intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nhận thức về quá khứ trong "Di cảo thơ" của Chế Lan Viên

Chia sẻ: Milu Nguyen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

145
lượt xem
18
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong Di cảo thơ có trên dưới năm chục bài viết trực tiếp hoặc có hình ảnh về cuộc sống đã đi qua. Trong đó, có 23 bài viết trong hai năm 1987-1988 (hai năm đầu khi đất nước và văn học tiến hành công cuộc đổi mới) hoặc viết trước đó nhưng hoàn thành vào hai năm này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nhận thức về quá khứ trong "Di cảo thơ" của Chế Lan Viên

  1. Nhận thức về quá khứ trong "Di cảo thơ" của Chế Lan Viên Trong Di cảo thơ có trên dưới năm chục bài viết trực tiếp hoặc có hình ảnh về cuộc sống đã đi qua. Trong đó, có 23 bài viết trong hai năm 1987-1988 (hai năm đầu khi đất nước và văn học tiến hành công cuộc đổi mới) hoặc viết trước đó nhưng hoàn thành vào hai năm này. Nhận thức về quá khứ là một vấn đề lớn, nhiều khi lại vượt sang những lĩnh vực khác mà người làm văn nghệ khó am tường hết nên có thể chưa nói đúng, nói trúng tất cả những gì đã diễn ra trong lịch sử. Bởi vậy, qua khảo sát Di cảo thơ, bài viết này tập trung vào những vấn đề xuất hiện nhiều và rõ nét nhất mà Chế Lan Viên đề cập đến để rút ra những cảm nghĩ về tác giả về vấn đề phức tạp này. 1. Trước hết về vấn đề truyền thống lịch sử. Số bài, số câu viết về chủ đề này không nhiều song lại giúp người đọc nhìn nhận khá cụ thể thông điệp của tác giả.
  2. Nhận thức về đặc điểm lịch sử của nước ta đã có nhiều người đề cập đến, nhưng các ý kiến đó thường nghiêng về những thuận lợi. Ở Chế Lan Viên lại khác, ông cho rằng từ lúc sinh ra, dân tộc ta đã phải chống chọi với giặc giã, với những âm mưu… Mà tuổi thơ thường chưa nhận thức hết được những âm mưu. Giặc ngoại xâm tràn đến đồng loã với nạn lũ lụt, hạn hán hoành hành. Cái vòng xoáy dữ dằn đó luôn chụp xuống đầu dân tộc ta suốt mấy ngàn năm: “Đất nước gì mà tuổi trong nôi đã phải nhảy lên mình ngựa thép đi đánh giặc/ Đang cưỡi trâu, chơi cờ lau cũng phải bỏ chơi mà đánh giặc/ Chiếc gối lông nga cũng có âm mưu của giặc trộn vào/ Yêu mà bị chém rơi đầu vì Mị Châu hoá giặc!/ Cho đến cùng phải hoá Sơn Tinh, Thuỷ Tinh/ Đánh giặc cùng nhau huy động núi non, lũ lụt vào vòng chiến tình yêu/ Mà cướp một cô Nàng” (Đất nước ta)(1). Trong một lần khác, Chế Lan Viên lại khắc sâu thêm đặc điểm này nhưng không phải như một số người chỉ nghiêng về ý chúng ta có truyền thống chống giặc từ lúc mới lập nước mà với ý nghĩa là từ lúc sinh ra dân tộc ta đã phải đối phó với giặc ngoại xâm: “Ở đất nước ba tuổi đã rời nôi lên ngựa sắt/ Tuổi trẻ chơi lau đã chơi trò đánh giặc/ Kiếm làm cho con rùa không thể yên thân trong cuộc sống thường…” (Sử)(2). Câu chuyện Mị Châu – Trọng Thuỷ đã được Tố Hữu đề cập đến trong bài thơ Tâm sự để gửi gắm suy nghĩ về bài học cảnh giác của lịch sử. Trong Di cảo thơ, Chế Lan Viên cũng vài lần nhắc đến bi tình này. Một mặt, để nói về tình yêu bị những âm mưu chính trị lừa dối. Một mặt khác, để nói đến nỗi oan vượt ra ngoài nỗi oan riêng của Mị Châu mà chúng ta cần cảnh giác, đừng để tái diễn. Cái mới của thơ Chế Lan Viên là ở chỗ đó: “Còn cái lông nga ấy bây giờ đâu?