Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học phân môn Tập đọc lớp 5
lượt xem 64
download
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học phân môn Tập đọc lớp 5 nêu lên thực trạng của vấn đề nghiên cứu; các giải pháp tổ chức thực hiện; kết quả nghiên cứu. Mời các bạn tham khảo tài liệu để hiểu rõ hơn về những nội dung này.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học phân môn Tập đọc lớp 5
- SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỈM SƠN SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC PHÂN MÔN TẬP ĐỌC LỚP 5 Người thực hiện: Mai Thị An Chức vụ: Giáo viên Đơn vị: Trường Tiểu học Đông Sơn TX Bỉm Sơn SKKN thuộc lĩnh vực : Tiếng Việt
- THANH HÓA NĂM 2013 PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ I. LỜI MỞ ĐẦU Đất nước đang tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi sự nghiệp giáo dục cũng cần có nhiều thay đổi để đào tạo ra những con người lao động tự chủ, năng động, sáng tạo, có năng lực giải quyết vấn đề thường gặp, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Vì vậy, phương pháp giáo dục cũng phải hướng vào việc khơi dậy, rèn luyện và phát triển ở người học khả năng nghĩ và làm một cách tự chủ, năng động và sáng tạo ngay từ khi đang học tập ở nhà trường, đặc biệt là rèn luyện cho các em khả năng tự học, tinh thần hợp tác, kĩ năng vận dụng kiến thức vào những tình huống khác nhau trong học tập và trong thực tiễn, giúp các em có niềm vui, hứng thú trong học tập. Trong tư thế chung đó, việc đổi mới phương pháp dạy học phân môn tập đọc là rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn bởi vì phân môn tập đọc có vị trí đặc biệt trong chương trình tiểu học, nó đảm nhiệm quá trình hình thành và phát triển cho học sinh kĩ năng đọc, một kĩ năng quan trọng hàng đầu của học sinh bậc học đầu tiên trong nhà trường phổ thông. Đầu tiên học sinh phải đọc, sau đó đọc để học. Đọc giúp các em chiếm lĩnh một số ngôn ngữ dùng trong giao tiếp và học tập, tạo điều kiện để học sinh có khả năng tự học và tinh thần học tập: học, học nữa, học mãi – một khả năng không thể thiếu của con người thời đại mới. Mục tiêu dạy học phân môn tập đọc ở lớp 5 không chỉ giúp học sinh củng cố, nâng cao và phát triển kĩ năng đọc mà còn bồi dưỡng ở các em tư tưởng, tình cảm, nhân cách, bồi dưỡng ở các em lòng yêu cái thiện và cái đẹp. Dạy tập đọc có ý nghĩa to lớn vì nó bao gồm cả nhiệm vụ giáo dục, giáo dưỡng và phát triển. 2
- Song, thực tế dạy học tập đọc nói chung và lớp 5 nói riêng hiện nay ở nhà trường chưa đạt hiệu quả cao, chưa kích thích sự ham học, tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, đặc biệt là chưa quan tâm đúng mức đến việc rèn các kĩ năng đọc cho học sinh, dẫn đến học sinh đọc chưa tốt. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng dạy học tập đọc như trình độ, kĩ năng sư phạm, sự nhiệt tình của giáo viên; trình độ, ý thức tham gia học tập của học sinh; các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ cho việc dạy học tập đọc. Trong đó nổi bật là nguyên nhân giáo viên chưa linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, việc đổi mới phương pháp và các hình thức tổ chức rèn kĩ năng đọc thành tiếng cũng như đọc – hiểu. Do chưa hiểu rõ mối quan hệ mật thiết giữa hai hình thức đọc thành tiếng và đọc hiểu nên việc rèn kĩ năng đọc cho học sinh còn nhiều hạn chế. Nhiều giờ tập đọc không đạt được mục tiêu theo đúng nghĩa của nó đối với đối tượng học sinh lớp 5 trong khi nội dung chương trình đã có bổ sung thêm một số dạng văn bản mới. Còn đối với học sinh: Nhiều em cho rằng chỉ cần đọc đúng, đọc lưu loát, nhiều em không hoặc ít để ý đến ngữ điệu, tốc độ đọc, ít chú ý đến rèn kĩ năng đọc sao cho hay, đọc thế nào để hiểu được nội dung văn bản (ở mức độ phù hợp với trình độ của các em) không ít em chưa có phương pháp học tập đúng đắn nên chất lượng đọc chưa cao. Nhiều giờ dạy còn rập khuôn máy móc theo các bước nên chưa phát huy được tính tích cực chủ động trong học tập của học sinh cũng như chưa huy động được vốn kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân người học vào quá trình tự học, tự chiếm lĩnh tri thức mới dưới sự điều khiển tổ chức, định hướng của giáo viên. Vậy tổ chức dạy học tập đọc thế nào để đạt hiệu quả, phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo trong học tập của học sinh, không gây nhàm chán trong tiết học? Làm thế nào để học sinh say mê học tập đọc, thích đọc, thích tìm hiểu nội dung bài đọc để cảm nhận cái hay, cái đẹp từ tác phẩm văn chương? Làm thế nào để rèn các kĩ năng đọc cho học sinh một cách tốt nhất? Đó là băn khoăn, trăn trở không những của các nhà quản lí chuyên môn mà của rất nhiều giáo viên – những người đang trực tiếp giảng dạy. Với mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dạy học phân môn tập đọc hiện nay, tôi đã nghiên cứu tìm ra biện pháp rèn các kĩ năng đọc góp phần nâng cao chất lượng dạy học phân môn tập đọc lớp 5 và đã có hiệu quả nhất định. II.THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU. 1. Thực trạng 3
- 1.1 Thực trạng chung * Về giáo viên: Thực trạng dạy học tập đọc lớp 5 ở nhà trường hiện nay cho thấy: Hai nhiệm vụ dạy học tập đọc chưa được giáo viên quan tâm đúng mức. Nhiều giờ tập đọc thiên về rèn đọc thành tiếng, nhiều giờ thiên về cảm thụ văn (đọc hiểu) , không ít giờ tập đọc ở phần tìm hiểu bài lại được giáo viên chuyển thành giờ giảng văn (quá đi sâu vào đọc hiểu), ít thay đổi hình thức trong giờ học. Việc hướng dẫn đọc cho học sinh còn mang nặng tính hình thức , chung chung ít chú ý đến cái chi tiết, cái cụ thể. Việc phối kết hợp rèn các kĩ năng đọc thành tiếng và đọc hiểu để chúng phát huy tác dụng hỗ trợ cho nhau còn hạn chế. Giáo viên chưa linh hoạt trong việc sử dụng hệ thống câu hỏi, còn phụ thuộc vào sách. Việc lập kế hoạch dạy học còn mang nặng tính hình thức, đối phó, còn rập khuôn máy móc theo một quy trình có sẵn cho tất cả các dạng bài. * Về học sinh: Học sinh đã quen với cách học ở lớp dưới nên chủ yếu chỉ chú ý đến rèn đọc sao