intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0" dưới đây chỉ ra những kết quả cũng như những hạn chế, những cơ hội cũng như những khó khăn thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện trong thời đại hội nhập và cách mạng 4.0 hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp căn bản để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam bền vững và hiệu quả trong những thời kỳ tới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0

  1. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG 4.0 Ths. Đỗ Thị Loan1 Ths. Nguyễn Thị Thu Ths. Nguyễn Thị Đào Tóm tắt Hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0 ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Do đó, việc phân tích hiện trạng nền nông nghiệp nước nhà cũng như việc phân tích các tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, của cách mạng 4.0 đến sự phát triển ngành nông nghiệp để có phương hướng và biện pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển một cách hiệu quả là cần thiết. Bài viết dưới đây chỉ ra những kết quả cũng như những hạn chế, những cơ hội cũng như những khó khăn thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện trong thời đại hội nhập và cách mạng 4.0 hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp căn bản để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam bền vững và hiệu quả trong những thời kỳ tới. Từ khóa: Hội nhập, cách mạng 4.0, nông nghiệp Việt Nam, phát triển nông nghiệp Việt Nam, số hóa nông nghiệp Mở đầu Nông nghiệp là một ngành sản xuất vật chất có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong thời kỳ vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận, song cũng tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục, đặc biệt khi cách mạng 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành xu thế tất yếu và ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự phát triển của mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì thế, phân tích các tác động thuận, nghịch của cách mạng 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế cũng như nhìn nhận rõ những điểm tích cực, những mặt hạn chế của ngành nông nghiệp để tìm ra giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững, hiệu quả nông nghiệp Việt Nam là việc làm cần thiết, có ý nghĩa. 1. Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0 đến ngành nông nghiệp Việt Nam Hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội nói chung và ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng. 1 Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh 1168
  2. Trước hết, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0 vừa tạo ra những điều kiện thuận lợi, vừa tạo động lực để ngành nông nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cách mạng 4.0 với những thành tựu đột phá trong nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, vật lý học, công nghệ thông tin… cho phép giải quyết nhiều hạn chế, nhiều vấn đề còn tồn tại của nông nghiệp truyền thống từ đầu vào đến quy trình sản xuất, quy trình quản lý, đầu ra và khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Những đột phá trong công nghệ sinh học tạo ra những giống cây trồng và vật nuôi mới có ưu điểm nổi bật hơn hẳn về cả năng suất và chất lượng, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài; đồng thời những đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ điều khiển và tự động hóa… cho phép sản xuất nông nghiệp dễ dàng thích ứng hơn với điều kiện thời tiết, với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, big Data, công nghệ điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật… làm thay đổi phương thức quản lý cũng như phương thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo hướng hiện đại; hình thành nên một nền nông nghiệp tự động và chính xác cao, sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn với người dùng. Hội nhập quốc tế giúp ngành nông nghiệp Việt Nam dễ dàng học hỏi, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp, tiếp thu kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hiện đại của các quốc gia tiên tiến để vận dụng một cách phù hợp, hiệu quả. Những điều này cho phép cải thiện điều kiện làm việc của người nông dân, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam tiệm cận với trình độ phát triển của nông nghiệp thế giới. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm; những đột phá trong việc tạo ra nguồn đầu vào chất lượng trong nông nghiệp và những đột phá trong việc tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý trong nông nghiệp, cách mạng 4.0 giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 cũng cho phép tối ưu hóa trong khâu phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Những điều này giúp nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế cho phép các sản phẩm nông nghiệp dễ dàng thâm nhập vào các thị trường trong khu vực và trên thế giới với nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng cho phép ngành nông nghiệp nước ta dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị và tạo điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng cho mỗi sản phẩm nông nghiệp. Cách mạng 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo điều kiện thuận lợi, tạo động lực để người nông dân và các doanh nhân kinh doanh nông nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện để ngành nông nghiệp nước ta dễ dàng đón nhận những luồng vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận với nhiều nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển những lĩnh vực còn bỏ ngỏ do thiếu vốn, để nâng cấp cơ sở hạ 1169
  3. tầng. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng thúc đẩy hoạt động du lịch tại nhiều vùng nông thôn nước ta, từ đó góp phần làm tạo ra diện mạo mới năng động hơn và làm tăng thu nhập cho người dân ở cho nhiều vùng nông thôn. Những tác động tích cực kể trên góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta trở thành một nền nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện để người nông dân cải thiện môi trường làm việc, nâng cao thu nhập, đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn một cách chủ động, theo hướng bền vững. Bên cạnh những mặt tích cực, những thuận lợi thì hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0 cũng có những tác động tiêu cực. Thứ nhất, việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 có thể dẫn tới việc dư thừa lao động trong nông nghiệp. Đây là hệ quả tất yếu không chỉ diễn ra trong ngành nông nghiệp mà trong hầu hết tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Sự dôi dư lao động nông nghiệp làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lao động ở các vùng nông thôn, từ đó đặt ra nhiều vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, nông thôn cũng tạo ra nguy cơ làm tăng bất bình đẳng về thu nhập giữa những người nông dân. Những người nông dân có trình độ, chịu đổi mới sẽ có khả năng kiếm được thu nhập cao hơn rất nhiều so với bộ phận còn lại. Một số nhà nghiên cứu còn cảnh báo rằng, cách mạng 4.0 cũng có thể dẫn tới khả năng phá vỡ thị trường lao động nói chung và thị trường lao động nông thôn nói riêng. Thứ hai, cách mạng 4.0 có thể giúp nâng cao năng suất trong ngành nông nghiệp nước ta thì cũng hoàn toàn có thể giúp nâng cao năng suất nông nghiệp ở các nước khác. Đặc biệt, ở các nước phát triển, năng suất lao động nông nghiệp cao gấp nhiều lần nước ta, do đó có thể dẫn đến việc một số nước phát triển sẽ có thể tự cung cấp đủ nông sản mà không cần tiêu thụ nông sản Việt Nam. Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế cũng có nghĩa là mức độ cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp càng ngày càng trở nên gay gắt, khốc liệt hơn cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Mặc dù nông sản Việt có thể dễ dàng tham gia vào thị trường khu vực, thế giới với các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan nhưng mặt khác nông sản Việt cũng phải cạnh tranh với nông sản của nhiều quốc gia khác cùng tham gia vào hiệp định thương mại thế hệ mới, cùng tham gia vào một tổ chức quốc tế. Nếu sản phẩm của nông sản Việt không đủ sức cạnh tranh thì lợi thế mang lại từ hội nhập kinh tế quốc tế và việc tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới không những bị mất đi, mà thêm vào đó còn gây ra những mối đe dọa lớn cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, tiêu chuẩn của thị trường các nước phát triển thường rất khắt khe – đây cũng là thách thức không nhỏ với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay. Như vậy, nếu không biết cách tận dụng thì chúng 1170
  4. ta không chỉ bất lợi trên thị trường thế giới mà còn bất lợi ngay trên sân nhà và thị trường tiêu thụ nông sản không những không tăng mà còn có nguy cơ bị co lại. Thứ tư, việc tiếp cận các công nghệ sản xuất trong nông nghiệp từ các nước khác trên thế giới và việc tiếp nhận đầu tư nếu không có sự nghiên cứu, lựa chọn kỹ càng cũng sẽ gây những hệ quả tiêu cực đối với việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam. 2. Hiện trạng ngành nông nghiệp Việt Nam 2.1. Những điểm sáng của ngành nông nghiệp Việt Nam Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, những bước tiến vượt bậc. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn từng bước được nâng cấp, cải thiện; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực; năng suất, chất lượng nông sản phẩm từng bước được nâng cao; đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia đồng thời từng bước đẩy mạnh xuất khẩu; đóng góp tích cực vào GDP và tăng trưởng GDP của đất nước, đồng thời tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập của nông dân. Nông nghiệp cũng từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng quy trình sản xuất chặt chẽ, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời ngày càng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là các giải pháp chuyển đổi số trong cả sản xuất, quản lý lẫn tiêu thụ sản phẩm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 đạt trung bình 2,54% [15]. Năm 2020 và 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng trưởng với tốc độ 2,68% (năm 2020) và ước tăng 2,9% (năm 2021), đóng góp lần lượt 13,5% và 13,9% vào tốc độ tăng của GDP toàn nền kinh tế [10,11]. Từ chỗ không cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, ngành nông nghiệp Việt Nam giờ đây không chỉ đảm bảo được đủ nhu cầu trong nước mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ 17 trên thế giới vào năm 2020, với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,2 tỷ USD [12] (trung bình giai đoạn 2016 – 2020 là 37,06 tỷ USD). năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đã lên tới con số 48,6 tỷ USD, tăng gần 18% so với năm 2020, trong đó có tới sáu mặt hàng (gạo, tôm, rau quả, hạt điều, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD; mười nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD [9]; nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được ưa chuộng và trở nên nổi tiếng trên thị trường quốc tế như chè Shan Tuyết, tỏi Lý Sơn, nhãn lồng Hưng Yên, vú sữa Lò Rèn, quế Trà Bồng, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn, nho Phan Rang, cà phê Buôn Mê Thuột, hồ tiêu Phú Quốc, bưởi da xanh Giồng Trôm, chanh dây Lâm Đồng, trà Tân Cương, hạt dẻ Trùng Khánh… Trong hai năm vừa qua, ngành nông nghiệp nước ta đã bảo đảm được nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu – đây là cơ sở rất quan trọng trong việc thực hiện an sinh và an 1171
  5. dân trong điều kiện hết sức khó khăn do đại dịch Covid 19 mang lại. Kết quả này cũng đã thể hiện rõ được vai trò là bệ đỡ cho nền kinh tế của ngành nông nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp tiếp tục được đổi mới; việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp từng bước thực chất và hiệu quả hơn theo hướng phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hiện đại, hình thành các quy trình sản xuất theo chuỗi; quy mô sản xuất nông nghiệp được mở rộng, nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung được hình thành, trình độ sản xuất và tổ chức quản lý sản xuất được nâng cao; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ được chú trọng phát triển, sản phẩm nông nghiệp ngày càng được tiêu chuẩn hóa. Năm 2021, toàn ngành có 1250 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên 19100 hợp tác xã; có 1640 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trở lại hoạt động và được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên hơn 14000 trên phạm vi cả nước. Các tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch như Việt Gap, Global Gap … đã được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng, và càng ngày càng trở nên phổ biến. Chương trình trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được thực hiện ngày càng rộng rãi và mang lại kết quả, hiệu quả ngày càng cao. Từ chỗ chỉ có chưa đến 30% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai chương trình vào năm đầu tiên (năm 2018) chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-Ttg ngày 07/5/2018; đến nay 100% các tỉnh, thành đã triển khai [17]; số lượng các sản phẩm OCOP cũng có xu hướng tăng theo thời gian (năm 2021, số lượng sản phầm OCOP được công nhận đã tăng 1,66 lần so với năm 2020, đạt mức 5320 sản phẩm [14]). Mức độ cơ giới hóa của ngành nông nghiệp tăng lên ở cả khâu trước thu hoạch và sau thu hoạch. Số lượng máy kéo năm 2019 của cả nước tăng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29% so với năm 2011. Năm 2020, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 94%, khâu gieo cấy đạt 42%, khâu chăm sóc đạt 77% và khâu thu hoạch đạt 65% [16]. Các thành tựu khoa học công nghệ được ứng dụng nhiều hơn trong ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ IoT (internet vạn vật), Al (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn) trong thu thập, kiểm tra, quản lý, chia sẻ dữ liệu, trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng robot, máy bay không người lái, hệ thống tưới tiêu tự động… trong sản xuất giúp cải thiện môi trường làm việc cho người nông dân, giảm chi phí sản xuất, tăng độ chính xác và hiệu quả trong các công đoạn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được nâng cấp ngày càng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp cũng như phục vụ tốt hơn đời sống của người dân ở nông thôn. 1172
  6. Bên cạnh đó, “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” cũng đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2021, toàn quốc đã có 5614 xã đạt chuẩn nông thôn mới [9]. Thu nhập của người nông dân tiếp tục gia tăng đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,92 lần so với năm 2015[18]; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm từ mức 9,2% xuống 4,2%; người nông dân đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và vai trò chủ thể của mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, ngày càng thay đổi về tư duy sản xuất và nhanh nhạy hơn với việc ứng dụng khoa học công nghệ, với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới. 2.2. Những hạn chế tồn tại Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, bản thân ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục, đặc biệt trong bối cảnh phát triển nông nghiệp hiện nay với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và ảnh hưởng của cách mạng 4.0 ngày càng sâu sắc, rõ nét. Thứ nhất, năng suất lao động nông nghiệp mặc dù có sự cải tiến theo thời gian nhưng còn cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới và nhìn hiện nông nghiệp vẫn đang là khu vực có năng suất lao động thấp nhất trong nền kinh tế (bình quân luôn ở dưới mức 50% so với năng suất lao động trung bình của nền kinh tế [19]). Đặc biệt, kể từ giữa những năm 2000, năng suất yếu tố tổng hợp – TFP không theo kịp các nước trong khu vực (TFP đóng góp vào 57% mức tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2001 – 2010, trong khi đó con số này của Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 92%; 86% và 82% [4]). Điều này cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với khoảng cách khá xa trong tiếp cận nông nghiệp 4.0. Thứ hai, sự thiếu hụt lao động nông nghiệp chất lượng cao. Một thực tế dễ dàng nhận thấy là lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta rất đông nhưng số lượng lao động nông nghiệp có chuyên môn, có trình độ, có kỹ thuật thì lại vô cùng hạn chế. Trong khi đó, đây là hạt nhân cơ bản, quan trọng của việc hình thành nền nông nghiệp 4.0. Quý IV năm 2020, tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn qua đào tạo chỉ ở mức 16,6% [4]; Năm 2021, tính trên phạm vi cả nước, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ trình độ “sơ cấp” trở lên ở mức 26,1% [20] - điều này cho thấy tỷ lệ lao động được đào tạo trong khu vực nông nghiệp khiêm tốn đến mức nào. Thứ ba, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều, nông nghiệp nhìn chung vẫn phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng ngành nhìn chung còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, còn nhiều tình huống chưa thích ứng kịp với thị trường, với biến đổi khí hậu. 1173
  7. Thứ tư, việc tích tụ, tập trung hóa trong sản xuất nông nghiệp diễn ra còn chậm. Ở một số nơi tích tụ ruộng đất chưa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản còn yếu. Hoạt động liên kết sản xuất trong nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ; nhiều nơi chưa có sự gắn kết đồng bộ giữa kinh tế hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và thị trường; việc số hóa trong nông nghiệp còn chậm chạp. Thứ năm, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch trong nông nghiệp còn nhiều bất cập; hoạt động dự báo nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và logistics trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Nhiều nơi, vẫn chủ yếu sản xuất theo kiểu có khả năng gì thì sản xuất nấy mà xem nhẹ việc nghiên cứu nhu cầu của thị trường để sản xuất theo nhu cầu người dùng. Tình trạng phụ thuộc vào một/một số thị trường đầu ra trọng điểm còn phổ biến, trong đó điển hình là thị trường Trung Quốc. Không chỉ phụ thuộc về thị trường đầu ra, thị trường đầu vào của sản xuất nông nghiệp chúng ta vẫn chưa thực sự chủ động. Tư duy làm nông nghiệp của đại bộ phận nông dân chậm thay đổi. Thứ sáu, thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao còn thấp, đặc biệt là việc thu hút những doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Thứ bảy, các cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và kinh doanh nông nghiệp mặc dù đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập cần phải tiếp tục được cải tiến, sửa đổi. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển lao động còn chưa đạt hiệu quả. Năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là ở cấp cơ sở còn yếu. 3. Giải pháp phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và cách mạng 4.0 Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và cách mạng 4.0 tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản như sau: Thứ nhất, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới tổ chức kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong ngành nông nghiệp. Tiếp tục nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp thành tác nhân quan trọng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, cũng như thành tác nhân quan trọng trong việc kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp; khuyến khích hợp tác xã phát triển thành doanh nghiệp; thành lập các liên hiệp các hợp tác xã trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung hóa trong sản xuất nông nghiệp gắn với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu, các lĩnh vực, đặc biệt là các công nghệ đặc trưng của cách mạng 4.0. Hình thành hệ thống các doanh nghiệp hạt 1174
  8. nhân trong nông nghiệp liên kết với nông dân để dẫn dắt chuỗi giá trị, phát triển thị trường. Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Một trong những điều kiện tiên quyết để tiến tới nền nông nghiệp 4.0 là cần có đội ngũ lao động nông nghiệp chất lượng, đủ khả năng ứng dụng các công nghệ đặc trưng của cách mạng 4.0. Để làm được điều này, cần tập trung nguồn lực để đào tạo đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực trọng yếu, then chốt như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học quản lý…. Tổ chức các lớp học cho bà con nông dân để nâng cao nhận thức của bà con về sản xuất, quản lý sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới. Ban hành các chính sách thu hút lao động có chất lượng làm việc trong ngành nông nghiệp, làm việc tại các vùng nông thôn cũng như có các chính sách để thu hút sinh viên theo học ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã trong công tác đào tạo nhân lực. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông và gắn kết công tác này với các hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong nông nghiệp. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo, cũng cần xây dựng các chính sách để hỗ trợ việc hình thành, phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra cần phải thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp; đổi mới giáo dục trong các trường đại học, học viện giảng dạy những nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng thực tiễn hơn, thực chất hơn. Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác thị trường và công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Đối với thị trường trong nước, cần đa dạng hóa các kênh phân phối, kết hợp các kênh truyền thống với các kênh hiện đại; xây dựng hệ thống chợ đầu mối nông sản gắn với chuỗi logistics ở các vùng sản xuất tập trung, hiện đại hóa hệ thống chợ ở các địa phương, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; hỗ trợ nông dân, hợp tác xã chủ động xây dựng được hệ thống bán lẻ nông sản; hỗ trợ các cơ sở kinh doanh nông nghiệp trong việc phát triển thương mại điện tử và phát triển kênh phân phối sản phẩm. Với thị trường quốc tế, cần thúc đẩy và khuyến khích các hình thức xuất khẩu chính ngạch; xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn và yêu cầu hội nhập quốc tế; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo, đánh giá và cảnh báo thông tin về thị trường nông sản chủ lực, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, cho các hợp tác xã và cho các hộ nông dân để họ chủ động trong sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất những rủi ro xảy ra 1175
  9. trong các hoạt động của mình; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, mở rộng, xâm nhập các thị trường mới; cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin về các hiệp định thương mại đã, đang ký kết để họ hiểu đầy đủ về những yêu cầu cần đáp ứng, những lợi thế và thách thức mà các hiệp định đó mang lại. Ứng dụng công nghệ số trong việc thu thập thông tin, lưu trữ thông tin, phân tích thông tin, công bố thông tin, giám sát nguồn cung và lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu về tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu sản phẩm và những lợi ích mà nó mang lại; hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc bảo hộ thương hiệu; hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản. Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn, phát triển hoạt động logistics trong nông nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Phát triển các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, nâng cấp hệ thống thủy lợi để phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống cảng, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, hệ thống đường xá… Trang bị hệ thống thiết bị, công cụ để đảm bảo năng lực dự báo, cảnh báo trước về thiên tai. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối giữa các vùng nông nghiệp tập trung, các địa phương tạo thuận lợi cho việc liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm; hệ thống kho lạnh, kho dự trữ nông sản. Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để tạo điều kiện tiến tới phát triển nông nghiệp 4.0, hiện đại hóa nông thôn. Tiếp tục đổi mới cơ chế, đơn giản hóa các thủ tục, đồng thời tăng cường các ưu đãi cho các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; các hoạt động đầu tư ở khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa thông qua các ưu đãi về thuế, về tín dụng, về đất đai… Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Số hóa, tạo lập và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp (đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu…); kết nối và chia sẻ dữ liệu của ngành, của đất nước cho các doanh nghiệp và người dân; xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình làng thông minh; thúc đẩy thương mại điện tử trong kinh doanh nông nghiệp; triển khai khuyến nông điện tử; đẩy mạnh ứng dụng số trong nông nghiệp; xây dựng hệ thống dữ liệu số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Thứ sáu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp. Trước hết cần rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp và điều chỉnh những điểm bất cập, lỗi thời; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai theo hướng tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung trong sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh việc 1176
  10. hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về tín dụng nông nghiệp, chính sách thuế, chính sách hỗ trợ đối với các nông hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện chính sách về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng khuyến khích và thu hút đầu tư; hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp đảm bảo yêu cầu hội nhập và xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Kết luận Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc phát triển ngành nông nghiệp nước ta gặp rất nhiều thuận lợi, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ để phát triển một cách bền vững. Bài viết trên đây đã đề xuất một số giải pháp về phía nhà nước để thúc đẩy sự phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại. Đương nhiên, để phát triển ngành nông nghiệp nước nhà không chỉ phụ thuộc vào các chính sách và giải pháp của nhà nước mà còn rất cần sự đồng lòng của các doanh nghiệp, các hộ nông dân. Việc phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới của doanh nghiệp và của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp để đồng hành cùng các cấp chính quyền cũng là những yêu cầu tiên quyết cho việc xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn và hiệu quả cho Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật 2. Thủ tướng chính phủ (2022), Quyết định số 150/QĐ-Ttg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 2. 3.https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-nong-nghiep-o-viet-nam- thoi-cong-nghe-40-309470.html, truy cập 10h40’ ngày 7/3/2022 3. 4.http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/3679-phat-trien- nong-nghiep-cong-nghe-cao-o-viet-nam-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep- lan-thu-tu.html, truy cập 10h40’ ngày 7/3/2022 4. 5.https://baobinhduong.vn/cn/nong-nghiep-cong-nghe-cao-co-hoi-va-thach-thuc- trong-hoi-nhap-a187272.html, truy cập 10h40’ ngày 7/3/2022 5. 6.https://dangcongsan.vn/khuyen-nong-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung/tin-tuc/san- xuat-nong-nghiep-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-249581.html, truy cập 5h30’ ngày 1/4/2022 6. https://vukehoach.mard.gov.vn/News.aspx?id=2777, truy cập 08h00’ ngày 1/4/2022 1177
  11. 7. https://www.gso.gov.vn/nong-lam-nghiep-va-thuy-san, truy cập 7h00 ngày 1/4/2022 8. 9.https://baochinhphu.vn/nam-2021-nganh-nong-nghiep-dat-nhieu-ket-qua-vuot-bac- 102306284.htm, truy cập 13h22’ ngày 1/4/2022 9. 10.https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/12/thong-cao-bao-chi- ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2020, truy cập 13h40 ngày 1/4/2022 10. 11.https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/12/thong-cao-bao-chi- ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2021, truy cập 13h40 ngày 1/4/2022 11. 12.https://congthuong.vn/viet-nam-dung-thu-17-ve-xuat-khau-nong-san-nhung-gia- tri-moi-dat-gan-2-156459.html , truy cập 14h00 ngày 1/4/2022 12. 13.https://www.vnua.edu.vn/tin-tuc-su-kien/nghien-cuu-khoa-hoc/cach-mang-cong- nghiep-4.0-trong-linh-vuc-nong-nghiep-va-dinh-huong-phat-trien-nganh-che-bien- nong-san-thuc-pham-o-viet-nam 13. 51190#:~:text=%2D%20C%C3%A1ch%20m%E1%BA%A1ng%20c%C3%B4ng%2 0nghi%E1%BB%87p%204.0,ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20nh%C6%B0% 20Vi%E1%BB%87t%20Nam, truy cập 5h30’ ngày 1/4/2022, truy cập 7h00’ngày 1/4/2022 14. 14.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/821042/nhung-diem- sang-cua-nganh-nong-nghiep-viet-nam-giai-doan-2016---2020.aspx, truy cập 7h30 ngày 1/4/2022 15. 15.http://consosukien.vn/san-xuat-nong-nghiep-viet-nam-5-nam-nhin-lai-2016- 2020.htm, truy cập 14h35’ ngày 1/4/2022 16. 16.https://bnews.vn/truyen-thong-nuoc-ngoai-danh-gia-muc-do-co-gioi-hoa-trong- nong-nghiep-viet-nam/200383.html, truy cập 14h40’ ngày 1/4/2022 17. 17.https://baochinhphu.vn/ocop-la-mot-chuong-trinh-phat-trien-kinh-te-nong-thon- trong-tam-102289570.htm, truy cập 23h00 ngày 1/4/2022 18. 18. http://vukehoach.mard.gov.vn/News.aspx?id=2564, truy cập 10h00 ngày 2/4/2022 19. 19.http://iasvn.org/homepage/Giai-phap-nang-cao-nang-suat-lao-dong-trong-nong- nghiep-15241.html 1178
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2