intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam nhằm tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

13
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam nhằm tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu tập trung phân tích thực trạng phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, và việc tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu, từ đó đưa ra một số giải pháp về phát triển bền vững nhằm tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam nhằm tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu

  1. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 79 PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH CÀ PHÊ VIỆT NAM NHẰM TĂNG CƯỜNG VỊ THẾ TRONG CHUỖI CUNG ỨNG CÀ PHÊ TOÀN CẦU Nguyễn Thị Vân Trang Nguyễn Minh Anh Trịnh Thị Thu Hương Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, Email: nguyenvantrang.ktkdqt@ftu.edu.vn Tóm tắt: Cà phê đã và đang là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Sự tham gia của ngành cà phê Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra những yêu cầu tất yếu về phát triển bền vững từ những thị trường khó tính. Các tiêu chí về phát triển bền vững cho sản phẩm cà phê ngày càng được quy định cụ thể và trở nên khắt khe hơn. Vì thế, việc đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững là tất yếu cho việc tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Bài viết tập trung phân tích thực trạng phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, và việc tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu, từ đó đưa ra một số giải pháp về phát triển bền vững nhằm tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Từ khóa: chuỗi cung ứng cà phê, bền vững, cà phê Việt Nam, chuỗi cung ứng toàn cầu IMPROVING SUSTAINABILITY OF VIETNAMESE COFFEE INDUSTRY TO ENHANCE POSITION IN THE GLOBAL COFFEE SUPPLY CHAIN Abstract: Coffee has been one of the key export agricultural products of Vietnam. The participation of Vietnam’s coffee industry in the global supply chain poses inevitable requirements for sustainable development from fastidious markets. The sustainability criteria for coffee products are increasingly specified and stringent. Therefore, meeting the requirements of sustainable development is indispensable for extensive participation in the global coffee supply chain. The article focuses on analyzing the situation of sustainable development of Vietnam’s coffee industry, and Vietnam’s participation in the global coffee supply chain, then proposing some recommendations on sustainable development to increase Vietnam’s participation in the global coffee supply chain.
  2. 80 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Key words: coffee supply chain, sustainability, Vietnamese coffee, global supply chain 1. Giới thiệu chung Hiện nay, cà phê là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam đứng thứ 2 cả nước về diện tích với tổng 710.000 ha, trong đó Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, với hơn 213.000 ha. Là một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước (Bộ Công Thương, 2022). Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê của thế giới, sau Brazil trong nhiều năm liền từ 2000. Sự tham gia của ngành cà phê Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang đặt ra những yêu cầu tất yếu về phát triển bền vững từ những thị trường khó tính. Các tiêu chí về phát triển bền vững cho sản phẩm cà phê ngày càng được quy định cụ thể và trở nên khắt khe hơn. Mới đây, ngày 6/12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quy định về chuỗi cung ứng “không phá rừng”, theo đó cấm các công ty bán vào thị trường chung châu Âu các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, cao su, đậu nành, gỗ, thịt bò, dầu cọ... có liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu. Cà phê là một trong số các mặt hàng được liệt kê là nguyên nhân chính dẫn tới nạn phá rừng do mở rộng nông nghiệp, vì vậy thông tin địa lý chính xác trên đất nông nghiệp nơi cây được trồng sẽ được thẩm định nghiêm ngặt khi xuất khẩu cà phê sang EU khi quy định này được áp dụng. Trong nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành và thực thi. Ngày 5/9/2022, Thủ tướng ký Quyết định số 1044/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh với sự phối hợp liên ngành. Bối cảnh thế giới và trong nước như vậy vừa thúc đẩy, vừa tạo động lực cho ngành cà phê Việt Nam tích cực trên các khía cạnh của phát triển bền vững. Quản lý chuỗi cung ứng bền vững là quản lý ba dòng chảy - nguyên vật liệu, vốn, thông tin - và sự hợp tác của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, khi tính đến ba trụ cột phát triển bền vững để ra quyết định nhằm thoả mãn nhu cầu của khách hàng (Seuring và Müller, 2008). Định nghĩa này nêu bật ba đặc điểm: sự hợp tác giữa những thành viên trong chuỗi cung ứng; ba trụ cột về phát triển bền vững (trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường); và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tính bền vững cần được giải quyết một cách toàn diện trong sản xuất cà phê để thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu của con người mà không làm tổn hại đến môi trường (Nguyen và Yapwattanaphuna, 2015). Chuỗi cung ứng cà phê bền vững đem lại rất nhiều lợi ích. Trang trại bền vững mang lại cho nông dân lợi nhuận kinh tế cao hơn từ 22 đến 35% so với các trang trại khác nhờ sản lượng cao hơn và giá cả cao hơn của các sản phẩm bền vững (Crowdera và Reganold, 2015; Ramesh và cộng sự, 2010). Cách tiếp cận bền vững cho phép nông dân sử dụng kiến thức và kỹ năng của họ hiệu quả hơn. Ngoài ra, chuỗi cung ứng bền vững giúp bảo vệ môi trường, cải thiện mức sống của nông dân và đảm bảo nguồn cung cà phê ổn định cho các nhà chế biến thực phẩm (Mistiaen, 2012). Thêm nữa, 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường cũng được coi là 3 nguyên tắc trong Bộ Quy tắc Tham chiếu về cà phê bền vững (Global coffee platform, 2021), một khung tham chiếu đóng vai trò như hướng dẫn cho tất cả người sản xuất cà phê, bắt đầu hoặc đang tiến bước trên hành trình phát triển bền vững, bằng cách thiết lập một ngôn ngữ chung nhằm tăng cường sản xuất và tiêu thụ cà phê bền vững (hình 1). Hình 1: Các nguyên tắc trong Bộ Quy tắc Tham chiếu về cà phê bền vững
