intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tìm hiểu về các nhà ngoại giao trong lịch sử dân tộc: Phần 2

Chia sẻ: Lăng Mộng Như | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:84

32
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Phần 2 của cuốn sách "Các nhà ngoại giao trong lịch sử dân tộc" tiếp tục cung cấp cho bạn đọc các thông tin về các nhân vật ngoại giao như: Nguyễn Biểu, Nguyễn Trực, Lương Như Hộc, Lương Thế Vinh, Quách Hữu Nghiêm, Phạm Đôn Lễ, Trịnh Thiết Trường, Triệu Thái, Lê Quang Bí, Mạc Giáp Hải, Phùng Khắc Hoan, Giang Văn Minh,... Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tìm hiểu về các nhà ngoại giao trong lịch sử dân tộc: Phần 2

  1. NGUYỄN BIỂU (? - 1413) Danh thần đời vua Trùng Quang (1409 - 1414), quê ở xã Yên Hồ, huyện Chi La, Nghệ An, nay là xã Đức Phúc, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông đỗ thái học sinh, làm điện tiền ngự sử, tính tình cương trực. Khi nhà Minh xâm lược nước ta, Trần Quý Khoáng được sự giúp đỡ của Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị lãnh đạo nhân dân kháng chiến, Nguyễn Biểu cũng tham gia. Tháng 4-1413, Trương Phụ mang quân vào Nghệ An đàn áp cuộc khởi nghĩa. Vì tin vào chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ” của quân Minh, Trần Quý Khoáng đã mấy lần cho sứ sang nhà Minh, Trung Quốc cầu phong. Nhưng nhà Minh không những không nghe mà còn tìm cách giết sứ của ta. Khi cho quân rút về Hóa Châu, một lần nữa Trần Quý Khoáng hy vọng dựa vào nhà Minh để khôi phục nhà Trần nên sai quan ngự sử Nguyễn Biểu đến dinh Trương Phụ, yêu cầu tiến cử sang nhà Minh cầu phong. Tới trước mặt Trương Phụ, quân Minh bắt ông quỳ lạy, ông không chịu, cứ đứng trơ trơ. Trương Phụ nghe tiếng ông là người cương trực nên muốn uy hiếp tinh thần sứ giả nghĩa quân. Y sai nấu 81
  2. chín một cái đầu người rồi dọn lên mời ông ăn. Ông không ngần ngại, ung dung cười nói: “Đã mấy khi người nước Nam được vinh hạnh ăn đầu người phương Bắc”. Đoạn ông cầm đũa khoét hai con mắt chấm dấm ăn, vừa ăn vừa làm thơ nói về sự kiện này. Trương Phụ thấy vậy khâm phục ông là người can đảm và phải lấy lễ tiếp ông rồi để ông về. Vì nghe theo một tên ngụy quan nên Trương Phụ liền cho người đuổi theo gọi lại và kiếm cớ là vô lễ để giữ ông. Nguyễn Biểu liền mắng Trương Phụ rằng: “Trong lòng thì mưu đánh chiếm nước người ta, ngoài mặt thì nói láo là quân nhân nghĩa, đã hứa lập con cháu nhà Trần mà lại lập quận huyện, không những cướp bóc của báu mà còn tàn hại sinh dân, quả thật là giặc tàn ngược”. Bị Nguyễn Biểu mắng và vạch bộ mặt xảo trá xâm lược nên Trương Phụ tức giận sai trói Nguyễn Biểu vào cột cầu Lam, cạnh chùa Yên Quốc để nước thủy triều dâng lên dìm chết ông. Nguyễn Biểu luôn mồm chửi mắng Trương Phụ. Nhưng liền ba ngày mà không thấy nước thủy triều lên, Trương Phụ phải sai quân cởi trói và mang ông đến chùa Yên Quốc đánh chết. Ông biết thế nào cũng bị giết, nên vội đề mấy chữ vào cột Lam Kiều: “Thất nguyệt, thập nhất nhật Nguyễn Biểu tử”. (Nguyễn Biểu chết ngày 11 tháng 7). Ông mất năm 1413. 82
