intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

19
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc" nhằm phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển đô thị du lịch biển bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc trong giai đoạn 2018-2020, những kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại thông qua sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc

  1. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ DU LỊCH BIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG TẠI THÀNH PHỐ ĐẢO PHÚ QUỐC Vũ Tuấn Hưng* Nguyễn Danh Nam** Uông Thị Ngọc Lan*** Tóm tắt: Mục tiêu nghiên cứu của bài viết nhằm phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển đô thị du lịch biển bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc trong giai đoạn 2018-2020, những kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại thông qua sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Dựa vào kết quả phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển đô thị du lịch biển thành phố đảo, nghiên cứu đã tìm ra sáu giải pháp nhằm phát triển bền vững đô thị du lịch biển thành phố đảo bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch; đa dạng hóa, tạo điểm nhấn đặc sắc văn hóa cho các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ; xây dựng các chính sách phát triển ngành kinh tế chủ lực một cách hợp lý đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời phải đảm bảo giữ gìn được tài nguyên và môi trường cho phát triển lâu dài; tăng cường, nâng cao tính trách nhiệm và khả năng tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển đô thị du lịch biển. Từ khóa: Đô thị du lịch biển; Phát triển bền vững; Thành phố đảo Phú Quốc 1. Đặt vấn đề Việt Nam là quốc gia ven biển nằm trong khu vực trung tâm của Đông Nam Á và bên bờ Tây của Biển Đông, có vị trí địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng. Sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km trải dài từ Bắc vào Nam, có vùng biển rộng trên 1 triệu km (gấp 3 lần diện tích đất liền). Biển đảo Việt Nam có tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú với 29 khu bảo tồn thiên nhiên biển và 1.013 di tích lịch sử văn hóa, 195 lễ hội dân gian truyền thống, trên 150 làng nghề (Viện nghiên cứu phát triển du lịch, 2019). Dọc bờ biển có gần 50 vịnh đẹp được Tổ chức World Travel Awards công nhận và đánh giá cao như vịnh Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô, Xuân Đài và 2.773 đảo lớn nhỏ ven bờ như đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà. Đó là những tiềm năng lý tưởng cho việc phát triển ngành kinh tế du lịch biển. * Tiến sĩ, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ. ** Tiến sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, email: ndnam.dr.90@gmail.com. *** Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ. 526
  2. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT Với tiềm năng vô cùng to lớn của kinh tế du lịch biển đảo, quan điểm phát triển kinh tế du lịch biển Việt Nam đã được xác định cụ thể tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... với mục tiêu Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn... Phú Quốc một hòn đảo phía Tây Nam của tổ quốc, nơi được mệnh danh là đảo ngọc của Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa. Với khí hậu ôn hòa của miền nhiệt đới quanh năm nóng ẩm, làn nước trong xanh của biển khơi, và một hệ sinh thái du lịch đa dạng... Phú Quốc đang là một điểm đến thu hút sự chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước. Ngày 01/01/2021 Phú Quốc chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, với “tấm áo mới” này Phú Quốc đã và đang thu hút nguồn lực đầu tư lớn trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, việc đầu tư quá ồ ạt và thiếu quy hoạch đang khiến Phú Quốc mất đi vẻ đẹp hiện có, các cảnh quan tự nhiên dần mất đi và thay vào đó là những tác động tiêu cực của con người. Mặt khác, nhận thức về phát triển du lịch của một số bộ phận dân cư địa phương còn hạn chế, sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành chưa phát huy đầy đủ; hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá chưa cao; nguồn nhân lực du lịch và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập, chưa tháo gỡ kịp thời; tình hình vệ sinh môi trường tại một số điểm du lịch chưa được cải thiện (Nguyễn Danh Nam & Uông Thị Ngọc Lan, 2020). Do đó, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển đô thị du lịch biển tại thành phố đảo Phú Quốc. Vì vậy, nghiên cứu các giải pháp nhằm phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển đô thị du lịch biển bền vững tại Phú Quốc, tìm và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững đô thị du lịch biển thành phố đảo trong thời gian tới. 2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý luận về phát triển đô thị du lịch biển bền vững Du lịch biển bền vững Du lịch biển có thể được hiểu là một loại hình dịch vụ du lịch sinh thái ở khu vực ven biển, là hoạt động liên quan đến chuyến đi của con người nhằm tận hưởng khí hậu mát mẻ, dễ chịu của cảnh quan biển, ngoài ra còn đáp ứng được nhu cầu giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng và tham quan du lịch nơi con người đến hưởng thụ ở biển. Dưới góc độ kinh tế, du lịch bền vững được hiểu là quá trình hoạt động du lịch mà ở đó có thể duy trì được mức độ tăng trưởng liên tục của các chỉ tiêu kinh tế trong một khoảng thời gian nhiều năm, hoặc trong một giai đoạn không nhất định (Viện nghiên cứu phát triển du lịch, 2001). Do đó, du lịch biển bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch ở khu vực biển nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khám phá, mạo hiểm… nhưng vẫn đảm bảo nước biển trong xanh, hệ sinh 527
  3. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Đô thị du lịch biển bền vững Tại Việt Nam, chưa có khái niệm rõ ràng về đô thị du lịch biển. Theo đó, khái niệm đô thị du lịch biển được tích hợp giữa các khái niệm về đô thị theo Luật Đô thị và khái niệm về đô thị du lịch theo Luật Du lịch năm 2017 (Nguyễn Thị Hồng Điệp, 2020). Do đó, trong nghiên cứu này đô thị du lịch biển được định nghĩa là đô thị có biển, nơi có tiềm năng tài nguyên du lịch nổi trội, có hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đô thị. Đô thị du lịch bền vững là đô thị có biển, có tiềm năng tài nguyên du lịch, có hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đô thị, kết hợp với bảo tồn và phát huy các tài nguyên thiên nhiên môi trường cảnh quan và văn hóa bản địa bền vững. Trong nghiên cứu này, có thể hiểu đô thị du lịch biển bền vững là đô thị có tiềm năng phát triển du lịch biển đồng thời phải đảm bảo giảm thiểu tối đa các tác động tới tài nguyên và môi trường biển. Phát triển đô thị du lịch biển bền vững Phát triển đô thị bền vững được định nghĩa là “Cải thiện chất lượng cuộc sống trong một thành phố, bao gồm cả các thành phần sinh thái, văn hóa, chính trị, thể chế, xã hội và kinh tế nhưng không để lại gánh nặng cho các thế hệ tương lai, một gánh nặng bị gây ra bởi sự sút giảm nguồn vốn tự nhiên và nợ địa phương quá lớn. Mục tiêu của chúng ta là nguyên tắc dòng chảy, dựa trên cân bằng về vật liệu và năng lượng cũng như đầu vào, đầu ra về tài chính, phải đóng vai trò then chốt trong tất cả các quyết định tương lai về phát triển các khu vực đô thị” (URBAN21, 2000). Phát biểu của Phó Tổng thống Gabriela Michetti về quan điểm của Argentina đối với phát triển đô thị bền vững là một đô thị có sự kết hợp hài hòa yếu tố môi trường với các ngành kinh tế và xã hội để đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến những thế hệ tương lai (Chương trình nghị sự Đô thị mới về Nhà ở và Phát triển đô thị bền vững, 2016). Theo tài liệu Chương trình Phát triển đô thị bền vững (2016) của Viện Môi Trường Stockholm (Thụy Điển), một thành phố bền vững được định nghĩa là “một thành phố tại đó tiến hành các hành động được đề ra bởi các chính sách kế hoạch nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên sẵn có và thực hiện tái sử dụng, ổn định xã hội, phát triển các nguồn vốn chủ sở hữu, đảm bảo phát triển kinh tế cho các thế hệ tương lai”. Tại Việt Nam, phát triển đô thị bền vững là phát triển đô thị trong hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản ngày càng cao của cư dân mà không làm tổn hại đến khả năng phát triển của các thể hệ tương lai. Như vậy, phát triển bền vững nói chung chính là tiền đề và luôn song hành với phát triển bền vững đô thị. Phát triển đô thị bền vững là một lĩnh vực đặc thù và rất cần sự phối hợp phát triển đa ngành, đa cấp và của đại bộ phận dân cư. Phát triển đô thị bền vững thể hiện một cách thức suy 528
