốt ruột. Bà cũng cười nhưng<br />
cười nhạt:<br />
- Mát mẻ gì thế?<br />
- Hừm! Ông lại thèm mát mẻ đứa nào à? Này, ông bảo thực. . . Này ông bảo thực cho mà<br />
biết. . .<br />
- Biết cái gì?<br />
- Ông không phải là con chó, biết chửa? Cu soong, Bú dù cái nhà quê nhà mày!<br />
- À! à. . . Ông có là chó đâu, ông có là chó đâu, ông chỉ được ăn hai bát cơm ngữ. Con chó<br />
thì vào nồi rồi (Ông dỗi) [3;239].<br />
<br />
<br />
54<br />
Ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn của Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám<br />
<br />
<br />
Có lẽ, trong các nhà văn hiện thực, Tô Hoài là người sử dụng những từ thông tục một cách<br />
rất dễ dàng nhưng lại có chừng mực thể hiện đúng bản chất người nhà quê. Họ thường nói huỵch<br />
toẹt những gì muốn nói, nhất là những lúc tức bực, lớp từ “tục” giúp họ giải tỏa nỗi bực bõ và điều<br />
đó chứng tỏ Tô Hoài không thi vị hóa nhân vật mà luôn quan tâm đến bản tính người trong các<br />
nhân vật của đời thường.<br />
2.2. Ngôn từ hài hước, dí dỏm pha chút tinh quái<br />
Tô Hoài sống gần với người lao động, hiểu nỗi khổ và hiểu cả tâm tính của họ. Một đặc<br />
điểm trong tính cách của người lao động là tính hài hước. Họ ưa hài hước và biết cách hài hước.<br />
Tô Hoài đã học được từ người lao động cách nói hài hước, dí dỏm và pha chút tinh quái của riêng<br />
ông. Tinh tế và tinh quái, Tô Hoài thường phát hiện những cảnh ngộ trớ trêu trong cuộc sống đời<br />
thường và có biệt tài sử dụng lớp từ gợi hình để liệt kê tỉ mỉ từng chi tiết của những cảnh ngộ trớ<br />
trêu đó. Cái cười ra nước mắt trước cái đói cái no pha trộn, cái buồn liền kề cái vui, bi kịch xen<br />
hài kịch của kiếp người nghèo đã được Nam Cao kể bằng giọng hài hước kín đáo qua truyện Một<br />
bữa no hay Một đám cưới, đến Tô Hoài, chuyện đáng cười của một người “ăn cho bõ tức” đến mức<br />
phải chịu “hậu quả” được kể bằng giọng hài hước, dí dỏm pha chút tinh quái. Ông thấu hiểu được<br />
“điểm yếu” của nhân vật và phô bày nó một cách tự nhiên và có vẻ tinh quái “Quả nhiên. Suốt đêm<br />
đó, lão Múi không chợp được mắt. Những quân vô danh vô thức nổi loạn trong bụng lão, kéo binh<br />
đi rầm rầm, ục ục. . . Lão nằm một tí, lại chạy ra đầu nhà. Lão nằm một tí. Lão lại phải chạy ra<br />
đầu nhà. Cứ thế! Cứ thế! Đến tận sáng bạch. Sáng ngày ra, ông mặt trời ló xuống, xiên vào ngắm<br />
nghía cái mặt tái ngoét của lão già. Những chòm râu vô tri dường như cũng phờ phạc, ngơ ngác.<br />
Lão nhọc quá, mệt quá” (Ông dỗi) [3;243]. Hàng loạt động từ nối tiếp, kết cấu câu lặp lại diễn tả<br />
trạng thái cuống cuồng của một người đi tháo dạ lại phải dấu che sự “trục trặc” của mình với người<br />
thân thành ra trớ trêu, buồn cười. Ta cười mà thương cho “cảnh trớ trêu” của những người trót “dỗi<br />
vợ” để phải rước vạ vào thân.<br />