cho đúng, chưa chú ý đến tốc độ, ngữ liệu, cách đọc sao cho hay. Một số học sinh chưa có ý thức học tập, ít có sự phấn đấu. Một số học sinh kĩ năng đọc yếu so với mức độ yêu cầu tối thiểu của khối lớp 5 nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giờ học. Kĩ năng đọc diễn cảm còn yếu. Khả năng hiểu bài của học sinh chưa sâu, cảm nhận cái hay, cái đẹp trong tác phẩm còn hạn chế. 1.2. Sau đây là một số hạn chế trong việc rèn các kĩ năng đọc qua từng phần cụ thể. 1.2.1. Dạy học thành tiếng. Đây là mục tiêu quan trọng trong giờ tập đọc, chiếm thời gian nhiều. Dạy đọc thành tiếng là dạy cho học sinh cách đọc đúng, đọc lưu loát, rành mạch, đọc diễn cảm và đọc thuộc lòng (nếu có yêu cầu học thuộc lòng). * Về giáo viên: Khi dạy học phần này, giáo viên chưa thực sự chú ý đến 3 mức độ của luyện đọc thành tiếng, giáo viên chỉ chủ yếu rèn cho học sinh kĩ năng đọc đúng, đọc rõ ràng mà chưa chú ý nhiều đến luyện đọc hay (luyện đọc diễn cảm), nhiều tiết tập đọc, thời gian dành cho luyện đọc diễn cảm chỉ chủ yếu đến các đối tượng học sinh đọc tốt, chưa chú ý đến tất cả các đối tượng học sinh. 4
- Việc thay đổi hình thức và phương pháp trong rèn kĩ năng đọc thành tiếng đang còn mang tiếng chung chung, chưa thay đổi cho phù hợp với từng bài, nhiều khi còn áp dụng máy móc cho tất cả các văn bản đọc (thơ, dịch, văn xuôi) Về học sinh: Các em chỉ chú ý đến việc đọc sao cho đúng, cho rõ ràng. Việc luyện đọc diễn cảm mới chỉ chú ý đến ngắt hơi, nghỉ hơi theo dấu câu, chưa chú ý nhiều đến việc rèn cho học sinh cách ngắt giọng biểu cảm hay ngắt giọng logic (giáo viên chưa hướn dẫn kĩ và cụ thể cách ngắt giọng khi gặp các câu dài thậm chí trong cả những câu văn, câu thơ ngắn mà tác giả có dụng ý muốn đề cập đến. Việc xác định các ngữ điệu đọc đúng trong các văn bản nghệ thuật và các văn bản khác còn thiên về hình thức hoặc cảm nhận “ tùy tiện” của học sinh tiểu học (nhất là văn bản kịch) Nhiều học sinh chưa chú ý đến tốc độ đọc (nhanh, chậm, dãn nhịp) và cường độ giọng đọc nên có thói quen đọc nhanh, đọc luyến thoắng, đọc vẹt. Kĩ năng đọc diễn cảm của học sinh còn quá yếu so với mục tiêu đọc diễn cảm ở lớp 5. Đối với đọc thuộc lòng, học sinh chỉ thiên về hướng dẫn ghi nhớ máy móc, ít chú ý đến ghi nhớ logic (ghi nhớ có ý nghĩa), ghi nhớ các từ “ chìa khóa” thể hiện nội dung bài để rèn ghi nhớ sâu… * Nguyên nhân: Giáo viên chưa quan tâm đúng mức tới việc rèn kĩ năng đọc thành tiếng cho học sinh ở các mức độ của nó.(đọc đúng; đọc trôi chảy, lưu loát; đọc diễn cảm). Giáo viên hướng dẫn nhưng chưa cụ thể và rõ ràng ở mức độ của kĩ năng đọc thành tiếng (ví dụ: cách ngắt giọng biểu cảm, ngắt giọng logic phải căn cứ vào đâu? Ngắt như thế nào là hợp lí, những từ nhấn giọng là những từ như thế nào?) dẫn đến học sinh khó xác định điểm ngắt giọng nhất là đối với học sinh trung bình. Do học sinh không hiểu sâu nên giọng đọc không thay đổi linh hoạt cho phù hợp với nội dung từng đoạn dẫn đến đọc không hay, không thể hiện được ý nhĩa nội dung văn bản, dụng ý mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Kĩ năng học thuộc lòng chậm và rất nhanh quên do các em thường đọc vẹt. 1.2.2. Dạy đọc – hiểu: Một trong những kĩ năng đọc hiểu văn bản là đọc thầm. Dạy đọc thầm chính là dạy đọc có ý thức, dạy đọc – hiểu. Qua thực trạng dạy đọc hiểu hiện nay tôi thấy: 5
- * Về giáo viên: Qua các giờ tập đọc, tôi thấy giáo viên chưa chú trọng nhiều đến rèn kĩ năng đọc thầm cho học sinh, nhiều khi yêu cầu học sinh đọc thầm nhưng không có mục đích, không kiểm tra tốc độ đọc của học sinh nên đã không phát huy được ưu thế của nó trong việc tìm hiểu và nắm nội dung bài. Giáo viên tổ chức cho học sinh tìm hiểu bài qua hệ thống câu hỏi cuối bài với cách dạy đồng loạt và chủ yếu sử dụng phươn pháp hỏi đáp trong quá trình tìm hiểu bài. Thầy nêu câu hỏi – trò trả lời, sau đó thầy giảng cứ như vậy gây ra sự nhàm chán. Nhiều câu hỏi dài với nhiều yêu cầu nhưng giáo viên không tách ra thành nhiều ý nên học sinh khó hiểu. * Về học sinh. Các em chưa có kĩ năng đọc thầm để hiểu bài theo đúng nghĩa của nó, kĩ năng đọc thầm để hiểu bài, trả lời câu hỏi còn chậm và nhiều khi đọc nhưng lại đọc cho có, đọc theo ý thích của bản thân, tốc độ đọc thầm còn chậm. Khi học sinh trả lời câu hỏi, nhiều em không có khả năng tổng hợp và diễn đạt nên thường trả lời câu hỏi theo cách nêu lại nguyên văn ý theo câu trong đoạn văn hay đoạn thơ, không tóm gọn được theo ý hiểu của bản thân. Khả năng cảm nhận cái hay, cái đẹp, cái gíá trị nghệ thuật của văn bản còn yếu. Khả năng ghi nhớ bài học không sâu, học thuộc lòng còn chậm và nhanh quên. * Nguyên nhân: Giáo viên chưa thực sự thấy được ưu điểm của hình thức đọc thầm trong việc dạy tìm hiểu bài nên chưa thực sự quan tâm đến việc rèn kĩ năng đọc thầm cho học sinh theo đúng cách. Học sinh ít có ý thức rèn kĩ năng đọc thầm một cách đúng đắn; chưa tích cực và chủ động trong học tập; khả năng phân tích, tổng hợp và diễn đạt còn hạn chế. 1.2.3. Việc xây dựng kế hoạch dạy học: Nội dung kế hoạch dạy học gần giống như sách giáo viên và thiết kế bài dạy nội dung còn chung chung cho nhiều bài. Việc lập kế hoạch dạy học còn mang nặng hình thức, chưa lột tả được thực chất của kế hoạch dạy học. Hình thức tổ chức và phương pháp dạy học được thể hiện qua kế hoạch dạy học hầu như giống nhau, không có mấy thay đổi cho phù hợp với từng bài để đạt được mục tiều của bài học đó. Trong kế hoạch dạy học chưa có định hướng rõ ràng cho từng đối tượng học sinh. 6
- * Nguyên nhân: Nhiều khi, việc xây dưng kế hoạch dạy học chỉ để đối phó với các đợt kiểm tra nên ít có gíá trị thực tế. Giáo viên chưa có sự đầu tư hợp lí cho việc nghiên cứu bài, xây dựng kế hoạch dạy học nên chất lượng kế hoạch dạy học chưa cao. 2, Kết quả thực trạng: 2.1. Tháng 9 năm học 2012, tôi đã tiến hành điều tra, dự giờ và thực hành dạy ở lớp 5B Trường Tiểu học Đông Sơn (theo cách dạy như trong thực trạng đã nêu trên). Sau đó tôi tiến hành khảo sát chất lượng, cụ thẻ như sau: Sau khi học sinh lớp 5B, tôi dạy thực nghiệm này học xong bài “ Bài ca trái đất”( Tập đọc lớp 5 tiết 8) tôi đã cho học sinh kiểm tra hai nội dung: Ví dụ: Phần một: Đọc thành tiếng đối với học sinh khá, giỏi đọc cả bài, học sinh trung bình đọc hai khổ thơ còn học sinh yếu đọc một khổ thơ. Phần hai: Đọc hiểu Câu 1: Nối khổ thơ với ý nghĩa của nó cho phù hợp. a. Khổ thơ thứ nhất Cần giữ cho trái đất bình yên (1) b. Khổ thơ thứ hai Trái đất thật là tươi đẹp (2) c. Khổ thơ thứ ba M ọi ng ười trên trái đất đều đáng quí (3) Câu 2: Câu thơ “ Màu hoa nào cũng quý cũng thơm!” trong khổ thơ thứ hai nói gì? Chọn câu trả lời đúng nhất. a. Tất cả các loài hoa đều đẹp, đều đáng quý. b. Con người ở tất cả các màu da đều đẹp. c. Trẻ em trên thế giới dù khác màu da đều đáng yêu đáng quý. Câu 3: Hình ảnh “Tiếng hát, tiếng cười” có ý nhĩa gì? Chọn câu trả lời đúng nhất. a. Trái đất hòa bình. b. Con người sống bình yên vui vẻ. c. Trái đất hòa bình, con người sống bình yên vui vẻ. Câu 4: Chúng ta phải làm gì để giữ bình yên cho trái đất? * Cách đánh giá: Phần 1: Đọc thành tiếng (5 điểm) Đọc đúng (sai không quá 4 tiếng) (1,5 điểm). Đọc lưu loát, trôi chảy bài thơ, ngắt nghỉ hơi giữa các dòng thơ, cụm từ; nhấn giọng ở các từ, gợi tả, gợi cảm. (1,5 điểm) Đọc diễn cảm và thuộc lòng một khổ thơ (HS yếu) hai khổ thơ (HS trung bình); học sinh khá, giỏi đọc cả bài. (2 điểm) 7
- Phần 2: Đọc – hiểu (5 điểm) Câu 1: (1 điểm): Nối đúng: a,2 ; b,3 ; c,1 (nối sai 1 ý thì trừ 0,3 điểm). Câu 2: (1 điểm): Khoanh vào ý c. Câu 3: (1 điểm): Khoanh vào ý c. Câu 4: (1 điểm): Học sinh nêu được ý có nội dung: chúng ta phải cùng nhau chống chiến tranh xây dựng một thế giới hòa bình. Chỉ có hòa bình, tiếng cười mới mang lại sự bình yên, sự trẻ mãi không già cho trái đất. * Kết quả khảo sát: Qua kiểm tra 25 em, tôi đã tổng hợp số em chưa đạt yêu cầu về mặt kiến thức, kĩ năng như sau: Kiến thức, kĩ năng cần đạt Số học sinh chưa đạt yêu cầu Tỉ lệ Đọc đúng 4 16% Đọc lưu loát, trôi chảy 7 28% Đọc diễn cảm 10 40% Học thuộc lòng 5 20% Đọc – hiểu (hiểu ND bài) 6 24% Kết quả kiểm tra chất lượng cụ thể như sau: Loại giỏi Loại khá Loại trung bình Loại yếu Số Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ lượng 6 24% 6 24% 10 40% 3 12% 2.2. Nhận xét chung: Qua bài kiểm tra, khảo sát chất lượng, tôi nhận thấy: * Về đọc thành tiếng: Học sinh được luyện đọc thành tiếng nhiều, giáo viên đã chú ý sửa lỗi phát âm để học sinh đọc đúng là chủ yếu nhưng một số học sinh vẫn bỏ sót từ hoặc thêm từ khi đọc, nhiều tiếng có phụ âm đầu là r,tr, s HS đọc vẫn còn chính xác. Nhiều em chưa làm chủ được tốc độ đọc nên còn đọc luyến thoắng, đọc nhanh. Học sinh đọc diễn cảm còn yếu; nhiều em ngắt nghỉ không hợp lí, nhấn giọng tùi tiện, giọng đọc không thay đổi cho phù hợp nội dung từng đoạn. Học sinh đọc thuộc lòng theo sự ghi nhớ máy móc, nên nhiều khi nhầm lẫn giữa các đoạn. * Về đọc hiểu: Phần bài tập trắc nghiệm vẫn có một số em làm sai, do hiểu bài không sâu. 8
- Phần bài tập tự luận: Đa số học sinh diễn đạt dài dòng chủ yếu là nêu lại nguyên văn, không tóm tắt ý theo cách hiểu của mình. Học sinh tiếp nhận trí thức bằng hình thức bên ngoài, ít hiểu sâu bản chất bên trong nên khả năng cảm thụ văn còn kém ngay cả đối tượng học sinh khá giỏi. *Nguyên nhân: Giáo viên chưa chú ý nhiều đến rèn cho học sinh làm chủ tốc độ đọc, cách nhấn giọng và cách ngắt giọng hợp lí theo logic và theo giá trị biểu cảm. Hình thức và phương pháp dạy học: giáo viên chưa linh hoạt trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Đối tượng học sinh yếu, trung bình ít được hoạt động. Thời gian dành cho luyện đọc diễn cảm ít nên phần đọc diễn cảm có ít em được thể hiện đọc trước lớp, chỉ chủ yếu là học sinh khá giỏi. Phần tìm hiểu bài, giáo viên nói và giảng hơi nhiều (sợ học sinh không hiểu) Chưa phát huy được tính tích cực trong học tập, chưa huy động vốn kiến thức tổng hợp của nhiều học sinh. Qua thực trạng dạy học tập đọcvà qua kiểm tra kĩ năng đọc thành tiếng, đọc hiểu của học sinh tôi nhận thấy: Các kĩ năng đọc của học sinh còn chưa tốt, nhất là kĩ năng đọc diễn cảm, khả năng hiểu bài chưa sâu, các giờ học chưa thực sự phát huy được tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh…Để khắc phục tồn tại trên, giúp các em học tốt hơn, tôi đã nghiên cứu, áp dụng vào thực tế giảng dạy và tìm ra “ Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học phân môn tập đọc lớp 5” để giúp học sinh rèn các kĩ năng đọc tốt hơn, đảm bảo mục tiêu giờ tập đọc. Tôi xin mạnh dạn đưa ra một số kinh nghiệm của bản thân khi dạy phân môn tập đọc cho học sinh lớp 5. PHẦN II : GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I. CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN: Qua điều tra, trực tiếp giảng giạy lớp 5 tôi đã vận dụng một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học phân môn tập đọc. Sau khi nghiên cứu, áp dụng kiểm tra kết quả học tập của học sinh, tôi thấy chất lượng đọc thành tiến và đọc hiểu của học sinh đã có nhiều chuyển biến và được nâng lên rõ rệt. Sau đây là một số giải pháp cụ thể: 1. Trước hết giáo viên phải nghiên cứu kĩ nội dung bài đọc trong sách giáo khoa, hiểu ý đồ của tác giả, để nắm bản chất của mỗi dạng kiến thức học sinh phải nắm được, từ đó xây dựng kế hoạch dạy học mang tính thiết thực. Dự đoán các tình huống sư phạm có thể xảy ra và dự đoán những lỗi học sinh thường mắc phải cách xử lí các tình huống đó. Điều giáo viên cần nhớ “Muốn 9
