intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sự cần thiết và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyên đề tác phẩm Hồ Chí Minh cho sinh viên ngành Giáo dục Chính trị ở các trường sư phạm hiện nay

Chia sẻ: Y Y | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

42
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết dựa trên các khảo sát thực tiễn tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một số trường sư phạm khác nhằm hướng tới mục đích đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu các tác phẩm Hồ Chí Minh, thiết thực tới chất lượng đào tạo sinh viên ngành Giáo dục Chính trị nói riêng, chất lượng giảng viên giảng dạy, nghiên cứu về di sản tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhà trường nói chung.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sự cần thiết và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyên đề tác phẩm Hồ Chí Minh cho sinh viên ngành Giáo dục Chính trị ở các trường sư phạm hiện nay

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2018-0193 Educational Sciences, 2018, Volume 63, Issue 12, pp. 138-146 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn SỰ CẦN THIẾT VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC CHUYÊN ĐỀ TÁC PHẨM HỒ CHÍ MINH CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ Ở CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM HIỆN NAY Nguyễn Thị Thanh Tùng Khoa Lí luận Chính trị - Giáo dục Công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh là một trong những môn học quan trọng đối với sinh viên ngành Giáo dục Chính trị các trường Sư phạm. Trong những năm vừa qua, mặc dù cấu trúc phân phối chương trình dành cho các môn khoa học Lí luận Chính trị, trong đó có môn tác phẩm Hồ Chí Minh có nhiều thay đổi, tuy nhiên việc đảm bảo chất lượng giảng dạy các vấn đề dựa trên nguồn tư liệu gốc là tác phẩm, bải viết của Hồ Chí Minh vẫn là một trong những giải pháp bền vững cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên và sinh viên có thể tiếp cận một cách đúng đắn nhất về con người, cuộc đời, sự nghiệp, di sản và giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài viết dựa trên các khảo sát thực tiễn tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một số trường sư phạm khác nhằm hướng tới mục đích đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu các tác phẩm Hồ Chí Minh, thiết thực tới chất lượng đào tạo sinh viên ngành Giáo dục Chính trị nói riêng, chất lượng giảng viên giảng dạy, nghiên cứu về di sản tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhà trường nói chung. Từ khóa: Hồ Chí Minh, tác phẩm Hồ Chí Minh, đổi mới phương pháp, chuyên đề tác phẩm. 1. Mở đầu Hồ Chí Minh và di sản tư tưởng Hồ Chí Minh là một pho sử bằng vàng, có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và lịch sử phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỉ XX nói chung. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu về Hồ Chí Minh, trong chương trình đào tạo ở các trường sư phạm trên cả nước, học phần Tác phẩm Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng, là một trong những chuyên đề không thể thiếu đối với sinh viên năm chuyên ban Lịch sử Đảng – Tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyên ngành Giáo dục Chính trị. Sau khi đáp ứng các chuẩn đầu ra, lực lượng này sẽ tham gia giảng dạy chủ yếu ở các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện, Trường Chính trị các cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do thiếu đi sự trang bị hệ thống phương pháp luận trong việc tìm hiểu các tác phẩm của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng đến chất lượng việc dạy và học môn học này trong quá trình đào tạo, giảm đi sự hứng thú của sinh viên đối với môn học. Do đó, việc đổi mới dạy học tác phẩm Hồ Chí Minh theo hướng chuyển từ định hướng nội dung (chỉ giới thiệu nội dung chủ yếu của tác phẩm) sang định hướng phát triển phẩm chất và năng lực (cung cấp, định hướng hệ thống phương pháp luận về dạy học, nghiên cứu tác phẩm, phát triển toàn diện người học) là những định hướng giải pháp quan trọng để vấn đề dạy học chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh cho sinh viên chuyên ngành trở nên hiệu quả và thực chất. Ngày nhận bài: 19/7/2018. Ngày sửa bài: 19/9/2018. Ngày nhận đăng: 20/11/2018. Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Thanh Tùng. Địa chỉ e-mail: thanhtungsphn@gmail.com 138