Tô Hoài rất tinh nhạy khi phát hiện những cái bất bình thường trong những con người của<br />
đời thường. Sự bất bình thường ấy thường do một tác động nào đó của cuộc sống. Không chỉ giỏi<br />
phát hiện mà ông còn dùng ngôn từ hài hước, dí dỏm để miêu tả những cái “hơi trái lẽ thường”<br />
của con người. Đó là cái cách anh Cuông bày tỏ tình yêu với cô Mì trong truyện Lá thư tình đầu<br />
tiên. Nếu Cuông yêu Mì theo kiểu cổ điển như bao đời người quê vẫn yêu thì chuyện tình của anh<br />
chẳng có gì đáng nói. Cách yêu của Cuông khác với trai làng xưa nay là muốn bày tỏ tình yêu theo<br />
lối của người có học và “hiện đại”: viết thư. Điều đáng cười là Cuông “viết thư” nhưng lại chưa<br />
học chữ vỡ “con chữ”. Cái cảnh anh cố gắng dãi bày lòng mình trên trang giấy thật khó nhọc đến<br />
mức đáng thương. “Anh xé ở cuối vở ra một trang giấy. Anh đặt lên trên bìa sách, vuốt hai mép cho<br />
thật phẳng, rồi từ từ nằm bò xuống. Cái bút chấm vào lọ mực tím cứ hí hoáy đưa ngòi bút. Chiếc<br />
ngòi bút sắt, bên ánh đèn, lấp lánh màu mực, đưa đi theo dòng kẻ, như ngượng nghịu reo lên cồn<br />
cột vì được gặp mặt tờ giấy trắng. Một chữ, lại ngừng. Một chữ viết, lại rụt rè xóa. Có khi cố gắng<br />
và đam mê công việc quá, Cuông ngoẹo cổ, trợn lồi mắt lên, méo xệch mồm để đẩy nét chữ o cho<br />
được tròn trịa” (Lá thư tình đầu tiên) [3;180]. Dáng vẻ khổ sở của anh trai si tình muốn “làm mới”<br />
tình yêu được phóng đại đôi chút qua một loạt động từ đặt trong các câu liệt kê hành động khiến<br />
người đọc buồn cười nhưng là cái cười nhẹ nhàng vì chút “gồng mình” của Cuông cũng dễ gặp ở<br />
những ai thích khoe mẽ với đời.<br />
Làng quê của Tô Hoài cũng chịu tác động của quá trình “Âu hóa” nên ông hay nhận ra<br />
những cái khác thường của các nhân vật “mới nổi” ở làng quê. Khi khắc họa chân dung của các<br />
nhân vật “trưởng giả học làm sang” ở chốn quê, ông hay dùng động từ và từ láy. Về điểm này, Tô<br />
<br />
55<br />
Vũ Thị Nga<br />
<br />
<br />
Hoài có phần giống Nguyễn Công Hoan khi khắc họa chân dung tầng lớp quan lại. Để tạo điểm<br />
nhấn về cái bất bình thường của ngoại hình nhân vật, ông dùng hệ thống động từ: “Ông đi khệnh<br />
khạng với điệu vung vinh ghê. Mặt ông vểnh lên. Hai cánh ria mũi mác đen đen cũng vểnh ra. Hai<br />
cái ria, nom thú vị lạ. Nó tựa như ai viết một chữ bát vào giữa mặt ông nhang Chỉnh. Cái chữ bát<br />
hơi mấp máy, động đậy. Ấy là lúc ông đương hể hả lắm. Ông đương sửa soạn một nụ cười tủm”<br />
(Bức vẽ truyền thần) [3;290]. Trong miêu tả ngoại hình, Tô Hoài thường chú ý tả mặt. Cái thói háo<br />
danh của ông nhang Chỉnh được lột tả qua cái mặt được tô vẽ hào nhoáng mà trơ trẽn “Ông nhang<br />
Chỉnh chít khăn đen nhánh. Cái mặt ông thực hệt là... cái mặt ông. Đủ hai tai, hai mắt, mắt có lông<br />
mày cẩn thận. Trên mồm, chỉnh chện hai cái mác ria đen nhọn hoắt. Sao mà khéo thế, tài thế” (Bức<br />