- học sinh đọc tốt, hiểu bài tốt, vận dụng tốt thì trước tiên giáo viên phải đọc tốt, thiếu hiểu văn bản theo cách hiểu của đối tượng học sinh lớp 5 và tìm cách dạy hợp lí để học sinh đạt được điều đó”. 2. Cần linh hoạt sử dụng các phươn pháp dạy học tích cực, áp dụng phù hợp với đặc điểm của lớp mình đang trực tiếp giảng dạy để rèn kĩ năng đọc cho học sinh, từ đó tìm ra những điểm yếu của học sinh để chú trọng rèn luyện. Thường xuyên quan tâm, phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng thêm cho học sinh khá giỏi để nâng cao chất lượng đại trà cũng như chất lượng mũi nhọn. Cần rèn cho học sinh có các kĩ năng đọc một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng dạng văn bản đọc khác nhau. 3. Khi rèn các kĩ năng đọc (đọc thành tiếng cho đến đọc hiểu) giáo viên cần đổi mới hình thức dạy học sao cho linh hoạt nhưng cần chú trọng đến hình thức luyện đọc các nhân để rèn luyện uốn nắn cho từng học sinh; kết hợp hình thức đọc theo nhóm, theo cặp để học sinh được đọc nhiều và giúp đỡ nhau luyện đọc trong lớp học, có thể xen kẽ hợp lí việc đọc đồng thanh (khi thật cần thiết) để tạo không khí lôi cuốn những học sinh yếu, học sinh còn rụt rè tham gia vào các hoạt động đọc. Bước luyện đọc diễn cảm có thể giảm yêu cầu đối với học sinh học đại trà (chỉ tập trung luyện đọc một đoạn) 4. Để phần tìm hiểu bài thực sự phát huy được tính tích cực của học sinh, giáo viên cần chú ý thay đổi hình thức học (cá nhan, nhóm, cặp, cả lớp). Đối với những câu hỏi mở, những câu hỏi có nhiều hướng trả lời, câu hỏi tổng hợp nhiều kiến thức, giáo viên nên sử dụng hình thức học nhóm để các em phối hợp, bổ sung hoàn chỉnh câu trả lời đúng, điều đó cũng có nghĩa là giúp các em huy động vốn kiến thức của nhiều người tạo sự đoàn kết trong học tập. 5. Khi dạy, giáo viên cần tuân theo các nguyên tắc dạy học tập đọc đặc biệt là tính vừa sức và phát huy tính tích cực của học sinh, luôn tạo ra sự hứng thú kích thích sự tìm tòi và đòi hỏi sự cố gắng phấn đấu cao của mỗi học sinh. 6. Phải phối hợp rèn kĩ năng đọc cho học sinh qua 2 hình thức đọc vì: Tập đọc là phân môn thực hành và hai nhiệm vụ quan trọng nhất trong dạy tập đọc là hình thành năng lực đọc: đọc đúng, đọc nhanh (đọc lưu loát, đọc trôi chảy), đọc có ý thức (thông hiểu nội dung) và đọc diễn cảm. Bốn kĩ năng đọc hình thành trong hai hình thức đọc thành tiếng và đọc hiểu. Chính vì vậy mà khi dạy học tập đọc giáo viên phải chú ý rèn luyện đồng thời cả hai hình thức đọc này. Sự hoàn thiện một trong những kĩ năng này sẽ có tác động tích cực đến những kĩ năng khác. Đọc đúng là tiền đề của đọc nhanh, cũng cho phép thông hiểu nội dung văn bản. 7. Khi rèn kĩ năng đọc cho học sinh thông qua 2 hình thức này thường được thực hiện đồng thời: Chẳng hạn, trong lúc bạn hay thầy (cô) đọc thành tiếng, học sinh khác theo dõi nghĩa là các em đã sử dụng kĩ năng đọc thầm, để trả lời 10
- câu hỏi của giáo viên nêu ra, cần có “lệnh” và yêu cầu cụ thể để rèn cho học sinh có thói quen đọc thầm từng câu, đoạn, hay cả bài có mục đích. 8. Rèn đọc thuộc lòng phải đạt được mục tiêu tích lũy trí thức và rèn kĩ năng nhớ cho học sinh nhưng giáo viên cần lưu ý rèn cho học sinh sự ghi nhớ có ý thức kết hợp ghi nhớ máy móc và ghi nhớ logic, tuyệt đối tránh rèn học thuộc lòng qua một mình sự ghi nhớ máy móc. 9. Chuẩn bị chu đáo cho tiết dạy, từ bước chuẩn bị cho đến tiết thực hiện trên lớp. Thường xuyên tự đánh giá hiệu quả của giờ dạy của bản thân qua chính kết quả, chất lượng học tập của học sinh trong mỗi tiết để phát huy điểm mạnh, khắc phục những hạn chế từ đó mà điều chỉnh phương pháp cũng như hình thức tổ chức dạy học cho hợp lí. 10. Chú ý rèn các kĩ năng đọc cho học sinh một cách hài hòa, tìm biện pháp cụ thể và thích hợp cho việc rèn từng kĩ năng đọc đó. II. CÁC BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Chuẩn bị tốt cho giờ dạy: Cần rèn cho học sinh thói quen đọc và chuẩn bị bài ở nhà đầy đủ. Giáo viên phải nghiên cứu sách tỉ mỉ, chu đáo, phải đọc bài nhiều lần, để đọc mẫu tốt và hiểu thấu đáo nội dung bài đọc. Giáo viên cần trả lời các câu hỏi trong bài để xác định mục tiêu yêu cầu, nội dung và lựa chọn phương pháp cũng như hình thức dạy một cách hợp lí: Trong bài vừa đọc học sinh dễ mắc những lỗi nào về phát âm ? (Đó thường là những tiếng khó, những chỗ ngắt nhịp khó, đặc biệt là câu dài). Giọng đọc, ngữ điệu chung của cả bài, từng đoạn như thế nào? Đoạn nào cần nhấn mạnh? Khi đọc diễn cảm cần bộc lộ cảm xúc gì? Bài cần đọc trong thời gian bao lâu, những từ ngữ nào cần giải nghĩa, những nội dung nào cần hướng dẫn tìm hiểu? Chuẩn bị đồ dùng dạy học phục vụ cho giờ dạy thành công (tranh, hình ảnh, bảng phụ ghi câu, đoạn văn cần luyện đọc…). Những nội dung cần tìm hiểu của bài như từ, cụm từ, câu cần khai thác hay những tình ý của bài cần tìm hiểu nên đánh dấu lại để tránh tình trạng bỏ sót khi lên lớp. Những nội dung trên được coi là mục đích để xây dựng hệ thống câu hỏi cho giờ tập đọc. Cần xem xét hệ thống câu hỏi của sách giáo khoa để có sự điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Bám sát mục tiêu, lựa chọn bổ sung lại hệ thống câu hỏi để làm rõ cách đọc, nội dung nghệ thuật của bài. Dự kiến trước câu trả lời và tình huống có thể xảy ra, cách giải quyết. 2. Biện pháp dạy đọc thành tiếng: 2.1. Luyện đọc đúng: Luyện cho học sinh cách đọc đúng: nghĩa là các em cần tái hiện âm thanh của văn bản đọc một cách chính xác, không có lỗi. Đọc đúng là không đọc thừa, 11
- không sót tiếng. Đọc đúng phải thể hiện đúng ngữ âm chuẩn, tức là đọc đúng chính âm. Đọc đúng bao gòm việc đọc đúng các âm, các thanh, nghỉ ngắt hơi đúng chỗ (đọc đúng ngữ điệu) (đọc đúng bao gồm một phần của đọc diễn cảm) 2.1.1. Rèn cho học sinh thể hiện chính xác các âm vị Tiếng Việt: Đọc đúng các phụ âm đầu: Ví dụ có ý thức phân biệt để đọc đúng các tiếng có âm tr/ch, r/d/gi, s/x… Đọc đúng các chính âm: Chẳng hạn các em cần có ý thức phân biệt âm chính để không đọc “mua rượu” thành “mua riệu”, “củ kiệu” thành “củ kiu”… Đọc đúng các thanh. Ví dụ: Khi đọc bài Người công dân số Một (TV5 – tập II) cần hướng dẫn học sinh đọc đúng đủ các tiếng, từ chỉ tên người và tên địa lí…như: phắc – tuya, Sa xơlu Lô ba, Phú Lãng Sa, tọa đăng… * Rèn đọc đúng bao gồm việc rèn đọc đúng tiết tấu, ngắt hơi, nghỉ hơi. Hướng dẫn học sinh: cần phải dựa vào nghĩa vào quan hệ ngữ pháp giữa các tiếng, từ để ngắt hơi cho đúng, không được ngắt tùy tiện theo cảm hứng của các nhân: Khi đọc, không được tách một từ ra làm hai: chẳng hạn không được tách từ: (bệnh viện, ngây thơ, truyền thuyết) Ví dụ: Không ngắt hơi “Nằm trong bệnh / viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây / thơ tin vào một truyền / thuyết nói rằng…” (bài Những con sếu bằng giấy TV5) Không tách từ chỉ loại với danh từ mà nó đi kèm, ví dụ không đọc: … Đến Việt Nam Để đốt những nhà thương, trường học Giết những con / người chỉ biết yêu thương (Ê mi li, con ...Tố Hữu – TV5) Không tách từ “là” với danh từ, từ chỉ quan hệ đi liền sau nó, ví dụ không đọc: Trái đất này là / của chúng ta. Ta là / nụ là / hoa của đất. (Bài ca trái đất – TV5) + Hướng dẫn học sinh cần dựa vào nghĩa và quan hệ cú pháp để ngắt nhịp cho đúng, (Cần phân tính cả cách ngắt đúng và cách ngắt sai để học sinh hiểu, ghi nhớ để lần sau không ngắt sai) Ví dụ cần ngắt các câu sau: Ngắt đúng: Ở đâu / tre cũng xanh tươi (Không ngắt “Ở đâu tre / cũng xanh tươi”) Ngắt đúng: Trái đất trẻ / của bạn trẻ năm châu. (Không ngắt: “Trái đất trẻ của / bạn trẻ năm châu” + Hướng dẫn học sinh nắm vững: Việc ngắt hơi phải phù hợp với các dấu câu như nghỉ ít ở dấu phẩy, nghỉ lâu hơn ở dấu chấm. Đọc đúng ngữ điệu câu là cần đọc lên giọng ở cuối câu hỏi, hạ giọng ở cuối câu kể, thay đổi giọng cho phù hợp với tình cảm diễn đạt trong câu cảm. Với câu khiến cần nhấn giọng phù 12
- hợp để thấy rõ các nội dung khiến khác nhau. Ngoài ra còn phải hạ giọng khi đọc lời giải thích của câu...Như vậy, luyện đọc đúng đã bao gồm một số tiêu chuẩn của đọc diễn cảm nhưng chưa sâu. 2.1.2. Trình tự luyện đọc đúng: Rèn kĩ năng đọc đúng tiếng, từ, câu, đoạn cho đến cả bài. Trước khi lên lớp, giáo viên phải dự tính để ngăn ngừa các lỗi khi rèn kĩ năng đọc đúng. Tùy đối tượng học sinh, tùy vào từng bài, tùy vào phương ngữ từng địa phương, giáo viên xác định các lỗi phát âm mà học sinh lớp mình dễ mắc phải để chọn ra các tiếng, từ, cụm từ câu khó để học sinh luyện đọc. Khi học sinh đọc, giáo viên phát hiện, tổng hợp,lựa chọn và ghi ra mỗi số lỗi sai phổ biến mà học sinh mắc phải để học sinh luyện đọc các tiếng, từ khó này. Với những câu mà giáo viên dự tính sẽ có nhiều em đọc sai, ngắt nghỉ không đúng chỗ thì cần được ghi ra bảng phụ, cho học sinh lên đánh dấu chỗ ngắt nhỉ, nhấn giọng sau đó cho các em luyện đọc câu rồi mới tiếp tục tiến hành đọc theo đoạn, bài. Điều quan trọng là giáo viên biết nghe học sinh đọc để nắm được trình độ kĩ năng đọc của từng em, từ đó có định hướng, hướng dẫn cách phát âm, ngắt nghỉ sao cho thích hợp. 2.2. Luyện đọc thanh: 2.2.1. Đọc thanh: (Còn gọi là đọc lưu loát, trôi chảy), không phải là đọc liến thoắng. Đọc thanh là nói đến chất lượng đọc về tốc độ nên đặt ra ngay từ khi các em luyện đọc đúng. 2.2.2. Biện pháp luyện đọc nhanh: + Giáo viên giúp học sinh hiểu rõ; Tốc độ đọc phải đi song song với việc tiếp nhận có ý thức bài đọc. Đọc nhanh chỉ thực sự có ích khi nó không tách rời việc đọc với việc hiểu rõ điều được đọc. Cần rèn cho học sinh khi đọc cho người khác nghe thì người đọc phải xác định tốc độ đọc nhanh nhưng để cho người nghe hiểu kịp. Vì vậy, đọc nhanh không phải là đọc luyến thoắng. Tốc độ chấp nhận được của đọc nhanh khi đọc thành tiếng trùng với tốc độ của lời nói. Khi đọc thầm thì tốc độ sẽ nhanh hơn nhiều. + Giáo viên hướng dẫn học sinh làm chủ tốc độ bằng cách: Nghe bạn đọc, nhận xét và rút kinh nghiệm. giáo viên đọc mẫu để học sinh đọc theo tốc độ đã định. Đơn vị để đọc nhanh là cụm từ, câu, đoạn, bài. + Giáo viên hướng dẫn học sinh điều chỉnh tốc độ đọc bằng cách giữ nhịp đọc. Khi đọc tiếp nối bạn trên lớp, đọc thầm nên cần có sự kiểm tra của giáo viên ,của bạn để điều chỉnh tốc độ đọc cho phù hợp. 13
- + Giáo viên đo tốc độ đọc bằng cách chọn sẵn bài có số tiếng cho trước và dự tính sẽ đọc trong bao nhiêu phút. (Tốc độ như thế nào còn phụ thuộc vào độ khó của bài đọc), từ đó điều chỉnh tốc độ đọc cho học sinh một cách hợp lí. 2.3. Luyện đọc diễn cảm. 2.3.1. Đọc diễn cảm: Đọc diễn cảm là dùng ngữ điệu tái hiện cảm xúc của tác giả. Đó là việc đọc thể hiện kĩ năng làm chủ ngữ điệu, chỗ ngừng giọng, cường độ giọng... để biểu đạt đúng ý nghĩ và tình cảm mà tác giả đã gửi gắm trong bài đọc, đồng thời biểu hiện sự thông hiểu, cảm thụ của người đọc đối với tác phẩm. Đọc diễn cảm thể hiện năng lực đọc ở trình độ cao và chỉ thực hiện được trên cơ sở hiểu nội dung bài đọc. Khi rèn đọc diễn cảm cho học sinh, giáo viên cần hướng dẫn để các em đọc đúng giọng vui, buồn, giận dữ, trang nghiêm... phù hợp từng ý cơ bản của bài đọc, phù hợp kiểu câu, thể loại; đọc có cảm xúc cao, biết nhấn giọng từ ngữ biểu cảm, gợi tả, phân biệt lời nhân vật, lời tác giả... Để rèn kĩ năng đọc diễn cảm, cần phải rèn cho học sinh biết xác định được chỗ ngắt giọng (ở đây muốn nói đến kĩ thuật ngắt giọng biểu cảm), làm chủ được tốc độ đọc (đọc nhanh, chậm, chỗ ngân hay là việc dãn nhịp đọc), làm chủ được cường độ giọng đọc (đọc to hay nhỏ, nhấn giọng hay không) và làm chủ ngữ điệu (độ cao của giọng đọc, lên giọng hay hạ giọng). 2.3.2. Biện pháp luyện đọc diễn cảm: * Giúp học sinh thể hiện cách ngắt giọng biểu cảm và cách ngắt giọng logic. Ngắt giọng logic phụ thuộc vào ý nghĩa và quan hệ giữa các từ. Các dấu ngắt câu cũng biểu hiện của ngắt giọng lôgic. Ngắt giọng biểu cảm là phương tiện tác động đến người nghe. Ngắt giọng loogic thiên về trí tuệ, ngắt giọng biểu cảm thiên về cảm xúc. Ngắt giọng biểu cảm là những chỗ lắng, sự im lặng có tác dụng truyền cảm, góp phần tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao, đó cũng chính là ngắt giọng có ý đồ nghệ thuật. * Rèn cho học sinh kĩ năng làm chủ tốc độ đọc: Vì tốc độ đọc ảnh hưởng đến quá trình đọc diễn cảm, đặc biệt là chỗ có thay tốc độ đọc gây sự chú ý, có gía trị biểu cảm tốt. Ví dụ: Khi đọc bài thơ “Ê mi – li, con ...” có câu “Cha không bế con về được nữa” đọc chậm lại, nhịp giãn ra thì câu thơ có nhiều âm lượng sẽ đọng lại trong lòng người đọc hơn là đọc với một tốc độ bình thường như những câu khác. Cần rèn cho học sinh thay đổi tốc độ đọc cho hợp lí dựa vào nội dung bài: Ví dụ: Khi đọc bài “Một vụ đắm tàu TV5 – Tập 1) học sinh cần đọc đoạn 1 với giọng thong thả, tâm tình; đoạn 2 giọng đọc nhanh hơn để thể hiện rõ một tai nạn đắm tàu bất ngờ ập đến. 14