  3. Lo sợ và không thể không kính phục trước cái chết của Nguyễn Biểu, Trương Phụ phải lấy hậu lễ đưa ông về táng ở quê. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, vua Lê Thái Tổ phong ông làm “Nghĩa liệt hiền ứng linh trợ thuận đại thần”. Còn vua Lê Thánh Tông truy tặng ông là Nghĩa Vương. Nhân dân ta lúc đó thương tiếc vị sứ giả trung dũng, kiên cường của dân tộc, đặt tên cầu Lam là cầu Nghĩa Vương và lập đền thờ ông gọi là Nghĩa Vương từ. 83
  4. NGUYỄN TRỰC (1417 - 1473) Danh sĩ nhà Lê Sơ, tự là Công Dĩnh, hiệu Hu Liêu; quê ở thôn Bối Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) con danh sĩ Nguyễn Thì Trung. Ông nổi tiếng giỏi văn thơ. Năm 1441, ông thi đỗ trạng nguyên, là vị trạng nguyên đầu tiên nhà Lê Sơ. Thời vua Lê Nhân Tông, ông làm trực học viện sĩ Hàn lâm, rồi thăng nam sách an vũ sứ. Tương truyền ông được Lê Nhân Tông vẽ hình để bên cạnh chỗ ngồi, tỏ ý không lúc nào quên. Thời vua Lê Thánh Tông, ông làm thư chỉ Viện Hàn lâm, trung thư lịch kiêm tế tửu Quốc Tử Giám. Vua rất nể trọng ông. Năm 1444, thời vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Trực đi sứ Trung Quốc, gặp dịp triều đình nhà Minh, Trung Quốc mở khoa thi hội, mời các sứ thần ứng thi. Nguyễn Trực tham gia, bằng tài văn chương kiệt xuất, ông đã khiến vua quan nhà Minh, Trung Quốc và các sứ thần các nước khác khâm phục, xưng tặng “lưỡng quốc trạng nguyên”, nâng cao uy tín Đại Việt. Khi về nước ông được nhận tám chữ vua ban: “Thành công danh Nam Bắc triều biên ngã”, ý là công danh ở cả hai nước đều hoàn thành. 84
  5. LƯƠNG NHƯ HỘC (1420 - 1501) Danh sĩ đời Lê Thái Tông, tự Tường Phủ, quê ở xã Hồng Liễu, huyện Trường Tân, nay là xã Thanh Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông từng hai lần đi sứ sang nhà Minh, Trung Quốc và đã có công truyền lại nghề khắc bản in cho dân, được tôn xưng là ông tổ nghề khắc ván in. Năm 18 tuổi, ông đỗ hương cống, ước mong đỗ cao hơn, ông tìm lên kinh thành mua sách học để thi đình. Đáng tiếc, ở Thăng Long khi ấy phần lớn là sách từ phương Bắc truyền sang. Từ đấy ông nuôi chí quyết học bằng được nghề in để trong nước tự cường, vươn lên bằng người. Năm Đại Bảo thứ ba (1442) đời vua Lê Thái Tông, Lương Như Hộc thi đậu thám hoa lúc 22 tuổi và làm đến đô ngự sử. Năm sau, Lê Nhân Tông lên ngôi, cử ông đi sứ sang nhà Minh để báo tang và cầu phong, nên ông có cơ hội tìm hiểu công nghệ in ấn ở Trung Quốc. Năm 1459, ông đi sứ lần thứ hai sang Trung Quốc. Cả hai lần đi sứ nhà Minh ông đều chú ý đến việc in sách và học được nghề in mộc bản. Khi đó, việc học nghề này rất khó, vì người Trung Hoa giấu nghề, chỉ cha truyền con nối. 85
  6. Hoàng đế Đại Minh chuyên chế, chủ trương chính sách bế quan tỏa cảng, không muốn thiên hạ biết như mình nên bắt nhà nghề phải giấu môn gia truyền. Những người nước ngoài dù là thần phục, đi cống sứ đều bị canh chừng, theo dõi chặt chẽ để hạn chế việc tìm học các thuật bí truyền của Trung Hoa. Ở Yên Kinh các sứ thần đều phải ở trong Công quán, xung quanh có lính canh đêm ngày và bị theo dõi chặt chẽ. Lương Như Hộc đã khéo mua chuộc được lính canh, ngày ngày thoát ra ngoài giả làm người du ngoạn đến mấy ngôi chùa có thợ khắc đang làm việc quan sát kỹ và học được nghề khắc ván in. Về nước ông truyền nghề cho dân Liễu Tràng mở mang nghề in sách. Ông được tôn là tổ sư trong ngành. Ông còn là tác giả bộ Hồng châu quốc ngữ thi tập. 86
  7. LƯƠNG THẾ VINH (1441 -?) Danh sĩ đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1479), tự là Cảnh Nghị, hiệu Thụy Hiên, quê ở thôn Cao Hương, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, nay là thôn Cao Phương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng là người thông minh, học rộng. Năm Quý Mùi (1463), Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên dưới đời vua Lê Thánh Tông, lúc 23 tuổi. Ông soạn nhiều sách về đạo Phật và quyển Toán pháp đại thành, nên tục gọi ông là Trạng Lường. Ông làm đến thừa chỉ ở Viện Hàn lâm, có chân trong Tao Đàn soái phủ, làm Hàn lâm viện thị giảng, trưởng viện sự, được giao soạn các công văn bang giao với Trung Quốc. Nhà Minh thường khen ngợi tác giả của những văn hàm ấy. Ông là người mang môn toán bàn tính của người Trung Hoa về dạy trong nước. Khi làm quan, ông thường được giao nhiệm vụ tiếp các sứ giả. Một lần, sứ thần nhà Minh là Chu Hy sang, nhân thể muốn dò xem nhân tài đất Việt. Khi đi chơi dọc sông Tô Lịch, sứ nhà Minh sai người đi theo lấy cái cân và đố Lương Thế Vinh cân con voi cạnh đó. Vốn biết tài uyên bác của Lương Thế Vinh, nhất là về mặt toán pháp, nhưng 87
  8. sứ nhà Minh yên trí lần này sẽ làm nhục được trạng nguyên nước Việt. Không hề nao núng, Lương Thế Vinh liền sai quản tượng dắt voi xuống bến rồi sai người ghép mảng và cho voi đứng lên. Ông bẻ cây đo độ cao từ mảng bị chìm đến mặt thoáng của nước, đoạn sai dắt voi lên bờ và chuyển những tảng đá lớn xuống mảng. Khi mảng chìm sâu như lúc voi đứng, ông dùng cân, cân số đá trên mảng. Sứ Minh tỏ lòng bái phục về sự thông minh đó, nhưng Lương Thế Vinh nói: Dùng cân để cân voi là việc người xưa đã làm, Tào Thực con Tào Tháo trong Tam quốc chí đã làm việc đó. Sứ Minh lại bị một đòn nữa vì sự dốt nát của mình khi thử tài người khác. Chu Hy lại đưa cho ông một tờ giấy mỏng từ một cuốn sách và bảo đo độ dầy tờ giấy. Lương Thế Vinh không hề bối rối. Ông đo cả quyển sách và chia chiều dầy đó cho số tờ giấy thì ra độ dầy của một tờ giấy. Sứ Trung Hoa phải thốt lên thán phục: nước Nam quả lắm nhân tài. Không rõ ông mất năm nào. Khi ông mất được phong làm phúc thần và tại đình làng Cao Hương vẫn còn bức vẽ chân dung ông. 88
  9. QUÁCH HỮU NGHIÊM (1442 - 1503) Làm quan dưới thời vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông; là người làng Phúc Khuê, huyện Thanh Quan, phủ Tiên Hưng, nay thuộc xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông đỗ hoàng giáp khoa Bính Tuất (1466), lúc 24 tuổi, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Trong 31 năm làm quan, ông đã kinh qua nhiều chức vụ cao, được giao nhiệm vụ chánh chủ khảo hai khoa thi đình năm Quý Sửu (1493), năm Bính Thìn (1496). Năm 1502, Quách Hữu Nghiêm được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc với nhiệm vụ tạ ơn vua Minh ban mũ, áo cho vua Lê Hiến Tông và tiếp tục “bồi đắp hòa khí”. Bài biểu do ông soạn, dâng vua Minh hôm ra mắt đã gây ấn tượng tốt đẹp. Trong biểu có đoạn: “Cứ thấy chiếu thư ban xuống, tập phong vừa được quang vinh, áo mũ ban cho, vẻ mình càng thêm rực rỡ... Kính nghĩ: Hoàng đế bệ hạ, áo mũ để khuyên mọi phương, lễ văn rực rỡ, đến cả cõi Nam xa cách cũng thêm vẻ đẹp huy hoàng. Thần (Lê Hiến Tông) kính giữ chức xưa được ban ân mới. Khắp bốn biển đều theo đức thấm nhuần ơn huệ từ lâu, đến muôn năm giữ yên dân, đằng đặc khúc trời thêm hưởng”. 89
  10. Theo thông lệ, hoàng hậu nhà Minh sai quan kiểm nhận quà biếu. Ông có mua cái áo long cổn là của cấm để trong hòm, sợ xét thấy sẽ dẫn đến rầy rà, nên ông đã làm vội bài văn “Mục dị hưởng tự hiến” để dâng lên. “Người dân tầm thường mang ngọc bích, Lân Kinh (tức Kinh Xuân Thu) chê là tham của; lái buôn rợ Hồ cất ngọc châu Mã sử (Sử ký Tư Mã Thiên) răn là liều mình. Cho nên, kẻ tự gõ cửa trình phong thư được khen là trung thần, đáng quý, mà kẻ tiến rau cần dâng sưởi nắng tuy là nhỏ mọn cũng nên khen. Hay dở đã rành, gương soi rất rõ. Xét ra, bọn sử thần bản bộ, cùng nhau đến tự phương xa để xem chế độ thượng quốc. Vượt qua biển non muôn dặm, khó nhọc sá từ, tưởng mong nhật nguyệt chín tầng, mặt rồng mừng thấy. Hướng về thanh minh văn vật của triều Ngu trước, thấy rõ lễ nhạc y quan của nhà Chu xưa. Một niềm kính tôn, khôn bề báo đáp. Phàm những của cải mang theo đâu dám tơ hào luyến tiếc. Chúng tôi có một hộp hương kỳ nam rất quý lạ, trình giao sai quan chọn lựa dâng lên”. Bài văn của ông trình bày khéo đến nỗi vua Minh không bắt tội mà còn khen là “nhân tài đời Tam đại”, rồi thưởng áo màu đại hồng có thêu con dê thần và đám mây bằng kim tuyến, xen chỉ tơ sống, chỉ gai và ban yến. Đầu năm Quý Hợi (1503), Quách Hữu Nghiêm cáo từ vua Minh về nước và còn được vua ban cho 90
  11. chiếc áo thứ hai cùng nhiều quà khác và thuyền lớn để về nước nhanh hơn. Khi nhận quà ông làm bài thơ: “Bắc sứ phụng ân tứ thuật thị quán”: “Nhân đi việc nước, đem cống đồ vật quý Được lạm dự yến tiệc ở nơi bệ ngọc Hình con dê thần thêu rực rỡ ở áo tam phẩm Lại đi thuyền vẽ đầu chim ích vượt qua tám thứ gió. Tự cười thơ mình không được rộng như biển Và sức uống rượu của mình không được như sức hút của cầu vồng. Xin chúc nhà vua hưởng phúc sống lâu như lời chúc trong thiên Chu nhã Như mặt trời mới mọc, như trăng thượng huyền soi khắp cả thiên hạ”. Bài thơ trên đã được Lê Quý Đôn tuyển chọn để đưa vào Toàn Việt thi lục - một bộ hợp tuyển thi ca nổi tiếng của Việt Nam. Như vậy, chuyến đi sứ của ông đã thành công mỹ mãn. Đánh giá về sự kiện trên, nhà sử học Phan Huy Chú nhận định rằng Quách Hữu Nghiêm là “nhà ngoại giao đầy mưu chước”. 91
  12. PHẠM ĐÔN LỄ (1455 - 1497) Là văn thần đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), hiệu Lê Khanh; quê thôn Hải Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng, trấn Sơn Nam hạ (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Năm 1481, ông đỗ trạng nguyên lúc 26 tuổi, từ thi hương đến thi đình, đều đỗ đầu, là vị tam nguyên đầu tiên trong khoa cử ở nước ta. Ngày vinh quy, ông được vua ban ngựa tốt và việc này sau thành lệ. Ông giỏi văn thơ, chính trị, kinh tế, làm đến tả thị lang và được truy phong thượng thư sau khi mất. Tương truyền ông được cử đi sứ nhà Minh, trên đường đi đến vùng Ngọc Hồ, Quế Lâm (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) thấy dân trong vùng chuyên sống bằng nghề dệt chiếu, ông đã chú ý khảo sát kỹ lưỡng, học được kỹ thuật dệt chiếu mới của họ về phổ biến cho làng Hải Triều và vùng duyên hải. Trước đây, ở quê ông khi dệt chiếu dùng bàn dệt đứng, không có ngựa đỡ sợi. Ông đã cho áp dụng kỹ thuật dệt theo bàn dệt nằm có ngựa đỡ sợi. Sợi dây đay giữ cói được căng, chiếu dệt ra đều sợi và đẹp hơn. Chiếu Hải Triều được nhiều người 92
  13. yêu thích, nổi tiếng khắp chốn kinh đô. Chiếu Hải Triều có màu trắng ngà, có nhiều loại: cải, đậu, đót, trơn, kẻ sọc, màu, in hoa, cạp điều, sợi xe,... dùng lâu chiếu đều ngả màu vàng, trơn nhẵn, độ mềm vừa phải, thoát nước nhanh, mau khô. Đặc biệt là kỹ thuật chiếu cải mà nhiều nơi không làm được. Những lá chiếu cải phải nhuộm cói trước khi dệt, sau đó dệt thành những chữ thọ, bông hoa, chân dung, rồng, phượng... Đường biên của chiếu Hải Triều cũng rất bền và đẹp. Biên được bện sau khi dệt xong đòi hỏi phải khéo léo, cẩn thận. Người dân ở đây từ xưa đã có câu: “Mua chiếu xem biên, người hiền xem mặt”. Người Hải Triều đã tôn thờ ông là tổ nghề dệt chiếu và gọi ông là “Trạng Chiếu”. 93
  14. TRỊNH THIẾT TRƯỜNG (Thế kỷ XV) Là thượng thư dưới thời Lê Sơ; quê ở thôn Đắc Chí, xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1442, ông đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Đến kỳ thi hội năm 1448, Trịnh Thiết Trường đỗ bảng nhãn. Tháng 1 - 1475, ông được vua Lê Thánh Tông cử đi sứ nhà Minh. Chánh sứ trong chuyến đi sứ này là trạng nguyên Nguyễn Trực, đậu trạng nguyên cùng khoa thi năm 1448 với Trịnh Thiết Trường. Đúng lúc đó, triều đình nhà Minh mở khoa thi. Để tỏ rõ tài năng của người nước Nam, nên hai ông đã đề nghị vua Minh cho phép tham dự kỳ thi với các sĩ tử Trung Hoa. Vua Minh đồng ý. Tại trường thi, khi đã làm bài được hơn nửa thời gian, Trương Thiết Trường nảy ra một ý và nói với Nguyễn Trực: Trong kỳ thi này chắc chỉ có tôi và bác là đỗ đầu. Nếu tôi đỗ trạng nguyên thì sẽ không hay cho chúng ta vì ở nước ta bác đỗ trạng nguyên, còn tôi đỗ bảng nhãn. Như vậy, vua Lê Thánh Tông sẽ không vừa lòng và Hội đồng giám khảo sẽ bất bình vì bị cho là việc chấm thi không chính xác. Để chắc chắn, Trịnh Thiết Trường nảy ra ý định làm bài sao để giữ nguyên như thứ tự trong nước. Nghĩa là Trịnh Thiết Trường 94
  15. phải làm bài thi có lỗi để kém hơn bài của Nguyễn Trực. Trong bài văn của Trịnh Thiết Trường có đoạn văn: Nam chi châu, bắc chi mã (nghĩa là thuyền phương Nam, ngựa phương Bắc). Thiết Trường đã xóa chữ mã (ngựa) và viết chữ mã ngoài lề và chữ mã này chỉ có ba dấu chấm, thiếu một dấu chấm. Khi chấm thi, các quan giám khảo thấy chỉ có bài của Trịnh Thiết Trường là đáng đỗ trạng nguyên, bài của Nguyễn Trực là đỗ bảng nhãn. Tuy nhiên, sau đó các quan chấm thi coi lại bài của Trịnh Thiết Trường thấy chữ mã chỉ có ba dấu chấm, cho Trịnh Thiết Trường có ý chê ngựa Trung Hoa là ngựa què, khinh thường thiên triều, quyết định thay đổi thứ tự cho Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên, còn Trịnh Thiết Trường chỉ đỗ bảng nhãn. Vua Minh phong cho hai người là “lưỡng quốc trạng nguyên” và “lưỡng quốc bảng nhãn”, ban áo gấm hốt vàng, lọng và ngựa tốt để về nước. Khi giao ngựa cho Thiết Trường, vua Minh lệnh cho quân lính buộc một chân ngựa lại và lệnh nếu ngựa ba chân không đi được sẽ phải giữ lại không cho về nước. Thiết Trường đã sai người đẽo một chân ngựa giả bằng gỗ, buộc vào chân ngựa bị buộc nên ngựa ba chân vẫn đi được, dù có khó khăn. Triều đình nhà Minh rất khâm phục sứ thần Đại Việt có tài ứng biến nên lệnh cho cởi chân ngựa và để ông về nước. 95
  16. TRIỆU THÁI (Thế kỷ XV) Là danh thần, nhà ngoại giao thời Lê Sơ; quê ở thôn Hoàng Chung, xã Đồng Tích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú. Thời niên thiếu ông lưu lạc sang Trung Quốc song vẫn chăm chỉ học hành và đỗ tiến sĩ, làm hàn lâm học sĩ đời Vĩnh Lạc, nhà Minh (1368-1644). Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh, ông cáo quan về nước sống tại quê nhà. Sau kháng chiến chống Minh thắng lợi năm Thuận Thiên thứ hai (1429), Lê Thái Tổ mở khoa thi chọn hiền tài giúp nước. Ông đỗ đầu khoa Minh Kinh và được bổ làm quan đến chức thị ngự sử. Ông làm quan dưới ba đời vua Lê: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Trong gần 20 năm làm quan dưới triều Lê Sơ, Triệu Thái đã tham gia xây dựng nhiều bộ luật quan trọng, tạo cơ sở cho việc soạn thảo bộ luật Hồng Đức sau này. Ông còn là một nhà giáo dục, tham gia chọn nhân tài cho đất nước, trong đó có trạng nguyên Nguyễn Trực và nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong khoa thi năm 1442 và khoa thi năm 1443 mà ông là phó chủ khảo. 96
  17. Triệu Thái còn là nhà ngoại giao giỏi. Ông am hiểu lịch sử, Hán học, phong tục tập quán Trung Quốc. Tháng 10-1442, ông dẫn đầu một phái đoàn ngoại giao sang Trung Quốc, đàm phán với nhà Minh về vấn đề vùng biên giới Khâm Châu (vùng Đông Bắc thuộc Quảng Ninh, giáp phía tây Quảng Đông, Trung Quốc). Đây là vùng núi non hiểm trở, vị trí quân sự xung yếu, thường xảy ra mâu thuẫn giữa hai nước. Vào thế kỷ XV, cả hai bên đều nỗ lực giành chủ quyền và đấu tranh diễn ra trong vòng 6-7 năm. Tư liệu còn lại rất ít, song cũng khẳng định Triệu Thái đã đấu tranh rất kiên quyết để bảo vệ vùng lãnh thổ này. Cùng với kết quả các chuyến đi sứ tiếp theo của Đào Công Soạn, Lê Quát, Nguyễn Lan (1444), Hà Thủ và Đinh Lan (1447), cuối cùng vùng Chiêm Lãng, Như Tích (thuộc Khâm Châu) đã được công nhận là lãnh thổ Đại Việt như Dư địa chí của Nguyễn Trãi khẳng định. Rất tiếc, thế kỷ XVI, hai vùng đất trên lại bị sáp nhập vào Trung Quốc do Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh. 97
  18. LÊ QUANG BÍ (1504 - ?) Văn thần, nhà ngoại giao nhà Mạc, còn gọi là Lê Quang Bôn (vì chữ Bí cũng đọc là Bôn), tự Thuần Phu, hiệu Hối Trai. Lê Quang Bí sinh ra trong gia đình khoa bảng, dòng dõi Lê Cảnh Tuân, quê ở thôn Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 22 tuổi (1526), ông đỗ Hoàng giáp, đời Lê Cung Hoàng (có sách nói ông sinh năm 1506). Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê Sơ, ông thành bề tôi nhà Mạc, làm tả thị lang bộ Hộ. Năm Mậu Thân (1548), ông được nhà Mạc cử làm chánh sứ sang nhà Minh tuế cống thường kỳ. Lúc đó, nhà Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa cũng cử sứ thần sang Minh, nên các sứ thần nhà Mạc thường phải chịu sách nhiễu, giam cầm, tra khảo vì bị nghi là sứ thần giả mạo. Ông bị Tổng đốc Lưỡng Quảng giam, bịt mắt và thử tài. Ông đã đọc thuộc lòng quyển Đại học diễn nghĩa không sai một chữ. Quan lại nhà Minh rất phục ông. Bị giam lỏng, ông tập trung biên soạn bộ Tư hương vận lực gửi về nước. Có một vị cử nhân là Đặng Hồng Chấn xin đến thụ nghiệp, học hỏi. Đặng Hồng Chấn sau 98
  19. này đỗ tiến sĩ và thăng chức Yên Kinh chủ sư, đã dâng biểu nói rõ sự tình, ca ngợi sứ thần Đại Việt, lúc đó Lê Quang Bí mới được đưa lên kinh (1563) yết kiến vua Minh. Vua Minh lập tức cho triệu kiến, nhận cống phẩm và cho về. Tháng 1 năm Bính Dần (1566), ông về đến Đại Việt sau 18 năm đi sứ, lúc đó đã 62 tuổi, đầu bạc phơ, giống như Tô Vũ nhà Hán đi sứ Hung Nô, phải đi chăn dê ở Bắc Hải gần 20 năm. Triều đình phong ông làm thượng thư bộ Hộ và sau khi mất được tặng tước hiệu Bảo Tô quận công. 99
  20. MẠC GIÁP HẢI (1506 - 1586) Là danh sĩ nhà Mạc, còn có tên là Trừng, hiệu là Tiết; người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc, nay thuộc Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ông đỗ trạng nguyên khoa thi Mậu Tuất năm 1538. Mẹ ông là người thôn Công Luận, huyện Văn Giang, trước thuộc tỉnh Hà Bắc, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Năm lên bốn tuổi, khi chơi ở bờ sông, ông bị một phú thương đi thuyền qua bắt đem về làng Dĩnh Kế, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, nuôi dạy, đặt tên là Giáp Hải. Ông làm quan đến lục bộ thượng thư kiêm đông các đại học sĩ, nhập thị kinh diên, tước Kê Khê Đá, hàm thiếu bảo. Ngoài tài văn chương ông còn có tài ngoại giao. Lúc ấy, triều Minh sai sứ sang hạch sách nhà Mạc, đòi cắt đất và sai Mao Bá Ôn, Cừu Loan đem quân đóng ở cửa Nam Quan chuẩn bị xâm lược. Mao Bá Ôn gửi sang triều Mạc một bài thơ vịnh “bèo” có ý khinh dân Việt như bèo bọt. Bài thơ như sau: Cao sâu theo nước mọc im lìm Nông nổi xưa nay vốn khó dìm 100
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2