JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0072<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6A, pp. 39-46<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
QUẢN LÍ QUÁ TRÌNH DẠY HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG<br />
<br />
Phạm Quang Huân<br />
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Dạy học là một quá trình trung tâm trong quá trình giáo dục tổng thể của nhà<br />
trường. Dạy học được xem là quá trình có mở đầu (input), diễn biến quá trình (process) và<br />
kết thúc (output) của các hoạt động dạy, hoạt động học nhằm đạt được các mục tiêu dạy<br />
học. Trong nhà trường phổ thông, dạy học bao gồm quá trình dạy học vĩ mô (quá trình dạy<br />
học tổng thể trong nhà trường) và quá trình dạy học vi mô (quá trình dạy học trên lớp) do<br />
ba loại chủ thể quản lí. Quản lí quá trình dạy học trong nhà trường phổ thông cần đảm bảo<br />
tính hệ thống với ba cấp độ quản lí: Quản lí quá trình dạy học tổng thể trong nhà trường<br />
của chủ thể hiệu trưởng, quản lí quá trình dạy học trên lớp của chủ thể giáo viên và tự quản<br />
lí hoạt động học tập của chủ thể học sinh. Bài báo đã làm rõ những nội dung quản lí chủ<br />
yếu của ba cấp độ quản lí nói trên.<br />
Từ khóa: Trường phổ thông, quá trình dạy học, quá trình dạy học vĩ mô, quá trình dạy học<br />
vi mô, quản lí, chủ thể quản lí, hiệu trưởng, giáo viên, học sinh.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Dạy học là quá trình cơ bản và trung tâm của quá trình giáo dục tổng thể trong nhà trường.<br />
Về khái niệm, bản chất, đặc điểm, tính chất của dạy học đã được khoa học giáo dục truyền thống<br />
làm rõ. Nhiều công trình nghiên cứu lí luận xem xét dạy học như là một hệ thống hoạt động gồm<br />
hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của người học với các thành tố như mục tiêu, nội<br />
dung, phương pháp, phương tiện, kiểm tra đánh giá, môi trường dạy-học.<br />
Theo hướng tiếp cận xem dạy học như là một quá trình, ở đó các hoạt động dạy và học cùng<br />
các yếu tố liên quan diễn tiến từ điểm khởi đầu tới điểm kết thúc, các nhà giáo dục học Hà Thế<br />
Ngữ, Đặng Vũ Hoạt coi quá trình dạy học là “quá trình nhận thức độc đáo của học sinh” [1]. Tác<br />
giả Hồ Ngọc Đại theo tiếp cận công nghệ học đã cho rằng dạy học chính “là cơ cấu và quy trình<br />
tác động đến người học và quá trình học”, trong đó nhấn mạnh vai trò tổ chức, hướng dẫn hỗ trợ<br />
của giáo viên là chỉ dẫn người khác thực hiện việc học [2]. Xu thế nghiên cứu dạy học với tư cách<br />
là một quá trình gần đây đã tiếp nối quan điểm này.<br />
Trong nhiều công trình nghiên cứu sâu của mình về lí luận dạy học, tác giả Thái Duy Tuyên<br />
tập trung làm rõ cấu trúc của quá trình dạy học, theo đó, một trong những điểm tựa là quan điểm<br />
của Babanxki - nhà giáo dục học Nga - đã xem xét dạy học bao gồm các bước diễn biến cơ bản của<br />
một quá trình sau đây: Bước khởi động quá trình dạy học; bước thực hiện nội dung dạy học; bước<br />
kết thúc quá trình dạy học. Các bước này có mối quan hệ tương tác và tập hợp thành một chỉnh thể<br />
hệ thống và làm nên các khâu của quá trình dạy học [3].<br />
<br />
Ngày nhận bài: 20/1/2015. Ngày nhận đăng: 25/4/2015.<br />
Liên hệ: Phạm Quang Huân, e-mail: huankhgd@gmail.com.<br />
<br />
39<br />
Phạm Quang Huân<br />
<br />
<br />
Đồng quan điểm trên của Babanxki, Thái Duy Tuyên..., tác giả Nguyễn Văn Đản cho rằng,<br />
trong nhà trường, quá trình dạy học bao gồm nhiều cấp độ: Có quá trình dạy - học tổng thể chung<br />
của nhà trường (quá trình dạy học vĩ mô), lại có quá trình dạy - học cụ thể theo các bộ môn và<br />
