PHẦN 2<br />
NGUYÊN LÝ VÀ HÀNH TRÌ<br />
Chương 1<br />
“KHÔNG MÀ DIỆU”<br />
Bài thơ Thiền cổ nhất bắt đầu với những lời sau:<br />
Đạo lớn chẳng gì khó, <br />
Cốt đừng chọn lựa thôi.<br />
Quý hồ không thương ghét, <br />
Thì tự nhiên sáng ngời.<br />
Sai lạc nửa đường tơ, <br />
Đất trời liền phân cách!<br />
Chớ nghĩ chuyện ngược xuôi, <br />
Thời hiện liền trước mắt.<br />
Đem thuận nghịch chỏi nhau, <br />
Đó chính là tâm bệnh.(1)<br />
Mấu chốt không phải cố gắng đè nén cảm giác, nuôi dưỡng sự thờ ơ<br />
nhạt nhẽo, mà là nhìn thấu vọng tưởng phổ biến, tưởng có thể giành lấy<br />
cái vui thích hay tốt đẹp khỏi cái đau khổ hoặc xấu xa. Nguyên lý đầu<br />
tiên trong Đạo giáo là:<br />
Thiên hạ đều biết tốt là tốt, thì đã có xấu rồi.<br />
Đều biết lành là lành, thì đã có cái chẳng lành rồi.<br />
Bởi vậy, “có” với “không” cùng sinh, <br />
Khó và dễ cùng thành;<br />
Dài và ngắn cùng hình;<br />
<br />
Cao và thấp cùng chiều; ...<br />
Trước và sau cùng theo.(2)<br />
Thấy được điều này nghĩa là thấy rằng cái tốt mà không có cái xấu<br />
giống như lên mà không xuống, đưa ra lý tưởng theo đuổi cái tốt cũng<br />
giống như cố gắng bỏ bên trái bằng cách liên tục rẽ phải. Làm vậy,<br />
người ta buộc phải đi quanh theo vòng tròn.(3)<br />
Logic trong điều này đơn giản đến nỗi người ta bị thôi thúc cho rằng<br />
nó quá đơn giản. Thôi thúc ấy càng mạnh hơn bởi nó đánh đổ ảo tưởng<br />
được nâng niu nhất trong tâm trí con người, đó là, theo thời gian, mọi<br />
thứ sẽ được làm cho ngày càng tốt hơn. Bởi nhìn chung người ta cho<br />
rằng nếu không phải vậy, cuộc sống con người sẽ mất hết ý nghĩa và<br />
động lực. Nếu không phải một cuộc sống liên tục đi tới, thì chỉ còn<br />
phương cách duy nhất là sự tồn tại đơn thuần, tĩnh tại và chết chóc, quá<br />
buồn và quá vô nghĩa đến nỗi người ta có thể tự tử. Chính ý niệm<br />
“phương cách duy nhất” này cho thấy tâm bị bó chặt ra sao trong mô<br />
thức nhị nguyên, nó khó có thể nghĩ gì ra ngoài tốt hay xấu, hoặc một sự<br />
trộn lẫn cả tốt và xấu.<br />
Nhưng Thiền là sự giải thoát khỏi mô thức này, và điểm khởi đầu có<br />
vẻ u ám của nó là hiểu sự ngớ ngẩn của chọn lựa, của toàn bộ cảm giác<br />
rằng cuộc sống sẽ được cải thiện đáng kể nếu liên tục chọn cái “tốt”.<br />
Người ta phải bắt đầu bằng cách “cảm” được cái tương đối, biết rằng<br />
cuộc sống không phải một hoàn cảnh từ đó có gì để mà nắm bắt hay đạt<br />
được - như thể nó là thứ ta tiếp cận từ bên ngoài, giống một miếng bánh<br />
hay thùng bia. Thành công luôn là thất bại, nghĩa là càng thành công<br />
trong bất kỳ điều gì, càng có nhu cầu phải tiếp tục thành công. Ăn là để<br />
sống sót và đói lại.<br />
Ảo tưởng về sự cải thiện đáng kể nảy sinh trong những khoảnh khắc<br />
có sự đối lập, như khi người ta xoay từ trái qua phải trên một chiếc<br />
giường cứng. Tư thế nằm mới là “tốt hơn” chừng nào sự đối lập còn đó,<br />
nhưng chẳng bao lâu, tư thế thứ hai bắt đầu có cảm giác giống như lúc<br />