  4. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT nghĩ và một hướng giải quyết về đô thị hóa mà trong đó việc xây dựng các đô thị sẽ được diễn giải trên cơ sở duy trì những hiểu biết về kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường. Phát triển đô thị bền vững là nền tảng vững chắc để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó có thể hiểu một cách đơn giản phát triển đô thị bền vững là một cách sửa chữa những thiếu sót của quá trình đô thị hóa, trên cơ sở xem xét lại toàn bộ cách thức quy hoạch xây dựng đô thị hiện nay và tìm ra một xu thế phát triên mới trường tồn trong tương lai. Cho đến nay, chưa có một khái niệm thống nhất về phát triển đô thị du lịch biển bền vững. Rất khó để đưa ra được một định nghĩa hay khái niệm được coi là thống nhất về phát triển đô thị du lịch biển bền vững vì bản chất đa dạng và đa chiều của đối tượng nghiên cứu. Trong nghiên cứu này có thể coi rằng khái niệm phát triển đô thị du lịch biển bền vững chính là khái niệm phát triển đô thị bền vững nói chung, vì đô thị du lịch biển là một hình thức của đô thị nói chung. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Để có được một số đánh giá chính xác về phát triển đô thị biển theo hướng bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc, nghiên cứu sử dụng nghiên cứu tổng quan các tài liệu có liên quan tới phát triển đô thị, phát triển du lịch và phát triển bền vững của thành phố Phú Quốc. Đồng thời, nghiên cứu cũng tiến hành tham vấn các chuyên gia liên quan. Cụ thể 5 chuyên gia về du lịch, 5 chuyên gia phát triển đô thị và 5 nhà điều hành du lịch ở thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đưa ra cái nhìn tổng quan nhất về thực trạng phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bền vững tại thanh phố đảo Phú Quốc. 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Tiềm năng phát triển đô thị du lịch biển tại thành phố đảo Phú Quốc Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất, có diện tích 567 km2 (56.700 ha), dài 49 km. Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ Bắc xuống Nam với 99 ngọn núi đồi, riêng cụm đảo nhỏ của cảng An Thới bị ngăn cách hẳn với phần mũi phía Nam của đảo Phú Quốc bởi một eo biển có độ sâu tới hơn 60 m (Bùi Hải Yến & Phạm Hồng Long, 2011). Phú Quốc có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú với 99 ngọn núi mang đến nét đẹp hoang sơ, bờ biển dài và đẹp, sự đa dạng của sinh thái rừng nhiệt đới, có bề dày về lịch sử văn hóa bản địa... (Bùi Hải Yến & Phạm Hồng Long, 2011). Với tiềm năng đó, Phú Quốc đã phát triển mạnh các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch nghiên cứu, khám phá… Với khí hậu ôn hòa của miền nhiệt đới quanh năm nóng ẩm nên Phú Quốc có nguồn tài nguyên vô giá là rừng nhiệt đới, trong đó có rất nhiều giống, loài đặc hữu. Đây là vốn quý nhất để phát triển du lịch sinh thái trên hòn đảo này. Bên cạnh rừng, những nguồn tài nguyên khác như: tài nguyên biển, tài nguyên đất, tài nguyên nước,… cũng có tiềm năng lớn để khai thác phát triển kinh tế. Ngoài ra, với những tiềm năng du lịch phong phú, thành phố đảo Phú Quốc đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, bao gồm mạng lưới giao thông, 529
