NHẬN THỨC VỀ KHÁI NIỆM VĂN HÓA TRONG QUAN HỆ VỚI HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO CỦA CON NGƯỜI
lượt xem 19
download
Xét trên bình diện lý luận và phương pháp luận, văn hóa và con người luôn có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau. Không thể nói đến văn hóa mà không có con người, cũng như không thể nói đến con người - Con Người (viết hoa) - mà tách rời văn hóa. Với cách đặt vấn đề như thế, bài tham luận ngắn này sẽ đề cập đến mấy nội dung chủ yếu sau:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: NHẬN THỨC VỀ KHÁI NIỆM VĂN HÓA TRONG QUAN HỆ VỚI HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO CỦA CON NGƯỜI
- NHẬN THỨC VỀ KHÁI NIỆM VĂN HÓA TRONG QUAN HỆ VỚI HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO CỦA CON NGƯỜI GS.TS. Phạ m Xuân Nam (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) Xét trên bình diện lý luận và phương pháp luận, văn hóa và con người luôn có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau. Không thể nói đến văn hóa mà không có con người, cũng như không thể nói đến con người - Con Người (viết hoa) - mà tách rời văn hóa. Với cách đặt vấn đề như thế, bài tham luận ngắn này sẽ đề cập đến mấy nội dung chủ yếu sau: 1. Như mọi người đều biết, trong công trình Văn hóa nguyên thủy (xuất bản lần đầu năm 1871), nhà nhân học Anh Edward B. Tylor đã đưa ra định nghĩa: "Văn hóa hay văn minh, hiểu theo nghĩa rộng nhất về dân tộc học của nó, là toàn bộ phức thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và những khả năng, những tập quán mà con người có được với tư cách là thành viên xã hội" [1]. Cho đến nay, phần lớn các nhà nghiên cứu văn hóa đều xem đây là định nghĩa khoa học đầu tiên về khái niệm văn hóa, mặc dù danh từ văn hóa -
- cultura đã xuất hiện khá sớm trong đời sống ngôn ngữ ở cả phương Đông và phương Tây. Ở phương Đông, Mạnh Tử - người kế thừa và phát triển xuất sắc học thuyết của Khổng Tử - đã nói: "Thánh nhân dùng văn hóa của Hoa Hạ để thay đổi phong tục của người Di, người Địch, chứ chưa ai nói người Hoa Hạ bị người Di, người Địch giáo hóa lại" [2]. Trong khi đó, ở phương Tây, Cicéron - nhà hùng biện thời cổ La Mã - cũng từng có nhận xét: "Triết học là văn hóa (sự vun trồng) tinh thần" [3]. Mở rộng nghĩa bóng của từ văn hóa vốn đã được dùng ở thời La Mã cổ đại, nhà văn hóa học Pháp Abraham Moles cho rằng: "Văn hóa - đó là chiều cạnh trí tuệ của môi trường nhân tạo do con người xây dựng nên trong tiến trình đời sống xã hội của mình" [4]. Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Trung Quốc Đàm Gia Kiện lại quan niệm: "Nghĩa của văn hóa có rộng có hẹp, song trong đó có các mặt chủ yếu không ngoài chế độ điển chương (văn trị), tập tục xã hội, văn học, nghệ thuật, triết học, tôn giáo, khoa học kỹ thuật" [5]. Với cách suy nghĩ và trình bày độc đáo của một nhà văn hóa lớn, Jawaharlal Nehru lại tập trung làm nổi bật lên bản chất nhân tính nằm ở tầng sâu ngữ nghĩa của từ văn hóa. Ông đặt ra các câu hỏi và tự trả lời: "Văn hóa - đó có phải là sự phát triển nội tại của con người hay không? Tất nhiên rồi. Đó có phải là cách ứng xử của anh ta với người khác không? Nhất định là phải. Đó có phải là khả năng làm cho người khác hiểu mình không? Tôi cho là như vậy" [6]. Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng có những nhận thức nhiều ít khác nhau về khái niệm văn hóa. Trong công trình Việt Nam văn hóa sử cương (xuất bản lần đầu năm 1938), học giả Đào Duy Anh quan niệm: "Văn hóa là cách sinh hoạt của người" [7]. Nhà văn hóa học Vũ Khiêu thì cho rằng: "Văn hóa thể hiện trình độ được vun trồng của con