  2. Sự cần thiết và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyển đề Tác phẩm Hồ Chí Minh… Trong những năm vừa qua, các chủ đề liên quan tới nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu cuộc đời sự, nghiệp hoặc một tác phẩm cụ thể của Hồ Chí Minh thì có nhiều, tuy nhiên, liên quan tới vấn đề đổi mới dạy học Tác phẩm Hồ Chí Minh, có thể khẳng định sự vắng bóng của các công trình hay bài nghiên cứu đề cập trực tiếp về việc nghiên cứu thực trạng, các nguyên tắc, biện pháp, vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với môn học này. Ở khía cạnh phương pháp dạy học, tiêu biểu có công trình của tác giả Đặng Thị Mai có tên là Phương pháp thảo luận nhóm trong môn tư tưởng Hồ Chí Minh theo định hướng phát triển năng lực ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay [1], phân tích thực trạng và đề xuất nguyên tắc, quy trình, biện pháp thảo luận nhóm trong dạy học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở khía cạnh nghiên cứu nội dung, đã có một số công trình, bài nghiên cứu bàn về các tác phẩm của Hồ Chí Minh nhưng chỉ dừng ở việc giới thiệu toàn văn tác phẩm hoặc phân tích nội dung một tác phẩm nào đó của Hồ Chí Minh. Công trình do cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (chủ biên) có tên là Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam đã nghiên cứu rất công phu về các giá trị cốt lõi trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí các tác giả dành cả 1 chương (chương VIII) đề cập và khẳng định phương pháp luận Hồ Chí Minh “đã đạt đến trình độ mới…trở thành người kế tục hiếm hoi những nhà sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng trong thời đại mới” [2], nhưng cũng chưa hề nhắc tới vấn đề phương pháp luận tác phẩm Hồ Chí Minh. Công trình do tác giả Đặng Xuân Kì (chủ biên) có tên gọi là Phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh cũng là một tác phẩm có tầm vóc lớn khi nghiên cứu và khẳng định hệ thống phương pháp Hồ Chí Minh đã trở thành “bài học, là chuẩn mực cho xây dựng phong cách cán bộ cách mạng, bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau”[3] nhưng cũng chưa đề cập đến cụ thể về phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh trên cơ sở trang bị phương pháp luận tác phẩm Hồ Chí Minh. Công trình đặt nền móng cho việc nghiên cứu phương pháp luận dạy học và nghiên cứu tác phẩm Hồ Chí Minh là cuốn Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh do tác giả Song Thành (chủ biên), xuất bản năm 1997. Trong công trình này, nhóm tác giả có dành gần 20 trang trong tổng số 333 trang đề cập đến vấn đề “Phương pháp văn bản học” trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh, khẳng định “các văn bản của Người thể hiện một cách chân thực và rõ rang những nội dung, đặc điểm cơ bản của một thời kì bão táp cách mạng của dân tộc ta và của nhân loại trong thế kỉ XX” [4]. Do đó, kế thừa ở mức độ nhất định những cách tiếp cận khác nhau của giới nghiên cứu về Hồ Chí Minh và để nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên chuyên ngành Giáo dục Chính trị qua chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh, cần thiết phải đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các giải pháp trang bị một hệ thống phương pháp luận, đáp ứng những yêu cầu trong đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam trong thế kỉ XXI. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Sự cần thiết của vấn đề nâng cao chất lượng dạy học chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh cho sinh viên ngành Giáo dục Chính trị trong giai đoạn hiện Chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong khung chương trình ngành Giáo dục Chính trị ở hệ thống các trường sư phạm cả nước như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Tây Bắc… Trong khung chương trình ngành Giáo dục Chính trị của Trường Đại học Sư phạm Huế, chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh được đặt tên với tên gọi “Giới thiệu một số tác phẩm Hồ Chí Minh”, mã môn GDCT3572 với thời lượng 2 tín chỉ. Ở trường Đại học Tây Bắc, học phần chuyên môn này có tên “Một số tác phẩm Hồ Chí Minh”, thời lượng 2 tín chỉ. Ở trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh, mã môn Poli1431 được thiết kế với thời lượng 2 tín chỉ nhằm mục tiêu hình thành phẩm chất, năng lực chung và năng lực chuyên môn cho người học 139
  3. Nguyễn Thị Thanh Tùng dựa trên tìm hiểu nội dung 6 tác phẩm: Báo cáo Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì; Bản án chế độ thực dân Pháp; Đường kách mệnh; Tuyên ngôn độc lập; Sửa đổi lối làm việc và Di chúc. Tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong khung chương trình cử nhân ngành Giáo dục Chính trị, chuyên ban Lịch sử Đảng – Tư tưởng Hồ Chí Minh, môn học hay còn gọi chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh được xây dựng với thời lượng 2 tín chỉ, tương ứng với 30 tiết với mục tiêu chủ yếu dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ trong đó nhấn mạnh một trong những chuẩn đầu ra của sinh viên là hình thành “phẩm chất cơ bản của người giáo viên nhân dân: thấm nhuần thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu nghề và có trách nhiệm cao với nghề nghiệp, có đạo đức tốt, lối sống và tác phong mẫu mực” [5]. Môn học có mối quan hệ mật thiết với các chuyên đề như chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyên đề Phương pháp dạy học Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh – Di sản của thời đại. Tất cả các vấn đề về nghiên cứu, học tập và giảng dạy về con người, sự nghiệp, đóng góp và di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và nhân loại phần lớn phải xuất phát từ chính các tác phẩm, bài viết, bài diễn văn do chính Người viết, soạn thảo. Qua từng bài viết, tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh như Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam (1919), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường cách mệnh (1927), Chính cương vắn tắt, Sách lược văn tắt (1930), Tuyên ngôn độc lập (1945), Sửa đổi lối làm việc (1947), Dân vận (1949), Thường thức chính trị (1949), Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê nin (1960), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969), Di chúc (1969)… trải đều trong cuộc đời, sự nghiệp của Người đã cho những người đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, giảng dạy, học tập về Tư tưởng Hồ Chí Minh một cách tiếp cận trọn vẹn nhất, khách quan nhất, chân thực nhất về quá trình chuyển biến ngoạn mục quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh, từ sự ươm mầm hoài bão lớn (trước năm 1911), ra đi tìm đường cứu nước, khảo sát và tìm thấy con đường cứu nước (1911-1920), hình thành về cơ bản các quan điểm về cách mạng Việt Nam và thuộc địa (1921-1930), vượt qua phong ba, bão táp, khó khăn dồn dập để kiên định với con đường Người đã sáng suốt đi theo (1930-1945) và giai đoạn tư tưởng của Hồ Chí Minh được tiếp tục phát triển, bổ sung, hoàn thiện qua hơn một năm xây dựng, bảo vệ chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ (1945-1969). Do đó, muốn tìm hiểu bản chất tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh qua chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh, để nhận thấy cả cái “vừa rất giản dị vừa rất uyên bác” [6], để so sánh được sự giống và khác giữa văn bản gốc tác phẩm với các thành tựu của giới nghiên cứu, người dạy và người học trước hết phải đọc, tìm hiểu chính nguyên tác của tác phẩm Hồ Chí Minh. Từ đó tìm ra những điểm đặc sắc ẩn chứa trong từng tác phẩm cũng như bước phát triển toàn diện và sâu sắc tư tưởng của Người ở tác phẩm về sau so với tác phẩm trước đó. Điều này chỉ có thể giải quyết trên phương diện phương pháp luận và phương pháp dạy học Tác phẩm Hồ Chí Minh. Trong những năm vừa qua, thực trạng dạy học chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh có những chuyển biến trong nhận thức về mục tiêu môn học, về nội dung môn học, về đội ngũ giảng viên và tình hình giảng dạy, về đội ngũ người học (sinh viên) và thực trạng học, vấn đề kiểm tra, đánh giá… đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới toàn bộ các vấn đề liên quan tới chất lượng dạy học môn học. Đối với vấn đề nhận thức mục tiêu của môn học, trong khung chương trình đào tạo tín chỉ, mục tiêu đối với chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh hiện nay được thiết kế theo mục tiêu định hướng nội dung, tập trung nhiều vào ba tiêu chí kiến thức, kĩ năng, thái độ. Mặc dù đã có sự thay đổi so với đào tạo theo hình thức niên chế (mục tiêu giáo dưỡng, giáo dục, phát triển), song việc xác định mục tiêu như vậy ảnh hưởng tới chính việc lựa chọn phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá đối với chuyên đề. Sinh viên hoàn thành môn học khi đạt được các chuẩn đầu ra, trong đó quan trọng hàng đầu là chuẩn về kiến thức. Nguyên nhân của vấn đề 140