- * Rèn cho học sinh xác định ngữ điệu đọc: Học sinh phải xác định được khi nào cần cao giọng, khi nào cần hạ giọng vì mỗi văn bản có ngữ điệu riêng. Giáo viên cần căn cứ vào nội dung phong cách văn bản để dẫn dắt, gợi mở học sinh tìm ra ngữ điệu đọc và tập thể hiện giọng đọc, từ đó bước đầu ý thức về cách đọc nhằm diễn tả nội dung văn bản đọc một cách tốt nhất. Ví dụ: Khi đọc bài thơ: “Nước chúng ta Nước những người chưa bao giờ khuất Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những buổi ngày xưa vọng nói về. (Đất nước – Nguyễn Đình Thi – TV5) Học sinh phải bắt được mạch cảm xúc của bài thơ đó là lòng tự hào về đất nước để đọc hai câu đầu vút lên cho hết chiều cao (giọng vang cao); đọc câu thứ ba chậm, dãn nhịp để trải cho hết chiều rộng và đọc hạ giọng, giảm cường độ để lắng cho hết chiều sâu của đất nước khi đọc câu thơ cuối. Ví dụ: Khi đọc bài (Một vụ đắm tàu – TV5 – Tập 2): Những câu miêu tả nỗi sợ hãi của hai bạn nhỏ ở đoạn 4 cần đọc giọng hồi hộp, lo sợ; đọc cao giọng ở những tiếng kêu “Còn chỗ cho một đứa nhỏ. Đứa nhỏ thôi! Nặng lằm rồi.” Ở đoạn 5, lời của Ma ri ô hét to “ Giu li ét – ta xuống đi! Bạn còn bố mẹ.” Và hai câu kết đọc với giọng trầm lắng, bi tráng; lời của Giu – li – ét – ta vĩnh biệt bạn, đọc với giọng nức nở, nghẹn ngào. Cần rèn cho học sinh cách đọc có nhấn giọng hợp lí theo các cách khác nhau. (Những từ nhấn giọng thường là những từ gợi tả gợi cảm, thể hiện nội dung tác phẩm). Muốn vậy học sinh phải hiểu nội dung đoạn, tìm được các từ cần nhấn giọng. Ví dụ: Khi đọc đoạn giữa bài “Tre Việt Nam” từ “Yêu nắng nỏ trời xanh” cho đến “có gì lạ đâu” cần nhấn giọng theo cách ngân dài những từ ngữ khảng định hoặc mang rõ sắc thái cảm xúc: không đứng khuất mình, vần nguyên cái gốc, đâu chịu mọc cong, lạ thường, có gì đâu để thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp của tre và cũng là của con người Việt Nam. Cần hướng dẫn để học sinh ghi nhớ: Chính nội dung bài đọc đã quy định ngữ điệu của nó nên không thể áp đặt sẵn giọng đọc của bài, ngược lại điều này phải là kết luận tự nhiên của học sinh đưa ra sau khi hiểu sâu sắc nội dung bài đọc và biết cách diễn đạt thích hợp dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. + Đối với văn bản nghệ thuật: Khi luyện đọc hay, cần căn cứ vào nội dung phong cách văn bản để dẫn dắc gợi mở học sinh tìm ra cách đọc, tập thể hiện giọng đọc từ đó bước đầu ý thức được cách đọc để nhằm diễn tả nội dung văn bản một cách tốt nhất. Đọc diễn cảm còn phụ thuộc và cảm nhận 15
- riêng của các em nên giáo viên không nên áp đặt một cách khuôn mẫu cho tất cả học sinh, mặt khác giáo viên còn cần khuyến khích cách đọc sáng tạo của mỗi học sinh. + Đối với các văn bản khác: Giáo viên cần hướng dẫn HS xác định ngữ điệu đọc sao cho phù hợp với mục đích thông báo (làm rõ những thông tin cơ bản giúp người nghe tiếp nhận được vấn đề quan trọng, nổi bật trong văn bản) Phải khắc phục cách đọc thiên về hình thức hoặc diễn cảm “tùy tiện” của học sinh. Nên thay đổi các hình thức đọc các nhân, cặp, nhóm và phải có biện pháp Kiểm tra, quán xuyến các hình thức đọc đó để đạt được mục tiêu qua việc sử dụng chúng với mong muốn nâng cao chất lượng rèn kĩ năng đọc. Để hình thành kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh, giáo viên cần: Hướng dẫn cho học sinh hiểu rằng “đọc diễn cảm” không phải là đọc sao cho “điệu”, thiếu tự nhiên, dựa vào ý thích chủ quan của người đọc. Đọc diễn cảm phải là cách sử dụng ngữ điệu để phô diễn cảm xúc của tác giả qua bài đọc. Học sinh phải hòa nhập được với bài văn, bài thơ... Khi có cảm xúc sẽ tìm thấy ngữ điệu thích hợp. Chính văn bản quy định ngữ điệu cho cho chúng ta chứ không phải chúng ta đặt ra ngữ điệu cho văn bản. Để luyện đọc diễn cảm tốt cần rèn cho học sinh những kĩ năng sau: + Tập lấy hơi và tập thở: Biết thở sâu ở chỗ ngừng nghỉ để lấy hơi khi đọc. + Rèn cường độ giọng đọc luyện đọc to vừa phải. + Luyện đọc chính âm thật chuẩn xác. + Tổ chức cho học sinh tìm hiểu ý đồ của tác giả, thảo luận tìm ra cách đọc (giọng đọc như thế nào thì phù hợp? Nhấn giọng ở những từ ngữ nào? Nghỉ hơi như thế nào cho hợp lí? ...Nghĩa là thảo luận xem cần đọc như thế nào? Vì sao lại đọc như thế?) Có thể phân vai để làm sống lại nhân vật nội dung của tác phẩm. + Theo dõi giọng đọc mẫu của giáo viên, giọng đọc của bạn để phân tích tìm ra cách đọc đúng và hay. + Rèn đọc các nhân phải luôn có sự đánh giá của nhóm, lớp và của giáo viên. 2.4. Biện pháp luyện đọc thuộc lòng: Học thuộc lòng là quá trình học sinh đọc văn bản, ghi nhớ trong não từng câu, chữ rồi tái hiện lại dưới dạng hình thức âm thanh. Việc dạy học sinh học thuộc lòng văn bản để lưu giữ lại những trí thức và việc làm rất cần thiết . Những trí thức đã lưu giữ lại đặc biệt là những bài học thuộc lòng là bài văn thơ có giá trị sẽ giúp cho học sinh tích lũy văn chương, bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho các em. Đồng thời học thuộc lòng còn rèn luyện trí nhớ cho học sinh, dạy học sinh hi nhớ có phương pháp. 16
- Để rèn kĩ năng học thuộc lòng phải rèn cho học sinh kĩ năng đọc hiểu bài vì học thuộc lòng chỉ được thực hiện và ghi nhớ sâu trên cơ sở hiểu bài đã học. Vì vậy không nên bắt học sinh học thuộc lòng cái gì khác ngoài những cái đã hiểu. Rèn học thuộc lòng phải rèn cho học sinh sự ghi nhớ có ý thức, phải phối hợp ghi nhớ máy móc và ghi nhớ logic (ghi nhớ có ý nghĩ). Cần hướng dẫn học sinh ghi nhớ những từ ngữ quan trọng của câu đoạn, những từ “chìa khóa” để học thuộc lòng nhanh và nhớ lâu. Thường xuyên kiểm tra đánh giá kết quả học thuộc lòng của học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau. Bản thân học sinh tự kiểm tra, kiểm tra trong nhóm nhỏ, trong nhóm lớn (bạn kiểm tra), kiểm tra trước lớp (bạn và giáo viên kiểm tra). 