vẽ truyền thần) [3;291]. Cụm từ “cái mặt ông” được ngắt quãng bởi từ so sánh và dấu ba chấm tạo<br />
nên bất ngờ trong suy nghĩ, hình dung của người đọc về nhân vật “học đòi”. Từ ngữ miêu tả sắc<br />
sảo kết hợp với lời bình tạo nên nét tinh quái, ngụ ý phê phán mỉa mai nhẹ nhàng mà sâu cay<br />
Với cảm quan hiện thực, kết hợp với khả năng quan sát tinh tế và vốn từ học được từ người<br />
lao động, Tô Hoài tả cái gì ra cái nấy, không nhạt nhòa vì đã thoát khỏi công thức miêu tả có sẵn.<br />
Đối với các nhân vật ở làng quê du nhập lối sống “đô thị” ông không có giọng đả kích gay gắt như<br />
Nguyễn Công Hoan, cũng không có giọng cay độc như Vũ Trọng Phụng, giọng mỉa mai chua chát<br />
như Nam Cao mà có giọng nhẩn nha, nhẹ nhàng. Ông tả cụ thể từng chi tiết để từ những chi tiết<br />
lộ ra sự bất bình thường ở người đàn ông nhà quê theo đòi người “kẻ chợ” “Người ấy, đầu đội một<br />
chiếc mũ cát két bằng vải mông ta nhắc, sọc đen sọc trắng lẫn lộn. Cái lưỡi trai lật ngược ra đằng<br />
sau gáy, tỏ vẻ một tay ăn chơi. Chiếc áo bành tô vàng sọng có một chuỗi khuy đồng trước ngực. Ở<br />
cửa tay, ở hai bên cổ, ở những miệng túi, cả ở hai bên ngực, cũng rải rác những khuy nhỏ. Làm gì<br />
mà lủng củng những khuy. Và đến túi cũng lắm. Túi nhỏ, túi lớn. Túi ở hai bên bẹn, túi ở hai bên<br />
ngực, túi ở hai bên trong lườn. Giá mà để đựng tiền thì đựng biết bao nhiêu tiền cho đầy” (Một<br />
người đi xa về) [3;203]. Kiểu liệt kê “ở”; “ở”, “cả ở”, lặp từ “túi” (5 lần), khuy (3 lần) đã hướng<br />
sự chú ý của người đọc đến những cái chướng mắt trong trang phục của “người ấy”. Thêm một từ<br />
thông tục “hai bên bẹn” cho biết “người ấy” trong cách đánh giá của dân làng như thế nào. Anh ta<br />
học làm sang nhưng vẫn lòi cái đuôi thô kệch của dân quê và sự thay đổi của anh ta đáng chê hơn<br />
đáng khen. Giả sử thay từ “bẹn” bằng từ “hông” thì có lẽ tính cách và nhân cách của “người ấy” sẽ<br />
được nhìn ở một góc độ khác.<br />
Tả thế giới loài vật, Tô Hoài vẫn giữ giọng hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Ông phát hiện những đặc<br />
tính của các con vật và miêu tả rất sinh động bằng giọng hài hước pha chút tinh quái khi gắn đặc<br />
tính của loài vật với đặc tính của con người “Con gà ri nhỏ bé cũng đa tình lắm. Nó có cái tật mê<br />
gái, như tính chung của loài gà - cả loài người, khi mới lớn lên. Nó yêu rất ham, mặc dù con đường<br />
tình của nó khó khăn và gặp nhiều trở ngại lớn” (Con gà trống ri) [3;302]. Thủ pháp nhân hóa<br />
phát huy tác dụng bởi tác giả sử dụng hệ thống ngôn từ giàu chất tạo hình và dí dỏm. Thế giới loài<br />
vật hiện lên sinh động và gợi suy ngẫm về tính cách con người trong những hoàn cảnh sống khác<br />
nhau.<br />
2.3. Ngôn từ giàu chất thơ<br />
Điểm hấp dẫn trong ngôn từ của Tô Hoài trong lời tả là sự kết hợp giữa ngôn từ của đời<br />
