intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

106
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nhà nước ta đã không ngừng điều chỉnh và thay đổi luật pháp, ghi nhận và đảm bảo quyền tự do kết hôn cho mỗi cá nhân. Hiện nay, Việt Nam đang trên con đường hội nhập quốc tế, việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân các quốc gia khác cũng từ đó mà gia tăng, phổ biến. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả phân tích thực trạng áp dụng quy định pháp luật về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và kiến nghị hoàn thiện.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

  1. THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI Lê Kim Duy Phước, Phan Nguyễn Khánh Thi, Nguyễn Thị Thuỷ, Nguyễn Trần Thảo My* Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Đoàn Trọng Chỉnh TÓM TẮT Nhà nước ta đã không ngừng điều chỉnh và thay đổi luật pháp, ghi nhận và đảm bảo quyền tự do kết hôn cho mỗi cá nhân. Hiện nay, Việt Nam đang trên con đường hội nhập quốc tế, việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân các quốc gia khác cũng từ đó mà gia tăng, phổ biến. Mặc dù các quy định điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài đã có những đóng góp nhất định nhưng cũng không tránh khỏi còn thiếu sót và bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc kết hôn với người nước ngoài để thực hiện những mục đích khác. Việc kết hôn không vì mục đích hôn nhân gây ra nhiều mối nguy đến trật tự xã hội và ảnh hưởng đến đường lối chính trị, xã hội của Đảng, Nhà nước. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả phân tích thực trạng áp dụng quy định pháp luật về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và kiến nghị hoàn thiện. Từ khoá: điều kiện, hạn chế, kết hôn, yếu tố nước ngoài, thực trạng. 1 KHÁI NIỆM Đăng ký kết hôn là thủ tục do pháp luật qui định nhằm công nhận việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam, nữ khi kết hôn.Việc kết hôn phải được đăng ký theo thủ tục của Nhà nước tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo qui định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Mọi thủ tục kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý. Trong đó, “Đăng ký là đứng ra khai báo với cơ quan quản lý để chính thức được công nhận cho hưởng quyền lợi hay làm nghĩa vụ nào đó” [2]. Theo khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Do đó, “Đăng ký kết hôn” được hiểu là ghi vào Sổ Đăng ký kết hôn để chính thức công nhận nam nữ là vợ chồng trước pháp luật [3]. Như vậy, đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý nhằm công nhận việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam nữ, là cơ sở để pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như ràng buộc về nghĩa vụ của mỗi bên, làm phát sinh và điều chỉnh quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình - quan hệ vợ chồng, điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản trong quan hệ hôn nhân và gia đình này. 1977
  2. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 25, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. Qua các căn cứ trên, ta thấy được đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là thủ tục pháp lý để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quan hệ hôn nhân của hai bên nam nữ, mà trong đó ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài. 2 NỘI DUNG Thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài: theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch 2014, Ủy ban nhân dân cấp (UBND) huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì UBND cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn. Thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Căn cứ theo Quyết định 1872/QĐ-BTP ngày 04/09/2020; Luật Hộ tịch năm 2014; Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015; Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/05/2020, quy định như sau: Về hồ sơ đăng ký kết hôn, bao gồm: tờ Khai đăng ký kết hôn; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó. Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp. Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú). Nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn. Nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó. Về trình tự thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài: người có yêu cầu đăng ký kết hôn nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện có thẩm quyền. Người tiếp nhận có trách 1978
  3. nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình, theo đó: Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì người tiếp nhận phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận. Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; nếu thấy cần thiết, Phòng Tư pháp làm việc trực tiếp với các bên để làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn. Nếu thấy hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định. Trường hợp Chủ tịch UBND đồng ý giải quyết thì ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn và Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ, mỗi người giữ 01 bản trong thời hạn 03 ngày làm việc theo Điều 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở UBND. Công chức làm công tác hộ tịch hướng dẫn hai bên nam, nữ kiểm tra nội dung trong Giấy Chứng nhận kết hôn và Sổ Đăng ký kết hôn, nếu hai bên thấy nội dung đúng, phù hợp với hồ sơ đăng ký kết hôn thì công chức làm công tác hộ tịch cùng hai bên nam, nữ ký tên vào sổ; hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy Chứng nhận kết hôn. Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy Chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch UBND huyện ký Giấy Chứng nhận kết hôn. Hết 60 ngày mà hai bên không đến nhận giấy thì Chủ tịch UBND cấp huyện hủy Giấy Chứng nhận kết hôn đã ký. Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu. 3 THỰC TIỄN ÁP DỤNG Có thể nói rằng, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam về đăng ký kết hôn có yêu tố nước ngoài tương đối tốt. Việc Nhà nước ta ghi nhận và bảo vệ quyền này có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho nam, nữ kết hôn, mưu cầu hạnh phúc; tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước và có ý nghĩa hội nhập rất sâu rộng. Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là luật hôn nhân và gia đình về kết hôn có yếu tố nước ngoài. Một loạt các văn bản pháp luật được ban hành trong nhằm điều chỉnh trực tiếp về vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài như: Luật Hộ tịch ngày 20/11/2014 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016). Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016). Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (có hiệu lực kể từ ngày 02/01/2016); Luật Hôn nhân và gia đình ngày 19/06/2014 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015)... Ngoài ra, vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài còn được quy định và được điều chỉnh bởi các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Trong đó, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 dành Chương VIII gồm 10 điều luật quy định là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các 1979
  4. bên tham gia quan hệ. Những văn bản này đã góp phần rất lớn trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, tạo nên khung pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể, đưa pháp luật đi vào đời sống và tiếp cận, gần gũi hơn với quốc tế, tạo điều kiện cho nam, nữ được kết hôn, mưu cầu hạnh phúc. Song song đó, tuy đã ban hành hàng loạt văn bản để điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài và mang lại những hiệu quả nhất định, giảm thiểu nguy hại, nhưng vẫn khó tránh khỏi một số bất cập, chưa thật sự sát sao và tạo điều kiện cho các đối tượng “luồn lách” trước khe hở pháp luật. Thứ nhất, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ quy định độ tuổi được phép kết hôn nhưng không quy định độ tuổi chênh lệch nhất định để kết hôn. Điều này dẫn đến việc tỷ lệ kết hôn chênh lệch độ tuổi cao, trong đó có những trường hợp chênh lệch nhau từ 10, 20 có khi lên đến 40 tuổi, dễ dẫn đến tình trạng kết hôn giả, hôn nhân không hạnh phúc do sự khác biệt về độ tuổi kết hôn. Tuy đã ban hành nhiều quy định và biện pháp phòng tránh như phỏng vấn khi kết hôn, đưa đến Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp cần tư vấn và yêu cầu Giấy xác nhận đã được tư vấn, hỗ trợ do Trung tâm cung cấp nhưng vẫn chưa hoàn toàn triệt để và ngăn chặn được tình trạng kết hôn giả để đảm bảo hạnh phúc cho công dân. Vì vậy, Nhà nước ta cần đặt ra những quy định cụ thể về giới hạn độ tuổi chênh lệch khi kết hôn trong khoảng 10 -15 tuổi để đảm bảo chất lượng đời sống hôn nhân gia đình và ngăn chặn các trường hợp “lách luật”. Thứ hai, pháp luật Việt Nam hiện có các biện pháp nhằm ngăn chặn kết hôn giả tạo, kết hôn không vì mục đích hôn nhân nhưng chưa thật sự triệt để. Theo khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, “kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình”. Như vậy Luật đã dự liệu đến những trường hợp các chủ thể cố ý làm sai lệch bản chất hôn nhân. Quy định trên là cần thiết, bởi theo thực tế hiện nay, một trong những vấn đề của quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài là việc nhiều đối tượng đã lợi dụng việc kết hôn với người nước ngoài để môi giới hoặc xác lập quan hệ kết hôn với người nước ngoài không vì mục đích hôn nhân mà vì mục đích kinh tế hoặc một số mục đích khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam (trào lưu kết hôn không mang tính tự nguyện, kết hôn vì mục đích kinh tế). Việc kết hôn có yếu tố nước ngoài không vì mục đích hôn nhân làm tăng nguy cơ mất cân bằng giới tính ở độ tuổi kết hôn, gây rối loạn xã hội, xúc phạm nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam, là mối đe dọa nguy hiểm đến sự ổn định an ninh, chính trị của đất nước cũng như đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi các ngành các cấp phải đề cao cảnh giác. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra, đó là cơ quan chức năng bằng cách nào để thẩm tra, dựa vào căn cứ nào để xác minh chính xác trường hợp nào là kết hôn vì mục đích hôn nhân và phòng tránh “kết hôn giả tạo”. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần chỉnh sửa, bổ sung vào các luật, các nghị định hướng dẫn, thông tư về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài các điều luật cụ thể về căn cứ chứng minh kết hôn giả tạo như: hợp đồng giao kết về nội dung kết hôn giả tạo giữa các bên; tin nhắn nói chuyện của các bên về nội dung kết hôn giả tạo; ngoài ra người kết hôn giả tạo có thể gọi lại cho phía bên kết hôn giả tạo còn 1980
  5. lại, gợi lại câu chuyện để xác minh kết hôn giả tạo là có căn cứ, là có thật trên thực tế; nhân chứng biết về bản chất kết hôn giả tạo của cặp vợ chồng này. Thứ ba, khoản 3 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 có quy định “khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ Hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ Hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy Chứng nhận kết hôn”. Bên cạnh đó, Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định về thủ tục Ghi chú kết hôn, cho phép việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ Hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Trong khi đó pháp luật về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài của một số quốc gia còn khá đơn giản và lỏng lẻo. Chẳng hạn, Hàn Quốc cho phép kết hôn có thể vắng mặt một bên. Kẻ hở này đã làm nảy sinh hoạt động môi giới kết hôn với nhiều hình thức trá hình, tinh vi để trục lợi, hoặc lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ qua biên giới. Để tránh những thủ tục chặt chẽ của Việt Nam, các đối tượng này đã lập, gửi hồ sơ sang Hàn Quốc để đăng ký kết hôn, sau đó mới về Việt Nam để ghi chú kết hôn. Vì vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam cần có văn bản điều chỉnh vấn đề này, cụ thể là việc ban hành văn pháp luật quy định xem xét về giới hạn độ tuổi kết hôn giữa hai bên chủ thể, phòng tránh kết hôn giả tạo, quy định cụ thể cách thức và quy trình, chuẩn mực đạt chuẩn để cấp Giấy xác nhận đã được tư vấn, hỗ trợ do Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cung cấp. [8] 4 KẾT LUẬN Trên cơ sở nghiên cứu và hoàn thiện luật pháp của bài báo, ta thấy rõ tầm quan trọng của một hệ thống luật pháp rõ ràng, không ngừng đổi mới và hoàn thiện đối với việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập, hiện đại hoá đất nước. Từ đó xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng hoàn thiện hơn, tiếp cận với cộng đồng dễ dàng hơn và đáp ứng nhu cầu cùa đời sống, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời buổi hội nhập, phát triển. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thị Thu Hoà (2017). Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài - từ thực tiễn tỉnh Lâm Đồng, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Hành chính Quốc gia. [2] Từ điển tiếng Việt (2003). Nhà xuất bản Đà Nẵng [36, tr. 398]. [3] Từ điển Luật học (2006). Viện Khoa học pháp lý, ộ Tư pháp [42, tr.232]. [4] Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. [5] Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. 1981
  6. [6] Luật Hộ tịch 2014 . [7] Những hạn chế của pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài https://www.google.com/amp/s/luatduonggia.vn/nhung-han-che-cua-phap-luat-ve-hon- nhan-co-yeu-to-nuoc-ngoai/amp/), truy cập ngày 20/04/2021; [8] Thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc, http://www.tuvanhonnhan.com.vn/ket-hon-nuoc- ngoai/ket-hon-voi-nguoi-han-quoc.html, truy cập ngày 03/05/2021. 1982
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0