/ Ai biết?!/ Có lẽ nó bay trên đầu những người oan khuất/ Đang chờ người yêu và vết chém sau lưng” (Lông nga máu)(3). Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ sau khi có một trăm người con đã phải chia tay nhau, kẻ lên rừng, người xuống biển phải được nhìn nhận ly hôn là để tồn tại, để mưu sinh. Có ý kiến cho rằng giống Rồng và giống Tiên không hợp nhau nên phải chia tay là không thoả đáng. Sự chia tay ở đây đồng nghĩa với sự tồn tại và phát triển của giống nòi. Cuộc chia tay được Chế Lan Viên diễn tả xoắn lòng như vòng xoắn của Loa Thành. Khi nhớ đến những người con ra bể, mẹ Âu Cơ vô cùng đau xót nghĩ đến những đứa chịu rủi ro. Với nhận thức giàu tính nhân văn như thế, thơ Chế Lan Viên
  3. đã thực sự làm mới hơn truyền thống lịch sử của cha ông: “Chúng ta là con của mây cha ta và sóng bể mẹ ta từng ly biệt/ Xoắn lòng ta như Loa Thành tự buổi An Dương Vương/ Mẹ Âu Cơ nghe lòng trong bể động và bể im không tiếng sóng/ Trăm trứng hồng của mẹ kia, trứng nào sẽ thoát khỏi đau thương?” (Sử)(4). Những bài thơ viết về Nguyễn Trãi và nhất là về Nguyễn Du trong Di cảo thơ cho thấy sự trăn trở của Chế Lan Viên về di sản văn hoá, văn học của dân tộc. Viết về Nguyễn Trãi, nhà thơ thấm thía nỗi đau và oan khuất của thi hào. Mỗi dòng thơ có một từ “máu”, từ “máu thấm” cho đến “máu đỏ lòm” và “máu của hồn oan”. Nhưng cao hơn là sự bất tử của “ngọc sáng ngời” của con người và của thơ:“Giọt máu thấm từ trang sách ra bìa hay bìa vào ruột sách/ Từ trang đầu đến trang chót thơ kia đều thấm máu đỏ lòm/ Chúng tru di máu, tru di người, chứ tru di thơ sao được?/ Ngọc sáng ngời là hoá thân của máu, của hồn oan” (Thơ Nguyễn Trãi)(5). Số lượng những bài thơ viết về Nguyễn Du và tác phẩm của ông còn nhiều hơn (gần mười bài). Trước Di cảo thơ, Chế Lan Viên đã có thơ, trong đó có nhiều bài hay viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều cũng như viết về các tác phẩm khác hoặc về các nhân vật khác trong tác phẩm của Nguyễn Du. Theo thời gian, có thể kể đến: Đọc Kiều; Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ; Gửi Nguyễn Du; Nghĩ thêm về Nguyễn… Đó là chưa kể đến nhiều câu nằm rải rác trong các bài thơ khác viết về đại thi hào và về tác phẩm mà nhiều người luôn nhớ: - “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn…” - “Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!” - “Cho thịt những chàng Kim không còn đốt cháy những cô Kiều”. Ở Di cảo thơ, có hai bài Kỷ niệm Nguyễn Du. Trong đó, Chế Lan Viên đều nhắc đến một ý là việc tổ chức kỷ niệm chả có ích gì cho đại thi hào cả: “Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn/ Chả qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng” (Kỷ niệm Nguyễn Du)(6). Và: “… Kỷ niệm Nguyễn Du chỉ thoả lòng ta thôi/ Chứ ích gì cho ông nữa?/ Mái tóc ông hoa râm thì đã hoa râm rồi/ Thuốc nào cứu chữa?/ Đói ăn hoa cúc thay cơm trừ bữa/ Ta có thương ông thì ông cũng đã chết lâu rồi” (Kỷ niệm Nguyễn Du)(7).
  4. Có thể có người cho rằng Chế Lan Viên nói thế là hơi cực đoan. Nhưng đằng sau lời lẽ ấy, tác giả muốn gửi đến bạn đọc thông điệp này chăng: nếu có thương yêu, có chăm nom thì hãy chu đáo khi người nghệ sĩ còn đang sống, đang sáng tạo. Người phương Tây thường coi trọng ngày sinh. Người Việt ta lại quan tâm đến giỗ đám. Cha mẹ khi còn sống, con cái có khi chả giúp được gì nhưng khi chết lại làm cỗ linh đình, có khi nhằm vào mục đích khác cao hơn cả việc nhớ thương cha mẹ đã quá cố, có nên chăng? Quan tâm đến người sống, có khi giúp cho họ sống lâu hơn, có ích hơn. Đối với những tài năng của đất nước, kéo dài tuổi thọ cho họ là kéo dài thêm sản phẩm tinh thần mà họ có thể sáng tạo ra, phục vụ cho chính thời đại đã quan tâm đến họ... Đây là ý kiến mới của Chế Lan Viên khi viết về đại thi hào dân tộc. Trong hai bài Đọc Kiều, Chế Lan Viên cũng muốn khám phá chất “lượng tử” của tác phẩm bất hủ này. Tư thế đọc thẳng để nghĩ đến đời Kiều, tư thế đọc nghiêng để nghĩ đến mình và để “phát hiện ra những hồn thơ ẩn náu” trong đó. Chế Lan Viên đã đánh giá tác phẩm Truyện Kiều là một bể ngôn từ sâu thẳm, đầy bí mật, càng đi sâu vào càng khám phá ra nhiều điều thú vị. Cách đánh giá đó có sức thuyết phục cao, tránh đ ược sự ca ngợi chung chung, dễ rơi vào nhàn chán. 2. Những bài thơ viết về lịch sử cách mạng trong Di cảo thơ không nhiều nhưng lại rất có ý nghĩa bởi nó liền mạch với mười tập thơ trước đó, như là để khẳng định sự nhất quán trong tư tưởng của Chế Lan Viên. Trong ba tập Di cảo thơ có một bài viết về Bác đặt ở đầu Phần II của Di cảo thơ I. Trước đây, cùng với Tố Hữu, Chế Lan Viên là người viết nhiều nhất về Bác và có những thành công vào bậc nhất. Viết về lãnh tụ là để ghi nhớ công ơn và nguyện sống xứng đáng hơn, trong trẻo hơn: “Bác rất ghét tượng đồng, bia đá/ Nhưng ta không để Bác lai vô ảnh, khứ vô hình/Lọc hồn ta thành mùa sen hương toả/ Dâng lên Người trong cõi trường sinh” (Dâng lên Bác)(8). Nhớ lại những năm cách mạng chưa về, cuộc sống của cả dân tộc chìm trong đau khổ, chết chóc, Chế Lan Viên viết: “Nhớ năm đói mẹ bế anh về vùng than xứ bể/ Giá mạng người thua một xẻng than” (Nhặt xương)(9).
  5. Sau cách mạng, cuộc sống của cả dân tộc và của mỗi người dân đã đổi khác. Chế Lan Viên ý thức được món “nợ máu xương, áo cơm, một ngụm nước khát lòng” nên trong hai bài thơ viết về Côn Đảo, nhà thơ như muốn tính cho mình những thứ mà mình còn ghi nợ. Nhưng cao hơn là sự thán phục các chiến sĩ cách mạng đã chịu đựng hy sinh và đã hiên ngang bất khuất trước cảnh lao tù của thực dân, đế quốc: “Năm tháng trại tù có màu trắng bệch của tường vôi thời gian ẩm mục/ Lại có màu lá bàng đỏ úa máu tù nhân/ Đo nó, tính nó bằng số trận đòn nhận trên mình, số mộ chôn ngoài cát/ Có khi lại là màu không đo được, thẳm sâu của bầu trời xanh thủng đáy/ Và màu mây vây kín đảo, bốn bề che hết cả bình minh” (Màu sắc Côn Đảo)(10). Thậm chí, đơn vị đo lường ở nơi ấy cũng rất đặc biệt "... chỉ có bọn giết người và người bị giết biết thôi". Chế Lan Viên nói đến ranh giới giữa cái sống và cái chết, giữa trung dũng và thoái bộ. Tố Hữu đã có bài Con cá, chột nưa viết về chủ đề này. Nhưng ở đây, Chế Lan Viên nói đến trong bối cảnh cụ thể của địa ngục trần gian ở Côn Đảo thì:“Nháy mắt nhảy vào cái chết/ Chặc lưỡi đầu hàng/ Đưa tay xin không còn là người trinh trắng nữa... Nhích lên một bước lấy thân mình che bạn/ Lùi một ly tránh dùi cui/ Dành cái sống cho mình, mặc bạn chịu đòn, chôn xác Hàng Dương!” (Đơn vị ở Côn Sơn)(11). Cảm nhận được quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh, bất khuất của những người cách mạng nên vào những năm cuối đời, Chế Lan Viên còn viết được những vần thơ rất hào sảng, đầy trách nhiệm: “Ta đến sau, tựa vào thời đại biến trang thơ ta thành sấm sét/ Thành lá cờ đỏ chói sắc vàng tươi” (Cờ đỏ sao vàng)(12). 3. Các bài thơ viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ trong Di cảo thơ chiếm số lượng lớn hơn cả - “Đó là âm vang của chiến tranh”. Đoàn Trọng Huy cho rằng: “Chế Lan Viên đi vào một hướng định giá mới. Anh chiêm nghiệm về sự hy sinh, cân lại “giá máu”… Anh triết lý về cảnh giác…, suy nghĩ về sự sống trên cái chết, về văn minh thắng bạo tàn, về bản chất nhân đạo của chiến tranh cách mạng”(13). Trước đây, Chế Lan Viên đã viết nhiều bài thơ về chiến tranh, có những bài rất xuất sắc (Sao chiến thắng; Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng; Suy nghĩ 1966; Thời sự hè 72, bình luận…). Những vần thơ ấy có sức lôi cuốn người đọc mạnh mẽ. Sau năm
  6. 1975, trong hơn mười năm chống chiến tranh xâm lược biên giới, thơ Chế Lan Viên vẫn phát huy được sức mạnh vốn có ở giai đoạn trước. Nay được sáng tác trong một hoàn cảnh mới, đất nước cơ bản đã hết chiến tranh, mặc dù công cuộc giữ gìn biên giới và giúp nước bạn vẫn còn phải đổ máu. Cho nên, có thể coi thơ về chiến tranh trong Di cảo thơ là thơ thời hậu chiến. Nhà thơ đã có được khoảng lùi về thời gian của hai cuộc chiến tranh ác liệt từng xảy ra trong suốt mấy chục năm ròng. Hơn một triệu bộ đội hy sinh. Hơn hai triệu dân thường bị quân thù giết hại. Số người nhiễm chất độc màu da cam lên đến vài triệu… Sự thật lịch sử ấy còn âm vang không dứt trong nhiều vần thơ sau này. Nhưng nếu chỉ viết như đã viết ở giai đoạn trước là sẽ lặp lại mình. Phải tìm cách thể hiện mới. Chế Lan Viên đã đáp ứng được đòi hỏi ấy. Nhà thơ vẫn nói đến đạn bom: “Bom tấn nện thường xuyên/ Lòng ta thành toạ độ… Còn ta thì bị giết/ Dưới một trời bom tấn/ Dưới một trời hoả châu” (Ly biệt ngày nay)(14). Có bài thơ được Chế Lan Viên ghi chú thời điểm sáng tác rất dài, khoảng trên dưới mười lăm năm. Bởi vậy, những bài đó vừa có câu thơ diễn tả trực tiếp cuộc chiến đang xảy ra, lại có những câu thơ có độ lùi đáng kể về thời gian. Ở đây cần chú ý đến những bài viết vào những năm cuối đời để thấy rõ hơn nhận thức của tác giả về quá khứ chiến tranh. Đồng thời cũng cần phân biệt đâu là những bài thơ viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ để thấy được chất thơ “hậu chiến”. Còn những bài viết về chiến tranh biên giới thì lại có khoảng thời gian đồng thời với tác giả. Ngay cả khi tác giả đã qua đời, xung đột biên giới còn kéo dài thêm vài năm nữa. Một số bài phê bình về Di cảo thơ trước đây đã không phân biệt điểm này nên phân tích chưa thoả đáng. Chẳng hạn bài Hoa chạc chìu, cuối bài ghi: “mùa bệnh 1988” thì phải là bài thơ hồi ức về chiến tranh chống Mỹ. Nhưng bài Tái ngũ thì là bài thơ viết về nhớ bạn không còn nữa để cùng mình đi tham gia chống chiến tranh biên giới. Thời chiến, thơ ca ta nói nhiều đến cái ác liệt của chiến tranh cùng những chiến công chói lọi của quân và dân ta. Hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” được tô điểm rõ nét nhất. Thơ Chế Lan Viên ở giai đoạn hậu chiến lại chủ yếu đi vào khía cạnh khác. Cái nhìn của tác giả không còn là cái nhìn từ góc độ của một nhà tư tưởng, một vị chỉ huy mà là cái nhìn từ góc độ người lính, những người trực tiếp đặt tay lên cò súng nhả đạn. Vì là người trong cuộc nên người lính cảm nhận rõ ràng hơn các chi tiết của đời sống chiến
  7. tranh: “Bốc lửa máy bay thù mà suýt nữa ta thua/ Quần với giặc suốt ngày, chưa hạt cơm nào vào bụng/ Kìa Bụt hiện lên rồi giữa đất trời cháy bỏng/ Dân bò đến tận chiến hào cho một bát canh chua” (Bát canh chua)(15). Câu thú nhận “suýt nữa ta thua” đúng là chỉ có thể ra đời vào thời hậu chiến. Những kỷ niệm khác của thời chiến tranh len lỏi trong ký ức: trường sơ tán, cùng reo khi máy bay B52 bị hạ, cởi áo đắp cho súng, gội tóc nơi trọng điểm, ngủ rừng... đã bổ sung cho mảng thơ lớn về chiến tranh mà Chế Lan Viên theo đuổi hơn bốn mươi năm trời. 4. Sẽ là thiếu sót lớn khi không nhận ra rằng thơ hậu chiến trong Di cảo thơ có cái nhìn chân thực hơn về những mất mát của chiến tranh. Cái mất mát về xương máu thì nhiều người đã nói. Chế Lan Viên cũng từng viết: “ngỡ trời sao chảy máu dải Ngân Hà”. Nhưng cái mất mát của những người sống sót qua cuộc chiến trở về thì cho đến thời điểm Chế Lan Viên còn sống, vẫn chưa có nhiều người viết. Thanh Thảo trong Những người đi tới biển, Hữu Thỉnh trong Đường tới thành phố… cũng đã nói mất mát của chiến tranh. Còn Chế Lan Viên có cách tiếp cận khác. Bài thơ Ai? Tôi! được nhiều người quan tâm và có cách hiểu khác nhau trên một vài khía cạnh. Nguyễn Bá Thành cho rằng: “… ở bài Ai? Tôi! thì ông oán trách thơ mình đã cổ vũ mọi người xông lên chiến trận, làm cho hàng ngàn người không trở về. Tình cảm của ông trong những bài thơ đó trở lại với tinh thần nhân đạo chung chung của Điêu tàn (Loài người đến làm chi bên máy chém?). Ý nghĩa lịch sử, và giai cấp, dân tộc bị gạt bỏ”(16). Còn Phạm Quang Trung khi phân tích riêng bài thơ này lại nói: “Bài thơ thật sự gây nhiều tranh luận. Nhiều người có cớ hiểu anh, lại có người nhân dịp này hoài nghi anh. Ở đây có sự “phản tỉnh”, “sám hối” không? Tôi cho là có… Bài thơ Ai? Tôi! không đặt ra mục đích chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì thế, ta không thể nói tới sự hoài nghi ở đây. Có chăng nhà thơ chỉ nói tới cái đích cụ thể của từng lúc từng nơi, vậy thôi”(17). Sự thật thì bài thơ có nói đến sự hy sinh quá lớn của một trận đánh vào dịp Mậu Thân (1968): “Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng/ Chỉ một đêm, còn sống có 30”. Vào dịp Chế Lan Viên viết bài thơ này, chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 20 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân. Chắc hẳn các số liệu chính xác của chiến tranh
  8. đã đến với Chế Lan Viên. Chúng ta tin đây là thực tế phũ phàng, một tỷ lệ hy sinh quá lớn (1970/2000): “Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?”. Thật ra, chính xác phải là gần 2000 người. Hay là Chế Lan Viên cho rằng 30 người sống sót kia cũng coi như đã đi cùng đồng đội, hiểu theo một nghĩa rộng nào đó? Điều này chỉ có thể Chế Lan Viên trả lời. Rất tiếc, ông không trả lời cho ta câu hỏi ấy. Nhưng cái mà ông trả lời được cho ta là ông nhận trách nhiệm đầu tiên, mà nhận đến hai lần: “Tôi! Tôi/ người viết những câu thơ cổ võ/ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong”. Thơ ca chỉ cổ vũ gián tiếp nhưng lại là đối tượng dũng cảm nhận trách nhiệm đầu tiên. Thế còn người chỉ huy trực tiếp thì sao? Nếu có lòng dũng cảm thì họ phải lên tiếng. Trong chiến trận, có thắng thì cũng có thua. Điều đó không thể trách cứ. Nhưng dũng cảm nhận ra sai lầm thì không phải mấy ai cũng có. Phải chăng, Chế Lan Viên đã rung tiếng chuông báo động về ý thức tự phê bình của con người trước thành bại của lịch sử? Đảng ta đã từng dũng cảm nhận ra sai lầm trong cải cách ruộng đất và trong mười năm phát triển kinh tế sau chiến tranh trước khi đổi mới đó sao? Còn những cá nhân liên quan trực tiếp đến sự thất bại trong trận chiến nói trên phải lên tiếng mới là hợp lẽ. Đoạn thơ tiếp theo nói về cảnh khó khăn của một trong ba mươi người sống sót đó:“Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm/ Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ/ Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ - Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!”. Đáng quý và dũng cảm biết bao, nhà thơ lại lên tiếng nhận lấy trách nhiệm về mình: “Ai chịu trách nhiệm vậy?/ Lại chính là tôi!/ Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời - Tôi ú ớ”. Đúng là văn chương không thể là yếu tố quyết định làm thay đổi các lực lượng khác giúp cho người lính thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Điều này Chế Lan Viên đã thú nhận: “Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay/ Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ/ Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười” (Ai? Tôi!)(18). Như vậy, bài thơ thể hiện trách nhiệm cao của Chế Lan Viên trước cuộc đời, trước số phận con người (trong thời chiến và trong thời bình). Không có nghĩa là Chế Lan Viên nhận rằng mình đã sai lầm khi viết những vần thơ cổ vũ kia. Chúng ta cầm súng
  9. chiến đấu là tự giác, là vì độc lập tự do, là chính nghĩa. Hoàng Trung Thông từng viết: “Ta đâu có thích gì máu đổ/ Thích gì nghe đạn nổ bom rơi/ Ta chiến đấu vì không cam cúi cổ/ Không khom lưng cho giặc Mỹ chém ngang người” (Bài thơ báng súng)(19). Cũng trên ý nghĩa ấy, đời sống người lính sau chiến tranh cần được quan tâm từ mọi phía chứ không chỉ bằng sự bất lực của nhà thơ. Sự thú nhận của tác giả cũng đã là một tấm lòng đáng quý rồi. Không phải chỉ có người lính sống sót trong bài thơ nói trên, mà còn nhiều số phận khác qua chiến tranh, chịu hy sinh mất mát nhiều, cần được quan tâm: “Chả ai nhớ bà mẹ cắm chông bạc tóc/ Nhớ một cô gái chèo đò vượt lửa qua sông” (Thời thượng)(20). Trong một số trường hợp đã không được ghi ơn, có khi còn bị đối xử bất công, Chế Lan Viên đã cảnh báo cho những người đang sống có trách nhiệm hơn và tránh nhầm lẫn: “Có những người lấy sinh mệnh mình, thân thể mình/ Giữ một gốc cây/ Giữ một mố cầu… Họ là thủ môn/ Chết rồi còn giữ khung thành/ Mà ta đồng đội / Lẽ nào ta lại sút thủng khung thành của họ” (Thủ thành)(21). Chiến tranh đem lại cho con người nhiều mất mát, nhưng mất mát lớn nhất là tính mạng. Như tự nhủ mình, Chế Lan Viên có những vần thơ đầy xúc động: “Nhớ ơn những người chưa kịp kết tinh viên ngọc của mình/ Anh trai ngọc, họ chỉ mới là máu rỏ/ Họ ra đi với một đời dang dở/ Ở một trọng điểm chiến hào nay cũng vô danh” (Nhớ ơn)(22). Trở lại những lý giải trên, ta có thể khẳng định rằng nhận thức của Chế Lan Viên về truyền thống lịch sử - văn hoá, về cách mạng và chiến tranh cách mạng là hoàn toàn đúng đắn. Thơ về mảng đề tài này đã tiếp nối thơ ở giai đoạn trước và còn đi sâu hơn, cụ thể hơn, có lý có tình hơn… Điều đó chứng tỏ rằng con người và thơ Chế Lan Viên là nhất quán. Không nên đặt ra vấn đề "hoài nghi", "sám hối" ở đây. Lưu Khánh Thơ cũng có lần khẳng định: “... thực chất, đó chỉ là những lời tự vấn chân thành, pha chút chua xót, chứ không phải là sự “sám hối”, “phủ định””(23). Chính trên ranh giới của những vấn đề nhạy cảm càng làm sáng tỏ hơn bản lĩnh của Chế Lan Viên với đầy đủ ý thức trách nhiệm trước lịch sử và trước cuộc đời
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2