  4. Sự cần thiết và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyển đề Tác phẩm Hồ Chí Minh… xuất phát từ nhận thức còn mang nặng tính hàn lâm của người dạy đối với các môn học thuộc khoa học lí luận chính trị. Sinh viên nắm được hoàn cảnh ra đời, nội dung cơ bản và ý nghĩa của một số tác phẩm tiêu biểu do Hồ Chí Minh soạn thảo. Tìm hiểu tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), người đọc đã phần nào hình dung được tội ác của chính quyền thuộc địa Pháp đối với nhân dân Đông Dương và nhân dân các thuộc địa của Pháp trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, tôn giáo… Tìm hiểu tác phẩm Đường kách mệnh (1927), sinh viên biết được các vấn đề cơ bản của cách mạng thuộc địa được Nguyễn Ái Quốc nêu bật trong toàn bộ tác phẩm (tính chất cách mạng, mục tiêu cách mạng, lãnh đạo cách mạng, lực lượng cách mạng, mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc với cách mạng thuộc địa…). Về nội dung chương trình: chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh đã cung cấp những tri thức quan trọng giúp cho sinh viên chuyên ban Lịch sử Đảng – Tư tưởng Hồ Chí Minh về hoàn cảnh, nội dung cơ bản, giá trị của một số tác phẩm cụ thể trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Các tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí Minh được đưa vào nội dung chương trình chuyên đề bao gồm các tác phẩm sau: Thứ nhất: Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925); Thứ hai: Tác phẩm Đường kách mệnh (1927); Thứ ba: Tác phẩm Tuyên ngôn độc lập (1945); Thứ tư: Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947); Thứ năm: Tác phẩm Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin (1960); Thứ sáu: Tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969); Thứ bảy: Tác phẩm Di chúc (1969). Mặc dù các tác phẩm nói trên đã lột tả một số nội dung cơ bản trong quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam “từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa” [7], những vấn đề về đạo đức cách mạng và biện pháp khắc phục những sai lầm, khuyết điểm trong lề lối làm việc, phong cách lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên, về quá trình tự nhận thức của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin… nhưng nội dung các tác phẩm chưa phản ánh được tính toàn diện, hệ thống như kết quả của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về di sản tư tưởng, tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Việc lược bớt những tác phẩm trùng chủ đề và bổ sung các tác phẩm mới trong nội dung chương trình là rất cần thiết. Về thực trạng dạy học, chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh là một trong những chuyên đề đặc thù bởi hoạt động dạy học được tiến hành dựa trên tư liệu gốc là các tác phẩm của Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, người dạy và người học đều là giảng viên và sinh viên thuộc các trường sư phạm, do đó yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm đều khá cao. Đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy Tác phẩm Hồ Chí Minh qua khảo sát 100% có học vị tiến sĩ, được đào tạo bài bản, có năng lực giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học và luôn tiên phong, chủ động tìm kiếm những phương pháp dạy học mới nhằm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của sinh viên. Sự kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống theo hướng tích cực hoá (phương pháp thuyết trình) kết hợp với phương pháp, phương tiện dạy học hiện đại (phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp dạy học nêu vấn đề…) đã thực sự lôi cuốn và phát huy tính tích cực, tự lực học tập, đam mê của sinh viên đối với việc đọc, phân tích, đánh giá giá trị tác phẩm. Từ đó vận dụng vào nhận thức, hành động, ứng xử của bản thân trong công việc, lối sống, nêu gương cho gia đình, cộng đồng. Qua khảo sát hai nhóm (nhóm sinh viên chuyên ban Lịch sử Đảng – Tư tưởng Hồ Chí Minh K64 ngành Giáo dục Chính trị với 33 sinh viên năm học 2017-2018 và nhóm sinh viên chuyên ban Lịch sử Đảng – Tư tưởng Hồ Chí Minh K65 ngành Giáo dục Chính trị với 23 sinh viên năm học 2018-2019 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), cùng nội dung là tác phẩm Đường kách mệnh (1927), giáo viên chỉ yêu cầu sinh viên làm sáng tỏ nội dung tác phẩm và sử dụng phương pháp thuyết trình truyền thống. Kết quả cho thấy, sinh viên ghi và nắm được những luận điểm cơ bản 141