- người, của xã hội... Văn hóa là trạng thái con người ngày càng tách khỏi giới động vật, ngày càng xóa bỏ những đặc tính của động vật, để khẳng định những đặc tính của con người" [8]. Cũng theo dòng mạch suy nghĩ này, Nguyễn Hồng Phong đã định nghĩa: "Văn hóa là cái do con người sáng tạo ra, là nhân hóa" [9]. Có thể nói, mỗi định nghĩa kể trên đều góp phần làm rõ khía cạnh này hay khía cạnh khác của khái niệm văn hóa, song không phải định nghĩa nào cũng được chấp nhận và sử dụng một cách rộng rãi. Với mong muốn có được một định nghĩa về văn hóa bảo đảm cho sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống tổ chức của mình, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 31 (11-2001) đã nêu lên đề nghị: "Văn hóa nên được xem là một tập hợp (the set) các đặc điểm nổi bật về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm của xã hội hay một nhóm xã hội, và ngoài văn học và nghệ thuật, nó còn bao gồm lối sống, cách thức cùng chung sống, các hệ thống giá trị, các truyền thống và tín ngưỡng" [10]. Rõ ràng, sự đa dạng của các định nghĩa về văn hóa bắt nguồn từ sự đa dạng trong cách tiếp cận, và do đó dẫn đến những cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Dominique Wolton đã nêu ra ba cách hiểu khái niệm văn hóa trong một số ngôn ngữ chính của phương Tây: i) Văn hóa theo nghĩa cổ của tiếng Pháp chỉ sự sáng tạo, chỉ các tác phẩm; ii) Văn hóa trong tiếng Đức gần với văn minh, bao hàm các giá trị, các biểu tượng và di sản được công nhận và chia sẻ trong một cộng đồng người nhất định; iii) Trong tiếng Anh, văn hóa mang tính nhân học hơn và bao gồm cả lối sống, phong cách, cách cư xử thường ngày, hình ảnh và những điều thần bí" [11]. Ở Việt Nam, Trần Ngọc Thêm cho rằng: Khái niệm văn hóa có thể quy về hai cách hiểu chính - theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Còn về cách định nghĩa, thì có định nghĩa miêu tả và định nghĩa nêu đặc trưng. Trong loại định nghĩa nêu đặc
- trưng, lại phân biệt ba khuynh hướng: i) Khuynh hướng coi văn hóa là những kết quả (sản phẩm) nhất định; ii) Khuynh hướng xem văn hóa như những quá trình; iii) Khuynh hướng xem văn hóa như những quan hệ, những cấu trúc [12]. Nhìn chung, mỗi cách hiểu, cách định nghĩa về khái niệm văn hóa đều là kết quả của một cách tiếp cận, qua đó nhà nghiên cứu xây dựng cho mình một công cụ nhận thức, một quan niệm làm việc, bảo đảm cho sự nhất quán của những vấn đề văn hóa sẽ được bàn đến. 2. ở đây, xuất phát từ quan điểm về sự gắn bó máu thịt giữa văn hóa và con người, như trên đã nói, chúng tôi thử tiếp cận bản chất của văn hóa từ nhiều chiều cạnh, nhiều lớp quan hệ khác nhau: Thứ nhất, xét theo con đường và phương thức hình thành, văn hóa là hoạt động sinh sống có ý thức của con người. "Hoạt động sinh sống có ý thức của con người" [13], như C. Mác nói, là cái riêng có ở con người, phân biệt con người với con vật, đời sống con người với đời sống con vật. Hoạt động đó diễn ra với sự hình thành một cách song trùng các mối quan hệ của con người với giới tự nhiên và quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Con vật, loài vật không có bất cứ hoạt động và mối quan hệ nào với ý nghĩa là hoạt động và quan hệ có ý thức. Con vật chỉ hoạt động, chỉ quan hệ theo nhu cầu thể xác trực tiếp của nó, tức hoạt động và quan hệ theo bản năng sinh vật. Trái lại, hoạt động của con người là hoạt động có ý thức. Con người không chỉ lấy cái sẵn có trong tự nhiên mà còn biến đổi nó, làm thêm cho tự nhiên những cái mà tự nhiên không có. Sự biến đổi giới tự nhiên, "tạo một cách thực tiễn ra thế giới vật thể" [14], được xem như giới tự nhiên thứ hai - xã hội và lịch sử, đó là nhờ con người có ý thức, dùng ý thức chi phối bản năng, dùng lao động mà cải biến tự
