VĂN MẪU LỚP 12 PHÂN TÍCH ĐOẠN ĐẦU BÀI THƠ ĐÀN GHI-TA CỦA LORCA THANH THẢO Thanh Thảo là một nhà thơ có mối quan tâm đặc biệt đối với những con người có nhân cách và nghĩa khí dù số phận có thể ngang trái. Trong mạch cảm hứng ấy, nhà văn đã viết “Đàn ghi-ta của Lorca”, in trong tập “Khối vuông ru-bích” (1985). Đây được xem là thành công nhiều mặt của Thanh Thảo mà ngay đoạn đầu của bài thơ cũng đã rất đặc sắc: “Những tiếng đàn bọt nước Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt li-la li-la li-la đi lang thang về miền đơn độc với vầng trăng chếnh choáng trên yên ngựa mỏi mòn” (trích “Đàn ghi-ta của Lorca” — Thanh Thảo) Đoạn thơ gợi lên khung cảnh chính trị, văn hóa Tây Ban Nha mà quan trọng hơn là gợi lên một cách khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lorca — nhà thơ lớn nhất Tây ban Nha thế kỉ XX và cũng là một chiến sĩ dũng cảm trong cuộc chiến chống phát xít. Ông được nhiều người biết đến qua câu thơ nổi tiếng: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” (Câu mở đầu bài thơ “Ghi nhớ”). Có lẽ vì vậy mà Thanh Thảo đã chọn ngay tiếng đàn để mở đầu cho bài thơ viết về Lorca: “những tiếng đàn bọt nước” Câu thơ nghe thật lạ lùng nhưng đầy sức gợi. “Những tiếng đàn” hay chính là sự nghiệp sáng tác mà cũng là cuộc đời của nghệ sĩ Lorca. Nhưng sao lại là “những tiếng đàn bọt nước”? Ta thấy ở đây “bọt nước” đã không được dùng với chức năng vốn dĩ là danh từ nữa mà trở thành một tính từ để bổ nghĩa cho “những tiếng đàn”. Hình ảnh “bọt nước” gây cho ta ấn tượng mạnh về sự nhỏ bé, mong manh, dễ vỡ… cứ như cuộc đời Lorca vậy, sao mà ngắn ngủi quá! Nếu như trước đây, câu thơ “tiếng đàn xưa đứt ngang dây” của Tố Hữu viết về Nguyễn Du vốn đã tội nghiệp thì đến đây, “những tiếng đàn bọt nước” của Thanh Thảo viết về Lorca lại càng tội nghiệp hơn.