intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thứ trưởng với việc hoạch định chính sách vĩ mô trong điều kiện kinh tế thị trường ở việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

11
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu này sẽ bàn về nhiệm vụ quyền hạn của Thứ trưởng trong hoạch định chính sách vĩ mô; phân tích thực trạng hoạch định chính sách vĩ mô tại các Bộ, ngành và chỉ ra những tác động của kinh tế thị trường đến hoạch định chính sách và những gợi mở cho hoạch định chính sách vĩ mô của các Thứ trưởng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thứ trưởng với việc hoạch định chính sách vĩ mô trong điều kiện kinh tế thị trường ở việt Nam

  1. THỨ TRƯỞNG VỚI VIỆC HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH VĨ MÔ TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở VIỆT NAM TS. Đỗ Thị Kim Tiên Học viện Hành chính Quốc gia Tóm tắt: Hoạch định chính sách vĩ mô là một trong những chức năng không thể thiếu trong hoạt động quản lý nhà nước. Theo quy định của pháp luật, có nhiều chủ thể tham gia vào hoạch định chính sách vĩ mô. Với tư cách là người lãnh đạo, điều hành và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các nội dung chính sách, Thứ trưởng chính là chủ thể có quyền hoạch định chính sách, quyết định chính sách, và chịu trách nhiệm về các quyết định xây dựng chính sách của mình. Trong nghiên cứu này sẽ bàn về nhiệm vụ quyền hạn của Thứ trưởng trong hoạch định chính sách vĩ mô; phân tích thực trạng hoạch định chính sách vĩ mô tại các Bộ, ngành và chỉ ra những tác động của kinh tế thị trường đến hoạch định chính sách và những gợi mở cho hoạch định chính sách vĩ mô của các Thứ trưởng. 1. Thứ trưởng - chủ thể hoạch định chính sách vĩ mô Chính sách là khái niệm không thống nhất. Trên thế giới có nhiều cách diễn đạt khác nhau về chính sách và chính sách công. Richard C. Remy quan niệm "chính sách là phương thức hành động được một chủ thể khẳng định và thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề lặp đi lặp lại [1]. Có những quan điểm lại cho rằng, chính sách liên quan đến những tuyên bố, hành động mang tính quyền lực nhà nước, dựa trên giả thuyết về nguyên nhân và kết quả, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề công, hay thúc đẩy các giá trị ưu tiên1. Các nghiên cứu về chính sách hầu hết đều gắn với nhà nước và đồng nhất chính sách với chính sách công. Trong thực tế thì, mọi chủ thể xã hội đều có thể có chính sách của mình. Tương ứng với sự tồn tại của các tổ chức công và tổ chức tư có các chính sách công và chính sách của khu vực tư. Theo Oxford English Dictionary, chính sách công là một đường lối hành động được thông qua hoặc theo đuổi bởi chính quyền, đảng, nhà cai trị, chính khách. Chính sách nhà nước bao gồm hệ thống chính sách của trung ương và địa phương. Các chính sách vĩ mô do cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương ban hành, có phạm vi tác động đến toàn nền kinh tế - xã hội và có tính áp dụng chung. Một chính sách như vậy được ra đời thông qua việc hoạch định chính sách của các chủ thể có thẩm quyền theo luật định. Hoạch định chính sách (policy-making) được hiểu là hành động làm ra (ra quyết định) chính sách hay xây dựng chính sách, hình thành chính sách, hoặc làm chính sách. Hoạch định chính sách không đồng nhất với quá trình hoạch định chính sách (policy-making process). Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người làm công việc phân tích chính sách chưa chắc là chủ thể hoạch định chính sách - theo nghĩa trực tiếp ra quyết định thông qua chính sách, nhưng có thể 1 Tham khảo các định nghĩa phổ biến, như của Lasswell (Xem: Lasswell (1951), The policy orientation, in Lerner & Lasswell (eds), The Policy Sciences, pp. 3-15, Stanford University Press); Anderson (Anderson (1994), Public policymaking, Princeton); Considine (Considine (1994), Public policy: A critical approach, Macmillan, Melbourne), Dye (Dye (1972), Understanding public policy, Prentice-Hall). 18
  2. tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, góp phần phân tích, thiết kế, hình thành nên các đề xuất chính sách, trước khi nó được thông qua [2]. Vì vậy, cũng cần phân biệt giữa chủ thể hoạch định chính sách với chủ thể tham gia hoạch định chính sách. Tại Việt Nam, hoạch định chính sách vĩ mô là khâu đầu tiên của quá trình chính sách, gắn với việc xây dựng vấn đề chính sách và các giải pháp giải quyết vấn đề. Bản chất của hoạt động này là việc các chủ thể được phân công thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất ra một chính sách và ban hành chính sách đó. Giai đoạn này sẽ quyết định sự ra đời của chính sách[3]. Hoạch định chính sách vĩ mô là một trong những chức năng không thể thiếu trong hoạt động quản lý nhà nước. Bất luận trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung hay cơ chế thị trường thì hoạt động hoạch định chính sách cũng vẫn phải diễn ra, nhằm tạo dựng công cụ, làm căn cứ quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để phúc đáp được yêu cầu của thực tiễn, ở những nấc thang phát triển khác nhau của kinh tế thị trường, yêu cầu việc hoạch định chính sách cũng cần thay đổi. Luật Ban hành văn bản (2015), Luật Tổ chức Chính phủ (2015), Luật Cán bộ, công chức (2008) và các luật chuyên ngành xác định rõ vai trò xây dựng chính sách của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, Bộ và cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong phạm vi quyền hạn được giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định phân công nhiệm vụ cho Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Thứ trưởng). Thứ trưởng giúp Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ [4]. Để giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những ngành, lĩnh vực được giao, Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công phụ trách những lĩnh vực chuyên môn, quản lý, điều hành một số Cục, Vụ, địa phương. Trong phạm vi lĩnh vực được phân công, Thứ trưởng sẽ lãnh đạo, điều hành các Cục, Vụ chuyên môn thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu là hoạch định chính sách liên quan lĩnh vực quản lý của Bộ để trình Chính phủ. Không chỉ là nhà chuyên môn, tham mưu cho Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực nhất định, Thứ trưởng còn là uỷ viên Ban Cán sự Đảng, thành viên lãnh đạo Bộ, ngành. Do đó, Thứ trưởng cũng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của nhà lãnh đạo, tham gia lãnh đạo thực hiện thể chế, chính sách, chiến lược phát triển của Bộ, ngành. Với tư cách là người lãnh đạo, điều hành và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các nội dung chính sách, Thứ trưởng chính là chủ thể hoạch định chính sách, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định xây dựng chính sách của mình. Hoạch định chính sách vĩ mô phải trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực trạng, nghiên cứu khoa học, xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động chính sách, tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách, các bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp,... 19
  3. tổng hợp, tiếp thu giải trình trước khi trình Chính phủ. Chính sách được hoạch định để trình Chính phủ bao gồm nhiều loại, như: các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cũng có trách nhiệm trình Chính phủ có ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Ban hành thông tư và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ [5]. 2. Thực trạng hoạch định chính sách vĩ mô tại các Bộ, ngành Với chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, các chính sách vĩ mô được hoạch định trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp Nhà nước kiểm soát được lĩnh vực trọng yếu, cấp bách về kinh tế, chính trị, xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, đã xuất hiện những chính sách đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển và hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường, có tính ứng phó với những tác động của khủng hoảng kinh tế như: chính sách kích cầu, chính sách tiền lương, chính sách điều chỉnh lãi suất cho vay ngân hàng, chính sách mang ngoại tệ, chính sách điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân,… Tuy nhiên, vẫn có không ít chính sách phản ánh năng lực dự báo yếu, kém hiệu lực, hiệu quả. Thực tế cho thấy, còn nhiều quy định trong các đạo luật, mà tiền thân là các chính sách do các Bộ, ngành soạn thảo và trình Chính phủ đã được Quốc hội thông qua, các Nghị định của Chính phủ do các Bộ soạn thảo, Thông tư của các Bộ được ban hành chưa đảm bảo chất lượng, cản trở phát triển. Những bất cập về chính sách có thể đến từ nhiều ngành, lĩnh vực, thậm chí có trách nhiệm của liên Bộ, ngành. Chẳng hạn như chính sách đầu tư xây dựng theo hình thức BOT. Chính sách này không phân biệt đâu là các yếu tố nguồn lực, đâu là động lực phát triển kinh tế và đâu là lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Cần thấy rằng, giao thông là điều kiện để phát triển kinh tế nhưng đang bị biến thành nơi làm kinh tế. Trong ngành giáo dục, chính sách xã hội hoá giáo dục đã biến thành nơi kinh doanh giáo dục, như chính sách cho phép tư nhân thành lập đại học tư thục để thu lợi nhuận, chia cổ tức. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ vốn vay và vấn đề khởi sự doanh nghiệp công nghệ. Chính sách về dạy thêm, học thêm; chính sách về điểm thưởng thi đại học,... của ngành Giáo dục và Đào tạo được quy định giản đơn, thiếu phân tích, đánh giá tác động môi trường cũng gây ra nhiều tranh luận về tính khả thi của nó. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thiếu đánh giá, chọn lọc, chưa tính toán được lợi ích và chi phí, để lại cho nền kinh tế những thiệt hại về môi trường, về thất thoát nguồn lực (chuyển giá, trốn thuế,..). Đặc biệt, chính sách khai thác, sử dụng tài nguyên đất, việc xác định giá đất xa rời thị trường không chỉ làm thiệt hại cho ngân sách mà đang làm sai lệch nghiêm trọng thị trường. Trong kinh tế thị trường, với tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ (thời đại cách mạnh 4.0) làm thay đổi lực lượng sản xuất, đang làm xuất hiện nhiều yếu tố mới, đòi hỏi có luật để quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách chưa phản ánh được bản chất, yêu cầu của kinh tế thị trường, Việt Nam cũng còn bỏ trống nhiều lĩnh vực, tạo kẽ hở, gây lúng túng trong quản lý. Các khoảng trống chính sách chưa được hoạch định là rất lớn, trong đó có thể 20
  4. kể đến như vấn đề về quyền an sinh xã hội đối với lao động di cư (người làm giúp việc gia đình), vấn đề quản lý thuế (chống chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), vấn đề quản lý tài nguyên đất đai với tình trạng hàng loạt công dân Việt Nam đứng tên cho người Trung Quốc mua đất tại Việt Nam. Thực tế đó đòi hỏi nhà hoạch định chính sách vĩ mô cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, có bản lĩnh chính trị và đạo đức công vụ để cho ra đời những chính sách hiệu quả, phúc đáp các yêu cầu thực tiễn, phù hợp với mục tiêu lựa chọn kinh tế thị trường làm động lực thúc đẩy cạnh tranh, phát triển. Hộp 1. Suy nghĩ về đại học tư tại Việt Nam - GS. Trần Văn Thọ Đọc báo mấy ngày hôm nay (đầu tháng 8/2014) tôi lại buồn cho tình hình đại học tư thục ở Việt Nam. Theo những gì đọc được trên báo liên quan đến một đại học nổi tiếng mà tôi đã có dịp đến giảng một buổi trong ngày khai giảng thì đang có sự tranh chấp giữa các cổ đông góp vốn xây dựng trường và giữa những người góp vốn với hội đồng quản trị và ban giám hiệu. Nội tình của đại học này tôi không rõ, nhưng có một điểm đã rõ và làm tôi chú ý. Đó là các cổ đông có vốn chi phối muốn quy định mức cổ tức là 30%, và mức cổ tức hiện hành là 20%. Con số 30% hay 20% đều làm tôi rất ngạc nhiên và đây là động cơ thúc đẩy tôi viết bài này. Dù là 20%, một tỷ lệ tiền lời cao hơn rất nhiều (gấp khoảng 3 lần lãi suất ngân hàng) so với lãi suất tiền gửi ở ngân hàng, cũng đủ để nói rằng những người góp vốn cho đại học không phải vì sự nghiệp giáo dục, mà nghiêng về mục đích kinh doanh. Mà kinh doanh trên giáo dục là chuyện đáng buồn, cần phải tránh nếu muốn đất nước phát triển. Đại học này là một trong những đại học tư được xã hội đánh giá cao nên ta có thể hình dung tính chất kinh doanh ở đại học khác còn mạnh hơn nữa. Nếu dạy học đàng hoàng, cho tốt nghiệp người đủ tiêu chuẩn, ít nhất đủ trình độ trung bình của của thế giới thì không thể nào có lời trong hoạt động đại học, mà ngược lại hoạt động này bị lỗ nên Nhà nước phải hỗ trợ. Phải như vậy mới thấy vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, của cá nhân hoặc đoàn thể mở đại học tư. Cần nhấn mạnh một điểm nữa là những người có vốn muốn kinh doanh nên tránh xa lĩnh vực giáo dục và Nhà nước phải có cơ chế để những người đó không kinh doanh được trong giáo dục. Theo kinh nghiệm trước đây của một nước bây giờ phát triển như Nhật Bản, một hoạt động tư ra đời và hoạt động để thực hiện sứ mệnh giáo dục phải có những đặc điểm, điều kiện sau: Thứ nhất, người sáng lập thường là nhà văn hoá, hoặc chính trị gia hay nhà doanh nghiệp đã về hưu những có hoài bão đóng góp vào sự nghiệp khai dân trí. Họ bỏ tài sản cá nhân vào sự nghiệp này hoặc vận động xã hội ủng hộ tài chính. Đại học cũng có hạch toán kinh doanh để đảm bảo sự bền vững về mạt tài chính cho đại học nhưng không chia lời cho người góp vốn. Thứ hai, mức học phí ở đại học tư thục cao hơn khu vực công nhưng không thể có lời để chia cho người góp vốn. Ngược lại, tổng thu từ học phí không đủ trang trải chi tiêu thường xuyên nên Nhà nước phải hỗ trợ và lãnh đạo đại học tiếp tục vận động xã hội đóng góp vô vụ lợi [6]. 21
  5. 3. Tác động của kinh tế thị trường đến hoạch định chính sách vĩ mô và những gợi mở về hoạch định chính sách vĩ mô ở Việt Nam Thị trường là hình thái tổ chức nơi mà người sản xuất và tiêu dùng gặp nhau để trao đổi. Đặc tính cơ bản của thị trường là cạnh tranh và tự do tham gia. Không chỉ các quy luật kinh tế cơ bản tác động trực tiếp, mà từ các quy luật này (quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, giá cả,..), đã phát sinh những quy luật mới, tạo ra những ngoại ứng tích cực cần được tận dụng, phát huy, những tiêu cực cần được dự liệu trước, có giải pháp khắc phục. Những đặc tính về cạnh tranh, tạo động lực phát triển, hay tính linh hoạt, biến đổi nhanh của thị trường, nhất là trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ,... đều có tính hai mặt, cần được nhận diện và ứng dụng vào hoạch định chính sách. Ngoài các tình huống nêu trên, những tác động của kinh tế thị trường có thể cho tạo ra những vấn đề dễ quan sát thấy là: - Kinh tế thị trường gắn với lợi ích cá nhân, thực dụng, trong đó, các cá nhân ít quan tâm đến lợi ích dài hạn. Cá nhân tham gia hoạch định chính sách có thể vào tình huống xung đột lợi ích (lợi ích công - tư, tham nhũng,...) có thể làm sai lệch chính sách, chính sách có lợi cho nhóm lợi ích, sức sống ngắn hạn của chính sách - "chính sách theo nhiệm kỳ". - Tự do kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh, có tiềm lực kinh tế lớn, thách thức quản lý nhà nước, có thể vượt qua tầm kiểm soát của Nhà nước. - Mâu thuẫn giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững, có thể đe doạ môi trường, việc duy trì bản sắc văn hoá, du nhập các sắc thái văn hoá đa chiều cạnh. - Kinh tế thị trường có tính năng động, được kích hoạt bởi tự do cạnh tranh, thúc đẩy sáng tạo. - Kinh tế thị trường làm xuất hiện nhiều lĩnh vực mới với tốc độ nhanh, đa dạng, thách thức quản lý nhà nước, trong đó công tác hoạch định chính sách trong việc đảm bảo cho chính sách đáp ứng nhanh, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra. Không thể phủ nhận về việc đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo về cơ bản trật tự an toàn xã hội, nhưng nhiều chính sách do các Bộ, ngành hoạch định chưa khả thi, thiếu tính tiên liệu và ổn định đều bắt nguồn từ những nguyên nhân như: - Thiếu nền tảng lý luận cho việc hoạch định chính sách vĩ mô. Khoa học chính sách ở Việt Nam chưa phát triển, nhiều khái niệm thiếu rõ ràng. - Thứ hai, sự vận động của các quy luật thị trường tạo ra những yếu tố phái sinh, những góc khuất của kinh tế thị trường hiện đại chưa được giải thích, làm rõ và tính hết vào tác động của chính sách. - Hoạch định chính sách vẫn được coi là đặc quyền của các cơ quan nhà nước, chưa coi đó là công việc chung của xã hội, của các doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội, đoàn thể. - Thiếu vận dụng các kỹ thuật hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách. Chính sách phải được hoạch định dựa trên bằng chứng. Áp dụng phương pháp kinh tế, tính toán lợi ích, chi phí, kiến thức liên ngành khi phân tích đánh giá và lựa chọn chính sách. - Vận động chính sách (lobby) chưa được chính thức thừa nhận ở phương diện luật pháp nhưng đã xuất hiện dưới nhiều hình thức với những biểu hiện tiêu cực khác nhau làm ảnh hưởng đến tính công bằng của chính sách, gây những nguy hại nhất định cho xã hội. 22
  6. Nhận định và khuyến nghị: - Thứ nhất, việc tạo ra những chính sách không khả thi, kém hiệu quả có mối quan hệ với nhận thức và giải thích về thực tiễn kinh tế thị trường. Khác với kinh tế kế hoạch, kinh tế thị trường là phi tập trung, linh hoạt, thực tế và có thể thay đổi được. Do đó hoạch định chính sách vĩ mô cần phải hướng tới quản lý theo đầu ra, quản lý phải gắn với có sản phẩm và đo lường được chất lượng sản phẩm. Vì vậy, hoạch định chính sách y tế, giáo dục, hay tài nguyên, môi trường,… cần phải dựa trên những bằng chứng, có tính toán lợi ích và chi phí, lợi ích phải vượt qua chi phí. Các lợi ích ở đây không chỉ là lợi ích vật chất trước mắt, mà bao gồm cả những lợi ích phi vật chất và phản ánh được mục tiêu phát triển bền vững. - Thứ hai, kinh tế thị trường mang tính thực tiễn, nhưng nó cũng dựa trên các nguyên tắc cơ bản của tự do cá nhân. Sự tự do này thể hiện ở quyền tự do, tự chủ kinh doanh, trong cơ hội lao động, tìm kiếm việc làm, tham gia công đoàn hay thay đổi chủ sử dụng lao động,... Điều đó khẳng định về quyền tự do, về những cơ hội và cả những thách thức, rủi ro cho cá nhân. Do đó, việc hoạch định chính sách vĩ mô cũng cần chú ý để phát huy thế mạnh của dân chủ, huy động sự tham gia góp ý kiến, phản biện, thúc đẩy tự do sáng tạo của cá nhân gắn với thúc đẩy phát triển con người cá nhân. - Thứ ba, kinh tế thị trường được khẳng định vẫn có bất bình đẳng, bất công và lạm dụng, nhưng thế mạnh của cạnh tranh, dân chủ có thể tạo ra những doanh nghiệp hiện đại, có ý chí kinh doanh, thúc đẩy phát triển và đem lại sự thịnh vượng cho các cá nhân và xã hội. Do đó, trong chủ trương về một Chính phủ kiến tạo phát triển, đòi hỏi chính sách phải có tính tiên liệu, sẵn sàng đi trước, đón đầu, không đợi doanh nghiệp, người dân và xã hội lên tiếng về khoảng trống chính sách mới hoạch định. Điều đó chỉ có được ở những nhà hoạch định chính sách có kiến thức chuyên môn (sâu), kiến thức liên ngành (rộng), hiểu rõ bản chất kinh tế thị trường hiện đại, hiểu rõ cơ chế tác động của kinh tế thị trường và yêu cầu đặt ra cho hoạch định chính sách trong điều kiện thực tiễn luôn biến đổi. Kết luận Hoạch định chính sách vĩ mô trong KTTT là một trong những chức năng quan trọng nhất của quản lý nhà nước mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải thực hiện. Nghiên cứu về hoạch định chính sách vĩ mô hiện nay không thể tách rời việc xác định vai trò của Nhà nước trong nền KTTT. Thực tế, có nhiều nghiên cứu đã đề cập đến vai trò của Nhà nước trong nền KTTT. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều chỉ xem xét vai trò của Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Điều đó là phiến diện vì quản lý nhà nước dù trong nền kinh tế kế hoạch hay kinh tế thị trường thì ngoài mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế, Nhà nước còn phải đảm bảo sự ổn định về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển văn hoá, y tế, giáo dục,… Tức là phải chú ý đến quản lý nhà nước đối với tất cả các ngành, các lĩnh vực trong kinh tế thị trường. Chính vì thế, nghiên cứu "hoạch định chính sách vĩ mô trong điều kiện kinh tế thị trường" phải có cách tiếp cận khác, thể hiện được bản chất, ý nghĩa của nó. Hoạch định chính sách vĩ mô trong điều kiện kinh tế thị trường là đặt việc xây dựng chính sách đối với tất cả các ngành, các lĩnh vực vào bối cảnh, điều kiện kinh tế thị trường để nhận diện những tác động từ các quy luật kinh tế khách quan, xác định yêu cầu, nhiệm vụ cần thiết để đưa cuộc sống vào chính sách, đảm bảo chính sách sau khi ra đời đạt được hiệu lực, hiệu quả. Điều đó cũng có nghĩa, việc hoạch định chính sách vĩ mô trên tất cả các phương diện, các ngành, lĩnh vực, từ văn hoá, giáo dục, truyền thông, an ninh, quốc phòng, tài nguyên, môi trường, đến kinh tế, hay y tế,... đều phải cân nhắc đến những tác động khách quan từ môi trường bên ngoài để chính sách phù hợp và phúc đáp được các yêu cầu thực tiễn. 23
  7. Không phải là người đứng đầu một ngành như Bộ trưởng, nhưng Thứ trưởng có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công. Bộ trưởng thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc trình Chính phủ các dự án luật, Nghị quyết, pháp lệnh liên quan đến ngành, lĩnh vực mà Bộ trưởng được phân công quản lý. Do đó, việc phân công nhiệm vụ cho Thứ trưởng luôn bao gồm hoạt động xây dựng chính sách của ngành, lĩnh vực được Bộ trưởng giao. Việc giúp Bộ trưởng xây dựng chính sách đòi hỏi Thứ trưởng phải là một nhà chuyên môn, có năng lực hoạch định chính sách, để quyết định và chịu trách nhiệm về các nội dung của chính sách trước Bộ trưởng. Vượt lên trên các vấn đề kỹ thuật hoạch định chính sách, Nhà chuyên môn trong hoạch định chính sách vĩ mô phải có kiến thức chuyên ngành (chuyên môn sâu) và kiến thức liên ngành (rộng), có tư duy hệ thống và tầm nhìn chiến lược để cho ra đời chính sách có chất lượng, ổn định. Vì vậy họ cần có kiến thức và nắm bắt được các quy luật khách quan, hiểu được bản chất của kinh tế thị trường, những tác động và xu hướng vận động của kinh tế thị trường, trên cơ sở đó có năng lực phân tích, đánh giá, khái quát hoá, tổng kết thực tiễn trong xây dựng chính sách. Kiến thức về kinh tế thị trường có thể được học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, tiếp cận KTTT vào ứng dụng trong hoạch định chính sách vĩ mô cần phải có sự những nghiên cứu làm rõ bản chất, xu hướng vận động, các ngoại ứng và quy luật phái sinh từ các quy luật thị trường, giúp cho các nhà hoạch định vận dụng để phân tích, đánh giá sâu hơn về thị trường, làm rõ những góc khuất của kinh tế thị trường còn thiếu vắng trong các lý thuyết truyền thống. Các chính sách phúc đáp được thực tiễn và hướng tới hiệu lực, hiệu quả để thúc đẩy phát triển, nhưng đang diễn ra trong thực tiễn, và những tác động của kinh tế thị trường đến xã hội. Từ đó, các chính sách được đưa ra có tính tiên liệu, dự đoán được những quan hệ kinh tế xã hội cần quản lý trong hiện tại và còn cần trong tương lai. Để hoạch định ra những chính sách vĩ mô hiệu lực, hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, cần đánh giá đúng, làm rõ bản chất của KTTT và đánh thức những tác động tích cực của kinh tế thị trường vào việc hoạch định chính sách, đồng thời kiểm soát được những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến quá trình hoạch định chính sách./. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Richard C. Remy: United State Government - democracy in action. Glencoe, McGraw - Hill, 2000. [2] Nguyễn Anh Phương, “Quy trình chính sách và phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam” số 02+03 (306 + 307), 1/2016, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp. [3] PGS. TS. Triệu Văn Cường, Hoạch định chính sách công, Nhà xuất bản Lao động Xã hội, Hà Nội, 2016. [4] Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ [5] Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ [6] Trần Văn Thọ (Giáo sư kinh tế học, đại học Waseda, Tokyo), Cú sốc thời gian (2015), Nhà xuất bản Tri thức. 24
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0