- nhiên, tạo ra sản phẩm "theo quy luật của cái đẹp" [15], đồng thời cải biến chính bản thân mình. C. Mác nói rằng: Bằng lao động tự do, "con người nhân đôi mình không chỉ về mặt trí tuệ như xảy ra trong ý thức nữa, mà còn nhân đôi mình một cách hiện thực, một cách tích cực và con người ngắm nhìn bản thân mình trong thế giới do mình sáng tạo ra" [16]. Như vậy, chỉ những hoạt động nào là tích cực, hướng tới sự nảy nở và phát triển, có ích cho cuộc sống của con người, nâng cao cả thể lực, trí lực và tâm lực của con người thì những hoạt động ấy mới được xem là văn hóa. Những hoạt động nào đối lập với tính chất và mục đích ấy đều xa lạ với văn hóa, thậm chí là phản văn hóa. Những hoạt động như thế "luôn thể hiện tính chất phi nhân tính, làm lu mờ bản chất con người, thậm chí dừng lại ở tính động vật... Nó uốn lệch và phá vỡ các hoạt động định hướng trước cái hoàn thiện. Nó bị cầm tù trong sự chi phối của cái giả, cái ác và cái xấu" [17]. Rõ ràng, cần khu biệt những hoạt động văn hóa với những hoạt động phản văn hóa để thấy rõ khái niệm văn hóa chỉ dung nạp những cái gì tốt đẹp, tích cực, tiến bộ, phát triển, bồi dưỡng và phát huy nhân tính, xứng đáng với con người. Thứ hai, xét theo thuộc tính và đặc trưng cơ bản, văn hóa là một quá trình sáng tạo của con người. Trong lịch sử nhân loại, ta từng biết đến nhiều sáng tạo lớn lao của con người - với tư cách là mỗi cá nhân và cả cộng đồng - được ghi nhận như những mốc đánh dấu các thời kỳ phát triển văn hóa như những sáng chế ra các loại công cụ sản xuất từ đồ đá đến đồ đồng, đồ sắt...; những phát minh ra các phương tiện giao tiếp như chữ viết, con số...; những sáng tạo trong các lĩnh vực triết học, văn học, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, v.v...
- Mỗi một sáng chế, phát minh, sáng tạo đó vừa là kết quả của quá trình hoạt động tự do, lao động tự do của con người, vừa là động lực thúc đẩy con người vươn tới một trình độ tự do ngày càng cao hơn. Ph. Ăngghen vi ết: "Mỗi bước tiến lên trên con đường văn hóa lại là một bước tiến tới tự do" [18] là với ý nghĩa như thế. Có thể khẳng định rằng, quá trình sáng tạo bao giờ cũng gắn liền với sự phát hiện ra cái mới, khai phá con đường mới, thoát ra khỏi những lối mòn, sự sao chép, bệnh giáo điều để vươn tới sự phát triển năng động. Nhiều kết quả của một quá trình sáng tạo thường kéo theo nó những quá trình tái tạo nhất định. Nếu hoạt động sáng tạo thúc đẩy sự phát triển văn hóa về chất - cả chất bộ phận hay chất toàn thể - thì hoạt động tái tạo lại nhân lên những thành tựu sáng tạo văn hóa về lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ rộng rãi của cộng đồng - từ thị tộc, bộ lạc, bộ tộc, dân tộc đến toàn nhân loại, và từ thế hệ này đến thế hệ khác. Như vậy, hoạt động tái tạo có tác dụng bảo tồn và phổ biến các sản phẩm văn hóa. Vì cũng là một hoạt động sinh sống có ý thức của con người, nên nhiều khi ngay trong quá trình tái tạo lại có những yếu tố sáng tạo tăng thêm. Tuy vậy, cần nhấn mạnh rằng: chỉ có hoạt động sáng tạo mới là quá trình tạo ra sản phẩm văn hóa gốc, còn các hoạt động tái tạo là quá trình tạo ra các sản phẩm phái sinh. Không có hoạt động sáng tạo thì không có một hoạt động tái tạo nào. Thứ ba, xét theo kết quả và vai trò định hướng cho sự phát triển của con người, văn hóa là giá trị - hệ giá trị. Kết quả của những hoạt động sinh sống có ý thức của con người, đặc biệt là những hoạt động sáng tạo, đáp ứng yêu cầu tồn tại và phát triển của bản thân con người - đó chính là những giá trị văn hóa. Những hình thái biểu hiện của giá trị văn hóa có thể là vật phẩm, công cụ, phương tiện, tư liệu sinh hoạt (giá trị văn hóa vật thể); cũng có thể là tư tưởng, ý thức, ngôn ngữ, định luật và luận điểm khoa