  3. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 81 Nguồn: Global coffee platform, 2021 Bài viết tập trung vào các khía cạnh phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam, tìm hiểu thực trạng tham gia vào chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu và đưa ra một số giải pháp về phát triển bền vững góp phần thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Lý giải cho việc tập trung vào chuỗi cung ứng toàn cầu, là việc phần lớn lượng sản xuất cà phê của Việt Nam là xuất khẩu. Thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng 23,5% tổng sản lượng cà phê của cả nước theo số liệu tháng 11/2022 từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam. Nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu thu thập, tổng hợp, so sánh đối chiếu các nguồn tài liệu thu thập từ các cơ sở dữ liệu thứ cấp. Các số liệu thứ cấp được cập nhật từ các nguồn đa dạng, bao gồm các báo cáo, số liệu từ Bộ Công Thương, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), Tổ chức cà phê thế giới (ICO), Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC),.... Đồng thời, nghiên cứu được thực hiện thông qua phương pháp thống kê, mô tả dựa trên các số liệu có sẵn, từ đó đề xuất giải pháp. 2. Tình hình chung về xuất khẩu cà phê của Việt Nam Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2019 và 2020 có biến động giảm so với năm 2018 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế suy thoái, kéo theo nhu cầu cà phê giảm, nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa, ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn và chi phí logistic tăng cao (bảng 1). Sau đại dịch, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam đã dần phục hồi. Năm 2021, nhờ nhu cầu tiêu dùng cà phê của các nền kinh tế phục hồi, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã bắt đầu tăng trở lại. Trong năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 1,77 triệu tấn cà phê các loại với tổng kim ngạch 3,94 tỷ USD. Con số này không những vượt qua mức trước đại dịch 2018 mà niên vụ cà phê 2021- 2022 (được tính từ tháng 10 đến hết tháng 9 năm sau) còn đạt giá trị kim ngạch cao nhất từ trước đến nay nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng trở lại và nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng cao ở các
  4. 82 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 nền kinh tế lớn. Hiệp hội Cà phê Cacao dự báo sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn. Vì vậy, tăng giá trị xuất khẩu sẽ không đến từ việc tăng sản lượng mà đến từ việc gia tăng giá trị cho ngành hàng cà phê. Bảng 1: Lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam giai đoạn 2018- 2022 Kim ngạch xuất khẩu Lượng xuất khẩu Năm Kim ngạch Tỷ lệ tăng trưởng so với (triệu tấn) (tỷ USD) năm trước (%) 2018 1,88 3,54 1,2 2019 1,653 2,86 -19,2 2020 1,57 2,74 -4,2 2021 1,52 2,98 8,6 2022 1,77 3,94 32,2 Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, dựa trên giống cây cà phê được trồng tại Việt Nam, có 3 chủng loại là cà phê Robusta (cà phê vối), cà phê Arabica (cà phê chè) và cà phê Excelsa hay Liberica (cà phê mít). Theo thông tin tổng hợp tại bảng 2, cà phê Robusta là giống được trồng nhiều nhất ở Việt Nam và là chủng loại có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm 76,7% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2022; lượng xuất khẩu đạt 1,26 triệu tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu cà phê Robusta trong 10 tháng năm 2022 đạt 1.988 USD/tấn, tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2021. Do đặc điểm thích nghi của từng loại cây, cà phê Arabica và cà phê Excelsa được trồng không nhiều tại Việt Nam, dù giá xuất khẩu cao hơn. Tính trên 10 tháng ănm 2022, giá xuất khẩu cà phê Arabica đạt 4.410 USD/ tấn, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu cà phê Excelsa đạt 2.463 USD/tấn tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bảng 2: Chủng loại cà phê xuất khẩu theo giống cây của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 10 tháng đầu năm 2022 So với cùng kỳ năm 2021 (%) Chủng loại Lượng Giá xuất khẩu Lượng Giá xuất khẩu (triệu tấn) (USD/tấn) Robusta 1,26 1.998 12,2 21 Arabica 0,05 4.410 8,0 57,4 Cà phê Excelsa 0,002 2.463 -17,9 33,7 Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Nếu phân chia mặt hàng cà phê xuất khẩu theo mã HS (bảng 3), cà phê chưa rang và chưa khử caffein (mã HS. 090111) là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 95,6% sản lượng xuất khẩu năm 2021 theo thống kê từ ITC. Tỉ trọng xuất khẩu cà phê đã khử caffeine chưa rang xay (mã HS 090112) là 0,6% và cà phê rang xay chưa khử caffein (mã HS 090121) là 0.5%. Cà phê rang xay và đã khử caffeine (mã HS 090122) và vỏ cà phê, chất thay thế cà phê có chứa cà phê ở bất kỳ tỷ lệ nào (mã HS 090190) kim ngạch mỗi loại chỉ
  5. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 83 chiếm 0.04% trong năm 2021. Con số này cho thấy năng lực trồng và sản xuất cà phê thành nguyên liệu thô để xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này mang lại giá trị gia tăng không lớn như các hoạt động rang xay, chế biến sâu, và phân phối bán lẻ. Bảng 3: Chủng loại cà phê xuất khẩu theo mã HS của Việt Nam năm 2021 Tỷ trọng trong Chủng loại Mã HS tổng kim ngạch xuất khẩu Cà phê chưa rang và chưa khử caffein 090111 95,6% Cà phê chưa rang xay đã khử caffeine 090112 0,6% Cà phê rang xay chưa khử caffein 090121 0,5% Cà phê rang xay và đã khử caffeine 090122 0,5% Vỏ cà phê, chất thay thế cà phê có chứa cà phê ở 090190 0,04% bất kỳ tỷ lệ nào Nguồn: Tính toán từ số liệu của ITC Theo Vicofa, niên vụ 2021-2022, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm rang xay, hòa tan chiếm 5,5% về lượng và 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành cà phê. Đây là một bước phát triển lớn và kết hợp với tiêu thụ nội địa cho thấy triển vọng ngành cà phê đang rất tốt và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê nhân. Top 10 doanh nghiệp có khối lượng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ 2021-2022 là: Outspan Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên (chi nhánh Sài Gòn), Cà phê Ngon, URC Việt Nam, Lựa chọn đỉnh, Nestlé Việt Nam... Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm thị phần 60% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ cà phê 2021-2022 và chiếm khoảng 66% về kim ngạch. Về thị trường nhập khẩu, Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 616.972 tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 39% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam tính trên 11 tháng đầu năm 2022 (Hình 2). Sự tăng trưởng này có được nhờ lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Đứng thứ hai về thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 là thị trường Mỹ với tỷ trọng 7% lượng xuất khẩu, và khối lượng đạt 109.581 tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Những thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo gồm Nhật Bản đạt 99.622 tấn (tăng 1,2% so với cùng kỳ), Nga 92.951 tấn (tăng 26,6% so với cùng kỳ), Philippines 47.764 tấn (giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ), và Anh 40.448 tấn (tăng 51,2% so với cùng kỳ). Hình 2: Cơ cấu thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022 Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan
  6. 84 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu Chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu với sự tham gia của các bên được mô tả tại hình 3. Hình 3: Chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu Ghi chú *: Nhà cung cấp Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả Chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu bắt đầu với nhà cung cấp từ cây giống, phân bón, cho tới các hóa chất và thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó là người trồng cà phê, cá nhân hoặc tập thể, và có thể thực hiện thêm khâu sơ chế như phơi khô và tách vỏ sau khi thu hoạch. Thương lái thu mua có thể thực hiện nhiều công việc từ thu gom đủ lượng cà phê từ nhiều hộ nông dân rồi bán cho người chế biến hay cho nhà xuất khẩu cho tới mua cà phê rồi tiến hành sơ chế. Cơ sở chế biến có thể là những hộ nông dân có thiết bị chế biến cà phê, hoặc các công ty. Giai đoạn này được hiểu là chế biến thô. Sau đó 1 phần cà phê nguyên liệu được tiếp tục chế biến sâu tạo ra cà phê thành phẩm. Nhà xuất khẩu sau khi mua từ cơ sở chế biến thô hoặc người chế biến sâu, sẽ bán hàng cho nhà nhập khẩu. Nhà xuất khẩu cũng có thể thực hiện khâu chế biến. Ở thị trường quốc tế, nhà nhập khẩu sẽ thực hiện bán hàng qua nhà phân phối, nhà bán lẻ, rồi tới người tiêu dùng. Ngoài ra, nhà nhập khẩu ví dụ như Nestlé sẽ tiến hành thêm một số bước chế biến sâu để đưa ra thị trường những sản phẩm đa dạng từ nguồn nguyên liệu sơ chế nhập khẩu. Sự tham gia của các quốc gia trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu có thể được xem xét ở các hoạt động trong chuỗi với 3 cấp độ: tạo ra giá gia tăng thấp, giá trị gia tăng trung bình
  7. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 85 và giá trị gia tăng cao. Giá trị gia tăng thường là thấp ở hoạt động nuôi trồng cây cà phê, hoặc xuất khẩu cà phê nguyên liệu. Giá trị gia tăng trung bình được tạo ra ở hoạt động thu hoạch và chế biến thô. Giá trị gia tăng cao được tạo ra qua các hoạt động chế biến sâu, hay nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, phân phối và bán lẻ. Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động nuôi trồng, thu hoạch và chế biến thô, xuất khẩu - những hoạt động chưa tạo được giá trị gia tăng cao (hình 4). Trong khi đó, các thành viên trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu ngoài lãnh thổ Việt Nam thì lại tạo ra giá trị rất lớn vào giá cà phê cuối cùng. Hình 4: Sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu Hoạt động Giá trị gia tăng Thấp Trung bình Thấp Cao Cao Mức độ tham gia Gần như không Cao Cao Cao Thấp Của Việt Nam tham gia Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả Những yêu cầu về phát triển bền vững trải dài ở các hoạt động trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Vì vậy, để gia tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi, việc đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững ngay từ những khâu chúng ta đã và đang tham gia sâu như nuôi trồng, thu hoạch và chế biến thô hay xuất khẩu là cần thiết và nên được ưu tiên. Phát huy thế mạnh sẵn có và cập nhật, đáp ứng những yêu cầu mới của các thị trường khó tính, đồng thời gia tăng sự tham gia ở những hoạt động tạo giá trị cao sẽ là hướng đi cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. 4. Thực trạng phát triển bền vững trong ngành cà phê Việt Nam 4.1. Các chứng nhận cà phê Ngày càng có nhiều bằng chứng về tác động của Tiêu chuẩn bền vững tự nguyện (VSS). Hầu hết các bằng chứng cho thấy các kết quả khác nhau về tác động trong các khu vực sản xuất được chứng nhận. Có những đóng góp rõ ràng của Tiêu chuẩn bền vững tự nguyện (VSS) đối với các tác động tích cực, chẳng hạn như giảm chi phí hoạt động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như cải thiện các điều kiện xã hội và môi trường (Petrokofsky và Jennings, 2018). Tiêu chuẩn bền vững tự nguyện (VSS) là tiêu chuẩn quy định các yêu cầu mà nhà sản xuất, thương nhân, nhà sản xuất, nhà bán lẻ hoặc nhà cung cấp dịch vụ có thể được yêu cầu đáp ứng, liên quan đến nhiều chỉ số đo lường bền vững, bao gồm tôn trọng các quyền cơ bản của con người, sức khỏe và an toàn của người lao động, tác động môi trường, quan hệ cộng đồng, quy hoạch sử dụng đất và các vấn đề khác (UNFSS, 2013). Đây là cách tiếp cận chính được các công ty sử dụng để thực hiện các biện pháp kiểm soát sản xuất bền vững tại các trang trại cà phê. Các chứng nhận nổi bật bao gồm Rainforest Alliance (sáp nhập với UTZ), Fairtrade, 4C, Organic và một số chứng nhận khác. Tùy thuộc vào mục đích, các chứng nhận VSS có thể tập trung về các khía cạnh khác nhau của sản xuất bền vững nhưng tất cả đều có quy định chặt chẽ về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của đơn vị sản xuất và yêu cầu sự đảm bảo của bên thứ ba.
