intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

6
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu chính của bài viết nhằm đánh giá tình hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hiện nay, chỉ ra những kết quả đạt được và hạn chế trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị nhằm thực hiện thành công mục tiêu cũng như khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên

  1. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN TS. Lâm Bá Hòa, TS. Nguyễn Thị Thu Hà TÓM TẮT Cùng với việc đối phó với thời tiết đang ngày càng có những diễn biến cực đoan và bất thường, để đạt mục tiêu gia tăng năng suất, chất lượng, giá trị cho ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Mục tiêu chính của bài viết nhằm đánh giá tình hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hiện nay, chỉ ra những kết quả đạt được và hạn chế trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị nhằm thực hiện thành công mục tiêu cũng như khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực này. Từ khóa: Biến đổi khí hậu; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp. ABSTRACT SITUATION OF HIGH-TECH AGRICULTURE DEVELOPMENT IN THE CENTRAL – CENTRAL HIGHLANDS REGION Along with dealing with the increasingly extreme and unusual weather, in order to achieve the goal of increasing productivity, quality and value for the agricultural industry, developing hi-tech agriculture in the Central - Central Highlands region is becoming more urgent than ever. The main objective of the article is to assess the current situation of hi-tech agriculture development in the Central - Central Highlands provinces, show the achieved results and limitations in the process of developing hi-tech agriculture. From there, the study proposes recommendations to successfully accomplish the goal as well as encourage the development of high-tech agriculture in this area. Keywords: Climate Change; High-tech agriculture; Agricultural Development. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng chính là quá trình chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để hướng tới những sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu cảu thị trường. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã và đang trở thành xu hướng chung của nhân loại, đó là quá trình sản xuất có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam đã và đang đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành một trong những nước có nên nông nghiệp hàng đầu thế giới trên nền tảng của khoa học và công nghệ hiện đại để nông thôn sẽ không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị. Là khu vực có vị trí địa kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng quan trọng của cả nước, miền Trung - Tây Nguyên của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách trong quá trình phát triển hội nhập, trong đó nông nghiệp, nông thôn ở khu vực này còn một khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước. Để bắt kịp và thực hiện được các mục tiêu chung của 112
  2. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 28 tháng 01 năm 2022, đòi hỏi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cần phải sớm có những quyết sách mang tầm chiến lược trong vấn đề nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là một chiến lược tổng thể về phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng tương đối phức tạp của vùng này. Bài viết bước đầu đánh giá tình hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hiện nay, từ đó chỉ ra những kết quả đạt được và hạn chế trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở miền Trung - Tây Nguyên. Để thực hiện mục tiêu trên, nghiên cứu sử dụng các nguồn số liệu thứ cấp của Cục thống kê của các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung giai đoạn 2010 - 2020. Phương pháp nghiên cứu bao gồm phương pháp phân tích và tổng hợp. 2. KHÁI NIỆM, TIÊU CHÍ VÀ VAI TRÒ CỦA NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Luật Khoa học và Công nghệ (2000) chỉ rõ “Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dung để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”. Luật Công nghệ cao (2008) định nghĩa “Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng tính năng vượt trội, giá trị gia tăng, than thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có”. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng “Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”. Như vậy, mục tiêu của phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải quyết mâu thuẫn giữa năng suất nông nghiệp thấp, sản phẩm chất lượng thấp, đầu tư lao động nhiều, hiệu quả kinh tế thấp với việc áp dụng những thành tựu từ khoa học công nghệ để đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất và sản lượng cao, hiệu quả và chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là quá trình thực hiện tốt nhất sự phối hợp giữa con người và tài nguyên đạt hiệu quả lớn nhất, hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội, kinh tế và sinh thái môi trường (Dương Hoa Xô & Phạm Hữu Nhượng, 2006). Đến thời điểm hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước về nông, lâm, thủy sản vẫn chưa xác định rõ các tiêu chí cụ thể và thống nhất về nông nghiệp công nghệ cao hoặc tiêu chí để xác định công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Do vậy, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao được hiểu đơn giản là cao hơn những cái chúng ta đang làm, có áp dụng một số công nghệ như chế phẩm sinh học, phòng trừ sâu bệnh, chăm bón... Với cách hiểu này, tùy vào sự phát triển của lực lượng lao động mỗi vùng miền mà công nghệ áp dụng tại cùng thời điểm sẽ được đánh giá khác nhau, điều này sẽ gây khó khăn khi đưa vào ứng dụng. Vì vậy, một số tiêu chí đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bước đầu đưa ra, bao gồm: Tiêu chí kỹ thuật: có trình độ công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm có năng suất tăng ít nhất 30% và chất lượng vượt trội so với công nghệ đang sử dụng; 113
  3. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” Tiêu chí kinh tế: sản phẩm do ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả kinh tế hơn ít nhất 30% so với công nghệ đang sử dụng; Tiêu chí năng suất: Nếu là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao phải tạo ra sản phẩm tốt, năng suất hiệu quả tăng ít nhất gấp 2 lần và vùng nông nghiệp công nghệ cao (được hiểu là nơi sản xuất tập trung một hoặc một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào toàn bộ hoặc một số khâu) có năng suất và hiệu quả tăng ít nhất 30%. Theo việc phân loại các tiêu chí, công nghệ cao được hiểu không phải như là một công cụ đơn lẻ, cụ thể. Quy trình công nghệ cao phải đồng bộ trong suốt chuỗi cung ứng, là sự kết hợp chặt chẽ của từng công đoạn cụ thể như: giống, công nghệ nhà kính, kỹ thuật, phân bón sinh học hữu cơ... Cốt lõi của công nghệ cao là cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn. Chất lượng ở đây phải đòi hỏi đáp ứng được 3 khía cạnh: kỹ thuật, kỹ năng, và dịch vụ. Vì vậy, nông nghiệp công nghệ cao không chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu hằng ngày của con người mà còn phải mang lợi nhuận cao. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tăng nhanh được năng suất và sản lượng với chất lượng cao, đồng đều và ổn định. Vai trò của các yếu tố tác động vào tăng trưởng nông nghiệp thay đổi theo thời gian. Diện tích đất nông nghiệp sản xuất nông nghiệp không những không tăng mà còn đang giảm, đó chưa kể thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì vẫn tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó đóng góp quan trọng nhất là công tác cải tiến giống chất lượng cao. Thực tiễn cho thấy, vai trò của việc ứng dụng công nghệ cao vào trong nông nghiệp đã làm tăng năng suất, tăng sản lượng nhiều cây giống. Đồng thời khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ tiết kiệm hơn về công lao động và từ đó người dân lao động có thể sản xuất nhiều hơn. Từ đó các hộ gia đình sẽ tăng thu nhập cho hộ qua việc ứng dụng tốt công nghệ cao vào sản xuất. Phát huy tối đa tiềm lực khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, phục vụ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thân thiện với môi trường, bảo tồn và duy trì tốt nhất tài nguyên sinh thái, tài nguyên nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. 3. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở CÁC TỈNH MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN 3.1. Phát triển nông nghiệp Miền Trung - Tây Nguyên trong phạm vi nghiên cứu được xác định gồm 9 tỉnh miền Trung tính từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 5 tỉnh Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 150 nghìn km2 (chiếm 32,1% diện tích cả nước), dân số năm 2020 là 20,2 triệu người (chiếm 21% dân số cả nước). Đặc điểm tự nhiên khắc nghiệt đang ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thời tiết: mùa khô nắng, hạn, mùa mưa lụt, bão khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng và sức khỏe con vật nuôi. Tổng nhiệt hằng năm từ 8500- 90000c, tổng bứt xạ đạt 100-160kcal/cm2, tăng dần từ Bắc vào Nam, tổng số giờ nắng khoảng 114
  4. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” 2000-3000giờ/năm. Hằng năm các tỉnh ven biển miền Trung chịu ảnh hưởng nặng của các cơn bão từ tháng 9 đến tháng 11 kéo theo mưa lớn, lũ lụt; mùa khô nắng nóng, hạn hán kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Bên cạnh đó, đất đai nhiều nơi xấu; địa hình nhiều nơi núi, đồi, sông, suối, hiểm trở. Miền Trung - Tây Nguyên một dãy đất chạy dọc từ Bắc đến Nam, phía Đông là hệ thống đồng bằng, phía Tây là dãy núi trường sơn hùng vĩ. Đồi núi, đồng bằng và bờ biển ở đây xâm nhập lẫn nhau, tạo nên nhiều vũng, đầm, phá, sông, suối với mật độ dày đặc… chứa nhiều tiềm năng, nhưng khai thác chưa nhiều và hiệu quả thấp. Nhất là ở Tây Nguyên và các huyện miền núi các tỉnh Duyên hải miền Trung năng suất cây trông thấp, điều kiện vận chuyển sản phẩm khó khăn, trong khi đó kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế không đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Nông nghiệp ở miền Trung - Tây Nguyên có các đặc trưng tương đối khác biệt so với các khu vực khác của đất nước. Đó là, phương thức canh tác còn mang nặng tính truyền thống, kinh tế hàng hóa chậm phát triển so với hai miền đất nước. Cây trồng, vật nuôi ít và chậm chuyển đổi bộ giống mới có năng suất cao theo hướng công nghiệp, thích nghi với thời tiết. Đến nay, sản xuất nông nghiệp vẫn đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của đại bộ phận hộ dân trong vùng. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, gần 30% trong cơ cấu GDP của khu vực và đang sở hữu gần 70% lao động xã hội. Ngoài ra, lâm nghiệp và khai thác, nuoi trồng thuỷ hải sản được xem là thế mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhưng đến nay về cơ bản vẫn còn chậm phát triển. Rừng là một trong những nguồn tài nguyên quý và quan trọng của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, ngoài cung cấp lâm đặc sản, rừng còn là đầu nguồn của các hệ thống sông, suối các công trình thủy điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân trong vùng. Với diện tích rừng trong vùng hiện có khoảng 5.384,4 nghìn ha, trong đó có 4.526,6 ha rừng tự nhiên, tuy nhiên rừng ở khu vực nay đã và đang “tan hoang nhưng trong báo cáo vẫn còn thể hiện những con số đẹp” (Công Bắc, 2020). Kinh tế biển được xem là một trong những thế mạnh của khu vực miền Trung, tuy nhiên việc khai thác theo hướng truyền thống là chủ yếu, nhiều nơi còn tận diệt đã và đang làm cho nguồn lợi thuỷ sản của khu vực này có dấu hiệu suy giảm nhanh trong thời gian vừa qua. Các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau đan xen là tiền đề để phát triển một ngành nông nghiệp đa dạng với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Thời gian qua, một số khu và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các địa phương đã và đang hình thành, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Luật Công nghệ cao. Tây Nguyên có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù của vùng núi mà hiếm vùng nào tương đồng, đây được xem là một lợi thế lớn của ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp và cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: rau, hoa, quả xứ lạnh, cà phê, chè Ô long, sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm… Nguồn tài nguyên nông nghiệp (đất, nước, khí hậu thời tiết) khá đa dạng, nhiều nơi rất thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới, cơ giới hóa trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của các loại nông đặc sản (Nguyễn Văn Thanh, 2016). Hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi được triển khai rộng rãi ở các địa phương. Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (giống mới, biện pháp canh tác mới, đầu tư thâm canh chiều sâu, quản lý nguồn nước, dịch bệnh…) đã làm xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, được các doanh nghiệp và hộ nông dân tích cực đầu tư phát triển 115
  5. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” sản xuất. Nông nghiệp từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, trình độ sản xuất trong nông nghiệp được nâng lên. 3.2. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên Hiện tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao tập trung khuyến khích phát triển những công nghệ sau: Thứ nhất, công nghệ trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao. Cụ thể, về cây trồng nông, lâm nghiệp, vùng tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sử dụng ưu thế lai, công nghệ đột biến thực nghiệm và công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng mới có các đặc tính nông học ưu việt (năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận), phù hợp với yêu cầu của thị trường; công nghệ nhân giống để đáp ứng nhu cầu cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh. Về giống vật nuôi, nghiên cứu cải tiến công nghệ sinh sản, đặc biệt là công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, phân biệt giới tính, thụ tinh ống nghiệm, tập trung vào bò sữa, bò thịt; áp dụng phương pháp truyền thống kết hợp với công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân nhanh các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Về giống thủy sản, các tỉnh tập trung nghiên cứu kết hợp phương pháp truyền thống với công nghệ di truyền để chọn tạo một số giống loài thủy sản sạch bệnh, có tốc độ sinh trưởng nhanh và sức chống chịu cao; phát triển công nghệ tiên tiến sản xuất con giống có chất lượng cao đối với các đối tượng nuôi chủ lực. Thứ hai, công nghệ trong phòng, trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Đối với cây trồng nông lâm nghiệp, vùng nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein để tạo ra các quy trình sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học dùng trong bảo vệ cây trồng; nghiên cứu phát triển các kit để chẩn đoán, giám định bệnh cây trồng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ viễn thám trong quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại cây trồng nông lâm nghiệp. Đối với vật nuôi, các tỉnh đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để chẩn đoán bệnh ở mức độ phân tử; nghiên cứu công nghệ sản xuất kít để chẩn đoán nhanh bệnh đối với vật nuôi; nghiên cứu sản xuất vắc-xin thú y, đặc biệt là vắc-xin phòng, chống bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm, long móng, tai xanh ở gia súc và các bệnh nguy hiểm khác. Đối với thủy sản, tỉnh nghiên cứu sản xuất một số loại kit để chẩn đoán nhanh bệnh ở thủy sản; nghiên cứu ứng dụng sinh học phân tử và miễn dịch học, vi sinh vật học trong phòng, trị một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản. Thứ ba, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. Về trồng trọt: Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình trồng trọt và thu hoạch các loại cây trồng trong nhà lưới, nhà kính, như: Giá thể, công nghệ thủy canh, tưới nước tiết kiệm, điều tiết tự động dinh dưỡng, ánh sáng, chăm sóc, thu hoạch; nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); quy trình công nghệ sản xuất cây trồng an toàn theo VietGAP. Về trồng rừng: Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ tổng hợp trong trồng rừng thâm canh. Về chăn nuôi: Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, có sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng. Về nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản: Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh, công nghệ xử lý môi trường trong nuôi trồng một số loài thủy sản chủ lực; công nghệ tiên tiến trong đánh bắt hải sản theo hướng hiệu quả và bền vững nguồn lợi. 116
  6. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” Thứ tư, tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị mới sử dụng trong nông nghiệp. Cụ thể, các tỉnh đã nghiên cứu tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến đối với cây trồng nông, lâm nghiệp, đặc biệt là cây trồng trong nhà kính, nhà lưới như phân bón chuyên dụng, giá thể, chế phẩm sinh học, chất điều hòa sinh trưởng, khung, nhà lưới, lưới che phủ, hệ thống tưới, thiết bị chăm sóc, thu hoạch, hệ thống thông thoáng khí. Thêm vào đó, vùng đã nghiên cứu tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, như: thức ăn, chế phẩm sinh học; khung nhà, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phân phối thức ăn, thu hoạch trong chăn nuôi; hệ thống điều khiển tự động trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, hệ thống điều tiết nước tuần hoàn, hệ thống mương nổi, hệ thống ao nhân tạo trong nuôi trồng thủy sản. Thứ năm, công nghệ trong bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đối với sản phẩm nông nghiệp: Nghiên cứu phát triển công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước nóng, công nghệ xử lý nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản; công nghệ sơ chế, bảo quan rau, hoa, quả tươi quy mô tập trung; công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; công nghệ bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ tạo màng trong bảo quản rau, quả, thịt, trứng; công nghệ lên men, công nghệ chế biến sâu, công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản. Đối với sản phẩm lâm nghiệp: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa nhằm tiết kiệm nguyên liệu, thời gian và nâng cao hiệu quả sử dụng gỗ; công nghệ biến tính gỗ, công nghệ sấy sinh thái, công nghệ ngâm, tẩm để bảo quản gỗ; công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bảo quản, chế phẩm chống mối, mọt thế hệ mới; công nghệ sản xuất các màng phủ thân thiện với môi trường. Đối với sản phẩm thủy sản: Nghiên cứu phát triển công nghệ bảo quản dài ngày sản phẩm thủy sản trên tàu khai thác xa bờ; công nghệ sinh học sản xuất các chất phụ gia trong chế biến thủy sản; công nghệ chế biến chuyên sâu các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao. Thứ sáu, công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi. Một là, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ dự báo, tích trữ và khai thác nguồn nước; công nghệ thu trữ nước để cung cấp nước ổn định, hiệu quả phục vụ đa mục tiêu; công nghệ thi công công trình thủy lợi; công nghệ lọc và cấp nước ngọt cho các vùng đất nhiễm mặn, ven biển, hải đảo; công nghệ xử lý nước thải và vệ sinh môi trường nông thôn. Hai là, nghiên cứu phát triển công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng nông, lâm nghiệp; công nghệ vật liệu mới, giải pháp kết cấu mới, thiết bị mới phục vụ thi công công trình thủy lợi. Ba là, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự động hóa, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành công trình thủy lợi. Thứ bảy, nhập khẩu và làm chủ công nghệ cao trong nông nghiệp. Lựa chọn nhập một số công nghệ cao trong nông nghiệp mà trong nước chưa có; tiến hành nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và thích nghi công nghệ cao nhập từ nước ngoài vào điều kiện sinh thái và thực tế của nước ta, đặc biệt là công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã triển khai các đề án, dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ, bao gồm các đề án, dự án có hoạt động triển khai thực nghiệm nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao ở quy mô sản xuất nhỏ; xây dựng mô hình và đầu tư sản xuất sản phẩm để tạo ra các sản phẩm có chất 117
  7. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu. Cụ thể, trong trồng trọt: Sản xuất giống và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu cao, tập trung vào các đối tượng cây trồng chủ lực phục vụ cho an ninh lương thực, xuất khẩu và thay thế nhập khẩu; từng bước áp dụng trong sản xuất giống cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương, bông). Sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), VietGAP, tập trung vào các loại cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực. Sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính. Nhân giống và sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô tập trung. Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các bộ kít chẩn đoán bệnh, các loại phân bón thế hệ mới trong trồng trọt và bảo vệ cây trồng nông nghiệp. Trong chăn nuôi: Sản xuất giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào một số loại vật nuôi chủ lực, như: Bò, lợn, gia cầm. Chăn nuôi gia cầm, lợn, bò quy mô công nghiệp. Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn chăn nuôi, vắc-xin, bộ kít mới trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Trong lâm nghiệp: Nhân nhanh và sản xuất giống quy mô công nghiệp một số giống cây trồng lâm nghiệp mới, như: Keo lai, bạch đàn bằng công nghệ mô, hom. Trồng rừng kinh tế theo phương pháp thâm canh. Ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý, hệ thống định vị toàn cầu trong quản lý và bảo vệ rừng. Trong nuôi trồng và khai thác thủy sản: Nhân nhanh và sản xuất giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào một số đối tượng thủy sản chủ yếu, như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loại cá nước ngọt, cá biển có giá trị cao, nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tự động kiểm soát và xử lý môi trường bằng các công nghệ tiên tiến (chemicalfog, biofloc, lọc sinh học) trong nuôi trồng một số loài thủy sản cá, tôm. Sản xuất thức ăn, các loại thuốc phòng trị bệnh thủy sản, sản xuất các bộ kít chẩn đoán nhanh bệnh trên các đối tượng nuôi thủy sản. Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để quy hoạch, quản lý và khai thác nguồn lợi hải sản, các vùng nuôi trồng thủy sản. Trong thủy lợi: Ứng dụng công nghệ tự động hóa, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để quản lý, khai thác và điều hành các công trình thủy lợi. Sản xuất vật liệu mới, thiết bị và thi công các công trình thủy lợi. Xây dựng và mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho một số loại cây trồng nông, lâm nghiệp. Trong chế biến, bảo quản: Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các chất phụ gia thiên nhiên, các chất màu để bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản. Xây dựng và mở rộng mô hình bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm nông sản. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến gỗ; vật liệu và công nghệ nano để nâng cao độ bền cơ học, độ bền sinh học của gỗ rừng trồng mọc nhanh; sản xuất vật liệu mới dạng bio-composite từ gỗ và thực vật có sợi. Xây dựng và mở rộng mô hình bảo quản dài ngày sản phẩm thủy sản trên tàu cá; chế biến các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao. Trong cơ điện, tự động hóa, sản xuất vật tư, máy móc, thiết bị: Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ điều khiển tự động hóa cơ điện, điện tử trong sản xuất các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản. Xây dựng và phát triển các cơ sở tự động hoặc bán tự động trong trồng trọt (nhân giống và sản xuất rau, hoa), chăn nuôi (lợn, gà, bò), thủy sản (sản xuất giống và nuôi thâm canh cá, tôm). 118
  8. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” 4. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ HẠN CHẾ 4.1. Những kết quả đạt được Với các tỉnh ven biển: Lĩnh vực trồng trọt có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 4% so với cả nước là 6%, sản lượng lương thực tăng nhanh từ 6.143,0 ngàn tấn năm 2015 lên 7.006,2 ngàn tấn năm 2020, bình quân lương thực đầu người/năm là 370kg so với cả nước là 513kg. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi là 2.851,2 tỷ đồng, chiếm 27,02% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp năm 2010, đến năm 2020 tăng lên 4.708,24 tỷ đồng, chiếm 28,4% giá trị của ngành sản xuất nông nghiệp. Với các tỉnh Tây Nguyên: Tình hình chăn nuôi ở các tỉnh Tây Nguyên đã có chuyển biến tích cực từ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, chăn nuôi trang trại gia đình với nhiều chủng loại giống mới có năng suất, chất lượng cao. Tuy vậy, chăn nuôi ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều nơi theo lối cũ, quảng canh, thả rông phổ biến ở những vùng đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, hoạt động khuyến nông, nhằm ứng dụng nhanh, có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả cao như: mô hình sản xuất lúa lai ở vùng khó khăn lương thực quy mô trên 100 ha thuộc tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông; mô hình “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô gần 120 ha thuộc tỉnh Lâm Đồng; mô hình sản xuất ngô lai với quy mô 70 ha thuộc tỉnh Kon Tum; mô hình trồng thâm canh cây công nghiệp dài ngày (cả cafe, ca cao, chè) 131 ha thuộc các tỉnh Gia Lai; mô hình chăn nuôi đại gia súc (cải tạo và vỗ béo bò thịt, chăn nuôi bò, dê, cừu sinh sản) thuộc tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông; mô hình chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường thuộc các tỉnh Đăc Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng; mô hình nuôi thủy sản nước ngọt (cá rô phi, cá rô đồng, ếch…) thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Các mô hình trên ngày càng được nhân rộng, được đa số nhân dân trong vùng hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền và đào tạo huấn luyện để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất như: hội thi khuyến nông, khuyến ngư viên giỏi vùng Tây Nguyên; hội thi tiêu, cafe tại Gia Lai; tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông, khuyến ngư các cấp, cộng tác viên khuyến nông, nông dân chủ chốt trong vùng. Các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Kom Tum đã đem lại hiệu quả nhất định. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có trên 50% diện tích canh tác rau, hoa được ứng dụng công nghệ cao, 25% diện tích chè được ứng dụng công nghệ cao, 11% diện tích cà phê được chuyển đổi sang giống mới có năng suất, chất lượng cao. Một số đối tượng khác ứng dụng công nghệ cao nhưng chiếm tỷ lệ thấp gồm lúa cao sản, bò sữa và thủy sản cá nước lạnh. Hiện tại Lâm Đồng đang dẫn đầu toàn quốc về hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 đạt 43,080 ha, chiếm 16,4% diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn tỉnh và 30% giá trị toàn ngành. Doanh thu bình quân đạt 140 triệu đồng/ha/năm. Kim ngạch nông sản xuất khẩu chiếm tới 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Tỉnh Lâm Đồng hiện đang thu hút được 67 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, với số vốn 4.640 tỷ đồng (chiếm 35,26% nguồn lực thực hiện). Tỉnh Đăk Lăk hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 30 ha tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng nhằm sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất lên trên 30% 119
  9. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cụ thể, sẽ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây cà phê với diện tích 40.000 ha, hồ tiêu 3.000 ha, bơ 3.000 ha, lúa lai F1 840 ha, ngô cao sản 46.000 ha, rau an toàn 1.000 ha… Phấn đấu tỷ lệ người chăn nuôi được huấn luyện, đào tạo lên 70%, tỷ lệ số hộ có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, đạt trên 60%. Đồng thời, sử dụng các giống tiến bộ, chất lượng cao ở heo đạt trên 70%, bò trên 60%, gà trên 60%; nâng tỷ lệ chăn nuôi tập trung tại trang trại công nghiệp, bán công nghiệp so với tổng đàn heo lên 50%, gia cầm 65%; tỷ lệ các cơ sở chăn nuôi có công nghệ xử lý chất thải phù hợp đạt 50%. Riêng tỉnh Kon Tum hiện đang hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh và chăn nuôi đại gia súc tập trung (dê sữa, bò sữa, bò thịt) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông (3.000 ha); vùng sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn Quốc tế mang thương hiệu “cà phê Đăk Hà” (500ha); vùng chăn nuôi gia súc tập trung và nuôi cá nước ngọt huyện Ia H’ Drai (quy mô 2.000 ha); vùng sản xuất sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông với diện tích có khả năng phát triển lên đến 16.988 ha Sâm Ngọc Linh... 4.2. Những hạn chế, yếu kém Bên cạnh những thành công đạt được, phát triển công nghệ cao ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém như sau: Đối với lĩnh vực trồng trọt, tỷ trọng diện tích trồng cây lương thực vẫn còn cao 56,2%, trong khi đó năng suất còn thấp, nhất là đối với cây lúa, diện tích các loại cây trồng chưa được quy hoạch ổn định, còn quảng canh; chưa chủ động được nguồn nước tưới, tiêu. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chuyển dịch cơ cấu và đổi mới phương thức sản xuất còn chậm, phổ biến là sản xuất nhỏ, thủ công, một số nơi vùng cao, vùng sâu ở Tây - Nguyên vẫn còn du canh. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, chăn nuôi còn phân tán, nhỏ lẻ, trang trại chăn nuôi gia đình không ổn định, tỷ trọng giá trị sản xuất trong ngành nông nghiệp còn thấp (25,44%), trình độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hạn chế, nhất là các tỉnh Tây Nguyên. Các yếu tố đầu vào của ngành như: giống, thức ăn gia súc, dịch vụ, thú y, chế biến chưa phát triển, còn nhiều bất cập. Chưa khai thác, sử dụng hết diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản, mới sử dụng 50% tiềm lực. Nông nghiệp hàng hóa ở các tỉnh Tây Nguyên và những huyện miền núi ở các tỉnh đồng bằng rất chậm phát triển. Kỹ thuật cao trong nông nghiệp đang được phổ biến, đây là cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất và giúp tăng thu nhập cho nông dân, tạo tiền đề cho sản xuất từng bước đáp ứng được tiêu chuẩn cao của thị trường trong nước và quốc tế, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho từng hộ nông dân. Tuy nhiên, khu vực miền Trung – Tây Nguyên hiện chỉ có tỉnh Lâm Đồng tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các tỉnh còn lại chỉ mới bắt đầu tiếp cận. Do đó, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa mang tính đột phá trên toàn khu vực. Thực tế, khu vực Tây Nguyên có một số khó khăn, vướng mắc đó là: Chưa xây dựng được bộ tiêu chí chung về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để có thể áp dụng cho nhiều đối tượng sản xuất ở nhiều vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau; Chính sách ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa được cụ thể hóa, chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế, nên chưa thu hút được các nguồn lực cần thiết trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Chưa có mô hình rõ nét về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mà chỉ mới là mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật. 120
  10. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” Nguồn nhân lực cho công nghệ cao không nhiều, chưa được đào tạo một cách cơ bản, chưa được sự quan tâm đầu tư một cách đúng mức; Chưa có các quy hoạch chiến lược cho nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp và dàn trải, kém hiệu quả; chưa phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp và nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; Đất đai sản xuất nông nghiệp chủ yếu là của nông dân, phần lớn diện tích còn nhỏ lẻ, phân tán nên chưa có nhiều những tổ chức hợp tác nông dân lớn, để cung cấp tập trung một số lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều nên việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản nông sản còn hạn chế do thiếu vốn và nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm ra còn thấp; Thực tế nhiều nông dân, cơ sở đã đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để làm ra các sản phẩm có chất lượng, bảo dảm an toàn thực phẩm nhưng chưa được thị trường quan tâm, giá bán không cao, không mang lại lợi nhuận nên chưa kích thích được sản xuất ứng dụng công nghệ cao phát triển. 5. KIẾN NGHỊ Để đạt được mục tiêu các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên “hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng nhằm sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất lên hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh” thì việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Muốn tạo được liên kết trên cần phải huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác phát triển; tranh thủ mọi nguồn vốn từ ngân sách, vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng; chủ động và tích cực thực hiện liên kết, hợp tác và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ, tạo sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên, cùng với việc vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tạo được chính sách thông thoáng và ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao gắn với hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là các sản phẩm có lợi thế so sánh và cạnh tranh cao của khu vực. Để thu hút đầu tư lớn và khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, địa phương cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các khu và vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên hiện trạng đang có và theo định hướng quy hoạch chuyên canh, từng bước nghiên cứu phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở xác định loại cây trồng cụ thể, quy mô sản xuất, phương thức tổ chức sản xuất phù hợp; đồng thời chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, nhất là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp và nông dân thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, hội nghị đầu bờ, tạo điều kiện cho nông dân tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Chú trọng công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ứng dụng công nghệ cao, tập trung đầu tư thỏa đáng để nâng cao hiệu quả 121
  11. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tổ chức liên kết với các doanh nghiệp theo hướng vừa đào tạo, vừa thực hành và tiếp nhận lao động sau đào tạo. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của ngành nông nghiệp huyện, giúp ổn định đời sống, tăng thu nhập cho nông dân, xây dựng một nên nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Dịch vụ tư vấn kỹ thuật, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; dịch vụ cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị... 6. KẾT LUẬN Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, tăng năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nhận thức được vai trò trên, các tỉnh thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã khuyến khích người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đã mang lại những thành công đáng kể, góp phần đảm bảo lương thực, nâng cao chất lượng cũng như gia tăng thu nhập nông hộ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân xuất phát từ phương thức sản xuất mang tính truyền thống, công tác quy hoạch, bố trí đất đai để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm và thiếu đồng bộ, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp và dàn trải, kém hiệu quả, chính sách ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa được cụ thể hóa, chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế, nên chưa thu hút được các nguồn lực cần thiết trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, nguồn nhân lực cho công nghệ cao còn yếu và thiếu, chưa được quan tâm đầu tư một cách đúng mức; giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên thị trường còn thấp, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chưa được quan tâm… dẫn đến việc nhân rộng mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ nút thắt, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cấp thiết cần: Một là, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Hai là, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, tạo chính sách thông thoáng và ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là các sản phẩm có lợi thế so sánh và cạnh tranh cao của khu vực. Ba là, các tỉnh cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các khu và vùng sản xuất chuyên canh. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp và nông dân. Chú trọng công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiêu chí về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Truy cập tại: https://vietnambiz.vn/nong-nghiep-cong-nghe-cao-high-technology- farming-la-gi-20191118180531131.htm 2. Công Bắc (2020). Rừng Tây Nguyên chỉ còn là “vàng” trên các số liệu báo cáo? Truy cập tại: https://vov.vn/xa-hoi/rung-tay-nguyen-chi-con-la-vang-tren-cac-so-lieu-bao- cao- 122
  12. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” 821389.vov#:~:text=%C4%90i%E1%BB%81u%20n%C3%A0y%20c%C3%A0ng%20%C4 %91%C6%B0%E1%BB%A3c%20kh%E1%BA%B3ng%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20r %C3%B5%20khi,v%C3%A0%20%C4%91%E1%BB%99%20che%20ph%E1%BB%A7%20 suy%20gi%E1%BA%A3m%20nghi%C3%AAm%20tr%E1%BB%8Dng. 3. Cục thống kê các tỉnh. Niêm giám thống kê các tỉnh khu vực Miền trung – Tây Nguyên. 4. Dương Hoa Xô, Phạm Hữu Nhượng (2006). Tham luận Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại Việt Nam. Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ 2006, Đà Lạt – Lâm Đồng. 5. Quốc hội (2000). Luật Khoa học công nghệ. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Luat-Khoa-hoc-va- Cong-nghe-2000-21-2000-QH10-46449.aspx 6. Quốc hội (2008). Luật Công nghệ cao. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Luat-cong-nghe-cao- 2008-21-2008-QH12-82201.aspx?tab=7 7. Nguyễn Văn Thanh (2016). Tây Nguyên: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có lộ trình. Truy cập tại: http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/37/44937/tay-nguyen-phat- trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-can-co-lo-trinh. --- Thông tin tác giả: - TS. Lâm Bá Hoà, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, 71 Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng Email: lamtuelam@due.edu.vn Số điện thoại: 0982919182 Lĩnh vực nghiên cứu: - Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, 71 Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng Email: ha.ntt@due.edu.vn Số điện thoại: 0388212888 Lĩnh vực nghiên cứu: Kinh tế 123
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1