đầu. Vậy là họ mua một chiếc giường thoải mái hơn, và ngủ yên trong<br />
một thời gian. Nhưng cách giải quyết vấn đề như vậy để lại trong ý thức<br />
người đó một khoảng trống rỗng kỳ lạ, khoảng trống ấy chẳng mấy chốc<br />
<br />
bị lấp đầy bởi cảm giác về một sự đối lập không thể chịu nổi khác, cho<br />
đến giờ chưa được để ý, và cũng cấp thiết, cũng vô vọng y như vấn đề về<br />
chiếc giường cứng. Sở dĩ khoảng trống ấy xảy ra bởi vì chỉ có thể duy trì<br />
cảm giác dễ chịu khi so sánh với khó chịu, giống như mắt chỉ thấy một<br />
hình ảnh khi có bối cảnh đối lập với nó. Tốt và xấu, dễ chịu và đau khổ<br />
là không thể tách rời, là khác biệt mà lại hết sức đồng nhất - như thể hai<br />
mặt của một đồng xu - đến nỗi:<br />
Tốt là xấu, và xấu là tốt.(4)<br />
Hay như lời một bài thơ trong Thiền Lâm Cú Tập(5):<br />
Gặp rắc rối tức gặp vận may;<br />
Có đồng thuận tức có đối nghịch.(5)<br />
Một đoạn khác diễn tả sống động hơn:<br />
Trời còn tối, gà gáy báo sáng;<br />
Mặt trời rực rỡ lúc nửa đêm.(6)<br />
Bởi vậy, Thiền không phải quan điểm cho rằng đói mà ăn thì vô ích<br />
vì đằng nào cũng lại đói, Thiền cũng không phải phi nhân tính tới mức<br />
nói rằng ngứa thì không được gãi. Vỡ mộng với sự theo đuổi cái tốt<br />
không có nghĩa là phải có phương án thay thế cần thiết là rơi vào cái xấu<br />
của sự trì trệ, bởi hoàn cảnh của con người giống như “bọ chét trên vỉ<br />
nướng”. Chẳng phương án nào đưa ra được giải pháp, vì bọ chét rơi<br />
xuống phải nhảy lên, còn bọ chét nhảy lên phải rơi xuống. Chọn lựa là<br />
ngớ ngẩn, vì không có chỗ cho chọn lựa.<br />
Do vậy, lối tư duy nhị nguyên sẽ thấy dường như Thiền mang một<br />
lập trường theo thuyết định mệnh, đối lập với tự do chọn lựa. Khi một<br />
vị tăng hỏi thiền sư Mục Châu: “Suốt ngày mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi<br />
<br />
mặc áo ăn cơm?” Sư đáp: “Mặc áo, ăn cơm.” Vị tăng trả lời không hiểu.<br />
Sư đáp: “Không hiểu thì mặc áo, ăn cơm.”(8) Khi được hỏi làm thế nào<br />
thoát khỏi cái “nóng”, một thiền sư khác hướng người hỏi đến nơi<br />
chẳng nóng chẳng lạnh. Được yêu cầu giải thích rõ hơn, sư đáp: “Mùa<br />
hè đổ mồ hôi; mùa đông run lẩy bẩy.” Hoặc như lời một bài thơ:<br />
Lạnh tìm lửa rực trong lò sưởi,<br />
Nóng ngồi bờ suối trong rừng trúc.(9)<br />
Cũng với nhãn quan này, người ta có thể:<br />
Thấy mặt trời trong cơn mưa;<br />
Múc nước sạch từ giữa lửa.(10)<br />
Nhưng đó không phải một nhãn quan theo thuyết định mệnh. Nó<br />
không đơn giản là buông xuôi do không thể tránh được đổ mồ hôi khi<br />
nóng, run khi lạnh, ăn khi đói, và ngủ khi mệt. Người buông xuôi trước<br />
số mệnh là người đầu hàng, người là con rối vô dụng của hoàn cảnh, và<br />
với Thiền không có người như vậy. Dù phân chia thành chủ thể và đối<br />
tượng, thành người biết và cái được biết, những cái ấy cũng được thấy<br />
là chỉ tương đối, đối đãi qua lại, không thể tách rời như mọi cái khác.<br />
Chúng ta không đổ mồ hôi vì nóng, mà đổ mồ hôi là cái nóng. Nói rằng<br />
do mắt nên mặt trời là ánh sáng cũng chỉ đúng như nói rằng do mặt trời<br />
nên mắt thấy ánh sáng. Chúng ta không quen với nhãn quan Thiền do có<br />
một quy ước cố định cho rằng cái nóng đến trước, và rồi do nhân quả,<br />
cơ thể đổ mồ hôi. Nếu ngược lại sẽ gây sửng sốt, giống như nói “bơ và<br />
bánh mì” thay vì “bánh mì và bơ”. Như lời một bài thơ trong Thiền Lâm<br />
Cú Tập:<br />
Lửa không đợi mặt trời mới nóng;<br />
Gió không đợi mặt trăng mới mát.<br />
<br />
Sự đảo ngược lẽ thường khiến gây sốc và dường như phi lý này có lẽ<br />
được làm sáng tỏ bằng hình ảnh hay được sử dụng trong Thiền là “trăng<br />
trong nước”. Hiện tượng “trăng trong nước” được ví như trải nghiệm<br />
của con người. Nước là chủ thể, trăng là đối tượng. Không có nước thì<br />
không có trăng-trong nước, không có trăng cũng vậy. Nhưng khi trăng<br />
mọc, nước không phải đợi mới có hình của nó, và ngay khi một giọt<br />
nước nhỏ xíu rớt ra, trăng cũng không phải đợi mới được phản chiếu.<br />
Bởi trăng không cố ý phản chiếu, nước không chủ định lưu hình. Sự việc<br />
được gây ra bởi nước cũng nhiều như bởi trăng, khi nước biểu thị sự<br />
sáng rỡ của trăng, trăng cũng biểu thị sự trong trẻo của nước. Một bài<br />
thơ khác trong Thiền Lâm Cú Tập:<br />
Cây hiện hình thể của gió;<br />
Sóng gửi tinh thần cho trăng.(11)<br />
Để diễn đạt bớt thi vị hơn, trải nghiệm của con người được quyết<br />
định bởi bản chất của tâm và cấu trúc của các giác quan cũng nhiều như<br />
bởi các đối tượng bên ngoài mà sự hiện diện của chúng được tâm ấy<br />
phát hiện. Sở dĩ người ta cảm thấy mình là nạn nhân hoặc con rối của<br />
những gì họ trải qua là bởi họ tách “ngã” khỏi tâm, nghĩ rằng bản chất<br />
của thân tâm là một thứ gì đó vô tình bị đẩy vào “họ”. Họ cho rằng mình<br />
đã không yêu cầu được sinh ra, không yêu cầu được “trao” một cơ thể<br />
nhạy cảm để mà thất vọng với sự qua lại giữa vui và khổ. Nhưng Thiền<br />
yêu cầu chúng ta tìm ra “ai” là người “có” cái tâm này, “ai” là người đã<br />
không yêu cầu được sinh ra trước khi cha mẹ hoài thai chúng ta. Để từ<br />
đó, toàn bộ ý nghĩa của sự phân chia chủ quan, của việc là người được<br />
“trao” một cái tâm, người mà trải nghiệm xảy đến, hóa ra là một ảo<br />
tưởng của ngữ nghĩa học tồi - sự ám thị thôi miên do tư duy sai nhiều<br />
lần. Bởi vì không có “ngã” nào riêng ngoài thân tâm này, cái sắp xếp các<br />
trải nghiệm này. Tương tự, thật khôi hài khi nói về thân tâm này như<br />
một thứ gì đó thụ động, vô tình bị “trao” cho một cấu trúc nhất định. Nó<br />
là cấu trúc ấy, và trước khi có cấu trúc ấy, không có thân tâm nào cả.<br />
Vấn đề của chúng ta là ở chỗ, năng lực tư duy cho phép chúng ta tạo<br />
dựng những biểu tượng của sự vật tách rời khỏi chính sự vật. Nó gồm<br />
cả năng lực tạo ra một biểu tượng, một ý tưởng về bản thân tách rời<br />
<br />