  8. 86 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Bảng 4: So sánh các chứng nhận bền vững tự nguyện (VSS) Chứng nhận Tiêu chí môi trường Tiêu chí xã hội Tiêu chí kinh tế Fairtrade Không có Cao Trung bình Rainforest Alliance Cao Trung bình Không có UTZ Certified Trung bình Trung bình Trung bình 4C Trung bình Cao Trung bình Organic Cao Không có Không có Nguồn: Lentijo và Hostetler, 2011 Theo báo cáo của Diễn đàn cà phê toàn cầu, năm 2021, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất được cấp chứng nhận bền vững xuất khẩu sang các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ cà phê lớn là thành viên thuộc Diễn đàn như Nestle, Tesco, Strauss Coffee...(Hình 5). Theo đó, tỷ lệ sản lượng cà phê xuất khẩu sang các doanh nghiệp này của Việt Nam là xấp xỉ 408 nghìn tấn, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Hinh 5: 10 quốc gia có sản lượng cà phê đạt chứng nhận bền vững cao nhất Nguồn: Diễn đàn cà phê toàn cầu, 2021 Theo số liệu được tổng hợp từ Trung tâm thương mại quốc tế (2021), trong số các chứng nhận bền vững dành cho cà phê, chứng nhận 4C là chương trình phổ biến nhất trong ngành sản xuất cà phê của Việt Nam. Mục tiêu chính của chứng nhận này là nhằm cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người sản xuất thông qua việc giảm chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường, đồng thời thúc đẩy sự bền vững về môi trường. Cà phê được cung cấp cho các kênh tiêu thụ phải đạt được các tiêu chuẩn bền vững cơ bản trên cả ba khía cạnh: xã hội, môi trường và kinh tế.
  9. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 87 Hình 6: Diện tích trồng cà phê của Việt Nam được cấp các chứng nhận bền vững năm 2021 Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế, 2021 Tiếp theo, thực trạng phát triển bền vững cà phê Việt Nam sẽ được xem xét trên các hoạt động mà Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. 4.2. Hoạt động canh tác bền vững - Hoạt động trồng trọt Trong thời gian qua, một số giải pháp thiết thực nhằm phát triển ngành cà phê bền vững đã được triển khai trên khắp cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu sản phẩm chất lượng cao cũng như góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều sản phẩm cà phê Việt Nam đã hoàn thành chứng nhận bền vững, đưa thương hiệu cà phê Việt ra thế giới nhờ Chương trình Vùng nguyên liệu quy mô lớn (SourceUp) do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH phát triển và tài trợ. Chương trình SourceUp được triển khai thí điểm bằng mô hình vùng nguyên liệu (được gọi là Compact) tại Việt Nam từ năm 2018 trên địa bàn các huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk), Di Linh và Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), với diện tích hơn 15.000 ha. Các kết quả tiêu biểu gồm: tăng 20% thu nhập của các nông hộ trong vùng thí điểm từ việc đa dạng hóa cây trồng và tối ưu hóa đầu vào; giảm 15% lượng nước sử dụng và lượng phân bón hóa học; từ đó giảm 25% lượng phát thải carbon trong các vườn cà phê. Một phương pháp nổi bật khác là cà phê xen canh bền vững. Các hộ sản xuất cà phê có thể đa dạng hóa bằng cách trồng các loại cây lương thực chính hoặc các loại cây trồng có giá trị cao khác phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ví dụ, ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích trồng xen cà phê với hồ tiêu, bơ, sầu riêng và mắc ca (ICO, 2021). Hiện tại, theo thống kê của Hội Nông dân Việt Nam, diện tích xen canh trên cả nước chiếm khoảng 30% tổng diện tích trồng cà phê. Báo cáo chỉ ra rằng chuyển đổi canh tác cà phê độc canh sang xen canh không những không gây rủi ro cho sản xuất cà phê mà còn mang lại nhiều lợi ích trên khía cạnh phát triển bền vững (D’haeze, D. 2021). Cụ thể, theo nghiên cứu của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đak Lak, việc giảm 20% diện tích cây cà phê hiện tại và thay thế cây cà phê già cỗi bằng các giống mới năng suất cao sẽ giúp giúp tăng sản lượng ròng 32% trong vòng 19 năm. Về giá trị sản xuất cà phê, ước tính mỗi hecta cà phê sẽ mang lại xấp xỉ 10.340 USD một năm sau 20 năm, tăng 50% so với giá trị mỗi hecta nếu giữ nguyên phương thức canh tác độc canh. Ngoài ra, chuyển đổi sản xuất cà phê độc canh sang mô hình sản xuất đa dạng cây trồng đi kèm với tiết