  5. Nguyễn Thị Thanh Tùng về con đường, phương hướng và những nhân tố đảm bảo cho cách mạng vô sản ở thuộc địa giành thắng lợi, song mức độ hứng thú, sự khắc sâu kiến thức và mong muốn vận dụng vào thực tiễn chưa cao. Ngược lại, khi giảng viên thay đổi yêu cầu và phương pháp dạy học đối với tác phẩm Đường kách mệnh (1927), cụ thể: Thứ nhất: Yêu cầu sinh viên đọc tác phẩm và tóm tắt được tác phẩm trước khi đến lớp; Thứ hai: Yêu cầu sinh viên chỉ sử dụng toàn văn tác phẩm, vở ghi, giấy nháp, bút màu khi học trên giảng đường (trừ nhóm được giao nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo chủ đề); Thứ ba: Giao chủ đề của tác phẩm cho một nhóm, yêu cầu thiết kế powerpoint kết hợp với sử dụng trò chơi, lôi kéo sự tham gia và hứng thú của người học (chủ đề: vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam được thể hiện như thế nào trong tác phẩm); nhóm chủ trì có thể giao cho mỗi nhóm nhỏ hơn dùng bút màu thiết kế các luận điểm nhỏ trong chủ đề đó và báo cáo kết quả trước lớp. Các trò chơi có thể thiết kế trong toàn bộ quá trình thảo luận, xêmina hoặc sử dụng để đánh giá kết quả sự tương tác giữa nhóm chủ trì với các nhóm lắng nghe ở trong lớp. Thứ tư: Giảng viên vừa định hướng sinh viên tổng kết, đánh giá chủ đề vừa đặt tiếp câu hỏi nêu vấn đề “Theo các anh (chị), ngoài nội dung chính đề cập đến những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam nêu trên, tác phẩm Đường kách mệnh (1927) còn có nội dung đặc sắc, rất quan trọng nào không?”. Giảng viên gợi ý sinh viên xem lại nguyên tác tác phẩm, kích thích óc sáng tạo của người học để tự khám phá ra một nội dung rất giá trị khác của tác phẩm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nằm ngay ở phần đầu của tác phẩm, đó là luận điểm “Đường kách mệnh – Bản tuyên ngôn về nhân cách, tư cách, phẩm giá của người cán bộ cách mạng” (biểu hiện ở các tiêu chí đối với mình, đối với người, đối với công việc) [8]. Do đó, với việc chủ động đổi mới về phương pháp dạy học và những kết quả tích cực bước đầu đã cho thấy tính khả thi trong thực tiễn của việc thay đổi phương thức, phương tiện dạy học chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh. Mục tiêu nhằm định hướng, dạy cách khám phá, phương pháp luận tìm hiểu, nghiên cứu tác phẩm Hồ Chí Minh chứ không đơn thuần dạy nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong cả hoạt động dạy học chuyên đề tác phẩm Hồ Chí Minh như tình trạng người dạy duy trì kiểu dạy truyền thống (thầy đọc, trò chép), dạy tác phẩm nhưng không yêu cầu người học bắt buộc phải đọc toàn văn tác phẩm, dạy chuyên đề tác phẩm nhưng không có phần “lí luận chung về dạy học tác phẩm Hồ Chí Minh” mà đi thẳng vào nội dung từng tác phẩm. Một bộ phận sinh viên vẫn chưa thực sự chủ động, tự lực trong học tập, chưa tích cực trong các giờ thảo luận, thể hiện thái độ học tập mang tính đối phó, học chủ yếu để làm bài kiểm tra, làm bài thi cho đủ điểm qua được học phần… Điều đó dẫn đến một số sinh viên rơi vào tình trạng chỉ nắm được những nội dung thầy cung cấp, tìm hiểu nội dung qua các nguồn tham khảo trên internet, lười đọc nguyên tác, học với mục đích thi qua… ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển nhân cách, phẩm chất và năng lực của người giảng viên lí luận chính trị tương lai. Dạy học Tác phẩm Hồ Chí Minh là một vấn đề khó trong các mạch của chương trình đào tạo cử nhân ngành Giáo dục Chính trị ở các trường sư phạm. “Giáo dục của thế kỉ XXI là nền giáo dục tạo ra những sản phẩm ít về số lượng nhưng chất lượng được nâng cao” [9]. Trước những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học trong tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tổng kết những kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT- TW (năm 2002), định hướng cho công tác tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục lí luận chính trị qua trong đó có học phần Tác phẩm Hồ Chí Minh dưới nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. 2.2. Đề xuất định hướng giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực Con người, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là sự kết tinh trọn vẹn những giá trị truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam với sự tiếp thu, chắt lọc tinh hoa giá trị văn 142
  6. Sự cần thiết và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyển đề Tác phẩm Hồ Chí Minh… hoá phương Đông, phương Tây, là sự hi sinh trọn vẹn cả cuộc đời cho dân, cho nước, là biểu tượng cao nhất của một tấm gương một con người với vẻ ngoài giản dị, đời thường nhưng tầm vóc vô cùng vĩ đại. Mỗi một tác phẩm của Người để lại cho thế hệ sau luôn ẩn chứa trí tuệ, tư duy, tình cảm, phong cách… qua mỗi đoạn đường hoạt động cách mạng. Nhận diện về các bài viết, tác phẩm của Hồ Chí Minh cần thiết phải có một phông văn hoá rộng và phải có “độ chín” về năng lực và phẩm chất. Do đó, để có thể nâng cao được chất lượng dạy học Tác phẩm Hồ Chí Minh đối với sinh viên ngành Giáo dục Chính trị trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học hiện nay theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời khắc phục những hạn chế đang tồn tại của thực trạng dạy học của môn học này trong nhà trường sư phạm, mỗi cán bộ, giảng viên và các cấp quản lí cần thực hiện đồng bộ các định hướng giải pháp sau: Một là dạy học Tác phẩm Hồ Chí Minh phải dựa trên tác phẩm, tư liệu gốc do Hồ Chí Minh biên soạn kết hợp với các thành tựu khoa học nghiên cứu về Hồ Chí Minh từ góc nhìn phương pháp luận tác phẩm. Sinh viên chuyên ngành Giáo dục Chính trị đều đang ở độ tuổi còn rất trẻ (22 tuổi) và thói quen trong văn hoá đọc tư liệu, tác phẩm gốc còn hạn chế so với thói quen tìm kiếm tư liệu trên Internet, thậm chí chưa từng đọc trọn vẹn một tác phẩm của Hồ Chí Minh. Do đó, muốn đổi mới chất lượng dạy học môn học này, trước hết phải để người học tiếp cận với Hồ Chí Minh toàn tập, trọn bộ 15 tập do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2011. Thậm chí với sinh viên có thế mạnh sử dụng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, người dạy có thể định hướng người học tiếp xúc với các văn bản gốc được Hồ Chí Minh viết bằng các thứ tiếng này. Muốn nghiên cứu về Hồ Chí Minh “trước hết phải xuất phát từ vǎn kiện, tác phẩm của Người. Nếu chỉ cǎn cứ vào sự thông hiểu của người đọc, thì như trên đã nói, đối với các mệnh đề kinh điển, mỗi người có thể hiểu khác nhau, thậm chí rất xa nhau. Vì vậy, để không rơi vào gán gép tuỳ tiện, thêu dệt chủ quan thì phải bám vào vật liệu khách quan, vào ngôn ngữ của vǎn bản đã biểu đạt cái tư tưởng vốn có của vĩ nhân. Đây là nguyên tắc đầu tiên, Trước nhất, tuy không phải là duy nhất” [10]. Hai là phải đổi mới nhận thức về mục tiêu của môn học, kích thích tâm lí thích học, muốn học và nghiên cứu về tác phẩm Hồ Chí Minh trong sinh viên chuyên ngành. Đổi mới việc xác định mục tiêu môn học phải tuân thủ theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học thay vì chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức, kĩ năng một cách cơ học như giai đoạn trước đây. Cụ thể trong dạy học Tác phẩm Hồ Chí Minh, những năng lực sẽ được hình thành ở đây đó là: năng lực giải quyết vấn đề; năng lực tự học và sáng tạo, năng lực làm việc nhóm; năng lực tư duy phản biện, năng lực vận dụng thực tiễn…Về mặt phẩm chất, mỗi tác phẩm của Hồ Chí Minh đều toát lên sức lan toả về phẩm chất của Người là về tấm gương đạo đức, tình yêu thương con người, sống có tình có nghĩa, về cách ứng xử một cách hài hòa, biết sống yêu thương và sống có trách nhiệm trong học tập, công việc và cuộc sống. Riêng đối với sinh viên sư phạm, qua việc học tập, tìm hiệu các Tác phẩm của Hồ Chí Minh còn giúp cho sinh viên hình thành được những năng lực sư phạm, những phẩm chất đạo đức của một người thầy cần phải có, từ đó không ngừng hoàn thiện năng lực và phẩm chất của bản thân để vận dụng tốt vào thực tiễn. Ba là phải đổi mới nội dung của môn học, đảm bảo tính toàn diện, đa dạng chủ đề khi tìm hiểu tác phẩm Hồ Chí Minh. Số lượng các tác phẩm của Hồ Chí Minh trong chương trình đào tạo sinh viên ngành Giáo dục Chính trị hiện nay mới dừng ở 8 tác phẩm tiêu biểu nhưng chưa phản ánh hết tính toàn diện trong quan điểm của Người. Do đó, đổi mới và phát triển nội dung chương trình cần thiết phải gắn với việc lựa chọn tác phẩm điển hình theo từng chủ đề về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về xây dựng hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận); về văn hoá, đạo đức và xây dựng con người mới; về quân sự và chủ quyền lãnh thổ; về ngoại giao... Mỗi một tác phẩm theo chủ đề sẽ góp phần giúp sinh viên có được phương pháp luận tiếp cận nội dung tác phẩm của Hồ Chí 143