được phân chia theo lớp học, lấy bài học là đơn vị hạt nhân cơ bản (quá trình dạy học vi mô) do<br />
các chủ thể khác nhau (hiệu trưởng, giáo viên, học sinh) thực hiện [3, 4].<br />
Những kết quả nghiên cứu về quá trình dạy học của Babanxki, Thái Duy Tuyên, Nguyễn<br />
Văn Đản, Hà Thế Ngữ, Đặng Vũ Hoạt... đều thống nhất xác lập vị thế chủ thể của quá trình dạy<br />
học là giáo viên và học sinh: Giáo viên là chủ thể của hoạt động dạy và học sinh là chủ thể của<br />
hoạt động học. Đây là căn cứ lí luận cho việc xác định rõ chủ thể, cơ cấu, nội dung của hoạt động<br />
quản lí dạy học.<br />
Quản lí dạy học là nhiệm vụ quản lí trung tâm trong quản lí nhà trường, là khâu mấu chốt<br />
có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng giáo dục của mỗi trường học. Lâu nay, ở Việt Nam, các<br />
nghiên cứu về quản lí dạy học trong nhà trường mới chỉ tập trung nhấn mạnh tới vai trò và hoạt<br />
động quản lí của hiệu trưởng trường học. Vai trò, chức năng của giáo viên và học sinh trong quản<br />
lí hoạt động dạy học chưa được quan tâm nghiên cứu thỏa đáng. Một số công trình nghiên cứu về<br />
quản lí dạy học gần đây [6, 7] đã góp phần làm rõ hệ thống các chủ thể quản lí dạy học trong nhà<br />
trường và xác định tương ứng vai trò, chức năng, nội dung quản lí dạy, quản lí học cho mỗi chủ thể<br />
nói trên.<br />
Trên cơ sở tiếp cận quá trình, bài báo này sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề bản chất, cấu trúc,<br />
đặc điểm, tính chất của dạy học, các chủ thể quản lí dạy học trong nhà trường phổ thông và cách<br />
thức quản lí dạy học theo các cấp độ quản lí khác nhau (nhưng trong quan hệ tương tác, biện<br />
chứng) tạo nên một hệ thống quản lí dạy học đầy đủ, hiệu quả trong nhà trường phổ thông.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Quá trình dạy học ở trường phổ thông<br />
* Quan niệm<br />
Dạy học là một trong hai thành tố kiến tạo nên quá trình giáo dục tổng thể trong nhà trường;<br />
Dạy học là tác động qua lại giữa hoạt động “dạy” (truyền đạt - hướng dẫn - điều khiển)<br />
mang tính chủ đạo của người dạy và hoạt động “học” (lĩnh hội - tự điều khiển) mang tính tích cực<br />
chủ động của người học.<br />
Mục đích của dạy học là giúp người học lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người<br />
(tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, thái độ . . . ) để phát triển những năng lực và phẩm chất ở người học.<br />
* Bản chất<br />
Từ kết quả nghiên cứu cho rằng quá trình dạy học là “quá trình nhận thức độc đáo của học<br />
sinh” [1] và dạy học chính “là cơ cấu và quy trình tác động đến người học và quá trình học (. . . )<br />
là chỉ dẫn người khác học” [2], có thể khẳng định: Bản chất của quá trình dạy học là tổ chức và<br />
điều khiển quá trình nhận thức của học sinh cho phù hợp logic của khái niệm khoa học và quy luật<br />
nhận thức, nhằm mục đích phát triển việc học, qua đó phát triển người học.<br />
* Cấu trúc<br />
Xét về mặt cấu trúc nội dung, quá trình dạy học được tạo thành từ các yếu tố: Mục đích dạy<br />
học, nội dung dạy học, hoạt động của thầy (phương pháp và hình thức), hoạt động của trò (phương<br />
pháp và hình thức); phương tiện dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học... Tất cả yếu tố trên<br />
tồn tại trong mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ, làm thành một hệ thống cấu trúc thống nhất.<br />
<br />
<br />
40<br />
Quản lí quá trình dạy học ở trường phổ thông<br />
<br />
<br />
Xét về mặt cấu trúc quá trình, Babanxki xem xét quá trình dạy học bao gồm các bước diễn<br />
biến cơ bản sau đây: (i) Kích thích động cơ, thái độ học tập (bước khởi động); (ii) Tổ chức điều<br />
khiển học sinh hoạt động để nắm tri thức mới, củng cố tri thức, rèn luyện kĩ năng (bước thực hiện<br />
nội dung); (iii) Kiểm tra và đánh giá kết quả học tập để kiểm soát khả năng nắm tri thức, kĩ năng,<br />
kĩ xảo của học sinh (bước kết thúc). Các bước này có mối quan hệ tương tác và tập hợp thành một<br />
chỉnh thể hệ thống và làm nên các khâu của quá trình dạy học [3].<br />
Quá trình dạy học trong nhà trường phổ thông không phải chỉ diễn ra dưới một hình thái,<br />
một cấp độ mà dưới nhiều hình thái, cấp độ, rất cụ thể và đa dạng:<br />
- Dưới góc độ thời gian, quá trình dạy học có thể diễn biến dài ngắn khác nhau: Quá trình<br />
dạy học trong một tiết học (giờ học - một quá trình cụ thể nhưng trọn vẹn), quá trình dạy học trong<br />
một buổi học, một tuần học, một năm học hoặc một cấp học. . .<br />
- Dưới góc độ không gian, quá trình dạy học có thể tiến hành ở những nơi khác nhau với<br />
những hình thức khác nhau: Giờ lên lớp (là hình thức dạy học cơ bản), các hoạt động trải nghiệm<br />
ngoài giờ lên lớp như ngoại khoá, xemina và các hoạt động học tập khác. . . Quá trình dạy học còn<br />
mở rộng biên độ không gian tới tận gia đình, diễn ra ở các cơ sở sản xuất ngoài nhà trường...<br />
- Dưới góc độ chủ thể tổ chức cũng như mức độ phạm vi của quá trình dạy học trong nhà<br />
trường phổ thông, có thể chia quá trình dạy học thành quá trình vĩ mô và quá trình vi mô [4].<br />
+ Quá trình dạy học vĩ mô là quá trình tổng thể (hệ thống lớn) bao gồm nhiều quá trình vi<br />
mô, tương ứng với môn học, lớp học, cấp học, diễn ra trong thời gian dài (tuần, tháng, kì học, năm<br />
học, . . . ). Quá trình này do hiệu trưởng nhà trường tổ chức quản lí.<br />
+ Quá trình dạy học vi mô là quá trình tổ chức các hoạt động dạy của thầy và học của trò<br />
trong giờ lên lớp (theo các bộ môn), trên cơ sở phối hợp sử dụng các nguồn lực (như tài liệu học<br />
tập, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất lớp học, kinh phí phục vụ dạy học, . . . ) nhằm dẫn dắt học sinh<br />
từ chỗ chưa biết đến chỗ hình thành sản phẩm học tập bao gồm hệ thống tri thức, kĩ năng, kĩ xảo,<br />
thái độ theo mục tiêu dạy học và tương ứng với từng đơn vị tiết học, bài học (khái niệm khoa học).<br />
Quá trình dạy học vi mô là hệ thống con, mang tính hạt nhân, do người giáo viên tổ chức.<br />
* Tính chất<br />
Theo Hà Thế Ngữ, dạy học “vừa có tính toàn vẹn thống nhất, vừa có tính quá trình” [5].<br />
+ Tính toàn vẹn, thống nhất: Đây là sự thống nhất biện chứng giữa dạy học và giáo dục,<br />
giữa dạy và học, giữa các thành tố cấu trúc của quá trình dạy học, giữa các khâu, giữa các yếu tố<br />
nội lực và ngoại lực của quá trình dạy học;<br />
+ Tính quá trình. Thuộc tính quá trình là tính chất đặc trưng của quá trình dạy học, cũng<br />
như quá trình giáo dục tổng thể nói chung. Quá trình dạy học là tập hợp của chuỗi vô số các hoạt<br />
động: Hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò kế tiếp nhau trong mối quan hệ tương tác,<br />
theo tiến trình thời gian từ thời điểm bắt đầu cho tới khi kết thúc.<br />
Có thể thấy quá trình dạy học bao gồm 3 giai đoạn, tương ứng với 3 trạng thái sau: a) Trạng<br />
thái ban đầu của quá trình dạy học; b) Trạng thái diễn biến trung gian của quá trình dạy học; c)<br />
Trạng thái kết thúc của quá trình dạy học. Sự chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái kia là<br />
một quá trình vận động liên tục, bao gồm sự kết hợp nhiều hoạt động, nhiều nguồn lực nhằm huy<br />
động người học tích cực, chủ động chiếm lĩnh đối tượng học tập. Ngay trong một trạng thái, cũng<br />
hàm chứa sự vận động nội tại giữa các yếu tố tham gia quá trình dạy học. Thông qua chủ thể dạy<br />
và học, các yếu tố mục đích - nội dung - phương pháp - phương tiện - kiểm tra đánh giá kết quả . . .<br />
được gắn chặt trong mối quan hệ tương tác giữa chúng với nhau và với chủ thể dạy - học cũng như<br />
giữa các yếu tố của quá trình với môi trường.<br />
<br />
<br />
41<br />
Phạm Quang Huân<br />
<br />
<br />
Có thể tóm tắt diễn biến của quá trình dạy học trong sơ đồ sau:<br />
<br />
Trạng thái ban Trạng thái trung Trạng thái kết<br />
đầu (Input) gian (Process) thúc (Output)<br />
- Các hoạt động dạy<br />
học kế tiếp nhau.<br />
- Định hướng kế - Kiểm tra, đánh giá<br />
- Người dạy hướng<br />
hoạch cho dạy. kết quả học tập.<br />
→ dẫn người học để →<br />
- Định hướng chuẩn - Đo lường hiệu quả<br />
chiếm lĩnh từng<br />
bị cho học. vận dụng thực tế.<br />
đơn vị kiến thức<br />
...<br />
<br />
Muốn quản lí, tổ chức và điều khiển quá trình dạy học, cần phải nhận dạng một cách chính<br />
xác, cụ thể sự vận động của quá trình này qua các giai đoạn khác nhau cùng những quy luật chi<br />
phối sự vận động ấy.<br />
<br />
2.2. Quản lí quá trình dạy học ở trường phổ thông<br />
2.2.1. Các chủ thể quản lí quá trình dạy học trong nhà trường phổ thông<br />
Quá trình dạy học bao gồm những hoạt động dạy và học diễn ra liên tục, đồng thời và thống<br />
nhất biện chứng với nhau, trong đó hoạt động dạy của giáo viên đóng vai trò chủ đạo nhằm tổ<br />
chức, hướng dẫn, điều khiển hoạt động học chủ động, tích cực, tự giác của học sinh theo mục tiêu<br />
dạy học. Về bản chất, quan hệ giáo viên - học sinh là mối quan hệ quản lí rất cơ bản giữa chủ thể<br />
quản lí là giáo viên và đối tượng quản lí là học sinh.<br />
Quản lí quá trình dạy học trong nhà trường, về bản chất là quản lí các mối quan hệ con<br />
người trong công việc, là tạo ra những tác động phù hợp nhằm tổ chức phối hợp hoạt động của<br />
giáo viên, học sinh nhằm đạt được mục tiêu đã định.<br />
Các chủ thể quản lí quá trình dạy học ở trường phổ thông bao gồm [6]:<br />
- Chủ thể quản lí thứ nhất là hiệu trưởng, có chức năng quản lí quá trình dạy học vĩ mô của<br />
nhà trường;<br />
- Chủ thể quản lí thứ hai là giáo viên, chức năng là quản lí quá trình dạy học ở trên lớp và<br />
định hướng quá trình học ở nhà của học sinh theo từng đơn vị bài học của từng môn học;<br />
- Chủ thể quản lí thứ ba là học sinh - người học, tự quản lí quá trình học tập của bản thân ở<br />
trên lớp cũng như ở ngoài lớp, dưới sự hướng dẫn của giáo viên.<br />
Nếu nhà trường nào xác lập rõ ràng và đảm bảo sự tồn tại hiện thực của 3 chủ thể nói trên<br />
cũng như mối quan hệ quản lí giữa các chủ thể ấy, sẽ đảm bảo cho việc quản lí quá trình dạy học<br />
thực sự được dân chủ hóa, nhờ vậy mà phát huy hiệu quả hơn ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo<br />
của mọi thành viên trong nhà trường cho thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.<br />
2.2.2. Ba cấp độ quản lí quá trình dạy học ở trường phổ thông<br />
Quản lí quá trình dạy học trong trường phổ thông là quản lí theo 3 cấp độ tương ứng 3 chủ<br />
thể quản lí [6]:<br />
Quản lí quá trình dạy học tổng thể trong nhà trường<br />
Chủ thể quản lí quá trình dạy học tổng thể trong nhà trường là hiệu trưởng; giúp việc cho<br />
hiệu trưởng là hiệu phó phụ trách chuyên môn.<br />
<br />
42<br />
Quản lí quá trình dạy học ở trường phổ thông<br />
<br />
<br />
Hiệu trưởng là chủ thể quản lí cao nhất là người đại diện cho nhà nước về mặt pháp lí, có<br />
trách nhiệm và có thẩm quyền cao nhất về hành chính và chuyên môn trong trường, chịu trách<br />
nhiệm trước nhà nước về tổ chức và quản lí toàn bộ hoạt động của nhà trường.<br />
Trong nhà trường phổ thông có nhiều quá trình, nhiều hoạt động là đối tượng mà người hiệu<br />
trưởng cần và phải quản lí. Nhưng quá trình dạy học là quá trình trung tâm mang tính đặc thù của<br />
nhà trường. Quá trình dạy học là tập hợp những hoạt động liên tiếp của giáo viên và của học sinh<br />
được giáo viên hướng dẫn. Bởi vậy quản lí quá trình này cũng là nội dung và nhiệm vụ trọng tâm<br />
trong công tác quản lí của hiệu trưởng. “Quản lí quá trình dạy học là quản lí quá trình dạy của giáo<br />
viên và quá trình học của học sinh, vốn là hai quá trình thống nhất, gắn bó hữu cơ” [7].<br />
- Về mức độ phạm vi, hoạt động quản lí quá trình dạy học trong nhà trường có tầm vĩ mô,<br />
có tính bao quát, tổng thể ở cấp độ cao nhất;<br />
- Về đối tượng và nội dung quản lí, việc quản lí quá trình dạy học của hiệu trưởng thể hiện<br />
qua: (i) Quản lí hoạt động dạy của giáo viên; (ii) Quản lí hoạt động học tập của học sinh; (iii) Quản<br />
lí hệ thống cơ sở vật chất và phương tiện dạy học (sách, thiết bị); (iv) Quản lí môi trường dạy học;<br />
- Về việc sử dụng các chức năng quản lí, hiệu trưởng quản lí các trạng thái diễn biến của<br />
quá trình dạy học bằng các chức năng quản lí: (i) lập kế hoạch cho các hoạt động dạy học trong<br />
nhà trường; (ii) tổ chức bộ máy nhân sự (giáo viên - học sinh ), tạo điều kiện cho việc thực hiện<br />
các hoạt động dạy học phân công chuyên môn, tổ chức khối, lớp học. . . ); (iii) chỉ đạo các hoạt<br />
động dạy học thực hiện kế hoạch dạy học của Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT; (iv) kiểm tra, xem xét đánh<br />
giá hoạt động dạy của giáo viên và thông qua đó, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh...<br />
- Hiệu trưởng quản lí dạy học của giáo viên thông qua tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn có<br />
chức năng tổ chức triển khai thực hiện cụ thể mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học theo môn<br />
học, khối, lớp căn cứ vào chương trình và kế hoạch của nhà nước. . .<br />
Quản lí quá trình dạy học ở trên lớp<br />
Chủ thể quản lí trực tiếp là giáo viên. Trong nhà trường, do quá trình dạy học là một hệ<br />
thống vừa có tính chất điều khiển được, lại vừa có khả năng tự điều khiển, nên giáo viên vừa là<br />
đối tượng vừa là chủ thể quản lí. Quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy và hoạt<br />
động học là quan hệ điều khiển, giáo viên là người điều khiển, tổ chức, hướng dẫn, là “nhà quản lí<br />
đích thực” quá trình dạy học.<br />
Giáo viên chẳng những là chủ thể tổ chức, quản lí mọi hoạt động của học sinh trong lớp học<br />
do mình phụ trách mà còn là chủ thể trực tiếp quản lí hoạt động dạy của cá nhân và mọi công việc<br />
của bản thân trong quá trình tham gia các hoạt động của nhà trường.<br />
Công việc chủ đạo của người giáo viên là quản lí, tổ chức quá trình dạy học ở trên lớp. Quá<br />
trình này chia thành nhiều khâu, qua nhiều trạng thái.<br />
- Quản lí khâu soạn bài, tương ứng với việc tổ chức trạng thái đầu vào cho quá trình: Giáo<br />
viên tổ chức phối hợp các yếu tố của quá trình dạy học, thiết kế thành bản kế hoạch lên lớp (bài<br />
soạn) theo một phương án tối ưu, phù hợp với những yêu cầu của bộ môn và đặc điểm học sinh. . . ;<br />
đồng thời, tự tiến hành kiểm tra điều chỉnh bản thiết kế ấy.<br />
- Quản lí khâu lên lớp, thực chất là tổ chức trạng thái diễn biến của quá trình dạy học. Ở<br />
đây, giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn quá trình hoạt động cho học sinh nhằm thực hiện ý đồ<br />
định hướng và kế hoạch đã thiết kế. Đây là quá trình vận động biện chứng giữa dạy và học, cùng<br />
hướng tới nội dung tri thức, lập thành tam giác sư phạm: “khái niệm khoa học - dạy và học”. Đây<br />
cũng là quá trình vận động của tất cả các yếu tố tham gia quá trình từ trạng thái khởi động ban đầu<br />
của giờ học (học sinh chưa có hiểu biết về nội dung học vấn, đến trạng thái kết thúc của giờ học,<br />
<br />
<br />
43<br />
Phạm Quang Huân<br />
<br />
<br />
học sinh đã chiếm lĩnh được tri thức, kĩ năng, thái độ dưới sự tổ chức, hướng dẫn, quản lí của giáo<br />
viên). Khâu lên lớp của người giáo viên có vai trò rất quan trọng, nó hiện thực hoá định hướng và<br />
kế hoạch lên lớp (trong bản thiết kế bài học) cho những đối tượng học sinh cụ thể, trong những<br />
hoàn cảnh, tình huống cụ thể một cách hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu dạy học.<br />
- Quản lí khâu kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh tương ứng việc tổ chức trạng<br />
thái cuối cùng của quá trình dạy học. Ở trạng thái đầu ra này, sản phẩm của quá trình dạy học đã<br />
được hình thành, đó là hệ thống tri thức, kĩ năng, thái độ thể hiện mức độ năng lực của người học.<br />
Sản phẩm dạy học là kết quả của quá trình hiện thực hóa mục tiêu bài học. Học sinh vừa là đối<br />
tượng tham gia quá trình chiếm lĩnh, tạo ra sản phẩm tri thức, vừa là người hưởng thụ, lĩnh hội sản<br />
phẩm đó, góp phần làm gia tăng giá trị, phát triển bản thân...<br />
Tóm lại, giáo viên vừa là đối tượng quản lí của hoạt động quản lí nhà trường vừa là chủ thể<br />
đích thực quản lí quá trình dạy học. Đây là những căn cứ xác định vai trò quyết định chất lượng<br />
giáo dục của người giáo viên.<br />
Quản lí hoạt động học<br />
i. Học sinh là chủ thể quản lí trực tiếp hoạt động học (yếu tố nội lực)<br />
Trong quá trình dạy học, học sinh không chỉ là đối tượng chịu sự quản lí điều khiển của<br />
giáo viên mà còn là chủ thể giáo dục. Việc học là phải do người học quyết định, người học là gốc,<br />
là yếu tố nội lực quyết định chất lượng học tập cùng với chất lượng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức,<br />
từ đó tạo nên chất lượng giáo dục chung của nhà trường.<br />
Về lí luận, vai trò chủ thể của học sinh trong quá trình dạy học được khẳng định, xét theo<br />
hai căn cứ: Thứ nhất, bản chất của quá trình dạy học là quá trình nhận thức độc đáo của học sinh,<br />
dạy học là dạy cho người khác làm chủ hoạt động học của mình. Thứ hai, tính chủ thể là một trong<br />
hai tính chất đặc thù của hoạt động. Như vậy, hoạt động học có chủ thể đích thực là người học.<br />
Việc xác định vai trò chủ thể của học sinh trong hoạt động học nói riêng và quá trình dạy<br />
học nói chung là tiêu chí mang tính bản chất để nhận diện các quan điểm, xu thế dạy học của một<br />
hệ thống giáo dục. R.RoySingh - chuyên gia giáo dục của UNESCO (1995) từng đánh giá: “Vị trí<br />
của người học ở trung tâm hay ngoại biên là nét đặc trưng phân biệt hệ thống giáo dục này với<br />
hệ thống giáo dục khác” [8]. Dạy học tập trung định hướng vào giáo viên là quan điểm dạy học<br />
truyền thống. Ngược lại, quan điểm dạy học hiện đại định hướng tập trung vào người học dựa trên<br />
sự nhận thức rõ về vai trò chủ thể của người học và coi trọng vai trò này.<br />
Học sinh là chủ thể trực tiếp tự quản lí hoạt động học của bản thân. Đây là nhân tố nội lực<br />
có ý nghĩa quyết định sự thành công hay thất bại trong việc học của người học. Bởi lẽ, không ai<br />
có thể học hộ ai, và còn bởi “việc học phải do chính người học chủ đạo”. Điều đó có nghĩa, chính<br />
người học quyết định việc học của mình.<br />
Học sinh tự quản lí việc học của cá nhân với những nội dung sau:<br />
- Tự xác định hướng mục tiêu, kế hoạch nội dung chuẩn bị các điều kiện cho quá trình học;<br />
- Tự tổ chức quá trình học ở trên lớp và ở nhà trên cơ sở xây dựng các kĩ năng và thói quen<br />
học tập, đồng thời sử dụng những thói quen và hệ thống kĩ năng học tập đã có để tự mình tích cực<br />
và chủ động khám phá, chiếm lĩnh hệ thống kiến thức, kĩ năng. Từ nội dung học vấn và hình thành<br />
thái độ, động cơ học tập đúng đắn, cũng như xây dựng ý chí, lòng quyết tâm và nghị lực học tập<br />
để có thể tự học thường xuyên, tự học có kết quả và chất lượng tốt;<br />
- Tự kiểm tra, đánh giá việc học của bản thân,<br />
- Thường xuyên rút kinh nghiệm và cải tiến phương pháp học tập để có kết quả và chất<br />
lượng học cao hơn.<br />
<br />
44<br />
Quản lí quá trình dạy học ở trường phổ thông<br />
<br />
<br />
Những khả năng trên ở người học sinh không tự nhiên mà có được. Đó là kết quả của quá<br />
trình học tập và rèn luyện của người học theo sự tổ chức, hướng dẫn của người giáo viên.<br />
ii. Giáo viên là chủ thể quản lí gián tiếp hoạt động học (ngoại lực)<br />
Trong việc quản lí hoạt động học tập của học sinh, giáo viên có vai trò định hướng, tư vấn,<br />
hướng dẫn, điều khiển, kiểm soát và trọng tài đối việc thực hiện nhiệm vụ học tập theo kế hoạch<br />
người học đã xác định.<br />
Về nội dung, giáo viên quản lí quá trình học thể hiện ở các hoạt động sau:<br />
- Giáo viên định hướng, tư vấn và hướng dẫn học sinh chuẩn bị tốt kế hoạch cho quá trình<br />
dạy học (xác định mục đích học, nội dung, phương pháp, điều kiện và phương tiện học tập, xác<br />
định động cơ, thái độ học tập. . . );<br />
- Giáo viên tổ chức, hướng dẫn học sinh trong quá trình học trên lớp, học ở nhà trên cơ sở<br />
phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác;<br />
- Giáo viên kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn học sinh tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.<br />
Tóm lại, học sinh cần có năng lực tự quản lí, kiểm soát việc học của mình, đây là yếu tố “nội<br />
lực” quyết định kết quả của hoạt động học, cũng là nội lực của quá trình dạy học. Do đó, người học<br />
và hoạt động học cũng là nội lực trung tâm của chất lượng dạy học trong mỗi nhà trường. Vai trò<br />
của giáo viên là “ngoại lực” tác động để định hướng, hỗ trợ, rèn luyện học sinh hình thành kĩ năng<br />
tự quản lí việc học của bản thân. Không có “ngoại lực” này, số đông người học khó hoàn thành<br />
nhiệm vụ học tập của mình, vì thế nó rất quan trọng. Đó là cơ sở để khẳng định: Quản lí hoạt động<br />
học tập của học sinh ở trên lớp cũng như ở nhà thực sự là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi giáo viên.<br />
Ba cấp độ quản lí trong nhà trường đã trình bày ở phần trên tạo thành ba hệ thống quản lí<br />
dạy học. Mỗi hệ thống có chức năng, nhiệm vụ quản lí riêng với những điểm đặc thù; tuy nhiên<br />
giữa chúng có mối liên hệ qua lại mật thiết với nhau. Hệ thống quản lí dạy học trong nhà trường do<br />
người hiệu trưởng điều khiển là hệ thống quản lí vĩ mô, bao gồm và chi phối hai hệ thống còn lại.<br />
Hệ thống quản lí dạy học trên lớp do giáo viên điều khiển là sự cụ thể hóa, hiện thực hóa những<br />
tư tưởng và nội dung quản lí của hệ thống quản lí chúng trong nhà trường, đồng thời tạo ra những<br />
tác động có tính chỉ đạo và hướng dẫn chi phối hệ thống quản lí học tập của học sinh. Theo quan<br />
điểm dạy học tập trung vào người học và dạy học nhằm phát triển việc học, hệ thống quản lí hoạt<br />
động học tập của học sinh là khâu có ý nghĩa quyết định chất lượng của quá trình dạy học; đồng<br />
thời là nơi thể hiện hiệu quả cuối cùng của những tác động được tạo nên bởi hai hệ thống quản lí<br />
của hiệu trưởng và giáo viên.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Dạy học trong nhà trường phổ thông là một quá trình tương tác giữa các chủ thể và giữa các<br />
hoạt động của các chủ thể ấy. Xuất phát từ việc phân tích quan niệm, bản chất, cấu trúc và tính chất<br />
của quá trình dạy học, ta có thể xác định rõ: Quá trình dạy học trong nhà trường do ba loại chủ thể<br />
quản lí thực hiện: Hiệu trưởng, giáo viên và học sinh. Quản lí dạy học trong nhà trường phổ thông<br />
thực sự là một hệ thống. Hệ thống này bao gồm: Một là các chủ thể quản lí hoạt động dạy và hoạt<br />
động học cùng với hệ điều kiện cho hai hoạt động đó; hai là hệ thống các chức năng và nhiệm vụ<br />
quản lí với ba cấp độ khác nhau trong mối quan hệ tương tác, biện chứng, trong đó việc quản lí<br />
học tập của học sinh có ý nghĩa quyết định chất lượng và hiệu quả dạy học cho toàn hệ thống quản<br />
lí ấy. Chỉ khi coi trọng vai trò quản lí của cả ba chủ thể dạy học và trang bị những năng lực quản lí<br />
cho các chủ thể ấy thì chất lượng dạy học nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung trong mỗi nhà<br />
trường phổ thông mới được cải thiện và đảm bảo.<br />
<br />
<br />
45<br />
Phạm Quang Huân<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Hà Thế Ngữ - Đặng Vũ Hoạt, 1997. Giáo dục học, Tập 2. Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 18.<br />
[2] Hồ Ngọc Đại, 2005. Tâm lí học dạy học. Nxb Giáo dục, tr. 112.<br />
[3] Thái Duy Tuyên, 1996. Lí luận dạy học. Viện Khoa học Giáo dục, Hà Nội, tr. 32.<br />
[4] Nguyễn Văn Đản, 1997. Mối quan hệ về hoạt động dạy và hoạt động học trong quá trình dạy<br />
học. Tạp chí Thông tin Khoa học giáo dục, số 63, tr. 25,26,33.<br />
[5] Hà Thế Ngữ, 1997. Phương pháp tiếp cận toàn vẹn đối với quá trình sư phạm. Tạp chí Thông<br />
tin Khoa học giáo dục, số 1, tr. 15-17.<br />
[6] Phạm Quang Huân, 2011. Quản lí quá trình dạy học ở trường phổ thông theo tiếp cận Quản<br />
lí chất lượng tổng thể (TQM). Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 7, tr.<br />
31-33.<br />
[7] Trần Kiểm, 2002. Khoa học quản lí nhà trường phổ thông. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội,<br />
tr. 137.<br />
[8] Rayja Roysingh, 1995. Nền giáo dục thế kỉ hai mươi mốt - những vấn đề của châu Á - Thái<br />
Bình Dương. Người dịch: Đỗ Thị Bình. Viện Khoa học Giáo dục, Hà Nội, tr. 68.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
Managing the teaching process in general schools<br />
<br />
Teaching is a central task of the total educational process of the school. It can be considered<br />
as a process including its beginning (input), development (processing) and ending (output) of<br />
teaching and learning activities with a view to achieving the purpose of instruction. In general<br />
schools, teaching includes the macro teaching process (the total educational process of the<br />
school) and the micro teaching one (classroom teaching) managed by three subjects: Managing<br />
the teaching process must be systematic at three such levels as managing the total educational<br />
process of the school by the principal; managing classroom teaching by the teacher and by students<br />
themselves. The article clarifies the main content of the above-said three levels of management.<br />
Keywords: General school, teaching process, macro teaching process, micro teaching<br />
process, managing, managed subject, the principal, the teacher, the student.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
46<br />