  10. 88 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 kiệm nước đáng kể. So sánh với phương pháp canh tác độc canh cà phê truyền thống, trong điều kiện tưới tiêu quá mức hiện nay (BaU) tiêu thụ khoảng 405 triệu mᴲ nước mỗi năm ở tỉnh Đắk Lắk. Nếu tất cả nông dân tối ưu hóa lượng nước tưới trong kịch bản này, có thể tiết kiệm được khoảng 105 triệu mᴲ nước tương đương với khoảng 26% (IUCN, 2021). - Hoạt động tưới tiêu Hiện nay, phần lớn hộ trồng cà phê ở Việt Nam đều đang sử dụng hai hình thức tưới tiêu truyền thống là tưới trực tiếp và giàn phun mưa. Tuy nhiên, so với diện tích trồng cà phê hiện nay, các công trình thủy lợi, đặc biệt ở vùng đất cao như Tây Nguyên, mới chỉ chủ động tưới được khoảng 30% tổng diện tích cà phê hiện có. Phần diện tích còn lại được sử dụng nước tưới lấy từ nhiều nguồn lân cận sẵn có như sông, suối, ao, hồ. Việc không chủ động được hoàn toàn nguồn nước tưới cho cà phê khiến việc sản xuất cà phê thiếu tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra làm gia tăng tình trạng cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới cho nông nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng. Hiện tại Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) đang thử nghiệm mô hình tưới nhỏ giọt cho cà phê, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư hệ thống tưới và nâng cao khả năng tiết kiệm nguồn nước. Với công nghệ tưới này, nông dân sẽ tiết kiệm được từ 20-30% lượng nước sử dụng so với cách tưới trước đây. Hơn nữa, người trồng cà phê có thể hạn chế việc sử dụng phân hóa học do có thể tưới phân hóa học trực tiếp qua hệ thống tưới tiêu dẫn đến giảm được khoảng 25% lượng phân bón hóa học do bốc hơi hoặc thấm vào mạch nước ngầm do cây trồng không hấp thụ hết. Nếu mô hình này được nhân rộng ra các hộ trồng cà phê sẽ đồng thời giảm áp lực lên nguồn nước sẵn có, không chỉ tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng cà phê, mà còn thúc đẩy sản xuất cà phê theo hướng xanh, bền vững (D’haeze, 2021). 4.3. Hoạt động chế biến cà phê Hiện tại, chiếm tới 90% sản lượng cà phê của Việt Nam là sơ chế nguyên liệu thô, 10% còn lại là chế biến sâu phục vụ một phần cho xuất khẩu và còn lại là tiêu dùng nội địa. Điều đó dẫn đến giá trị gia tăng và những lợi ích từ sau khâu trồng trọt đem lại cho người trồng cà phê và nền kinh tế đất nước chưa tương xứng với vị thế của cây cà phê Việt Nam. - Hoạt động sơ chế Hai cách sơ chế cà phê phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam là sơ chế khô và sơ chế ướt. Hiện nay, chế biến khô vẫn là phương pháp phổ biến do đây là phương pháp đơn giản hơn và việc đầu tư công nghệ cũng đơn giản hơn nhiều so với sơ chế ướt dẫn đến cà phê thành phẩm có giá trị thấp hơn về mặt kinh tế. Tuy nhiên, nếu xét về yếu tố bền vững, phương pháp sơ chế ướt mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn nhưng có thể gây ra lãng phí nước và ô nhiễm môi trường. Công nghệ xử lý môi trường cho chế biến ướt khá phức tạp, đòi hỏi mức đầu tư tương đối cao từ các doanh nghiệp chế biến (công nghệ có công suất khoảng 10.000 tấn/năm chi phí khoảng 20,7 tỷ đồng đòi hỏi thêm 7 tỷ đồng cho môi trường công nghệ xử lý) dẫn đến rất ít doanh nghiệp thực hiện theo phương thức này. - Hoạt động chế biến sâu Ở khâu rang xay, chế biến sâu (cà phê hòa tan, cà phê bột) các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia nhưng tỷ trọng trong tổng sản lượng còn rất thấp và chưa thâm nhập được các thị trường tiêu thụ cà phê lớn như EU, Mỹ. Ở khâu phân phối bán lẻ, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia hoàn toàn vào chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu mà thay vào đó, việc phân phối và tiêu thụ bán lẻ của hệ thống chuỗi cà phê gần như nằm trong tay các thương hiệu lớn, nổi tiếng thế giới.
