intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Truyện ngắn Vết Thương

Chia sẻ: Phượng Cửu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

150
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ðêm ba mươi tết. Bên ngoài cửa sổ xe lửa, người ta không nhìn rõ được gì, ngoại trừ những ngọn đèn màu lấp loáng khi gần khi xa. Ðó là mùa xuân năm 1978. Thiếu Hoa quay lại nhìn toa xe lửa và liếc nhìn đồng hồ tay. Lúc đó là đúng nửa đêm. Nàng thắt gọn lại mái tóc đen dài, và khẽ dụi cặp mắt đỏ vì mất ngủ, rồi lấy ra một chiếc gương nhỏ từ một túi xách, đeo ở cửa sổ. Hướng mặt về phía ánh sáng lờ mờ, nàng nhìn mình trong chiếc...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Truyện ngắn Vết Thương

  1. vietmessenger.com Nguyễn Vạn Lý Vết Thương Ðêm ba mươi tết. Bên ngoài cửa sổ xe lửa, người ta không nhìn rõ được gì, ngoại trừ những ngọn đèn màu lấp loáng khi gần khi xa. Ðó là mùa xuân năm 1978. Thiếu Hoa quay lại nhìn toa xe lửa và liếc nhìn đồng hồ tay. Lúc đó là đúng nửa đêm. Nàng thắt gọn lại mái tóc đen dài, và khẽ dụi cặp mắt đỏ vì mất ngủ, rồi lấy ra một chiếc gương nhỏ từ một túi xách, đeo ở cửa sổ. Hướng mặt về phía ánh sáng lờ mờ, nàng nhìn mình trong chiếc gương. Thực là một khuôn mặt xinh đẹp và vuông vắn với nước da trắng mát, chiếc mũi thẳng, đôi môi mỏng và các đường nét rất thanh tú, chiếc cằm hơi đưa về phía trước, hàng lông mày đen và cặp mắt sâu và lặng lẽ, thỉnh thoảng sáng ánh lên trong ánh sáng lờ mờ. Nàng chưa bao giờ ngắm nhìn khuôn mặt trẻ và hấp dẫn của nàng một cách tỉ mỉ như thế. Tuy nhiên, trong lúc soi gương, nàng trông thấy nước mắt ứa lên khóe mắt. Bằng một cử chỉ hấp tấp, nàng úp chiếc gương vào ngực và liếc vội nhìn quanh. Khi thấy mọi người trong toa đang ngủ thì nàng mới cảm thấy an tâm, hắt ra một tiếng thở dài và bỏ chiếc gương vào trong túi xách. Nàng rất mệt nhưng không ngủ được. Trong một lúc nàng gục đầu vào cánh tay tì lên một chiếc bàn uống trà, nhưng chỉ vài phút lại ngẩng đầu lên. Ðối diện với nàng là một cặp mới đính hôn và đang đi Thượng Hải thăm bà con. Hai người đã nói chuyện với nhau thật nồng nàn về việc học của họ và tình hình chính trị thay đổi trong năm vừa qua, nhưng bây giờ có vẻ mệt rồi, và đang gục vào nhau mà ngủ. Phía bên kia là một người đàn bà trung niên cũng đang ngủ gà ngủ gật, bên cạnh một đứa con gái khoảng bốn hoặc năm tuổi đang ngủ say. Chợt đứa con gái dẫy dụa và kêu lên trong giấc mơ: "Má má!". Người đàn bà giật mình thức giấc, và nghiêng xuống hôn con gái. "Làm sao thế, cưng?" Nhưng đứa con gái không nói gì, và sau khi cựa quậy lại tiếp tục ngủ. Rồi tất cả lại yên lặng. Chỉ có xe lửa vẫn tiếp tục chạy rầm rầm một cách đều đặn, giống như là một bài hát ru, và lúc lắc ru hành khách vào giấc ngủ. Nhưng Thiếu Hoa vẫn không ngủ được. Nhìn cặp tình nhân và hai mẹ con trước mặt, nàng cảm thấy một làn sóng cô đơn lại trùm lên nàng. Tiếng gọi "Má má!" của đứa con gái nhỏ trong giấc mơ, giống như một lưỡi dao đâm vào tim nàng. Tiếng gọi đó từ lâu đã trở thành xa lạ đối với nàng, thế mà bây giờ lại gợi lên trong lòng nàng biết bao hy vọng và mong chờ! Nàng hầu như có thể tưởng tượng đến một mái tóc muối tiêu, một khuôn mặt phong sương
  2. trước mắt nàng, và muốn nhào tới ngay để ôm lấy hình ảnh ấy và xin tha thứ. Nàng lắc đầu và nước mắt lại tràn lên mắt nàng, nhưng nàng cầm nước mắt lại, và thở thật mạnh. Hai tay chống lên bàn và ôm lấy đầu, nàng nhìn ra ngoài cửa sổ một lần nữa. "Chín năm đã trôi qua..." nàng xót xa nhớ lại. Ðấy là lúc nàng đang phấn đấu với chính sự phẫn nộ trong lòng vì người mẹ "phản đảng" của nàng. Trong lúc trí óc quay cuồng, nàng đã ký giấy tự nguyện trở về miền quê trước khi tốt nghiệp. Thực là khó mà hiểu được: làm thế nào mẹ nàng, một nhà cách mạng lâu đời, đã trở thành một cái gì bò ra từ lỗ chó quân thù, một hình ảnh giống như một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Bài Ca Tuổi Trẻ, để bị thù ghét và khinh bỉ. Nàng hy vọng rằng sự buộc tội mẹ nàng là một lầm lẫn. Chẳng phải thân phụ nàng lúc còn sống đã từng kể mẹ nàng, đã nhiều lần liều mạng coi thường súng đạn của quân địch, đã cứu thoát được nhiều binh sĩ bị thương hay sao? Làm thế nào mẹ nàng lại có thể đầu hàng, và trở thành một kẻ phản quốc, sau khi bị địch bắt giam trong tù? Khi mẹ nàng bị gán tội phản đảng, Thiếu Hoa đã mất hết những bạn thân nhất và những bạn học, và gia đình nàng phải dọn vào ở trong một căn phòng nhỏ và tồi tàn. Vì mẹ mà nàng bị trục xuất ra khỏi Hồng Vệ Binh, và chịu biết bao sự kỳ thị. Do đó, nàng còn ghét mẹ hơn nữa, vì cái quá khứ xấu hổ và phản bội ấy. Ðồng thời nàng cũng không thể quên được rằng mẹ yêu thương nàng vô cùng, và cũng không quên rằng cha mẹ nàng cực kỳ trân quý nàng như một viên ngọc, kể từ lúc nàng hiểu biết và nhớ được, một phần vì nàng là con một. Và bây giờ tình yêu ấy là một vết thẹo xấu xa trên làn da sạch sẽ và trắng trẻo của nàng, một dấu vết tủi nhục. Nàng không còn cách nào hơn là chỉ trích bản năng tiểu tư sản của mẹ, và vạch một đường ranh phân cách nàng với mẹ. Nàng phải từ bỏ mẹ, và phải đi ngay và phải đi thật xa. Lúc lên xe lửa từ giã Thượng Hải, nàng chỉ là một thiếu nữ mười sáu tuổi, với một bộ mặt ủ dột và mái tóc kết bím sau lưng. Trong số những học sinh trung học cũng đang về miền quê làm việc, nàng nổi bật như là một thiếu nữ bơ vơ lạc lõng, với khuôn mặt non nớt và dáng người mảnh mai. Nàng ngồi trong góc toa và nhìn ra ngoài cửa sổ. Không một học sinh nào khác lại nói chuyện với nàng, mà nàng cũng không tìm cách nói chuyện với ai. Mãi đến lúc xe lửa đi vào một đường hầm trong núi, nàng mới nhìn tới hai món hành lý đặt trên giá hành lý bên trên đầu -- một chiếc túi vải và một tấm vải cuốn lại để dùng làm giường ngủ, mà nàng đã sửa soạn mang theo một cách hết sức thận trọng bí mật không cho mẹ biết. Cho tới lúc nàng lên xe lửa cùng với các bạn học, thì mẹ nàng vẫn không hề biết gì về kế hoạch của nàng. Lúc này mẹ chắc đã trở về nhà rồi, nàng nghĩ, và chắc cũng đã đọc được mấy lời để lại trên bàn, vắn tắt mấy chữ: “Tôi đã cắt đứt với bà, và cái gia đình này. Ðừng cố gắng tìm tôi. Thiếu Hoa Ngày 6-6-1969” Thiếu Hoa nghĩ mẹ chắc sẽ khóc, và có lẽ đau đớn lắm. Và ngay chính nàng cũng không thể quên được sự săn sóc yêu thương mà nàng đã nhận được từ tuổi thơ ấu, nhưng nàng vẫn không được tỏ lòng thương hại, nàng tự nhủ thế. Dầu sao, mẹ nàng cũng là một kẻ phản quốc, dù bà ta là mẹ cũng vậy. Xe lửa bây giờ đã yên tĩnh hơn. Ðến lúc đó nàng bắt đầu để ý đến các học sinh quanh nàng -- người thì ngủ, tựa người vào ghế ngồi, kẻ thì đọc sách. Một thanh niên trạc tuổi nàng ngồi đối diện với nàng, đang nhìn nàng một cách tò mò. Nàng bối rối nhìn xuống, nhưng anh
  3. chàng hỏi nàng một cách thản nhiên, "Cô thuộc niên khóa nào?" "1969", nàng ngẩng đầu lên trả lời. Chàng thanh niên ngạc nhiên nhắc lại, "1969 à? Vậy cô ...". "Tôi tốt nghiệp sớm." Khi nàng nói đến đó, mắt nàng sáng lên một giây lát, như thể là biết ơn sự quan tâm của chàng. Nàng lợi dụng cơ hội quan sát chàng thanh niên. Anh chàng cao trung bình, nước da trắng và đôi mắt tinh anh. "Tên anh là gì?" "Tô Tiểu Lâm. Còn tên cô?" Nàng đỏ mặt trả lời, "Vương Thiếu Hoa." Một vài học sinh nghe thấy cuộc đối thoại của hai người nên ngừng đọc sách và nói xen vào, "Vương Thiếu Hoa, làm sao cô có thể tốt nghiệp sớm được?" Nàng bối rối một giây lát, rồi tìm cách nói quanh cho qua, nhưng nàng chưa bao giờ biết nói dối khéo nên cuối cùng nàng kể hết sự thực. Khi kể xong nàng cúi đầu xuống, sẵn sàng chờ đợi họ đối xử lạnh nhạt với nàng. Nhưng trái lại họ đã trấn an và an ủi nàng một cách hết sức thiện cảm. Tô Tiểu Lâm nói, "Cô đã làm một việc đúng. Ðừng lo, khi tới miền quê, chúng tôi sẽ giúp đỡ cô." Thiếu Hoa cảm tạ tất cả với lòng biết ơn. Thời gian trôi qua và khi Thiếu Hoa quen với đời sống tập thể, nàng bắt đầu quên dần những ký ức chua xót về gia đình. Cùng với các học sinh từ Thượng Hải, nàng bắt đầu một cuộc đời mới tại một làng duyên hải, thuộc tỉnh Liêu Ninh của miền đông bắc Trung hoa. Nàng đã có những tiến bộ đều đặn và năm kế tiếp, nàng làm đơn xin gia nhập Liên Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản. Nhưng nàng ngạc nhiên khi đơn của nàng bị bác bỏ, với lý do mẹ nàng là một người phản đảng. Khi nàng biết như thế, nàng tới gặp viên bí thư của Liên đoàn, khóc lóc trần tình với hắn, "Tôi đã cắt đứt mọi liên hệ với gia đình tôi, và không còn liên hệ gì với mẹ tôi nữa. Ông phải biết điều này chứ..." Tô Tiểu Lâm và một số bạn khác của nàng đã xác nhận sự kiện này. "Thực như vậy. Năm ngoái khi mẹ Thiếu Hoa biết nàng ở đây, và gửi cho nàng một gói quần áo và thực phẩm, nhưng nàng gửi trả lại mà không thèm mở ra xem." Viên bí thư Liên đoàn nói với vẻ buồn tiếc, "Phải, tôi biết, nhưng Thượng Hải đã gửi một lá thư điều tra tới ủy ban Liên đoàn tại đây. Và sau đó cấp lãnh đạo tỉnh bao giờ cũng đặt vấn đề này lên hàng đầu..." Hắn nhún vai và mỉm một nụ cười bất lực. Thiếu Hoa không biết phải làm gì. Mãi đến mùa xuân của năm thứ tư tại đó, nàng mới được miễn cưỡng nhận vào Liên đoàn. Vào lúc đó, nàng không còn tha thiết nữa. Tết lại đến. Ðây là lúc khổ tâm nhất cho nàng. Từng học sinh trở về quê ăn Tết với gia đình, để nàng ở lại một mình trong cư xá vắng vẻ. Bên ngoài, không khí cay nồng mùi thuốc súng khi người ta đốt pháo mừng xuân. Trẻ con chạy nhảy khắp nơi, vừa ca hát vừa la hét. Tiếng trống và phèng la vang suốt đêm. Niềm vui nhỏ bé của nàng là được một vài gia đình nông dân mời đến nhà họ chơi, nhưng khi trở lại căn phòng trống rỗng, thì nàng lại còn buồn nản hơn trước.
  4. Niềm an ủi duy nhất của nàng là mối quan tâm thành thực, và sự ủng hộ của các nông dân dành cho nàng. Chính họ đã nhiều lần viết thư cho Ủy Ban Liên Ðoàn, yêu cầu họ chấp thuận cho nàng được gia nhập Liên đoàn. Tô Tiểu Lâm cũng thường tới thăm nàng. Trong những năm sống và làm việc với nhau, đã có một cái gì gần gũi ấm áp giữa hai người. Tô Tiểu Lâm ưa thích bản chất ngây thơ, lương thiện và tinh thần làm việc chăm chỉ của nàng. Về phần nàng, nàng cũng coi chàng là người duy nhất trên đời này, mà nàng có thể tin tưởng và tâm sự những nỗi băn khoăn trong lòng. Kể từ buổi tối ấy trên bãi biển, khi Tiểu Lâm và Thiếu Hoa nói chuyện tâm tình với nhau, hai người còn cảm thấy gần gũi nhau hơn nữa. Ðêm ấy, sau khi đi dạo khá lâu trên bãi biển, hai người ngồi xuống bãi cát. Trước mặt họ và dưới ánh trăng là mặt biển mênh mông. Một cơn gió nhẹ từ ngoài biển đem vào hương vị của đại dương cùng với những âm thanh dạt dào của sóng biển lên bãi cát. Hai người im lặng một lát, rồi Tiểu Lâm bất chợt hỏi nàng, "Thiếu Hoa, cô có nhớ gia đình không?" Nàng hơi ngạc nhiên, nhưng cũng ngẩng đầu và sau một lúc do dự, trả lời, "Không. Tại sao anh hỏi tôi thế?" "Cô biết mà, Thiếu Hoa, tôi nghĩ cô phải viết thư tìm xem mẹ cô bây giờ ra sao. Lâm Bưu chủ trương triệt hạ nhiều cán bộ cũ. Mẹ cô có thể ở trong trường hợp ấy." "Không. Không thể như vậy được," Thiếu Hoa vừa trả lời vừa kéo cao cổ áo. Nàng lắc đầu khổ não, "Tôi đã nghĩ đến điều ấy nhiều lần rồi, nhưng không oan đâu. Tôi nghe nói chính Trương Xuân Kiều giải quyết trường hợp của mẹ tôi và tuyên án. Ðiều đó không thể là một sai lầm được." Nàng lại lắc đầu. Trời bắt đầu lạnh. Thấy Thiếu Hoa chỉ có một chiếc áo lạnh mỏng, Tiểu Lâm hỏi, "Cô lạnh không?" "Không." Nàng nhìn chàng chăm chú như muốn hỏi, "Còn anh thì sao?" Chàng cúi nhìn xuống và im lặng ngắm làn nước lấp lánh, rồi lên tiếng hỏi, "Thiếu Hoa, cô có nghĩ rằng một người cách mạng mà có cảm xúc là sai quấy không?" Nàng không trả lời chàng được, vì những ý nghĩ về cuộc đời riêng của nàng lại làm nàng đau đớn. Khi Tiểu Lâm quay lại và nhìn thấy nước mắt dàn dụa trên mặt nàng, thì chàng cố nói vài lời an ủi nàng, nhưng chính chàng cũng không thể cầm được nước mắt của mình. Cuối cùng chàng bộc lộ điều mà chàng vẫn giữ kín từ lâu. "Thiếu Hoa, cô không có gia đình để nương tựa. Nếu cô tin tưởng tôi thì... thì chúng ta hãy là bạn tốt với nhau!" Tim nàng đập mạnh. Nàng nhìn chàng ngạc nhiên và không tin. "Thực hả? Anh thực tâm...?" "Phải, dĩ nhiên anh thực tâm." Tiểu Lâm vội xác nhận, đưa tay cho Thiếu Hoa, biểu lộ một tình thương đầm ấm. "Thiếu Hoa, hãy tin anh!" Nàng té vào vòng tay của chàng và ôm lấy chàng. Nụ cười đã trở về trên khuôn mặt Thiếu Hoa. Ngoài đồng cũng như trong lưu xá, người ta nghe thấy giọng hát ấm áp của nàng nhiều hơn. Bộ mặt nàng hồi phục với một màu mạnh khỏe và tươi sáng của tuổi trẻ. Mùa thu năm ấy, vì sức khỏe của nàng không được khả quan, và cũng vì người ta cần một cô giáo trong trường làng, Thiếu Hoa được thuyên chuyển tới đó để dạy học. Tiểu Lâm cũng được thuyên chuyển tới một văn phòng của công xã.
  5. Một buổi chiều, sau khi dự một buổi họp của ban giáo huấn, nàng tới lưu xá của Tiểu Lâm. Căn phòng không khóa, nhưng chàng không có trong đó. Khi nàng nhặt lên những quần áo dơ của chàng để giặt cho chàng, nàng tình cờ trông thấy cuốn nhật ký của chàng trên một chiếc bàn nhỏ bên cạnh giường. Khi nàng lơ đãng đọc qua mấy trang đầu, nàng tình cờ đọc những hàng vừa viết đêm hôm trước. "Hôm nay thực là nhức đầu quá! Bí thư Lý sáng nay bảo tôi rằng ủy ban đảng quận bộ dự định thuyên chuyển tôi tới sở tuyên truyền, vì thế họ truy xét nguồn gốc chính trị của tôi. Ông ta nói ủy ban quận bộ đã nhấn mạnh rằng mối liên hệ của tôi với Thiếu Hoa là một trở ngại chính trị và giai cấp. Nếu cứ tiếp tục thì họ sẽ phải tái xét việc thuyên chuyển của tôi. Tôi thực tình không thể hiểu được lý luận này." Thiếu Hoa sững sờ kinh ngạc. Nàng vội rời khỏi căn phòng và trở về trường trong một sự bàng hoàng, và chỉ khi nàng đã nằm xuống giường rồi mới ôm mặt khóc. Sau bữa điểm tâm sáng hôm sau, đầu nàng nhức như búa bổ. Nàng đến gặp thẳng viên bí thư của ủy ban quận bộ và bình tĩnh nói với hắn, "Thưa bí thư Lý, tôi đã cắt đứt liên hệ với Tô Tiểu Lâm. Xin đừng để sự liên hệ với tôi ảnh hưởng tới tương lai của anh ta." Sau đó, nàng trở thành một người khác hẳn, thụ động hơn và ít nói hơn thường lệ. Mặc dầu Tiểu Lâm từ chối chức vụ tại cấp quận bộ và cố gắng lấy lòng nàng như trước, nhưng nàng cố ý tránh Tiểu Lâm. Bây giờ nàng nhận thấy rằng địa vị của chính nàng sẽ không bao giờ khá hơn, và chiếc giây thừng quấn quanh cổ nàng cũng sẽ quấn luôn những ai có liên hệ với nàng. Vì nàng thực lòng yêu Tiểu Lâm, nàng cảm thấy rằng không nên gây liên lụy cho chàng. Bác sĩ cho biết sức khoẻ của nàng có thể khá hơn nếu nàng lập gia đình, nhưng nàng sửa soạn hy sinh hạnh phúc riêng của mình cho hạnh phúc của Tiểu Lâm. Nàng quyết định sẽ không bao giờ yêu ai nữa. Từ đó trở đi nàng chuyển tất cả tình yêu và hoạt động vào học sinh của nàng. Nàng dùng tiền dành dụm để mua giấy bút cho chúng, và dùng tất cả những buổi tối giúp chúng học ôn lại bài. Mối liên hệ chặt chẽ giữa nàng và các học sinh đã giúp nàng quên tất cả những gì đã xảy ra, ít nhất là trong lúc ấy. Hai năm nữa trôi qua. Thiếu Hoa đã trưởng thành là một thiếu nữ. Sau khi nhóm Thượng Hải Tứ Hung bị loại khỏi chính trường, nàng cảm thấy thoải mái hơn và nụ cười đã trở lại với nàng. Khi nàng tham dự cuộc diễn hành do dân làng tổ chức để mừng sự sụp đổ của nhóm Thượng Hải Tứ Hung, nàng chưa bao giờ xúc động đến thế. Nhưng khi nàng nghĩ tới quá khứ, thì nàng lập tức rơi vào một nỗi buồn mênh mông. Một hôm khi nàng đang chấm bài cho học sinh, một người bạn đưa cho nàng một lá thư có dấu bưu điện từ tỉnh Giang Tô. Thư của ai thế này? Nàng tự hỏi. Khi bóc lá thư, nàng biết rằng thư đó là của mẹ nàng. Ðịa chỉ đã thay đổi. Nếu là hồi trước thì nàng đã xé bỏ lá thư đi rồi, nhưng bây giờ nàng không thể không đọc hết. “Con Thiếu Hoa yêu quý, “Ðã tám năm kể từ ngày con bỏ mẹ. Ðó không phải là lỗi của con và mẹ không trách con đâu. Mẹ chỉ muốn cho con biết rằng trường hợp của mẹ đã được điều chỉnh rồi, và bản án sai lầm trước kia của mẹ đã được hủy bỏ. Cái nhãn hiệu "phản đảng" gán cho mẹ cũng đã thay đổi, vì đó là một phần âm mưu của nhóm Thượng Hải Tứ Hung muốn chiếm đoạt quyền hành. “Bây giờ mẹ đã trở lại nhà trường với chức vụ hiệu trưởng cũ của mẹ. Nhưng tiếc thay sức
  6. khoẻ của mẹ trong mấy năm qua đã suy kém rất nhiều và mẹ mắc bệnh tim trầm trọng, và bệnh phong thấp nữa. Tuy thế, mẹ vẫn quyết tâm làm những gì có thể làm được cho đảng. “Thiếu Hoa, đã tám năm mẹ không trông thấy con. Mẹ muốn đến thăm con, nhưng sức khỏe của mẹ không cho phép. Xin con đến với mẹ, càng sớm càng tốt. Yêu con. Mẹ của con Ngày 20-12-1977” Thiếu Hoa vô cùng sửng sốt. Nàng tự hỏi, "Có đúng thế không?" Tim nàng cực kỳ hồi hộp. Lúc 10 giờ tối đêm ấy, Thiếu Hoa nằm trên giường, đọc đi đọc lại lá thư. Nàng cảm thấy như đã trở về nhà, mở cửa căn nhà cũ và trông thấy mẹ nàng ngồi viết ở bàn. Khi ngẩng mặt lên, mẹ nàng kinh ngạc kêu lên, "Thiếu Hoa!" và chạy ùa lại phía nàng. Lòng tràn đầy xúc cảm, nàng ôm chặt lấy mẹ. Sau một lúc nàng ngẩng đầu, lau nước mắt và hỏi, "Mẹ, mẹ viết gì thế?" "Không viết gì cả. Chẳng có gì cả..." Bà cố gắng dấu tờ giấy không cho nàng thấy, vẻ mặt hoảng sợ. Thiếu Hoa vội giằng lấy tờ giấy và đọc thấy những chữ "Thú tội thêm về trường hợp phản đảng của tôi". Thiếu Hoa nhìn mẹ và hét lên, "Thực là xấu hổ!" Rồi nàng quay lưng lại và bước ra khỏi phòng. "Con đi đâu thế?" "Không việc gì đến bà!" Nhưng mẹ nàng bước nhanh hơn nàng một bước, và chắn ngang cửa, tóc xõa ra. Bỗng nhiên Thiếu Hoa hét lên và tỉnh dậy trở về với thực tại. Nàng vẫn cô đơn một mình trong giường. Hoảng sợ, nàng ngồi dậy và nghe tim đập dữ dội. "Ta có nên đi thăm mẹ không?" Thiếu Hoa lớn tiếng tự hỏi. Nàng vẫn chưa quyết định được. Hai ngày trước Tết, sau khi nhận được giấy chính thức của nhà trường cho biết mẹ nàng hiện ở đâu, Thiếu Hoa vội vàng sắp hành lý và đi chuyến xe lửa sớm nhất về Thượng Hải. Vì thế bây giờ nàng đang ngồi trên xe lửa nhắm hướng Thượng Hải. Làm sao nàng có thể giữ bình tĩnh được? Một mặt nàng rất khích động và sung sướng, mặt khác nàng cũng rất đau buồn và đầy hối tiếc. Ðúng sáng ngày mồng một Tết thì xe lửa tới nhà ga Thượng Hải với một tiếng còi kéo dài. Khi xuống xe lửa, Thiếu Hoa đi bộ dọc theo sân ga cùng với mẹ con đứa con gái nhỏ, và tiễn họ tới tận bến xe buýt. Ðến đó nàng nhảy lên xe điện số 18, một túi hành lý khoác lên vai và một túi xách trong tay, và hăm hở trở về nhà. Bên ngoài cửa kiếng xe điện là những cảnh đường phố và những tòa nhà quen thuộc từ hồi nàng còn nhỏ. Ý nghĩ trở về nhà làm nàng tràn đầy một sự sung sướng đặc biệt. Nàng tự nghĩ: Ðây là Ðại Hội Mùa Xuân. Không biết bây giờ mẹ đang làm gì? Mẹ không thích ngủ trễ thì chắc giờ này mẹ đã thức dậy rồi. Khi mình mở cửa, chắc là mẹ đang ăn điểm tâm. Rồi ta sẽ rón rén lại gần và gọi mẹ bằng một giọng dịu dàng nhất để mẹ khỏi giật mình, và mẹ sẽ quay lại nhìn ta. Rồi chắc mẹ sẽ ngạc nhiên lắm và sẽ khóc ... Với những ý nghĩ ấy trong đầu, nàng bước xuống xe điện, rẽ sang ngõ 954 và đếm số nhà: 16-18-20. Tại số nhà 20, nàng dừng lại và bước tới chiếc cửa màu nâu quen thuộc. Cố kìm giữ sự hồi hộp và luống cuống, nàng gõ cửa hai lần. Không có ai trả lời. Có lẽ mẹ chưa dậy,
  7. nàng nghĩ. Nàng gõ cửa lần nữa, lần này mạnh hơn. Vẫn không có tiếng trả lời. Hơi lo ngại, Thiếu Hoa đấm mạnh cửa. Nhưng căn nhà vẫn im lặng. Một đứa con gái nhỏ bỗng xuất hiện sau lưng nàng, đang nhai miếng bánh, và hỏi nàng, "Cô tìm ai? Những người ở nhà này đã dọn ra ba ngày rồi." "Bà ta dọn đi đâu?" Thiếu Hoa hỏi. Ðứa bé gái ngập ngừng, rồi chạy về nhà. Một lát sau, một người đàn bà trạc tuổi ngoài ba mươi bước ra. "Có phải cô tìm bà hiệu trưởng Vương không? Bà ấy đã dọn tới căn nhà số 1, ngõ 816 rồi. Xin phép hỏi cô là ai?" Thiếu Hoa ngừng lại một giây, rồi trả lời với một nụ cười, "Tôi có chuyện riêng với bà ta. Cám ơn bà." Thiếu Hoa đi tới căn nhà số 1, ngõ 816 và thấy đó là một căn nhà mới xây cho công nhân. Khi nàng trông thấy một chậu hoa mai trên bậc thềm, một loại hoa mà mẹ nàng rất ưa thích, thì nàng biết nàng tìm đến đúng chỗ rồi. Nhưng cửa đóng. Có lẽ mẹ không được khoẻ và còn nằm trong giường, Thiếu Hoa nghĩ vậy. Trước khi nàng bắt đầu gõ cửa thì một người đàn ông đang đánh răng ở căn nhà số 2 gọi nàng, "Có phải cô tìm bà Vương không? Bà ấy không có ở đây. Hôm qua bà ấy lên cơn bịnh và được đưa vào bệnh viện rồi." Thiếu Hoa giật mình. "Bệnh viện nào thế ạ? Ông có biết số phòng không?" Người đàn ông lắc đầu. "Tôi rất tiếc không biết." Thiếu Hoa xin phép để hành lý tại đó và chạy vội về hướng bệnh viện địa phương. Vì là ngày Tết, hành lang bệnh viện vắng ngắt. Nàng chạy tới bàn giấy chỉ dẫn, nhưng không có ai tại đó. Khi quay lại, nàng trông thấy mấy bác sĩ mặc áo choàng trắng vừa từ ở một góc đi tới, vừa đi vừa nói chuyện với nhau. Thiếu Hoa chạy lại và hỏi, "Xin lỗi bác sĩ, tôi muốn hỏi bà Vương nằm phòng nào?" Một bác sĩ gầy và đeo kiếng nhìn nàng một lát rồi như nhớ lại điều gì, đưa cho nàng một mẩu giấy mà ông ta đang cầm trong tay. "Cô chắc là nhân viên của trường bà Vương. Bà ta đau nặng lắm. Tôi yêu cầu cô đánh điện cho con gái bà ta được không. Ðây là địa chỉ. Bà Vương đã chết sáng nay. Xin cho con gái bà ta biết..." "Không! Không!" Thiếu Hoa xúc động nhìn về phía trước. Bỗng nhiên nàng bắt đầu bước đi, và rồi dừng lại. "Phòng nào? Phòng nào?" Vị bác sĩ chỉ tay về cuối dãy và nói, "Phòng số 2." Nàng chạy bổ xuống cuối dãy trong một cơn mê hoảng và đẩy vội cửa vào. Những người trong phòng quay lại và nhìn nàng chăm chú. Nàng đẩy mọi người ra và len tới bên giường. Hai tay run rẩy, nàng kéo tấm vải trắng phủ mặt mẹ. Ðây là khuôn mặt mà nàng không được gặp trong suốt chín năm qua, một khuôn mặt nàng sẽ mất vĩnh viễn. Khuôn mặt của mẹ nàng tái xanh và mệt mỏi, nằm giữa mớ tóc muối tiêu, và phô bày những vết thẹo của những vết thương cũ vẫn còn thấy lờ mờ giữa những nếp nhăn trên trán. Cặp mắt vẫn còn mở hé trong một cái nhìn lặng lẽ như đang chờ đợi cái gì. "Mẹ ơi!" Tiếng gọi đó nàng đã đè nén không dùng tới đã chín năm rồi, bây giờ bật ra trong một tiếng khóc xé lòng. "Mẹ ơi! Hãy nhìn con đi! Con đã trở về đây." Nàng lắc cánh tay bà mẹ, nhưng không có tiếng trả lời.
  8. Một lúc lâu khi cơn khóc của nàng đã nguôi ngoai, nàng lơ đãng nhìn quanh những người ở trong phòng. Nước mắt cũng chảy xuống trên khuôn mặt họ nữa. Nàng bắt gặp một khuôn mặt quen thuộc, trẻ và đẹp trai, mang nặng một nỗi u buồn. Ðó là Tô Tiểu Lâm. Nàng đang định lên tiếng gọi chàng thì Tiểu Lâm nói trước: "Thiếu Hoa, không sao đâu. Bây giờ tất cả đã xong rồi." Ngày hôm sau, sau lễ hỏa thiêu tại Long Hoa, Thiếu Hoa và Tiểu Lâm lặng lẽ đi dạo với nhau dọc theo Bến Tầu, nơi nàng đã dạo chơi suốt thời niên thiếu. Lúc đó đã khuya rồi và một cơn gió xoáy từ sông thổi vào. Thiếu Hoa đứng tựa vào người Tiểu Lâm và cảm thấy trái tim lạnh lẽo của nàng ấm lại nhờ sự hiện diện của chàng. Nàng rất biết ơn Tiểu Lâm. Khi chàng biết bà mẹ đau ốm của nàng đã được phục hồi tình trạng chính trị, chàng đã lập tức đi thăm mẹ nàng trong kỳ nghỉ phép của chàng. Khi chàng nghe tin mẹ nàng đau nặng, chàng đã vội chạy tới bệnh viện vào lúc nửa đêm, để xem tình trạng mẹ nàng ra sao. Thế là hai người gặp nhau, và chàng đã săn sóc mẹ nàng thay thế cho người con gái, dù chỉ một thời gian ngắn. Việc này thực là một an ủi cho Thiếu Hoa. Hai người vẫn lặng lẽ đi dưới ngọn đèn đường. Bỗng nhiên Tiểu Lâm nhớ lại cuốn nhật ký. Chàng rút ra khỏi túi, lật đến trang cuối cùng, đưa cho Thiếu Hoa và nói: "Mẹ em viết mấy hàng chữ này trước khi chết, đêm hôm kia." Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường, nàng đọc: ... “Cho tới ngày hôm nay, tôi lúc nào cũng ao ước con gái tôi trở lại, nhưng con tôi vẫn chưa về. Bây giờ trông thấy Tiểu Lâm, tôi còn thấy nhớ con tôi hơn nữa. Trong khi con gái tôi không bị thương tích về thể xác như tôi dưới sự hành hạ của bọn Thượng Hải Tứ Hung, nhưng vết thương trong tim con gái tôi còn tệ hơn tất cả những vết thương trên người tôi. Ðây chính là lý do tại sao tôi hết sức lo lắng muốn gặp lại con gái tôi. Ðời tôi kể như hết rồi, nhưng tôi vẫn cố bám lấy đời sống thêm vài ngày nữa, để tôi có thể gặp lại con gái tôi...” Mắt Thiếu Hoa mờ vì lệ. Nàng bỏ Tiểu Lâm đứng đó và chạy ra mé bờ sông. Nghiêng người lên bức tường, nàng lơ đãng nhìn ánh sáng lấp lánh trên mặt nước. Một lát sau, nàng ngẩng đầu lên. Sự khích động trên mặt nàng trở thành một nỗi căm giận im lặng. Nàng nắm chặt tay Tiểu Lâm và với cặp mắt sáng long lanh, nàng nói chậm chạp nhưng gằn giọng, "Mẹ yêu quý, xin hãy ngủ bình yên. Con sẽ không bao giờ quên những kẻ đã gây ra những vết thương cho mẹ và con." Nguyễn Vạn Lý lược dịch Hết
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2