- học, hình ảnh và hình tượng nghệ thuật, đạo lý và niềm tin, phong tục tập quán và lối sống (giá trị văn hóa phi vật thể). Các sản phẩm văn hóa đi vào đời sống, được trao đổi, tiêu dùng và cảm thụ bởi những công chúng lớn nhỏ khác nhau: từ một nhóm người, một cộng đồng xã hội, một quốc gia dân tộc đến cả nhân loại. Do đó, lẽ đương nhiên, nhiều sản phẩm văn hóa xuất hiện với tư cách là những thực thể hàng hóa trên thị trường và được định giá bằng tiền. Song không phải bất cứ các giá trị văn hóa nào cũng có nội dung kinh tế và đo đếm được bằng tiền bạc. Những phát minh khoa học, những sáng tạo nghệ thuật, những học thuyết, lý luận, tư tưởng mở đường cho sự nghiệp giải phóng con người và thúc đẩy xã hội phát triển với dấu ấn nổi bật của các vĩ nhân, các thiên tài nằm trong những trường hợp đó... Chúng có sức sống mãnh liệt trong tâm thức và tinh thần của con người và loài người. Chúng trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng đi vào lịch sử và sống mãi với thời gian. Chúng là những sản phẩm vô giá [19]. Là kết quả của những hoạt động sinh sống có ý thức, đồng thời là những hoạt động sáng tạo của con người, các giá trị văn hóa một khi đã hình thành, được cộng đồng chấp nhận thì nó lại có tác động ngược trở lại với tư cách vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy các hoạt động ấy. Do hoạt động của con người, năng lực sáng tạo của con người là hết sức đa dạng, nên những giá trị mà họ tạo ra cũng rất đa dạng. Nhiều giá trị được tập hợp theo một hệ thống nào đó thì gọi là hệ giá trị. Hầu hết, nếu không nói là tất cả các nhà nghiên cứu và hoạt động văn hóa đều xem chân - thiện - mỹ là hệ giá trị phổ quát của văn hóa. Vấn đề khác nhau là ở chỗ hệ giá trị phổ quát này được cụ thể hóa và vận dụng như thế nào đối với từng dân tộc, từng giai tầng xã hội, từng nhóm người, thậm chí đến từng cá nhân trong các thời gian và không gian khác nhau.
- Nếu trừu tượng hóa đi những chi tiết khác biệt về nội dung và hình thức biểu hiện giữa các dân tộc và giữa các thời đại, ta có thể thấy: - Biểu hiện nổi bật của "chân" là cái thật, cái đúng, là chân lý khách quan. Giá trị của cái đúng, cái thật luôn có sức lôi cuốn người ta đi tìm chân lý, nhận thức chân lý. "Chân" yêu cầu không chỉ năng lực hiểu biết, khám phá, sáng tạo mà còn cả thái độ ứng xử một cách trung thực, chân thành. Chân giá trị là giá trị đích thực, nó đối lập với cái giả - cả sự giả dối, lừa bịp lẫn sự giả tạo, khiên cưỡng. - Biểu hiện tập trung của "thiện" là cái tốt, sự tử tế, tình cảm vị tha, lòng nhân ái. "Thiện" đối lập với ác như cái tốt đẹp đối lập với cái xấu xa. "Thiện" là đặc trưng của tính người và tình người. Tính thiện, tấm lòng từ thiện và làm việc thiện đi liền với nhau trong một con người là điều cơ bản của con người có đạo đức. Định hướng giá trị vào cái "thiện", con người có khả năng vươn tới cái tốt, nảy nở lòng nhân ái, từ đó mà có thái độ lịch sự, lòng khoan dung, độ lượng trong văn hóa ứng xử. - Biểu hiện điển hình của "mỹ" là cái đẹp. Cái đẹp thể hiện nổi bật trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, đồng thời cái đẹp có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống con người: trong đạo đức và lối sống, trong lời nói và cử chỉ giao tiếp, trong thái độ và hành vi ứng xử giữa người với người. Cái đẹp còn hiện diện trong cả lĩnh vực tư duy, tư tưởng. Đó là sự hài hòa thẩm mỹ giữa nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Đó cũng là chất lượng thẩm mỹ trong tư duy lôgích chặt chẽ, chính xác, trong trí tưởng tượng sáng tạo mà người ta gọi là "sức bay của tư tưởng" - một nhân tố rất quan trọng của hoạt động nghiên cứu, phát minh, sáng tác [20]. Cần nói thêm rằng: chân - thiện - mỹ (cái thật, cái tốt, cái đẹp) không tách rời nhau mà đan xen với nhau, bổ sung cho nhau. Cái thật chỉ trở thành đẹp khi nó gắn