  11. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 89 Hoạt động chế biên sâu đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ sản xuất hiện đại, phức tạp và thời gian thu hồi vốn chậm. Mặt khác, các doanh nghiệp này phải có hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, kinh nghiệm tham gia thị trường lâu năm. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp tham gia giai đoạn này thường là các thương hiệu, doanh nghiệp lớn, có chiến lược kinh doanh dài hạn, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ngắn hạn sẽ khó có cơ hội tham gia. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, hiện có 20 công ty sản xuất cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 tại Việt Nam. Các nhà sản xuất lớn tại thị trường nội địa như Nestle, Trung Nguyên, Vinacafe... Các doanh nghiệp nước ngoài thường có thương hiệu toàn cầu nên hệ thống bán hàng, kinh nghiệm thị trường, vốn đầu tư và công nghệ sản xuất không phải là vấn đề quá lớn. Đối với doanh nghiệp trong nước, phần lớn là doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, còn doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp đã tham gia ngành cà phê từ rất lâu và đã tạo dựng được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Những doanh nghiệp nhỏ, làm ăn ngắn hạn sẽ khó có cơ hội tham gia. Do đó, cần có chiến lược phát triển để các doanh nghiệp này có thể tham gia vào phân khúc chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. 5. Một số khó khăn trong phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam Thứ nhất, hoạt động sản xuất cà phê chủ yếu vẫn diễn ra dưới hình thức manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn cho mục tiêu sản xuất cà phê bền vững Hiện nay, phần lớn người dân trồng cà phê chủ yếu hoạt động dưới dạng hộ gia đình quy mô nhỏ với diện tích trồng cà phê hạn chế, nhiều diện tích trồng mang tính tự phát, không theo quy hoạch đồng bộ dẫn đến năng suất kém trong khi vẫn tốn nhiều chi phí. Bên cạnh đó, việc duy trì sản xuất theo dạng cá thể nhỏ dẫn đến việc các hộ trồng cà phê không tiếp cận được với những chủ trương, chính sách mới được ban hành. Ngoài ra, chính quyền các cấp và các cơ quan hữu quan còn thiếu sự tương tác, đồng hành và khuyến khích người nông dân thay đổi cách thức sản xuất cà phê theo hướng sản xuất bền vững để đạt được các chứng nhận quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ hai, các thành phần trong chuỗi cung ứng còn thiếu gắn kết để có thể đẩy mạnh sự cộng tác hướng đến phát triển bền vững Nhận thức về tầm quan trong của sự liên kết của các thành viên trong chuỗi cung ứng còn hạn chế. Các mối quan hệ này dễ bị phá vỡ khi xuất hiện xung đột lợi ích giữa các bên dẫn đến ảnh huởng xấu tới động lực sản xuất, kinh doanh cà phê. Cà phê sau khi được thu hoạch, sơ chế bởi người nông dân chủ yếu không được bán trực tiếp cho các đơn vị rang xay mà được thu mua thông qua các đại lý trung gian. Hiện nay có rất nhiều đại lý thu mua cà phê nhưng thiếu sự thống nhất về phương thức tiêu thụ và giá cả dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán ngay trên sân nhà. Hơn nữa, sự thiếu gắn kết trong chuỗi còn làm gián đoạn luồng thông tin từ các bên còn lại trong chuỗi. Ví dụ, thiếu thông tin về biến động thị trường khiến người nông dân khó đưa ra quyết định đúng về đầu ra cho sản phẩm của mình. Người dân thường bán cà phê ngay sau khi thu hoạch để có vốn tái đầu tư, nhiều trường hợp khi giá cà phê tăng cao không còn cà phê để bán. Thứ ba, các mô hình canh tác mới chưa mang lại hiệu quả bền vững về kỹ thuật và kinh tế Các hộ trồng cà phê tại Việt Nam thường trồng xen canh cây cà phê với các loại trái cây khác như bơ và sầu riêng và đang nỗ lực cải thiện hiệu quả tưới tiêu để giảm chi phí và duy trì
  12. 90 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 năng suất. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gặp khó khăn do chưa có nghiên cứu đồng bộ về quy mô, vùng phát triển, loại cây xen canh. Mặc dù quy trình kỹ thuật trồng xen canh đã được ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng mới chỉ mang tính hướng dẫn chung, chưa đưa ra phương án canh tác cụ thể cho từng địa phương với những đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau. Cụ thể, quy trình cho từng loại cây trồng riêng biệt như hạt tiêu, sầu riêng, bơ, điều mới bước đầu được áp dụng nên chưa được đánh giá một cách đầy đủ nhất. Vì thế, một số kỹ thuật như giống, mật độ trồng, bón phân, tưới nước, tạo hình cho cây trồng xen và cây cà phê chưa được tổng kết hiệu quả cụ thể để có điều chỉnh phù hợp. Một vấn đề đáng cân nhắc nữa là đầu ra cho các sản phẩm trồng xen chưa ổn định, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu vùng xa, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Thứ tư, sự thiếu ổn định của giá cà phê được chứng nhận bền vững gây ra nhiều khó khăn cho người nông dân trong việc duy trì sản xuất theo hướng bền vững Giá cả cà phê có chứng nhận bền vững cũng đang mang lại nhiều rủi ro cho các hộ trồng cà phê. Từ năm 2008 đến năm 2020, tỷ lệ cà phê có chứng nhận bền vững được bán đúng với giá trị của mặt hàng này chỉ chiếm từ 12% đến 65% (Meier, 2021). Điều này có thể được giải thích bởi việc nhu cầu cho cà phê bền vững tăng chậm hơn so với tốc độ gia tăng sản xuất của mặt hàng này. Từ đó, các hộ trồng cà phê buộc phải bán cà phê có chứng nhận bền vững ở mức giá của cà phê thông thường, trong khi vẫn phải chi trả chi phí để duy trì các giấy chứng nhận của họ. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người trồng cà phê, đặc biệt là những người phụ thuộc vào cà phê như nguồn sinh kế chính, không nhận ra được lợi ích từ việc tham gia các chứng nhận chứng nhận cà phê bền vững và từ bỏ việc làm thành viên của các chứng nhận này. Thứ năm, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng cà phê còn hạn chế Trong công đoạn rang xay, chế biến sâu, các doanh nghiệp nội địa cũng đã có tham gia nhưng với tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng sản lượng, trong đó định hướng chủ yếu vào các thị trường ngách, chưa thâm nhập được nhiều vào thị trường tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu. Sản phẩm của hoạt động chế biến sâu là cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê 3 trong 1. Vì vậy, doanh nghiệp phải có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, không áp lực thu hồi vốn, và có khả năng xây dựng thương hiệu mạnh để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm này. Những doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ sẽ khó tham gia vào các hoạt động này. 6. Một số đề xuất về giải pháp vĩ mô và vi mô Dựa vào các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững trong ngành cà phê Việt Nam như sau: 6.1. Giải pháp từ phía Nhà nước Nâng cao ý thức của nông dân trồng cà phê trong các vấn đề phát triển bền vững, phát huy thế mạnh hiện tại về canh tác Với mục đích khuyến khích nông dân trồng cà phê thực hiện những hành động tích cực trong việc phát triển sản xuất cà phê bền vững trên khía cạnh bảo vệ môi trường, Chính phủ có thể triển khai những chương trình nâng cao nhận thức cho người nông dân hoặc có hình thức hỗ trợ, khen thưởng đối với những trường hợp có đóng góp tích cực tới mục tiêu phát triển bền vững. Ví dụ, Jambi là địa phương có quy mô sản xuất cà phê tương đối lớn ở Indonesia nhưng đồng thời đây cũng là vùng đất phải chịu nạn phá rừng nặng nề do người dân mở rộng đất canh tác cà phê. Để giảm bớt nạn rừng và khuyến khích nông dân bảo vệ hệ
  13. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 91 sinh thái, chính phủ Indonesia đã hợp tác với những nhà thu mua cà phê lớn và các tổ chức phi chính phủ để chi trả cho những nỗ lực, hành động bảo vệ, duy trì hệ sinh thái của nông dân. Các khoản thanh toán này có thể bằng tiền, phần thưởng hoặc thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng (Goossens, 2020). Theo dõi sát sao để hỗ trợ và điều chỉnh kịp thời khi thực hiện các chương trình và dự án phát triển bền vững Nhằm giúp các biện pháp canh tác mới đạt hiệu quả tối đa, các địa phương cần rà soát, đánh giá sự phù hợp của các mô hình với điều kiện thực tế tại địa phương để quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững. Đối với phương thức xen canh cây ăn quả, cây công nghiệp với diện tích trồng cà phê, cần lựa chọn các loại cây trồng phù hợp để trồng xen vừa tăng thu nhập vừa giữ ổn định diện tích cà phê. Ngoài ra, địa phương cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân liên kết với doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cây trồng xen. Đối với các phương thức tưới tiêu hiện đại, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, các địa phương cần chú trọng và phân bổ nguồn nước tưới phù hợp cho các vùng trồng xen, tránh tranh chấp nguồn nước tưới với cây cà phê. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào những hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng cà phê bền vững Hoàn thiện chính sách nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam nói chung và mặt hàng cà phê nói riêng, trong đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu cà phê đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, bao gồm ưu đãi về hạn điền và thời gian thuê đất, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực, về lãi suất. Tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến nhằm gia tăng năng suất lao động, gia tăng hàm lượng giá trị trong sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực, về lãi suất khi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến cà phê đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. 6.2. Giải pháp từ phía các chủ thể sản xuất, kinh doanh cà phê Thay đổi tập quán sản xuất cà phê theo kiểu hộ gia đình sang hướng tập trung sản xuất quy mô lớn Tình trạng trồng và thu hoạch cà phê theo kiểu cá thể manh mún, nhỏ lẻ cần được loại bỏ để tiến đến trồng cà phê theo quy hoạch lớn của từng vùng, địa phương. Quy mô sản xuất được mở rộng giúp tiết kiệm chi phí, nguồn lực con người và là điều kiện thuận lợi để ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất. Để chuyển hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, cần có sự liên kết giữa các hộ, hình thành những diện tích trồng cà phê chung. Một hình thức cần được nhân rộng tại các địa phương là thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã này không chỉ đóng vai trò hỗ trợ người nông dân trong quá trình canh tác, thu hoạch nhằm nâng cao sản lượng, tiết kiệm chi phí mà còn có thể liên kết với các doanh nghiệp thu mua, đảm bảo đầu ra cho hàng hóa cũng như quyền lợi của người sản xuất; hợp tác với các trung tâm khoa học công nghệ để chuyển giao quy trình sản xuất cà phê bền vững. Tích cực xây dựng liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng cà phê thông qua việc tăng cường chia sẻ thông tin
  14. 92 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Hợp tác sản xuất góp phần hình thành nên các mô hình liên kết, ứng dụng khoa học, công nghệ mang lại hiệu quả cao cho ngành hàng cà phê. Liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp, nông dân giúp khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp. Khuyến khích minh bạch về giá cả và giao dịch cà phê nhằm bảo vệ quyền lợi và thu nhập của người trồng cà phê bền vững. Các doanh nghiệp thu mua cần tích cực hơn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để truy xuất nguồn gốc của cà phê và công khai thông tin về giá cả sản phẩm cho nông dân. Điều này sẽ giúp các những doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê hiểu được giá trị của cà phê được cấp chứng nhận bền vững mà họ thu mua và đảm bảo rằng người trồng cà phê nhận được thu nhập tương xứng với những nỗ lực họ bỏ ra. Đầu tư để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp chế biến cà phê Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn chuỗi, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đống góp tích cực hơn trong việc tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng lớn cho chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu, trong đó điển hình là công đoạn chế biến sâu. Một trong những yêu cầu cơ bản của công đoạn này là áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong bảo quản, chế biến cà phê, nhằm đảm bảo chất lượng thành phẩm ở mức cao và đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến phải đầu tư vào nghiên cứu công nghệ, tích cực học hỏi từ các doanh nghiệp chế biến cà phê lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến nội địa cũng cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng thương hiệu cà phê nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng nước ngoài đối với các sản phẩm cà phê mang thương hiệu Việt. Chỉ khi có thương hiệu vững vàng, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể khai thác được lợi thế của mình so với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường quốc tế và thể hiện rõ vai trò, giá trị của mình trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Kết luận Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã khẳng định vị thế là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và là nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới. Sự dịch chuyển theo hướng bền vững của chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu là tất yếu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu cà phê lớn trên thế giới. Bài viết đã đánh giá thực trạng phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, và sự tham gia của chúng ta trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Cụ thể, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của cà phê Việt Nam vẫn còn hạn chế ở các hoạt động tạo giá trị gia tăng thấp trong chuỗi. Trong khi đó, những yêu cầu về phát triển bền vững được đặt ra ngày càng chặt chẽ ở cả những hoạt động Việt Nam đang có lợi thế và những hoạt động khác trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê Việt Nam cần tập trung vào phát triển bền vững ngay ở nhưng hoạt động truyền thống như sản xuất nông nghiệp để duy trì thế mạnh, đồng thời gia mở rộng sự tham gia vào các hoạt động chế biến để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó, các chính sách mang tính định hướng và hỗ trợ từ phía Nhà nước các cấp là rất quan trọng nhằm đưa chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, có thể gia tăng vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
  15. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 93 TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu Tiếng Việt 1. Bộ Công Thương (2022) Báo cáo tháng 11/2022 diễn biến và triển vọng xuất khẩu mặt hàng cà phê. 2. Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) (2019), Tái canh và phát triển cà phê bền vững, Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp, Đắk Lắk, trang 11-15 3. Vietnambiz (2022) Báo cáo thị trường cà phê tháng 11 năm 2022. https://mediacdn.vietnambiz. vn/1881912202208555/files/2022/12/20/bao-cao-thi-truong-ca-phe-thang-11-2022-20221220144431513. pdf [Truy cập 10/12/2022] Tài liệu Tiếng Anh 1. Crowdera, D. W., & Reganold, J. P. (2015). Financial competitiveness of organic agriculture on a global scale. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 112(24), trang.7611-7616. 2. D’haeze, D.A. (2020). Transforming coffee and water use in the Central Highlands of Vietnam: case study from Dak Lak Province. https://www.iucn.org/news/viet-nam/202008/transforming-coffee-and-water- use-central-highlands-vietnam-case-study-dak-lak-province [Truy cập 01/12/2022] 3. Global Coffee Platform (2021). Bộ Quy tắc Tham chiếu về Cà phê Bền vững https://www. globalcoffeeplatform.org/wp-content/uploads/2021/11/CSRC_CoffeeSustainabilityReferenceCode_ OCT21_VN.pdf [Truy cập 05/12/2022] 4. Global Trade Platform (2021). “Sustainable coffee purchases Snapshot 2021” https://www. globalcoffeeplatform.org/wp-content/uploads/2022/08/GCP_Snapshot21.pdf [Truy cập 28/11/2022] 5. Goossens, J. (2020). This Indonesian coffee comes with a sweet aftertaste for the rainforest. Rikolto in Indonesia. https://indonesia.rikolto.org/en/news/indonesian-coffee-comessweet-aftertaste-rainforest-0 [Truy cập 01/12/2022] 6. International Coffee Organization. (2021). Coffee market report. https://www.ico.org/news/ cmr0121-e.pdf [Truy cập 10/12/2022] 7. ICUN (2021). Business consultation on coffee transformation and water use in Vietnam’s Central Highlands. https://www.iucn.org/news/viet-nam/202010/business-consultation-coffee-transformation-and- water-use-vietnams-central-highlands [Truy cập 27/11/2022] 8. International Union for Conservation of Nature. (2020). Business consultation on coffee transformation and water use in Vietnam’s Central Highlands. https://www.iucn.org/news/vietnam/202010/business- consultation-coffee-transformation-and-water-use-vietnams-centralhighlands [Truy cập 05/12/2022] 9. Lentijo, G. M., & Hostetler, M. (2011). Evaluating Certified Coffee Programs. The Institute of Food and Agricultural Sciences, University of Florida. http://edis.ifas.ufl.edu/uw351. [Truy cập 20/11/2022] 10. Meier, C., Sampson, G., Larrea, C., Schlatter, B., Bermudez, S., & Duc Dang, T., et al. (2021). The state of sustainable markets 2021. International Trade Centre, International Institute for Sustainable Development, and Research Institute of Organic Agriculture. https://intracen.org/media/file/11643 [Truy cập 01/12/2022] 11. Mistiaen, V. (2012). A better future is percolating for Vietnam’s coffee. The Guardian, https://www. theguardian.com/global-development/poverty-matters/2012/mar/26/better-future-vietnam-coffee-growth [Truy cập 02/12/2022] 12. Nguyen, V. T., & Yapwattanaphuna, C. (2015). Banana farmers’ adoption of sustainable agriculture practices in the Vietnam uplands: The case of Quang Tri Province. Agriculture and Agricultural Science Procedia, 5, trang.67-74
  16. 94 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 13. Seuring, S. and Müller, M. (2008). “From a literature review to a conceptual framework for sustainable supply chain managemen”’, Journal of Cleaner Production, Vol. 16(15), trang.1699-1710 14. Ramesh, P., Panwar, N., Singh, A., Ramana, S., Yadav, S., Shrivastava, R., & Rao, A. (2010). Status of organic farming in India. Current Science, 98(9), trang.1190-1194. 15. Petrokofsky, G. and Jennings, S. (2018). “The effectiveness of standards in driving adoption of sustainability practices: A State of Knowledge Review”. Oxford University and 3Keel, commissioned by ISEAL Alliance 16. United Nations Forum on Sustainability Standards (2013). Voluntary sustainability standards https:// unfss.org/wp-content/uploads/2012/05/unfss-report-initiatives-2_draft_lores.pdf [Truy cập 01/12/2022] 17. Vu Le, Q., Cowal, S., Jovanovic, G., & Le, D.T. (2021). A study of regenerative farming practices and sustainable coffee of ethnic minorities farmers in the Central Highlands of Vietnam. https://www. frontiersin.org/articles/10.3389/fsufs.2021.712733/full [Truy cập 01/12/2022].
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
11=>2