  5. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG hệ thống cấp điện, cấp nước và thông tin liên lạc như: Dự án Grand World Phú Quốc, Dự án Sonasea Condotel Phú Quốc, Nhà máy tái chế và xử lý chất thải Phú Quốc... Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ở thành phố đảo Phú Quốc đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 8 năm 2019, Phú Quốc có 726 cơ sở lưu trú với 22.654 phòng (Vũ Tuấn Hưng & cộng sự, 2021). Sự phát triển của hạ tầng ở Phú Quốc đóng vai trò quan trọng đối với việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, ngày càng đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng của du khách, đồng thời khẳng định vị thế đô thị du lịch biển của Phú Quốc. Cùng với lợi thế về tài nguyên du lịch, thu hút các nhà đầu tư và nhận được một loạt những ưu đãi từ cơ chế đặc thù, Phú Quốc hiện đang trở thành đô thị du lịch biển hấp dẫn nhất trong khu vực. Hiện nay, Phú Quốc có tiềm năng rất lớn trong phát triển đô thị du lịch biển trên góc độ tiềm năng sinh thái cảnh quan tự nhiên, hệ thống hạ tầng được đầu tư và nhiều cơ hội khi trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 3.2. Thực trạng phát triển đô thị du lịch biển bền vững tại thành phố đảo Phú Thực trạng phát triển kinh tế * Tình hình phát triển kinh tế Biều đồ 1. Doanh thu các ngành kinh tế chủ lực của thành phố Phú Quốc giai đoạn 2018-2020 Đơn vị tính: tỷ đồng 45000 39504 40000 35000 31500 30000 24712 25000 20000 15000 10000 6945 6027 4052 4206 4862 5000 3638 0 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Du lịch biển Khai thác, NTTS Công nghiệp Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Phú Quốc, 2020 Qua biểu đồ trên có thể thấy, doanh thu các ngành kinh tế chủ lực của thành phố đảo Phú Quốc có sự tăng trưởng và sụt giảm rõ rệt trong bối cảnh toàn thị trường biến động cùng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong đó: 530
  6. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT Du lịch biển có sự phát triển mạnh mẽ nhất, là ngành kinh tế chủ lực chiếm xấp xỉ 80% GDP của thành phố đảo. Năm 2018, doanh thu từ du lịch biển đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2017. Đến năm 2019, ngành du lịch thành phố đảo tiếp tục có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt 39.504 tỷ đồng tăng 8.004 tỷ đồng tương ứng với 25,4% so với năm 2018. Năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, dẫn đến doanh thu ngành du lịch giảm mạnh, chỉ đạt 24.712 tỷ đồng, giảm 14.792 tỷ đồng tương ứng 37,4%. Sản xuất công nghiệp tại thành phố đảo chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp đóng tàu, tuy nhiên lại chiếm tỷ lệ không cao trong cơ cấu GDP của thành phố. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.027 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2017. Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng mạnh, đạt 6.945 tỷ đồng tăng 918 tỷ đồng tương ứng 15,2%. Đến năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, từ đó tình hình kinh tế giảm mạnh, đa số các ngành đều có sự sụt giảm. Do đó, sản xuất công nghiệp của thành phố đảo cũng không nằm ngoại lệ, giá trị sản xuất công nghiệp giảm xuống 4.862 tỷ đồng, tương ứng 30% so với năm 2019, trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19. Khai thác, nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế tiềm năng của thành phố đảo và có sự tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2018, giá trị khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 3.638 tỷ đồng chiếm 8,8% GDP của thành phố đảo. Năm 2019, tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 4.052 tỷ đồng, tăng 10,23% so với năm 2018. Năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 có tác động đến toàn bộ ngành kinh tế, tuy nhiên giá trị sản xuất ngành thủy sản vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng đạt 4.206 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2019. Như vậy, có thể thấy đại dịch COVID-19 có tác động nặng nề nhất đến ngành kinh tế chủ lực của thành phố đảo - du lịch biển. Kinh tế công nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, nhỏ bé, tốc độ phát triển còn chậm. * Thu chi ngân sách Theo số liệu của Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố đảo Phú Quốc, giai đoạn 2018-2020, tình hình thu chi ngân sách của thành phố đảo có sự tăng lên, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong thành phố đảo. Theo đó, Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Phú Quốc tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng chính sách cho các xã, thị trấn để giải ngân cho các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn thành phố đảo; chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, chỉ đạo ban thu hồi công nợ cấp xã chủ động phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội thành phố áp dụng các biện pháp về củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố đạt kết quả. Năm 2020, Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Phú Quốc hỗ trợ vay vốn cho 167 hộ dân xã đảo Thổ Châu nhằm cung ứng nguồn vốn giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và đảm bảo an sinh xã hội (Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Phú Quốc, 2020). 531
  7. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Biểu đồ 2. Tổng thu chi ngân sách thành phố Phú Quốc giai đoạn 2018-2020 Đơn vị tính: Tỷ đồng 6000 5398 4836 5000 4000 3145 3000 2373 2183 2000 1735.3 1000 0 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Tổng thu ngân sách Tổng chi ngân sách Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Phú Quốc, 2020 Thực trạng phát triển văn hóa xã hội * Tỷ lệ hộ nghèo Chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời đầy đủ cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch biển đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương, tỷ lệ lao động địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch rất cao và thu nhập bình quân đầu người đạt 4,5 triệu đồng/ tháng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 1,29% vào năm 2015 xuống còn 0,34% vào năm 2020 (UBND thành phố Phú Quốc, 2020). Điều đó, chứng tỏ hoạt động du lịch biển phát triển đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và đem lại nguồn thu nhập cao cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển của các hoạt động du lịch biển đã dẫn đến sự gia tăng của các vấn đề an ninh trật tự tại địa phương, vấn đề về người nhập cư, vấn đề về giá cả sinh hoạt… Thông qua quan sát tham dự, hoạt động du lịch biển đã làm hàng hóa trở lên khan hiếm và tăng giá gây khó khăn cho đời sống người dân địa phương, nhất là mùa du lịch cao điểm. Ngoài ra, người dân địa phương cho rằng du lịch gây trở ngại cho hoạt động sinh hoạt và làm gia tăng tỷ lệ tội phạm (Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, 2020). Các hoạt động truyền thống như các phong tục, tập quán, lễ hội của địa phương đang có dấu hiệu bị mai một. * Công tác giáo dục Qua quan sát tham dự, nhóm tác giả nhận thấy đặc điểm nổi bật về phân bổ dân cư của thành phố có sự phân tán trên nhiều đảo nhỏ, do đó có tác động tiêu cực đến phát triển giáo dục của thành phố. Mặt khác, Phú Quốc có điều kiện địa hình chia cắt, xa đất liền, các đảo nằm độc lập đã gây ra 532
  8. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT những trở ngại trong hoạt động xây dựng cơ sở trường học và thu hút đội ngũ giáo viên, học sinh. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng đối với cơ cấu hệ thống giáo dục, thành phố đảo Phú Quốc đã nỗ lực xây dựng và có đầy đủ hệ thống giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đến cuối năm 2020, thành phố có 36 trường học và 04 cở sở giáo dục. Trong đó có 08 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 04 trường trung học cơ sở, 09 trường nhiều cấp học, 03 trường THPT và 01 Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp. Ngoài ra còn có 05 trường và 36 nhóm lớp Mẫu giáo tư thục. Hệ thống trường, lớp học hiện tại được bố trí ở hầu hết các khu dân cư trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên cho đến nay, Phú Quốc vẫn chưa có trường học đạt chuẩn quốc gia (UBND thành phố Phú Quốc, 2020). * Công tác y tế Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người dân được tăng cường. Triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và các khu điều trị phục vụ việc khám, xét nghiệm COVID-19, tình hình dịch bệnh tại thành phố đảo được kiểm soát tốt, không có ca mắc lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, có một hệ thống y tế ở khắp các xã, phường với 9 trạm y tế (3 giường/ trạm y tế) chăm sóc sức khỏe cho tất cả người dân. Năm 2020, tổ chức khám và điều trị cho 223.232 lượt người, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi 6.034 lượt; điều trị nội trú 18.133 lượt. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng thấp chỉ với 2 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia là An Thới và Dương Đông (UBND thành phố Phú Quốc, 2020). * Văn hóa - thông tin - thể thao Tính đến cuối năm 2020 đã có 78% xã, phường có điểm bưu điện văn hóa xã, 56% xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ em và 89% làng, khu phố được công nhận là đơn vị văn hóa (UBND thành phố Phú Quốc, 2020). Bên cạnh đó, phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Phú Quốc đã triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa chào mừng những ngày Lễ lớn của đất nước, xây dựng và tổ chức chương trình văn hóa kỷ niệm 152 năm ngày hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, 47 năm chiến thắng trở về của các chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại Trại giam Phú Quốc nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần nâng cao các giá trị văn hóa của thành phố đảo. Thêm vào đó, Ban quản lý di tích Lịch sử Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc phục vụ khoảng 10.277 đoàn khách, có 161.413 lượt khách đến tham quan, trong đó có 12.983 lượt khách du lịch nước ngoài. Thư viện thành phố phục vụ 476 lượt đọc giả (UBND thành phố Phú Quốc, 2020). Thực trạng bảo vệ môi trường Công tác quản lý và bảo vệ rừng tiếp tục được tập trung, tổ chức tuần tra kiểm soát, truy quét chống chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng, đất rừng. Trong giai đoạn 2018-2020, phối hợp tổ chức tuần tra và kiểm soát quản lý bảo vệ rừng được 2.741 cuộc với 11.157 người tham gia, phá hủy nhiều bẫy động vật và di dời nhiều cây trồng, nhà tạm trái phép ra khỏi rừng (UBND thành phố Phú Quốc, 2020). 533
  9. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Công tác quản lý đất đai, tài nguyên được chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp chủ động với Đoàn Truy quét của tỉnh Kiên Giang trong kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, khoáng sản. Trong năm 2020, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được 161 thửa với tổng diện tích 38,89 ha; giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 54 trường hợp với tổng diện tích 0,82ha (UBND thành phố Phú Quốc, 2020). Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tiếp tục được thực hiện hiệu quả thông qua cuộc vận động “Vì môi trường Phú Quốc xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh” và triển khai kế hoạch thực hiện ngày vì môi trường Phú Quốc đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và người dân trong thành phố đảo thực hiện dọn vệ sinh vào ngày thứ bảy đầu tiên của mỗi tháng từ đó nâng cao dần ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh của từng người dân. Trong năm 2020, tổng khối lượng rác thu gom là 50.215 tấn, tăng 231 tấn so cùng kỳ, tổng thu phí và lệ phí trên 16,95 tỷ đồng (UBND thành phố Phú Quốc, 2020). Như vậy trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại thành phố đảo đặc biệt chú ý, từng bước thực hiện đúng, đủ và có hiệu quả các Luật liên quan đến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Phú Quốc hiện chưa có khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch mà chỉ có một nhà máy tái chế và xử lý chất thải đang được triển khai xây dựng. Do đó, không đáp ứng được yêu cầu xử lý khối lượng chất thải khổng lồ của thành phố. Vì vậy, đa phần rác thải thu gom được phải xử lý bằng cách đốt hoặc đưa về tập trung tạm thời ở 2 bãi rác thuộc thị trấn An Thới và xã Cửa Cạn. Số rác thải chưa được thu gom và nước thải chưa qua xử lý trôi dạt trong tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi trôi thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển của Phú Quốc. Tình trạng ô nhiễm nhất đang diễn ra tại bãi biển ấp Bãi Vòng, nằm trên địa bàn xã Hàm Ninh, nơi có bến tàu khách Phú Quốc - Rạch Giá. Bãi biển thứ hai đang bị ô nhiễm nặng là bãi biển Gành Dầu, đặc biệt là dọc theo bờ biển đoạn ngang qua ấp Chuồng Vít. Bên cạnh đó, nạn chặt phá rừng khai thác gỗ quý hoặc lấn chiếm rừng để sử dụng vào các mục đích khác vẫn đang tiếp dục diễn ra khiến cho diện tích rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc đang bị suy giảm. Hệ sinh thái biển gồm các rạn san hô và thảm cỏ biển ở vùng lõi Khu bảo tồn biển Phú Quốc đang có dấu hiệu suy giảm về số lượng và chất lượng bởi hoạt động đánh bắt và khai thác phục vụ các hoạt động du lịch quá mức. 4. Giải pháp phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nghiên cứu chính sách đề xuất ưu đãi đầu tư, tạo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng. Áp dụng các biện pháp nhằm kêu gọi chủ động nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý. UBND tỉnh Kiên Giang và UBND thành phố đảo Phú Quốc cần đưa ra những chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng càng ngày phát triển hiện đại. Thứ hai, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch, trong đó chú trọng đào tạo đến đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, thông thạo ngoại 534
  10. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT ngữ và phong cách phục vụ chuyên nghiệp, cùng với đó, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đạt tầm đẳng cấp quốc tế để có thể phục vụ tốt cho đối tượng khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng tại các resort cao cấp ở Phú Quốc. Thứ ba, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Cần đầu tư đổi mới thiết kế, market các ấn phẩm du lịch như bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch, bản tin du lịch… phải được nghiên cứu, bổ sung nội dung, thay đổi hình thức để tạo sự hấp dẫn và phong phú thông tin. Xây dựng chiến lược, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch một cách dài hạn và chuyên nghiệp cho từng thị trường mục tiêu. Thứ tư, đa dạng hóa, tạo điểm nhấn đặc sắc văn hóa cho các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ cũng cần được các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Để làm được điều này, cần hỗ trợ cho các làng nghề thủ công truyền thống, các nghệ nhân, chủ hộ gia đình để họ nâng cấp sản phẩm và mẫu mã hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ du lịch tại Phú Quốc. Thứ năm, xây dựng các chính sách phát triển ngành kinh tế chủ lực một cách hợp lý đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời phải đảm bảo giữ gìn được tài nguyên và môi trường cho phát triển lâu dài. Ngoài ra, cần có chính sách phát triển liên kết và hỗ trợ giữa các ngành kinh tế, các cấp quản lý để thống nhất quản lý và kiểm soát môi trường sinh thái. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức với các nội dung thiết thực, dễ hiểu thể hiện các nội dung về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch nhằm nâng cao trách nhiệm của mọi đối tượng tham gia hoạt động du lịch. Đào tạo, giáo dục môi trường cho cán bộ quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách du lịch và cộng đồng dân cư địa phương tạo thành ý thức đối với việc bảo vệ môi trường và tài nguyên cho phát triển du lịch. Thứ sáu, tăng cường, nâng cao tính trách nhiệm và khả năng tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển đô thị du lịch biển. Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch và cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển để đảm bảo giữ gìn được tài nguyên, tiềm năng cho sự phát triển du lịch lâu dài tại điểm đến du lịch. 5. Kết luận Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, nơi có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đặc biệt là du lịch biển góp phần đưa kinh tế thành phố đảo phát triển, mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa với các tỉnh thành trong khu vực. Bên cạnh những lợi thế sẵn có, những tiềm năng còn ẩn chứa cần được phát hiện để thúc đẩy du lịch Phú Quốc phát triển bền vững. Không ngừng nghiên cứu phát huy những mặt mạnh và kịp thời khắc phục những mặt hạn chế, bởi vì hiện nay ngành du lịch của thành phố chưa thật sự hoàn thiện, còn nhiều điều khó khăn, thiếu sót bởi những mặt hạn chế về dịch vụ du lịch, trình độ hướng dẫn viên,... Do vậy, để thực hiện mục tiêu đưa du lịch Phú Quốc phát triển ngang tầm một thành phố đảo du lịch hiện đại, thực sự là “Điểm đến du lịch An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp 535
  11. QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG dẫn” đòi hỏi ngành du lịch thành phố cần sáng tạo, đổi mới hơn trong việc hoạch định chính sách phát triển phù hợp với tình hình thực tế. Phát triển đô thị du lịch biển bền vững du lịch tại thành phố đảo Phú Quốc sẽ góp phần ổn định kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo sự bình đẳng xã hội, phân chia lợi ích công bằng, tạo sự bình đẳng xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội về văn hóa, truyền thống dân tộc, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và môi trường sinh thái. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải có những giải pháp khả thi và phù hợp. Kết quả phân tích thực trạng phát triển đô thị du lịch biển bền vững tại thành phố đảo Phú Quốc, nghiên cứu đã xác định được sáu giải pháp nhằm phát triển bền vững đô thị du lịch biển mà ngành du lịch Phú Quốc cần ưu tiên thực hiện, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch; đa dạng hóa, tạo điểm nhấn đặc sắc văn hóa cho các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ; xây dựng các chính sách phát triển ngành kinh tế chủ lực một cách hợp lý đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời phải đảm bảo giữ gìn được tài nguyên và môi trường cho phát triển lâu dài; tăng cường, nâng cao tính trách nhiệm và khả năng tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển đô thị du lịch biển. Bên cạnh các giải pháp thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của đô thị du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc trong tương lai. Tài liệu tham khảo 1. Bùi Thị Hải Yến & Phạm Hồng Long (2011), Tài nguyên du lịch, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 2. Chương trình nghị sự Đô thị mới về Nhà ở và Phát triển đô thị bền vững (2016), Habitat III, Quito, Ecuado. 3. Chương trình Phát triển đô thị bền vững (Sustainable Urban Development Programme) (2016), Viện Môi trường Stockholm Thụy Điển, truy cập tại: https://vaxer.stockholm/globalassets/ omraden/-stadsutvecklingsomraden/ostermalm-norra-djurgardsstaden/royal-seaport/media/sustainable _urban-development-programme.pdf. 4. Luật Du lịch Việt Nam, 2017. 5. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Phú Quốc (2020), Báo cáo tài chính năm 2020. 6. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. 7. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 8. Nguyễn Danh Nam & Uông Thị Ngọc Lan (2020), Hoạch định chiến lược phát triển du lịch thành phố đảo Phú Quốc, Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, Số 15. 536
  12. RISK GOVERNANCE AND SUSTAINABLE URBAN DEVELOPMENT 9. Nguyễn Thị Hồng Điệp (2020), Đô thị du lịch biển cần “chính danh”, Tạp chí Người đô thị. 10. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang (2020), Kết quả hoạt động du lịch. 11. UBND thành phố đảo Phú Quốc, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tổng kết năm 2018. 12. UBND thành phố đảo Phú Quốc, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tổng kết năm 2019. 13. UBND thành phố đảo Phú Quốc, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tổng kết năm 2020. 14. URBAN21 (2000), Future Urban Lifestyles, Urban 21 Conference, Berlin. 15. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2001), Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. 16. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2019), Phát triển thương hiệu du lịch biển Việt Nam - hướng phát triển và hội nhập quốc tế ngành du lịch. 17. Vũ Tuấn Hưng, Nguyễn Danh Nam & Uông Thị Ngọc Lan (2021), “Phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang”, Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Số 8. 537
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2