Quản trị học - cơ sở lý luận
lượt xem 28
download
Tài liệu Quản trị học - cơ sở lý luận trình bày lý luận, các học thuyết quản trị từ cổ điển đến hiện đại, cũng như các nguyên tắc quản trị trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Quản trị học - cơ sở lý luận
- Quản trị học - cơ sở lý luận
- CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN I) Khái niệm về Quản trị 1) Khái niệm Quản trị (Management) là từ thường được dùng phổ biến trong nhiều sách giáo khoa và nhiều tài liệu khác. Nếu xét riêng từng từ một thì ta có thể tạm giải thích như sau: Quản: là đưa đối tượng vào khuôn mẫu qui định sẵn. Ví dụ: Cha mẹ bắt đứa bé phải làm theo một kế hoạch do mình định ra; sáng phải đi học, buổi trưa nghỉ ngơi, buổi chiều học bài, trước khi đi phải thưa về phải chào, … Đó là cái khuôn mẫu chúng phải thực hiện chứ không để đối tượng tự do hoạt động một cách tùy thích. Trị: là dùng quyền lực buộc đối tượng phải làm theo khuôn mẫu đã định. Nếu đối tượng không thực hiện đúng thì sẽ áp dụng một hình phạt nào đó đủ mạnh, đủ sức thuyết phục để buộc đối tượng phải thi hành. Nhằm đạt tới trạng thái mong đợi, có thể có và cần phải có mà người ta gọi là mục tiêu. Sau đây là những khái niệm về Quản trị của một số tác giả là Giáo sư, Tiến sĩ quản trị học trong và ngoài nước. Theo GS. H.Koontz “ Quản lý là một hoạt động tất yếu; nó đảm bảo phối hợp những nổ lực cá nhân nhằm đạt được những mục đích của nhóm (tổ chức). Mục tiêu của quản lý là nhằm mà trong đó con người có thể đạt được các mục tiêu của nhóm với thời gian, tiền bạc, vật chất và sự bất mãn của cá nhân ít nhất”. Theo GS. Vũ Thế Phú: “Quản trị là một tiến trình làm việc với con người và thông qua con người để hoàn thành mục tiêu của một tổ chức trong một môi trường luôn luôn thay đổi. Trọng tâm của tiến trình này là sử dụng có hiệu quả những nguồn tài nguyên có hạn”. Từ các khái niệm trên, chúng ta có thể khái quát: quản trị là quá trình tác động thường xuyên, liên tục và có tổ chức của chủ thể quản trị (hệ thống quản trị) đến đối tượng quản trị (hệ thống bị quản trị) nhằm phối hợp các hoạt động giữa các bộ phận, các cá nhân, các nguồn lực lại với nhau một cách nhịp nhàng, ăn khớp để đạt đến mục tiêu của tổ chức với hiệu quả cao nhất. Thực vậy, quản trị thực chất là một quá trình tác động mà quá trình đó không phải ngẫu nhiên mà được tiến hành một cách cóù tổ chức và có chủ đích của chủ thể quản trị (hệ thống quản trị) được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục nhằm làm cho các hoạt động của tập thể (tổ chức) mang lại kết
- quả cao nhất với chi phí thấp nhất, thỏa mãn ngày càng nhiều hơn nhu cầu về vật chất và tinh thần của cả cộng đồng. 2) Quản trị là một khoa học, một nghệ thuật và một nghề a) Quản trị là một khoa học: thể hiện Khoa học quản trị xây dựng nền lý thuyết về quản trị, giúp nhà quản trị cách tư duy hệ thống, khả năng phân tích và nhận diện đúng bản chất vấn đề và các kỹ thuật để giải quyết vấn đề phát sinh. Tính khoa học đòi hỏi nhà quản trị phải suy luận khoa học để giải quyết vấn đề, không nên dựa vào suy nghĩ chủ quan, cá nhân. b) Quản trị là một nghệ thuật: thể hiện Quản trị vận dụng linh hoạt, sáng tạo những học thuyết, nguyên tắc quản trị trong những tình huống, điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Nhà quản trị khi giải quyết các nhiệm vụ đã xuất phát từ những đặc điểm, các tình huống cụ thể, có tính đến những đặc điểm cá nhân của người chấp hành. Trong quản trị thực tế sẽ không thể thành công, nếu chỉ áp dụng máy móc, rập khuôn theo một công thức cho sẵn. Có thể nói nghệ thuật quản trị là “ bí quyết “, “ cái mẹo “, “ cái biết làm thế nào “ (Know-how) của nhà quản trị để đạt mục tiêu với hiệu quả cao. Nghệ thuật quản trị là tài nghệ, năng lực tổ chức, kinh nghiệm ... của nhà quản trị trong việc giải quyết những nhiệm vụ đề ra một cách khéo léo, sáng tạo và có hiệu quả cao nhất. Ví dụ như : Nghệ thuật sử dụng con người (đặt đúng chỗ, sử dụng đúng khả năng , biết động viên, tập hợp và thu hút nhân viên); Nghệ thuật mua, bán nguyên vật liệu , hàng hóa; Nghệ thuật cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh; Nghệ thuật giao tiếp; Nghệ thuật ra quyết định (nhanh, đúng, kịp thời ... ) và thực hiện quyết định (sáng tạo, linh hoạt... ); Nghệ thuật giải quyết các khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh .v.v... Hai mặt khoa học và nghệ thuật quản trị không đối chọi loại trừ nhau, mà chúng luôn gắn chặt, bổ sung cho nhau. Nghệ thuật phải dựa trên một sự hiểu biết khoa học làm nền tảng. Nếu không có cơ sở khoa học làm nền tảng thì nhà quản trị ắt chỉ dựa vào may rủi, chủ quan, kinh nghiệm cá nhân mà thôi. Do đó chỉ có thể thành công ở tình huống này, mà sẽ không thành công ở tình huống khác. Ngược lại, nếu chỉ dựa vào khoa học mà không chú trọng tính nghệ thuật quản trị , thì cũng khó thành công. Bởi vì thực tiễn hoàn cảnh, tình huống muôn hình, muôn vẻ và luôn thay đổi, do đó đòi hỏi một nghệ thuật ứng dụng đa dạng, phong phú, khéo léo và sáng tạo. c) Quản trị là một nghề Từ năm 1950: Quản trị dần tiến đến chuyên nghiệp, được đào tạo chính quy thành một nghề có mặt trong tất cả các tổ chức kinhh tế, xã hội và con người có thể kiếm tiền bằng nghề này
- II) Nhà quản trị 1) Khái niệm Nhà quản trị hoặc quản trị viên là người thuộc bộ phận chỉ huy hoạt động của người khác, có một chức danh nhất định trong hệ thống quản trị và có trách nhiệm định hướng, tổ chức, điều khiển và kiểm tra hoạt động của người khác; là người ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định; là người cùng làm việc với và thông qua những người khác nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Đó là các giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, quản đốc, trưởng phòng, đốc công... v.v. Những người khác ở đây được hiểu là những người thực hiện tác nghiệp (thuộc cấp) hay thượng cấp bên trong tổ chức và cả những người bên ngoài hệ thống tổ chức như khách hàng, nhà cung cấp, thuế vụ, ngân hàng, tài chính, các hiệp hội ...v.v. Trọng trách của nhà quản trị là cân bằng các mục tiêu đối kháng (competing goals) và xếp đặt ưu tiên (to set priorities) giữa các mục tiêu đã định. 2) Phân loại nhà quản trị và đặc điểm Trong một tổ chức, theo Stephen P.Robbin, các nhà quản trị thường được chia thành 3 cấp theo sơ đồ các cấp bậc quản trị trong một tổ chức sau đây : a) Nhà quản trị cấp cao Nhà quản trị cấp cao là một nhóm nhỏ các nhà quản trị hoạt động ở cấp bậc tối cao trong một tổ chức; chịu trách nhiệm về thành quả cuối cùng của tổ chức. Nhiệm vụ, chức năng chính của họ là đưa ra các quyết định chiến lược, tổ chức thực hiện chiến lược hoạt động, duy trì và phát triển tổ chức. Các chức danh chính của nhà quản trị cao cấp trong sản xuất kinh doanh thường là : Tổng Giám đốc, giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị. b) Nhà quản trị cấp cơ sở Nhà quản trị cấp cơ sở là những quản trị viên ở cấp bậc cuối cùng trong hệ thống cấp bậc của các nhà quản trị trong cùng một tổ chức. Nhiệm vụ của họ là đưa ra các quyết định tác nghiệp nhằm đốc thúc, hướng dẫn, điều khiển các công nhân viên trong các công việc cụ thể hàng ngày, để đưa đến sự hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức. Tuy nhiên, nhà quản trị cấp cơ sở thường cũng trực tiếp tham gia thực hiện công việc sản xuất kinh doanh cụ thể như các nhân viên khác dưới quyền họ. Các chức danh thông thường của họ là : Đốc công, trưởng ca, tổ trưởng sản xuất ...v.v. c) Nhà quản trị cấp trung gian Nhà quản trị cấp trung gian là những quản trị viên đứng trên các quản trị viên cấp cơ sở nhưng ở dưới các nhà quản trị cấp cao. Nhiệm vụ của họ là đưa ra các quyết định
- chiến thuật. Họ vừa quản lý và phối hợp các hoạt động của các nhà quản trị cấp cơ sở, nhằm hoàn thành trọn vẹn một nhiệm vụ nhất định nào đó (phối hợp sản xuất các sản phẩm dở dang ở cấp cơ sở để hoàn thiện một sản phẩm có thể tiêu thụ ra bên ngoài), nhưng vừa đồng thời quản trị và điều khiển các nhân viên trong bộ máy quản trị trung gian của họ. Các nhà quản trị cấp trung gian thông thường có các chức danh là : quản đốc phân xưởng, trưởng phòng, ban ...v.v. 3) Vai trò nhà quản trị a) Nhóm các vai trò quan hệ với con người Vai trò đại diện hay tượng trưng cho tổ chức: Nhà quản trị đại diện cho tập thể xí nghiệp để thực hiện các nghi lễ, các cuộc tiếp xúc xã giao. Đại diện hay biểu tượng cho tập thể cũng có nghĩa là chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả hoạt động của mỗi thành viên trong tổ chức. Vai trò người lãnh đạo: Vai trò này thể hiện ở chỗ nhà quản trị thực hiện các chức năng quản lý, giao nhiệm vụ, tổ chức quản lý, điều hành và kiểm tra công việc của nhân viên dưới quyền, nhằm hoàn thành các mục tiêu chung của tổ chức. Vai trò liên lạc, giao dịch : Vai trò liên lạc, giao dịch là vai trò tạo dựng các mối quan hệ với những người khách và mối quan hệ giữa những người khác với nhau bên trong hay bên ngoài tổ chức. b) Nhóm các vai trò thông tin Vai trò thu thập, tiếp nhận, xử lý, phân tích và đánh giá thông tin trong và ngoài tổ chức liên quan đến hoạt động của xí nghiệp. Nhà quản trị thông qua việc trao đổi, tiếp xúc với mọi người, qua các văn bản, báo chí ...v.v. để nắm bắt thông tin; thường xuyên xem xét, phân tích bối cảnh chung quanh tổ chức để kịp thời nhận ra và tận dụng những cơ hội tốt và né tránh những mối đe doạ đối với hoạt động của đơn vị c. Nhóm các vai trò quyết định Vai trò doanh nhân : Nhà quản trị có vai trò như là một doanh nhân, khi nhà quản trị quyết định cải tiến các hoạt động của tổ chức như quyết định áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ mới vào sản xuất , hoặc nâng cấp, điều chỉnh, cải tiến kỹ nghệ đang áp dụng, hoặc quyết định cách thức kinh doanh , chọn lựa khách hàng, thị trường, sản phẩm , giá cả ...v.v. Vai trò là nhà thương thuyết : Nhà quản trị thay mặt tổ chức đàm phán, giao dịch, quan hệ với các đối tác bên ngoài, và quyết định ký kết các hợp đồng kinh tế có lợi cho tổ chức. 4) Kỷ năng nhà quản trị a) Kỹ năng chuyên môn kỹ thuật
- Kỹ năng chuyên môn kỹ thuật là khả năng cần thiết để thực hiện một công việc cụ thể về chuyên môn. Đây chính là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhà quản trị. Thí dụ như soạn thảo hợp đồng kinh tế, thiết kế cơ khí, máy móc, kiểm toán ...v.v. b) Kỹ năng nhân sự Kỹ năng nhân sự liên quan đến khả năng cùng làm việc, động viên và điều khiển con người và tập thể trong xí nghiệp, dù người đó là thuộc cấp, đồng nghiệp ngang nhau hay cấp trên. c) Kỹ năng nhận thức, phân tích sự việc Kỹ năng nhận thức, phân tích sự việc là khả năng tư duy từ các sựkiện ngẫu nhiên liên kết chúng lại nghiên cứu tìm ra tính qui luật, tiên đoán sự phát triển ; Từ một hiện tượng tổng hợp có khả năng phân tích, chi tiết hóa nó để tìm ra bản chất thực của hiện tượng ...v.v. Kỹ năng này đòi hỏi nhà quản trị phải có tư duy hệ thống, quan điểm tổng hợp, biết phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các vấn đề , hiện tượng, xác định đúng những vấn đề mấu chốt và hiểu rõ mức độ phức tạp của bối cảnh, biết cách giảm thiểu sự phức tạp đó xuống một mức độ có thể đối phó được. Tất cả các nhà quản trị cho dù ở cấp nào (cấp cơ sở, trung gian hay cấp cao) đều cần phải có đầy đủ 3 loại kỹ năng trên đây. Tuy nhiên, tầm quan trọng của mỗi loại kỹ năng tùy thuộc vào cấp bậc của nhà quản trị trong tổ chức và đặc điểm của từng loại nhà quản trị . Dựa vào đặc điểm của từng loại nhà quản trị, mà mức độ đòi hỏi về các kỹ năng quản trị có khác nhau : Thường thì kỹ năng chuyên môn kỹ thuật giảm dần sự quan trọng đối với các nhà quản trị cấp cao. Ngược lại, nó lại rất quan trọng và cần thiết đối với nhà quản trị cấp cơ sở. Ở cấp này, mức độ đòi hỏi về kỹ năng chuyên môn kỹ thuật rất cao, vì các nhà quản trị cấp cơ sở làm việc rất chặt chẽ với tiến trình sản xuất cụ thể và ở đó tài năng kỹ thuật, chuyên môn là đặc biệt quan trọng . Kỹ năng nhận biết, phân tích và tư duy chiến lược đòi hỏi mức độ rất nhiều và đặc biệt quan trọng đối với cấp quản trị càng cao. Ngược lại, kỹ năng này lại giảm dần sự quan trọng đối với cấp quản trị thấp. Cấp quản trị cao đòi hỏi phải có kỹ năng này, vì họ phải xây dựng các kế hoạch chiến lược, đề ra các quyết định , các chủ trương, đường lối chính sách phát triển tổ chức. Còn kỹ năng nhân sự là cần thiết ngang nhau đối với mọi cấp quản trị , bởi vì nhà quản trị nào cũng phải làm việc với con người . Chỉ có khác là đối tượng con người mà nhà quản trị quan hệ không giống nhau mà thôi. 5) Các phẩm chất cần thiết của một nhà quản trị giỏi Nhà quản trị giỏi là người luôn hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ của mình, với kết quả và hiệu quả cao, bất kể trong môi trường thuận lợi hay khó khăn. Chính vì vậy họ là
- người mà mọi xã hội đều cần đến bất kể trong một chế độ xã hội nào. Sự thành công của một tổ chức thường gắn liền với quá trình hoạt động của nhà quản trị, chính vì vậy có một nhà quản trị giỏi trong tổ chức như có một kho báu tiềm tàng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể trở thành nhà quản trị giỏi, họ phải có những phẩm chất cần thiết cho quá trình quản trị của mình. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về các phẩm chất của một nhà quản trị giỏi, nhưng tựu chung lại nhà quản trị cần có những phẩm chất sau: a) Khả năng nhận thức và tư duy Khả năng tư duy là khả năng tuyệt vời nhất của con người mà nhờ đó loài người mới là chúa tể của muôn loài. Mặc dù quý giá như vậy nhưng không phải ai cũng có khả năng tư duy như nhau. Điều hiển nhiên là các nhà quản trị cần phải có khả năng tư duy tốt. Chức vụ càng cao đòi hỏi khả năng tư duy càng lớn. Một trong những phẩm chất quan trọng về khả năng tư duy ở mỗi nhà quản trị là khả năng xét đoán. Xét đoán là khả năng đánh giá và dự đoán các sự kiện, sự việc tin tức một cách khôn ngoan. Muốn có khả năng xét đoán tốt, các nhà quản trị phải có lương tri, sự chín chắn, am hiểu lý luận sâu sắc và kinh nghiệm thực tế phong phú. Người ta thường thấy rằng năng lực xét đoán thường tăng lên cùng với tuổi tác, trình độ học vấn và kinh nghiệm. Điều này giải thích tại sao khi tuyển người vào các vị trí quản trị các doanh nghiệp thường yêu cầu các ứng viên phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng. Tuy nhiên không phải ai học nhiều, tuổi cao hoặc có nhiều kinh nghiệm là có khả năng xét đoán tốt. Người có trí xét đoán tốt có thể suy xét vấn đề một cách khách quan, nhanh chóng tìm ra lời giải đáp thông minh, dự báo được các sự việc với độ chính xác cao và ra được những quyết định sáng suốt ngay cả trong những tình huống xấu, hiểm nghèo mà người bình thường không làm nổi. Khả năng tư duy của nhà quản trị thường được đánh giá qua các khía cạnh cơ bản là: trực giác nhạy cảm, nhạy bén, năng động quyết đoán.
- b) Ý chí, nghị lực, lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm Kinh doanh là công việc cực kỳ khó khăn và phức tạp, là lĩnh vực hoạt động gắn liền với rủi ro và bất trắc, nên trong thực tiễn sản xuất kinh doanh, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng đạt được thành công như mong muốn, thậm chí đứng bên bờ vực của sự phá sản, khi đó nhà quản trị cần có ý chí, nghị lực, lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm mới có thể lèo lái con thuyền kinh doanh ra khỏi cơn sóng gió và đi tới sự thành công. Nhà quản trị có những đức tính này, khi gặp sự cố thường hết sức bình tĩnh và sáng suốt. Còn đối với những nhà quản trị không có các đức tính này, ngay khi găp thử thách đã hoang mang lo sợ, hành động rối loạn, kết quả là đưa tổ chức đến chỗ đổ vỡ. Trong thực tế để có ý chí và nghị lực sắt đá, có lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm cao, nhà quản trị phải không ngừng rèn luyện, đặc biệt từ lúc còn trẻ. Phải rèn luyện được tinh thần không được lùi bước trước bất cứ khó khăn thử thách nào, nếu thất bại thì không được nản lòng, không được từ bỏ con đường mình đã chọn chỉ vì có khó khăn ngáng đường. c) Đạo đức và ý thức trách nhiệm Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, nó bao gồm các quan điểm, nguyên tắc, giá trị xã hội được con người thừa nhận để tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích, nhu cầu, mong muốn của người khác và xã hội trong quá trình đạt đến mục tiêu tồn tại và phát triển của bản thân Nền tảng cơ bản của đạo đức trong kinh doanh thể hiện thông qua mục tiêu đề ra, các biện pháp thực hiện mục tiêu và hậu quả đem lại do việc lựa chọn và thực hiện các mục tiêu đó. Mục tiêu không thể phi nghĩa và phản khoa học, mục tiêu cũng không thể thoát ly thực tế theo ý muốn chủ quan của người lãnh đạo. Các biện pháp thực hiện mục tiêu cũng vậy, nó không thể vì lợi mình mà hại người khác, nó không thể trà đạp lên đạo lý và luật pháp.
- d) Sức khỏe Sản phẩm của các nhà quản trị chính là quyết định, mà quyết định chính là sản phẩm của trí tuệ, nhưng trí tuệ của một người lại phụ thuộc phần lớn vào tình trạng sức khoẻ của người đó. Bởi vì chỉ khi có sức khỏe tốt họ mới có thể hoạt động, cống hiến không biết mệt mỏi, có đầu óc minh mẫn để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường. Chính vì vậy các nhà quản trị phải thường xuyên rèn luyện nâng cao sức khoẻ, phải coi đó như là nguồn lực cho một tinh thần minh mẫn. Xưa nay, các giám đốc, các doanh nhân, các chính khách nổi tiếng và thành đạt đều có một sức làm việc hết sức bền bỉ, họ có thể làm việc liên tục không nghỉ mười mấy tiếng một ngày, trong những điều kiện của môi trường không được thuận lợi và phải chịu nhiều sức ép của môi trường. Để có một sức làm việc như vậy đòi hỏi họ phải có một thể lực tốt, một sức khoẻ dồi dào. Ngày nay, sức khỏe tốt còn tương đương với việc có thể chịu được áp lực cao, bởi lẽ các nhà quản trị ngày nay luôn phải tiếp xúc với rất nhiều áp lực (Stress), áp lực từ công việc (chủ yếu), áp lực từ gia đình, áp lực từ xã hội... khiến họ lúc nào cũng rất bận rộn và căng thẳng. Để có thể chịu đựng và thích nghi với những áp lực đó, ngoài một thể chất gang thép đòi hỏi họ phải có cách thư giãn và chống lại những cơn stress nguy hiểm. Tóm lại để có một tinh thần minh mẫn, sáng suốt, ra được những quyết định đúng đắn, nhà quản trị cần có một sức khoẻ dồi dào, một thể lực tốt để có thể chịu đựng những áp lực cao từ công việc và từ đó có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất có thể. e) Kinh nghiệm Có thể nói một trong những lĩnh vực mà con người hơn hẳn mọi loài sinh vật và các loại máy móc thông minh là ở chỗ con người có khả năng rút ra kinh nghiệm, tích luỹ, phổ biến và áp dụng sáng tạo những kinh nghiệm đã trải qua. Để ra một quyết định nào đó trong kinh doanh không chỉ đơn thuần đòi hỏi các nhà quản trị phải có học, có hiểu biết lý luận mà đòi hỏi họ phải có càng nhiều kinh nghiệm càng tốt. Trong thực tế không thiếu những người có học hành có hiểu biết song lại rất thiếu các kiến thức thuộc về kinh nghiệm, về cuộc sống. Những người này muốn làm nhà quản trị giỏi phải “lao vào cuộc
- sống”, kết hợp học với hành, học kinh nghiệm của những người đi trước, học bạn bè, học rút kinh nghiệm cả điều hay và điều dở. Mỗi lần ngã là mỗi lần bớt dại, ai “nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ lý thuyết và thực tế các nhà quản trị sẽ bớt đi những sai lầm không đáng có, nhanh nhạy, dễ dàng và quyết đoán hơn trong những tình huống ra quyết định kinh doanh. Sử dụng kinh nghiệm sẽ là đặc biệt hữu ích trong những trường hợp ra quyết định đã quá quen thuộc hoặc thiếu thông tin. Tuy nhiên lạm dụng sử dụng kinh nghiệm khi tình thế, điều kiện đã thay đổi có thể mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Chính vì vậy sáng suốt sử dụng kinh nghiệm trong quá trình ra quyết định là một đòi hỏi tất yếu khách quan đối với các nhà quản trị. Tóm lại để có thể trở thành một nhà quản trị giỏi, nhà quản trị cần có đầy đủ các phẩm chất trên. Tuy nhiên, sống ở trên đời, không ai là có thể hoàn hảo được, do vậy, họ có thể yếu về mặt này nhưng lại mạnh về mặt khác tuỳ vào khả năng của từng người và tuỳ vào vị trí của họ trong tổ chức. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng để có thể làm một nhà quản trị thành công thì ít nhất nhà quản trị đó cũng phải có ba yếu tố đó là: Một, có lương thức, nghĩa là biết nhận định, phán đoán, có tinh thần thực tế, để có thể thích ứng rồi lợi dụng hoàn cảnh.Hai, làm việc nhiều và Ba, có sức khoẻ. Đó là một trong những yếu tố quan trọng để có thể trở thành một nhà quản trị giỏi. f) Biết tuyển dụng nhân tài Tuyển mộ người tài, biết cách dùng người, tức là căn cứ vào những đặc điểm sẵn có của người tài để có thể phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, cần phải có ý thức rằng trên đời này không có ai hoàn hảo, cũng không có ai toàn tài, người nào cũng có chỗ mạch chỗ yếu. Tuyển dụng người tài, một công việc khó khăn và hết sức quan trọng đối với tổ chức, nó đòi hỏi nhà quản trị phải nắm bắt được nghệ thuật tìm người tài. Ngoài việc phải biết đặt đúng người vào đúng vị trí sở trường của họ còn phải nắm bắt được các quy luật tâm lý chi phối họ, bởi lẽ đối với bản thân mỗi người tài, điều mấu chốt là phát huy được
- sở trường của mình, thi thố được tài cán của mình, thậm chí họ không cần tính đến sự báo đáp thù lao của mình. Có một điều được đúc kết là khi tuyển mộ người tài, trước tiên cần phải biết người sau đó mới bàn đến chuyện dùng người. Nếu không hiểu biết được người thì dù có tài thật cũng khó mà phát huy được. Có thể nói việc tuyển chọn nhân tài cho tổ chức vừa thể hiện năng lực chuyên môn của nhà quản trị vừa thể hiện nghệ thuật dùng người của người đó, và chỉ có những nhà quản trị tài năng mới có thể mang về đúng con người mà tổ chức cần.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tiểu luận " Sơ lược nguyên lý 80/20 "
8 p | 243 | 101
-
Một số lý thuyết cấu trúc vốn hiện đại
19 p | 98 | 63
-
Doanh nghiệp nhỏ xây thương hiệu lớn?
6 p | 111 | 18
-
Các yếu tố quyết định đến hiệu quả trong cung cấp sản phẩm
37 p | 96 | 14
-
Bài giảng Quản trị học - Chương 1: Khái luận về quản trị
18 p | 43 | 8
-
DNA của công ty bạn-phần3
10 p | 62 | 7
-
Bài giảng Tin học quản lý SPSS: Chương 5 - ThS. Cao Hoàng Huy
14 p | 90 | 5
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn