intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sử dụng đất đai hợp lý trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

6
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở tìm hiểu các nguyên nhân khách quan và chủ quan của những bất cập đó, tác giả kiến nghị một số giải pháp sử dụng hợp lý đất đai trong điều kiện phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sử dụng đất đai hợp lý trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

  1. SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI HỢP LÝ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH Ở VIỆT NAM ThS. Đỗ Thị Khánh Nguyệt Trường Đại học Hải Phòng Email: nguyetdtk@dhhp.edu.vn Tóm tắt: Phát triển kinh tế xanh đòi hỏi phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai một cách hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc sử dụng tài nguyên đất ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Trên cơ sở tìm hiểu các nguyên nhân khách quan và chủ quan của những bất cập đó, tác giả kiến nghị một số giải pháp sử dụng hợp lý đất đai trong điều kiện phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay. Từ khóa: Phát triển kinh tế xanh, sử dụng đất đai hợp lý. REASONABLE LAND USE IN GREEN ECONOMIC DEVELOPMENT IN VIETNAM Abstract: Developing a green economy requires the rational and efficient use of natural resources, especially land. Besides the achievements, the use of land resources in Vietnam still has many shortcomings. On the basis of understanding the objective and subjective causes of those inadequacies, the author recommends some solutions for rational use of land in the context of green economic development in Vietnam today. Keywords: Green economic development, rational land use. 1. Đặt vấn đề Mô hình kinh tế xanh là lựa chọn đúng đắn và lâu dài nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững”, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Kinh tế xanh có nội dung rộng lớn, biểu hiện trên các lĩnh vực như nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, kiến trúc xây dựng, tài nguyên môi trường, du lịch dịch vụ và các lĩnh vực khác. Trong phạm vi bài viết của mình, tác giả tập trung nghiên cứu quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về sử dụng hợp lý tài nguyên đất, đặc biệt là đất nông nghiệp; đánh giá thành tựu và hạn chế của việc sử dụng đất trong thời gian qua ở nước ta. Khắc phục và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường cần tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng tài nguyên đất; quy hoạch đất đai, đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất; sử dụng hợp lý đất đai dựa trên đặc tính riêng của từng vùng đất; đổi mới kỹ thuật canh tác, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người... Với các giải pháp tổng thể đó, Việt Nam sẽ nhanh chóng chuyển đổi thành công mô hình 446
  2. kinh tế, phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. 2. Tổng quan nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan nghiên cứu Theo Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc - 2010, kinh tế xanh (Greeen Economic) là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời, chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Kinh tế xanh là những hoạt động kinh tế sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị ích lợi, bảo đảm công bằng xã hội, nhằm phát triển cuộc sống của con người. Kinh tế xanh và phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu phát triển bền vững là mục tiêu dài hạn quan trọng của mỗi quốc gia, thì xanh hóa nền kinh tế là phương tiện để mỗi quốc gia đạt tới đích phát triển bền vững. Kinh tế xanh được phân loại thành nhiều nhóm như tăng trưởng xanh, việc làm xanh, kinh tế sinh thái... được biểu hiện trên các lĩnh vực như nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, kiến trúc xây dựng, tài nguyên môi trường, du lịch dịch vụ và các lĩnh vực khác. Phát triển kinh tế xanh có ý nghĩa to lớn, bởi nó tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và khắc phục tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường. Mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đã được đề cập khá sớm tại Việt Nam. Ngay từ những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt từ khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nhấn mạnh gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo. Nhiều định hướng, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh đã được ban hành tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể chế hóa tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước”[3; tr.110], bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” [3; tr.117]. Ngày 1-10-2021, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai 447
  3. đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược này nhằm góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, vừa thịnh vượng kinh tế, vừa bền vững môi trường và công bằng xã hội. Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là lựa chọn tất yếu đối với Việt Nam, đồng thời là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Một trong những nội dung quan trọng của kinh tế xanh là sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái, đặc biệt là sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Tầm quan trọng của tài nguyên đất đai Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá của mỗi quốc gia, có vai trò quyết định đến sự tồn vong của mỗi quốc gia nói riêng, của xã hội loài người nói chung. Khi đánh giá vai trò của đất đai, C.Mác khẳng định: “Đất đai là tài sản mãi mãi với loài người, là điều kiện để sinh tồn, là điều kiện không thể thiếu được để sản xuất, là tư liệu sản xuất cơ bản trong nông, lâm nghiệp”[2; tr.612]. Điều 54 Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”[6]. Đất đai là môi trường sống, điều kiện cho sự sống của động thực vật và con người trên trái đất; là cơ sở tiến hành mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu không có đất đai thì rõ ràng không có bất kỳ một ngành sản xuất nào, một quá trình lao động sản xuất nào. Đất đai tham gia vào tất cả các ngành sản xuất vật chất của xã hội. Với ngành nông nghiệp đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, một trong những nguồn lực quan trọng cho chiến lược phát triển nền nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế quốc gia nói chung. Với ngành công nghiệp - dịch vụ, đất đai là địa điểm để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Với ngành vật liệu xây dựng, đất đai là nguyên liệu đầu vào rất quan trọng, là mặt bằng không thể thiếu được và cũng không gì thay thế được... Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của đất đai, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết chỉ đạo việc sử dụng tài nguyên đất một cách hiệu quả. Quan điểm chỉ đạo, định hướng chính sách, pháp luật về đất đai được xác định trong Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX. Ngày 31/10/2012, Hội nghị Trung ương 6 khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Hội nghị đánh giá những thành tựu nước ta đã đạt được sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục như: công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất đai, Luật Đất đai 448
  4. năm 2013 nêu rõ: Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng. Trải qua nhiều thế hệ nhân dân ta đã tốn bao công sức, xương máu mới tạo lập, bảo vệ được vốn đất đai như ngày nay [7]. Vì vậy, để bảo vệ quỹ đất quốc gia, quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2013 đã đưa ra những nguyên tắc sử dụng đất bắt buộc phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc. Chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu: “Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên trọng tâm là đất đai”[3; tr.152]. Nhằm cụ thể hóa hơn nữa định hướng chính trị của Đảng trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18- NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và là nguồn lực của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”[10]. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện bài viết này, tác giả đã tiến hành nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng kinh tế xanh, vai trò của đất đai, giải pháp định hướng việc sử dụng đất đai ở Việt Nam; đồng thời thu thập các dữ liệu thứ cấp từ các công trình nghiên cứu, sách, báo, tạp chí liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Trên cơ sở đó, tác giả phân tích, tổng hợp, trình bày theo tư duy logic của mình về việc sử dụng đất đai hợp lý trong điều kiện phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay. 3. Kết quả nghiên cứu Tình hình sử dụng tài nguyên đất đai ở Việt Nam Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân thành ba loại: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng (gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định 2908/QĐ-BTNMT về tình hình đất đai ở Việt Nam. Cụ thể, tổng diện tích tự nhiên (tính đến ngày 31/12/2018) trên cả nước là 33.123.597 ha, bao gồm: Diện tích nhóm đất nông nghiệp: 27.289.454 ha; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp: 3.773.750 ha; diện tích nhóm đất chưa sử dụng: 2.060.393 ha. Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc sử dụng tài nguyên đất đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng. Các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện thẩm quyền quản lý đất đai của mình trên cơ sở quy định của pháp luật. Các chính sách đất đai bước đầu phát huy tác dụng, đất đai được sử dụng ngày càng có hiệu quả, tiết kiệm hơn, tiềm năng đất đai đã được khai thác phục vụ 449
  5. cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Trên địa bàn nông thôn đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở được quản lý chặt chẽ đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống của người nông dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác quy hoạch, thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng về việc chuyển nhượng, giao dịch đất được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng đất vào các hoạt động sản xuất kinh doanh được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững gắn với quyền và lợi ích của người dân. Những năm qua, do nhu cầu về đất ở của người dân tăng cao, nhiều địa phương đã chủ động lập quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất... Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022: nguồn thu từ đất đạt 172.250 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa, gấp 3,5 lần so với năm 2015 [1]. Thông qua nguồn thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng khá lớn, tạo nguồn lực đầu tư phát triển, nhiều khu dân cư, khu đô thị mới hình thành, giúp người dân giải quyết vấn đề nhà ở, tạo diện mạo văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế, bất cập trong quản lý và sử dụng đất, nguồn lực về đất đai phát huy chưa đúng tiềm năng như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Khai thác tài nguyên thiếu bền vững, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao, chưa theo nguyên tắc của thị trường, nhất là đất đai. Việc khai thác, sử dụng, định giá đất còn nhiều hạn chế, chưa sát thực tế, nhất là trong vấn đề xác định thuế, địa tô, gây thất thu ngân sách nhà nước”[3; tr.73]. Đặc biệt, ở một số địa phương việc quy hoạch đất đai thiếu công khai, minh bạch; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với hoạt động quy hoạch, sử dụng đất còn yếu. Đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng suy giảm chất lượng, ô nhiễm, thoái hóa đất, xâm thực diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng về cả quy mô và mức độ; đất hoang hóa, đất trống sử dụng không đúng mục đích vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa hiệu quả, đất tự nhiên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đang có nguy cơ bị thu hẹp do việc mở rộng quỹ đất phục vụ sản xuất công nghiệp. Thị trường bất động sản về đất đai, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, chưa được kiểm soát chặt chẽ thiếu minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai chậm được giải quyết, còn kéo dài; một bộ phận cán bộ địa chính chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, nảy sinh tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ, pháp luật về đất đai còn nhiều “kẽ hở”, tạo điều kiện cho “nhóm lợi ích” trục lợi, tham nhũng, tiêu cực về đất, gây bức xúc trong nhân dân. Hiện nay, tình trạng khai thác đất trái phép vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách và làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan, mất an 450
  6. ninh trật tự, an toàn lao động, trong đó có những điểm tái diễn nhiều lần mặc dù đã được lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều địa phương quá chú trọng việc “phân lô, bán nền” để tạo nguồn thu, dẫn đến mất cân đối trong nguồn thu ngân sách, quỹ đất cạn kiệt. Việt Nam với tổng diện tích 310.060 km2 và dân số trên 99 triệu người là đất nước “đất chật, người đông”, điều kiện đất đai hạn chế, diện tích bình quân đầu người thấp. Trong nông nghiệp, tình trạng đất đai manh mún, phân tán, quy mô kinh tế hộ nhỏ bé. Ở nhiều nơi, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nhu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Nhiều nơi dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, còn để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. “Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong cả nước là 10,15 triệu ha, đất lâm nghiệp là 15,37 triệu ha và đất nuôi trồng thủy sản 712 ngàn ha, diện tích canh tác trung bình của mỗi hộ nông nghiệp chỉ khoảng 0,4 ha, chia ra thành 3-4 mảnh nhỏ” [11]. Trong thời gian qua, sản xuất hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng do quỹ đất nhỏ lẻ nên vẫn dựa trên nền tảng tiểu nông, năng suất thấp. Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường, chưa phù hợp với thực tế. Mặt khác, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thu ngân sách nhà nước. Tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai rất phức tạp; nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí lớn liên quan đến đất đai, không ít cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị xử lý, kỷ luật; tranh chấp, xung đột về đất đai có lúc, có nơi kéo dài, gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội. Nguyên nhân của thực trạng trên Về nguyên nhân khách quan Một là, với đặc điểm địa hình Việt Nam, đất đồi núi chiếm 3/4 lãnh thổ lại nằm trong vùng nhiệt đới nhiệt độ không khí cao, mưa nhiều và tập trung, các quá trình khoáng hóa diễn ra rất mạnh trong đất nên dễ bị rửa trôi, xói mòn, nghèo chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng dẫn đến thoái hóa đất. Địa hình đồi núi dốc khi đất đã bị thoái hóa rất khó có thể khôi phục lại trạng thái màu mỡ ban đầu, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Theo đánh giá của các chuyên gia, “ở Việt Nam hiện có 16,7 triệu héc-ta bị xói mòn, rửa trôi mạnh, chua nhiều, 9 triệu héc-ta đất có tầng mỏng và độ phì thấp, 3 triệu héc-ta đất thường bị khô hạn và sa mạc hóa, 1,9 triệu héc-ta đất bị phèn hóa, mặn hóa mạnh” [12]. Hai là, sự biến đổi của khí hậu gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên đất. Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương lớn bởi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo báo cáo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2020 (Global Climate Risk Index 2020) của Tổ chức Tham vấn môi trường đã chỉ ra, Việt 451
  7. Nam đứng thứ 6 trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai. Biến đổi khí hậu gây khô hạn và xâm nhập mặn làm suy giảm độ phì nhiêu của đất; độc chất tích tụ của phèn, mặn trong đất gia tăng làm cho diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp. Tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra và ngày càng nghiêm trọng, quá trình xói mòn, rửa trôi đất hay tình trạng sạt lở đất khi có mưa bão, lũ tràn về... là hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu. Việt Nam hiện có khoảng 11 triệu ha đất đang bị thoái hóa và có nguy cơ bị thoái hóa. So với đất phù sa ở khu vực đồng bằng, đất tự nhiên ở khu vực có địa hình đồi núi, sườn dốc hoặc các khu vực ven biển tốc độ thoái hóa diễn biến nhanh hơn. Ba là, quỹ đất càng ngày càng thấp và giảm theo thời gian do sức ép tăng dân số, quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Do tốc độ đô thị hoá, xây nhà ở, các khu công nghiệp và thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông... đã làm cho quỹ đất nông nghiệp ngày càng giảm. Bốn là, những di hại do chiến tranh hoá học của đế quốc Mĩ làm cho hàng triệu ha đất rừng trước đây bị tác hại của chiến tranh hoá học vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng, một phần rừng trên các diện tích đó không có khả năng tự hồi phục. Về nguyên nhân chủ quan Một là, các cấp chính quyền địa phương chưa thực hiện một cách nghiêm chỉnh về pháp luật đất đai. Cấp ủy đảng, chính quyền một số đơn vị phường, xã thiếu sự quan tâm chỉ đạo, có lúc còn buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, nhiều cán bộ khi giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai còn nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều địa phương có tình trạng tùy tiện trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển đất nước, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê, thu hồi, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường; việc thể chế hóa chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai chưa đồng bộ, nhiều lúc còn chồng chéo; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập. Do yếu tố lịch sử, nguồn gốc đất đai ở Việt Nam phức tạp, như đất tôn giáo, đất cơ sở thờ tự, đất thu hồi trong cách mạng... việc giải quyết phải hết sức khéo léo, hợp lý, nếu không dễ gây ra những bất ổn về chính trị, xã hội. Hai là, nhận thức của người dân về pháp luật đất đai còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng vi phạm như: không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Chính quyền các cấp không quản lý chặt chẽ, không xử lý nghiêm ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm về đất đai, nhất là các khu dân cư tự phát, các trường hợp phân lô, bán nền trái pháp luật, để cho tình trạng vi phạm kéo dài nhiều năm, khi xử lý gây mất trật tự an toàn xã hội. Ba là, ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực đến chất lượng đất ở nước ta. Theo thông tin từ Cục Môi trường Việt Nam, chất lượng đất ở hầu hết các khu vực đô thị đông dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường đất ở nước ta ngày càng gia tăng chủ yếu do chất thải, nước thải (phát triển công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, sinh 452
  8. hoạt, dịch vụ, y tế...) chưa được xử lý, xả thải trực tiếp vào môi trường đất. Ví dụ, một số khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề gốm sứ, thu gom mua bán phế liệu đã xuất hiện tình trạng kim loại nặng trong đất vượt ngưỡng quy định cho phép. Việc sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật chưa được quản lý, kiểm soát kịp thời cũng là nguyên nhân gây suy thoái tài nguyên đất. Giải pháp sử dụng đất đai hợp lý trong phát triển kinh tế xanh Trong nền kinh tế xanh, tài nguyên môi trường là yếu tố quan trọng có tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh. Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về vấn đề đất đai như sau: Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hoá lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất [3]. Đất đai có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống kinh tế - xã hội, vì vậy cần tăng cường quản lý đất đai, có biện pháp sử dụng đất đai một cách hiệu quả, hợp lý, tránh tình trạng để lãng phí tài nguyên, tránh sử dụng bừa bãi đất đai gây nên những hậu quả khó lường: như cạn kiệt tài nguyên, sử dụng không có hiệu quả, bỏ hoang hoá đất đai ... Để sử dụng tài nguyên đất một cách hợp lý, hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”[3]. Ưu tiên sử dụng đất tốt cho nông nghiệp, dành đất xấu (có khả năng sản xuất thấp) cho các mục đích phi nông nghiệp. Để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn cần thực hiện tốt phong trào “dồn điền, đổi thửa”. Mục đích của việc dồn điền, đổi thửa là khắc phục tình trạng đồng ruộng manh mún, sắp xếp lại đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác, thu hoạch, tạo quỹ đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả cây trồng, hướng tới mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa với những cánh đồng mẫu lớn. Việc dồn điền, đổi thửa còn là tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây, con cho giá trị kinh tế cao. Thông qua công tác dồn điền, đổi thửa, các địa phương đều quy gọn quỹ đất công vào một vùng, tạo nguồn quỹ “đất sạch” để thu hút các doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sử dụng cơ cấu lao động một cách hợp lý. Ngoài ra, thông qua dồn điền, đổi thửa sẽ hoàn chỉnh lại hệ thống hồ sơ địa chính nhằm quản lý chặt chẽ toàn bộ quỹ đất nông nghiệp ở các địa phương, giúp hạn chế tối đa các trường hợp tranh chấp đất đai liền kề, tranh chấp lối đi chung... của người sử dụng đất nông nghiệp. 453
  9. Thứ hai, sử dụng hợp lý đất đai dựa trên đặc tính riêng của từng vùng đất, lựa chọn hệ thống cây trồng vật nuôi phù hợp với tài nguyên đất bản địa. Sử dụng đất đai hợp lý là sử dụng thích hợp với tính chất của từng loại đất, phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên, theo lợi thế so sánh, không áp đặt thiên nhiên theo ý muốn chủ quan để tránh đầu tư quá tốn kém nhưng không hiệu quả. Muốn sử dụng đất hợp lý dựa trên đặc tính riêng có từng vùng đất, cần nghiên cứu chuyên sâu về đặc tính từng loại đất, làm cơ sở dữ liệu để lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp. Thực tế cho thấy, việc sử dụng đất không hợp lý so với đặc điểm riêng có của từng vùng vừa làm tăng chi phí cải tạo đất, gây lãng phí, đồng thời làm đất dễ bị bạc màu, thoái hóa, hoang hóa. Để xây dựng hệ thống cây trồng vật nuôi phù hợp với tài nguyên đất từng vùng, cần có sự chung tay vào cuộc của các viện - trường, nhà khoa học và nhà nông. Các viện, trường tạo điều kiện và cung cấp phương tiện để nhà khoa học nghiên cứu lai tạo giống cây - con phù hợp với tài nguyên đất bản địa; nhà nông mạnh dạn ứng dụng các công trình nghiên cứu vào thực tiễn, từ đó hình thành chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao. Thứ ba, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong phát triển nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp xanh đòi hỏi vừa gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, vừa phải bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người. Ngày nay, việc áp dụng những tiến bộ trong canh tác như công nghệ sinh học, phân bón sinh học, hoạt chất sinh học quản lý sâu bệnh, các loại giống, kỹ năng thâm canh mới, xử lý và chế biến sinh khối là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp. Để sử dụng phân bón thông minh, cần thay đổi phân hóa học sang phân hữu cơ đã được xử lý, ủ hoai như: phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh. Các chế phẩm vi sinh chứa các dòng vi sinh vật acid lactic giúp chuyển hóa nhanh rác thải hữu cơ rau, củ, quả thành phân hữu cơ. Chính loại phân này sẽ làm đa dạng thành phần nhóm vi khuẩn trong môi trường đất, khiến đất giữ được độ màu mỡ. Phát triển nông nghiệp xanh sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như giảm hiệu ứng nhà kính; tạo điều kiện để phát triển nền văn minh sinh thái, xây dựng nếp sống văn hóa kết hợp hài hòa giữa con người với tự nhiên, người với người, người với xã hội theo một chu trình văn minh, giàu tính nhân văn. Trong điều kiện phát triển kinh tế xanh, cần có những biện pháp ứng dụng công nghệ, sản phẩm mới nhằm cải thiện chất lượng đất, tăng độ phì nhiêu của đất, nâng cao dinh dưỡng cho cây trồng, tăng năng suất lao động, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững. Thứ tư, tăng cường vai trò quản lý tài nguyên đất của nhà nước đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc sử dụng đất. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông trại, nông dân chuyển đổi hình thức sản xuất sang hữu cơ; hỗ trợ tài chính cho hoạt động giáo dục về canh tác hữu cơ, triển khai các dịch vụ tư vấn về canh tác hữu cơ; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để nông dân duy trì canh tác hữu cơ, hỗ trợ quảng bá và chế biến sản phẩm hữu cơ. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, giao đất, giao rừng, xóa đói giảm nghèo. Để khắc phục tình trạng đất trống, đồi trọc, cần tăng diện tích rừng che phủ, giảm việc khai 454
  10. thác rừng quá mức, gia tăng mật độ cây xanh có độ che phủ tốt ở các đô thị; hạn chế việc chuyển đổi rừng và đất rừng thành đất sản xuất nông nghiệp; quản lý tốt công tác kiểm lâm để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động chặt, phá rừng, đốt rừng để làm rẫy vì có thể gây ra cháy rừng. Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý và bảo tồn tài nguyên đất, có chế tài nghiêm minh với những doanh nghiệp không xử lý hoặc xử lý một phần các chất thải trước khi xả thải bừa bãi ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng tài nguyên đất và nước. Đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án và kế hoạch hành động bảo vệ và sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Doanh nghiệp và nhân dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng tài nguyên đất. Cùng với việc sử dụng tài nguyên đất hợp lý, đòi hỏi phải phân loại rác thải, thu gom rác và áp dụng công nghệ hiện đại vào việc xử lý rác; thay đổi tập quán, thói quen sản xuất, sinh hoạt theo hướng văn minh hiện đại, không gây tổn hại đến môi trường. 4. Kết luận Trong quá trình đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng, luôn thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh (bình quân trên 7%/năm trong 20 năm qua). Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào các yếu tố “đầu vào” truyền thống, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường; sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội chưa thật bền vững. Vì vậy, mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta cần được điều chỉnh, chuyển sang mô hình phát triển kinh tế xanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với quan điểm và định hướng phát triển bền vững đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đất đai là một loại tài nguyên có hạn, trong khi nhu cầu sử dụng đất của con người là rất lớn và không ngừng tăng lên do sự phát triển công nghiệp, tốc độ đô thị hóa, sức ép gia tăng dân số. Vì vậy, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất là một vấn đề có ý nghĩa hết sức to lớn và mang tính toàn cầu. Việt Nam với diện tích chỉ hơn 300.000km2 nhưng dân số gần 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai rất thấp. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa xanh là xu thế tất yếu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Phát triển kinh tế xanh nói chung, nông nghiệp hàng hóa xanh nói riêng đòi hỏi phải sử dụng tài nguyên đất một cách hợp lý, hiệu quả. Muốn vậy, phải tăng cường vai trò quản lý tài nguyên đất của nhà nước, ngăn chặn việc sử dụng đất sai mục đích, lãng phí; nâng cao chất lượng quy hoạch và dự báo sử dụng lâu dài, khắc phục tình trạng đất manh mún, phân tán, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng phù hợp với từng loại đất, với điều kiện sinh thái tự nhiên của từng vùng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Sử dụng 455
  11. đất đai hợp lý trong phát triển kinh tế xanh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. 2. C.Mác, Ăngghen, Toàn tập (2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. 6. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2013), Hiến pháp năm 2013, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 7. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2013), Luật Đất đai năm 2013, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 8. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. 9. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. 10. https://baochinhphu.vn, ngày 04/5/2022. 11. https://doanhnhantrevietnam.vn. 12. https://www.tapchicongsan.org.vn. 456
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0