TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72A, số 3, năm 2012<br />
<br />
NGỮ NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ NGHĨ TRONG TIẾNG VIỆT<br />
Nguyễn Thị Thu Hà<br />
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế<br />
<br />
Tóm tắt. Bài viết này không chỉ thu thập nghĩa của động từ nhận thức “nghĩ” trên<br />
cơ sở định nghĩa của từ điển mà còn xem xét những ngữ cảnh khác nhau nơi động<br />
từ này có thể xuất hiện và được thay thế bởi các từ đồng nghĩa. Điều này cho phép<br />
chúng ta hình dung một cách đầy đủ những đặc trưng ngữ nghĩa của “nghĩ” và<br />
những từ đồng nghĩa với nó trong tiếng Việt.<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
Hoạt động nhận thức là hoạt động bản chất và đặc thù của con người. Thời nào<br />
và ở đâu cũng thế, con người không thể tồn tại và phát triển nếu không có nhận thức.<br />
Nhưng hoạt động này có tính tinh thần, hoàn toàn trừu tượng, diễn ra không có một dấu<br />
vết nào, nhờ phương tiện ngôn ngữ mà được di chuyển ra bên ngoài. Chính ở đây, trong<br />
quá trình sáng tạo ngôn ngữ, con người đã có nhu cầu gọi tên hoạt động này bằng một<br />
số các từ ngữ gọi chung là từ ngữ chỉ hoạt động nhận thức, bao gồm nghĩ, nghĩ bụng,<br />
tính, đoán, suy, động não, lưu tâm, hiểu, biết, nhớ, quên, nhận thấy, vỡ vạc... Trong số<br />
này, chúng tôi quan tâm đến động từ nghĩ.<br />
Nghĩ được chọn làm từ đại diện cho nhóm này là bởi:<br />
- Nó được xem là từ nguyên sơ (primary word) của ngôn ngữ tự nhiên, thuộc<br />
vào những từ có năng lực làm siêu ngôn ngữ để giải thích, minh họa cho các từ phức<br />
tạp khác trong phạm trù ngữ nghĩa liên quan đến hoạt động nhận thức. Điều này đã<br />
được A. Wierzbicka công bố trong cuốn sách Các sơ giản ngữ nghĩa (Semantic<br />
primitives) vào năm 1972 (được bổ sung qua các năm 1980, 1996), trong đó động từ<br />
think (nghĩ) được xếp vào mục vị từ tinh thần (cùng với know, want, feel, see, hear).<br />
- Nó cùng với một số động từ cảm nghĩ cơ bản khác (hiểu, biết, cảm thấy, tin,<br />
yêu, muốn...) tạo nên một tiểu hệ thống từ vựng quan trọng nối kết với thế giới tinh thần<br />
thầm kín của con người.<br />
2. Nghĩa của động từ nghĩ trong tiếng Việt<br />
Trong Giáo trình Việt ngữ (1962), căn cứ vào ý nghĩa khái quát của các vị từ,<br />
Hoàng Tuệ đã xếp biết, hiểu vào động từ biểu thị trạng thái nhận thức, và xếp nghĩ vào<br />
động từ biểu thị hoạt động nhận thức. Chúng tôi tán thành cách phân loại này.<br />
111<br />
<br />
Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên ghi lại nghĩa của biết như sau:<br />
1. vận dụng trí tuệ vào những gì đã nhận biết được, rút ra nhận thức mới để có ý<br />
kiến, sự phán đoán, thái độ. Nghĩ mưu kế. Nghĩ cách đối phó.<br />
2. có ở trong tâm trí, nhớ đến, tưởng đến. Đi xa, lúc nào cũng nghĩ về quê hương.<br />
Nghĩ đến công ơn cha mẹ<br />
3. cho là/rằng sau khi đã nghĩ. Tôi nghĩ thế nào anh ấy cũng đến.<br />
Trên cơ sở lời giải nghĩa của từ điển, căn cứ vào một số ngữ cảnh mà động từ<br />
nghĩ xuất hiện, khi xem xét nghĩ trong sự liên hệ ngữ nghĩa với một số các động từ<br />
nhận thức gần nghĩa với nó, chúng tôi nhận thấy nghĩa của nghĩ trong tiếng Việt có<br />
những thuộc tính sau:<br />
a. +/- tính đánh giá, tính nhận định của chủ thể nhận thức đối với đối tượng<br />
nhận thức (kí hiệu: + :có , - :không có )<br />
-/+ tính đánh giá, tính nhận định: nghĩ<br />
- tính đánh giá, tính nhận định: cho (rằng/ là)<br />
Nghĩ có thể xuất hiện trong những phát ngôn đơn giản, hầu như chỉ thuần túy<br />
giới thiệu tình trạng của các sự việc còn cho rằng/ là, thấy luôn trình bày một sự đánh<br />
giá, một cách nhìn, một sự suy xét có tính phân loại, tuyển lựa, nghĩa là ở đó đối tượng<br />
nhận thức được +/- đồng tình, được đánh giá đúng/ sai, được giải thích, phân loại theo<br />
những cách chủ quan của người nói, và vì thế, cho rằng/ là, thấy thường xuất hiện trong<br />
những phát biểu có tính nhận định, có tính đánh giá.<br />
So sánh:<br />
(Nghe tiếng gõ cửa), ai đó có thể nói:<br />
- Tôi nghĩ anh ta đến.<br />
- Sofa đã uống những thứ ngon nhất của họ. Cô ta nghĩ là tôi không để ý, cô ấy<br />
liếc nhìn tôi. (dẫn theo Juri)<br />
- Anh nghĩ là em đỏ mặt à, còn lâu!<br />
- Nhìn cậu tươi tỉnh thế kia không ai nghĩ là cậu đau đâu.<br />
với những phát ngôn có tính đánh giá rõ ràng như:<br />
- Tôi cho rằng đây là sai lầm của chúng ta.<br />
- Cậu đúng khi cho rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.<br />
- Từ đó Hợi hoàn toàn cự tuyệt tôi, cho tôi là xảo trá, hèn hạ, không xứng đáng<br />
với tình yêu của Hợi. (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai)<br />
- Tôi thấy chẳng có mất mát gì lớn ở đây cả.<br />
112<br />
<br />
- Tớ thấy anh ta chẳng có năng lực gì.<br />
Rõ ràng, thấy, cho rằng/là... trong hầu hết các ngữ cảnh đều chỉ ra những phát<br />
biểu có tính đánh giá (đúng, sai, cần thiết/ không cần thiết…) và vì vậy, thường được sử<br />
dụng trong cấu trúc kiểu như: thấy ai đó/ cái gì đó như thế nào; trong khi đó nghĩ có<br />
thể xuất hiện trong những phát ngôn đơn giản, không có tính đánh giá.<br />
Tuy nhiên sẽ không bao quát đầy đủ ngữ nghĩa của nghĩ nếu chúng ta chỉ giới<br />
hạn nghĩa của nghĩ vào những phát ngôn đơn giản, thuần tuý phản ánh tình trạng của sự<br />
việc như đã nói, vì trong nội bộ ngữ nghĩa của nghĩ có một vùng hoạt động như nghĩa<br />
của cho là/rằng, thấy, tức nghĩ cũng mang hàm lượng đánh giá về đối tượng và lúc này,<br />
có thể nói nghĩ đồng nghĩa với cho là/rằng, thấy. Xem xét những ví dụ sau:<br />
- Tôi cho rằng/ nghĩ đây là sai lầm của chúng ta.<br />
- Cậu đúng khi cho rằng/ nghĩ điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.<br />
- Từ đó Hợi hoàn toàn cự tuyệt tôi, cho/ nghĩ tôi là xảo trá, hèn hạ, không xứng<br />
đáng với tình yêu của Hợi. (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai)<br />
- Tôi thấy/ nghĩ chẳng có mất mát gì lớn ở đây cả.<br />
- Tôi nghĩ/thấy cô ấy quá tệ khi cư xử với anh như thế.<br />
- Tôi nghĩ/ cho rằng/thấy chúng ta không nên ở lại đây (khi mà không khí căng<br />
thẳng thế này)<br />
Ở đây, tính nhận định, đánh giá thể hiện rõ qua sự kết hợp giữa những động từ<br />
nhận thức: nghĩ, cho (rằng/ là), thấy + sự bình giá: đúng/ sai, +/- cần thiết, +/- đến lúc,<br />
+/- có lí ... Ví dụ:<br />
- Cậu đúng khi cho rằng/ nghĩ rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.<br />
- Tôi nghĩ/cho rằng chúng ta đã sai lầm khi đánh giá anh ta quá thấp.<br />
- Tôi nghĩ/ cho rằng đã đến lúc (cần thiết/không cần thiết) phải đưa ra những<br />
quyết định cuối cùng.<br />
- Tôi nghĩ/ cho rằng nhất thiết chúng ta phải kiểm tra thông tin này.<br />
- Đã đến lúc tôi nghĩ không biết có nên gắn bó tiếp với anh nữa hay không. (Ăn<br />
mày dĩ vãng – Chu Lai)<br />
Từ sự phân tích trên đây (trong sự liên hệ với cho là / rằng), chúng tôi nhận thấy<br />
cho là/ rằng bao giờ cũng mang sự đánh giá chủ quan của chủ thể phát ngôn nhưng nghĩ<br />
có thể chỉ là hoạt động nhận biết đối tượng một cách thuần túy, không nhất thiết phải kèm<br />
theo yếu tố bình giá hay nhận định. Nhưng khi nghĩ xuất hiện trong những phát ngôn thể<br />
hiện sự đánh giá chủ quan của người nói, lúc này có thể thấy nghĩ đồng nghĩa với cho<br />
là/rằng (đây chính là nghĩa thứ 3 của nghĩ được giải nghĩa ở trong từ điển tiếng Việt).<br />
113<br />
<br />
Yếu tố chủ quan trong những phát ngôn do nghĩ đảm nhiệm được "nén" trong<br />
những cấu trúc như: Không biết làm sao lại nghĩ như thế (về ai đó). Cấu trúc này được<br />
chính chủ thể hoặc của người đứng ngoài sử dụng nhằm "đặt vấn đề" trở lại với những<br />
gì chủ thể đã nghĩ.<br />
b. +/- Mức độ chắc chắn trong sự phỏng đoán của chủ thể<br />
+ mức độ cao: tin<br />
+ mức độ chắc chắn không được rõ ràng (dè dặt, khiêm tốn): nghĩ<br />
Nghĩ khác với tin nếu không muốn nói là trái ngược với tin trên tất cả các cấp<br />
độ của sự phỏng đoán (mà sự phỏng đoán thường không có gì là chắc chắn, và giá trị<br />
chân thực của những phỏng đoán đó vẫn còn là câu hỏi ở thời điểm hiện tại).<br />
Những phát biểu kiểu như Tôi nghĩ là anh đang nói dối chỉ ra một sự phỏng<br />
đoán và bản thân người nói cũng hết sức dè dặt, họ thấy không có gì là chắc chắn trong<br />
những phán đoán của chính mình. Trong khi đó, chủ thể của những phát ngôn: Tôi tin là<br />
anh đang nói dối dù ý thức về tính phỏng đoán trong lời nói của mình, họ đồng thời<br />
cũng cho thấy sự chắc chắn của bản thân khi nói ra điều đó bởi họ có kinh nghiệm, có<br />
sự quan sát, có xem xét tình hình rồi, và cũng có thể do họ có niềm tin như thế rồi. Vậy<br />
nên, khi Tôi nghĩ là…, Tôi tin là… xuất hiện trong lời nói, “nhân vật tôi” muốn cho thấy<br />
rằng “tôi”có thái độ dè dặt hay chắc chắn đối với điều được phỏng đoán. Nếu nói Tôi<br />
nghĩ anh ta sẽ quay lại thì việc anh ta quay lại là có khả năng, là chưa chắc chắc và<br />
không có căn cứ nên người nói tỏ ra dè dặt. Nhưng khi nói Tôi tin rằng anh ta sẽ quay<br />
lại thì người nói chịu trách nhiệm về những gì mình nói, dù người nói ít nhiều tỏ ra vô<br />
can với mệnh đề P.<br />
Nếu chủ ngữ của cho là/ rằng thường có vẻ khiêm tốn hơn khi trình bày quan<br />
điểm của anh ta, những điều "tôi" nói ra ở mệnh đề P chỉ là một ý kiến trao đổi với<br />
người đối thoại, chỉ là phỏng đoán chủ quan của cá nhân, chưa phải là điều khẳng định<br />
hay phủ định hoàn toàn. Có lẽ vì thế mà anh ta có sự chuẩn bị để chấp nhận quan điểm<br />
của phía bên kia, nếu nó gần với thực tế hơn quan điểm của anh ta. Trong khi đó chủ<br />
ngữ của tin thì được khẳng định hơn, ít có tính thăm dò, ít cho phép phía bên kia (phía<br />
người đối thoại) đúng.<br />
Thực ra sự phân biệt tin và nghĩ căn cứ vào thuộc tính này liên quan đến cái<br />
chúng ta gọi là động từ trong ngoặc (parenthetical verb, cách gọi của J.O.Urmson) hay<br />
tiểu từ tình thái (modal particle, cách gọi của Aijmer Karin) hay là toán tử logic - tình<br />
thái (cách gọi của Hoàng Phê). Lúc này, tin và nghĩ không đơn giản là động từ phản ánh<br />
những hoạt động nhận thức của thế giới nội tâm con người mà chúng đã làm nên bộ<br />
phận tình thái của câu, phản ánh thái độ, sự đánh giá,... của người nói đối với điều được<br />
nói đến.<br />
114<br />
<br />
c. +/- sự nỗ lực của ý chí, nỗ lực của trí óc chủ thể<br />
+/- sự nỗ lực của ý chí, nỗ lực của trí óc chủ thể: nghĩ, đoán<br />
+ sự nỗ lực của ý chí, nỗ lực của trí óc chủ thể: cân nhắc, xem xét<br />
Sự phân biệt này liên quan đến một sự thật là một suy nghĩ (sản phẩm của tư<br />
duy), một nhận thức ngắn gọn, đơn giản về đối tượng nào đó có thể xuất hiện trong đầu<br />
mà không đòi hỏi một nỗ lực nào của ý chí. Chúng ta có thể kiểm tra nước tắm và nói: Tôi nghĩ khoảng 40 độ; trả lời câu hỏi (về việc ai gọi điện thoại): - Cậu nghĩ là ai gọi?<br />
Ai đó có thể trả lời: Tớ nghĩ/đoán là anh ta; trả lời câu hỏi: - Chị biết mấy giờ tàu đến<br />
không? - Chị cũng không rõ lắm, nhưng chị nghĩ khoảng 8 giờ, bình thường khoảng 8<br />
giờ là nó đến.<br />
Rõ ràng, không cần một sự tính toán, một nỗ lực nào về mặt trí tuệ để có được<br />
kết luận vừa nêu, vậy nên không lạ khi xuất hiện những kết hợp như nghĩ đại ở trong<br />
tiếng Việt (chẳng hạn: Mày nghĩ đại đi, lí do nào cũng được/ nghĩ đại một cái tên nào<br />
đó cũng được, đừng để họ nghi ngờ). Đặc biệt là đoán, đoán có thể là: đoán mò, đoán<br />
đại, đoán chừng, nó là sản phẩm tức thời ngay cả khi có vẻ như có một sự đầu tư nỗ lực<br />
như trong thành ngữ đoán già đoán non thì thực chất tính chân lí của nó vẫn không hề<br />
được bảo đảm, gần như hú họa, trúng được đâu hay đó. Cân nhắc, xem xét ít thích hợp<br />
trong ngữ cảnh này bởi vì chúng thường xuất hiện trong những tình huống phức tạp hơn,<br />
tình huống đòi hỏi xuất hiện một ý kiến đánh giá chứ không phải là những phát ngôn<br />
nêu ra một thực tế hoặc thuần túy miêu tả thực tế như trên.<br />
Như vậy, thuộc tính có hay không sự tham gia của ý chí/ nỗ lực cá nhân khi định<br />
hình sự đánh giá phụ thuộc vào bản chất của tình huống đang được xét:<br />
- Tình huống càng phức tạp, thì những cách hiểu có thể có về đối tượng càng lớn,<br />
tình huống càng khó để nhìn ra sự thật thì sự biện hộ/ sự bào chữa cho các kết quả nhận<br />
thức của chủ thể càng lớn bấy nhiêu và vì thế càng đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía chủ thể.<br />
Ở đây, sử dụng cân nhắc, xem xét là thích hợp.<br />
Và :<br />
- Tình huống càng đơn giản, càng rõ ràng và ít quan trọng bao nhiêu thì càng thích<br />
hợp để sử dụng nghĩ vì nó không nhất thiết phải đòi hỏi nỗ lực.<br />
Tuy nhiên, không nhất thiết phải đòi hỏi nỗ lực không có nghĩa lúc nào nghĩ<br />
cũng hoạt động ở vùng ngữ nghĩa này, vì bên cạnh nghĩ đại (tức không đòi hỏi nỗ lực)<br />
lại có nghĩ nát óc, vắt óc suy nghĩ, nghĩ nát nước, nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ được, nghĩ<br />
nhiều, hay nghĩ, bắt đầu nghĩ, đủ tỉnh táo để nghĩ, v.v... Chúng không đơn giản là sự<br />
tiếp tục hay bắt đầu trạng thái nhận thức mà là ý chí của người nói. Lúc này vắt óc suy<br />
nghĩ, nghĩ nát nước, nghĩ đi nghĩ lại nghĩ được, nghĩ nhiều, hay nghĩ, đủ tỉnh táo để<br />
nghĩ, v.v... thích hợp khi chúng ta cần nhấn mạnh lượng nỗ lực của trí óc đã tiêu hao, đã<br />
huy động hoặc sự khó khăn của nỗ lực này. Ví dụ:<br />
115<br />
<br />