- liền với cái tốt. Cái tốt làm cho cái thật và cái đẹp được tôn lên. Còn cái đẹp trước hết phải là cái tốt và cái thật. Theo Mạnh Tử, "Người mà lòng thiện phát lộ tràn trề, mỗi cử động đều hợp với điều thiện thì gọi là mỹ" [21]. C. Mác cũng đã nói đại ý: Từ những con người lao động đang làm việc cật lực để tạo ra những sản phẩm tốt và có ích cho xã hội, chúng ta nhìn ra cả cái đẹp của loài người. Nhưng C. Mác đã không chỉ nói đến cái tốt, cái đẹp của lao động cơ bắp mà còn thấy những giá trị đó được nhân lên trong hoạt động trí tuệ sáng tạo của con người thể hiện ở những thành tựu khoa học ngày càng cao, đến mức trở thành "lực lượng sản xuất trực tiếp", trở thành "những cơ quan trực tiếp của quá trình sống hiện thực" [22]. Với cái nhìn thực tế, văn học dân gian Việt Nam cũng có câu: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" với ngụ ý không thể dùng vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài để che giấu cái giả, cái xấu ở bên trong. Tóm lại, bằng cách tiếp cận hệ thống cấu trúc liên hoàn: hoạt động - sáng tạo - giá trị văn hóa kể trên, chúng tôi đã trình bày nhận thức của mình về khái niệm văn hóa. Hoạt động - sáng tạo - giá trị văn hóa là ba khâu gắn bó chặt chẽ với nhau. Do đó có thể nói liền mạch là hoạt động sáng tạo giá trị văn hóa hoặc chỉ nói gọn là hoạt động sáng tạo văn hóa. Với nhận thức ấy, thiết nghĩ sẽ là không cần thiết nếu lại đưa thêm ra một định nghĩa nữa về khái niệm này (trong khi đã có hàng trăm định nghĩa khác rồi). 3. Trên tinh thần đó, chúng tôi chủ trương chọn lấy một định nghĩa phù hợp đã có. Đó chính là định nghĩa của Hồ Chí Minh. Người viết: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn" [23].
- Người còn chỉ ra năm điểm lớn trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc. Đó là: xây dựng tâm lý, xây dựng luân lý, xây dựng xã hội, xây dựng chính trị, xây dựng kinh tế. Như vậy, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, văn hóa có nh ững đặc trưng nổi bật sau đây: - Văn hóa là những sáng tạo và phát minh của con người, thuộc về con người và vì mục đích cuộc sống của chính con người. - Những sáng tạo và phát minh đó thể hiện sự thích ứng một cách có ý thức của con người trong quan hệ với tự nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển. - Văn hóa bao gồm những giá trị, những sản phẩm cả vật chất và tinh thần. - Các yếu tố cấu thành văn hóa rất phong phú, thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, chứ không chỉ là văn học, nghệ thuật. - Văn hóa không tách rời mà có nhiệm vụ xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó nhiệm vụ xây dựng tâm lý, luân lý - thực chất là xây dựng nhân cách văn hóa của con người - được đặt lên hàng đầu. Chính là phải nhìn nhận văn hóa với nội hàm và chức năng bao quát như trên, chúng ta mới có căn cứ lý luận và phương pháp luận vững chắc để đi sâu phân tích hai vấn đề chủ chốt được đặt ra nghiên cứu của chương trình đề tài KX.03/06-10 là phát triển văn hóa và xây dựng con người ở nước ta hiện nay. Cũng có thể bàn thêm về con người và xây dựng con người trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau theo định hướng của những giá trị văn hóa tương thích, đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc và xu thế của thời đại. Song đó là chủ đề của một bài viết khác.
- Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2007 Bài đã trình bày tại Hội thảo về cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn hoá và con người do Chương trình KX.03/06-10 tổ chức ngày 5-1-2008 tại Hà Nội, công bố trên vanhoahoc.edu.vn với sự đồng ý của tác giả. [1]. E.B. Tylor: Primitive Culture. London 1871. Dẫn theo C.P. Kottak: Cultural Anthropology. New York 1979, p.4. Nguyễn Tấn Đắc dịch và giới thiệu. [2]. Tứ th do Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận biên dịch. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2003, tr. 634 [3]. Dẫn theo Nguyễn Khoa Điềm (chủ biên): Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr. 13 [4]. Abraham Moles: Sociodynamique de la culture. Paris 1967. Bản dịch tiếng Nga, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1973, tr. 83 [5]. Đàm Gia Kiện (chủ biên): Lịch sử văn hóa Trung Quốc, do Chương Chính, Nguyễn Thạch Giang dịch. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1993, tr. 818 [6]. The Time of India, số ra ngày 9-4-1950.
- [7]. Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương. Nxb Văn hóa -Thông tin, Hà Nội 2000, tr. 10-11 [8]. Vũ Khiêu: Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng văn hóa. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1987, tr. 8 [9]. Nguyễn Hồng Phong: Báo cáo khoa học về đề tài KX..06.12 (1995). [10]. UNESCO Universal Declaration on Cultural Diversity, 2 November 2001. Bản dịch của ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. [11]. Dominique Wolton: Penser la communication. Paris 1997. [12]. Xem Trần Ngọc Thêm: Khái luận về văn hóa. In trong cuốn Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 17-19 [13]. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 42. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 136 [14]. Nh trên, tr. 136 [15]. Nh trên, tr. 137 [16]. Nh trên, tr. 137 [17]. Như Thiết: Phản văn hóa và quá trình phát triển xã hội Việt Nam hiện nay. In trong cuốn Mấy vấn đề văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay, do Vũ Khiêu, Phạm Xuân Nam, Cao Xuân Phổ đồng chủ biên. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1993, tr. 97-98 [18]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, tập 20. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1994, tr. 164
- [19]. Xem Hoàng Chí Bảo: Nhận thức về văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa. Tài liệu đánh vi tính - Hà Nội 2004, tr. 27 [20]. Xem Hoàng Chí Bảo. Tài liệu đã dẫn, tr. 31 [21]. Tứ thư, Sđd, tr. 600 [22]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, tập 46, phần II. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 372-373 [23]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 431
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC
11 p | 452 | 117
-
ĐỐI CHIẾU CẤP ĐỘ NGỮ PHÁP
4 p | 507 | 64
-
BÀN THÊM VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA
16 p | 217 | 60
-
ĐỐI THOẠI CÙNG BẠN ĐỌC VỀ KHÁI NIỆM "VĂN HÓA" VÀ CẤU TRÚC VĂN HÓA
6 p | 161 | 45
-
Ngữ nghĩa học – khái niệm và phạm vi nghiên cứu
4 p | 477 | 39
-
Thân chủ và mối quan hệ giữa thân chủ với nhà tham vấn- nhìn từ các cách tiếp cận tâm lý trị liệu chính yếu
17 p | 522 | 36
-
Hôn nhân theo góc nhìn triết học - 1
6 p | 219 | 35
-
DANH NHÂN TRIẾT HỌC - Jean Francois Lyotard với thực tại luận và tri thức
12 p | 152 | 34
-
Lý luận thực tiễn vào xây dựng nền kinh tế tại Việt Nam -4
5 p | 104 | 28
-
BẢN CHẤT VÀ QUY LUẬT CỦA ĐỜI SỐNG TINH THẦN
9 p | 94 | 16
-
Một số vấn đề về chuẩn mực hoá ngôn ngữ Tiếp nhận từ của ngoại ngữ trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ
4 p | 143 | 16
-
NHẬN THỨC KHOA HỌC 5
11 p | 68 | 7
-
Văn hóa nghề - yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
5 p | 71 | 7
-
Bài giảng Triết học Mác - Lênin: Chương 3 - Phép biện chứng (Dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh các ngành Khoa học xã hội và nhân văn)
16 p | 16 | 6
-
Bài giảng Triết học Mác - Lênin: Chương 7 - Ý thức xã hội (Dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh các ngành Khoa học xã hội và nhân văn)
17 p | 59 | 6
-
Đề cương chi tiết học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh - Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh (ĐH Thái Nguyên)
29 p | 9 | 4
-
Doanh nhân - Trí thức trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp
6 p | 79 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn