intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phật giáo với việc xây dựng niềm tin xã hội qua thực tiễn công tác an sinh xã hội ở Trung Bộ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:17

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung làm rõ tầm quan trọng của công tác an sinh xã hội và niềm tin xã hội trong quan điểm, nhận thức của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, chỉ rõ những đóng góp của Phật giáo cho công tác an sinh xã hội tại khu vực Trung Bộ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phật giáo với việc xây dựng niềm tin xã hội qua thực tiễn công tác an sinh xã hội ở Trung Bộ

  1. PHẬT GIÁO VỚI VIỆC XÂY DỰNG NIỀM TIN XÃ HỘI QUA THỰC TIỄN CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI Ở TRUNG BỘ1 PGS.TS. ĐOÀN TRIỆU LONG* TS. DƯƠNG THANH MỪNG2** Tóm tắt: Bài viết tập trung làm rõ tầm quan trọng của công tác an sinh xã hội và niềm tin xã hội trong quan điểm, nhận thức của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, chỉ rõ những đóng góp của Phật giáo cho công tác an sinh xã hội tại khu vực Trung Bộ. Từ đó, nêu lên những tác động từ việc thực hiện công tác an sinh xã hội của Phật giáo đối với việc xây dựng niềm tin cho cộng đồng phật tử và quần chúng nhân dân ở khu vực này. Từ khóa: An sinh, Phật giáo, Từ thiện, Trung Bộ, Xã hội. Hiện nay, vấn đề an sinh xã hội và xây dựng niềm tin cho xã hội đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Do đó, việc tiếp cận và làm sáng tỏ thêm các phương diện của vấn đề này được xem là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ cấp thiết đang được đặt ra cho các nhà nghiên cứu. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin được đi vào phân tích và trình bày về quá trình xây dựng niềm tin xã hội của Phật giáo ở khu vực Trung Bộ qua thực tiễn các hoạt động an sinh xã hội. Qua đó, góp phần bổ sung nguồn tài liệu nhằm làm sáng tỏ hơn thực trạng an sinh xã hội và niềm tin xã hội ở khu vực này nhìn từ những đóng góp của Phật giáo. Để có được những kết quả thực sự khách quan, trung thực, bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu chủ yếu là thống kê, phân tích và mô tả các văn bản Báo cáo Tổng kết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo các cấp. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thừa kế một phần cơ sở dự liệu được rút ra từ quá trình điều tra, khảo sát thực tế tại một số tỉnh thành thuộc khu vực Trung Bộ để thực hiện 1 Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài cấp quốc gia “Niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập ở vùng Trung Bộ”. Mã số KX.01.42/16-20. * Học viện Chính trị Khu vực III - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
  2. 172 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Đề tài “Niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập Vùng Trung Bộ”, Mã số KX.01.42/16-20. 1. An sinh xã hội, niềm tin xã hội trong chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước Việt Nam Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): “An sinh xã hội là một sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một số biện pháp được áp dụng rộng rãi để đương đầu với những khó khăn, các cú sốc về kinh tế và xã hội làm mất hoặc suy giảm nghiêm trọng thu nhập, do ốm đau, thai sản, thương tật do lao động, mất sức lao động hoặc tử vong. Cung cấp chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình nạn nhân có trẻ em”1. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam, “An sinh xã hội là sự bảo đảm mà xã hội cung cấp cho mọi thành viên trong xã hội thông qua việc thực thi hệ thống các cơ chế, chính sách và biện pháp can thiệp trước các nguy cơ, rủi ro có thể dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn sinh kế”2. Tại Đại hội lần thứ X (2006), Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chủ trương xây dựng công tác an sinh xã hội đa dạng, phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đa dạng hoá các loại hình cứu trợ xã hội, tạo việc làm...3. Đến Đại hội XI (2011), Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định: “Phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa”. Nhiệm vụ của công tác an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước đề ra trong giai đoạn này là: Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp), trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống. Tăng tỉ lệ người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm. Chuyển các loại hình trợ giúp, cứu trợ xã hội sang cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng. Bảo đảm cho các đối tượng bảo trợ xã hội có cuộc sống ổn định, hoà nhập tốt hơn vào cộng đồng, có cơ hội tiếp cận nguồn lực kinh tế, dịch vụ công thiết yếu. Thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm các vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ chế độ quy định đối với mọi đối tượng. Tập trung triển khai 1 Beyond HEPR (2005), A framework for integrated national system of Social security in Vietnam, UNDP-DFID Bộ Lao động Thương binh Xã hội phát hành. 2 Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2009), “Chiến lược an sinh xã hội Việt Nam thời kì 2011-2020”, Tạp chí Lao động và Xã hội, số 19. 3 Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), “Báo cáo chính trị của BCHTWĐ khoá IX tại ĐHĐBTQ lần thứ X của Đảng”, Nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn
  3. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 173 có hiệu quả các chương trình phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa dạng hoá các nguồn lực và phương thức xoá đói, giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm. Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công1. Đến Đại hội XII (2016), các chính sách về an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước tiếp tục được kiện toàn, đồng thời bổ sung thêm nhiều vấn đề mới. Như việc gắn chặt mục tiêu của an sinh xã hội với các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc mở rộng đối tượng được tham gia/thụ hưởng các chính sách về an sinh xã hội... Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân. Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân... Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn2. Theo quan điểm của Đảng, Nhà nước, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội phải dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản là: 1/Toàn dân, mọi người dân có quyền và nghĩa vụ tham gia hệ thống an sinh xã hội; 2/Chia sẻ, dựa trên cơ chế phân phối lại thu nhập giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, giữa nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân; 3/Công bằng và bền vững, gắn trách nhiệm với quyền lợi, giữa đóng góp và hưởng lợi của các thành viên tham gia hệ thống; 4/ Tăng cường năng lực tự an sinh của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo đảm an sinh; 5/Tập trung hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm mức sống tối thiểu khi gặp rủi ro, suy giảm hoặc mất thu nhập tạm thời hay vĩnh viễn3. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác an sinh xã hội cũng tập trung vào 5 vấn đề cơ bản là: 1/ Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 2/ Các chính sách an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước; ưu tiên người có công, người có hoàn 1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), “Báo cáo chính trị của BCHTWĐ khoá X tại ĐHĐBTQ lần thứ XI của Đảng”, Nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn. 2 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Báo cáo chính trị của BCHTWĐ khoá XI tại ĐHĐBTQ lần thứ XII của Đảng”, Nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn. 3 Nhiều tác giả (2013), Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020, xuất bản bởi GIZ, tr.50-51.
  4. 174 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. 3/ Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư, bảo đảm bền vững, công bằng. 4/ Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. 5/ Tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đi cùng các nguyên tắc và quan điểm chỉ đạo là 5 giải pháp để thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đề ra là: 1/ Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lí của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. 2/ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chính sách an sinh xã hội tại mỗi địa phương để người dân có thể truy cập dễ dàng. 3/ Đổi mới quản lí nhà nước đối với công tác an sinh xã hội. Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ, đơn giản và hiệu quả. 4/ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. 5/ Nhà nước quan tâm bố trí ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội1 Đối với vấn đề niềm tin xã hội, đây cũng là một chủ đề hết sức quan trọng và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo dựng. Niềm tin xã hội trong phạm vi này có thể được hiểu là sự tin tưởng, kì vọng của quần chúng nhân dân vào những hiệu quả từ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mang lại. Tất nhiên, nó bao hàm luôn cả việc thực thi các chính sách về an sinh xã hội nhằm tạo ra sự phát triển cân đối và ổn định. Trong cương lĩnh phát triển đất nước thời kì đổi mới, niềm tin xã hội được Đảng và Chính phủ xác định là một trong 7 mục tiêu cơ bản của sự phấn đấu. Cụ thể: 1/ Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; 2/ Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 3/ Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; 4/ Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường; 5/ Tăng cường quốc phòng, an ninh quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTWĐ (khóa XI) về một số vấn đề chính 1 sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
  5. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 175 quốc gia; 6/ Củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; 7/ Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế1. Giữa niềm tin xã hội và an sinh xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. An sinh xã hội thực chất là việc bảo đảm các quyền lợi, lợi ích thiết thực cho người lao động. Đây chính là một trong những giá trị căn cốt để tạo dựng nên niềm tin xã hội. Bởi sự tin tưởng sẽ được tạo lập khi và chỉ khi con người cảm thấy được tôn trọng, được tự do, bình đẳng và hơn hết là các quyền lợi, lợi ích của cá nhân được bảo đảm. An sinh xã hội được thực hiện tốt thì niềm tin xã hội ngày càng được củng cố vững chắc và ngược lại, nếu các chính sách phúc lợi xã hội tỏ ra kém hiệu quả thì rất nhiều vấn đề tiêu cực sẽ nảy sinh và hệ lụy tất yếu là niềm tin của người dân sẽ bị suy giảm. Một xã hội có niềm tin càng vững chắc thì càng chứng tỏ hiệu quả từ các chủ trương, chính sách mà các nhà quản lí mang lại; và niềm tin ở phương diện này sẽ có thêm vai trò là hỗ trợ tích cực cho các hoạt động xã hội. Trong trường hợp này, niềm tin sẽ góp phần tạo ra động lực để các giai tầng khác nhau trong xã hội tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà quản lí. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, nên trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước, ngoài việc chăm lo hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội, Đảng, Nhà nước cũng rất chú trọng đến việc tạo lập môi trường để niềm tin xã hội ngày càng phát triển. Tinh thần và sự quyết tâm đó được thể hiện qua bài phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải tại kì họp Quốc hội khóa XI rằng: “Để vượt qua mọi thử thách, giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn, nhân tố có ý nghĩa quyết định là niềm tin và ý chí của toàn Đảng, toàn dân... Chúng ta quyết không được làm giảm sút mà ngược lại, phải nâng cao niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân, ý chí của bộ máy nhà nước, sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế”2. Và đến Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tinh thần, quan điểm về sức mạnh của niềm tin đã được nâng lên thành những chỉ thị và những hành động cụ thể là: “Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”3. 1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), “Thông báo Hội nghị lần thứ tư BCHTWĐ (khóa XII)”, nguồn: http://tulieu- vankien.dangcongsan.vn. 2 Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 65, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.950-951. 3 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Báo cáo của BCHTWĐ khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng”, nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
  6. 176 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Như vậy, trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước của Đảng và Chính phủ, vấn đề an sinh xã hội và niềm tin xã hội thực sự có vai trò rất to lớn. Do đó, ngoài vai trò trụ cột của hệ thống công quyền, Đảng, Nhà nước còn luôn kêu gọi và xem trọng sự chung tay, góp sức của các giai cấp, thành phần, các tổ chức, các đoàn thể khác nhau trong xã hội để nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội cũng như tạo lập niềm tin cho quần chúng nhân dân. 2. Đóng góp của Phật giáo cho công tác an sinh xã hội ở Trung Bộ Cũng giống như các địa phương khác trong cả nước, Phật giáo Trung Bộ đã và đang tham gia nhập thế một cách tích cực qua những đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Trước khi đến với những đóng góp cụ thể, chúng tôi xin được điểm qua một vài nét khái quát về tình hình Phật giáo tại khu vực Trung Bộ trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam, năm 2018, cả nước hiện có 53.941 tăng ni. Trong đó có 38.629 tăng ni thuộc hệ phái Bắc tông, 8.574 tăng ni thuộc hệ phái Nam tông Khmer, 1.754 tăng ni thuộc hệ phái Nam Tông Kinh, 4.984 tăng ni thuộc hệ phái Khất sĩ. Về tự viện, cả nước có 18.466 cơ sở. Riêng tại Trung Bộ, dựa trên văn bản báo cáo tổng kết phật sự của các tỉnh, thành trong các năm 2017 - 2018, thì Phật giáo ở khu vực này hiện có khoảng 7.871 tăng ni. Cụ thể, Thanh Hóa có 175 tăng ni, trong đó, tì kheo 63 vị, tì kheo ni 77 vị, sa di 13 vị, sa di ni 7 vị, điệu chúng 15. Nghệ An có 77 tăng ni, 58 cơ sở thờ tự, trong đó có 57 chùa và 1 niệm Phật đường. Hà Tĩnh có 75 tăng ni, 99 ngôi chùa, trong đó có 6 ngôi chùa được công nhận di tích cấp quốc gia, 37 ngôi chùa được công nhận di tích cấp tỉnh. Quảng Bình có 25 tăng ni, với hơn 2000 tín đồ. Quảng Trị có 199 tăng ni (115 tăng và 84 ni). Thừa Thiên Huế có 643 tăng và 524 ni, 618 cơ sở thờ tự (3 ngôi quốc tự, 180 chùa tăng, 125 chùa ni), 313 đơn vị Niệm Phật đường. Đà Nẵng có 731 tăng ni (440 tăng và 291 ni), 114 cơ sở tự viện, 125 đạo tràng với hơn 10.000 phật tử sinh hoạt. Quảng Nam có 800 tăng ni (tì kheo 301, tì kheo ni 197, thức xoa ma 65, sa di 75, sa di ni 78 và 84 điệu chúng), có 300 cơ sở thờ tự (trong đó có 292 cơ sở thuộc Bắc tông, 3 cơ sở thuộc Nam Tông kinh và 5 cơ sở thuộc Khất sĩ). Quảng Ngãi có 274 cơ sở tự viện với hơn 305 tăng ni. Bình Định có 1.470 tăng ni, có 402 cơ sở thờ tự. Phú Yên có 257 cơ sở tự viện với 261 tăng ni và gần 250 ngàn tín đồ. Khánh Hòa hiện có 420 ngôi tự viện và 1.486 tăng ni. Ninh Thuận có 121 ngôi chùa (trong đó có 96 cơ sở thuộc Bắc tông; tu viện 1 ngôi, tịnh xá 11 ngôi, tịnh thất 2 ngôi, thiền viện 1 ngôi) với 298 tăng ni; Bình Thuận có tổng cộng 271 cơ sở tự viện, 802 tăng ni và 122 đạo tràng tu học trong toàn tỉnh1. 1 Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (2018), “Báo cáo tổng kết công tác phật sự”, nguồn: https://vbgh.vn.
  7. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 177 Năm 2018, Ban Tăng sự Trung ương đã cấp giấy chứng nhận tăng ni cho 187 vị thuộc các tỉnh thành khu vực Trung Bộ. Cụ thể, Nghệ An có 3 tăng ni được cấp giấy chứng nhận, Hà Tĩnh có 1, Quảng Trị có 34, Đà Nẵng có 9, Quảng Nam có 26, Quảng Ngãi có 26, Bình Định có 22, Khánh Hòa có 18, Ninh Thuận có 13, Bình Thuận có 35. Dưới sự hướng dẫn của Ban Tăng sự Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành Trung Bộ như: Quảng Trị đã tổ chức thành công Đại giới đàn với 67 giới tử và có 67 vị được cấp giấy Chứng điệp thụ giới; Đà Nẵng là 347 giới tử và có 344 vị được cấp Chứng điệp thụ giới. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở tự viện mới được thành lập như: Thanh Hóa có 1 cơ sở, Hà Tĩnh 1 cơ sở, Khánh Hòa có 8, Ninh Thuận có 10, Bình Định có 1, Quảng Nam có 40. Đội ngũ tăng ni trụ trì ở các tỉnh, thành cũng đã được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ sung như: Thanh Hóa 14 vị, Nghệ An 4 vị, Hà Tĩnh 3, Quảng Bình 1, Quảng Trị 8, Thừa Thiên Huế 24, Đà Nẵng 4, Quảng Nam 10, Quảng Ngãi 9, Bình Định 9, Khánh Hòa 11. Trong năm 2018, có trên 150 nam nữ Phật tử xuất gia tu học ở các tỉnh thành như: Nghệ An có 4 người, Quảng Ngãi có 6 người, Khánh Hòa 72 người, Ninh Thuận 12 người, Bình Thuận 56 người. Theo thống kê của Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung ương thì trong năm 2018, cả nước có 35 tỉnh, thành có Gia đình Phật tử sinh hoạt theo pháp lí của Giáo hội. Trong đó, có 26 tỉnh, thành đã thành lập được Ban Hướng dẫn và 09 tỉnh, thành chưa thành lập. Cả nước có 1.050 đơn vị Gia đình Phật tử, có 9.792 Huynh trưởng các cấp, 61.368 đoàn sinh các ngành. Ở khu vực Trung Bộ, số lượng đơn vị Gia đình Phật tử, Huynh trưởng và các đoàn sinh cũng rất phong phú. Tiêu biểu như ở Quảng Trị có 165 đơn vị, 412 Huynh trưởng, hơn 3000 đoàn sinh; Thừa Thiên Huế có 230 đơn vị, 2.036 Huynh trưởng và 10.671 đoàn sinh; Đà Nẵng có 101 đơn vị, 519 Huynh trưởng và 3.863 đoàn sinh; Quảng Nam có 101 đơn vị, 519 Huynh trưởng và 3.344 đoàn sinh; Quảng Ngãi có 47 đơn vị, 471 Huynh trưởng, 3.034 đoàn sinh; Bình Định có có 40 đơn vị, 310 huynh trưởng và 3.323 đoàn sinh; Phú Yên có 277 Huynh trưởng; Bình Thuận có 37 đơn vị, 269 Huynh trưởng và 2.870 đoàn sinh; Khánh Hòa có 47 đơn vị, 363 Huynh trưởng, và hơn 3.000 đoàn sinh... Những con số trên cho thấy, Phật giáo khu vực Trung Bộ đang có những chiều hướng phát triển. Đây là một trong những minh chứng rất cụ thể về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống tôn giáo; đồng thời, nó cũng là nguồn động lực quan trọng, tạo điều kiện để Phật giáo Trung Bộ tích cực đóng góp cho công tác an sinh xã hội, từng bước tạo lập niềm tin xã hội vững chắc cho khu vực này. Đóng góp của Phật giáo cho công tác an sinh xã hội được thể hiện qua rất nhiều nội dung, nhiều khía cạnh khác nhau, căn cứ dựa theo nội hàm khái niệm của vấn đề này thì có thể kể ra những lĩnh vực chủ yếu như sau1.
  8. 178 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Về công tác giáo dục và định hướng nghề nghiệp: Hiện tại, tại miền Trung có 1 Học viện Phật giáo (Huế), có 10 trường Trung cấp Phật học, có 2 tỉnh đang trong quá trình xây dựng là Thanh Hóa và Quảng Trị. Sự hình thành đa dạng các cơ sở giáo dục Phật giáo đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn tri thức cho khu vực Trung Bộ. Bởi ngoài những đóng góp cho Đạo pháp, tăng ni, Phật tử miền Trung cũng đã và đang tích cực tham gia phụng sự xã hội bằng nhiều công việc khác nhau như y tế, giáo dục, hướng nghiệp... Bên cạnh các trường trung cấp, cao đẳng và đại học Phật giáo, ở các tỉnh, thành Trung Bộ cũng đã hình thành những cơ sở giáo dục từ thiện. Như ở Quảng Trị, năm 2018 đã tổ chức 201 lớp học tình thương với 4.684 học sinh và 130 giáo viên; Thừa Thiên Huế tổ chức 3 lớp với 362 học sinh và 32 giáo viên; Khánh Hòa, tổ chức 3 lớp học với 282 học sinh và 15 giáo viên và (cả nước có 212 lớp học, 5678 học sinh, 199 giáo viên). Riêng ở Thừa Thiên Huế, các tăng ni, phật tử còn vận động để thành lập các Trường Mẫu giáo cho các cháu có điều kiện khó khăn theo học như: Mẫu giáo Hồng Đức có 190 cháu, 13 giáo viên, nhân viên; Mẫu giáo Diệu Viên có 126 cháu, 11 giáo viên, nhân viên; Mẫu giáo Diệu Đế 148 cháu, 18 giáo viên, nhân viên; Mẫu giáo Phước Vân có 95 cháu, 8 giáo viên, nhân viên; Mẫu giáo Quảng Tế có 155 cháu và 17 giáo viên, nhân viên; Mẫu giáo Hoa Nghiêm có 130 cháu, 10 giáo viên, nhân viên; Mẫu giáo Ngự Bình 105 cháu, 13 giáo viên, nhân viên; Mẫu giáo Diệu Nghiêm 118 cháu, 11 giáo viên, nhân viên15. Bên cạnh các lớp học tình thương là các trung tâm dạy nghề từ thiện. Ở Quảng Trị, Ban từ thiện Giáo hội đã vận động thành lập Trung tâm dạy nghề miễn phí Phùng Xuân (1997) giúp cho bà con nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số, thanh niên, thiếu nữ có được công ăn việc làm, có kiến thức cơ bản trong nghề nghiệp để ổn định cuộc sống cá nhân và gia đình. Các nghề đào tạo chính của trung tâm là: May dân dụng và may công nghiệp 3 tháng, chăn nuôi và chữa bệnh thú y 2 tháng, sửa chữa máy nông nghiệp 3 tháng, trồng nấm rơm 2 tháng, nghề chằm nón lá 2 tháng, ngoài ra còn có nghề điện tổng hợp, nghề làm ván ghép và tin học văn phòng16. Trong hơn 20 năm qua, Trung tâm đã đào tạo được 67 khóa học và đã cấp chứng chỉ nghề cho 2.138 học viên, trong đó có 448 học viên là người dân tộc thiểu số, 17 học viên khuyết tật và 7 học viên ngoại tỉnh xin theo học. Tại Huế có Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật chùa Long Thọ và cơ sở dạy nghề tại chùa Tây Linh. Các cơ sở này thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí như may mặc, thêu thùa, đan lát, điện, vi tính, mộc, mĩ nghệ... Mỗi khóa học có thời hạn từ 1 đến 2 năm. Đối tượng theo học chủ yếu là các trẻ em mồ côi, khuyết tật hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm hai trung tâm này đón nhận khoảng 240 học viên. Tổng
  9. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 179 kinh phí hàng năm đầu tư cho 2 cơ sở này khoảng 2 tỉ đồng. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ được giới thiệu đến làm việc tại công ty dệt Thủy Dương, xí nghiệp thêu ở Huế, các công ty may mặc ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2013, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng Hải Đức nhằm “Nghiên cứu ứng dụng, đào tạo năng lực, chăm sóc hỗ trợ và phục vụ cộng đồng” cùng tầm nhìn cụ thể: “Hướng tới hạnh phúc an lạc cho cộng đồng”. Hoạt động của Trung tâm ở ba lĩnh vực chính là: Biến đổi khí hậu, y tế, an sinh xã hội. Thành quả của trung tâm trong hơn 5 năm qua là đã chế tạo và lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời cho 21 cơ sở từ thiện mầm non, dưỡng lão, trẻ mồ côi, khuyết tật trực thuộc Giáo hội Huế. Tổ chức 10 buổi tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng với sự tham gia của hơn 500 thành viên về các chủ đề sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu. Mời các giáo viên bơi lội tham gia tập huấn cho 37 Huynh trưởng. Dạy bơi cho 500 em học sinh tại thị xã Hương Thủy và Tp. Huế. Về công tác chăm sóc sức khỏe: Theo thống kê, ở khu vực Trung Bộ hiện có nhiều loại hình chăm sóc sức khỏe của Phật giáo. Cụ thể, về phòng Khám Đông y: Quảng Trị có 1 phòng khám với 3 lương y và số lượng người thăm khám bình quân hàng tháng là 30 người (một năm Phật giáo Quảng Trị sẽ thăm khám bình quân 360 người); Thừa Thiên Huế có 1 phòng khám với 90 lương y và số lượng thăm khám hàng tháng là 795 người (bình quân 1 năm là 9.540 người). Đà Nẵng có 1 phòng khám với 42 lương y và bình quân có 295 người đến thăm khám hàng tháng (bình quân 1 năm là 3.540 người); Quảng Ngãi có 2 phòng khám với 20 lương y và số lượng thăm kháng hàng tháng là 1.515 người người (bình quân 1 năm là 18.180 người). Khánh Hòa có 1 phòng khám với 3 lương y và bình quân có khoảng 600 người đến thăm khám hàng tháng (bình quân 1 năm là 7.200 người) 17. Về phòng khám Tây y, khu vực miền Trung có 1 cơ sở đóng tại Thừa Thiên Huế với 21 bác sĩ và 1.129 người thăm khám hằng tháng. Các tăng ni, phật tử Trung Bộ cũng thường xuyên tổ chức các đợt hiến máu nhân đạo nhằm bổ sung nguồn dữ trự máu cho các bệnh viện trên địa bàn. Sự hình thành đa dạng các phòng khám, các Tuệ tĩnh đường của Phật giáo đã góp một phần quan trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe cho cư dân khu vực Trung Bộ. Các cơ sở y tế của Phật giáo đã và đang trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bệnh nhân. Tiêu biểu như ở Huế, các Tuệ Tĩnh đường như Hải Đức, Liên Hoa, Pháp Hoa, Nam Phổ, An Phước, Pháp Lạc, Cự Lại, Thiện Sanh, hoạt động rất hiệu quả. Hàng nghìn bệnh nhân nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật đã được
  10. 180 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... khám, chữa bệnh và cấp thuốc miến phí. Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của Ban Trị sự, các tăng ni, phật tử ở Thừa Thiên Huế còn tổ chức nhiều đoàn y, bác sĩ, dược sĩ đến với các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để tổ chức thăm khám và bốc thuốc miễn phí cho đồng bào. Kế đó là việc tham gia cùng các tổ chức xã hội trong công tác phòng chống HIV/AIDS, thành lập phòng tư vấn sức khỏe, cơ sở chăm sóc bệnh nhân truyền nhiễm, tuyên truyền và tổ chức nhiều khóa tập huấn cho tăng ni sinh, các đơn vị Gia đình Phật tử về kiến thức phòng chống HIV/AIDS; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi tặng quà, phát học bổng, hỗ trợ kinh phí cho các em nhỏ mồ côi. Riêng đối với Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở Huế, qua hơn 35 hoạt động (1982 - 2019) đã tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 1.301.370 bệnh nhân với tổng chi phí 71 tỉ 946 triệu đồng. Tuệ tĩnh đường Hải Đức từ năm 2012 - 2016 đã tiếp nhận khám và chữa bệnh cho hơn 268.700 lượt bệnh nhân với tổng chi phí trên 11 tỉ 931 triệu đồng. Đà Nẵng có Tuệ Tĩnh đường Pháp Lâm (1990) đã tổ chức phát thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Tuệ Tĩnh đường hiện có hơn 40 y, bác sĩ luân phiên nhau làm việc tại phòng khám. Theo thống kê của Tuệ Tĩnh đường Pháp Lâm, tính đến nay đã tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 800 nghìn lượt người, với tổng chi phí hơn 10 tỉ đồng. Ngoài ra, ở Đà Nẵng các Tuệ Tĩnh đường mới được thành lập như Lộc Quang (xã Hòa Sơn, do sư cô Thích Nữ Chúc Hiên phụ trách), Hòa Nam (xã Hòa Nhơn) và Thiên Bảo (nguyên là Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa) đã tích cực tổ chức châm cứu chữa bệnh miễn phí mỗi tuần 2 đến 3 ngày. Ở Quảng Nam có Tuệ Tĩnh đường ở chùa Phổ Tịnh (huyện Điện Bàn) do Sư cô Thích Nữ Hạnh Lý tổ chức điều hành. Các sáng thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, Tuệ Tĩnh đường mở cửa khám và điều trị cho các bệnh nhân bằng các phương pháp y học cổ truyền, hướng dẫn trồng, chế biến và sử dụng thuốc nam đồng thời, cấp phát thuốc miễn phí. Ở Quảng Ngãi có Tuệ Tĩnh đường Từ Tâm tại Tịnh xá Ngọc Quảng, do sư cô Thích nữ Nhàn Liên điều hành. Hơn 10 năm qua, gần như tất cả các ngày trong tuần, Tuệ Tĩnh đường Từ Tâm đều mở cửa khám bệnh, điều trị châm cứu miễn phí cho các bệnh nhân nghèo. Về hoạt động xây nhà tình thương, xây cầu, làm đường: Năm 2018, Quảng Trị có 5 công trình được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư là 2 tỉ 501 triệu; Đà Nẵng có 18 công trình được xây dựng với tổng kinh phí 910 triệu đồng; Quảng Ngãi có 15 công trình xây dựng với tổng kinh phí là 880 triệu đồng; Bình Định có 6 công trình với tổng kinh phí là 232 triệu đồng; Khánh Hòa có 21 công trình được xây dựng với tổng kinh phí là 920 triệu đồng; Bình Thuận có 27 công trình xây dựng với tổng số tiền là 4 tỉ 820 triệu đồng.
  11. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 181 Về hoạt động cứu trợ xã hội (bão lụt, hạn hán, thiên tai, động đất, cứu đói...): Thực hiện chủ trương của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc giúp đỡ bà con miền Trung trong việc chống chọi với thiên tai hàng năm và nhất là hậu quả môi trường biển mà Formosa đã tạo nên, Ban trị sự Phật giáo các tỉnh đã tích cực kêu gọi quyên góp và tham gia ủng hộ rất tích cực. Theo báo cáo trong năm 2018, Phật giáo Thanh Hóa đã vận động được 105 tỉ đồng cho công tác từ thiện; đã trao tặng 1.000 suất quà cho các hộ nghèo của huyện Nông Cống, 300 phần quà tại huyện Như Thanh và 200 phần quà tại huyện Như Xuân với tổng trị giá hơn 750 triệu đồng. Đầu năm 2019, Phật giáo Tỉnh Thanh Hóa đã cùng với Ban từ Thiện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ gần 300 triệu đồng cho các hộ gia đình có người mất, hoặc nhà bị cuốn trôi do lũ quét... Phật giáo Nghệ An đã tham gia ủng hộ đồng bào bị thiên tai 209 triệu đồng; còn Hà Tĩnh là gần 1 tỉ đồng, Quảng Trị trên 2 tỉ 140 triệu đồng, Thừa Thiên Huế 1 tỉ 500 triệu đồng, Đà Nẵng 1.7 tỉ đồng, Quảng Nam 900 triệu, Bình Định trên 70 triệu, Khánh Hòa 7 tỉ 747 triệu, Bình Thuận trên 476 triệu. Bên cạnh đó, nhiều đoàn từ thiện Phật giáo đã tổ chức những đợt thăm và tặng quà cho các hộ gia đình, các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn, trại trẻ mồ côi, khuyết tật như: Trung tâm Phục hồi chức năng Gio Linh, Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ mồ côi ở Quảng Trị, Trung tâm Xã hội An Hòa, Hội người mù ở Hương Trà và Hương Thuỷ tỉnh Thừa Thiên Huế, tham gia cứu trợ cho bà con thuộc các địa phương là vùng núi, vùng sâu, vùng xa như xã Thượng Trạch, Quảng Bình; các huyện Quế Sơn, Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam; xã Long Bàn Bắc, Nghĩa Hành Quảng Ngãi và xã Trà Tân, Đức Linh, Bình Thuận... Tổng số tiền phát quà từ thiện của Phật giáo ở khu vực miền Trung thống kê trong năm 2018 là 160 tỉ 049 triệu đồng. Trong đó, Phật giáo Quảng Trị 210 triệu, Thừa Thiên Huế 150 triệu, Đà Nẵng 21 tỉ 067 triệu, Quảng Ngãi 5 tỉ 075 triệu, Bình Định 5 tỉ 221 triệu, Khánh Hòa 101 tỉ 158 triệu, Bình Thuận 26 tỉ 324 triệu1... Cùng với các hoạt động cứu trợ về tài chính, vật lực, Phật giáo ở các tỉnh thành còn tổ chức những bữa ăn miễn phí ngay tại địa bàn cho các đối tượng khác nhau trong xã hội. Theo thống kê năm 2018, toàn miền Trung đã tổ chức được 67 bếp cơm chay từ thiện. Trong đó, Quảng Trị có 6 bếp, mỗi lần phát 200 suất, mỗi tháng 11 lần, tương đương 26.304 suất/tháng, với tổng số tiền đầu tư là 14 triệu; Thừa Thiên Huế có 1 bếp, mỗi lần phát 40 suất, mỗi tháng 26 lần, tương đương 10.400 suất/tháng với tổng số tiền đầu tư là 35 triệu; Đà Nẵng có 5 bếp, mỗi lần phát 1.820 suất, mỗi tháng 8 lần, tương đương 2.520 suất/tháng, với tổng số tiền là 54 triệu đồng; Quảng Ngãi 1 Ban Từ thiện Xã hội Trung ương (2018), “Báo cáo tổng kết công tác Phật sự”, nguồn: https://vbgh.vn.
  12. 182 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... có 18 bếp, mỗi lần phát 6.950 suất, mỗi tháng 24 lần, tương đương 9.650 suất/tháng, với tổng số tiền là 148 triệu; Bình Định có 7 bếp, mỗi tháng phát 20 lần, với tổng số tiền 10 triệu đồng; Khánh Hòa có 6 bếp, số lượng phát mỗi lần là 2.100 suất, mỗi tháng 9 lần, tương đương 3.200 suất/tháng, với tổng số tiền là 47 triệu; Bình Thuận có 18 bếp cơm, số lượng phát mỗi lần là 4.140 suất, mỗi tháng có 33 lần phát, tương đương 9.203 suất/tháng, với tổng số tiền đầu tư là 3,4 tỉ đồng. (cả nước có 135 bếp cơm, mỗi lần phát là 29.891 suất, mỗi tháng 476 lần, tổng số là 592.428 suất/tháng và số tiền chi là trên 9,3 tỉ đồng). Bên cạnh đó, Ban Từ thiện Phật giáo Quảng Trị còn xây dựng được 4 địa điểm phục vụ nồi cháo tình thương, mỗi tháng tổ chức cấp phát 7 lần, với tổng số tiền đầu tư hàng tháng là 10 triệu đồng; Thừa Thiên Huế có 1 địa điểm, mỗi lần phát 700 suất, mỗi tháng 2 lần, với tổng số tiền là 8 triệu; Đà Nẵng có 1 địa điểm, với số tiền đầu tư mỗi tháng 34 triệu đồng; Quảng Ngãi có 5 địa điểm, mỗi lần phát 1.900 suất, mỗi tháng 6 lần với tổng số tiền là 13.5 triệu đồng; Khánh Hòa có 10 địa điểm, mỗi lần phát 2.075 suất, mỗi tháng phát 21 lần với tổng số tiền đầu tư là 64.8 triệu; Bình Thuận có 2 cơ sở, mỗi lần phát là 450 suất, mỗi tháng 5 lần, tổng số tiền là 46 triệu (cả nước có 48 địa điểm, với tổng số tiền chi cho các địa điểm là 1 tỉ 277 triệu đồng). Công tác bảo trợ xã hội cũng đã và đang được Phật giáo ở miền Trung chú trọng thực hiện. Theo thống kê thì ở các tỉnh thành miền Trung đã có các trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi của Phật giáo như: Ở Thừa Thiên Huế có 2 trung tâm, với tổng số lượng trẻ là 175 và 19 bảo mẫu; Đà Nẵng hiện có 2 trung tâm, với số lượng 105 trẻ và 17 bảo mẫu; Bình Định có 1 trung tâm với 30 trẻ và 4 bảo mẫu; Khánh Hòa có 5 trung tâm với 93 trẻ và 20 bảo mẫu (tính đến 2018, cả nước có 46 trung tâm với 1.329 trẻ em và 160 bảo mẫu). Đối với Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn, không nơi nương tựa: Thừa Thiên Huế có 2 trung tâm là Tịnh Đức và Diệu Viên; Đà Nẵng có 1 trung tâm, với 8 cụ già và 4 bảo trợ; Khánh Hòa có 3 trung tâm với 14 cụ già (cả nước có 15 trung tâm với 527 cụ già và 49 bảo trợ). Không chỉ số lượng mà thành tựu của các trung tâm đạt được cũng hết sức ấn tượng. Ở Thanh Hóa, Trung tâm từ thiện Hồi Long, dù mới chỉ khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2018, nhưng đã tiếp nhận hơn 30 đối tượng là người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật về chăm sóc. Ở Quảng Trị có cơ sở Ngọc Lộ nằm trên địa bàn xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Cơ sở này được xây dựng vào năm 2008, nhằm hỗ trợ chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật và chất độc màu da cam. Đến nay đã có hơn 20 em được phục hồi có hiệu quả và đang hòa nhập vào các trường mẫu giáo, trường khuyết tật trên địa bàn. Ở
  13. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 183 Thừa Thiên Huế có 4 cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo, với 290 đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong số 4 cơ sở này có 1 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật ở Chùa Long Thọ; 1 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa ở chùa Tịnh Đức; 2 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi là Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi chùa Đức Sơn và Trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi Ưu Đàm. Trung tâm bảo trợ trẻ em Đức Sơn đã thành lập được hơn 30 năm, tính đến nay đã có hàng trăm em trưởng thành và có cuộc sống độc lập, trong đó có nhiều em đã tốt nghiệp đại học, trên đại học và đã tìm được những công việc phù hợp, có mức thu nhập ổn định. Hiện tại Trung tâm đang nuôi dưỡng và chăm sóc 150 trẻ mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn (69 nam và 81 nữ). Tổng chi phí hoạt động trong 5 năm gần đây (2012 - 2016) của trung tâm là 17 tỉ 151 triệu đồng. Trung tâm bảo trợ trẻ em Ưu Đàm được thành lập từ năm 2005, đến nay đã có 8 em tốt nghiệp Đại học, trong đó có 6 em đã có công việc ổn định. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 50 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi (28 nam và 22 nữ). Tổng kinh phí hoạt động trong 5 năm (2012 - 2016) của trung tâm là 350 triệu đồng. Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật chùa Long Thọ được thành lập từ năm 2015, hiện có 80 trẻ em khuyết tật đang được chăm sóc và dạy dỗ, trong đó có 40 em ở nội trú. Viện Dưỡng lão Tịnh Đức được thành lập từ năm 1996, do Sư Cô Diệu Thành vận động thành lập. Hiện tại, Viện đang nuôi dưỡng gần 30 cụ già có độ tuổi từ 60 - 97, đến từ nhiều địa phương của khu vực Trung Bộ. Một trong những đóng góp tiếp theo của Phật giáo cho công tác an sinh xã hội được thể hiện qua vai trò của các tổ chức Gia đình Phật tử như: Gia đình Phật tử Quảng Trị trong năm 2018, đã tổ chức hàng trăm nồi cháo tình thương cho các bệnh nhân ở các bệnh viện trong tỉnh; trao tặng 10 suất học bổng cho Đoàn sinh khó khăn, trị giá 20 triệu đồng, 15 suất quà cho ngành Đồng ấu trị giá 4.5 triệu đồng; tiếp nhận 20 suất học bổng từ thành phố Hồ Chí Minh tặng với tổng trị giá 200 triệu đồng. Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế đã chi 66 triệu đồng để làm quỹ khuyến học cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Trung ương Huế với 397 đơn vị máu. Gia đình Phật tử Đà Nẵng với châm ngôn: “Một giọt máu cho đi/Một con người lại” đã thành lập Đội tình nguyện hiến máu với số lượng hơn 800 đoàn viên, phần đông là các Huynh trưởng và đoàn sinh... Trong năm 2018, đội tình nguyện đã tham gia hiến hơn 380 đơn vị máu, 180 đơn vị tiểu cầu; tổ chức khám bệnh phát thuốc tại Duy Xuyên, Quảng Nam với trị giá 150 triệu; tổ chức bóng đá để xây dựng 4 ngôi nhà tình thương và sửa chửa 4 ngôi nhà trị giá 240 triệu đồng; xây dựng 4 nhà tình nghĩa tại Hòa Khê, Đà Nẵng, tại Quảng Trị, tại Thăng Bình và Duy Xuyên, Quảng Nam. Gia đình Phật tử Quảng Ngãi thường
  14. 184 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... xuyên tổ chức các bữa cơm chay từ thiện cho những người khó khăn và các bệnh nhân ở các bệnh viện trong tỉnh. Tổ chức tặng Mái Nhà Lam cho huynh trưởng Bùi Thị Sương thuộc Gia đình Phật tử Diệu Giác; cấp 84 suất học bổng cho các đoàn sinh có hoàn cảnh khó khăn; cấp thưởng cho 32 đoàn sinh đỗ đại học... Tổng giá trị tiền từ thiện của Gia đình Phật tử Quảng Ngãi là trên 300 triệu đồng1. Ngoài ra, Phật giáo Trung Bộ còn thường xuyên tổ chức các khóa học để giáo dục đạo đức và tinh thần hướng thiện cho con người. Như ở Nghệ An, đã tổ chức nhiều khóa sinh hoạt “Ươm mầm hoa sen” ở chùa Chí Linh (huyện Yên Thành), với sự tham gia của gần 1000 khóa sinh. Ở Thừa Thiên Huế tổ chức khóa sinh hoạt “Mai thắm vườn Thiền” ở chùa Từ Lâm, với sự tham gia của 300 khóa sinh. Ở Đà Nẵng tổ chức khóa tu mùa hè ở Thiền viện Bồ Đề, với gần 1.000 khóa sinh. Ở Quảng Nam tổ chức “Hiểu và Thương” ở Chùa Đạo Nguyên và khóa tu mùa hè ở Chùa Minh Đức, với 700 khóa sinh. Ở Khánh Hòa tổ chức khóa sinh hoạt “Hành trang vào đời” ở chùa Bảo Quang (Cam Lâm), với 400 khóa sinh; tổ chức khóa sinh hoạt “Tôn Sư Trọng Đạo”, tại Chùa Long Sơn, với sự tham gia của 160 sinh viên... Đây cũng là những đóng góp quan trọng của Phật giáo cho công tác an sinh xã hội. Bởi bên cạnh sự hỗ trợ về mặt vật chất, an sinh xã hội nó còn góp phần đảm bảo một cuộc sống cân bằng, hài hòa về tâm lí, trong đó sẽ bao hàm cả tính nhân văn, đạo đức cho các tín đồ, phật tử. Rõ ràng, trong đời sống xã hội ở miền Trung hiện nay, các tôn giáo nói chung - trong đó có Phật giáo không chỉ đáp ứng như cầu về đời sống tâm linh, tinh thần mà còn góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. 3. Một vài nhận định về việc xây dựng niềm tin xã hội nhìn từ công tác an sinh xã hội của Phật giáo Thứ nhất, Phật giáo Trung Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đang thực hiện đúng phương châm đồng hành cùng dân tộc trên nhiều phương diện, trong đó có cả công tác an sinh xã hội. Đây là một trong những cơ sở rất quan trọng để Phật giáo tạo lập niềm tin đối với Đảng, Nhà nước cũng như đối với quần chúng nhân dân. Bởi trong tiến trình đi lên của đất nước, ngoài việc chăm lo phụng sự Đạo pháp, tăng ni, Phật tử còn phải thể hiện trách nhiệm, bổn phận của những người công dân đối với Tổ quốc. Tùy theo đặc thù của công việc, hoàn cảnh mà các tăng ni, phật tử đã có những phương cách khách nhau để cống hiến cho đất nước. Những đóng góp này của Phật giáo đã góp phần vào việc thể hiện và hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác an sinh xã hội cũng như mang lại những giá 1 Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (2018), “Báo cáo tổng kết công tác phật sự”, nguồn: https://vbgh.vn.
  15. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 185 trị hết sức thiết thực cho đời sống con người. Đây là điều mà chính quyền và nhân dân ở các tỉnh thành Trung Bộ đã, đang ghi nhận và đánh giá cao. Và để có được cơ sở của những thành tựu như ngày hôm nay thì đó quả là cả một câu chuyện dài của lịch sử. Trong đó, mỗi khi nhắc đến Phật giáo, mỗi người dân Việt đều sẽ cảm nhận được sự gần gũi, gắn bó của tôn giáo này trong mạch sống văn hóa, trong việc hình thành đạo đức, nhân tâm cho con người và cả trong những nghĩa cử nhân đạo cao đẹp. Cũng chính do vậy mà trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta cũng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để tạo lập môi trường thuận lợi cho các tôn giáo cùng phát triển. Tinh thần đó đã được thể hiện qua nhiều văn bản, chỉ thị khác nhau, song cơ bản nhất vẫn là việc thừa nhận tôn giáo sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thứ hai, công tác an sinh xã hội của Phật giáo Trung Bộ đã góp phần khẳng định giá trị con người, giá trị xã hội, để từ đó, tăng cường niềm tin cho cá nhân và cộng đồng. Về giá trị con người, các chính sách an sinh xã hội của Phật giáo Trung Bộ đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho đời sống con người, giúp họ khẳng định được vị thế của mình trong xã hội. Điều này cho thấy sự coi trọng quyền con người, được làm người và tư tưởng bình đẳng của Phật giáo đã được các tăng ni, phật tử Trung Bộ vận dụng một cách tích cực. Và quan trọng hơn, là thông qua các hoạt động trợ giúp này, Phật giáo Trung Bộ đã khơi dậy được tiềm năng và niềm tin cho nhiều người dân, giúp họ vững tin hơn trong cuộc sống, chống chọi lại được với những va đập và những tổn thương đang phải gánh chịu. Về giá trị xã hội, đó là việc tham gia sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng. Khu vực Trung Bộ là nơi thường xuyên phải gánh chịu những khó khăn do thiên tai gây ra, đó là chưa kể đến điều kiện kinh tế và chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân ở khu vực này còn gặp rất nhiều khó khăn so với các địa phương khác trên cả nước. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần nâng cao các giá trị về chất lượng cuộc sống cho cá nhân và cộng đồng. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để khẳng định cho phương châm “tốt đời - đẹp đạo” mà Phật giáo đã xây dựng trong tiến trình lịch sử của mình. Thứ ba , thông qua công tác an sinh xã hội, Phật giáo Trung Bộ đã góp phần khẳng định tinh thần từ bi, cứu khổ của nhà Phật. Đây chính là một động lực quan trọng để xây dựng niềm tin cho nhân dân, nhất là đối với các tín đồ Phật giáo. Niềm tin của con người luôn được hình thành dựa trên những nền tảng nhất định mà ở đó, họ cảm nhận được sự tin tưởng hoặc tính đúng đắn của vấn đề. Phật giáo luôn được biết đến bởi lòng từ bi và nhiều người cũng luôn tin tưởng
  16. 186 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... ở Phật giáo ở phương diện ấy. Để “lời nói luôn đi đôi với việc làm”, Phật giáo Trung Bộ trong những năm qua đã có nhiều đóng góp cho xã hội. Những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh éo le, những khó khăn bởi thiên tai, bão lũ đã được giúp đỡ thông qua các trung tâm bảo trợ xã hội, qua các chương trình thiện nguyện của Phật giáo. Chẳng hạn như việc thành lập các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, hay nuôi dưỡng và chăm sóc người già không nơi nương tựa hay các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí đã tạo điều kiện cho những người dân nghèo có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế để chăm lo sức khỏe cho bản thân, giảm sự quá tải đối với các cơ sở y tế của nhà nước. Các trung tâm dạy nghề miễn phí đã góp phần cung cấp kiến thức nghề nghiệp, giải quyết công ăn, việc làm cho nhiều người, giảm tải được vấn đề thất nghiệp cho xã hội... Qua các hoạt động thiết thực này, Phật giáo Trung Bộ ngày càng tạo nên sự gắn bó với cộng đồng; thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, sự chia sẻ lớn lao để cùng gánh vác những khó khăn của các cá nhân và cộng đồng, góp phần củng cố niềm tin của xã hội vào một cuộc sống tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và các giai tầng xã hội đang chung tay xây dựng. T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (2018), “Báo cáo tổng kết công tác phật sự”, nguồn: https://vbgh.vn. 2. Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị (2018), “Công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề hiện nay”, nguồn: https://vbgh.vn. 3. Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế (2018), “Vai trò của Ban Từ thiện Xã hội trong công tác an sinh xã hội”, nguồn: https://vbgh.vn. 4. Ban Từ thiện Xã hội Trung ương (2018), “Báo cáo tổng kết công tác phật sự”, nguồn: https://vbgh.vn. 5. Beyond HEPR (2005), A framework for integrated national system of Social security in Vietnam, UNDP-DFID, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành. 6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), “Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại ĐHĐBTQ lần thứ X của Đảng”, nguồn: http://tulieuvankien. dangcongsan.vn. 7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), “Báo cáo chính trị của BCHTWĐ khoá X tại ĐHĐBTQ lần thứ XI của Đảng”, nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
  17. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 187 8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn. 9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại ĐHĐBTQ lần thứ XII của Đảng”, nguồn: http://tulieuvankien. dangcongsan.vn. 10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng”, nguồn: http://tulieuvankien. dangcongsan.vn. 11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 65, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), “Thông báo Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”, nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2