  7. Nguyễn Thị Thanh Tùng Minh và vận dụng vào nhận thức các vấn đề của đất nước và nhân loại trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay. Bốn là phải đổi mới phương pháp dạy học môn học. Giáo dục đại học Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học ở các nhà trường sư phạm đang trong quá trình đổi mới, hội nhập với khu vực và thế giới. Tuy là một khoa học đặc thù, vừa mang tính chất giáo dục lí luận, giáo dục chính trị, tư tưởng, vừa tính chất đào tạo các giảng viên, giáo viên giảng dạy các khoa học lí luận chính trị, song để nâng cao chất lượng dạy học, gia tăng hứng thú của người học, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết. Đổi mới phương pháp dạy học thể hiện ở việc người dạy phải yêu cầu sinh viên đọc toàn văn tác phẩm trước khi đến lớp, phải tích cực hoá các nhóm phương pháp dạy học truyền thống, phải tăng cường các phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại để phát triển tính tích cực của người học. Bên cạnh các phương pháp dạy học cơ bản như thuyết trình, thảo luận nhóm, cần bổ sung các kĩ thuật dạy học tích cực, kích thích sự tò mò, hứng thú của sinh viên như sử dụng câu hỏi tình huống có vấn đề; kĩ thuật “trạm”; phương pháp động não và kĩ thuật KWLH; phương pháp WebQuest; kĩ thuật khăn trải bàn; kĩ thuật XYZ; sơ đồ tư duy. Để các kĩ thuật và biện pháp này kết hợp có hiệu quả trong dạy học Tác phẩm Hồ Chí Minh cho sinh viên ngành Giáo dục Chính trị thì người giảng viên cần nắm vững ưu, nhược điểm của các phương pháp, kĩ thuật dạy học, thực hiện công tác chuẩn bị thật sự kĩ lưỡng để đảm bảo mang đến một giờ giảng hấp dẫn, hiệu quả. Năm là phải đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá học phần. Hiện nay, với khối lượng 2 tín chỉ, việc đánh giá người học chủ yếu dựa trên điểm trung bình của ba tiêu chỉ: điểm chuyên cần (10%), điểm kiểm tra giữa kì (30%) và điểm bài kiểm tra cuối học phần (60%). Hình thức bài kiểm tra cuối kì (60%) là tự luận trong thời gian 60 phút với hai câu hỏi chưa thể hiện hết bản chất của đánh giá định hướng phẩm chất, năng lực người học. Do đây là môn học với đặc thù là nghiên cứu, tìm hiểu tác phẩm của Hồ Chí Minh nên vấn đề kiểm tra đánh giá có thể lựa chọn một trong hai hình thức: Thứ nhất, bài kiểm tra cuối học phần bao gồm cả câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận; Thứ hai, đánh giá thông qua bài tiểu luận dưới hình thức lựa chọn, phân tích tác phẩm Hồ Chí Minh theo chủ đề như tác phẩm Hồ Chí Minh về “vấn đề chủ quyền lãnh thổ” [11], về “tầm vóc Cách mạng Tháng Mười Nga” [12]…và vận dụng để nhận diện các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội, văn hoá của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Như vậy, việc đề xuất các hướng giải pháp mang tính toàn diện và đồng bộ sẽ góp phần khẳng định hơn nữa giá trị và sức sống trường tồn của các tác phẩm, bài viết do Hồ Chí Minh biên soạn trong lòng nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam, thế hệ thanh niên Việt Nam, trong đó có sinh viên ngành Giáo dục Chính trị. Trên cơ sở đó “tạo lập một khung định hướng, hệ thống, trình tự các vấn đề và gợi mở những điểm cốt yếu nhất để nâng cao hơn nữa chất lượng học tập các chương trình lí luận chính trị” [13] thuộc khoa học Mác – Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh tại các trường đại học, cao đẳng. 3. Kết luận Cuộc đời, sự nghiệp, di sản tư tưởng Hồ Chí Minh là một dấu ấn hội tụ cho sự kết tinh đỉnh cao trí tuệ, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dạy học về Hồ Chí Minh, tác phẩm Hồ Chí Minh là sự truyền tải mang tính toàn diện, hệ thống con người Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh (nội dung nghiên cứu), đòi hỏi sự tổng hoà cả phương pháp liên ngành và phương pháp chuyên ngành (phương pháp nghiên cứu) dựa trên các nguồn tư liệu chính thống, khoa học, đặc biệt là tác phẩm Hồ Chí Minh. Ẩn sâu sau mỗi bài viết, tác phẩm của Người là một giá trị lớn của một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam. 144
  8. Sự cần thiết và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyển đề Tác phẩm Hồ Chí Minh… Vấn đề đánh giá đúng thực trạng và đề xuất một số định hướng giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyên đề Tác phẩm Hồ Chí Minh góp phần quan trọng vào việc thực hiện đổi mới công tác giáo dục lí luận chính trị, thực hiện tốt một trong sáu chuyên đề trọng điểm của Đảng theo Hướng dẫn số 45 (ngày 1/9/2017) của Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu chuẩn năng lực và phẩm chất của sinh viên ngành Giáo dục chính trị các trường sư phạm đáp ứng nguồn cung ứng giảng viên lí luận chính trị trẻ chất lượng, phù hợp với sự thay đổi cấu trúc chương trình các môn khoa học Mác- Lê nin chính thức được áp dụng ở hệ thống giáo dục đại học từ năm học 2018-2019. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đặng Thị Mai, 2018. Phương pháp thảo luận nhóm trong môn tư tưởng Hồ Chí Minh theo định hướng phát triển năng lực ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay, Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, Lưu tại Trung tâm thông tin thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [2] Võ Nguyên Giáp, Chủ biên, 2000. Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.294. [3] Đặng Xuân Kì, 1995. Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác -Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.5. [4] Song Thành, chủ biên, 1997. Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.302. [5] Chuẩn đầu ra ngành Giáo dục Chính trị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nguồn:http://hnue.edu.vn/Daotao/Chuandaura/DaihocvaCaodang/tabid/423/StdId/10/Default.asp. [6] Đào Phan, 1989. Hồ Chí Minh danh nhân văn hoá. Nxb Văn hoá, Hà Nội, tr.37. [7] Bộ Giáo dục và đào tạo, 2017. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.8. [8] Nguyễn Thị Thanh Tùng, 2017. Đường kách mệnh- Bản tuyên ngôn về nhân cách, phẩm giá của người cán bộ cách mạng, Kỉ yếu Hội thảo khoa học Giá trị bền vững của tác phẩm Đường kách mệnh với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tại Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, tr.147-156. [9] John Vũ, 2016. Giáo dục trong thời đại tri thức. Nxb Lao động, Hà Nội, tr.132. [10] Song Thành, chủ biên, 1997. Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.97. [11] Nguyễn Thị Thanh Tùng, 2016. Tích hợp nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo trong giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường Đại học, Cao đẳng, Kỉ yếu Hội thảo quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy các môn Lí luận Chính trị trong xu thế hội nhập”. Nxb Lí luận chính trị, Hà Nội, tr.242-248. [12] Nguyễn Thị Thanh Tùng, 2017. Tìm hiểu tầm vóc của Cách mạng Tháng Mười Nga qua các tác phẩm của Hồ Chí Minh, Kỉ yếu Hội thảo quốc tế “100 years of real socialism and the theory of post-capitalist civilization”, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Metropolian Autonomous (Mexico), Quỹ Nafoted và Tổ chức World Advanced Science Reseach Project phối hợp tổ chức, Hà Nội, tr.517-525. [13] Ban Tuyên giáo Trung ương, 2018. Hướng dẫn thực hiện các chuyên đề giáo dục lí luận chính trị. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.6. 145
  9. Nguyễn Thị Thanh Tùng ABSTRACT Solutionsand orientations ofimproving teaching quality of theme of Ho Chi Minh’s worksfor students of political education in the current pedagogical schools Nguyen Thi Thanh Tung Faculty of Political Theory – Citizenship Education, Hanoi National University of Education The theme of Ho Chi Minh’s worksis one of the compulsory subjects for fourth year students of the Party History Committee – Ho Chi Minh ideology, Political Education of the National University of Education on a national scale. In the recent years, although the curriculum distribution structure is for the science ofPolitical Theory, including the subject of Ho Chi Minh’s works have changed, however, the quality assurance of teaching problems based on the source material is Ho Chi Minh’s works and articles remain one of the lasting solutions for researchers, Teachers, students and students can access the most appropriate way about people, life, career, heritage and values of Ho Chi Minh. Proposed solutions to improve the quality of teaching andstudying Ho Chi Minh’s works, especially the comprehensive works refers to the fundamental problems of the revolution in Vietnam is important, quality practical training to students of Political Education in particular, quality teaching faculty, research heritage Ho Chi Minh ideology in schools in general. Keywords: Ho Chi Minh, Ho Chi Minh’s works, renovative methods, specialized works. 146
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0