3. Biện pháp dạy đọc – hiểu Rèn kĩ năng đọc thầm rất quan trọng trong dạy đọc – hiểu. Nhưng trong một Số tài liệu dạy học cho rằng việc tổ chức dạy học thành tiếng gọi là “luyện đọc”. Nói như vậy, đọc đã bị thu hẹp nghĩa, chỉ còn ứng với hình thức đọc thành tiếng. Từ đây dẽ dẫn đến một sai lầm trong thực tế là giáo viên không chú ý đúng mức đến luyện đọc thầm cho học sinh. Sự thực thì đọc thầm có ưu thế hơn hẳn đọc thành tiếng ở chỗ nhanh hơn đọc thành tiếng từ 1,5 đến 2 lần. Nó có ưu thế hơn hẳn trongg quá trình tiếp nhận, thông hiểu nội dung văn bản vì người ta không chú ý đến việc phát âm mà chỉ tập chung để hiểu nội dung điều mình đọc. Vì vậy, ngay từ lớp 1 đã đọc thầm và lên lớp 5 thì kĩ năng này ngày càng được củng cố và nâng cao tốc độ đọc. Để dạy đọc hiểu tốt cần thực hiện các việc sau: 3.1. Chuẩn bị cho việc đọc thầm Cũng như khi ngồi đọc thành tiếng, giáo viên phải rèn cho học sinh tư thế ngồi, đọc thầm phải ngay ngắn, khoảng cách giữa mắt và sách 30 – 35 cm. Vì khi ngồi đọc không đúng tư thế thì học sinh dễ mệt mỏi dẫn đến tình trạng chán học một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu bài của học sinh mà giáo viên chưa quan tâm đến nhiều. 3.2. Rèn kĩ năng đọc thầm: Kĩ năng đọc thầm phải được chuyển dần từ ngoài vào trong. Phải luyện cho học sinh đọc thầm với tốc độ nhanh và hiệu quả cao (nắm bắt đúng, đủ thông tin cơ bản, cảm thụ tốt văn bản nghệ thuật) đó là mục đích, là yêu cầu cơ bản của hoạt động đọc nói chung. Để thực hiện được điều đó, giáo viên phải nắm vững nội dung rèn kĩ năng đọc thầm không những ở khối lớp 5 mà còn ở khối lớp dưới để có hướng phát triển và nâng cao cho các em. 17
- Ở phần đọc thầm tìm hiểu theo yêu cầu cơ bản (trả lời câu hỏi), giáo viên cần giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh nhằm định hướng rõ việc đọc thầm và có biện pháp kích thích hoặc giúp đỡ các em thực hiện tốt. Khi nêu câu hỏi và yêu cầu đọc thầm, giáo viên nên nêu câu hỏi trước khi học sinh đọc để các em có định hướng đọc rõ ràng, đọc để làm gì và nhằm mục đính gì? Tránh yêu cầu học sinh đọc thầm trước sau đó giáo viên mới đưa ra lệnh (câu hỏi) sẽ tạo cho học sinh thói quen đọc thầm không có mục đích dẫn đến hiệu quả đọc thầm không cao. Ví dụ: Đọc đoạn văn hay khổ thơ nào? Đọc để biết và hiểu, nhớ hay suy nghĩ trao đổi về vấn đề gì ? để từng bước hình thành cho học sinh thói quen tập trung chú ý khi đọc thầm thu nhập thông tin và để cảm thụ văn bản nghệ thuật thì mới nâng cao được hiệu quả của việc đọc thầm. Đọc thầm (đọc lướt) để nắm nội dung, tóm tắt ý hoặc chọn ý: Giáo viên cần từng bước đề ra nhiệm vụ hoặc yêu cầu từ dễ đến khó dần để học sinh làm quen với cách đọc thầm ở từng khối, đặc biệt là cách đọc thầm nhanh, đọc lứt toàn câu, đoạn, cả bài. Ví dụ: Đọc thầm khổ thơ thứ tư trong bài “Đất nước” (TV 5 – Tập 2) để phát hiện biện pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng. Đọc lướt đoạn 1 trong bài “Hội thi nấu cơm ở Đồng Vân” (TV5 tập 2) Và cho biết hội thi bắt nguồn từ đâu ? Đọc thầm cả bài “Chuyện một khu vườn nhỏ” và cho biết tác giả muốn nói với chúng ta điều gì? + Cần kiểm soát quá trình đọc thầm của học sinh bằng cách quy định thời gian đọc thầm cho từng đoạn và bài. Học sinh đọc song thì báo cho giáo viên biết từ đó giáo viên nắm được và điều chỉnh tốc độ đọc thầm cho hợp lí. * Có hai hình thức kiểm tra đọc thầm: + Kiểm tra trực tiếp: Học sinh đang đọc thầm yêu cầu các em đọc to lên để xem các em đã đọc đến đâu và yêu cầu giơ tay khi đã đọc hết đoạn nào đó. + Kiểm tra qua đọc – hiểu: Vì mục đích của đọc thầm là hiểu bài nên việc kiểm tra kết quả hiểu bài đọc của học sinh là hình thức kiểm tra đọc thầm quan trọng hơn. Trước khi học sinh đọc thầm giáo viên nên đưa ra mục đích đọc thầm, sau khi học sinh đọc thầm, yêu cầu các em trả lời câu hỏi về nội dung hoặc nghệ thuật của bài để kiểm tra. 3.3. Hướng dẫn tìm hiểu bài: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài là giúp các em hiểu nghĩa của từ, cụm từ, câu, đoạn, hiểu nội dung, giá trị nghệ thuật của bài. Vì vậy, học sinh tìm hiểu bài nhằm mục đích trau dồi kĩ năng đọc – hiểu nắm bắt thông tin góp phần nâng cao năng lực cảm thụ tạo cơ sở cho học sinh luyện đọc diễn cảm. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài bắt đầu từ việc giải nghĩa từ: Để hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài đạt kết quả tốt, ngay từ khi yêu cầu học sinh 18
- tiếp nhận văn bản nhằm mục đích đọc đúng (luyện đoc), giáo viên cần giúp các em hiểu nghĩa một số từ ngữ có tác dụng góp phần năng cao kĩ năng đọc – hiểu( Lưu ý không những từ ngữ được chú giải trong sách giáo khoa cả những từ ngữ phổ thông Học sinh địa phương chưa quen biết hay là những từ ngữ đóng vai trò quan trọng để giúp học sinh hiểu nội dung bài (từ khóa) Ở phần giúp học sinh hiểu từ, giáo viên nên sử dụng nhiều cách giải nghĩa từ khác nhau để học sinh có hứng thú tìm hiểu nghĩa từ và để các em ghi nhớ lâu, giúp các em làm phong phú thêm vốn từ Tiếng Việt như: giải nghĩa từ trong văn cảnh, đặt câu; giải nghĩa bằng cách thay thế bằng từ đồng nhĩa, từ trái nghĩa; giải nhĩa bằng cách liên tưởng, tưởng tượng hay giải nghĩa bằng trực quan... Việc chọn từ nào để giải thích phụ thuộc nhiều vào đối tượng học sinh (ở địa phương nào, thuộc dân tộc nào...), phụ thuộc vào nội dung của từng bài. Giáo viên phải hiểu biết về từng địa phương cũng như có vốn từ của tiếng mẹ đẻ để chọn từ giải thích cho phù hợp đồng thời phải chuẩn bị để giải thích cho học sinh về bất cứ từ nào trong bài mà các em yêu cầu. Để hiểu và nhớ những gì được đọc cần giúp cho học sinh “không xem tất cả các từ trong văn bản đều quan trọng như nhau mà cần sàng lọc để giữ lại những từ “chìa khóa” những nhóm từ mang ý nghĩa cơ bản. Đó là những từ giúp ta hiểu nội dung của bài, những từ dùng “đắt” tạo nên giá trị nghệ thuật của bài. Ví dụ: Trong bài “Người công dân số Một”, nếu học sinh không hiểu từ “ngọn đèn” cả nghĩa đen và nghĩa bóng thì không thể hiểu tại sao anh Thành lại nói với anh Lê “Sẽ có một ngọn đèn khác anh à”,”ngọn đèn” ở đây là ánh sáng của đường lối mới. Giáo viên cần có biện pháp để giúp học sinh phát hiện ra những từ có tín hiệu nghệ thuật; đó là tìm những từ giầu màu sắc biểu cảm như các từ láy, từ nhiều nghĩa, những từ mang nghĩa bóng những từ có sự chuyển nghĩa của từ. Ví dụ: Cần có bài tập để giúp học sinh phát hiện ra nghĩa của từ “vàng” đã làm nên cái hay của câu thơ “Hạt vàng làng ta” (Hạt gạo làng ta TV5 Tập 2) Tiếp đó cần hướng dẫn học sinh phát hiện ra những câu quan trọng của bài những câu nêu ý chung của bài. Hướng dẫn học sinh phát hiện ra những hình ảnh chi tết nghệ thuật tiêu biểu nhất. Cần tìm được những mối liên hệ bên trong của văn bản để thấy ý nghĩa hàm ẩn của nó chứ không phải chỉ có ý nghĩa biểu hiện. Tức là cần dạy cho học sinh biết đọc giữa các hàng chữ. Ví dụ: Vì sao chú Mori – xơn lại dặn con nói với mẹ “Cha đi vui xin mẹ đừng buồn” vì chú muốn động viên vợ con bớt đau buồn trước sự ra đi của chú. Chú ra đi thanh thản tự nguyện vì lí tưởng cao đẹp. 19
- Có thể tùy từng bài, tùy từng lớp mà có biện pháp dạy đọc – hiểu khác nhau. Dựa vào hệ thống câu hỏi cuối bài giáo viên có thể xây dựng một số kiểu câu hỏi đọc – hiểu cho từng đối tượng học sinh lớp mình cho phù hợp. Hệ thống câu hỏi có thể là các dạng sau: + Câu hỏi yêu cầu phát hiện từ quan trọng, từ các em không hiểu nghĩa. + Câu hỏi yêu cầu phát hiện và giải nghĩa từ ngữ quan trọng, từ “chìa khóa” của bài. + Câu hỏi làm bộc lộ giá trị của từ dùng “đắt” trong bài (thường dùng cho học sinh khá, giỏi để bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học) + Câu hỏi yêu cầu học sinh phát hiện chi tiết, những hình ảnh đẹp của bài + Câu hỏi yêu cầu tìm hiểu nội dung của từng đoạn. + Câu hỏi yêu cầu tìm hiểu và khái quát ý của từng đoạn, bài. Vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học và thay đổi hình thức tổ chức dạy học khác nhau để tạo điều kiện cho học sinh học tập một cách tích cực mói nâng cao được chất lượng dạy học. Những câu hỏi đơn giản nên sử dụng phương pháp hỏi đáp hoặc đàm thoại; những câu hỏi khó hoặc câu hỏi mở nên sử dụng hình thức thảo luận nhóm, cặp; những câu hỏi có nhiều hướng trả lời nên sử dụng trò chơi theo kiểu bài tập trắc nghiệm... Tuy nhiên giáo viên không được sử dụng tùy tiện phương pháp và hình thức dạy học mà phải căn cứ vào bài cụ thể để lựa chọn. Ví dụ: Với câu hỏi “Tại sao tác giả lại gọi là hạt vàng làng ta?” , giáo viên có thể sử dụng hình thức thảo luận nhóm để thu được kết quả cao hơn, vì đây là câu hỏi đòi hỏi sự tư duy, suy luận logic của học sinh. Trong quá trình tìm hiểu bài, giáo viên cần rèn cho học sinh cách trả lời và diễn đạt ý mình muốn nói theo cách hiểu của bản thân một cách ngắn gọn, tránh tình trạng nêu câu trả lời theo nguyên văn câu, đoạn trong bài. Để thực hiện được điều này, giáo viên phải rèn cho học sinh kĩ năng phân tích và tổng hợp. Sau câu trả lời của học sinh, giáo viên phải kết luận và chốt ý thật ngắn gọn và súc tích. * Giáo viên cần đặc biệt khéo léo trong việc nhận xét khi có học sinh trả lời sai hoặc chưa đầy đủ, nên tìm cái đúng trong câu sai đó cho dù là nhỏ để khuyến khích động viên học sinh hoặc định hướng gợi mở để các em có câu trả lời đúng, từ đó giúp các em tự nhận ra cái sai của mình, qua đó giúp các em tự tin và trả lời tốt hơn ở các lần sau, tránh để các em mặc cảm, tự ti không dám phát biểu ý kiến trả lời câu hỏi ở các lần sau. *Những điểm cần lưu ý khi dạy đọc – hiểu một bài thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương. Giáo viên phải nắm được đặc trưng của ngôn ngữ văn chương để giúp học sinh tiếp nhận được vẽ đẹp của ngôn từ, vẻ đẹp của cách nói văn chương, 20
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số kinh nghiệm nâng cao công tác chủ nhiệm học sinh lớp 5
14 p | 2593 | 686
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn học vần cho học sinh lớp 1 trường tiểu học Mỹ Phước D
50 p | 2696 | 408
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp giúp học sinh lớp 2 học tốt môn tập làm văn
10 p | 2123 | 376
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp rèn kĩ năng học tốt môn tập làm văn ở lớp 5
11 p | 1174 | 281
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp chỉ đạo giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đầu cấp
28 p | 778 | 213
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thảo luận nhóm trong dạy học môn Toán lớp 3 - Bùi Thị Giao Thủy
20 p | 659 | 121
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 đọc đúng, đọc diễn cảm
24 p | 572 | 119
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp quản lý hoạt động dạy và học môn Tiếng Việt lớp 2 phân môn kể chuyện
20 p | 589 | 112
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số kinh nghiệm rèn kỹ năng kể chuyện cho học sinh lớp 2 trong phân môn Tiếng Việt
11 p | 595 | 100
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số giải pháp quản lý công tác giáo dục đạo đức học sinh trường tiểu học
9 p | 436 | 80
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số kinh nghiệm giúp giáo viên khối 1 nâng cao chất lượng dạy môn Tiếng Việt
15 p | 612 | 74
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số kinh nghiệm giải bài toán BĐT
25 p | 309 | 70
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số kinh nghiệm khai thác triệt để mô hình để giảng dạy môn Sinh học lớp 7
17 p | 384 | 69
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp rèn kỹ năng học tốt môn tập làm văn ở lớp 5
13 p | 360 | 66
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số phương pháp giải phương trình mũ – phương trình Logarit
29 p | 352 | 42
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số sai lầm thường gặp của học sinh khi giải phương trình lượng giác cơ bản
13 p | 297 | 29
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số kinh nghiệm giảng dạy lồng ghép giáo dục dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên thông qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu - Môn Ngữ Văn - Lớp 12 chương trình chuẩn
51 p | 273 | 24
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp nâng cao công tác nữ công trong trường Tiểu học
17 p | 22 | 6
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn