intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phương pháp rèn luyện các kỹ năng cho người học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nội dung bài viết này xoay quanh việc cần rèn luyện những kỹ năng nào và bằng cách nào cho học viên chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Mục đích hướng tới là nâng cao hiệu quả của việc đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phương pháp rèn luyện các kỹ năng cho người học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch

  1. Phương pháp rèn luyện các kỹ năng cho người học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Văn Hợp Tóm tắt Hướng dẫn viên du lịch là lực lượng lao động quan trọng trong ngành du lịch. Họ có vai trò lớn trong việc tổ chức thực hiện các chương trình du lịch mà các công ty lữ hành đã ký kết với du khách. Công việc của hướng dẫn viên đòi hỏi phải thực hiện nhiều nghiệp vụ khác nhau, đảm bảo cho chuyến đi được thực hiện tốt đẹp và đúng với những gì mà công ty lữ hành đã cam kết với du khách. Trong một chuyến đi hướng dẫn viên phải phục vụ và giới thiệu nhiều nội dung khác nhau nhằm mang lại các giá trị hiểu biết cho du khách từ đó hướng tới sự hài lòng cho khách hàng. Để thực hiện công việc được tốt đẹp, hướng dẫn viên không chỉ cần nhiều kiến thức về du lịch mà cần phải có nhiều kỹ năng khác nhau. Để có kỹ năng tốt phục vụ cho công việc, đòi hỏi hướng dẫn viên phải rèn luyện thường xuyên. Song bên cạnh đó còn có yếu tố quan trọng của việc đào tạo kỹ năng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chú ý đào tạo kỹ năng cho người học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch là điều quan trọng, giúp nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch có đủ phẩm chất và năng lực để làm việc hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng du lịch nước nhà. Nội dung bài viết này xoay quanh việc cần rèn luyện những kỹ năng nào và bằng cách nào cho học viên chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Mục đích hướng tới là nâng cao hiệu quả của việc đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam trong tương lai. Từ khóa: Hướng dẫn viên du lịch, kỹ năng hướng dẫn du lịch 1. Mở đầu Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến ngày 17 tháng 9 năm 2023 thì Việt Nam có 36.168 hướng dẫn viên đã được cấp thẻ hành nghề, bao gồm: 21.021 hướng dẫn viên quốc tế, 13.554 hướng dẫn viên nội địa và 1.593 hướng dẫn viên tại điểm. Vậy hướng dẫn viên du lịch là gì? Theo luật du lịch Việt Nam (2017) giải thích về hướng dẫn viên du lịch khá ngắn gọn và theo góc nhìn luật pháp thì “Hướng dẫn viên du lịch là người được cấp thẻ để hành nghề hướng dẫn du lịch.” Tuy nhiên, cách giải thích này chưa nêu bật được nội hàm của hướng dẫn viên du lịch là gì. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam còn có nhiều khái niệm khác về hướng dẫn viên du lịch. Theo các nhà khoa học trường Đại học British Columbia, thì hướng dẫn viên du lịch dưới góc độ đào tạo được hiểu “là các cá nhân làm việc trên các tuyến du lịch, trực tiếp đi kèm hoặc di chuyển cùng với các cá nhân hoặc các đoàn khách theo các chương trình du lịch, nhằm đảm bảo việc thực hiện chương trình theo đúng kế hoạch, cung cấp các lời thuyết minh về các điểm du lịch và tạo ra những ấn tượng cho khách du lịch”. Theo Đinh Trung Kiên thì nêu quan điểm: “Hướng dẫn viên du lịch là người thực hiện hướng dẫn khách du lịch trong các chuyến đi tham quan du lịch hay tại các điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu thỏa thuận của khách trong thời gian nhất định và thay mặt tổ chức kinh doanh du lịch giải quyết những phát sinh trong chuyến du lịch với phạm vi và khả năng của mình”. Còn đối với khái niệm về kỹ năng cũng có nhiều góc nhìn khác nhau từ các nhà nghiên cứu. Theo tác giả Đặng Thành Hưng thì “kỹ năng là một dạng hành động được thực hiện tự giác dựa trên tri thức về công việc, khả năng vận động và những điều kiện sinh học – tâm lí khác của cá nhân (tức chủ thể của kỹ năng đó), như nhu cầu, tình cảm, ý chí, tính tích cực cá 819
  2. nhân... để đạt được kết quả theo mục đích hay tiêu chí đã định, hoặc mức độ thành công theo chuẩn mực hay quy định.” Còn theo nhà tâm lý học người Liên Xô L.D.Leviton cho rằng “Kỹ năng là sự thực hiện có kết quả một động tác nào đó hay một hoạt động phức tạp hơn bằng cách lựa chọn và áp dụng những cách thức đúng đắn, có tính đến những điều kiện nhất định”. Theo ông, người có kỹ năng hành động là người phải nắm được và vận dụng đúng đắn các cách thức và quy tắc nhằm thực hiện hành động có kết quả. Ông cũng cho rằng con người có kỹ năng không chỉ nắm lý thuyết về hành động mà còn phải vận dụng vào thực tế. Như vậy ta có thể hiểu một cách chung nhất về các kỹ năng của nghề hướng dẫn viên du lịch là việc lặp đi lặp lại những thao tác mang tính chuyên môn của công việc hướng dẫn du lịch một cách khoa học, bài bản nhằm mục đích giúp cho công việc hướng dẫn du lịch được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Để trở thành một hướng dẫn viên giỏi cần phải có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực từ lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo, kiến trúc, mỹ thuật... và điều rất quan trọng là trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Qua thực tiễn công tác trong lĩnh vực hướng dẫn du lịch hơn 10 năm của tác giả và theo sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia và nhiều hướng dẫn viên du lịch lâu năm. Tất cả đều thống nhất quan điểm để trở thành hướng dẫn viên giỏi ngoài kiến thức chuyên môn, khả năng sử dụng ngôn ngữ thì hướng dẫn viên du lịch cần có các kỹ năng sau: Kỹ năng thuyết minh du lịch, kỹ năng hoạt náo trong du lịch, kỹ năng tổ chức, kỹ năng nắm bắt tâm lý và giao tiếp với du khách, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng giải quyết sự cố trong hành trình. Việc rèn luyện các kỹ năng này đòi hỏi cần phải thực hiện nhiều lần và phải được rèn luyện ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 2. Phương pháp rèn luyện các kỹ năng cho học viên chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch 2.1. Kỹ năng thuyết minh du lịch Đây là kỹ năng quan trọng hàng đầu cần phải có của hướng dẫn viên du lịch. Mục đích của việc thuyết minh du lịch là để cung cấp các thông tin cho du khách trong chuyến đi, giúp du khách hiểu hơn về vùng miền hay quốc gia mà họ đến. Thông qua việc thuyết minh du giúp du khách có sự cảm nhận được cái hay, cái đẹp và làm gia tăng ý nghĩa cho một chuyến đi. Một hướng dẫn viên có kiến thức sâu rộng nhưng không có khả năng trình bày, diễn đạt hiệu quả thì những kiến thức ấy khó phát huy được hết giá trị. Tôi đã có dịp được nghe nhiều hướng dẫn viên thuyết minh và thấy thật sự lôi cuốn, nhưng khi ngẫm lại nội dung thì không có gì quá sâu sắc. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi người nghe dễ bị chinh phục qua cách diễn đạt thu hút hơn là chú ý vào nội dung của vấn đề. Tất nhiên nếu một hướng dẫn viên vừa có kiến thức tốt vừa có khả năng thuyết minh hay thì điều đó rất tuyệt vời. Để có khả năng thuyết minh tốt, học viên nên thực hiện rèn luyện kỹ năng này theo các bước sau: Thứ nhất, chuẩn bị nội dung thật tốt: Bài nói hay cần có nội dung đầy đủ, chính xác, khoa học. Do đó trước khi thuyết minh, học viên nên chuẩn bị nội dung thật kỷ bằng cách đọc nhiều tài liệu liên quan. Thứ hai, xây dựng dàn ý cho bài thuyết minh: Sau khi đã chuẩn bị nội dung thì cần xây dựng dàn ý cho bài thuyết minh đảm bảo tính logic, hợp lý, các ý chính, ý phụ cần sắp xếp theo trình tự. Từ đó, lựa chọn thêm các ví dụ minh họa phù hợp để làm nổi bật chủ đề trình bày. 820
  3. Thứ ba, hoàn thiện bài thuyết minh: Sau khi có dàn ý hãy cố gắng xây dựng một bài thuyết minh hoàn chỉnh. Lựa chọn từ ngữ đắt giá nhất, những câu văn dí dỏm, sâu sắc, dễ hiểu và một cách diễn đạt lôi cuốn nhất cho bài thuyết minh của mình. Cuối cùng là luyện tập thật nhiều: Sau khi đã chuẩn bị nội dung chu đáo, học viên nên tìm một nơi nào đó yên tĩnh để bắt đầu việc luyện tập thuyết minh. Việc luyện tập thuyết minh nên bắt đầu bằng cách tự thuyết minh trong não bộ của mình, lúc này chưa cần phải thuyết minh thành lời để đảm bảo nội dung được nắm vững. Vì tất cả lời nói chúng ta phát ra là từ tín hiệu của não bộ, vì vậy học viên cần xây dựng vùng thông tin về nội dung bài thuyết minh trong não bộ của mình trước, như vậy sẽ hiệu quả hơn. Sau khi đã nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần, học viên nên tự đứng trước gương hoặc tốt hơn là quay phim lại bài thuyết minh của mình. Hãy xem lại bài thuyết minh, nếu chưa hài lòng với âm lượng, biểu cảm trên gương mặt, cách trình bày… thì hãy làm lại cho tới khi nào thấy ổn. Chúng ta cũng có thể nhờ sự đóng góp ý kiến của người khác sau khi đã quay lại bài thuyết minh để có thể hoàn thiện tốt hơn bài nói của mình. Có thể nhiều đề tài thuyết minh lâu ngày không được sử dụng tới nhưng điều quan trọng là chúng ta đừng lãng quên nó hãy cố gắng ôn tập thường xuyên. Chúng ta cần thực hiện việc này liên tục với nhiều đề tài khác nhau để có kỹ năng thuyết minh tốt. 2.2. Kỹ năng hoạt náo trong du lịch Hoạt náo trong du lịch là việc rất cần thiết giúp cho chuyến đi thêm vui tươi, sôi nổi nó giúp cho du khách cảm thấy vui vẻ hơn, bớt đi căng thẳng, mệt mỏi và thậm chí là gắn kết du khách lại với nhau. Hoạt náo trong du lịch có nhiều dạng khác nhau tùy theo không gian tổ chức như: Hoạt náo trên xe, teambuiding tại bãi biển, lửa trại, trò chơi lớn, hoạt náo trên sân khấu… Để có được kỹ năng hoạt náo tốt, trước hết hướng dẫn viên phải được đào tạo bài bản và nội dung đào tạo phải chuẩn mực. Thời gian gần đây, dư luận xã hội tại Việt Nam đang ngán ngẩm với những trò hoạt náo “phản cảm” trong các chương trình du lịch, được tổ chức bởi các công ty lữ hành và các hướng dẫn viên. Nguyên nhân ban đầu phải kể đến là từ việc thiếu quan tâm đào tạo kỹ năng này từ các cơ sở đào tạo, dẫn đến việc hướng dẫn viên tổ chức hoạt náo theo sự rập khuôn bắt chước từ thế hệ đi trước và theo sở thích cá nhân mà thiếu đi tính lý luận, tính giáo dục. Vì thế có nhiều chương trình hoạt náo chưa thực sự bài bản, thiếu tính giáo dục và thậm chí là phản cảm là điều dễ hiểu. Do đó, học phần “Tổ chức hoạt náo trong du lịch” là học phần cần thiết. Thông qua học phần này sẽ hướng dẫn cho học viên biết phương pháp để tổ chức các chương trình hoạt náo trong một chuyến du lịch. Thông qua việc đào tạo cũng hướng dẫn cho học viên biết nên tổ chức các trò chơi như thế nào để vừa đảm bảo tính giải trí vừa có tính giáo dục