thường giản dị, mộc mạc đôi khi khá thô tục nhưng cần thiết để cá thể hóa nhân vật và hệ thống<br />
ngôn từ giàu chất thơ. Hai đặc điểm của ngôn từ tưởng như khác biệt lại cùng thể hiện trong những<br />
trang viết của Tô Hoài tạo được sự bất ngờ, thú vị khi đọc văn của ông.<br />
Tô Hoài có tài quan sát cảnh sắc và truyền hồn vào cảnh sắc qua lối miêu tả đượm chất trữ<br />
tình. Ngôn từ trong các đoạn tả cảnh giàu nhạc điệu vì được sắp đặt rất khéo léo về thanh điệu và<br />
<br />
56<br />
Ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn của Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám<br />
<br />
<br />
hình ảnh “Làng ven sông có một phong cảnh khá nên thơ. Chiều chiều rợp nắng, chúng tôi thường<br />
ngồi thuyền mà đi dạo mát trên sông Đuống. Dòng sông Đào lờ đờ chảy giữa hai bên bờ chen<br />
nhau mọc những hàng dâu mát rượi, những rặng tre lả ngọn quyện trên mặt nước. Đằng xa, nổi<br />
lên nền lá xanh một dịp cầu tre mảnh khảnh. Cảnh trí hệt như một bức tranh thủy mặc” (Đi tắm<br />
đêm) [3;183]. Cảnh mùa xuân gợi cảm được khắc họa bằng những chi tiết hết sức nhẹ nhàng, êm<br />
ái. Mạch từ ngữ chậm bởi từng câu ngắn, lặp từ đều đều, gợi cảm giác lâng lâng vì có sự kết hợp<br />
hài hòa của thanh điệu trong câu và đọng ở những từ cuối câu “Đã có mưa bụi. Về buổi sáng, từng<br />
cơn mưa nhỏ rây bụi nước bay vân vân, phủ mịt mờ trong cánh đồng. Cỏ xanh rời rợi. Cây lên ngút<br />
ngàn. Mùa xuân mới sang rồi” (Mùa ăn chơi) [3;223]. Mùa xuân về với làng quê nhưng trong cách<br />
cảm nhận của một tâm hồn phơi phới lúc tuổi dậy thì lại ở các gam màu và đường nét chấm phá<br />
“Mùa xuân đã trở về, sang đầu tháng hai. Mọi làng đều có vào đám. Ngoài vườn, trên các lối xóm,<br />
những cây xoan gầy, thân mốc trắng, giơ lên những cẳng tay đen đủi, trơ trụi, đã trổ từng túm lá<br />
tơ. Trong những đám lá nhỏ, xanh rờn vân vân ấy, nhoi ra từng chùm nụ be bé. Gặp mưa bụi li ti,<br />
những chùm nụ nở hoa. Hoa xoan nhỏ cánh chấu, tim tím, trăng trắng, vừa nở lại vừa rụng phơi<br />
phới trong mưa xuân” (Vợ chồng trẻ con) [3;223].<br />
Giọng điệu nhẹ nhàng, giàu chất thơ làm nên một Tô Hoài lịch lãm mang chất Hà Thành<br />
đặc biệt khi viết về phong tục ở làng quê ngoại ô Hà Nội. Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên,<br />
ông đã bộc lộ rõ sở trường đó khi lựa chọn ngôn từ thích hợp cho việc miêu tả phong tục “Năm<br />
ấy, làng Nghĩa Đô vào đám tháng hai. . . Bên góc sân, phía gốc đã dựng lên một rạp chèo. Bốn cái<br />
cọc tre, đỡ một nền sàn bằng ván gỗ vuông vắn, trên phủ một lá cót, che mưa nắng. Đêm đêm có<br />
hát chèo. Ngày mười một, các cụ trong làng phảng sắc vào một cái long đình, gõ chuông coong<br />
coong, rước loanh quanh thôn này qua thôn khác. Người ta nghỉ ngơi, ăn uống và tối đến lũ lượt<br />
ra cửa đình xem hát chèo” (Mùa ăn chơi) [3;224]. Lời văn gợi không khí cổ xưa qua những từ chỉ<br />
thời gian vừa cụ thể vừa ước lệ như trong truyện cổ tích. Cùng với lớp từ chỉ thời gian là từ chỉ<br />
hoạt động của con người nối nhau như điểm lại các sự việc từ bao đời thành nếp sống quen thuộc<br />
ở làng nhưng sao năm nào người ta cũng náo nức đợi chờ. Qua cách tả phong tục, Tô Hoài đã nâng<br />
niu giá trị văn hóa của làng quê.<br />
Bản lĩnh của nhà văn có nghề hiển hiện ngay trong lối tả thành thạo, kĩ càng mà không<br />
rườm rà, không nhạt. Cách tả ấy là điểm mạnh của Tô Hoài khi viết về thế giới loài vật. Ngôn từ<br />
giàu chất thơ đã giúp Tô Hoài viết về thế giới loài vật rất tinh tế và luôn giữ được vẻ hồn nhiên,<br />
trong sáng. Cuộc sống của Đôi ri đá được miêu tả rất lặng lẽ, bình dị: “Gió may trở về từ lâu, hiu<br />
hiu và hiền lành. Sáng hôm sau, trời đổ mưa xuống đều đều, nhưng không to lắm. Vòm không mù<br />
trắng những nước. Và trời cứ mưa đều đều, lai rai, nhỏ nhẻ như thế, hết ngày ấy sang ngày khác.<br />
Đôi chim ri cũng phải ở trong nhà. Chúng nằm do dó mà nhìn ra xem mưa. Chao ôi! Cái thứ trời gì<br />
mà cứ xối mãi nước xuống, xối mãi nước xuống. Mưa ba hôm, đôi chim bắt đầu thấy buồn buồn”<br />
[3;311]. Trong lời văn dịu nhẹ ẩn chứa một nỗi xót xa, ngậm ngùi cho thân phận nhỏ bé của loài<br />
chim và cũng là nỗi xót xa cho những kiếp người thấp cổ bé họng, muốn có sự bình yên cũng khó.<br />
Trong quá trình hiện đại hóa văn xuôi đầu thế kỉ XX, Tô Hoài cũng như các nhà văn thời kì<br />
1930-1945 ít dùng lời cảm để tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng tính khách quan của chủ nghĩa<br />
hiện thực. Tuy nhiên vẫn có thể nhận thấy một Tô Hoài đa cảm qua lời cảm xen trong lời kể. Không<br />
có lời triết lí về nhân sinh trong cuộc bể dâu và hay những lời đay nghiến trước đổi thay của lòng<br />
người, đen bạc của cuộc đời mà chỉ thấy những cảm xúc nhẹ nhàng, buồn lặng về một thời bình<br />
yên đã qua. Ngôn từ giàu chất thơ tạo nên giọng điệu hoài niệm vốn là một đặc điểm trong sáng<br />
tác của Tô Hoài.<br />
<br />
<br />
<br />
57<br />
Vũ Thị Nga<br />
<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Trong cuộc cách tân mạnh mẽ của văn xuôi giai đoạn 1930-1945, Tô Hoài đã chọn một con<br />
đường riêng nhưng vẫn không xa rời trào lưu chung là góp phần hoàn thiện quá trình hiện đại hóa<br />
văn học nhất là ở phương diện ngôn từ nghệ thuật. Ông đã nắm bắt được nguồn mạch vô tận của<br />
ngôn ngữ đời sống và từ đó miệt mài chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp với hiện thực mà ông miêu<br />
tả. Ông trở về với làng quê và nói bằng ngôn từ của làng quê nên văn ông rất gần gũi, giản dị. Sự<br />
sâu lắng chứa đựng trong cách nói nhẹ nhàng có sức chinh phục người đọc bởi sự chân thật.<br />
Tô Hoài không trong “tốp đầu” của văn học hiện thực bởi vì trước ông đã có các cây đại thụ<br />
của văn học hiện thực nhưng khi ông xuất hiện, người ta vẫn thấy một phong cách riêng độc đáo.<br />
Ông góp phần gìn giữ sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt. Không phải là quá khi có nhà phê<br />
bình đã ca ngợi ông “Tô Hoài và Nguyễn Tuân đều là chuyên gia tiếng Việt siêu hạng. Họ là hai<br />
nhà văn rất Việt Nam trong số các nhà văn Việt Nam tiền chiến” [8;167]. Truyện ngắn chỉ là một<br />
mảng nhỏ trong các sáng tác của Tô Hoài trước cách mạng nhưng đã lóe lên những tia sáng của<br />
một tài năng.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Nam Cao, 2005. Tuyển tập truyện ngắn. Nxb Văn học, Hà Nội.<br />
[2] Phan Cự Đệ, 1974. Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Tập 1, Tập 2. Nxb Đại học và Trung học<br />
chuyên nghiệp, Hà Nội.<br />
[3] Hà Minh Đức, 1987. Lời giới thiệu Tuyển tập Tô Hoài, tập 1. Nxb Văn học Hà Nội.<br />
[4] Đoàn Trọng Huy, 2002. Tô Hoài, Lịch sử Văn học Việt Nam. Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.<br />
[5] Nhất Linh, 1990. Đôi bạn. Nxb Văn học, Hà Nội.<br />
[6] Trần Hữu Tá, 1990. Tô Hoài, Lịch sử văn học Việt Nam, tập 2. Nxb Văn học, Hà Nội.<br />
[7] Ngô Tất Tố, 1987. Tắt đèn. Nxb Văn học, Hà Nội.<br />
[8] Nhiều tác giả, 2001. Tô Hoài về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục, Hà Nội.<br />
[9] Trần Đăng Suyền, 2010. Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nxb<br />
Khoa học Xã hội.<br />
[10] Trần Đăng Suyền, 2011. Đặc sắc ngôn ngữ nghệ thuật của Tô Hoài. Tạp chí Nghiên cứu văn<br />
học số 12 năm 2011.<br />
ABSTRACT<br />
The literary language in To Hoai’s short stories before August Revolution<br />
To Hoai (1920-2014) is the writer who was always deeply aware of using Vietnamese<br />
language in literary writing. Going through different stages of his writing career, he became a<br />
master of literary language. Assuming that literary language is the use of the language of life<br />
in the writer’s creation, To Hoai created special values in literary language expressed in his<br />
pre-revolutionary stories marking the success in the first phase of To Hoai’s writing career. In these<br />
short stories, To Hoai used a system of rustic, daily life language with a witty mischievous verbal<br />
humour as well as richly poetic words. These characteristics are shown in his way of storytelling<br />
together with describing and building characters. To Hoai chose his words carefully and showed<br />
his rich creativeness in telling stories, depicting landscapes, describing customs and portraying<br />
characters’ personality. To Hoai’s verbal system expressed his sense of art, and his devotion to the<br />
writing career to which he dedicated his whole life.<br />
Keywords: Daily life language, humour, richly poetic, Vietnamese language preserved,<br />
creativeness language.<br />
<br />
58<br />