và gia tăng được sự hài lòng của khách hàng. Đồng thời tránh được những nội dung hoạt náo không phù hợp với từng đối tượng du khách và thuần phong mỹ tục. Trong chương trình đào tạo, kỹ năng tổ chức các trò chơi cần phải được hướng dẫn bởi các giảng viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Học viên cần thực hiện tổ chức các trò chơi ấy ngay tại lớp học của mình dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Dĩ nhiên để có kỹ năng hoạt náo tốt thì đòi hỏi học viên cần phải thực hiện nhiều lần. Do đó học viên cũng có thể tận dụng tất cả cơ hội khác để tổ chức hoạt náo, ví dụ trong giờ giải lao, trong các sự kiện của lớp/trường, trong các chương trình dã ngoại hay hoạt động ngoại khóa…Đặc biệt là tham gia thực tập thực tế sẽ giúp học viên rèn luyện được kỹ năng này. 821
  4. 2.3. Kỹ năng tổ chức Trong một chuyến du lịch, hướng dẫn viên có vai trò là người trực tiếp tổ chức các hoạt động từ ăn, ở, giải trí, tham quan…cho du khách. Vì vậy người hướng dẫn viên cần có kỹ năng tổ chức các hoạt động sao cho hợp lý về không gian và thời gian để các công việc diễn ra suôn sẽ, có hiệu quả cao. Kỹ năng này cũng không phải tự nhiên mà có, muốn có kỹ năng tổ chức các hoạt động trong du lịch tốt thì cần cả kiến thức lý thuyết lẫn việc thực hành nhiều lần. Trong chương trình đào tạo, môn “Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch” cần phải trang bị và rèn luyện cho học viên kỹ năng này. Việc đào tạo lý thuyết cần song hành với đào tạo thực hành. Trong quá trình đào tạo cần tổ chức cho học viên thực hành các kỹ năng tổ chức ăn/ở/tham quan/giải trí... là điều hết sức cần thiết. Việc thực hành này có thể thực hiện thông qua các chương trình thực tế chuyên môn. Các hoạt động trong một chuyến thực tế chuyên môn du lịch thay vì được tổ chức bởi các công ty lữ hành và của các hướng dẫn viên chuyên nghiệp thì học viên chuyên ngành hướng dẫn viên nên tự thực hiện các công việc đó. Việc tận dụng cơ hội trong các chuyến đi thực tế/thực tập như vậy là điều cực kỳ cần thiết để có kỹ năng tổ chức các hoạt động trong một chương trình du lịch. Tham gia thực tập nghề nghiệp là cơ hội tuyệt vời để vừa có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn. Học viên chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch cần năng động tham gia các tour du lịch với vai trò là người phụ việc để có kỹ năng này. Quan điểm cá nhân của tôi thì “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, nên đã muốn trở thành hướng dẫn viên thì người học cần phải đi, đi càng nhiều càng tốt. Vì mỗi chuyến đi đều là một sự trải nghiệm, do mỗi chuyến đi sẽ có đối tượng khách khác nhau, các hoạt động trong các chuyến đi sẽ khác nhau, tuyến điểm của các chuyến đi cũng khác nhau. Do đó, công tác tổ chức thực hiện cũng khác nhau. Vì thế để có kỹ năng tổ chức tốt, học viên cần phải có nhiều cơ hội để thực hành, cơ hội đó đến từ các học phần trong chương trình đào tạo và từ việc tham gia thực tập cho các doanh nghiệp du lịch bên ngoài. 2.4. Kỹ năng nắm bắt tâm lý và giao tiếp với du khách “Làm dâu trăm họ” đó là câu nói cửa miệng chỉ sự vất vả, khó khăn trong việc phục vụ du khách của nghề hướng dẫn viên du lịch. Chúng ta biết rằng khách du lịch đến từ rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, với nhiều dân tộc, văn hóa, thành phần…Vì vậy việc hiểu biết tâm lý du khách là điều hết sức cần thiết, nó giúp hướng dẫn viên giao tiếp và phục vụ khách chu đáo hơn. Việc hiểu biết tâm lý du khách cũng làm cho họ cảm thấy tin tưởng, gắn bó với hướng dẫn viên hơn và tất nhiên là nó cũng góp phần giúp chuyến đi thêm thành công. Để hiểu biết tâm lý du khách và có kỹ năng giao tiếp tốt với du khách, học viên cần phải được trang bị kiến thức về tâm lý học và cũng cần phải có kinh nghiệm thực tiễn. Trong chương trình đào tạo, học phần “Tâm lý khách du lịch” phải là một học phần bắt buộc. Trong học phần này cung cấp kiến thức nền tảng cho học viên hiểu biết về tâm lý của du khách. Tuy nhiên, việc có kiến thức về tâm lý học chỉ là một phần của sự thành công. Muốn có được kỹ năng này, học viên cần phải biết ứng dụng các kiến thức lý thuyết về tâm lý học ngay trong đời sống thường nhật của mình. Thông qua các hoạt động giao tiếp cá nhân với cộng đồng cũng giúp cho học viên tạo được một thói quen và kỹ năng trong giao tiếp. Để có được kỹ năng nắm bắt tâm lý và giao tiếp với du khách, học viên chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch nên bắt đầu với việc tập giao tiếp cởi mở, chân thành ngay với bạn bè, thầy cô, xóm giềng và các mối quan hệ xã hội 822
  5. trước. Khi mình đã có kỹ năng giao tiếp với cộng đồng tốt thì tất nhiên việc giao tiếp và nắm bắt tâm lý du khách không phải là việc quá khó khăn. Thông qua sự hiểu biết tâm lý và mong muốn của du khách khi đi du lịch, cộng với kỹ năng giao tiếp tốt thì việc giao tiếp và nắm bắt tâm lý du khách sẽ trở nên đơn giản. Điều tất yếu là du khách nói riêng và con người trong xã hội nói chung, mỗi người mỗi tính và mỗi nhóm du khách sẽ có đặc điểm riêng. Học viên chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch cũng cần có nhiều cơ hội để tiếp xúc và làm việc thì kỹ năng này mới trở nên hoàn thiện được. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tham gia các chuyến đi thực tập là điều rất cần thiết, đây là cơ hội để học viên tiếp xúc nhiều hơn với nhiều đối tượng du khách hơn. 2.5. Kỹ năng chăm sóc khách hàng Nếu trong chuyến đi du khách được sự quan tâm, chăm sóc tận tình thì rõ ràng sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp khó phai mờ. Chăm sóc chu đáo cho du khách trong mỗi chuyến đi cũng là yêu cầu của các doanh nghiệp lữ hành đòi hỏi hướng dẫn viên phải thực hiện tốt. Nhưng để có kỹ năng này hướng dẫn viên cũng cần phải có nghiệp vụ, mỗi nhóm đối tượng du khách sẽ có các phương pháp chăm sóc khác nhau. Chẳng hạn đối với người lớn tuổi các hướng dẫn viên cần để ý đến họ thường xuyên trong suốt chuyến đi, hãy cố gắng quan sát khách trong lúc đoàn đi tham quan bởi vì chỉ cần một cái ngã nhẹ cũng có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Hay với đối tượng du khách là phụ nữ đến từ các nước Hồi giáo, họ cũng cần nhận được sự chăm sóc nhưng chúng ta cũng phải nhớ giữ khoảng cách cần thiết và tránh va chạm cơ thể vì đó là điều kiêng kỵ. Chăm sóc du khách còn phải được thể hiện qua việc lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của du khách. Phục vụ những mong muốn chính đáng của du khách cũng thể hiện sự quan tâm, chăm sóc. Trong công tác tổ chức, các dịch vụ ăn, ở, đi lại, vui chơi được tổ chức bài bản đáp ứng được các nhu cầu của du khách cũng là một khía cạnh của việc chăm sóc khách hàng. Chăm sóc khách hàng là một kỹ năng không khó, chỉ cần người hướng dẫn viên biết quan sát, nắm bắt được tình hình, hiểu được tâm lý khách hành thì việc chăm sóc du khách trở nên dễ dàng. Đối với học viên chuyên ngành hướng dẫn du lịch, kiến thức về chăm sóc khách hàng cũng cần được trang bị, người học cần hiểu được vai trò của hướng dẫn viên trong việc chăm sóc khách hàng như thế nào và cách chăm sóc du khách ra sao. Kỹ năng chăm sóc du khách cần được thực hành thông qua các chương trình thực tế/thực tập. Đồng thời trong quá trình học các môn liên quan đến nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, giảng viên cũng có thể đưa ra các tình huống giả định để học viên có nhiều điều kiện hơn để thực hành kỹ năng này. 2.6. Kỹ năng giải quyết sự cố trong hành trình Trong một chuyến đi có thể xảy ra rất nhiều sự cố từ việc đi lại, ăn uống, lưu trú, tai nạn, bệnh tật…Vì thế hướng dẫn viên cần phải có kỹ năng để xử lý các tình huống bất ngờ này. Tất nhiên qua quá trình làm việc hướng dẫn viên sẽ tích lũy dần kinh nghiệm để có thể xử lý các vấn đề phát sinh trong chuyến đi, nhưng việc trang bị kiến thức về xử lý tình huống là điều cần thiết. Để có kỹ năng này, các tình huống giả định sẽ phải được đặt ra và học viên cần phải xử lý. Các tình huống giả định phải được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như nêu tình huống và học viên trả lời phương pháp xử lý, học viên cũng có thể tạo các tình huống thông qua hình thức sân khấu hóa để việc thực hành kỹ năng xử lý tình huống trở nên thú vị hơn. Trong thực tế, các tình huống khẩn cấp nhiều khi nằm ngoài suy tính của các nhà tổ chức, do đó quá trình làm việc và đúc kết kinh nghiệm là cần thiết để có được kỹ năng này. 823
  6. 3. Kết luận Để có thể hoàn thành công tác hướng dẫn du lịch một cách hiệu quả, đảm bảo mỗi chuyến đi du khách đều cảm thấy hài lòng. Hướng dẫn viên phải luôn ý thức rèn luyện kiến thức và kỹ năng cho mình. Đồng thời trong quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo cần phải chú trọng đào tạo các kỹ năng cho công tác hướng dẫn du lịch. Vì để có kỹ năng tốt vừa cần phải có thời gian dài rèn luyện vừa cần phải được đào tạo một cách chuyên nghiệp và có hệ thống. Chú trọng đào tạo kỹ năng cho học viên chuyên ngành hướng dẫn du lịch là việc quan trọng để đào tạo ra nguồn nhân lực hướng dẫn viên giỏi về trình độ chuyên môn và giỏi cả kỹ năng nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành và tạo ra thương hiệu riêng cho ngành du lịch Việt Nam. Tài liệu tham khảo Đinh Văn Đáng. 2008. Giáo trình Kỹ năng giao tiếp. Hà Nội: Lao động – Xã hội Nguyễn Văn Đính. 1996. Giáo trình tâm lý và nghệ thuật giao tiếp ứng xử trong kinh doanh du lịch. Hà Nội: Thống kê Đinh Trung Kiên. 2015. Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Hà Nội: Đại học Quốc Gia Hà Nội Nguyễn Văn Quảng. 2004. Để trở thành hướng dẫn viên du lịch giỏi. Hồ Chí Minh: Trẻ. Trương Tử Nhân. 2000. Thực hành hướng dẫn du lịch. Hà Nội: Thống kê. Tổng cục Du lịch. 2023. “Cơ sở dữ liệu trực tuyến hướng dẫn viên du lịch.” Cập nhật ngày 17/9/2023. https://huongdanvien.vn/index.php/guide/cat/05 Thư Viện pháp Luật. 2017. “Luật Du lịch.” Truy cập ngày 17/9/2023. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-du-lich-2017-322936.aspx Võ Quế. 2019. “Hướng dẫn viên du lịch và những vấn đề đặt ra đối với bổ sung, điều chỉnh đối với Luật Du lịch (2005). Truy cập ngày 15/9/2023. https://itdr.org.vn/huong-dan- vien-du-lich-va-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-bo-sung-dieu-chinh-doi-voi-luat-du-lich-2005/ THÔNG TIN TÁC GIẢ Họ và tên: Nguyễn Văn Hợp Học hàm, học vị: Thạc sĩ Cơ quan công tác: Trường Đại học Sài Gòn Chức vụ: Giảng viên Điện thoại: 088804818 Email: nvhop@sgu.edu.vn Địa chỉ: 566/187/26 Nguyễn Thái Sơn, Phường 5, Gò Vấp, Hồ Chí Minh 824
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2